T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thai Ly: BÀN TAY HUYỀN THOẠI  

Suy Tư – Tranh: THANH CHÂU

           Bài nhạc Niệm Khúc Cuối của Ngô Thuỵ Miên, tôi không nhớ hết, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là các câu:

                Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời 

                Dù cho mây hay bão tố có kéo qua đây….

Trong “ấn tượng” này, tôi xin kể về một “bàn tay huyền thoại”.

            Năm đầu, về nhà mới, sát ranh rào nhà có hai cây dừa khá thấp, trái sai lắm. Chú chủ nhà chỉ cần kê thêm một cái ghế nhỏ là đã hạ được quầy dừa xuống. Mẹ con thích lắm, nhưng phải đợi ba cháu về chặt… Ông già về đầu ngõ, con gái đã ngồi chồm hỗm với cái dao bên cạnh. Vốn là  con gái cưng mà. Đâu để con đợi lâu, ông già ra chặt nhưng tôi thì hồi hộp quá. Trời đất, cầm dao tay trái, chuyện cũng bình thường, điều không bình thường là cách đặt “ngón tay”. Nghĩ sao mà… ngón trỏ chồm hẳn ra trước, tạo thế kềm 3 gọng “cán dao- lưỡi dao và trái dừa”, ngón tay nằm giữa. Nó mà chém xuống thì chắc “rụng nguyên ngón”. Tôi nhắc, yêu cầu “thâu ngón tay” về, nhưng xem ra đã là cố tật, tôi cứ léo nhéo một bên sao chặt được? Nên tôi đành buông xuôi quay vào nhà, cho khuất mắt, sau khi nói câu cuối cùng:

                 – Hai cha con uống đi, mẹ không uống nghe. 

            Lòng tự nhủ “thà nhịn” chớ lỡ ổng đứt tay, lại mang tiếng “tại chặt dừa cho vợ”. Cuối cùng, an toàn và tôi cũng có phần. 

             Chú chủ nhà, có để lại cho bụi chuối, giống tốt, quày nhiều nải, trái lớn lắm, chú còn bày cách tách cây con gầy cây mới; vậy là sau vườn nhà có mấy bụi chuối. Giờ đã trổ quầy, sau khi cắt bỏ bắp chuối, ba cháu ghi ngày cắt hoa lên thân để nhớ ngày thu hoạch. Chuối phát triển quá tốt, quầy chuối to và nặng dần, vợ chồng cùng ra chống giữ phòng khi gió lớn. Mắc cười, làm cũng giống chú Huệ hướng dẫn, cũng chống bằng 3 cây khá lớn, cũng mắc thêm vào cái vỏ xe đạp như quầy chuối đang nằm võng, nhưng sao nhìn chẳng có vẻ gì chắc chắn cả, lắc thử nó lung lay như “răng bà già”. Tôi có thắc mắc, nhưng ba cháu trả lời tự tin rằng:

               – Ai biểu em cố ý lắc cho cố chi nó chẳng vậy. Cứ để bình thường đi, có sao đâu. 

            Ừ, cũng phải, mình có rành đâu? Nghe vậy cũng đành “thua” đi vào nhà. Lẩm nhẩm tính “vậy là khoảng giữa tháng 10 mình chặt được rồi. Cũng hay, kịp cúng rằm, biếu tặng các nhà nếu dư thì sẽ bán”. 

             Một đêm, trời khá lạnh, mưa giật gió gào gần như suốt đêm. Sáng ra, ba cháu từ sau vườn vào báo với giọng thảng thốt:

                   – Em, cây chuối ngã rồi. Quầy chuối chắc hư luôn rồi. Nhưng anh thấy trái lớn lắm…

             Tôi nhẩm tính, vậy là sớm gần nửa tháng. Hy vọng không đến nỗi nào. Nhà hàng xóm sát vách chuyên buôn bán chuối, mình gọi họ và nhờ họ xem, nếu được thì giao trọn cho người ta, bán được bao  nhiêu hay bấy nhiêu. Tôi trả lời nhanh:

                 – Anh để yên đó. Lát bé Thuỷ đi ngang đây giao cho nó.

             Nhưng chủ nhà không chịu, xuống dưới nhà, cầm cái dao lăm lăm đi lên, quả quyết:

                – Thôi, để anh ra chặt cho rồi, kêu nó sau. 

