T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: DẤU SON CÁ BIỆT

Gió Xoáy – Tranh: THANH CHÂU

CÁ BIỆT

           Lâu rồi, có một năm mấy chị em chơi bài dài ngày, chiều nào cũng ầm ĩ, nhà lại ngay mặt đường, ông đi qua, bà đi lại tha hồ ngắm ngó, công khai mà. Xảy đâu hôm ấy, có chú công an khu vực làm như “tình cờ”; đang hồi gay cấn ghé vào… Ha…ha…, thấy chú cũng “nhỏ”, tôi cứ tiếp tục ván bài dang dở. Đã là “cao thủ” thì vừa tiếp khách vừa đánh bài có là gì chứ?. Lân la hồi lâu, chú hỏi: 

            – Cô nghỉ hưu lâu chưa cô?

            – Lâu rồi em ơi. Giờ nghỉ Tết thả dàn, chơi lút chỉ luôn…(có kèm nụ cười vô cùng cởi mở). 

            – Cô giáo mà cũng biết chơi bài hở cô?

           Hừ, chú ấy “vào vấn đề” rồi đây. Tôi tới luôn:

            – Giáo viên là phải biết nhiều thứ lắm em. Không biết sao dạy được học trò? Hôm nào rảnh, ghé nhà chơi đi, cô kể cho nghe hen. (Tôi muốn đuổi khách. Hihi… ).

           Chú ấy cũng cười, cất lời chào ra về. Tuy nhiên không trở lại. Cuộc chơi không ảnh hưởng gì. Giờ tôi kể cho các bạn nghe vậy. 

             Số là năm ấy, tôi dạy lớp 5 tại một trường tiểu học, ngay trong thị xã, điều đó không có nghĩa là “tất cả học sinh đều khá giả, chăm ngoan, việc giảng dạy luôn suôn sẻ”, mà lớp vẫn có những học sinh cá biệt. Chuyện ở nhà của  tụi nó sao thầy cô quản hết? Một hôm, do một sự tình cờ, cô giáo dạy lớp 1, gặp H, là học sinh lớp tôi đang chủ nhiệm. Cô “sốt sắng” kể: 

                – Trời ơi. Ông nhỏ H là học sinh lớp chị hả? Ổng ở xóm em chớ đâu. Chị ơi, ổng là đại ca của xóm đó. Học trò lớp em nè, nghe lời ổng răm rắp. (Ha…tốt chớ sao, nó có mạng làm lãnh đạo mà) Trời ơi, tụi nhỏ đang học thêm, chỉ cần nó đi ngang, huýt sáo, hoặc gõ vào hàng rào là hầu như tụi nhỏ đứa trước, đứa sau ra về hết. Mà chị biết ra làm gì không?

              – Em không nói sao chị biết? 

              – Đánh bà ….bai….bài….chị à. Chơi xì-lác, cắt- tê, xì- tố, bài cào nữa… nhiêu tiền tụi nhỏ nộp hết cho ổng. Mà không ai la được, cản được, tụi nó sợ ổng hơn cha mẹ nó luôn. Nó đang học lớp chị đó. 

           Câu cuối cùng của cô, chắc cũng chỉ theo “trớn” mà nói. Nhưng tôi suy nghĩ nhiều lắm. Liệu tôi có trách nhiệm trong vụ này không? Chuyện ở gia đình, phạm vi quản lý của địa phương lẽ nào lại gán cho cô giáo toàn tập? Hơ… hơ… có thể em là “học sinh cá biệt”. Điều ấy đã được xác định khi tôi hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp 4. HSCB cần có một GVCB. Tôi sẽ là giáo viên đó. Thầy giáo cũng như thầy thuốc; nghĩa là “Còn nước còn tát”. Phải thử thôi, không thể để một học sinh còn tuổi ăn chơi trượt dài trong sự hư hỏng. Gia đình em cũng thật khốn khó. Tôi vào cuộc. 

