T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: DỞ KHÓC DỞ CƯỜI…

Bộ Lục (Ảnh: Tác giả gởi)*

DỞ KHÓC DỞ CƯỜI  

              Năm ấy, tôi mới học lớp nhất, lớp 5 bây giờ, và trong tâm lý chuẩn bị để thi vào lớp đệ thất trường TH Duy Tân, trường công lập duy nhất ngày ấy của thị xã. Cũng không dễ dàng gì. Ông già tuy “thả” cho con cái tự lo, tự học nhưng vẫn treo giải thưởng:

                  – Con đậu được vào trường Duy Tân ba cho chiếc xe đạp mới. 

            Giải thưởng đã làm cho tôi vô cùng phấn chấn. Nhất là Ông Già lại nhấn mạnh tiếng “Mới” vì biết tính tôi: cho thì phải mới- không nhận đồ cũ bao giờ. Vậy là lòng vui như mở hội. Hạ ngay quyết tâm: Đậu hay không, chưa biết nhưng phải biết đi xe đạp. Ông Nội đã dạy rồi. Làm gì cũng phải có sự chuẩn bị, tính toán chu đáo trước, sau. Không làm cái kiểu ” chụp mồ, chụp mả “, không để nước tới chân mới… nhảy. Thấm nhuần lời dạy của Ông, nên tôi quyết tâm tập đi xe đạp dù rất… nhát. Trong lớp có cô bạn, nhà khá giả lắm. Mới lớp nhất mà đã có hẳn chiếc xe đạp nhỏ đi học, bạn ngồi bên tôi, hay hỏi han bài vở; tôi cũng sẵn lòng… thế rồi bù lại, mỗi tối bạn đến nhà tập cho tôi đi xe đạp. Nghĩ lại, thương bạn gì đâu. Bạn vịn xe thì tôi tha hồ đạp, nhỏ chạy theo bở hơi tai, lừa thế thả tay cho tôi tự đi, có khi cũng để bạn “nghỉ hơi xíu” thì y như rằng tôi cũng thả luôn xe… quay qua…. ôm cứng cổ bạn. Cứ vậy, nhưng sự kiên nhẫn nào rồi cũng “lung lay” khi mà: bạn đã đuối lắm rồi, mà tôi thì cứ “thả tay là quay qua quàng cổ”. Bạn lặn luôn, nhưng tôi vẫn quyết tâm tập đi bằng được. Các chú ở trong nhà hiến kế: 

             -Tự tập đi, mượn chiếc xe đạp đầm, tự ngồi, tự nhấp mới mau biết đi. 

            Và… tôi thực hiện, rất kiên trì; đến ngày tôi cà nhắp được nhờ chiếc xe đạp đầm, dễ ngồi hơn xe kia… rồi cũng đi xa xa. Ổn rồi. Thành công rồi.

              Một chiều nọ, có người quen đến chơi. Tôi ỉ ôi… mượn chiếc xe, chạy một vòng… Cái nghề mới biết đi hăng lắm, mượn được lại vô cùng sung sướng, lại đi chưa rành nên ngó lên nhìn đường thì ít mà cứ cắm cúi nhìn dưới chân thì nhiều… rõ ràng đường trống vắng, chỉ có mình tôi thôi. Xảy đâu, có tiếng la oai oái:

                 – Tung… tung… nhỏ… nhỏ… . 

              Nhưng… đã quá trễ. Bánh xe trước đã tung mạnh vào chỗ “hiểm” của ông già hàng xóm. Tôi không té nhưng run bắn người, có lẽ cái mặt cắt không còn chút máu. Công nhận, ông già hung dễ sợ. Vì là hàng xóm nên ổng biết nhà tôi. Vậy là: hai tay ôm… chỗ đau, ổng lao vào ngõ nhà tôi với dáng điệu hỏng giống ai. Nhưng với quyết tâm “ăn thua đủ”. Tôi cũng vội “nhấp xe” vào theo. Chưa vào đến sân, ổng đã la táng quáng:

                   – Bà Năm, bà Năm đâu… ra mà coi nè. Cháu bà tung tui… “tức tức” quá. Ui, ui… vừa nói, vừa rên và hai tay ông thì cứ cái “chỗ đau, chỗ tức mà ôm”. Quá là thảm hại. Hoá ra, ổng nói “tức” là “tức “cái chỗ bị tung …

               Cả bà Nội tôi và… khách bước vội ra sân. Nhìn cảnh ấy ai cũng hiểu tôi  là thủ phạm. Không ai kịp mở lời, “kẻ phạm tội” đã vội phân trần: 

               – Ai biểu ông đi… chàng hảng chi con mới tung trúng chỗ đó chớ. 

