T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: DƯA HỒNG/CHỊ HAI ÒN

Hình Minh Họa: BẢO HUÂN

DƯA HỒNG

         Nhớ câu nói: “Bà già ra con nít”. Tầm tuổi tôi, dù có muốn chống chế cách gì cũng không thể kể vô nhóm “trẻ” được. Thôi thì, chấp nhận thương đau. Tuy nhiên, ai cấm “bà già” nhớ về thời xưa cũ? Cái thời thật vô tư, sung sướng đầy tự hào vì luôn được cưng chiều, không lo lắng, chẳng muộn phiền. Một giọt nước mắt rớt ra, tất có đền bù xứng đáng. Mấy hôm nay, người không khoẻ, có lẽ không chỉ già, mà tuổi già đang rung chuông báo động. Do vậy, tôi cần tìm chỗ “trú ngụ” cho tâm hồn, được phút nào hay phút nấy. Tôi tìm về ký ức, kể chuyện dẫu rằng chuyện kể chẳng ăn nhập gì tới ai, cũng chẳng giúp được gì cho ai, nó là của tôi. 

          Chuyện ngày xưa, con bé 5-7 tuổi như tôi, chuyên gia theo chân bà Nội ra trước đường ngồi hóng, hóng về hướng Nam, tức nhìn lên cầu Đạo Long, chờ “Đàng Mình” xuống chợ, đó là một đoàn phụ nữ Chăm khá dài, đi hàng một, mặc chăn đủ màu, trên đầu đội những cái thúng lớn, dáng đi uyển chuyển, đôi tay đánh nhịp theo từng bước chân nhưng những cái thúng đội trên đầu thật vững vàng, chắc chắn, trong thúng  đựng những thứ nông sản như: khoai lang, ngày ấy có loại khoai tên gọi “khoai củ hủ” tôi không chính xác cách viết, chỉ nghe và viết thôi, dưa chín, dưa hồng, da đá, bần quân, sim, chồn đen- vàng, mằng tăng, ma dương….  nhiều , nhiều lắm, mùa nào thức nấy. Phải nói toàn những món ngon, rẻ mà giờ quả thật khó tìm, có khi mất bóng luôn. Tỷ như món “khoai củ hủ”, củ nhỏ chỉ nhỉnh hơn trái chanh, thêm hai đầu nhọn, khoai bùi, béo ngậy, bột mịn, óng ánh trắng ngần, bùi nhưng ăn không sợ bị nghẹn. Dưa chín thì làm gì lo thuốc, sợ phân, họ trồng trên vùng đất đỏ, mà từ lan can nhà tôi nhìn qua thấy cả dãy dài đồi đất đỏ quạch, trái chỉ to hơn cái chén ăn cơm, lớn thì cũng bằng cái tô, ít có trái nào tròn, mà thường bị méo, thỉnh thoảng cũng gặp trái dưa dài, khi chín nó không đỏ rực mà chỉ hồng hồng nhưng ngọt lịm, ngày ấy tôi thích nhất là các chú đi xích lô, ba gác, mua trái dưa xong, phủi sơ rồi đập vô “đầu gối” cái “bộp”, dưa bể đôi, xong, chỉ đưa lên miệng cạp lấy cạp để, nước chảy ròng xuống cằm, nhìn mới đã làm sao khi mà quê tôi nổi danh là bán sa mạc. Có hôm, tôi cũng làm le, mua trái nho nhỏ, cũng bày đặt đập vào gối, dưa không bể mà chân đi cà nhắc. Thích nhất là trái mằn tăng, thật sự nó không có “cơm”, bọn trẻ tôi thích nó vì sau khi nhâm nhi tí cơm vàng ngòn ngọt, cái thích và cần là cái hột của nó, tụi tôi mang làm con vụ, quay đua, ầm ĩ cả buổi trưa cho tới chiều tối…

             Hôm nay, tôi cảm hứng về món dưa hồng. Chẳng là sáng nay, thể theo yêu cầu và chợ có món nên tôi sắp sửa được ăn món: dưa hồng kho cá cơm. Món này, giờ thì nhớ thì thèm chớ ngày xưa nhà nấu là tôi khóc. Nên mỗi lần theo bà Nội ra đón, bà mà mua dưa hồng, y như rằng tôi sẽ mè nheo thêm món trái cây rừng nào đó. Gọi là “con tráng miệng sau khi ăn cá kho”. 

