T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Tờ hai chục – Valentines

clip_image001

(Hình : Courtesy of http://kylyssa.squidoo.com)

Có những tờ hai chục được dúi vô tay cô tiếp viên ở nhà hàng như chút phần thưởng cho cái ly mới khách không yêu cầu, nhưng cô tiếp viên hiểu ý người khách cần cái ly mới, dù chỉ để uống tiếp chai rượu cũ. Một chút hiểu ý những khách hàng ngại yêu cầu nơi quán xá, nhưng lại chính là những người khách rất hào phóng. Điều ấy, tôi đã chứng kiến khi ngồi chung bàn với người bạn bỏ túi cả xấp giấy hai chục chỉ để tiện tay thì dúi cho cô này, cô kia.

Đương nhiên là chai rượu trên bàn thuộc loại đắt tiền, và chưa hết chai này thì đã có chai khác để sẵn ở góc bàn. Kể ra người thành công đáng được hưởng sự trân trọng của đồng loại sau những cực khổ kiếm tiền mà người nghèo không phải trải qua để giàu có.

Nhưng nhìn lại những người tiếp viên là những người chị ở địa phương quen biết. Con cái họ còn trong đại học hay đã đi làm. Tôi biết hết vì những hôm không tiền, ghé nhà hàng ăn ké cơm trưa với các chị và luyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Nghĩa là tiếp viên ở nhà hàng này không có gì hở để câu khách. Họ đã già thì không phải, nhưng không thuộc thành phần tiếp viên “show hàng” với khách để lấy những đồng tiền từ vốn trời cho…

Túi tiền của tôi quá khiêm nhường so với ông anh này trong chuyện hàng quán. Vì anh còn dẫn tôi đi những nơi toàn xài giấy một trăm như bướm bay, chứ không xài tờ hai chục nữa. Trong khi tôi chẳng giúp gì được cho anh trong những việc đầu tư, kinh doanh của anh. Chỉ là anh thương tôi như người thấu hiểu nỗi buồn sâu kín trong lòng một người di dân ba chìm bảy nổi gặp kẻ mười lênh đênh như tôi. Mà chắc gì tôi hiểu được người thanh niên vượt biên với hai bàn tay trắng. Nhìn lại mấy mươi năm, từ làm thuê làm mướn; rồi làm chủ thành công; làm chủ thất bại để trở về hai bàn tay trắng – coi như vứt qua cửa sổ một đoạn đời. Để lại thành công song hành với thất bại trên thương trường của một người lưu vong mang tâm niệm phi thương bất phú theo truyền thống gia đình anh. Nhưng anh còn lại gì khi trong tay đang nắm tài sản lớn mà miệng nói ra lời buồn như gió mưa qua…

“Anh không biết mình làm để làm gì nữa. Nhưng công việc cứ ép anh mở mắt từ 3 giờ sáng để vật lộn với những con số trên hàng loạt báo cáo của nhân viên, hoá đơn của khách hàng, hăm dọa của sở thuế… anh làm việc tới sáng bét thì ra công ty, bỏ bữa điểm tâm không kịp ăn cho vợ chửi mỗi ngày như hát; lại vùi đầu vô việc công ty tới chín, mười giờ tối. Về tới nhà là bật lên giường, muốn ăn chút gì rồi đi ngủ thì cũng không còn sức để ăn.

   Anh biết là bây giờ có làm đến đâu thì năm, mười năm nữa cũng hết tuổi trời. Không làm gì nữa thì cũng không chết đói với năm, mười năm nữa. Nhưng ra ngoài với giới chủ cả thì họ chỉ nhằm mục đích tiếp xúc để tìm ra kẽ hở của mình; gặp giới chính trị thì họ tìm cách lợi dụng tiền bạc của mình cho mục đích tiến thân của họ trên con đường chính trị không có điểm dừng… Trong khi anh chỉ thích được ngồi ngoài vỉa hè với chai rượu đế cũng được, miếng khô mực nướng, người bạn có thể chia sẻ được… nó mới chính là mình!”

Đó là anh bạn tôi rất dám khoản đãi ở địa phương. Vì ngồi ngoài vỉa hè thì ai cũng một cái ghế cóc như nhau, và rất vừa với túi tiền tôi có. Lại rất giống tâm tính coi trọng tất cả những thứ không gì…

*

Rồi cũng tờ hai chục với một người anh khác; là người từng thành đạt ở địa phương này trong quá khứ-cái thời của thời thế tạo anh hùng. Nên thời anh hùng tạo thời thế bây giờ thì anh ngồi một mình ngoài quán cà phê-để hỏi nhỏ người quay lại, “Em còn tiền trong túi không vậy? Cho anh mượn hai chục đổ xăng, coi!”

Coi. Ừ thì coi lòng kiêu ngạo của anh đi về đâu? Anh bán nhà lớn-mua nhà nhỏ; bán nhà nhỏ-ra apartment ở thuê một phòng; bán tới xe đắt tiền của vợ; rồi bán tới xe hiệu của anh… Hai vợ chồng đi chung cái xe cũ. Thật ra là cái xe mỗi sáng anh đưa chị đi dũa nail; anh đi tìm người quay lại ngày càng hiếm trong đời quay lưng-để mượn tờ hai chục… Ngồi đồng cũng lắm công phu-là kiệt tác anh có thể thành công, nhưng chữ nghĩa của anh vốn kiêu ngạo, lời lẽ của anh chủ cả, không thích hợp cho tuyệt tác mang nội dung, “hết cơm hết rượu hết ông tôi…*”

Tờ hai chục như rác rưởi với anh hôm nào thì hôm nay đã bắt được người kiêu ngạo phải cúi xuống-hỏi nhỏ-chính những người không có trong mắt anh trước đó…

Tờ hai chục của anh hùng tạo thời thế; tờ hai chục của thời thế tạo anh hùng như bức tranh sống nên không có nét cọ nào khô mực để thành tranh. Bức tranh sinh động của đời thường để thấy mình trong đó! Tôi chưa bao giờ dám coi thường tờ hai chục, vì chính người Mỹ còn nói: Một trăm xu là một đồng. Hoang phí vô độ như người Mỹ; nước Mỹ mà còn không dám coi thường đồng xu thường hoen gỉ thì người di dân tôi làm sao dám coi thường tờ hai chục.

Nhưng có 2 tờ hai chục trong đời di dân của tôi thường ẩn hiện trong suy nghĩ! Đó là tờ hai chục ngoài cây xăng mà tôi đã bỏ vào thùng quyên góp của Hội hồng thập tự, sau hôm New York bị khủng bố. Tôi mong vì không thay được máu hẹp hòi đã chảy trong tôi bốn ngàn năm. Chỉ mong mình hãy nhớ (đừng quên) về lòng bao dung của nước Mỹ với mình. “Đừng hỏi tổ quốc đã làm được gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm được gì cho tổ quốc.*” Dù muốn hay không thì người di dân cũng gởi hết phần đời còn lại của mình và tương lai con em nơi đây. Chữ “tổ quốc” quá thiêng liêng khi nói tới quê nhà bên kia biển, sao bạc bẽo với mảnh đất đã thực sự dung chứa và cưu mang chúng ta. Tờ hai chục không lớn; không nhỏ. Giá trị đích thực của nó là tiền tệ. Và tiền thường làm cho người ta tệ!

