T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: CHUYỆN ĐÊM TRĂNG 

Trăng Thu – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM

            Ngày hè sắp đến- rồi sẽ qua nhanh. Dòng ký ức trôi qua nhưng đâu dễ mất. Một câu chuyện thoáng qua… tôi chợt nhớ.

           Mùa hè năm 1976, sau đợt học chính trị thật căng thẳng, tất cả giáo viên đều phải tham gia đi làm thuỷ lợi; cụ thể là đi “đào mương”. Dù biết chắc “sức mình không kham nổi” nhưng có nói họ cũng chẳng tin, vậy nên…đi thì đi…và tôi đi trong tâm trạng “tới đâu thì tới”.

          Đến nơi, mọi việc theo bố trí của lãnh đạo, hê…hê… tổ lao động theo cụm trường. Tổ tôi gồm cả 3 trường. Từ chỗ dựng láng ra chỗ mương đào cũng xấp xỉ 4km. Chỉ đi bộ đến nơi, rồi về là đã đủ “tiêu tôi” rồi. Quả y vậy. Một ngày, hai ngày trôi qua, tôi vẫn đi, vẫn về… vẫn đội nón, quấn khăn cũng lăng xăng các kiểu… Các chị cứ trầm trồ: 

                  –  Nhìn mày không giống đi lao động tí nào. Đội nón, trùm khăn, mà nhìn như đi đóng phim. 

            Ôi, lẽ nào mình đi làm cảnh sao ta? Tự ái ghê. 

               “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua, chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng… ” 

           Bài hát được làm nền cho các buổi lao động. Và đến ngày thứ ba tôi bỏ cuộc. Hai chân không thể nhấc lên nổi, khi mà nó sưng khá to, đỏ ửng. Bữa cơm, các bạn phải lấy giúp, cô bạn cùng trường, ngại nằm trên các song tre, đem theo cái võng, giờ nó thuộc về tôi, hình như tôi được mọi ưu tiên từ tấm lòng bè bạn. Phải nói, ngày ấy, các cô bán cửa hàng… oai quyền ra phết. Trên núi xa, lũng sâu, cũng có một cửa hàng, nhưng không phải “ai mua cũng bán”. Các bạn nữ, trưa mệt, thèm lắm một ly chè, chè chẳng lấy gì làm ngon. Chỉ đậu đen, chính là nước có đường. Ăn tiền là “có đá” lạnh lạnh, đã khát. Chỉ vậy, nhưng trưa nào cũng có cô không kềm chế nổi chửi nhoi lên. Vì họ không bán. Chỉ các thầy mới mua được. Thầy nào đẹp trai tí có khi mua được những hai ly, trong tổ tôi có một thầy thuộc diện mỹ nam tử, và cái ly thứ hai đó… thuộc về tôi. Có lẽ thầy thấy tôi… thảm quá nên mua và tặng. Nhưng chuyện đời mà, một hôm, hai hôm, ba hôm… lời tiếng cũng rì rầm rằng: 

                   – Mấy con bán hàng mê trai, trai… mê con Lý nên mình thua là phải.            

           Với tôi, chỉ là nói cho vui, nhưng với cô bán hàng là thiệt. Sau, tôi được biết, có hôm anh ấy chỉ mua được mỗi một ly, và người nhịn chính là anh ấy. Mười ngày trôi qua, xong thời hạn, về thôi. Bạn chung trường dìu tôi ra xe, nhường chỗ cho ngồi. Tôi biết, có một đôi mắt dõi theo tôi, thật đằm thắm mà cũng thật thiết tha. Thôi… lờ đi vậy. Bản chất tôi, không thích hoặc là sợ chuyện yêu đương trai gái nên luôn tránh né.

