T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: ĐỐN HẠ

Nhà xưa – Tranh: THANH CHÂU

Lại trở về “Chuyện cũ”. Chuyện về ngôi nhà đầu tiên lập nghiệp.

Vợ chồng tôi đã trút hết số vốn của Bà Nội để lại. Để về nhà mới, hai chúng tôi phải bán cả những món linh tinh “tích luỹ” được từ khâu “mua đồ thương nghiệp” mà do học trò vốn là cán bộ thương nghiệp mua giúp. 

               Điểm nổi bật của ngôi nhà là vách đất, mái vừa lợp ngói (gian chính), vừa lợp tôn Coca Cola (nhà sau), nền cao, sàn lót gạch bông. Quan trọng nữa là ngay hàng rào, sát cửa ngõ là cây me to đùng, phải 3-4 người ôm chưa chắc hết. Bóng mát nó toả rộng, mát rượi cả một vòng tròn bán kính tầm 8m. Là nơi tụ hội của các cụ bán hàng trong xóm, là nơi các cô gái nhóm họp chuyện trò, là nơi tà tụi của lũ trẻ con cả xóm… Mỗi mùa hè, nơi đây vô cùng ồn ã, chẳng dễ gì có phút nghỉ ngơi. Gốc me to, cho nhiều trái, hàng năm nó là nguồn thu nhập để sắm sửa cho con gái đầu lòng của tôi đủ bộ Tết. Nhưng đến mùa trái chín thì ôi thôi, cứ lộp độp trên mái tôn những trái chín… nhất là khi người mua thu hoạch thì kể như tiêu điều cái mái. Năm đầu tiên, tôi tò mò lắm, không biết họ hái trái như thế nào mà mua “nguyên cây”, cây cao rậm, trái dày đặt xum xuê… Chừng đến mùa mới biết. Họ có hái từng trái như mình nghĩ đâu. Chỉ cho một cậu trai leo lên cây, một chân đứng trụ phía trong, sát thân hoặc cành lớn, chân kia nhún đạp bên ngoài. Thậy là vui quá… “me rụng đùng đùng… “, bên dưới người nhà chuẩn bị sẵn nào bao, nào giỏ hốt trái. Biết rồi. Cái kiểu hái này thì cái mái Coca Cola đã cũ mèm kia chịu sao nổi?. Mà đã bán cho họ rồi thì sao cản được? Vậy là tôi trong cảnh “ngậm nghe”. “Cô ca” không nổi mà “cô la”cũng không được. Nhưng cả khu vực lại vui nhộn hẳn lên.

                 Chính vì vậy, mái Coca Cola cũng chóng lên đường. Đã đến ngày nó dột nát tả tơi. Mỗi khi mưa, như mùa này, thì tất cả thau, xô… đều được trưng dụng để hứng nước. Kể cả nồi, chảo cũng được treo lủng lẳng trên nóc mùng hứng nước. Ha…ha….báo hại có hôm, chuẩn bị xong thức ăn, tôi loay hoay đi tìm nồi nấu, mà không nhớ nó đang “ngự” trên mái nhà. Vì vậy, sau mấy năm tích cóp, rồi do một chuyện ngẫu nhiên, vì lòng tự trọng, vợ chồng quyết tâm làm lại căn nhà dưới. Muốn vậy, trước hết phải giải quyết cây me: Đốn hạ nó. Dư luận xôn xao. Lời bàn tán râm ran… nhưng lại không ai trực tiếp nói với mình nên hai vợ chồng vô tư luôn. Đi tìm thuê người chặt. Giá hơi cao nhưng là người có kinh nghiệm, cậu ấy còn nói thêm sau khi ngã giá, hẹn ngày:

                – Em cũng “xâm mình” lắm mới nhận lời anh chị đó. Cây me này khó “nhằn” lắm. Tại anh chị không biết đó thôi. 

               Đúng là khó thật. Tôi cũng cẩn thận, nên có lâm râm khấn vái, cho công việc suôn sẻ, an toàn cả chủ lẫn thợ. Chặt đến ngày thứ 2, từ trên cây trèo xuống, cậu ấy vừa châm thuốc hút vừa kể với chất giọng như đang tâm sự:

                  – Như có ai đỡ. Em né kịp chớ không nhánh kia đập là em rớt luôn hồi nãy rồi. Nhánh me mục rỗng bên trong… bục ra nhanh quá. Em xuống ngồi hút thuốc nãy giờ mà chưa hoàn hồn. May là em, chứ để thằng phụ chặt là xong nó rồi.