             Thật tình mà nói, cứ mỗi khi nghe ổng cầm dao đi chặt bất cứ thứ gì là tôi sợ lắm. Hình ảnh ngón tay nằm dưới lưỡi dao hiện rõ mồn một, tôi không cho. Nhưng rõ là gia chủ đã quyết tâm, xăm xăm xách dao phăm phăm bước. Thôi, biết rồi, cái máu “ngang chướng” đã nổi lên, kệ đi, lo mà giữ con nhỏ đang ấm đầu. Nhưng thiệt tình, tôi ngồi chưa ấm chỗ, mắt cứ chăm chăm nhìn ra cửa sổ, đón nhà hàng xóm để gạ bán quầy chuối bị “đốn ép”, thì sau lưng vang lên tiếng gọi ngắn gọn, gấp gáp và đầy sự kinh hãi:

                 – Em…

             Tôi chỉ kịp ngoái đầu nhìn ngược ra sau chứ không kịp xoay người. Trời ơi, tôi đứng phắt dậy… bước vội ra. Bàn tay phải của ổng ôm chặt ngón trỏ của bàn tay trái, máu tuôn xối xả, chảy dài xuống tận cùi chõ… tôi muốn xỉu, nhưng phải trấn tỉnh, tất tả lo sơ cứu để cầm máu, lo nón áo cho con nhỏ đang bệnh rồi cả vợ chồng con cái cùng đưa nhau đi bệnh viện. Tôi thật vô cùng hoang mang, không biết có giữ được ngón tay không? Sâu quá, chỉ thấy máu và máu… Đến bệnh viện, may gặp người quen, họ đưa vào phòng tiểu phẫu dặn dò gửi gắm. May mà vẫn giữ được ngón tay có điều may nhiều lắm. Họ dặn dò các thứ và báo luôn: vết thương vậy là nặng, dưỡng lâu lắm. Mấy ngày đầu nên đến bệnh viện thay băng… Ôi, cũng hơn 10 ngày. Tôi làm y tá, thật ức lòng mà đành im lặng. Đã nói đừng mà sao vẫn cứ cãi là sao chứ, để giờ ra nông nỗi…

            Năm ấy, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa gió dài ngày, ai cũng mong mau qua tháng 10; bởi có câu “23 Ông tha mà Bà không tha” nhưng năm nay, có lẽ Ông Bà giận nhau to nên đã qua tháng 11 rồi mà gió mưa vẫn gào thét. Hôm ấy, tôi vẫn còn trên nhà ngoại, cũng sắp trưa, nhìn ra con hẻm nhỏ, thấy ba các cháu xuất hiện, ấn tượng là: Lái xe đạp chỉ một tay, tay phải, tay trái… chĩa thẳng lên trời, mà ngón trỏ lại được bao bọc bằng một nùi vải, nhìn, không hình dung nổi “nó màu gì”? Nhác thấy, tôi đã bước vội ra khỏi cửa nhà vì trực giác cho hay “đã có sự cố”. Sắc mặt ba cháu tái xanh. Tôi chưa ra đến chỗ, ổng đã nói nhanh: 

                        – Quầy chuối ngã. Anh ra chặt…

               Tôi không chờ được đến dứt câu. Ngoái đầu vào nhà dặn bà già cho gửi cháu, rồi quày quả lên xe chở đi bệnh viện. Ôi, tức tràn hông. Tức không thở được. Lần trước đã dặn rồi, có gì cứ kêu bán, hơn thua có là bao, làm không được sao cứ cố? Thiệt tình, đang gió ngược, xe đạp mà, đi một mình tôi còn ná thở, giờ chở thêm một nạn nhân thì ngất ngư. Cứ im lặng mà đạp, có lẽ người ngồi sau, chắc cũng áy náy chẳng yên, chờ tôi lên tiếng, nhưng tôi phải để hơi mà đạp xe chứ, với lại nói gì đây khi mà sự giận dỗi như nước vỡ bờ. Lát sau, cũng có tiếng phân trần:

                 – Anh cũng cố “né” rồi chớ mà không biết sao… nữa?. Thiệt tình xui gì đâu. 

            Tôi im lặng… đạp xe. Không trả lời cũng không hoàn vốn. Càng phân bua, tôi càng thêm tức. Cái chính là “đừng làm” chứ không phải “làm mà nhớ né”. Hừm, né, né kiểu gì mà đứt tay y như cũ? Vẫn do chặt chuối, vẫn là ngón trỏ, vẫn là tay trái,  tay gì mà mới một tháng đứt những hai lần? Đến bệnh viện chữa thương mà y sĩ nhớ mặt “chào trước” là sao? Hai vợ chồng vừa bước qua khỏi cửa vào phòng khám anh ta đã hỏi:

                  – Oai,sao đêy?. Đứt tay nữa hở thầy? (Anh ta người dân tộc).

                 Việc chữa thương, dặn dò như cũ. Tôi lại làm nhiệm vụ y tá. Xét ra, hình như tử vi ông xã tôi vướng phải sao Thiên Hình, nằm ở cung huynh đệ, nhưng vì không có anh em nên cứ bàn tay chịu thương tích, mà thường là tay trái. Mới đây thôi, ngỗng cũng rỉa ngay tay trái chứ chẳng màng tay phải. Ôi, thương hay giận? Nhất là tôi có nên đặt trọn niềm tin vào “bàn tay” sẽ đưa em đến cuối cuộc đời hay không đây?. Bàn tay huyền thoại. 

   Thai Ly

Bài Mới Nhất
Search