T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhà thơ Lê Mai Lĩnh và tác phẩm mới chuẩn bị ra mắt

clip_image002

1.

Nhà thơ Lê Mai Lĩnh không xa lạ gì với độc giả TV&BH. Và với bút danh đầu đời văn nghiệp – Sương Biên Thùy – ông cũng không hề xa lạ với người hâm mộ văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975.

Khởi sự viết từ năm 1958, tức năm ông mới 16 tuổi, Lê Mai Lĩnh đã có một độ dài văn nghiệp không phải ai cũng đạt tới được. Về độ dầy, con số 16 tác phẩm đã xuất bản cũng là một con số thách đố cho nhiều cây bút tầm cỡ, bất kể thời gian 8 năm 6 tháng (Tháng 5/1975-Tháng 11/1983 ) ông phải chôn vùi quãng ngày đẹp nhất đời mình trong các nhà tù cải tạo ở khắp các miền đất nước.

Tôi biết ông từ những ngày ở trại tù nổi tiếng Z30A. Ông từ trại Tân Lập – Vĩnh Phú chuyển vào. Tôi từ trại Vĩnh Quang – Vĩnh Phú đến. Như ông kể trong chương I của tác phẩm mới nhất “Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh – Thơ-Văn -Tiểu Luận” Cội Nguồn xuất bản 2015, “Khi vào Nam, đầu năm 1980, tôi được anh em bạn tù dẫn đi đọc thơ khắp các phòng cho anh em thưởng thức”. Tôi biết ông là nhờ những buổi đọc thơ như vậy. Dạo ấy, sinh hoạt văn nghệ của anh em tù cải tạo chúng tôi rất phong phú, đa dạng: hát tù khúc, đọc thơ , hát nhạc vàng v..v… Tất nhiên, nhạc và thơ do anh em sáng tác tất cả đều mang nội dung phản kháng thực tại: tù trong (trại) và tù ngòai (xã hội). Bài thơ nổi bật nhất, với giọng đọc thơ “ngầu” nhất sang sảng âm hưởng miền Trung là bài thơ “Sắn” của người tù cải tạo Lê Văn Chính. Dáng người gầy ốm, dáng vẻ bất cần, gần như ngược ngạo, càng làm nổi bật cái khí phách của một nhà thơ, một kẻ sĩ trước thời cuộc. Độc giả TV&BH hẳn cũng đã từng đọc bài thơ Sắn và nghe giọng đọc của chính ông. Nhưng thú thật, giọng đọc Lê Mai Lĩnh bây giờ , gần 30 năm sau, so với giọng đọc của tù nhân Lê Văn Chính năm 1982 ở trại Z30A Xuân Lộc thua xa về độ nóng của lửa, dù lửa trong bài thơ “Sắn” vẫn còn nguyên vẹn. Tất nhiên, cái thác chỉ là thể phách, cái còn vẫn là tinh anh ( Thác là thể phách, còn là tinh anh – Nguyễn Du).

Và vì thế, hơn 30 năm sau nơi xứ người, dù tuổi đời đã vượt quá thất thập cổ lai hy, cái tinh anh còn lại nơi kẻ sĩ ưu thời mẫn thế ấy vẫn còn nguyên vẹn để giúp nhà thơ “sống đúng và sống hết số phận của mình”.

Và sự ra đời tác phẩm “Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh – Thơ-Văn -Tiểu Luận” này là điều tất yếu phải xẩy ra.

2.

Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh – Thơ-Văn -Tiểu Luận” dày hơn 600 trang gồm 8 chương và một chương kết gồm các hình ảnh sinh họat văn học nghệ thuật của nhà thơ theo với năm tháng.

Ngay từ Chương I “Trải Lòng”, người đọc đã nhìn thấy ngay vóc dáng khó lẫn của Lê Mai Lĩnh, cái vóc dáng dưới hình thức chữ nghĩa mà ngay cái tên bài tựa của Tuyển Tập, “Lê Mai Lĩnh, một phiên bản giữa Văn và Người” của nhà thơ Song Nhị, đã vẽ thật sắc nét.

Riêng với tôi, chỉ riêng chương I, tôi thấy lại một Lê Văn Chính mà tôi đã biết, cộng thêm sự chín muồi của tuổi tác qua Lê Mai Lĩnh mà tôi được có cơ hội tiếp xúc qua thư từ, điện thọai từ mấy năm sau này.

Con người này dù có bị bỏ tù mãn đời trong các nhà tù xã hội chủ nghĩa, cũng mãi mãi sẽ là anh học trò 16 tuổi Sương Biên Thùy với bài thơ đầu đời “Bản Cáo Trạng” mà Lê Mai Lĩnh của 60 năm sau khi hồi tưởng lại đã gọi đó là “một dự báo Trầm Luân quê hương”.

Đọc 7 chương còn lại của tuyển tập, người đọc dễ dàng đồng ý với tác giả, quê hương trầm luân là cái nền, trên đó Lê Mai Lĩnh bày tỏ tư duy và cảm xúc của mình qua các tác phẩm Văn, Thơ, Tỉểu Luận. Trên đất nước chúng tôi từ ngày ấy đến bây giờ, có người cầm bút chân chính nào mà không chọn cái nền “quê hương trầm luân” như một thứ định mệnh khắc nghiệt xuyên suốt con đường văn nghiệp của mình, nhưng ở Lê Mai Lĩnh, dường như ông không có sự chọn lựa nào khác. Nói đúng hơn, chính quê hương trầm luân đã chọn ông làm người lính mở đường.

7 chương sách này gồm những tác phẩm chọn lọc lại từ những gì ông đã viết, đã in thành sách, đã xuất hiện trên nhiều trang web của thế giới ảo. Và cả những gì người đồng thời của ông viết về ông, những bạn văn, những bạn học, những bạn tù, những thân hữu đây đó.

Để biết và hiểu, cảm trọn vẹn về Lê Mai Lĩnh, chỉ cần đọc tác phẩm này. Tôi tin rằng mình không cường điệu khi viết như vậy.

Và những người bạn của ông hẳn sẽ không thể không cảm thấy ngậm ngùi khi đọc đọan văn in ngay trên bìa sách:

“Tất cả chúng ta đều là những kẻ chiến bại trước sự đói nghèo của nhân dân. Trước quê hương khổ đau, chúng ta đều có tội, dẫu khóac cho nhau màu áo nào.

Trái tim máu, nước mắt tôi đây ngày trở lại sau 3102 ngày khổ sai trong 10 trại tù của Cộng Sản Việt Nam, từ Nam ra Bắc, xin trao tặng quê hương và bạn bè”.

TV&BH xin chúc mừng đứa con tinh thần cuối đời của nhà thơ vừa được in xong và, theo lời ông, sẽ được chính thức trình làng bằng các buổi ra mắt sách ở thành phố San Jose, tiểu bang California, ở thành phố Garland –Dallas, tiểu bang Texas, vào dịp mùa hè sắp đến .

Độc giả TV&BH muốn có sách của nhà thơ Lê Mai Lĩnh, xin liên lạc về địa chỉ:

Lê Văn Chính

241 Schenley Manor Dr.

Pittsburgh, PA 15201

USA

Tel: 412-661-4984

Email: levanchinh11@aol.com

(Ấn Phí là 30 Mỹ Kim bao gồm cả cước phí bưu điện)

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search