              Một “phút mặc niệm” cũng qua nhanh. Vì chẳng ai nói gì, mà có lẽ đang cố nín cười. Lát sau, bà Nội tôi xin lỗi và vị khách kia cũng giảng hoà vì “cháu nhỏ, mới tập đi”. Tôi chỉ lặng nhìn ông đầy vẻ hối lỗi chân thành. Rồi… ai về nhà nấy. Sau này, cứ mỗi khi gặp, ổng cứ nhìn tôi cười tủm tỉm.

                   Ngày thi rồi cũng đến, kết quả rồi cũng đăng, hơn 9g sáng ba tôi  về, cười vui, gọi và dẫn ngay ra tiệm xe đạp, cho tôi “tự chọn”, tôi chỉ ngay chiếc màu đỏ với tính toán “đi  học, mình mặc áo dài trắng, đi xe đỏ sẽ… đẹp hơn”. Vậy là… gần 11g tôi nghênh ngang, vênh váo đạp xe về. Thấy chưa? Nếu không có cái vụ “dở khóc dở cười” kia thì sao được cái lúc này? Tôi chợt thấm thía câu: Không vào hang hùm sao bắt được cọp?

ĐƯỜNG ĐI HỌC  

              Những ngày cuối cùng của mùa hè sắp hết. Sáng nay, tình cờ gặp một nhóm học sinh đi học hè, tôi chợt nhớ chuyện mình ngày nhỏ, ngày học lớp nhất, đang luyện thi vào đệ thất (lớp năm lên lớp sáu bây giờ). 

   Giải thưởng, ba tôi đã “treo” rồi. Nên song song với việc tập đi xe đạp, tôi còn phải lo ôn luyện thi. Ngày ấy, cô thầy ở trường không hề dạy thêm. Gia đình tự tìm thầy cho con ôn luyện. Riêng tôi, tự mà tìm lấy. Nhà hàng xóm có ngôi lầu bỏ không, với lan can khá rộng. Nhà ít người, lại có… ma, nên cho mở lớp dạy kèm vừa vui vừa có đông người vào ra, chộn rộn, ma cũng sợ, ít hiện lên. Nhóm học cũng hơn 10 nhóc, trai có gái có. Thầy là anh Tâm, vốn là học sinh, quê ở Bình Ba (Cam Ranh) vào trọ học và dạy thêm. Tôi, vì là hàng xóm thân tín với chủ nhà nên rất rành đường đi lối lại, nhưng không bao giờ dám một mình lên lầu. Do câu chuyện: 

              – Thường nhà trước có cho người để cà, chờ chuyên chở đi Đà Lạt, bên cạnh nhà là bến xe tải hồi đó gọi là “Ba- lua” (chỉ nghe vậy chứ không biết viết sao) để hàng, tất nhiên có người giữ. Vậy là, cứ buổi trưa, nhà vắng, đang thiu thiu ngủ y như rằng thấp thoáng có bóng người đàn bà mặc bà ba đen, tay cắp rổ, còn tay kia… lủng lẳng… đi vào, cứ nghĩ là “họ đi ăn trộm”. Một hai lần đầu, còn cố nhìn và chờ “bắt tại trận “nhưng cứ có vào mà không có ra”. Chỉ đến chân cầu thang là… biến. Sau, họ có kể lại, chủ nhà cũng thừa nhận: năm 1945, hai quả bom rơi xuống chợ, cách nhà vài trăm mét, người chết nhiều lắm. Có người đàn bà cắp rổ, chạy về đến trước nhà, một cánh tay lủng lẳng mà chưa đứt rời, mất máu nhiều và hình như còn thương tích gì nữa nên đã gục chết. Vậy là xác định nhà có ma. 