              Tôi nghe cũng “lạnh toát” cả người. Kẻ qua, người lại, xăm soi… các bô lão không nói gì, nhưng cứ đi ngang là lắc đầu ái ngại. Sau 3-4 ngày, chỉ còn trơ phần gốc, cao tầm 3m, thợ đốn cây thú thật:

                – Đến đây, em thua rồi. Cây me đã lâu năm, bên trong lỏi cứng đã đành mà còn có nhiều đinh, dây thép ăn sâu trong đó. Anh chị có thuê cưa máy họ cũng chẳng thể làm đâu. Công xá của em tuỳ anh chị muốn đưa đủ cũng được, muốn trừ phần còn lại thì mình thoả thuận. 

              Chuyện khó rồi. Công việc lại nguy hiểm, họ cũng đã cố, thú thật xong phần cành nhánh rườm rà trên cao là tôi cũng mừng lắm rồi. Sợ là sợ cành cao, lại mục rỗng bên trong, gió lớn gãy đổ trúng người thì chết. Cái gốc thấp mà, sau, cành nhánh ra đến đâu, mình chặt đến đó cũng không sao. Vậy là tôi trao đủ tiền chặt nguyên cây, cám ơn rối rít… Hai vợ chồng lo chuyện làm nhà.

               Nhà rồi cũng xong. Có điều, tiền mình ít. Có những lời hứa hẹn “sẽ cho”, tin là vậy. Tôi chỉ đủ tiền đặt làm khung nội cho cái cửa sổ để xây cho xong, với tính toán “chắc ăn” là khi được cho tiền, mình sẽ làm cánh cửa gắn vào sau vậy. Nhưng rồi… mùa mưa phùn gió bấc đến. Nhà vườn mà, gió ùa vào mạnh và lạnh lắm. Tiền thì đã hết nhẵn rồi. Tôi đi mua tạm tấm vải thun màu xanh yamaha treo lên che tạm. Tuy nhiên, từ sau khi chặt xong cây me, xây xong nhà, cứ mỗi chạng vạng tự dưng trong nhà, khi đi ngang cái cửa sổ kia, có hôm cảm giác sờ sợ xuất hiện, chuyện xưa nay chưa từng có. Thật tình, tôi không dám nhìn ra khung cửa. Sáng kiến che tấm màn kia cũng chẳng giải quyết được nỗi sợ mông lung, vô hình kia. Nhà mình đang ở, đang yên lành mà, giờ sao lại xảy ra nỗi sợ vô cớ này?. Trăn trở mãi mà chẳng biết tỏ cùng ai?. 

                                 *****

          ….Gian nhà mới đã xong, nơi ăn chốn ở xem như tạm ổn nhưng điều không ổn là “lại chẳng yên”. Vợ chồng hay thắc mắc, lục đục không yên, con cái đau ốm linh tinh mà cứ liên tục. Chỉ mỗi việc, chiều tối, ba cháu còn cố chạy nước cho vườn rau, loay hoay ngoài vườn, trong nhà ba mẹ con lấn cấn cảnh cùng lúc hai đứa bệnh, mà tôi thì “đi ngang cái cửa sổ kia lại sợ, rất sợ… gió mạnh, thổi tung màn che, có hôm rơi luôn xuống đất, trời ơi, sao tôi dám đến mà lượm, mà treo?. Không treo thì gió lùa, con đang bệnh… vậy là gọi chồng inh ỏi. Nhiều lần, cũng có khi ổng bực, vậy là vẫn vào giúp nhưng…cằn nhằn. Cằn nhằn tôi cũng chịu, bởi biết “do mình”. Nhưng có hôm, bực quá. Ổng vừa làm, vừa ràm:

                – Chạy ra chạy vô bắt mệt. 

                – Thì tại sợ chớ không ai kêu chi?

                – Sợ gì mà sợ? Mắc mớ gì sợ, ở trong nhà mà sợ… 

             Vậy là… sinh chuyện. Vì tôi đã nhiều lần phân trần rồi. Nỗi sợ nằm trong vô thức, làm chủ được thì còn gì để nói. Tuy nó mông lung, vô cớ nhưng vẫn luôn tồn tại. Tôi không dứt ra được. Dứt ra được, tôi đâu cần “lệ thuộc” vào ai?. Thời gian cứ trôi. Cho đến một hôm, tình cờ, bác Sáu đi đâu ngang nhà, tôi đon đả chào hỏi và mời vào chơi, bác vốn rất khó tính, cả năm không tìm thấy nụ cười hay nét vui trên mặt, kể cả vợ con của bác. Lại vốn là thầy phong thuỷ. Vào nhà, bác dạo một vòng bằng đôi mắt quan sát… đột nhiên bác hỏi:

                    – Nhà mua rồi có thêm bớt gì không?