Tôi lại nhớ đến tờ hai chục thứ hai đã in đậm vào suy nghĩ riêng tôi từ khi đặt chân lên nước Mỹ, là một hôm (khi tôi làm nhà hàng). Trong túi tôi móc ra để đổi tiền cho ông chủ nhà hàng phải thối tờ một trăm cho khách. Trong xấp tiền của tôi có tờ hai chục hơi khác thường. Người chủ nhà hàng (tên là John), nhưng ông là người Đài Loan. Ông ấy tinh mắt, dù đeo kính cận khá dày.

Sau khi người khách đã đi. Ông nói với tôi,

“Ê. Đưa tao xem tờ hai chục của mày coi!”

Ông ấy mừng rỡ nói với tôi, sau khi xem kỹ tờ hai chục của tôi.

“Tao cho mày cái website về mua bán tiền xưa. Tờ hai chục này đã có hơn 60 năm tuổi. Mày có thể bán được từ hai tới ba trăm đô la-tùy mức tờ tiền còn mới bao nhiêu phần trăm. Nhưng tờ hai chục này còn mới lắm!”

“Vậy, tôi bán cho ông ngay bây giờ! Đưa đây một trăm đô la. Tôi không rành tiền xưa, bạc cắc cũ…”

Ông John không trả lời tôi, mà cũng không trả lại tôi tờ hai chục khác thường. Ông để tờ hai chục lên bàn làm việc của ông; cẩn thận dằn lên đó cái điện thoại di động…

Trưa vắng, người Đài loan đứng tuổi đi tới đi lui trong nhà hàng. Ông đột ngột quay lại nói với tôi,

“Tao thích mày với sự nhạy bén của một người làm ăn. Nhưng mày tính đi làm mướn suốt đời hay sao?”

“Ý ông là, từ tờ hai chục may mắn có được này-tôi làm quen với nghề mua bán tiền xưa-để trở thành một ông trùm trong ngành mua một bán mười…!”

“Đúng. Tao không lầm sự nhạy bén của mày. Vì mày rất giống tao hồi trẻ; hồi tao mới qua Mỹ. Tao đến Mỹ còn không chính thức được như mày! Tao bỏ ra biết bao nhiêu thời gian và sức lực để đi làm thuê-mà là làm lậu để có tiền mua giấy tờ-hợp thức hoá thành công dân Hoa Kỳ. Tao đi làm hãng điện tử của Đài loan để bắt đầu một cuộc đời muộn. Nhưng tao làm có một tay, và một mắt. Một tay với một mắt còn lại, tao sờ mó, tọc mạch vào những việc mà tao thấy có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn làm hãng. Tao mở cái nhà hàng bán thức ăn nhanh (fast food) đầu tiên với tiền vốn dành dụm mười năm trời. Mười năm, tao không ăn nhà hàng, không mua một chai bia hay một gói thuốc lá; đi chợ không mua cá bao giờ, chỉ mua gạo với trứng gà là đủ sống. Tao ăn trứng mười năm để có thể sang lại cái nhà hàng mà tao làm thêm cho họ mỗi ngày sau khi tan hãng và hai ngày cuối tuần. Nhưng chỉ sau 5 năm sang tiệm, tao có ba cái nhà hàng fast food…”

“Ông muốn có một hệ thống nhà hàng fast food cùng tên-trên toàn nước Mỹ…”

“Đúng. Mày đã hoang phí thời gian và sự nhạy bén của mày!”

“…”

Ông ấy làm cho tôi bừng tỉnh sau nhiều năm vô tư đi làm hãng. Bị lay-off thì đi làm tạm ở nhà hàng. Tôi nhớ mình một thời đã từng mua giấy đầu chợ bán sách cuối chợ ở Sàigòn. Nhưng định mệnh đã thay tôi trả lời ông John, vì những điều trưa hôm ấy tôi nói ra từ tâm chứ không phải từ trí…

“Ông John. Tôi kể ông nghe chuyện này,…”

Một thương gia đi tới đi lui trên bãi biển mà chính phủ vừa cho phép tư nhân đầu tư du lịch. Ông ấy tính xây nhà hàng để phục vụ khách du lịch đến tắm biển. Nhưng không biết xây nhà hàng sẽ có doanh thu hơn hay xây khách sạn cho họ nghỉ ngơi sẽ lời hơn? Và nếu xây cả hai thì ông ấy không đủ vốn!

Nhưng người thương gia đột ngột bỏ hết ý định làm ăn trong đầu vì không chịu được hình ảnh người thanh niên đang ngồi câu cá-cá đã mắc câu mà anh ta cũng không thèm giật lên… Ông ấy đến bên người thanh niên, và nói.

“Anh bạn. Anh còn trẻ quá. Sao lại phí thời gian và cơ hội đến cá đã cắn câu mà không giật lên?”

“Ồ! Đây là con thứ ba cắn câu. Tôi chơi với nó chút rồi thả nó đi. Vì tôi chỉ cần hai con cho hôm nay-thì tôi đã có rồi!”

“… Anh có biết là thời gian, tuổi trẻ, và đặc biệt là cơ hội sẽ không bao giờ trở lại. Anh nên nghĩ cách dùng lưỡi câu chùm-thay vì một lưỡi-để mỗi lần thả câu sẽ được vài con; Anh phải nghĩ đến một giàn cần câu máy-gắn ở bờ biển này, và anh thuê mướn vài người chỉ chuyên đi gỡ câu cho người cung cấp cá tươi cho toàn vùng này… là anh.”

“Rồi, tôi sẽ làm gì nữa? Thưa ông.”

“Anh bạn trẻ ạ! Anh hãy để dành tiền kiếm được từ giàn câu máy mà mua một thuyền câu để ra khơi-vì cá lớn không vô bờ cạn. Anh phải nghĩ đến một đội thuyền câu do anh làm chủ. Anh phải tận lực và khôn ngoan để đầu tư vô đội thuyền đánh cá bằng lưới, chứ không câu nữa. Phải nghĩ đến cả đội thuyền đánh cá hiện đại-có trang bị máy móc chế biến cá ngay trên tàu. Để ra khơi đánh cá, nhưng khi vô bờ là cả tàu cá hộp. Cung cấp, phân phối đi toàn cầu… Anh có hiểu tôi nói gì không?”

“Rồi sao nữa? Thưa ông.”

“Khi ấy thì anh đã là một tỷ phú. Anh mặc sức mà hưởng nhàn.”

“Thế ông không thấy tôi đang hưởng nhàn đây hay sao?!”

“…”

Ông John vịn cớ một người khách vừa bước vô nhà hàng. Tôi biết ông cố tình không nói chuyện với tôi nữa vì tôi lấy order của người khách không tới ba mươi giây. Đó là anh bạn quen bên Bưu điện chỉ order một hộp cơm chiên duy nhất cho anh ta. Thậm chí cũng không đợi lấy mà nói, chút tao quay lại lấy…

Rồi tôi thôi việc nhà hàng theo bản chất của người không thể yên thân một nơi. Cả hơn năm sau. Bỗng ông John gọi tôi thăm hỏi, lần đó ông nói với tôi một việc ngoài lề, “mày hãy đến nhà tao để chở cây đàn piano về cho con mày xài. Cây đàn còn tốt lắm, tao mua cho con gái tao học đàn, hồi nó còn nhỏ. Nhưng nay nó đã xong đại học và sống riêng, đã mua đàn khác.”

