T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: BAN MÊ THUỘC…

(Nguồn ảnh: chuyenxua.net)

            Chí tình mà nói, tôi cũng không biết “địa danh” này đã đúng hay chưa?  Bởi vì, ngày ấy có khi gọi là Buôn Ma Thuột, lại cũng gọi là… Bản Mê Thuộc… Và bây giờ thì gọi Đắk- Lắk, mà ghi thì khi âm “k” khi …âm “c” ở cuối! Thôi thì, không lăn tăn nữa! Xin đi vào câu chuyện “Chuyến đến BMT năm 1963” của cô nhỏ… ham dzui! 

           Năm ấy, tôi vừa thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), bác Ba, cũng là bác cả, đang có cô con gái, thua tôi 1 tuổi, được gửi học ở Phan Rang, ở nhà Nội, nghĩa là đang cùng một mái nhà với tôi. Giờ hè đến, bác đưa chị về thăm nhà ở BMT, thêm yêu cầu “Cho con Lý đi chơi luôn! Là phần thưởng của Bác”! Tôi sướng mê mẫn, không tin ở tai mình. Được đi chơi là niềm vui luôn làm cho tôi phấn chấn, dù bác cũng nói rõ “trên đó… buồn lắm! Không như Đà Lạt đâu nghe. Chỉ toàn núi với rừng, Đê, Thượng không thôi!”. Nhưng tôi mặc kệ, được đi cái đã, vui buồn… hạ hồi phân giải”. Tôi còn chưa tin đó là sự thật nên bày ra một bàn “bói bài” bằng bộ bài “tứ sắc”! Tôi trải bài, hai chị em đứng “gỡ” mà thần kinh căng lắm. Gần “hết bộ bài”, tôi mới cười thư thái và yên tâm chờ đợi…

               Ngày đi cũng đến, hai chị em mỗi đứa một túi xách nhỏ, xông xáo lên đường. Ra Nha Trang rồi mới lên BMT, nhưng… đường đi ngày ấy có thông suốt đâu, không khéo bị “đắp mô” kẹt lại là chuyện vẫn thường xảy ra, và, đúng là như vậy. Cha con, bác cháu phải ở trọ lại NT một đêm. Lòng tôi ngổn ngang lo lắng: Có khi nào phải… trở về PR không ta? Sáng sớm, nhà xe thông báo “thông đường” rồi! Vậy là tiếp tục hành trình. Đường đi quanh co, lên dốc, xuống đồi, cảnh quan thật lạ lẫm, tôi say mê ngóng đầu ra ô cửa, tay chỉ chỏ, miệng tía lia, hai chị em thường ì xèo, tranh cạnh nhau, hôm nay xem ra thật là tâm đắc. Đi khá lâu, đường bắt đầu khúc khuỷu, một bên là núi  một bên rừng cây dày đặc… Tài xế, không quay đầu lại, nhưng nói rõ to: 

                 – Chú ý nè! Giờ không nói chuyện nữa. Im lặng! Thấy sao hay vậy. Không chỉ chỏ, hỏi han… ngồi im không quay, không… cúi người nghe chưa. 

                   Sau câu nói, một sự “im lặng” nặng nề trùm phủ. Nét lo lắng hiện rõ trên mặt mọi người. Xem ra căng thẳng lắm. Thật là căng thẳng! Bác tôi cũng vậy. Phải thừa nhận rằng trong nhiều trường hợp “sự vô tư, không biết” cũng có lợi lắm. Tôi trở thành kẻ “điếc không sợ súng”. Chẳng biết chuyện gì, nên rảnh, bèn nhìn quanh, quan sát mọi người… chơi.  Cho đến khi: xe đang chạy chậm, thì càng chậm hơn rồi từ từ dừng lại; gần như đồng thời, tôi đã kịp thấy từ trong cánh rừng bên tay trái, ba người đàn ông, không, đúng hơn ba thanh niên đang vạch lá đi ra. Họ có vũ trang. Im lặng toàn tập! Và như đã “mặc định”, “họ” và tài xế không nói gì. Chỉ biểu hiện bằng “mắt”, phụ xe thì nhanh nhẹn mở cửa sau, bỏ cái gì đó xuống đường, “họ” vẫy tay, hiệu cho xe chạy. Xe lăn bánh tiếp tục hành trình… Cái không khí nghiêm trọng đã tác động đến tâm tính của con nhỏ “đệ nhất liều mạng”, tôi không dám quay lại nhìn nhưng hình ảnh của “họ” cứ ám ảnh tôi trong suốt hành trình tiếp theo, những người câm lặng, căng thẳng trong ánh nhìn đầy cảnh giác, cả làn da đen xạm, tái xanh đã tạo cho tôi cái cảm giác… sờ sợ. Xe chạy khá xa hình như qua hai vòng tay cua thì phải, tài xế mới lên tiếng: 

                – Bình thường rồi nghe! Các Ông đó là VC, thỉnh thoảng vẫn gặp. Qua rồi thì không căng thẳng nữa! 

               Tôi không “kềm” được sự tò mò, cũng đã lâu rồi, tôi có nói gì đâu nên vọt miệng hỏi: 

               – VC… là gì vậy?