                Chưa kịp hiểu ý bác, tôi hơi khựng rồi nói nhanh vừa nói vừa chỉ:

                    – Dạ, tụi con mới làm lại căn sau. 

                 Vẫn đứng ngoài sân, bác hỏi: 

                    – Dọn về ở lâu chưa?

                    – Dạ cũng 4 năm rồi.

                 Bác cười nhẹ, vẻ hơi vui vui:

                    – Mẹ cha bây, ở được mới hay. Có yên ấm không?

                 Tôi thành thật khai báo:

                    – Dạ, chuyện tiền bạc không nói nhưng con cái hay đau ốm, vợ chồng không to lớn gì nhưng hay đôi co, lục đục, con nghĩ do… khổ quá nên vậy bác à. 

                 Bác lại cười dài, tiếp:

                   – Chưa nói tới cái nhà. Chỉ cây me đây đủ chết rồi con. Giờ, chặt xuống đến đây rồi thì phải hạ luôn cái gốc, để là không xong.

                Tôi kể luôn:

                  – Dạ, tụi con thuê chặt hết cây, nhưng họ nói trong thân có nhiều đinh, dây kẽm gai nên không hạ được, mà gốc to quá, hết cành nhánh rồi nên không lo cây gãy trúng người, tụi con phải để vậy, ra cành tới đâu chặt tới đó, đó bác. 

                Bác lắc đầu quầy quậy:

                  – Phải hạ xuống. Không giỡn chơi như vậy được. Ra đây, bác chỉ cho. 

                Vừa nói, bác vừa dợm bước đi, tôi lẽo đẽo theo sau. Bác chỉ tay vào chỗ bọng cây dưới gốc, nói:

                   – Đây, chỗ này nghe, mày biểu cha nó đem bỏ chín cục than hồng vào, thêm dăm cây, cốt yếu giữ cho lửa cháy cho đến khi gốc cây ngã xuống là xong. Ngày nào bắt đầu, bác nói sau. Phải làm nghe chưa. 

                 Tôi hơi hoang mang và nối bước theo bác vào nhà. Bác nói nhỏ: 

                 – Tụi mày ở được nhà này là phước lớn rồi, chắc nó cũng qua 2-3 đời chủ mới tới tụi bây, mà chắc chắn chẳng chủ nào yên, thêm cái cây nữa thì… phải biết sợ. Thôi, bác về chiều biểu cha nó lên lấy ngày. Nhớ, làm như bác dặn nghe.

                  Tôi “dạ” nhỏ và đưa chân bác ra ngõ. Ba các cháu về, tôi thuật lại; không dám trù trừ, lo thực hiện theo hướng dẫn. Có điều kỹ hơn tí, trước khi đặt lửa vào gốc cây, tôi hỏi lại thợ chặt, nên đặt như thế nào để khi ngã nó ngã vào sân nhà mình, chớ mà ngã ra đường thì… chết. 

             … Mất hơn 5 ngày đêm cây ngã, đúng vào khuôn sân, mừng hơn được vàng. Dập lửa, để thật khô rồi… tính. 

                Hạ gục xong gốc me, thì nỗi sợ cái “cửa sổ” càng dâng cao, cao tới ngọn. Không chỉ không dám nhìn ra khung cửa mà ngay cả đi ngang tôi cũng nổi da gà từng cơn. Khổ là, muốn uống nước, muốn xuống bếp hoặc lấy quần áo cho con đều phải đi qua nó. Không dám nói ra, sợ con cái sợ theo. Cũng không thể than thở cùng “ai kia” vì tự ái. Tôi âm thầm chịu đựng trong “đau khổ”. Cho đến một tối nọ, tôi chợt nghĩ ra “sáng kiến”. Dựa theo động thái của bác Sáu thì chắc chắn nhà mình có vấn đề tâm linh. Sợ mãi cũng không giải quyết được, do vậy, tôi chấp nhận “lấy gồng”, đến bên cửa sổ, thành tâm khấn: 

                    – Tui sợ lắm. Xin đừng nhát tui làm gì. Các vị khuất mặt cần gì xin cứ trong giấc chiêm bao mà nói. Mình không xâm phạm lẫn nhau. Tôi hứa sẽ tôn trọng chư vị. 