Tôi trả lời không cần đàn. Nhưng tôi đang ở gần nhà ông. Ông có nhà không? Tôi ghé chơi chút. Lâu quá không gặp ông.”

Thì ra ông ấy đang dọn nhà. Mấy lời thăm hỏi qua điện thoại trong mùa lễ không gặp, không nói lên được gì ngoài sự xã giao trong đời sống. Chúng tôi uống hai ly vang không chân vì đang dọn nhà nên uống rượu đỏ bằng hai cái chén ăn cơm. Bài học Mỹ lắng đọng trong tôi êm ái như rượu đỏ Bordeaux thứ thiệt: Qua hình ảnh ông John, làm tôi nghĩ: Ở tuổi ba, bốn mươi, người di dân nào cũng cầy hai, ba job để mua cái nhà (như cái hộp) cho thật lớn-để chứa vào đó đủ thứ brand-name; đủ trò Hightech… Nhưng chưa kịp thoả mãn sự thèm khát, thiếu thốn ở quê nhà thì tuổi năm mươi như giấc ngủ trưa đã đến – mới chợp mắt đã thấy mình sáu mươi rồi hả! Cái xe brand-name đã lên màu thời gian; dàn tivi, đầu máy hightech đã phủ bụi thời gian thiếu người lau, quét… Buồn nhất là hai cổ vật còn lại trong căn nhà lớn thiếu hơi người vì con cái đã cao chạy xa bay khỏi ngục tù ăn học bị cưỡng bức này. Cổ vật giống như con đực ho khục khặc thì cổ vật giống như con cái cũng lúc lắc dàn xương rệu rã với thời gian và thời tiết oái oăm… Hai cổ vật nhìn nhau không nói mà đồng cảm: mình chưa sống sao đã già!

Cũng khá lâu sau đó, tôi tình cờ gặp con trai lớn của ông John. Người thanh niên hôm nào còn phụng phịu cuối tuần bị cha bắt ra nhà hàng chạy phụ mấy chú đi đưa thức ăn tới nhà khách hàng mệt xỉu; hay lấy order phụ nhà trên; có hôm bắt thằng nhỏ xuống nhà dưới chiên cánh gà đỏ mặt… Nó dứ dứ nắm đấm sau lưng ba nó làm trò cười cho anh em dưới bếp hôm nào. Vậy mà nay đã ra dáng đàn ông với râu mép tỉa tót, chút râu cằm phong lưu… Chắc hết gọi bằng nó được rồi! Thì hắn cho tôi biết, cha mẹ hắn bán nhà lớn lần đó, mua căn nhà nhỏ hơn để ở với đứa em gái sau khi nó lập gia đình. Nhưng thằng em rể lại mua nhà lớn và không thích ở chung với cha mẹ vợ. Cha mẹ hắn về sống bên Đài loan đã mấy năm. Bây giờ ông ấy đi câu cá, còn bà ấy đi chùa mỗi ngày…

Tôi gởi lời thăm ông John. Chắc chắn là không quên nhắn: Anh nói với ba anh. Tôi nhắc ông ấy chơi với con cá thứ ba câu được trong ngày, rồi thả nó đi… Đó là chuyện riêng của tôi với cha anh, anh không cần hiểu bây giờ. Vì ông ấy sẽ kể cho anh nghe khi anh về Đài loan thăm cha mẹ.

Tờ hai chục có 60 mươi năm tuổi vẫn nằm trong hộc tủ, có hộp lưỡi dao cạo râu của tôi. Mỗi lần cần thay lưỡi dao cạo râu thì mới mở hộc tủ ấy ra; tôi lại thấy ông John đi tới đi lui trong nhà hàng vào một trưa vắng khách, nét đăm chiêu của ông cũng không khác nhăn nhó của gương mặt ngài Andrew Jackson trên tờ hai chục. Có lần tôi nghĩ hơi khác, là mình giàu thật rồi còn gì! Tờ hai chục này mình chỉ nhớ tới khi thấy nó. Thử hỏi, trên đời có mấy ai quên tiền của mình?! Nhất là mệnh giá hai chục nhưng lại có giá trị tiền xưa lên đến hai trăm tiền thật hiện hành. Cái cảm giác giàu có, dù chỉ trong khoảnh khắc-chợt thấy, nhưng làm cho toàn thân mãn nguyện. Nhưng nếu giàu triền miên thay vì khoảnh khắc thì sao chứ? Không biết ta sao, chứ người giàu thật sự trên hành tinh này thì hầu như vẫn chưa người giàu nào bằng lòng…

*

Tháng hai lại về, có ngày lễ tình yêu-Valentines trong tháng tuyết tan để mùa xuân nẩy lộc. Xin để câu chuyện về tờ hai chục đô la này như một dòng tự chảy về tình yêu dị chủng trong đời sống hợp chủng quốc, -khó tránh khỏi những cuộc hôn nhân không cùng màu da, tiếng nói. Nhưng bản chất của tình yêu không có những định kiến hẹp hòi của loài người về chủng tộc…

Bữa tiệc cuối năm ta vừa tan hàng. Tôi trở về nhà với suy tư về người phụ nữ trẻ thứ hai ở Dallas mà tôi biết là cô có chồng Mễ.

Nguyên cha cô là ông Tức-bạn tôi. Chúng tôi quen biết tự nhiên. Hôm tôi đi dự buổi lễ thượng kỳ hay hạ kỳ gì đó của một Hội cựu quân nhân VNCH được tổ chức ở Hội trường của Trụ sở Cộng đồng người Việt Quốc gia Dallas. Tôi thường đến đúng giờ cần có mặt để chụp vài tấm hình làm phóng sự địa phương cho tờ báo. Sau đó là lặn mất tiêu để tránh tiệc tùng hậu sự.

Tôi cũng không thích được giới thiệu tên mình cho bàng dân thiên hạ nhìn ngó khó coi. Nhưng hôm đó gặp vị MC quá thương anh em truyền thông báo chí ở địa phương nên giới thiệu tận tình (không tha ai hết). Tôi đành đứng dậy chào mọi người khi nghe xướng tên tôi.

Rồi bổn cũ soạn lại là tôi bấm nút biến sau khi chụp hình xong. Vừa lặng lẽ, âm thầm chuồn ra cửa thì gặp người đàn ông dễ nhìn, ông trắng, cao, gầy, có mái tóc bạc rất đẹp,… Ông chào tôi,

“Hi, Phan. Khỏe không?”

“Dạ. Cảm ơn anh. Phan ô-kê! Anh khoẻ chứ!”

“Thật là có duyên hôm nay. Tôi đọc nhiều bài viết của Phan, từ lâu lắm rồi, nhưng đâu biết mặt. Hôm nay nhờ MC giới thiệu Phan, nên tôi mới ra đây đón lỏng… Tôi là độc giả thường xuyên của Phan. Tôi tên Tức”

“Anh đúng là anh Tức. Biết anh, tôi tức chết!”

