T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thai Ly: BÓNG ĐEN/22 THÁNG CHẠP NĂM GIÁP THÌN

Người Muôn Năm Cũ – Ảnh: LN

BÓNG ĐEN

           Tin hay không… tuỳ bạn. Hôm nay, tôi sẽ kể câu chuyện có vẻ duy tâm, nhưng lại có thật. Thật với chính tôi và gia đình tôi. Và năm nay, nếu không nhuần thì bây giờ là ngày 30 Tết. Ông Táo sắp về lại rồi.

           Xin… lung khởi một tí. Ngày trước, năm 1982 vợ chồng tôi ra riêng. Bác gái vốn rất thương tôi, xuống thăm nhà. Bác dặn:

             – Giờ, chắc chắn con phải vào bếp nấu ăn rồi. Bác dặn nghe, con có giận gì, tức gì thằng Hai (chính là bạn Trần Văn Nghĩa) thì cũng đừng vô “gõ Ông Táo” nghe. Bác vì giận Ông Hương (bác trai tôi), bác vô bếp, gõ thí lên đầu Ông Táo mà giờ tự nhiên ngón tay bác bị tật luôn nè. Không cách chi kéo ra được. 

         Vừa nói, bác vừa giơ cho tôi xem ngón tay trỏ của bác; lạ thật, nguyên lóng tay trên cùng co quắp lại, cụp hẳn xuống mà có muốn tôi cũng không làm được. Tôi vừa thương vừa mắc cười; nghĩ thầm mà không dám nói ra “Ai kêu chơi kiểu gì kỳ vậy, giận chồng mà nhè Ông Táo gõ chi”? Tôi cả cười nói: 

             – Nói gì chớ “Ông Táo quở” con cũng rành lắm. Con kể bác nghe nhen. Hồi nhỏ, con chừng 4-5 tuổi gì đó. Một đêm đang ngủ, con nằm giữa ba má con, trong giấc chiêm bao, con thấy ngay trước mặt con là một bóng người cao lớn lắm, đầu đội cái gì không biết, còn to hơn cái đầu của ổng, mà cặp mắt và cái miệng ổng đỏ lè như lửa đang cháy vậy, đã vậy, ổng còn nhìn con trừng trừng. Sợ quá, con hét toáng lên. Ba con ôm chặt con hỏi dồn dập, Ông Nội, bà Nội nửa khuya vậy mà cũng lao xuống hỏi dồn “chi rứa, chuyện chi hắn rứa”? Cả nhà nháo nhào… con kể lại giấc mơ. Ông Nội con hỏi ngay:

              – Hôm qua, mi có phá Ông Táo không?. 

          Sợ quá, con phải “khai thiệt” chớ không khai thì có Thánh mới biết. Rằng là: 

             – Hồi hôm qua, con có… đái vào cái lò, ai biểu để dưới đất, mà còn để giữa cửa chi?. 

          Bà Nội nói ngay:

             – Mi thiệt là… không chịu nỗi. Còn… chi… chi… , chi cái  “thèng loàng choa mi”, lì chi mà lì bất nhơn rứa? (thằng làng cha mi: đó là cách mắng của Ông Bà Nội bằng giọng Quảng Nam).

          Ông Nội vốn cưng và bênh cháu, ông nói ngay:

            – Can cớ chi mà lò không để trên bếp mà để xuống đất, còn để giữa cửa chỗ mô hắn đi? Con Tư (má tôi), ngày mai đi mua đồ về cúng Ông Táo, tạ lỗi cho hắn. Hắn là con nít, Ổng chỉ doạ vậy thôi. 

         Rồi ông quay qua nhìn tôi nói nhanh: 

             -Mi cũng đừng nghịch ngợm như rứa nữa nghe. 

          Bác gái nãy giờ há hốc mồm ngồi nghe, giờ mới cười ngắt nghẽo, nhìn tôi không chớp. Chắc Bác không hình dung nỗi cái nghịch của tôi ngày bé.

           Câu chuyện xa xưa, tưởng chỉ mình tôi gặp. Không ngờ, sau mấy mươi năm, con gái Út tôi cũng khoảng 10 tuổi, trong một đêm khuya cũng la hoảng. Sáng mai, cháu kể lại: 

               – Mẹ. Hồi tối, con ngủ mơ, thấy có một người, không nhìn được là Ông hay Bà, trên đầu đội cái gì to lắm, có hình thang nhìn kỹ giống như cái nồi vậy. Người đen mà cái nồi cũng đen, áo mặc cũng đen nhưng có bông chấm bi đỏ màu lửa già, cao chừng 1.7m đứng nhìn con chằm chặp, mà chẳng nói gì. Lát sau… biến mất, êm ru. Con sợ quá, hét lên rồi thức dậy luôn.