            Năm học mới, cụm trường tôi thay đổi nhiều. Có 4 giáo viên chuyển trường. Không hiểu tổ chức của phòng Giáo Dục (PGD) khi ấy tính toán ra sao? Họ nhằm mục đích gì mà chuyển đi một lúc 4 giáo viên, 3 thầy và tôi. Bỏ tôi ra không nói, nhưng ba thầy kia đều rất giỏi, là cốt cán của các trường. Ai cũng thầm hiểu, đây là sự loại trừ của tay hiệu trưởng mới; nhằm dễ điều khiển cụm trường, mà hắn đương nhiên là cụm trưởng. Ngày nhận quyết định, chẳng ai gặp ai, nhưng ngày về nhiệm sở mới thì thật vui. Bốn tôi về chung một trường. Bốn anh em gặp nhau vui lắm; tình cảm bỗng trở nên khăng khít, thân thương như anh em một nhà. Khi phân công, hai ở cấp 2, hai ở Tiểu học. Trường có hai cơ sở, từ trường tiểu học sang cấp 2 khoảng 2km. Hiệu trưởng cho biết: phải có một người dạy tiểu học nhưng phải sang cơ sở 2. Các anh lên tiếng, xin ưu tiên cho tôi ở cơ sở 1. Vậy là rõ, tôi được ưu ái lắm, kèm theo một lời bảo kê: ngó vậy chớ Lý yếu lắm. Cô hiệu trưởng nhìn tôi thoáng phân vân, nửa tin nửa ngờ, bởi tôi có cái “mã ngoài” khá chỉn chu. Thật vô cùng tai hại. 

              Những chuyện tiếp theo sau đó ở ngôi trường mới khá suôn sẻ. Bốn chúng tôi, 2 anh ở cấp 2; anh còn lại ở cấp 1; tôi và anh C được ở cùng khối lớp, khối lớp 5, thêm 2 bạn mới, khối có 4 lớp. Hai nam, hai nữ, tuổi xấp xỉ nhau. Hai nam yên phận, ván đã đóng thuyền, hai nữ tôi còn son rỗi chỉ tội… lắm mồm, ăn no cứ chọc ghẹo thiên hạ; mà ngày ấy đa phần trẻ trung, vui tính; kể cả cô hiệu trưởng.

            Chuyện sinh hoạt tổ thường rất nhàm chán, nhưng với nhóm 4 người tụi tôi thật là thú vị. Đi dạy, mỗi ngày phải “đi- về” qua cơ sở 2 sợ tôi yếu mệt nhưng họp tổ thì cứ chọn buổi tối cho mát. Hai thầy họp xong lại phải đạp xe về Phan Rang, để tiết kiệm thời gian và sức lực đồng đội, hai nữ tôi đưa ra… sáng kiến: họp chuyên môn ở cơ sở 2, trường sát bờ biển, vừa mát mẻ, vừa thú vị trong những đêm trăng,  lại được tiếng tốt: tụi tôi cũng biết “chia sẻ” nhọc nhằn với đồng đội, chịu đi qua; quy ước, sau buổi học, cả bọn tranh thủ đi ăn tối, món gì cũng được, xong đâu họp đó, hết việc… tan hàng. Lý thuyết là vậy, đâu chỉ được mấy tuần đầu, sau thì… họp ít, chơi nhiều, quấy quá như là phân công, phân việc xong là rủ nhau ra biển… nói chuyện trên trời dưới biển… cực vui và vô cùng hoà hợp; nhất là những đêm trăng, nhìn ánh trăng bàng bạc trên mặt sóng, lung linh, huyền ảo… trăng mới lên… rồi cao dần… cả bọn như quên hết thời gian. Tình thân càng gắn bó. Theo tôi, đó là chuyện bình thường và đáng mừng, rất đáng mừng khi đồng đội đoàn kết, yêu thương, chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Niên học tiếp theo… vẫn vậy, nhưng tự nhiên tôi có cảm giác… bất an, hình như… trong cái chung đã có cái gì đó… riêng tư, rất riêng tư, Anh C “chăm sóc” tôi hơi kỹ. Anh thường là người nói “câu cuối cùng” khi sắp chia tay. Ân cần dặn dò tôi “đi chậm – khoác áo ấm… ” trước khi chia tay ở ngã rẽ; hay nấn ná khi chỉ còn hai người, tôi và anh, chỉ với những câu nói vu vơ hoặc không nói gì. Cho đến một hôm, anh dặn tôi:

                 – Tối nay, mình họp tổ nhen. Họp ở đây luôn (cơ sở 1), khỏi qua bên kia đi. 