“Sao vậy?”

“Tại anh đẹp trai hơn tôi…”

“…”

Chúng tôi thành bạn bè dễ quá nên khó quên! Anh Tức không uống rượu bia, không hút thuốc lá, lại ăn kiêng vì có bệnh trong mình. Vậy mà hễ rảnh là thích hẹn tôi đến những nơi không say không về, lại thường nhắn thêm là “rủ thêm mấy người bạn cho vui nha Phan.”

Anh làm tôi nghĩ: Anh khá giả, tiền đem cúng chùa hay cho nhà thờ không ai cảm ơn còn bị nghe giảng đạo. Chắc anh sợ thành Phật…

Rồi năm hết tết đến năm nay, anh Tức hẹn lớn, “Hey, tới anh ăn tất niên nghe. Năm nay dứt khoát không say không về vì anh vừa mời được một cao thủ uống bia bên Mễ qua đây để tiếp em đó!”

Tưởng anh ấy nói chơi cho vui! Ai dè tôi bước vô nhà anh Tức chiều đó, chưa chi đã thấy một ông Mễ thứ thiệt cung nghinh mình hơi dư trang trọng. Tôi còn bận chào hỏi mấy ông bạn của anh Tức nên sau đó mới biết ông Mễ kia là con rể của anh. Thì ra tôi đã biết được người phụ nữ Việt thứ hai ở Dallas có chồng Mễ – là con gái anh Tức.

Chắc chắn bữa tiệc ở nhà của người Việt nam thì dư ồn. Nhưng hàng sáu của anh Tức với mấy ông bạn không bệnh này cũng chứng kia tới hồi hoành hành nên chả mấy chốc các ông tan hàng đâu hết trơn.

Nhìn đi nhìn lại chỉ còn tôi với người con rể của anh Tức đang giúp đỡ cho hãng bia Corolla. Anh ấy tên là Fernando. Một người thanh niên hiền lành, trí thức, anh ấy có vẻ người sống nội tâm… Những điểm ấy như giải thích với tôi việc anh lấy được vợ Việt, lại là cô gái con nhà khá giả, học cao, hơn hết là… đẹp. Con gái anh Tức có phần hơn những nét đẹp cha con giống nhau là sự trí thức trên gương mặt cô thánh thiện hơn cha cô…

Tôi với Fernando dọn bạn ra cái nhà kiếng ở sân sau để không ai làm phiền, vì trong nhà có hai đứa cháu ngoại của anh Tức quậy thì không tới, mà ồn thì… như ông ngoại của chúng. Chúng được nuông chìu quá nên vòi vĩnh thì phải! Hơn hết là anh chàng Mễ nói tiếng Việt rất sỏi này đã thu hút tôi!

Tôi ngồi đối ẩm với Fernando, anh ấy điềm đạm, chững chạc, không chỉ trong giao tiếp mà phong độ uống bia cũng đáng nể lắm! Cứ từ từ, từ từ… “Ông có muốn dùng thêm một chai nữa không? Thưa ông Phan.”

Tôi tính nghỉ chơi với ông già vợ của anh để chơi với Mễ vì người ta gọi tôi bằng ông, trang trọng, lịch sự… trong khi già Tức chỉ “lịch sử” lần đầu gặp gỡ với chữ “duyên” cho đỏm dáng. Từ đó về sau toàn gọi tôi bằng những từ khó nghe…

Tôi nhịn hết nổi sự tò mò nên lộ nguyên hình,

“Hey, Fernando. Anh học chung đại học với cô Nga (con gái anh Tức) hả?”

“Không.”

“Sao anh quen cô ấy được?”

“…Ông. Không viết chuyện tình của tôi lên báo chứ?”

“Sao…anh biết tôi…”

“Tôi nói, nghe, đọc, viết tiếng Việt đều được. Nhưng hiểu tiếng Việt thì ít thôi, vì người Việt xài chữ bóng bẩy quá! Tôi có nghe cha mẹ vợ nói chuyện về ông, họ thích đọc ông…”

“Cảm ơn.”

“Nhưng tôi nhớ vợ tôi giải thích cho tôi cụm từ của ông đã dùng, đã viết, “Tử tế quá sinh nghi”. Tôi hình dung ra ông…”

“Vậy thực tế thì sao?”

“Đúng thôi!

Dzô…”

“Fernanro. Tôi thật sự vui sướng khi được nói chuyện với anh. Đặc biệt là nói tiếng Việt. Tôi cũng xin thưa chuyện với anh: Vợ anh là người phụ nữ Việt thứ hai có chồng là người Mễ mà tôi biết ở Dallas này. Tôi muốn nghe chuyện tình của anh. Thú thật tôi hiếu kỳ.”

Fernando đắn đo. Anh ta như khó nghĩ… Tôi thì cảm ơn trời phật khi nghe anh ta nói,

“Ông Phan. Tôi đã có nghĩ qua việc sẽ viết về chuyện tình của mình bằng tiếng Việt. Để vợ tôi hiểu được tôi yêu cô ấy dường nào! Ngoài tình yêu, tôi còn lòng biết ơn người con gái Việt ấy nữa…”

“Vậy thì hay lắm! Anh cứ tóm tắt chuyện tình của anh cho tôi nghe trước đi. Khi nào anh viết xong cuốn tình sử ấy thì tôi sẽ là người (edit) lại tiếng Việt cho anh…”

“Được. Tôi định sẽ viết như vầy, ông nghe thử xem có được không?”

“Anh nói nghe thử…”

“…”

“Tôi là Fernando. Quê tôi ở ngoại thành Mexico City. Tôi lớn lên trong một gia đình lao động bình thường. Cha tôi làm thợ hồ xây dựng, mẹ tôi làm bồi bàn trong một nhà hàng bình dân. Tôi có hai người chị, tôi là người con thứ ba trong gia đình và cũng là người con trai duy nhất của cha mẹ tôi.

Cha tôi chết bởi tai nạn lao động, ông bị té giàn xây cất và qua đời tại công trường xây dựng. Năm đó, tôi mới 3 tuổi. Người chị lớn của tôi 7 tuổi, người chị kế của tôi 5 tuổi.

Mẹ tôi là một người phụ nữ giỏi lắm! Bà dùng số tiền bồi thường tai nạn của cha tôi để nhờ những người bạn thợ hồ của ông giúp đỡ bà phá bỏ căn nhà bằng vật liệu rẻ tiền và đã cũ kỹ của gia đình tôi. Coi như việc không may qua đời của cha tôi đã để lại được cho vợ con một căn nhà xây kiên cố. Mẹ tôi suy nghĩ: Người chồng không may đã giúp đỡ được cho bà một chỗ ở an toàn, không phải lo lắng gì nữa cho con cái đến ngày chúng nó trưởng thành. Bà chỉ còn lo chuyện đời sống cho ba đứa con.

Mẹ tôi làm hai, ba công việc trong một ngày để nuôi chị em tôi đi học. Nhờ vậy mà chị lớn tôi có được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp trung học. Chị kế tôi cũng có việc làm khi xong trung học. Ba người phụ nữ trong nhà đều đã có lương tháng nên họ chung nhau lo cho tôi khoản tiền đi đại học. Vì mình mẹ tôi không lo nổi tiền bạc cho hai chị tôi đi đại học.