           Tôi không kể ai nghe câu chuyện này, kể cả anh Tâm. Nhà sát một bên, nhưng phải thật đông tôi mới dám cùng lên lầu. Qua sớm, thì chơi với bà ngoại và các cô (là gia đình chủ nhà). Có điều lời nói không sai, cái câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” luôn đúng. Mắc chứng gì, cứ khi lên lầu, sau vài ba bậc cả bầy đi êm thắm, nhưng chừng 5-7 bậc là cả đám la hét, tranh nhau chạy lên như một đám giặc, bà ngoại la, hai cô la, anh Tâm bị méc vốn cũng nhắc nhở nhưng không hơn 1 ngày là đâu lại vào đấy. Tôi bực mình. Tự nhiên bị liên luỵ. Tôi suy nghĩ, cần tìm cho mình một “đường đi khác”, đường đi đó tất nhiên không đi lên cầu thang. Tôi nghiên cứu địa hình… hay quá, có rồi. Có điều hơi mạo hiểm, nên cần tính toán kỹ “Con đường đi học của riêng mình”. Đó là: 

               – Lan can trước nhà tôi sát với lan can nhà bên cạnh, chỉ cần leo lên thành, đặt vở sách lên trụ bên đó, bước qua thành lan can nhà kia, leo xuống… hi… hi… xong. Nhưng, không thể leo qua sớm, khi chưa có ai, bởi vì sân thượng này cũng có… ma. Chính mắt tôi thấy. Một lần, tôi đi ăn quà ở ngoài rạp hát, đi về, chỉ một mình, lúc ấy khoảng gần 9 giờ đêm, để vào nhà tôi phải qua một con hẻm nhỏ, ngắn thôi, chỉ là theo vách nhà này là vào cổng nhà mình nhưng xui sao hôm ấy, từ đầu đường hẻm, tôi lại đưa mắt nhìn lên lan can nhà người ta… Ôi, một bóng người rõ to, dưới ánh đèn đường rọi vào và cả ánh đèn từ cửa sổ trên gác nhà tôi rọi qua, tôi thấy thật tỏ tường, người này mặc bộ đồ màu xanh, đầu đội mão cùng màu, thấp thoáng bên khung cửa sổ. Tôi nhắm mắt, ù té chạy vào sân nhà, đúng kiểu “ma rượt”. Giờ, sao tôi dám một mình qua đó trước chớ? Ngồi học, tôi còn âm thầm chọn góc xa chỗ khung cửa sổ đó nữa là … Vậy nên, tôi chờ, chờ đông đủ học trò, thầy đến, tôi mới lò dò leo qua. Đi như vậy, là sau lưng mọi người, ban đầu không ai để ý. Nhưng rồi “cây kim trong bọc cũng có  ngày chòi ra” huống hồ gì là tui. Một tối nọ, khi tôi vừa ló đầu lên khỏi lan can nhà mình, vừa đặt chân lên lan can nhà bên đó thì mấy đứa bạn chợt thấy cái bóng đứng lên… nó la hoảng, một sự lây lan nhanh chóng, cả bầy la theo… anh Tâm mới vừa đến không hiểu chuyện gì, khi biết ra, dĩ nhiên tui bị rầy dữ dội cái tội: con gái mà lì mà hoang quá. Đường bằng không đi mà đi đường “thượng”. Chuyện bại lộ. Khi mà cả nhà bà ngoại nghe la, cũng vội chạy lên… Nhưng tôi vẫn phải dấu câu chuyện ma kia. Không thể kể. Con đường đến trường từ đó vẫn là “con đường xưa em đi” với một bầy bè bạn, vừa đi, vừa chạy, vừa la  hét và… bị la mỗi ngày. 

                 Cho mãi đến khi lớp học tan hàng, lớp luyện thi có 8 đứa đậu vào Duy Tân trên tổng số 12 đứa. Anh Tâm nghe đâu sau đó phải đi lính, không còn gặp nữa. Câu chuyện “vượt lầu” của tôi cũng chìm vào quên lãng. Cho đến năm 2009, tình cờ tôi gặp lại người bạn trong lớp này, anh Sáu đi xích lô, lâu vậy mà anh vẫn nhớ, gọi tôi í ới, rồi nhắc lại chuyện xưa… Tuổi thơ lại về. Giờ đã đến tuổi già, ảnh còn hỏi “sao hồi đó em gan mà lì dữ vậy”? Trời ơi, sao hồi đó không hỏi, giờ hỏi thì ai nhớ mà trả lời? Tôi chỉ “cười trừ”… 

ĐÀNG SAU “MÁI TÓC XOĂN”.   