             Tôi ngạc nhiên đáp lời: 

                 – Ủa, sao vậy? Đêm nay có trăng mà. Uổng vậy. 

              Anh chỉ cười, không nhìn tôi, đáp và quay vội đi:

                 – Thay đổi tí, chỉ hôm nay thôi mà. Anh dặn hai đứa kia rồi. 

             Theo thói quen, tôi thường đến sớm hơn giờ hẹn tầm 5ph, đã thấy anh chờ. Vào phòng học, chưa đủ người, lại nói chuyện phiếm, thường anh ít nói hơn hai nữ tôi, nhưng hôm nay… anh hoàn toàn chủ động. Anh nói, nói toàn là chuyện của chính anh: 

             – Lần đầu, vừa thấy em anh đã để ý rồi. Sau, đi làm thuỷ lợi anh mới có dịp quen. Trời ơi, công nhận, người ta trùm khăn thấy già chớ em trùm… hay ghê. Đẹp gì đâu…như tài tử xi – nê….

          Tôi hơi chột dạ. Sao chưa thấy hai người kia đến? Vội hỏi: 

            – Anh hẹn sao mà không thấy L & T? 

            – Thì từ từ tụi nó đến. Em lo gì, rồi anh tiếp: Lúc em bị đau chân, anh tội em ghê… anh không biết làm gì để giúp em, nếu cần anh… cõng em đi cũng không ngại…

          Bất chợt tôi chột dạ, giương mắt nhìn anh, vẻ mặt anh thật chân thành, hiền hậu như vốn có; duy hôm nay, đôi mắt anh long lanh khác thường, chiếu thẳng vào tôi không chút khoan nhượng lại vô cùng đắm đuối. Tôi thoáng rùng mình. Nói nhanh, mà có lẽ không phải tôi muốn nói, mà nói để nhằm khoả lấp câu chuyện đang trên đà nguy hiểm:

            – Hai người này thường rất đúng giờ mà. Kỳ vậy ta? Hay anh nhớ nhầm?

             Anh không trả lời tôi, tiếp tục dòng suy tưởng của mình, như một đoạn ghi âm sẵn. Bấm nút rồi là phát:

            – Biết em ở cùng cụm trường, anh vui lắm. Tin rằng anh lại sẽ gặp em. Gặp để làm gì, anh cũng không biết nữa, chỉ biết gặp trong chiêm bao sao bằng nhìn ngắm ngoài đời. Anh thích nhìn em cười lắm….

          Tôi bắt đầu hoang mang, bối rối. Trời ơi. Hai người kia ở đâu? Sao lựa ngày đi trễ vậy?

              Giọng anh vẫn đều đều bên tai…

           – Nhưng khi nhận quyết định chuyển qua đây, anh như bị sét đánh. Cơ hội gặp em đâu còn? Anh định bỏ việc. Nhưng khi hỏi ra, biết các anh Đ & P cũng chuyển, còn có cả em nữa. Anh vui lắm. Giờ anh em mình lại chung trường, chung khối, anh gặp em thường xuyên hơn, được nghe em nói, được nhìn em cười… thì đi có xa, việc có nhiều mấy anh cũng vui…

           Tôi như ngồi trên ổ kiến. Không kềm chế nổi nữa, nói nhanh:

            – Hình như L & T không đến hoặc là ….

           Tôi chưa dứt câu, giọng anh vang lên khẩn khoản: 

           – Anh nói vậy mà em không hiểu hở? Anh yêu em. Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh không thể giữ mãi trong lòng cho riêng mình được.

          Anh quay mặt nhìn ra khoảng sân đan đầy bóng dừa lẫn trong bóng trăng, sân trường thật yên ắng. Lòng anh sao, tôi không biết, nhưng lòng tôi đang “bão nổi”. Không phải tôi chưa từng có người để lòng yêu thương. Nhưng người dám “thẳng thắn” tỏ bày, mặt đối mặt như hôm nay, anh quả là “người tiên phong”. Tự nhiên, tôi bình tĩnh lạ. Tôi chơi luôn “ván bài lật ngửa”. Trầm giọng, tôi hỏi:      

              – Anh đã suy nghĩ kỹ chưa mà nói với em điều này? Anh có nhớ mình là “ván đã đóng thuyền” không? 