            Để kho món này, bà chọn dưa non tơ, nhỏ trái, đập dập, chỉ dập thôi không nát và “đập” chứ không cắt miếng, bà đập ngộ lắm, chỉ cầm hai trái dưa đập vào nhau, sau  tiếng “bụp” trái dưa bể tự do, không cần cây, cần búa gì cả. Có hôm, tôi nổi hứng nhào vô phụ, nhìn thì dễ, đập rồi mới biết, mới đập được hai trái, tôi đập sao không biết, cả hai trái không bể mà bập luôn vào ngón tay… vậy mà lại thích, thích cảm giác trái dưa vỡ trên tay mình, nên tôi nghĩ ra cách dùng cái chày mà đập… Sau, nhà nhiều việc, thấy tôi thích và làm được, phần đập dưa giao hẳn cho tôi. Nhà gia binh gia tướng khá đông, mỗi lần kho thì cả thau dưa to đùng, lúc đầu ham vui, càng nhiều càng tốt, tôi đập khí thế, xong rồi chưa ưng bụng, thích phá nên ngồi làm tiếp cái việc bất thường: giũ sạch hột dưa, dưa bắt đầu ra nước, gần xong việc, thấy hơi rát mấy đầu ngón tay, nhìn lại… trời ơi, tôi khóc lu loa, vừa khóc vừa kể:

              – Sao, sao đây, không biết đâu… Ông Nội ơi, hư tay con rồi, chết con rồi, sao con cầm được viết nữa đây, sao con học đây? Hu… hu… hu…

        Cả nhà mất vía, chạy lại xem, hoá ra hai bàn tay tôi vì ngâm lâu trong dưa hồng, da tay héo, trắng bệt nhăn nhúm… Vậy là, tôi bỏ nghề đập dưa, để lại cho cả nhà giai thoại vui. Sau ấy, cứ ăn món này thể nào cũng có câu “kêu con Lý đập ăn mới ngon”.

         Trở về thời đại @, sau vụ “cá hố kho”, sáng ăn tối bệnh, tôi sợ cá từ đó đến nay. Hôm qua, chợt nhớ rồi than với nhỏ cháu, tôi thả giọng:

                -Ăn cá hố bệnh chớ ăn cá cơm chắc không sao con hơ? Tự nhiên cô nhớ món cá cơm kho dưa hồng ghê. 

         Biết ý, cháu nói: 

                -Mai có con mua cho, chợ có cá cơm rồi. Còn bệnh hay không ai biết gì cô.

         Vậy là hôm nay, tôi được ăn món dưa hồng kho cá cơm. Ăn vào có sao không…tối mới biết.

CHỊ HAI ÒN  

             Bóng thời gian đi qua… nhưng ký ức lại ngưng đọng. Nó mãi tồn tại như máu thịt, như một phần của cuộc sống. Tôi vẫn luôn trong tâm trạng đó. Ký ức tuổi thơ và những bè bạn thân quen đã cùng nhau một thời vui sống và cả ngậm ngùi. Nay, tôi có thêm những người bạn thời cắp sách, thời thiếu nữ và cả các bạn trên… FB, kẻ gần, người xa, có khi cả nửa vòng trái đất cũng đang nhớ, đang muốn “nghe lại ” những câu chuyện về tuổi thơ, về một hình ảnh nào đó còn trong tiềm thức mỗi người. Câu chuyện hôm nay, xin trân trọng gửi tặng tất cả các bạn. Có thể, vâng có thể… “giông giống”  mình ngày xưa hay ít ra là “mình cũng nhớ điều này”.

             Đôi nét về chị Hai Òn: chị vốn là con gái của một gia đình có cha là người Hoa chính hiệu, quá là hiền, ông hầu như “không nói” lời nào. Chỉ phụ việc cho chủ lò rèn, vốn là đồng hương, ở nhờ trên đất của họ, mẹ là người Việt, cũng rất hiền lành và chị là “con nuôi”. Hai vợ chồng này không có con, chị được nhận về để “đỡ đầu con”, sau, hai ông bà mới sinh được cậu “quý tử” cũng hiền lành, chậm chạp như cha mẹ. Hai Òn được đặt cho chị vì… khi nhỏ, chị rất èo uột, không hiểu do thiếu sữa, chăm sóc không khéo hay sao đó mà chị ốm teo, tay chân lòng khòng, cái bụng to đùng, bình rĩnh, ngồi không vững cứ chống tay chồm về trước … tạo dáng con ếch nên… chết danh “Hai Òn”. Chị hơn tôi vài tuổi, biết những điều trên là do tôi tò mò, theo phỏng vấn người lớn. 