          Rồi. Hiểu luôn. Tôi hỏi ngay không cần suy nghĩ:

              – Hôm qua, có phá bếp không?

          Thoáng chút suy nghĩ, cháu đáp:

              – Dạ có, ở trên nhà Ngoại, con với em Bin (con của em kề tôi) đốt giấy trong bếp, mà nó đốt chậm quá, con bực mình giành đốt, mình phải “quậy” mạnh cho xuống tro, cháy mới nhanh phải không mẹ? 

           Tôi gật đầu đáp nhanh:

             – Ừ, phải, nên sáng nay, mẹ mày lo đi mua đồ lên cúng xin lỗi Ông Táo đây. Từ nay về sau, chớ vào phá bếp nghe. Lát mẹ cúng, hai đứa phải vô lạy đó.

           Xem như trên đây là vụ thứ… ba. Giờ là câu chuyện mới đây. Như các bạn biết, các con tạo cơ hội cho nhà thay bếp điện từ, vừa sạch sẽ, tiện lợi và nhất là an toàn hơn là bếp ga. Vợ chồng tôi quay cuồng theo nhịp độ kêu thợ bắt điện, cắt đá, lắp ráp, thử bếp, thử xoong, chảo đầy kịch tính cả bi hài… Khi đâu vào đó rồi, thì đêm thứ bảy vừa qua, tôi chiêm bao. Trong giấc mơ, tôi thấy đi đâu chơi mà đông vui lắm. Nhưng lại đi bằng xe “mui trần”, đường đi vẫn sáng, mà sao nhìn sang bên cạnh lại thấy một “bóng đen”, nguyên là màu đen chứ không phải mặc đồ đen. Xe ngừng, người xuống, đi chơi… bình thường; nhưng khi lên xe đi thì “bóng đen” ấy như bóng theo hình, kè kè một bên xe… cứ vậy và… như vậy cho đến khi tôi tỉnh giấc. Ôi, hiểu rồi. Tôi đã quên, không “xin phép”, cũng không ra mắt Ông Táo khi thay đổi bếp. Tôi tin là vậy, nên trời vừa sáng hẳn, tôi bươn bả ra chợ gần nhà lo ít hoa quả để cúng tạ lỗi. 

                Có thể các bạn sẽ không tin nhưng riêng tôi, rất tin điều này. Gặp rồi, bị rồi, muốn khác đi cũng khó. Thôi thì, “Có kiêng có lành”, mình có lòng tôn trọng bề trên, có chút lòng thành vẫn tốt mà.

22 THÁNG CHẠP NĂM GIÁP THÌN.

                 …. Cũng là ngày đưa Ông Táo về trời. Nhà Nội tôi ngày ấy đưa Ông Táo vào khuya 22 tháng Chạp, không để qua 23 như mọi nhà. Món chè trôi nước nhưn tôm thịt và xôi xéo mè dừa là món cúng thường niên, hai món tôi rất ghiền.

                Theo thông lệ từ hôm 20-21 gia binh gia tướng gồng gánh chăn mền, quần áo, kể cả chân đèn, lư hương bằng đồng xuống sông (sông Dinh, nơi chiếc cầu Đạo Long bắt qua, hạ nguồn của nó là ra cửa biển) giặt giũ, đánh bóng mãi đến trưa mới về. Năm nay, mọi việc vẫn cứ vậy cớ  sao khi về lại quên mất cái khoản “lấy cát sạch giữa giòng sông” về thay cát bát hương. Vậy là, bọn trẻ mà tôi là đầu đàn, giơ tay xung phong đi lấy. Mà đi là đi nguyên bầy. Tầm hơn 8g, sau khi xong các việc vặt, chỉ là đi chợ thì cả bọn được bà Nội “phê chuẩn” và giao kèo: 

                     – Cho tụi bây tắm, xong lấy cát về, không tắm lâu, nắng bệnh rồi báo nghe. Tết nhứt rồi, không ai lo đâu đó. Muốn ăn Tết thì đừng cãi.  

                 Tôi tài lanh : 

                     – Tụi con còn sợ mất ăn Tết hơn bà Nội nữa đó. 

                Chưa dứt câu, cả bọn đã hò reo tở mở tiến thẳng ra ngõ. Tôi nhớ: Xuống sông, tôi lo lấy cát trước, sợ quên, mất uy tín, sau đó là bơi, là tạt nước nhau, là hò reo ầm ĩ… Vui cực kỳ, chơi cho đã đời, thấm mệt, tôi hô hào: 

-Về!