             – Anh vẫn nhớ nhưng “yêu thầm” khổ lắm. Anh không thể im lặng hơn nữa. 

            – Vậy anh nói để được gì? 

            – Anh không biết. Chỉ biết không thể giữ trong lòng được nữa. 

         Tôi chuyển thể cuộc đàm thoại: 

           – Hồi đó anh bị ép duyên hở? 

          Trở lại bản tính thật thà, anh kể:

           – Đâu có, anh đi học xa nhà, buồn, gặp cô ấy, thường rủ đi chơi, sau anh thương rồi về xin ba má anh ra cưới đó chớ. 

           – Như vậy là “như ý” rồi, giờ anh còn đòi yêu thương gì nữa? Anh tham lam và rộn ràng quá. Để phần cho người khác với. 

          Thấy tôi “tỉnh như Quách Tĩnh” anh đâm hoảng, nhìn tôi nói nhanh: 

            – Giờ anh mới thật sự ân hận, tự trách “mình yêu quá sớm, quá vội”.

            Vừa đứng lên thật dứt khoát, tôi vừa nói nhanh, kèm theo nụ cười “thông cảm” nhất từ trước đến nay: 

            – Thôi, đừng ân hận. Anh “đốn thì lo mà vác”. Nhớ là: Hôm nay không họp chuyên môn nghe. Em về. 

          Tôi bước xuống thềm, ra sân, trăng vẫn mênh mông toả rạng. Bước chân đưa tôi về nhà trọ theo quán tính. Tâm hồn tôi như đang ở vô định. Tôi có làm anh ấy buồn lòng không? Riêng tôi, tự nghiệm lại lòng mình thì rõ ràng tôi có gì quá lẽ thường để anh ngộ nhận đâu chứ? Thôi, kệ đi. Ổng tự vẽ bùa, tự đeo thì tự mở vậy. Nói theo sách vở thì “Ai buộc chuông người ấy mở”. Tôi mỉm cười khi bước chân vào nhà. Ít ra mình cũng đã giúp anh ấy dừng lại một mối tình vô vọng, không đoạn cuối mà có khi còn tội lỗi nữa. 

              * Hồi kết:

                  Năm học kết thúc, tôi rộn ràng xin chuyển về thị xã. Hồ sơ được chấp thuận. Tôi lo hoàn tất các thủ tục. Đến thủ tục cuối cùng phải về trường cũ, tôi thật sự nao lòng và thoáng buồn khi biết “anh đã bỏ dạy”. Cô bạn cùng khối kéo vội tôi ra ngoài, đôi mắt nhuốm buồn, kể: 

                  – Nhà trường làm công tác tư tưởng với anh nhiều lắm. Nhờ cả mình động viên thêm với tư cách là anh em cùng tổ chuyên môn, sẽ hiểu được tâm tư, tình cảm của ảnh nhưng biết ra cũng thua thôi. Cuối cùng ảnh nói rõ:

                   – Sở dĩ ảnh tiếp tục đi dạy là vì có ” bồ ” (là tôi), giờ bồ đã chuyển đi rồi, ảnh không còn động cơ nữa. Ảnh về, làm ăn ngoài sẽ lo cho gia đình tốt hơn. 

             Chuyện anh “bỏ nghề” khiến tôi suy nghĩ khá nhiều. Tôi khẳng định: mình chẳng có lỗi gì. Anh bỏ nghề, nhưng vẫn có nguồn sinh kế khác. Anh vẫn lo tròn nhiệm vụ với gia đình. Đó là điều cơ bản, bởi dù sao, gia đình vẫn là tế bào của xã hội. Mới đây thôi, sau hơn 40 năm gặp lại, vẫn cái nhìn đằm thắm, ân cần anh cho tôi được biết các con anh đã rất thành đạt, giờ là chỗ dựa cho cha mẹ già, có cháu nội ngoại đầy đủ. Tôi thật sự vui mừng và chúc phúc cho gia đình anh. 

ThaiLy

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search