T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: ĐU XE THAN

         Ảnh (Nguồn: INTERNET)

Thật chẳng thể tin nếu tôi nói với các bạn: Tôi đã từng “Đu Xe Than” theo đúng nghĩa “du côn” mà tôi lại đang là “cô giáo”. 

          Tình cờ, tôi bắt gặp hình ảnh trên mạng… tuy không “y chang” nhưng cũng khiến tôi nhớ lại chuyện của năm 1975- 76. Khi ấy, tôi dạy học ở tận Đông Hải, thuộc PGD Ninh Hải. Chẳng biết nghĩ sao, PGD lại điều động tôi đi kiểm tra một trường miền núi, cái tên lạ hoắc mà dù ấn tượng đến mấy đi nữa thì sau 47năm, có đánh chết tôi cũng không nhớ nổi.  Chuyến đi đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ và cả lo lắng, bởi tôi chưa đi lên miền núi bao giờ.

        Khi đi, cả đoàn cùng đến điểm hẹn, đi ngay tại bến nên ai cũng có chỗ ngồi, chỉ là: xe chạy bằng than, khi xe chạy, ngồi phía sau, lãnh hết khói bụi và cả những đốm lửa than xẹt ra như pháo bông. Ngoài chuyện sợ bỏng còn sợ cả cháy áo quần; khi ấy không dễ gì mua được vải mà may. Là cô giáo, tôi cũng cần “bộ cánh” không nói đến chuyện sang trọng, lượt là nhưng phải tươm tất. 

         Rồi cũng đến nơi. Xe thả ngay ven lộ, từ quốc lộ 1, cả đoàn gồm 4 người cùng đi bộ vào trường. Trời ơi xa lắc, càng đi càng xa, có thấy trường trại, nhà cửa gì đâu; loe hoe vài mái nhà, ẩn sâu bên trong rừng cây xanh nghịt. Tôi đã bắt đầu dao động: có nhầm đường không đây? Nên cứ hỏi thăm thầy trưởng đoàn từng chặp: 

            – Gần tới chưa vậy thầy? Còn bao xa…

         Điệp khúc này được tua đi, tua lại khá nhiều lần…, rồi hình như thầy cũng đuối nên thú thật: 

           – Cô ơi, tui cũng lần đầu đi đến trường này mà! Cứ đi, khi nào thấy là mình tới! 

         Câu trả lời quá là liều mạng, đã vậy tôi cũng liều mạng: 

          – Vậy trong thâm tâm thầy có dự kiến trường hợp chưa thấy trường mà có hai người xỉu không? Nhìn cô X kìa, và cả tui nữa! 

        Tôi nói thật, tôi đã yếu, mà xem ra cô X còn yếu hơn nhiều. Tôi tuy có bệnh nhưng nó “tiềm ẩn”, nhìn ngoại hình cũng có tí da thịt, cái mặt thì hơn hớn mọi lúc, mọi nơi. Còn cô X thì như con mèo ướt, từ dáng ngồi cho đến tướng đi hồi nào cũng liu xiu như “sắp ngã” tới nơi. Nghe tôi nói vậy, thầy trưởng đoàn mới nhìn lại, cái mặt thẩy “đơ” luôn… May sao, qua thêm khúc quanh cũng là leo dốc… từ dưới nhìn lên đã thấy thấp thoáng dãy phòng quả sơ sài… Tôi, mừng muốn tắt thở, bởi, tim mình yếu mà lại còn leo thêm cái dốc, sau khi trải qua đoạn đường quá xa; tuy ban đầu trong lòng cũng có chút thích thú vì cảnh thiên nhiên thoáng đãng, trời xanh, cây lá cũng xanh… và có lẽ mặt người cũng xanh như màu lá! 