Thường thì bọn tôi tắm khúc dưới sông, nhưng hôm nay lại tắm khúc sông trên, leo lên đường về có cao hơn, xa hơn, tôi nhớ đã vơ vội thau cát, bưng về, tất cả là 5 nhóc, lẩm nhẩm đếm: 

-Đủ. 

Vậy là hò reo kéo nhau về, cái cảm giác hưng phấn làm sao. Về đến nhà, tôi báo cáo thau cát, Nội biểu phơi ngoài sân, tôi mơ mơ, màng màng, nhớ là đã đem ra phơi ở chỗ nắng nhất. Xong, có quanh xuống bếp, nhìn thấy bị bột nếp được đè dưới tấm thớt (nhằm ép ráo nước để làm bánh); tôi còn nhìn thấy cô Bảy đang xào nhưn bánh, mùi thơm ngào ngạt, còn nhớ thấy cả màu tôm đỏ ửng lẫn trong thịt vừa nạc, vừa mỡ, cả nấm mèo đen bóng vì được xào trong mỡ béo ngậy, thật đẹp mắt, hấp dẫn lắm, nhưng có lẽ do đi tắm về khoẻ người quá nên tôi buồn ngủ, mọi vật trở nên mơ màng sương khói…Tôi lặng lẽ đi ngủ trong trạng thái gần như “mộng du”. Mọi việc sau đó, tôi không biết gì cả, cho đến khi tỉnh dậy mở mắt ra thì …

             … Ủa. Sao vậy cà? Nhà đèn  sáng trưng, chỉ là “ngủ dậy” thôi, có gì mà ai cũng nhìn mình bằng ánh mắt chừng như lo lắng, chừng như mừng rỡ, lại vừa như nghi ngại?. Cả bà, cả ba, cả má, cả cô, cả chú Cựu, chú Mấu… Lạ thiệt. Câu đầu tiên tôi mở miệng là:

                       – Bà Nội đưa Ông Táo chưa? Còn chè xôi không? Con thèm và đói nữa. 

                Miệng hỏi mà mắt tôi nhìn nhanh xuống, lạ: Bộ đồ tôi mặc trên người không phải của mình. Tôi chưa kịp hỏi thì ba tôi cất tiếng khóc. Ủa, lạ vậy kìa,  chuyện gì vậy trời? Hầu như cùng lúc, mọi người thở ra cái ào, má tôi chắp tay xá lấy xá để, miệng lắp bắp “lạy Trời, lạy Phật nó sống rồi”. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Nội từ tốn nói:

               – Phước Ông phước Bà mi, qua khỏi nạn tai là phước mi quá lớn, cả nhà chạy “sáng nhà, sáng cửa” với mi từ chiều 22 tới giờ.

                Thử cựa người, tôi chợt thấy như không còn sức lực, mệt lả người, bụng đói cồn cào nên nằm xuống, nghe Nội tiếp tục kể, mọi người ai đi lo công việc nấy, ông già khóc một hồi cũng đi luôn rồi. Giờ chỉ còn hai bà cháu. Nghe bà dặn với theo mọi người: 

               – Đứa mô bắt cho hắn miếng cháo, nấu lỏng thôi. 

              Dù rất mệt nhưng nghe tiếng “… cho hắn miếng cháo” là tôi tỉnh ngay, nằn nì: 

               – Con không ăn cháo đâu. Con ghét lắm. Mà sao không để phần chè xôi cho con? Một năm đưa Ông Táo có một lần chớ mấy. Nói xong, tôi chực khóc…

               Giọng bà ngon ngọt:

              – Ra Tết Nội nấu cho ăn. Bữa ni mi chỉ ăn cháo thôi. Có biết là mi sắp chết không?

              – Rồi Nội kể :

              – Hôm nớ (22 tháng Chạp) mi đi sông về là mi ngủ li bì, kêu không thức dậy, mê man, đái dầm dề, bao nhiêu áo quần cũng không đủ, mời cả bác sĩ Trình (bs Đoàn  Trình, rất nổi tiếng và giỏi nhất xứ tôi thời ấy, vốn là thân chủ. Tôi khám bệnh mà ổng nhớ và thương luôn. Ngồi chờ, nhưng khi ông đến phòng khám là ông cười, đặt tay lên đầu, dẫn luôn vào phòng khám, có thuốc gì thích hợp mà ông được chào hàng thì tặng luôn), nhưng không biết mi bệnh chi, cả đêm 22, qua ngày 23. Tao biểu mẹ mi đi lên Ông thầy Mười xem quẻ (đây là ông thầy bói rất nổi tiếng), ổng nói mi bị Bà Thuỷ quở, phải đặt bàn hương  án…Thôi, giờ mi tỉnh rồi, coi như qua “đốt”. Chớ ông Nội mi cũng nói rồi “qua khỏi năm 13 tuổi thì mới yên là con, là cháu”. Năm ni đúng là năm tuổi của mi, hai bữa ni ai cũng nghĩ chắc chỉ lo… hậu sự. Còn bao nhiêu ngày nữa đâu là hết năm mà ai cũng sợ “qua không khỏi”. 