                Theo năm tháng, chị dần khôn lớn, cũng được cắp sách đến trường, chị có làn da hơi đen, cao, ốm… và khi ấy tôi tầm 9-10 tuổi. Nhũng buổi trưa, chúng tôi tụ hội nhau chơi trò “bán hàng”. Chị luôn là chủ quán. Phải nói chị rất khéo, thông minh, sáng tạo ra nhiều món rất hấp dẫn với… đủ các món, mà tất cả đều là lá cây, những quả dại, những thứ “bỏ đi” được chị nhặt nhạnh lại mà thành món.

              – Lá cắt nhỏ thành món bún, trải lên vài lát hoa đỏ, vàng làm thịt…

               – Lá để nguyên, bỏ vào vài hoa, lá nhỏ linh tinh, cuộn lại thành… cuốn nem. 

               – Vỏ bưởi, cắt thành miếng như ngón tay, xẻ ngang hông thành bánh mì, thêm vài lát hoa… là món bánh mì thịt. 

               – Trái “dàng xay” (đến giờ tôi cũng không biết tên chính thức của nó là gì. Nhưng biết được lá của nó dùng trị nhiệt miệng, tức là do nóng nhiệt bị lở bên trong miệng, vò lấy nước uống và… sơ miệng, nó cũng là loại thuốc trị cả bệnh kiết) trái này được chị tách từng tép hoặc 2-3 tép gì đó gọi là “bưởi” …

               – Món “sâm nam”, duy món này là thật, chị vò lá hẳn hoi nhưng để ăn thì không thể, vì chị cho thêm một loại nước keo như đường nhưng lại do một loại hoa gì đó mà khi ngâm nó thành sền sệt …

              Các món đều là giả, chị chỉ tốn công nhưng đặc biệt là giá không hề rẻ. Chị không bán bằng “tiền bụng” là loại tiền cứ đưa lay lên bụng rồi… đếm lia, đếm lịa… Cũng không chơi bằng tiền lá cây mà chỉ dùng toàn… tiền giấy. Chị khôn lắm, lúc đầu là giấy đã qua sử dụng rồi từ từ là giấy trắng, chơi góc tư tờ, nửa tờ, nguyên tờ… chị quy định luôn về mệnh giá. Rồi khi tụi tôi đã bén mùi, chị nâng lên, tiền chỉ xài giấy trắng nửa tờ, nguyên tờ và cuối cùng là “giấy đôi” trắng phau mà bọn trẻ chúng tôi… sẵn sàng xé vở ra chơi. Ghiền rồi mà.

               Chúng tôi rủ rê nhau đến làm khách hàng, tôi kéo theo cả đám bạn sau nhà, thường cùng tôi tụ nghĩa “đánh nhau”. Khách hàng ngày càng đông, thu nhập chị ngày càng cao, sau buổi chợ chị có cả một cọc tiền toàn giấy trắng, đơn và đôi. Trò chơi ngày càng rôm rả ….

              Cho đến một chiều kia, vì là chỗ hàng xóm thân cận, bà Nội sai tôi qua nhà chị gặp má chị về một việc gì đó, tôi không nhớ. Nhà vắng hoe, trong bóng chiều nhập nhoạng, tôi dè dặt vào nhà, nhà cũng đơn sơ, vào cửa là tất cả phơi bày. Chị đang cặm cụi làm gì đó trên chiếc giường nhỏ, tôi vừa bước vào vừa lên tiếng thì cũng đã đến nơi, không quá 5 bước chân. Trên giường la liệt giấy là giấy, trắng phau, đã được phân loại giấy đơn và đôi, có cả bìa vở mà hình như chị có xin tôi, cả cây kim lớn và chỉ may. Chị đang “đóng giấy thành tập”. Tôi chợt hiểu. Chị kéo tôi ngồi xuống giường phân trần: 

                     – Tao cần vở để học. Ba má tao không có tiền mày đừng nói với tụi nó nghe. 