               Sáng đó, tôi đến trường, ngoài giáo án, sổ sách cần thiết, trong túi xách của cô giáo có thêm “Bộ bài tây”. Buổi học diễn ra bình thường. Chuông báo giờ chơi. Lớp ra chơi, tôi không bao giờ hoặc hiếm khi giữ học sinh sau khi đã có chuông báo giờ chơi. Tôi nhanh chân đi thẳng xuống cuối lớp, nói nhỏ với H: 

                 – Em ở lại lớp nghe. Cô có trò chơi cần em hỗ trợ.

            H nhìn tôi thoáng chút băn khoăn. Kệ đi, tôi không cần giải thích, em ấy sẽ biết ngay đây thôi mà. Tôi chỉ vào ghế thứ hai của dãy bàn học sinh, bằng giọng thân thiện bảo em: 

                – Ngồi xuống đi, chơi với cô nhen. Hôm nay, cô… ghiền…

           Dứt câu, thì tay tôi đã cầm bộ bài mới lấy ra từ túi xách. Tôi ngồi xuống ghế thứ nhất, ở giữa hai cô trò là bàn học sinh, miệng nói, tay tôi xóc bài xoành xoạch… các kiểu (ha…ha….tôi đang “nồ” mà.), rồi chìa bộ bài đến H,  yêu cầu kinh bài, em không dám. Chỉ trố mắt nhìn cô hoang mang… tôi hỏi:

                 – Thích chơi bài gì, cô chia…

         Em cúi đầu im lặng. Chỉ mình tôi “độc diễn” và “biểu diễn”. Tôi chia bài 2 lá- Em không dám bắt- Tôi chia bài 3 lá- Em ngồi yên- Tôi chia bài 6 lá – Em hơi xanh mặt- Giờ tôi chia luôn 13 lá- Em rơi nước mắt.- Tôi… tới luôn, đặt nguyên cọc bài, bảo: 

                – Vậy thì tự rút nhen. Mình chơi thứ “dữ dội” hơn. 

         Thốt nhiên, em bật khóc nức nở. Tôi ngạc nhiên hỏi: 

                – Sao vậy? Chơi với cô không vui à? Hay là vì không ăn tiền? Hay em thích chơi với các em nhỏ?

       Một khoảng lặng… rồi em thưa:

               – Thưa cô… em không dám nữa. Em không chơi nữa… hưc… hưc… 

       Tôi bắt đầu… mở máy. Phân tích ngắn gọn cho em hiểu sai đúng, nên như thế nào và không nên như thế nào. Cuối cùng: 

                – Lỡ hư thì hư một mình đi; đừng lôi kéo, rủ rê thêm lũ nhỏ. Lỡ có ghiền thì cứ đến tìm cô, cô đủ sức “tiếp” em nghe. 

        Em lí nhí hứa sẽ không chơi và cũng không rủ các em khác. Tôi đòi em “Một lời hứa danh dự”. Em hứa và đã thực hiện lời hứa đó.

             Tôi biết được điều ấy là nhờ cô bạn kia kể lại, rằng:

                  – Trời ơi. Chị làm sao mà ông nhỏ H bỏ đánh bài rồi chị à. Ổng hết rủ tụi nhỏ rồi. Chị doạ ổng sao vậy?

             Tôi chỉ cười trừ, nói thật luôn: 

                   – Em nghĩ doạ mà nó sợ hở? Ai đi doạ “đại ca” bao giờ? Chị chỉ “kết thân” và rủ nó đánh bài, nó không đánh và hứa bỏ nghề thôi. 

              Sau năm ấy, em lên lớp 6. Chuyển sang trường cấp 2. Đường đời dung rủi, tôi có gặp lại em trong tình huống ngỡ ngàng, để tôi đủ chiêm nghiệm: Học sinh cá biệt vẫn có những nét son. Chuyện này, xin được kể sau vào một cơ duyên khác.