Tôi không có cha từ khi mới ba tuổi. Nhưng tôi biết ơn mẹ và hai chị của tôi nhiều lắm. Cả cuộc đời tôi không có ngày nào bị đói, hay bị bỏ rơi, chưa bao giờ phải mặc quần áo cũ… cho tới khi tôi tốt nghiệp đại học, với văn bằng Kỹ sư xây dựng – về xa lộ và cầu cống.

Khi tôi có việc làm, lương không nhiều. Nhưng hơn hẳn bạn bè tôi không có bằng đại học. Tôi rất hạnh phúc với tương lai và gia đình. Vì hai chị tôi cũng đã lần lượt lập gia đình. Mẹ tôi vui lắm với những đứa cháu đã biết nói. Chúng được hai chị tôi chăm sóc rất sạch sẽ, dạy chúng những lễ phép trong giao tiếp. Hai người anh rể của tôi rất đối xử tốt với mẹ tôi. Họ thương và kính trọng bà như mẹ ruột của họ vậy!

Khi cả nhà họp mặt đọc kinh tưởng nhớ ngày mất của cha tôi. Sau đó ăn uống ở nhà mẹ. (Hai chị tôi đều đã có nhà riêng. Chỉ còn tôi ở lại nhà với mẹ.) Trong không khí ấm cúng của gia đình. Chúng tôi quyết định bằng những con số cụ thể là hàng tháng tôi sẽ đóng góp bao nhiêu, chị lớn tôi bao nhiêu, chị kế tôi bao nhiêu… thành một số tiền cho mẹ tôi sinh sống nhưng không phải đi làm nữa.

Hai người anh rể của tôi là hai người anh tốt như anh ruột. Hai anh cũng tham gia cuộc nói chuyện đó. Nhưng hai anh quyết định: Ba chị em tôi cứ tự lo việc đóng tiền nuôi mẹ tôi. Còn hai anh sẽ để dành tiền chung nhau cho tới khi nào đủ thì mua một cái xe hơi. Để đưa mẹ tôi đi bác sĩ vì bà đã già rồi, hay bệnh này bệnh kia. Khi nào mẹ khoẻ thì cả nhà đi chơi chung bằng xe hơi.

Tôi không tưởng tượng được là gia đình tôi có xe hơi, nó sẽ ra làm sao trong khu nhà của người lao động nghèo mà tôi đã sống từ nhỏ tới lớn.

Và một ngày quan trọng lắm! Người anh rể thứ hai trong gia đình tôi, (anh làm nghề lái taxi). Anh ấy tự hào bóp kèn xe inh ỏi cả khu xóm để cho mọi người biết là anh đã mua một cái xe van to lớn về nhà mẹ tôi. Cái xe cũ nhưng còn sạch sẽ và máy móc không có vấn đề gì. Từ đó, gia đình tôi trở thành nhà giàu trong khu nhà nghèo.

Tôi càng kính trọng mẹ tôi khi bà ra lệnh cho tôi phải đi học lái xe, lấy bằng lái đàng hoàng. Tôi tưởng mẹ tôi sẽ bắt mình làm tài xế để đưa bà đi đâu bà muốn. Nhưng không phải như vậy! Mẹ tôi không thích đi xe hơi. Bà chỉ thường sai tôi chở ông này, ông kia… là những người bạn của cha tôi, những người đã giúp mẹ tôi xây nên ngôi nhà từ tiền bồi thường tai nạn cho cha tôi năm xưa. Nay tôi có bổn phận phải đưa các ông ấy đi bác sĩ bằng xe hơi-cho an toàn.

Có ông còn nắm tay tôi sau khi tôi đưa đi, đưa về tận nhà. Ông ấy nói về lòng biết ơn của ông ấy với mẹ tôi vì bà đã cho tiền ông ấy đi khám bác sĩ…”

Fernando đã vô truyện, anh ấy không còn thấy tôi đang lắng nghe nữa. Người đàn ông Mễ hiền lành và đẹp trai cũng không còn hiện diện trong nhà kiếng này nữa. Tất cả chỉ còn là dòng chảy của ký ức di dân. Anh ấy chìm đắm trong hồi tưởng…

“… Một hôm tôi đi chơi đêm với bạn bè trở về. Tôi không muốn làm ồn để mẹ tôi thức dậy-và thấy tôi say bia thì bà rất buồn. Nhưng tôi lại tự đến bên mẹ tôi-đang ngồi im lặng như bức tượng-sao ai lại để trên sofa.

Hai bàn tay mẹ tôi vừa bưng nắm, vừa mân mê bức hình cha tôi-trong bóng tối của phòng khách không mở đèn. Chỉ có ánh đèn màu xanh dương nhỏ trên chỗ thờ Đức Mẹ hắt xuống mái tóc đã có nhiều sợi bạc của mẹ tôi.

Tôi thương mẹ tôi lắm! Tôi còn nhớ khi tôi 7 tuổi. Có người bạn của cha tôi đã cầu hôn với mẹ tôi, nhưng mẹ tôi từ chối. Họ chỉ giữ quan hệ bạn bè với nhau tới tận bây giờ. Ông ấy là người có vợ trước khi cầu hôn với mẹ tôi. Nhưng vợ ông ấy đã đi theo người đàn ông khác, bỏ lại nhà cho ông ấy một người con gái bị bệnh tâm thần. Nên ông ấy cầu hôn với mẹ tôi để chung lo cho mấy đứa trẻ của hai gia đình… Tôi cũng không biết sao mẹ tôi từ chối, vì ông ấy là người được chị em tôi quý mến, kính trọng.

Trong bóng đêm yên tĩnh của căn phòng khách của gia đình tôi, mẹ tôi không biết tôi đã về nhà và đang nhìn mẹ tôi từ góc khuất của phòng đọc sách và làm việc của tôi. Mẹ tôi cô đơn lắm! Tôi đến bên mẹ mình và hỏi: Mẹ nhớ thương cha con lắm hả?

Mẹ tôi thở dài, mẹ nói: Cha con là người rất cực khổ với gia đình. Ước mơ của ông là mua được một cái xe hơi để chở vợ con đi chơi. Mẹ không dám nói ra sự tính toán của mẹ làm cho cha của con tổn thương. Lương của cha và cả tiền lương của mẹ chung lại mới đủ lo ăn cho gia đình mình lúc đó thôi. Căn nhà ngày xưa gia đình mình ở,tuy nó cũ kỹ,nhưng đã là tất cả số tiền hồi môn của mẹ và bà nội của con đã để dành riêng cho cha của con một số tiền vì ông là con riêng của bà nội. Bà cho lén cha mẹ để mua nhà.

Nhưng cha con là người chỉ biết đến thước đo sao cho chính xác, người giỏi tính toán cần bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu cát, xi-măng để xây một bức tường dài, và cao bao nhiêu. Ông ấy không biết tính tiền nên mới dám ước mơ mua xe hơi.