                Tôi gật đầu, không nói gì nhưng tâm trí đang hoạt động dữ lắm. Tôi dặn chị nội dung công việc mà tôi nhận từ  nhà, nhờ chị nói giùm với bà Tám (tên thường gọi của má chị), rồi ra về. Những gì tôi thấy đã khiến tâm tư xao động. Tự so sánh, tôi thấy mình quá sướng, sướng quá sinh… tệ. Nhà tôi cũng là gia đình lao động, không thể gọi là giàu có nhưng tôi được sống trong tình yêu thương phủ bọc, được cưng chiều “thái quá” vừa đông bà con, vừa có Ông Nội bảo kê, tôi như một nàng công chúa mà hầu như không hề có điều gì và không ai có thể làm tôi phật ý. Tôi sống trong đầy đủ, thậm chí phủ phê, thừa mứa; giờ chứng kiến cảnh thiếu thốn của chị, tôi thật áy náy, trăn trở. Áy náy, bởi chị đang cần, đang thiếu, đang tìm mọi cách, gom góp từng tờ giấy để học, còn mình thì lại đi xé tan cả quyển vở mới toanh làm trò chơi. Áy náy vì như vậy rõ ràng mình phí phạm của tiền cha mẹ… nghĩ, so sánh, rồi tôi quyết định “không tham gia trò chơi mua bán này nữa”. Thà tôi giúp chị bằng cách khác chớ không thể “chơi ngu” như vậy. Tôi giữ lời hứa với chị, không nói gì với tụi nhỏ xóm sau. Đem tặng chị nguyên tập vở mới. Nhưng khốn nỗi, tôi không chơi thì tụi kia cũng nghỉ chơi, chỉ còn các bạn xóm trước, rồi dần dà tan hàng luôn. Mãi lâu, khá lâu, chị đến tìm tôi “tâm sự”. Chị đến nhiều lần mới gặp, cô Bảy tôi nói vậy, bởi vì không chơi đồ hàng nữa thì tôi chơi “đánh trận” ở xóm sau, có khi tôi đang ở trên “mái nhà” cũng nên. Khi gặp, chị kéo tôi ra chỗ vắng, bàn một chuyện khá quan trọng. Rằng: 

                 – Giờ tao cũng lớn rồi. (Khi ấy chắc chị cũng 14-15) tao cần tiền đi học, mà ba má tao không đủ lo, tao định buôn bán. 

              Tôi ngạc nhiên nhìn chị, có lẽ trong ánh nhìn của tôi đầy dấu hỏi nên chị vội nói nhanh: 

                – Giờ thì tao bán “thiệt” không bán “đồ chơi” đâu. Tao bán BÁNH CĂN. Vừa dễ làm, vừa ít vốn. Mày làm bạn hàng của tao nhen. 

                Không chút suy nghĩ, tôi gật nhanh đầu. Bởi vì, tôi là chuyên gia ăn hàng mà. 

                  Khởi nghiệp: Vậy là tuần sau hay hơn chút, trước nhà chị, phía ngoài đường mọc lên hàng bánh căn, đêm trước đó, chị dặn tôi “sáng mai, mày mở hàng khai trương giùm tao nhen”. Sáng sớm, tôi có mặt, phải nói đây là một sự nhiệt tình đầy uy tín và trách nhiệm, bởi vì tôi là đứa “ngủ nướng” thần sầu, vừa xuất hiện cả nhà đều bất ngờ, bà Nội nói nhanh, vừa nói vừa chỉ tay lên chiếc lồng bàn bằng tre đang đậy thứ gì đó: 

                – Đó, thịt kia kìa, dặn nó đổ 6 ổ. Được dĩa nào bưng về dĩa nấy, ăn nóng mới ngon. 

                 Có sự chuẩn bị chu đáo này là vì hồi tối tôi có trình bày với bà Nội, bà ủng hộ ngay sau khi buông tiếng thở dài, có lẽ bà đang nhớ lại cảnh “khổ” của chính gia đình mình những ngày đầu tha phương kiếm sống, bà nói nhanh: 

                   – Ừ, mua giùm nó kẻo tội. Mai bà cắt ít thịt đổ bánh cho ngon. 