                Sáng ấy là đã qua ngày 24 tháng Chạp. Tôi mê man tận hai ngày hai đêm. Thảo nào mà người bủn rủn, không chút hơi sức. Bà lại hỏi: 

                    – Sao lại bị dương Bà Thuỷ? Tụi mi tắm sông hoài có sao đâu? Mà hôm đó là 22 chớ đâu phải 23 mà xui. 

                 Tôi chợt nhớ lại và kể. Thật nhỏ nhẽ, vì mệt thì ít mà đói thì nhiều. ” Con nhớ rồi. Hôm đó, đang tắm, tụi con bơi qua, bơi lại vui lắm. Chợt con nhìn xuống phía bên kia cầu, thấy từ xa có một chiếc ghe, nhỏ thôi, con nhớ có người chèo, bên cạnh như có ai nữa đó nhưng không nhìn rõ bằng người đang cầm chèo. Người đó là đàn bà, mặc bộ đồ đen, đầu có quấn chiếc khăn, hình như chèo ngang qua chỗ tụi con tắm nhưng xa lắm, xa gần với bờ bên kia, con có gọi to:

               – Ghe ơi ghe. Chở cho tui đi với. 

            Nhưng bà đó chèo thẳng luôn, con lại bơi, khi nhìn lại thì không thấy nữa. Bà nghe xong im lặng giây lâu. Rồi tất tả đi xuống nhà, gọi mấy đứa đi cùng hỏi “có thấy không?”; đứa nào cũng lắc đầu không biết. Bà khẳng định “đích thị rồi” và khen thầy Mười thật giỏi. Ngày hôm ấy tôi ngậm ngùi… húp cháo. Cái món tôi ghét vô cùng, bệnh thường xuyên nhưng thà nhịn đói hay ăn món gì đó chứ cháo thì….không bao giờ. Nhưng hôm nay bà đã phán: nhịn ăn mấy ngày rồi, món đầu tiên chỉ là cháo loãng, không khác được. Thì biết làm sao?

                  Tối đó, tôi ngủ khá sớm, ngủ theo bà, có lẽ vì thức với tôi mấy đêm liền nên bà ngủ sớm và thật ngon giấc. Khoảng gần 2 giờ sáng, tôi giật mình thức giấc vì “tiếng nói trong đêm”. Sở dĩ tôi nhớ rõ thời gian là do nhà có chiếc đồng hồ treo tường có đổ chuông báo giờ. Giật mình tỉnh dậy, đang nhớ lại “câu nói ấy” thì đồng hồ ngân nga đổ hai tiếng. Mãi đến gần sáng, bà thức dậy, tôi mới kể: 

                 – Bà Nội, đêm hôm, con đang ngủ, tự nhiên con nghe văng vẳng bên tai, tiếng nói rõ lắm, nhưng không thấy gì cả. Biểu rằng “Nhỏ kia, nhớ đem lễ vật xuống sông cúng nghe chưa”. Con giật mình thức dậy, lúc đó là 2 giờ sáng đó. Thức dậy rồi mà tai con còn kêu ..o…o…luôn. 

               Màn diễn cuối cùng: Bà Nội hướng dẫn má tôi đi mua ngay các đồ lễ, mang xuống sông lễ tạ. Hướng dẫn cho cách khấn vái, tôi không được đi. Hôm ấy đã là 25 tháng Chạp. Theo bà, ngày ấy cúng là đúng sách, vì là ngày Giáp Ấn; đúng là tôi bị quở trách rồi. Cũng từ đó, tôi vẫy tay với chuyện “tắm sông”, một niềm vui của tuổi thơ mà trong những ngày hè oi bức, cứ mỗi chiều cả lũ trẻ chúng tôi hớn hở tay xách nách mang nào áo quần, nào cơm vắt, thịt hon, muối đậu… xuống sông tắm mát, ăn uống thoả thuê rồi hò reo đi về. Ôi, cái ngày 22 tháng Chạp Giáp Thìn đáng ghét kia. Giờ thì cũng tròn 60 năm, sáu mươi năm cuộc đời rồi. Ít ỏi gì chớ.

            Thai Ly

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search