            Dính dáng đến chuyện thi vào lớp Đệ Thất của tôi, vẫn còn câu chuyện nữa. Ôn thi, tập đi xe đạp rồi cả việc chụp hình để làm Thẻ Thí Sinh. Với tôi, rất quan trọng. 

            Câu chuyện này, có dính dáng đến ba tôi. Vậy xin giới thiệu vài nét về Ông. Ba tôi, vốn là thợ hớt tóc, khéo tay và rất thông minh, sáng tạo. Ông không dừng lại ở một nghề, tuy vẫn giữ đó là nghề chính, chỉ là: nghề gì cũng muốn biết. Làm ở tiệm ngay trên con phố Thống Nhất, vốn là đường phố duy nhất ở Phan Rang thời ấy. Nhiều cửa hàng, nhiều ngành nghề quy tụ nên ba tôi sắm cả đồ nghề sửa đồng hồ, ông chỉ nhìn và tự học và tự thử tay nghề, ông mua luôn cả bộ đồ nghề thợ mộc cả bộ khoan đủ các cỡ, ông có cả bộ đồ điện, tự sữa chữa điện cho gia đình… có điều, điện thì chiều tối mở đèn không sáng, kiếm ông về sửa lại hơi gay. May ra, chỉ tôi tìm được ông thôi. 

              Ngày ấy, nhà vui lắm. Ban ngày, tuy cực nhọc nhưng ban đêm thì đủ trò vui chơi. Bà Nội tôi, nhà hàng xóm và cả nhà tụ nhau chơi “Tam hường” có nơi gọi là “Tam cúc” nhưng tôi thích gọi Tam hường hơn. Bà nội chơi, ý chê “bộ hột nhẹ quá”. Đổ không đã. Vậy là, nhà cô Bảy tôi có bàn bi- da, ở đâu có mấy trái như là chơi lâu không tốt nữa nên ba tôi đem về, dùng bộ đồ nghề có sẵn rồi cạy cục mà đo, mà vẽ, rồi cưa, rồi mài… sau cùng tự khoan các chấm nhỏ trên từng mặt, khâu cuối cùng là sơn màu. Phải nói nhìn ông già làm, không ai tin rằng sẽ “ra ngô ra khoai”, bà gìa hồi hộp sợ hư bộ đi- văng mới vì đó là nơi ông cưa, khoan… nhưng bà lại vui, lại lo mua các món khoái khẩu để ba tôi nhậu mỗi chiều, bởi vì nếu không bận “cưa, khoan, mài ,đục” thì làm gì ông cụ có mặt ở nhà. Thành phẩm của ông, tôi còn giữ mãi đến giờ, nó đã ở tuổi sáu mươi. Là di vật duy nhất của ba tôi, được tôi “chiếm giữ độc quyền”. (Tôi có đăng ảnh). Những gì khác, tôi không quan tâm, người không giữ được thì mọi thứ khác có “theo ai” cũng vậy thôi.

                      Giờ tôi mới vào câu chuyện chính đây. Với đặc điểm trên nên ba tôi không dừng lại ở nghề hớt tóc. Ông tự học nghề uốn tóc nam; rồi tìm học ở đâu không biết, ông tự chế được cả thuốc nhuộm tóc bán lại cho tiệm. Tiệm ông đang làm có cả phòng uốn tóc nữ, vậy là ông học luôn. “Học phải hành”. Dù rằng ông rất ghét ăn diện, tóc xoăn… cả cô tôi còn không dám uốn, nhưng điều ông cần bây giờ là “con chuột bạch”. Và chỉ tôi là thích hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc “Tôi được đi uốn tóc”. Hôm ấy, cơm nước xong, ông tuyên bố xanh dờn:

                  – Trưa ra tiệm ba uốn tóc cho nhen. 