         Bỏ qua câu chuyện “nghiệp vụ”, vì trường chỉ 4 lớp, học sinh không nhiều, quan điểm chính là thăm trường thôi! Ấy vậy mà nhà trường cũng lo tiếp đoàn khá chu đáo. Bữa cơm chiều là cơm và canh gà nấu bí đao, tôi thầm tiếc con gà, vì bí đao là thứ tôi không mộ, hồi chiều ra sau dãy phòng học đã thấy bí treo lủng lẳng trên rào. Bữa cơm xem ra ngon miệng, nếu không ngon là chỉ tại ảnh hưởng tâm lý thôi. Cô X hình như ăn không nổi, ngồi ẹo tới ẹo lui, đã vậy cứ cầm đôi đũa khơi khơi chén cơm, mỗi lần ăn chỉ nhón mấy hột cơm trên đũa, nặng nhọc đưa vào miệng. Vì tôi ngồi đối diện với cô ấy nên nhìn khá “mệt mắt”.  Buổi tối, ngủ lại trường, hỏi ra mới biết: chỉ 1 thầy và 1 cô ở lại trường, còn các giáo viên đều về nhà, mai lên sớm! Giữa rừng núi bao la, ở vậy thật khá là mạo hiểm, cô ấy có vẻ vui lắm dù phải chen chúc nhau 3 cô trên chiếc giường 1,2m; vậy là diện ưu tiên rồi, chứ các thầy thì qua phòng học kê bàn mà ngủ, nói “ngủ” nhưng chắc chắn chẳng ai ngủ được; càng về khuya trời càng lạnh, gió rít từng hồi, cửa tha hồ rung lắc, xa xa âm vang những tiếng kêu của các loài thú mà tôi chẳng biết tiếng con gì, chỉ biết dõng tai mà nghe, mà đoán, tôi hỏi nhỏ cô X: 

-Chị từng ở núi rừng, có nghe ra tiếng con gì không vậy? 

Cô ấy không nói gì ngoài câu:

– Ở rừng muông thú nhiều biết sao cho hết! Cố ngủ đi…

              Sáng ra, xem sơ một số hồ sơ, dự 2 tiết dạy, kết biên bản xong rồi cùng nhau chuyện phiếm. Chỉ riêng thầy phụ trách mảng Công Đoàn làm việc khá lâu với Công Đoàn trường; vụ việc có vẻ “bí mật” nhưng có bí mật nào mà không bật mí chứ! Cuối cùng tôi cũng được biết: đó là mối quan hệ thiếu “trong sáng”, không “lành mạnh” của thầy Hiệu trưởng và cô giáo. Ai sao không biết, quan điểm của ngành và CĐ sao không biết, nhưng với tôi, điều đó nếu đã xảy ra, hay chưa thì rồi cũng đến đó thôi, vấn đề là sớm hay muộn, hậu quả ít hay nhiều thôi. Nghĩ sao, giữa núi đồi bao la, nhiều hiểm hoạ, trai đơn gái lẻ lại ở chung nhà, chung phòng, hai giường chỉ cách nhau mỗi cái màn thì… mỗi chuyện sợ “ma” cũng đủ khiến họ “nhích lại gần nhau”. Cách tốt nhất là  “chuyển cô ấy xuống núi”, thay lên một thầy chứ thay cô khác thì… xem như khuyến khích. Biết vậy, nhưng mãi đến gần 2 niên khoá mới thực hiện được! 