Mẹ cũng không ngờ là bây giờ nhà mình đã có xe hơi. Mẹ chỉ thương cha con khi có được rồi thì ông ấy không còn nữa-để vui vẻ…

Tôi ngồi với mẹ tôi rất lâu đêm hôm đó! Tôi đã hiểu được việc mẹ tôi không thích đi xe hơi. Thật ra bà rất thích, nhưng lòng thương nhớ người chồng đã làm cho bà từ chối sự ham thích, thụ hưởng một mình.

Tôi ước mơ đúng với một điều khác mà mẹ tôi cũng đã nói ra tối hôm ấy! Tôi ước mơ có được người vợ như mẹ của tôi. Và đúng là mẹ tôi đã nói ra việc muốn tôi kết hôn.

Tôi trở về phòng mình đã gần sáng. Nhưng hôm sau là ngày nghỉ nên tôi không lo việc dậy trễ để đi làm. Vậy mà tôi vẫn không ngủ được. Vì suy nghĩ của tôi đêm hôm đó là: Ai cũng mong muốn cho người thân của mình được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đang có của hai người chị làm tôi lo sợ việc mình cưới vợ không được hạnh phúc như hai người chị-sẽ làm mẹ tôi buồn!

Tôi nhớ đến lời khuyên của mẹ về việc hôn nhân mà mẹ vừa nói với tôi ban nãy ngoài sofa. Ý mẹ tôi muốn nói về việc chọn bạn gái để cưới thành vợ là chọn người bạn gái thương yêu mình nhất, chứ đừng chọn người bạn gái mà mình thương yêu nhất!

Tôi đúng là đang có cả hai người bạn gái ấy! Nên ngày hôm sau, tôi đến thăm người bạn gái thương yêu tôi nhất vào buổi chiều tối. Cô ta rất hạnh phúc với sự viếng thăm không báo trước của tôi. Chúng tôi ăn chiều ở nhà cô ấy, cùng với cả gia đình cô ấy đều vui vẻ với tôi trên bàn ăn.

Nhưng sau khi tạm biệt ra về, tôi không về nhà như đã nói mà gọi cho người bạn gái tôi thích nhất với mong muốn cô ấy chịu đi chơi với tôi. Nhưng cô ấy đã từ chối tôi vì mệt, muốn ở nhà.

Tôi chưa muốn về nhà nên gọi mấy người bạn trai đi uống bia. Sau đó tôi đến thăm người bạn gái tôi thích nhất vì cô ấy bị mệt.

Đó là sự việc mất lý trí nhất trong cuộc đời tôi. Vì khi tôi đến đầu hẻm vào nhà cô bạn gái tôi thích nhất, vừa lúc một chiếc xe hơi thể thao thả cô ấy xuống, vì xe hơi không vào hẻm nhỏ được. Chắc là sau một cuộc vui chơi ở đâu đó vì quần áo cô đang mặc rất thích hợp cho một buổi khiêu vũ hay tiệc tùng có khiêu vũ. Tôi dự định quay về nhà-và không bao giờ đến thăm cô ấy nữa. Tôi đã biết được một điều tôi không thích cô ấy là việc cô ấy thường nói dối tôi. Lần nói dối tối nay là lần cuối cùng, cô ấy đã từ chối đi chơi với tôi qua điện thoại nên tôi mới rủ mấy người bạn trai đi uống bia. Cô ấy đã nói dối là ở nhà vì mệt. Thật ra là đi nhảy đầm với bạn trai khác.

Tôi không để cho cô ấy thấy tôi. Nhưng tôi biết tôi không trở lại con hẻm này lần nào nữa. Tôi muốn nhìn lần cuối người bạn gái mà tôi yêu thích. Tôi nhìn theo người ấy nhỏ dần vào hẻm tối. Bỗng có tên cướp giật, đã giật cái xách tay từ tay cô ấy và bỏ chạy. Tôi không tính toán gì kịp nữa mà chỉ biết chạy đến chỗ nạn nhân để nói là: Hãy đợi tôi quay lại. Rồi tôi đuổi theo tên cướp vào sâu hơn, tối hơn của con hẻm quanh co… Hắn bị rượt đuổi nên cố chạy nhanh hơn, tôi thì quên hết nguy hiểm đến khi có hai người đàn ông khác chặn đường tôi lại. Tên cướp cũng quay đầu lại, để ba người tấn công tôi.

Vậy là tôi từ thế tấn công phải trở thành tự vệ. Tôi chống chọi với ba người không nổi. Sự việc may mắn trở thành tai nạn cho tôi là tôi cướp được một thanh gỗ từ tay người tấn công tôi. Tôi chống trả họ với thanh gỗ cướp được và tìm đường tháo chạy. Sự việc tồi tệ khi người bị tôi cướp mất thanh gỗ đã rút một lưỡi dao dài bên hông anh ta ra để tấn công tôi. Tôi đã mất tự chủ vì hoảng sợ lưỡi dao nên thanh gỗ trong tay tôi cũng đã mất tự chủ khi giáng trả anh ta một đòn quá nặng-sau khi tôi tránh được nhát đâm khủng khiếp của anh ta. Thanh gỗ và sự sợ hãi của tôi đã cướp đi sinh mạng anh ta.

Hai người còn lại thấy nạn nhân giãy chết nên hoảng sợ, bỏ chạy. Tôi thì ngược ra con hẻm để báo cảnh sát, là điều tôi thấy cần thiết nhất sau khi họ bỏ chạy. (Cái xách tay bị giật còn ở hiện trường, nhưng tôi không quan tâm nữa!)

Cuối cùng của vụ việc đó là tôi bị cảnh sát bắt và tống giam. Ngay trong đêm, người bạn gái tôi yêu thích nhất đã kịp báo tin cho gia đình tôi hay. Khi trời gần sáng thì cảnh sát thả tôi ra! Người đón tôi là người anh rể thứ hai trong gia đình. Anh chỉ nói với tôi ở một trạm xe vận tải lớn: Em mang tội giết người rồi. Vấn đề không nghiêm trọng vì không phải cố sát mà là tự vệ. Nhưng tiền luật sư để chứng minh được điều đó là ngoài khả năng của gia đình. Nên anh chỉ có thể nhờ bạn bè đưa em qua Mỹ-trước. Mọi chuyện còn lại sẽ cho em biết sau. Em đừng buồn gia đình khi đã hết khả năng mới đưa được em ra khỏi trại giam.

Tôi biết mình sẽ đi về đâu, sẽ ra sao trong tương lai, sau khi gởi lời xin lỗi mẹ cho người anh rể.

Từ đó, tôi thành người Mễ lậu trên nước Mỹ. Tôi sống nhiều nơi theo nhóm bạn Mễ lậu và công việc được thuê mướn. Chúng tôi sống ở Cali, Uta, Nevada, Wyoming,… Nhiều nơi không nhớ hết. Chỉ nhớ đã ba năm tôi không về nhà.

Một buổi chiều ở Houston-Texas. Tôi chờ người thuê mướn mình ở chợ người. Và đã trông thấy một cô gái châu Á, bị bể bánh xe trước. Cô ta gọi điện thoại cầu cứu và chờ đợi. Nhưng không ai đến giúp. Cô ấy mở sách hướng dẫn (trong xe) ra đọc và tự làm cũng không được!