               Gần như đồng loạt, cả xe, quay ngoắt lại, nhìn tôi. Thôi, im luôn cho nó… lành! Nhưng cũng không lâu, cả xe xôn xao, hình như họ rất rành đường, đoán được diễn biến của hành trình sao ấy. Tất cả mọi ánh mắt dồn hết về bên trái, từ trong rừng cây rậm rạp, thỉnh thoảng xuất hiện những đường mòn, trên con đường nhỏ ấy, dưới ánh nắng lấp loáng, bóng lá chập chờn xuất hiện từng nhóm người dân tộc, lưng mang gùi hoặc địu con (nữ); hoặc mang vác ngo, củi, cung tên, thường là đàn ông hay con trai, những bó củi được xếp thật đẹp, dài như nhau, thẳng đều tăm tắp; họ đi theo từng tốp, chắc là cùng gia đình hay cùng bản làng gì đó, theo hàng một, điều đáng nói ở đây là: Tôi đồ rằng, mọi sự tập trung ngắm nghía bây giờ là vào các cô gái, bởi vì thật lòng mà nói tôi cũng “thích” nữa là… các ông! Các cô, tất cả các cô đều  “phơi ngực trần”! Những khuôn ngực chắc, khoẻ, nâu bóng, lóng lánh dưới ánh mặt trời bởi những giọt mồ hôi, nhún nhảy theo từng bước chân, lồ lộ giữa núi rừng, giữa thiên nhiên nên càng mê hoặc… mắt nhìn! Nhưng, những phụ nữ điệu con thì ai cũng mặc áo khá kín đáo. Lời bàn tán trở nên sôi nổi. Tôi học được cụm từ “Tốt khoe, xấu che” khi các bác kháo nhau “dân tộc nó vậy! Còn con gái nó “phơi” ra, nhưng có con cái rồi thì nó… dấu “! Tiếng cười râm ran, rí rúc vang lên… 

               Tôi ở BMT mười hôm. Đúng là rất buồn, nhà bác lại ở khu nhà của công chánh, xa phố; hàng ngày, niềm vui của tôi là  theo bác gái ra chợ, bạn hàng của bác đông lắm! Tôi được chiêu đãi rất nhiều món, mọi người lại tỏ vẻ mến khách nên cũng đủ để lôi cuốn tôi những ngày tiếp theo. Và cũng đúng như lời bác trai cảnh giác, ở đây đa số là người dân tộc, tôi tha hồ ngắm ngó họ, hình như họ có thói quen đi với số đông, có ít cũng “một mẹ và 3-4, có khi 5-6 con… “. Có một câu chuyện vui, định là “không kể” sợ dài. Nhưng đã ra đến chợ rồi nếu tôi nhớ không nhầm; lần ấy, có đoàn bán thuốc theo kiểu “Sơn Đông Mãi Võ” nhưng họ cải biên rồi! Do vậy, họ hát “Cải lương”, nghệ sĩ là các cô  bé, cậu bé trạc tuổi tôi, cũng y trang thật đẹp, tuồng hát là trích đoạn từ các vở cải lương hay thời ấy như Lăng Đèn Hàn Tố Mai, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài… Hôm ấy, bác gái dẫn tôi xem là vở “Phạm Công-Cúc Hoa”, trích ngay đoạn Nghi Xuân-Tấn Lực dẫn nhau đi xin, phải nói hai đứa nhỏ đóng hay lắm, thảm kể gì! Hát lại càng mùi mẫn! Hai đứa dẫn nhau đi vòng quanh bên trong, khán giả đứng vòng ngoài, thiệt tình, tôi cũng biết đoạn này, nên nghe và lẩm nhẩm hát theo, chợt bên tai vang lên lời mắng mỏ, chửi rủa: 

                   – Con mẹ dì ghẻ ác độc, sao không đem bắn bia mũ cho rồi! Con người ta là con cháu nhà quan, giờ phải dắt nhau đi xin ăn… “! 

                Kèm theo là tiếng suýt xoa đầy thương cảm:

                  – Trời ơi, tội hai đứa nhỏ chưa trời …”?

               Tưởng ai xa lạ, hoá ra đó là tiếng của bác gái tôi. Vừa nói, bác vừa chồm người vào cho tiền; chưa xong, bác lại suýt xoa thương cảm, bác bước theo, lẽ tự nhiên, tôi cũng theo chân bác và như vậy là… đi theo Nghi Xuân-Tấn Lực!  Vừa đi, bác vừa vói tay, chồm vào cho tiền, tôi không nhớ bác cho bao nhiêu lần. Chỉ nhớ, khi đi về, bác ca cẩm suốt quãng đường vừa nguyền rủa “con dì ghẻ “, vừa chê trách “cả một bầy khán giả đông đen, lớp trong, lớp ngoài mà không ai cho con người ta đồng bạc!” Rồi bác chợt quay qua hỏi tôi: 

                       – Con thấy có ai cho không vậy? 

                Tôi thật thà vừa lắc đầu vừa đáp:

                    – Dạ, con thấy có… mình bác cho à!

                Rồi mười ngày cũng chóng qua! Từ BMT về, tôi biết thêm môn đánh cầu lông, những ngày hè ở PR thêm phần hào hứng, nhờ bác trai mua về bộ cầu lông, bác cháu, chị em đánh với nhau sau giờ Bác tan sở.

               Bẵng đi cũng đến hơn  30 năm, năm 1995-96 gì đó, tôi lại tham quan BMT với tên gọi “Sáu tỉnh Tây Nguyên” bằng tâm thế khác. Khung cảnh khác. Đi với Ông xã và con gái Út, khi ấy cháu lên 10 tuổi, những gì mẹ thích ngày xưa, giờ nhờ con “làm truyền nhân” vậy! Ôi, ba mươi năm nhìn lại chính mình, một chặng đường đầy thử thách tưởng chừng không thể vượt qua! Ơn Trời! 

            ThaiLy.

Bài Mới Nhất
Search