               Lòng mừng khấp khởi. Trưa tôi tung tăng ra tiệm. Trong lòng chắc mẫm sẽ vào phòng trong kia, các cô sẽ uốn cho mình. Phòng thì đúng, tôi vào đó, leo lên ghế ngồi chờ đợi, nhưng người cắt, uốn không phải cô nào cả mà là… Ông Già. Ôi, ông cắt, ông chải, ông chấm thuốc, cuốn ống xương… rồi gội, rồi cuốn lô lô, quàng lưới rồi vào lồng hấp… y như thợ lành nghề. Đến giờ tháo tóc ra, đến lúc chải… Trời đất ơi. Chải hoài, chải miết mà sao tôi chẳng thấy “cái bông” ở tóc trước vậy ta? Phần tóc trước trán nó xù như một mớ rơm, tóc sau… bung ra như tóc “chà và”, là sao ta? Lỗ tai tôi bắt đầu lùng bùng. Phải “hỏi” thôi. Hỏi mà nước mắt đã rưng rưng chực lăn xuống má, tôi mếu máo: 

              – Hồi nãy, ba cho con coi hình nói uốn cho con kiểu có cái bông ở trước, tóc sau úp úp vào tai sao giờ… hu… hu… không thể kềm chế được nữa.Tôi khóc thiệt rồi. 

               Một động tác quen thuộc. Ông Già lấy tay, phủi phủi vào hai bên đùi, cười cười, nói nhanh:

                  – Từ từ, ba nhờ cô Lan lên chải cho. Chỉ còn chải là ra mà. 

              Vừa nói, ông già vừa gọi với vào bên trong: 

                 – Lan, Lan… ra chải giùm nó cái. (Cô Lan là thợ chính của tiệm. Gần hai mươi năm sau, cô là người uốn tóc cô dâu cho tôi. Vừa thấy mặt, cô đã cười tươi và nhắc lại câu chuyện này. Âu cũng là kỷ niệm về ba tôi, dù khi ấy ông đã không còn tại thế.). 

               Cô Lan từ trong nhà đi ra, tôi hồi hộp lắm, vẫn còn chút hy vọng. Ba tôi dặn thêm: chải cái bông nhen. Cô đưa tay, chải vào túm tóc phía trước, rồi… cười ngất. Cô cười, tôi lại bắt đầu khóc. Cô nói nhanh: 

                – Cắt vầy thì… bông gì mà bông? Chải cho nó chịu nằm xuống là may lắm rồi. Muốn bông thì 5-6 tháng nữa cô uốn lại cho. 

            Thoạt nghe, tôi tối tăm mày mặt, muốn rớt luôn xuống ghế. Nước mắt như lũ tràn bờ. Ông Già lên tiếng năn nỉ: 

                 – 5-6 tháng là kịp Tết mà. Không lo. Giờ về, nói má lo đồ mới cho con. Kịp, ba bảo đảm kịp. 

             Ông già có biết là tai tôi đang nổ lùng bùng đâu. Tôi, thật sự rất thích Tết, ông biết rõ tâm lý này nên… dụ tôi. Nhưng hiện nay, điều tôi đang hướng đến là tuần tới tôi đi chụp ảnh làm Thẻ Thí Sinh, dự thi Đệ Thất, kỳ thi đầu tiên và vô cùng quan trọng của tôi. Trời ơi, tôi ân hận quá. Giá mà đừng ham hố. Đừng đi uốn tóc có phải an lòng hơn không? Càng nghĩ, nước mắt tôi càng tuôn… Cuối cùng, cũng phải chịu thôi. Cô Lan và các cô thợ cùng ba tôi cố dỗ dành ngon ngọt, với lời hứa sẽ có mái tóc cực đẹp vào Tết năm ấy, kèm theo… một chén chuối chưng nóng hổi, thơm lừng do các cô nấu. 

               Nỗi buồn hôm ấy đeo đuổi theo tôi mãi tận đến hôm đi chụp ảnh thí sinh. Cái mặt vẫn còn “quạu đeo, hung dữ” và cả sự bực bội. May mà thi không … rớt. Sau, mọi người giữ lời hứa. Tết năm ấy, tôi có “đầu mới” thật ưng ý. Chải ra cái hoa trước trán đàng hoàng.

ThaiLy

* Ảnh: Bộ hột lục do ba tôi tự làm.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search