Tôi thì ngại ba người Mỹ đen đang dòm ngó và có vẻ có ý không tốt với cô gái. Trời lại bắt đầu tối xuống rồi… May sao ba người bạn tôi vừa được người mướn chở về chợ người. Chúng tôi đã có bốn người nên không sợ ba người Mỹ đen kia nữa. Tôi đến giúp cô ấy thay cái bánh xe.

Xong việc. Cô ấy cảm ơn tôi và cho tôi 20 đô la.

Tôi không nhận. Vì tôi tự ý đến giúp chứ cô ấy đâu có mướn tôi đâu! Chúng tôi làm việc với giá cả thoả thuận trước, quen rồi! Tôi nói vậy xong, chào cô ấy và biến mất.

Chừng một tuần sau thì cô ấy trở lại chợ người tìm tôi. Cô ấy chở tôi đi, đãi tôi một tô phở để cảm ơn tôi thay bánh xe cho cô hôm tuần trước.

Tôi rất thích thú tính sòng phẳng của cô gái Việt nam này. Nhưng cô ấy đang học Đại học năm thứ ba, trong khi tôi là tên Mễ lậu!

Ông có tin là có Đức Chúa hiện hữu trong từng ước mơ của mình không? Tôi thì tin, vì một hôm sau đó, chúng tôi gặp được người giàu tốt bụng. Bà Mỹ đó chở 4 thằng tôi về nhà bà dọn vườn chỉ nửa ngày. Vậy mà bà cho mỗi đứa 100 đô la. (Trong khi người bạn tôi ra giá cho 4 người-làm việc nửa ngày cho bà ta chỉ có 100 đô la-cho 4 người).

Tôi có tờ 100 đô la trong túi nên ước mơ được mời cô gái Việt đi ăn tối ở nhà hàng Mễ với tôi một lần.Tôi cầu xin Chúa thương xót tôi… và Người đưa cô ấy đến tìm tôi lần thứ hai!

Người con gái Việt ấy đã chiếm giữ linh hồn tôi. Làm cho nỗi nhớ trong tôi không đi ngủ. Tôi thành người thất tình, cộng với thất nghiệp thường xuyên nên thê thảm lắm! Nhưng tôi không cầu xin Ơn trên được nữa vì tôi biết hoàn cảnh của mình; tôi biết được gặp thêm một lần sẽ buồn thêm nhiều lần khi nhớ đến cô ấy. Tôi cố quên cô ta đi trong đời sống của mình.

Nhưng mùa lễ năm đó, cô ấy trở lại chợ người (sau mấy tháng không gặp). Cô ta không gặp tôi nên gởi bạn bè tôi cho tôi một cái áo lạnh. Và thật là may mắn cho tôi là một người bạn (tuy không biết tiếng Anh),nhưng chẳng biết sao anh ta nói-nói gì, mà cô ấy hiểu là tôi đang bệnh nặng lắm! Nằm ở nhà, không đi làm được…

Cô ấy xin địa chỉ apartment chúng tôi ở và một mình đến thăm tôi. Đó là giấc mơ đẹp nhất trong đời tôi đã thành sự thật. Tôi mê man với bệnh cúm nặng – và thường mơ thấy cô ấy đến thăm tôi.

Lần đó tôi bị cúm nặng đến sưng phổi vì không có thuốc (theo toa bác sĩ). Những loại thuốc bán tự do ngoài chợ không đủ sức. Nhưng cô ấy đã chăm sóc cho tôi khoẻ lại được nhờ quen biết của cô ấy với bác sĩ. Đặc biệt món quà cô ấy tặng cho tôi là cái điện thoại cầm tay. Vì tôi không xài điện thoại từ khi sang Mỹ, để tránh trường hợp nhớ nhà đến mất tự chủ thì tôi sẽ gọi về nhà. Và làm như vậy rất có thể lộ ra hành tung của tôi. Đó là cái điện thoại để tôi gọi một mình cô ấy khi tôi cần giúp đỡ. Tôi đã phải giấu bạn bè vật duy nhất trong đời Mễ lậu của tôi.

Chúng tôi thành bạn của nhau, nhờ cái điện thoại cô ấy tặng tôi. Ông cứ thử tưởng tượng ra một người Mễ lậu-sau cả ngày không có việc làm-không biết tối nay tiền đâu ăn chút gì để đi ngủ-không thân nhân, gia đình… Vậy mà có một cú điện thoại gọi hỏi thăm mình. Dù tôi có nói dối là: Tôi ô-kê! Rồi đi ngủ đói thì hạnh phúc cũng ngập lòng tôi qua đêm…

Tôi biết ơn điều đó đến có thể chết được. Ông có biết không? Một ngày qua chỉ có việc làm và việc làm là sự sống. Tôi đã được sống hơn sự mong đợi có người gọi đi làm là chờ điện thoại. Tôi chỉ cần được nghe lời thăm của cô ấy là đã đủ năng lực để sống với sự buồn chán, cực khổ và cô đơn… tôi hoàn toàn nói dối gia đình trong những lần ít ỏi tôi gọi về nhà bằng điện thoại mượn (có khi là mướn) để không ai tìm ra tôi đang ở đâu? Tôi luôn nói với mẹ tôi là tôi có việc làm, đủ sống, chỉ nhớ nhà và người thân của tôi thôi! Tôi nói vậy để gia đình yên tâm chứ tâm tôi khổ lắm, đời sống càng khổ hơn…

Tôi rất buồn khi mùa hè năm thứ tư của bạn tôi đã đến. Cô ấy ra trường là coi như không gặp được nữa vì cô ấy sẽ đi làm ở đâu xa… Nhưng cô ấy lại tiếp tục học lên Cao học nên không rời khỏi Houston. Tôi quyết định mỗi ngày tôi sẽ cho một người homeless nào đó-một đô la để tạ ơn trên đã đãi ngộ tôi. (Tôi từ đó nổi tiếng khùng điên trong những người Mễ lậu quen biết tôi ở Houston).

Chúng tôi thỉnh thoảng được gặp vì cô ấy rất bận đi học và đi làm thêm. Và những lần gặp mặt thì cũng chỉ thăm hỏi, uống cà phê hay ăn phở. Nhưng với tôi là cả ân huệ.

Hai năm trời với một người sống ngoài vòng pháp luật trên nước Mỹ này không dễ đâu! Nhưng tôi thấy thời gian qua rất nhanh. Tôi lại rớt vào tuyệt vọng khi cô ấy học xong hai năm cao học.

Hôm cha cô ấy từ Dallas xuống Houston để dọn đồ về nhà cho con gái, tôi có đến giúp-với tư cách người Mễ lậu được thuê mướn để khuân vác cho ông những vật nặng từ căn apartment ra xe. Nhưng ông là người tinh tế! Ông đã nhìn ra quan hệ của chúng tôi.

Trong khi tôi im lặng làm việc vì đầu óc chỉ nghĩ đến ước mơ ngoài khả năng là tôi có thể tiếp tục thuê căn apartment đó vì những kỷ niệm đã in sâu vào tâm trí tôi. Rất đơn giản như tôi đi bộ đến thăm cô ấy bất chợt, vì có khi là tôi có một khoản tiền và muốn đãi cô ấy; có khi tôi đến chỉ để xin vài gói mì gói. Gặp hôm cô ấy có tiền thì cô ấy lái xe chở tôi đi ăn phở, hay uống cà phê. Hôm không có tiền thì nấu hai tô mì gói-ăn với nhau. Tôi ra về rất hạnh phúc sau mỗi lần đến thăm cô ấy vì cô ấy là một người hợp pháp duy nhất xem tôi như một người bạn trên nước Mỹ này.