               Chị đón tôi như đón mùa Xuân. Nghe báo 6 ổ chị vui ra mặt. Một mối hàng lớn ra mở hàng khai trương; có lẽ chị cũng đã ngầm tính toán rồi vì nhà tôi đông lắm, gia binh gia tướng cả chục người… Gian hàng của chị bày biện khá gọn gàng, chị là người ngồi đổ bánh, má chị chỉ phụ vòng ngoài; chị làm đủ món, tất cả đều tươm tất, đâu vào đó. Nồi cá kho thật đậm đà thơm phức, cá chị cắt từng khoanh nho nhỏ, nhỏ nhưng không nát, bên trên bềnh bồng bên váng mỡ có cả các củ hành trăng trắng, hồng hồng khá hấp dẫn. Mắm gồm mắm chanh, mắm nêm, màu ớt đỏ tạo cho thẩu mắm thêm phần đẹp mắt, rồi đến thau hành lá của chị, ôi nó xanh um, chỉ vừa đủ để màu lá hành đậm hơn, bắt mắt hơn chứ không “xàu” vì quá chín, rơi rơi ẩn hiện những miếng củ hành cũng được cắt  nhỏ như lá vừa trắng vừa hồng lẫn cùng những miếng tóp mỡ vàng ươm, bé tẹo như đầu ngón tay thật là khêu gợi. Món bánh căn của chị được cả nhà chấp nhận, bà Nội tôi “gật đầu” nói : biểu nó lấy bột đặc hơn tí nữa cho bánh ráo, giòn. Nội gật đầu, có nghĩa là chị thành công. Mà thật vậy, về sau chị quen dần và trở nên thuần thục, cứ nhìn đôi tay chị thoăn thoắt trên khuôn bánh nóng hực, những chiếc bánh tròn trịa, gọn, khéo được nâng trên đầu mấy ngón tay đỏ hồng vì nóng, những ngón tay ốm yếu như những đầu đũa khua nhanh, ngăm đen, đầy sức cần lao, lam lũ mà cho tận đến giờ, trước mắt tôi đôi tay ấy chừng như vẫn còn nhảy múa vô cùng sống động. 

                   Thời gian qua, rồi chị cũng trưởng thành, chị tốt nghiệp trung học, chị đi làm giáo viên theo dạng Sư phạm cấp tốc, một dạng đào tạo ngắn ngày nhưng với chị là cả một niềm vui, một  sự thành công như mong đợi. Chị dạy ở vùng quê, xa nhà. Gia đình chị lại xảy ra biến cố, biến cố quá lớn mà theo tôi đó là một sự bất hạnh, và có cả định mệnh: “Em trai chị tử trận”, ba má chị sụp đổ, tuổi già hiu quạnh, phiền não đã làm cho họ ngày càng héo hắt, rồi lần lượt qua đời. Chị, đi đi, về về rồi cũng bặt tăm, ngôi nhà hoang phế mà cũng chỉ cất trên mảnh đất nương nhờ nên sau đó chủ đất lấy lại. Tất cả xoá sổ. Một gia đình không còn vết tích. 

               Những chuyện này, tôi cũng chỉ nghe kể lại vì khi ấy tôi bận đi học xa nhà. Rồi khúc quanh lịch sử xảy ra, sau 30.4.1975 chị có đôi lần về thăm chốn cũ, thăm những chị em thân cận là con cái chủ lò rèn đã cưu mang gia đình chị từ Trung Quốc sang VN lập nghiệp, tôi và chị không hề gặp lại. Qua họ, tôi biết chị vẫn đi dạy, mãi tận Ninh Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Thuận Hải cũ nay là tỉnh Ninh Thuận. 

                 Tưởng vậy cũng yên một phận người cô độc, long đong. Nhưng “đoạn cuối” cuộc đời chị thật là bi thảm. Đồng lương không đủ sống, 36đồng/tháng nơi heo hút, mênh mông rừng núi, chị tranh thủ xuống phố mua bán thêm ít hàng họ, khi ấy xem là “buôn lậu”, dù cũng chỉ muối, gạo, cá khô thêm vài món hàng công nghệ hoặc nhu yếu phẩm; rồi chị mang về bán cây trái rừng, có những chuyến hàng trót lọt, kiếm được tí chút nhưng vẫn có chuyến bị bắt xem như trắng tay. Có lần chị bị Phòng Giáo Dục mời lên phê phán, chị đấu tranh không khoan nhượng, lời lẽ đanh đá và cả liều mạng, vì rằng: 

                     – Đói, đầu gối phải bò, lương không đủ sống để theo nghề, tui đi buôn bán kiếm sống mà không cho, giờ không lẽ tui đi đứng đường làm đ… 

                    Giằng co, thiếu thốn, lại giữa chốn thâm sơn, chị lâm trọng bệnh. Chị qua đời trong cảnh cô đơn. Bạn bè, đồng nghiệp cũng chẳng lấy gì hơn chị. Họ cũng chỉ lo được cho chị nấm mồ và điều đó đồng nghĩa “ở một xó rừng nào đó đang vùi lấp nắm xương tàn của chị dưới một nấm mồ vô chủ”. Thôi, cũng xong một kiếp người. Nhiều khi nhờ vậy chị mau siêu thoát cũng nên. Sau này, mỗi khi nhìn thấy “hàng bánh căn” là tôi nhớ chị, nhớ hình ảnh, nhớ cuộc đời của chị, người bạn thuở thiếu thời, nhớ trong niềm cảm thương vô hạn. 

                 ThaiLy.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search