DẤU SON

 “Dấu Son” được xem như quy ước ngầm nói về những cậu học sinh của tôi, thường là học lớp năm. Thú thật, hình như tôi không có Duyên trong nghề giáo; bởi vì nghiệm lại sau nhiều năm công tác, những em học sinh ngoan- giỏi, nhiều kỳ vọng hầu như tôi không gặp lại; mà chính những em học sinh gọi là cá biệt lại thường gặp hơn; có lẽ vì tôi cũng thuộc diện: giáo viên cá biệt. Bởi vì, khi nhận chủ nhiệm những học sinh như vậy tôi thường được “gửi gắm” hoặc cũng có thể gọi là “nắn gân” khi được “ai đó” nhắc nhở: lớp đó, có “thằng đó…” cá biệt lắm, nó cho bà tưng luôn. Mà hầu như năm nào cũng gặp. Lúc đầu tôi còn ngần ngại, sau dạy rồi cũng quen, có sao đâu?

        Cho đến sau này, lớp học sinh này đi qua, lớp khác đến, đời đưa đò chuyến nào cũng hơn 40 khách sang sông… Vô tư hết, hư đâu rầy đó, thậm chí “quật” cho mấy thước, có em theo học lên được cấp 2, cũng kha khá em rớt lại dọc đường lo việc mưu sinh… Đường đời dung rủi, tôi gặp những em này trong những hoàn cảnh éo le, mà tình thầy trò khi ấy ngập trong nước mắt. Câu chuyện sau đây là một điển hình. 

       Năm ấy, trời lạnh lắm. Giáo viên như tôi và như bao nhiêu người khác chỉ một nguồn thu nhập là lương, chưa có chuyện dạy thêm như hiện nay, cả vợ chồng đều nghề giáo, thêm 2 con, mua sữa còn không có tiền huống chi ăn mặc. Vốn ốm yếu, sáng sớm và chiều muộn tôi không thể không có áo khoác, nên cần lắm một chiếc áo. Phụ huynh của tôi, có vị là thợ chính của Công Ty May Mặc mới thành lập tại địa phương, có nhã ý mời tôi đến cửa hàng may áo. Mình cần, lại có lời mời nhưng với tâm lý: không lợi dụng, không thích nhờ vả, với tôi, tất cả phải rõ ràng, sòng phẳng; yên chí rằng: sẽ không sợ bị hư áo, tôi quyết tâm đến cửa hàng sau khi đã chuẩn bị chi phí. Vị phụ huynh này lại là Cửa Hàng Trưởng đã tư vấn trực tiếp loại vải, kiểu áo và hứa sẽ tự tay cắt may… Tóm lại, tôi chỉ chờ có áo đẹp thôi. Khi làm biên nhận, để tránh khó xử sau này, tôi thanh toán hết chi phí, không có chuyện “đặt trước” và “còn lại”. Ngày nhận áo, quả thật thoả mãn, đẹp toàn tập, tôi ấp ủ, nâng niu… bởi vì đây là chiếc áo mới đầu tiên tôi may, xem ra là sang trọng từ sau khá nhiều năm …

            Áo được mặc chỉ khi đi dạy thôi. Đâu được hai tuần, ngày ấy cũng cực lắm; dạy xong, tôi còn phải ghé chợ để lo bữa cơm… Hai cha con ngồi trên xe đạp ngoài góc chợ chờ. Trưa cũng hơi nóng, vào chợ phải lội khắp nơi, nhất là xuống hàng cá, xui, hôm ấy, tôi không kịp gửi áo cho hai cha con, nên khi vào chợ mới nhớ và cởi ra, kẹp vào hông… Chồm người lo lựa mua các thứ, chưa xong, đã nghe tiếng gọi thất thanh:

            – Cô, cô, nó ăn cắp cái áo cô, nó chạy rồi kìa…

          Tôi chưa kịp hiểu: cô là ai, và nó nào? Quay ngoắt lại, nhớ ra “cái áo”, thì đã mất rồi, giờ mới hiểu là nói mình. Trong tích tắc ấy, cậu bé vừa gọi, vừa dặn thêm rất nhanh rồi không cần biết tôi có hiểu không nó vụt chạy đi. Tôi ngỡ ngàng nhìn theo, ôi, nó chạy như tên bắn. Cái dáng nhỏ con, lao như con vụ đang quay… Vọng lại từ xa, tôi loáng thoáng nghe:

           – Cô chờ ở hàng tỏi, em biết nó…

         Lòng hoang mang vô hạn, tôi tranh thủ mua thêm vài thứ cần thiết rồi lên hàng tỏi đứng đợi. Biết là sẽ lâu, cha con nhà nó sẽ nôn nóng và cả lo lắng; nhưng chắc chắn không nôn nóng và lo lắng bằng tôi. Tôi không lo mất áo, không lo trễ nãi mà lòng canh cánh nỗi ưu tư: tôi chưa nhìn rõ mặt cậu bé ấy, xem ra cũng tầm 14-15 tuổi, nó đi như vậy là đi bắt “kẻ cắp”, kẻ cắp đôi khi có cả băng đảng, trong khi nó có một mình sao chống lại, lỡ nó bị hành hung thì sao? Giờ tôi muốn cản cũng không được rồi, tôi thà mất của chứ không bao giờ đem thân thay thế, mình không muốn vậy, sao giờ để cậu bé này vô can mà lãnh nạn chứ? Tôi ngồi thì thật sự không có chỗ rồi mà đứng cũng chẳng yên, loay hoay ngóng ngó, muốn ra báo với ba cháu biết chuyện cũng không thể đi, cứ lo cậu bé vào tìm không có… Tôi bắt đầu lâm râm cầu cho cậu nhỏ được bình yên, áo có hay không không còn quan trọng nữa… chỉ cầu được nhìn thấy nó trở lại bình an thôi. Thời gian như đông cứng. Cho đến khi có tiếng gọi từ phía sau lưng, giọng gần như hụt hơi: 

           – Cô…, áo nè cô!

         Tôi quay vụt lại, hoá ra, tôi hóng về hướng nó xuất phát, mà hướng về lại ở sau lưng. Trước mắt tôi là cậu bé đen thui, tóc vàng hoe bết mồ hôi trán, đầy vẻ phong trần lam lũ, nhưng chiếc miệng đang cười tươi nhìn tôi với ánh mắt thật vui, hình như lấp lánh nụ cười. Cố nhớ, cố hình dung, cuối cùng cũng vụt sáng lên trong trí tôi hình ảnh cậu học sinh năm nào… là H, học sinh cá biệt của lớp tôi, khá cộm cán. Lâu sau, tôi mới mở miệng được, tôi nói qua làn nước mắt: 

          – Là H phải không? Em làm gì mà giờ này còn lang thang trong chợ vậy? 

        Em cúi đầu lí nhí: 

          – Sáng, em chạy hàng phụ bán cho người ta cô à. Chiều em đi bán bóng bay, phụ má em. 

       Vậy là dang dở học hành rồi. Tôi ngậm ngùi nhìn cậu bé, thương nhưng chẳng biết giúp nó cách nào. Vì những ngày còn học ở lớp tôi, tôi thừa hiểu hoàn cảnh em ấy: em không có cha, mẹ lại đau ốm dặt dẹo, sinh kế là rổ đậu phụng luộc bán dạo khắp phố chợ… thu nhập khá bấp bênh, nên chuyện học hành bê trễ lắm. Ngày ấy, tôi thường “bám” những đối tượng này, mong tụi nó có chút tương lai, giáo đa thành oán bởi sự nôn nóng… Ôi, biết vậy tôi đã chẳng la rầy, mắng mỏ các em chi cho nhiều, tưởng mình lập nên công trạng gì, cuối cùng các em cũng lam lũ mưu sinh trong cảnh khó nghèo… Còn trưa nay, tôi chỉ kịp ôm lấy đôi vai khẳng khiu của H, nghẹn ngào cám ơn em trong nỗi vui mừng vì em đã an toàn đứng trước mặt tôi với ánh mắt lấp lánh nhìn cô giáo như những lần em được khen “lao động giỏi” ở các tiết lao động trồng cây hay vệ sinh sân trường… môn ruột của em.

             ThaiLy.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search