        Trưa ấy, nhà trường mời bữa cơm trưa, lần này cả trường cùng dự, nghỉ tí cho qua nắng rồi cùng nhau “xuống núi”! Nghĩ tới quãng đường xa, lê bằng chân thì “chưa đi đã mệt”, có điều may mắn là đường về xuống dốc nên cũng dễ đi hơn. Từ xa, thấy con đường nhựa mừng hết lớn, mừng chuyện này lại lo chuyện khác, khi chiều đã xuống thật gần, mà hóng guài không thấy chiếc xe nào để về… đợi, đợi, càng đợi càng không có! Bóng hoàng hôn chẳng còn thơ còn đẹp khi mà bóng tối đã giăng giăng… còn chăng chỉ là nỗi “sợ”. Sao đây, giờ đây mới thấy, tuy là chật chội, không đủ tiện nghi cho nhu cầu nhỏ nhặt nhất nhưng ở trường vẫn hơn bây giờ “bơ vơ giữa quốc lộ”, nếu không có xe về thì sao đây? Thiệt tình tôi không dám tưởng tượng thêm. Nếu lỡ một mai, có ai đó xuất hiện thì làm sao, hai cô gái mỏng manh đến tội, hai thầy như thể tăm nhang, ai cứu ai? Tôi lẩm nhẩm vái, cầu xin đón được xe. Không biết nhờ sự thành tâm cầu khấn của tôi, hay may mắn của đoàn, xe rồi cũng có, chỉ là khi đến gần tôi khá thất vọng khi thấy xe chật kín người, cố nhìn vào bên trong, người cũng ngồi sát sạt nhau với bao nhiêu là giỏ, là thúng. Trời đất ơi sao đây? Tôi thầm ước lượng: nếu họ chịu chở thì chỉ còn “đu sau đuôi xe thôi”, cái cảnh tòn teng là chắc chắn rồi, nhưng có còn chọn lựa nào đâu, chỉ lo xe không nhận khách! 

           Trưởng đoàn đón xe, phụ xe xác định: 

               – Chật lắm rồi, không còn chỗ ngồi, chỉ còn bám phía sau thôi! Đi hay không đi tuỳ! 

          Chọn gì mà chọn, cũng liều nhắm mắt leo lên thôi! Cái người yếu cũng lên, người dặt dẹo cũng lên, cô cũng đu mà thầy cũng bu, “du côn” một lũ! Hai cô còn được đứng đủ hai chân, chứ hai thầy kia đứng có một cẳng rưỡi, xe chạy, đường đầy ổ gà, ổ trâu… dằn lên xóc xuống, buổi chiều gió phần phật thổi, cái thùng than sát bên thả khói, thả lửa… Tôi thú thật, thấy chết đến nơi, liệu sức không thể trụ lâu được, người yếu tim mà giờ hai tay phải giơ cao, cố sức bám vào mui xe, chân thấp khớp giờ đứng tòn teng lơ lửng vậy thì thật là “chờ xem số phận”, nói như Đại Thi Hào Nguyễn Du là “thử xem con tạo xoay vần đến đâu”? Sát bên tôi cô X đã thở gấp rồi, ôi, liệu sao đây? Giống như đem cái mạng ra chơi hát xiệc. Chạy một quãng khá xa, may sao, xe dừng, có người xuống; chỉ 1 người, thế là có chỗ. Cả bốn người xuống nhường cửa cho khách xuống xe, khách xuống cùng với hành lý, xong cả bốn người lại leo lên. Chỉ có 1 chỗ trống, những người ngồi dưới sàn xe đã nhanh chóng ngồi lên ghế, tôi đẩy nhẹ cô X lên trước, miệng nói nhanh: Chị ngồi xuống sàn xe đi! May là cổ ốm nhom nên cô ấy ngồi xong, vẫn còn xíu xiu chỗ trống, tôi leo theo vào và ghé ngồi xuống một bên, dù gì vẫn hơn treo tòn teng mà chuyện “rơi” tự do và “cuốn theo chiều gió” là hoàn toàn có thể! Giờ chỉ còn hai thầy chơi đánh đu… Lạy trời cho mau đến nơi! Quá là nguy hiểm! Cuối cùng, xe cũng về bến, bốn người nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm, mỗi người riêng một ý nghĩ nhưng tôi chắc chắn rằng vẫn có một điểm chung: hú hồn! Tất cả sẽ được trải lòng vào sáng mai: sẽ gặp lại để rút kinh nghiệm tại PGD.

          Hôm nay, tình cờ bắt gặp hình ảnh này khiến tôi nhớ và chạnh lòng… hình ảnh, thời điểm khác nhau xa nhưng xét cho cùng cũng chỉ là vì “cuộc sống- vì sự mưu sinh” mà mỗi người chúng ta trong thời khắc ấy không thấy được chính mình, cho đến khi “nhìn lại” mới chợt nhận ra để thật sự ngậm ngùi.

ThaiLy

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search