               Tôi vẫn nhớ cảm giác khi ấy, một luồng hơi lạnh chạy suốt sống lưng. Đêm đó, tôi hơi khó ngủ, khi vào được giấc ngủ sâu, tôi thấy thật rõ ràng: đứng trước cửa nhà dưới (căn nhà mới cất) là một bà lão, mặc toàn đồ đen, đầu đội nón lá, lưng mang gùi (một dụng cụ đan bằng tre, dùng đựng đồ như mang ba lô ngày nay), đứng bên cạnh bà, hơi khuất sau lưng thấp thoáng là một cậu bé tầm 5-6 tuổi, không rõ y phục và cả hai, tôi đều không thấy mặt. Thức giấc, tôi hoang mang, suy nghĩ lung lắm. Một cố tật không bỏ mà có lẽ… không bao giờ bỏ. Chiêm bao xong, suy nghĩ tí, ra hay không ra cũng gọi ngay “ông xã”. Không phải sao? Vợ chồng mà, lẽ nào gọi là “sai”? Có là nửa đêm về sáng cũng vậy thôi. Tôi kể lại giấc mơ. Không ai lý giải được. Chờ sáng vậy. Sáng ra, nấn ná chờ chị hàng xóm liền nhà, sân nhà chị là cửa sổ nhà tôi, cái cửa sổ này biết nhiều chuyện lắm, lại là con đường giao liên của hai nhà. Tất tần tật đều diễn ra ở đây. Tôi từ từ hỏi chị: 

                    – Chị T nè. Về ở mấy năm rồi mà tui chưa biết gì về xóm mình, muốn hỏi nhưng sợ bị chê trách là tò mò, nhiều chuyện. Tại hôm bữa tui chặt cây me, thấy bô lão xôn xao quá. Là sao vậy chị? 

                 Sắc mặt chị trở nên nghiêm trọng, có tí căng thẳng, chị thấp giọng: 

                  – Tại cô chú không biết. Cây me này… ma không hà, lại linh lắm. Bây giờ đã lâu, phai bớt rồi, với lại chắc họ đã đi rồi nên ít thấy.  Khi cô chú nói chặt cây me, ai cũng “rúng động”, mà không dám nói. Nhứt là tui với bà Ba, có buôn có bán, nói rồi cô tưởng tụi tui muốn giữ cây me nên doạ. 

                – Trời ơi, cụ thể là sao, chị kể tui biết với.

             Vẻ quan trọng, chị nói:

                – Trước đây, xóm vắng lắm. Có một bà già đi ăn xin, hay nằm dưới gốc cây me… chẳng ai để ý, chỉ thấy vậy và biết vậy thôi. Cho đến một hôm, người ta phát hiện bà chết tại gốc cây, bà nằm co ro, chắc do đói lạnh, hay đau ốm gì đó.

              Thoáng nhanh qua đầu, tôi giải đáp được một nhân vật, còn một nữa. Tôi hỏi tiếp: 

                – Rồi còn có vị nào nữa không chị? Nếu chỉ một bà lão vậy thì mình cúng bái chứ sao ai cũng sợ như vậy?

               – Trước nữa thì tui không biết nhưng sau đó, lại có một đứa nhỏ là con trai, chết gần đó. Đó, cô nhìn xuống đường kia, ngay góc nhà ông… đó. 

              À, vậy là rõ. Hai vong hồn đơn lẻ, một già, một trẻ đã tìm đến nhau. Tôi thoáng ngậm ngùi. Những vong linh vất vưởng, không người hương khói phụng thờ cũng biết nương tựa vào nhau. Có lẽ, cây me là nơi họ ở, mà tôi chặt phá đi, còn chặt luôn cả gốc. Họ tìm tôi cũng phải. Vậy là, trưa ấy tôi kể lại cho ba cháu nghe. Tối đến, tôi cầm 3 cây nhang ra khấn bên thềm, cáo lỗi, và hứa sẽ hương khói cho họ ấm áp vong linh. Từ đó, mỗi tháng 2 lần: chiều 30 và 14 Âm lịch mỗi tháng vợ chồng tôi đều bày mâm cúng. Như một sự linh ứng, từ đó tôi không còn cảm giác kinh hãi khi đi qua cửa sổ; có hôm tôi còn dám ra sân một mình. Mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường. 

     Thai Ly

Bài Mới Nhất
Search