Người cha của cô ấy đã nhìn ra quan hệ của chúng tôi hôm cô ấy dọn đồ về nhà ở Dallas. Ông trả tiền công cho tôi là sáu mươi đô la, nhưng đưa tờ một trăm và bảo tôi giữ lấy! Trên tờ tiền ấy có số điện thoại của ông.

Tôi không thể không gọi cho ông sau đó. Và khi đã gọi thì không thể nói dối điều gì! Tôi nói cả chuyện quan trọng nhất là: Cô bạn gái của tôi từng nói với tôi: Gia đình cô chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với cô là đi học. Nhưng cô ấy đã đi làm thêm nhiều việc, nhiều giờ trong mấy năm qua để có được một số tiền lớn, để giúp tôi tiền luật sư, tiền toà án, tiền hối lộ… để tôi có thể trở về nhà (quê tôi) như người trắng án với vụ giết người vì tự vệ.

Thì chính cha vợ tôi là người mời anh rể tôi sang Mỹ du lịch, nhưng là nhận việc do ông sắp đặt. Cha vợ tôi rất am hiểu, biết ứng phó với luật pháp trong một xã hội tham nhũng còn nặng nề như bên Mễ. Ông cho tìm ra nhân chứng quan trọng nhất của vụ án là cô bạn gái bị giật bóp của tôi. Điều tôi nhớ suốt đời là anh rể của tôi phải đưa cho cô ấy năm ngàn đô la Mỹ thì cô ấy mới chịu ra toà làm chứng cho tôi là hành động tự vệ khi bị bọn cướp tấn công. Về cô ấy, có thể ông nghĩ là người tệ hại. Nhưng tôi thông cảm được cho dù gì cũng là một người bạn cũ đang gặp khó khăn…

Trong khi người con gái thương yêu tôi nhất thì khi hay anh rể tôi tiến hành lật lại hồ sơ ngoài toà án để tìm kiếm trắng án cho tôi. Cô ấy, tuy đã có chồng con và đời sống không giàu có gì, nhưng đã tìm gặp anh rể tôi để giúp cho tôi chút đỉnh tiền bạc với hết khả năng cô ấy có được.

Tôi không ngờ sự thật là một ngày tôi quay về Mễ để ra toà, để nghe ông toà phán xét: Tôi trắng án trong vụ án năm xưa vì tự vệ. Tội danh được tòa tuyên án là 1 năm quản chế (probation).

Tôi sống lại trong căn nhà xưa với mẹ tôi và dành ra một năm đó để học thêm tiếng Anh cho tới khi có thể đi học được ở một trường Anh ngữ. Vì cô bạn tôi muốn món quà cảm ơn sự giúp đỡ của cô dành tôi trong mấy năm qua là tôi theo học và lấy được bằng đại học về xây dựng cầu, đường ở Mỹ. Cô ấy tin tưởng ở năng khiếu và sự ham thích về xây dựng những công trình giao thông của tôi…

Chắc là ông hiểu, tôi có thể làm bất cứ điều gì bạn tôi muốn để đáp lại việc cô ấy giúp tôi đã được trở về nhà-sống với mẹ tôi-như một giấc mơ trong những đêm lạc loài của đời tôi. Dù tôi không biết tiền đâu để tôi theo học đại học bên Mỹ. Thì chính cô ấy đã về Mễ để cưới tôi qua Mỹ.

Khi tôi đã có vợ quốc tịch Mỹ thì việc đi đại học ở Mỹ của tôi-tôi có thể tự lo lấy. Tôi lo lấy đời sống và tiền học một mình suốt bốn năm trời. Tôi lo lắng nặng nề nhất là tiền làm đám cưới sau khi tôi ra trường vì cô ấy qua Mễ cưới tôi chỉ để đưa tôi về Mỹ. Còn đám cưới chính thức (đám cưới thật) phải theo đúng phong tục Việt nam. Nhiều lần cuối tháng, tôi đối diện với một loạt bills – nhức đầu bằng mấy lần chuyện học trong trường. Là những lúc tôi ước gì được sống lại những ngày đi xin cô bạn Việt nam mấy gói mì gói để tôi với mấy người bạn sống qua mưa gió ở Houston…

Bây giờ thì tôi đã có thể làm việc cho Mỹ và cả bên Mễ – tuỳ theo hợp đồng; Tôi có một gia đình riêng của mình, với duyên nợ từ tờ hai chục mà tôi từ chối lúc khốn nạn nhất trong đời mình. Nhưng nó đã giúp ngược lại cho cả cuộc đời tôi-thông qua người vợ tôi; Tôi có một tình yêu mà một nửa là lòng mang ơn suốt đời không quên…”

“Thât là một chuyện tình đẹp như mơ. Anh biết không, chính tôi lớn lên sau khi Việt nam hết chiến tranh. Nên tôi có những người bạn từ miền bắc vào nam. Họ cũng đi học và sinh sống với chúng tôi trong nam. Từ họ, tôi đã nhận thức được những suy nghĩ khác thường của người rời xa xứ sở của mình. Dù chỉ mới từ miền bắc Việt nam vô miền nam Việt nam.

Khi tôi ra hải ngoại, tôi có tiếp xúc với nhiều bạn bè nữ đã rời khỏi Việt nam từ nhỏ, hoặc sanh đẻ trên nước Mỹ. Họ có những suy nghĩ càng khác lạ hơn bình thường của phụ nữ Việt nam nữa. Thì vợ anh là một trong những người… có thể nói là phụ nữ Việt nam thế hệ mới.

Những khác lạ mà tôi nói ở đây là những thay đổi trong tư duy, cách sống của người phụ nữ Việt nam thế hệ mới thì tôi không dám ý kiến gì vì thời gian mới trả lời được là họ đúng hay sai. Tôi chỉ có lòng tin ở người phụ nữ quê tôi thường nghĩ cho người trước khi nghĩ cho mình. Sự hy sinh của cô ấy, rất cần người hiểu biết như anh để thăng hoa trong đời sống hôn nhân dị chủng thường không thoát khỏi lý do kinh tế, tài chánh…

Tôi rất vui lòng khi được anh tin tưởng giao cho việc edit cuốn tự truyện mà anh sẽ viết theo những gì anh kể…”

Tạm biệt Fernando trong vui vẻ một chiều đông lạnh lẽo cũng là chuyện lạ với tôi vì vốn dĩ mùa đông thường ảm đạm. Nhưng tôi vẫn tin trong tro có (còn) lửa. Tùy người khơi lên khói hay lên lửa ngọn ấm áp giữa mùa đông vì phụ nữ quê tôi đi làm dâu xứ lạ từ ngày mất nước thì nhiều, nhưng chắc chỉ một người đi cưới chồng xứ lạ. Ý nghĩa về tờ hai chục đô la lại một lần đi vào ký ức tôi – mang dấu ấn một cuộc tình chứ không phải đời thường như mấy tờ hai chục trước…

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search