T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: DƯỚI MÁI NHÀ XƯA 

Nhà Xưa – Tranh: THANH CHÂU

                Tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của mình, cũng là cơ hội để “ôn lại” ngày xưa. Những ngày thật chẳng dễ dàng gì mà sống, mà tồn tại. 

              …Sau khi hoàn tất chuyện sửa nhà, tìm hiểu ít nhiều về “hai nhân vật” trong giấc chiêm bao, tôi đã tự nguyện đặt thành “nề nếp”: mỗi tháng hai lần, tôi đặt bàn cúng ở đầu hiên, hướng ra cổng, tức là về chỗ cây me đã bị chặt. Mọi việc trở nên suôn sẻ, nhẹ nhàng, tâm trạng an ổn, không còn cảm giác bồn chồn sợ hãi nữa… Nhưng trong lòng vẫn canh cánh ưu tư, khi nhớ lại lời bác Sáu nói: 

                 – Ở được nhà này là phước rồi. Nó cũng đã qua tay 2-3 chủ, mà chắc chắn chẳng ai ở yên…

              Tính toán lại, mình cũng đã ở gần 5 năm rồi. Chuyện tiền bạc là khó khăn chung thời ấy, chẳng trách; con cái hay đau ốm cũng phải, cháu vốn hay đau ốm mà; vợ chồng hay lục đục, chuyện này, trước khi cưới nhau, đi xem tuổi, thầy cũng đã phán: 

                 – Hai tuổi này, được một nửa, mất một nửa.

              Nhớ là tôi có lo lắng, nên hỏi nhanh: 

                 – Nửa mất là gì vậy thầy?

              Hỏi vậy bởi tôi lo, nửa đường gãy gánh, chỉ còn lại một người. Nhưng thầy đáp rằng: 

                 – Được hào con, được hào của tuy có chậm nhưng số sướng về già. Nửa mất là hai vợ chồng “khắc khẩu” hay lục đục, cắn đắng nhau.

               Tôi thở phào nhẹ nhõm, gì chứ “cái mất” này có thể “thu xếp” được. Chứ kén chọn sao nữa, ai cũng sắp 30 rồi, không “ôi” cũng “ế” đến nơi. Về nhà, tôi trao đổi ngay với “ai kia”. “Người ta” nói ngay không mất một giây suy nghĩ nào, giọng chắc nịch:

                – Chuyện đó không lo. Có gì thì anh nhịn em là xong. Hứa chắc luôn. Hứa danh dự luôn. 

               Vậy thì bây giờ, vợ chồng có hay đôi co, lời qua tiếng lại cũng là chuyện đã đành, nếu có “to chuyện” cũng là tại người ta “nói lời chẳng giữ lấy lời” chớ nào đâu phải do nhà, do cửa? Nhưng tôi vẫn quyết tâm “tìm hiểu” xem các chủ trước ở thì sao, mà lại là “không yên”?

                Đầu tiên, tôi biết được ngôi nhà này “rất cứng”. Sợ nhất là cây me ngay cửa ngõ. Trong xóm, không ai dám mua ở, mà ngay cả cháu của chủ nhà, vốn là cháu ngoại, rất tiếc mảnh đất này nhưng cũng không dám mua dù đã bán qua hai chủ. Vợ chồng tôi thuộc diện “điếc không sợ súng” hay nói cho chính xác là “chẳng biết gì”, lại trong cảnh “cần lắm và cần gấp” ngôi nhà để ra riêng, nên liều mua đại, dù mua xong là nhẵn nhụi tiền. Tôi tính là đủ nhưng giờ chót chủ bán khó dễ, nâng giá, khi ấy quả là lớn nhưng tính tôi, cần và thích là tới luôn. Khi ấy, lời bàn tán là: 

                   – Ui. Tụi này là dân “Bắc kỳ” nó có sợ ai mà không dám ở?. 

               Nguyên do là bởi, khi ấy tôi rất quê mùa, quê mùa từ khi còn đi học, tóc, chỉ mỗi một kiểu: thắt bím, áo vừa dài vừa  rộng, quần lại chẳng mặc ống loe…Giờ chọn mua ngay căn nhà ai cũng biết là “có vấn đề”; lại còn chặt luôn cây me mà ai cũng sợ mỗi khi đi qua khi trời chập choạng tối. Sau nữa, mãi đến năm 1995-96 gì đó, tình cờ một cô, vốn là kế toán của trường kể thêm:

                   – Cây me nhà cô là ghê lắm. Khi nhỏ, mỗi khi đi ngang, không đợi ban đêm chỉ chạng vạng thôi, là tụi con phải đi cả bầy, sắp ngang qua cây me là cùng nhau bấm chặt ngón tay cái, miệng niệm “áng ma ni bát nhi hồng” rồi cắm đầu chạy ào qua… Mà cô ở, có thấy gì không?

             Tôi thành thật: 

                 – Cô không thấy gì, cũng không hề có cảm giác sợ, dù có khi ban đêm vẫn đi- về một mình. 

                 – Cô không biết đó, nhiều người gặp lắm. Khuya người ta thường thấy cả một bóng trắng từ trên cây thòng đầu xuống đất, tóc dài đậm đuột… chắc giờ lâu quá, họ đi rồi cũng nên. 

             Tôi lạnh cả sống lưng, da gà, da vịt tranh nhau mọc. May là giờ, nhà đã giải toả, gia đình tôi đang ở “bên kia đường” … 

              Bỏ qua chuyện cây me, tôi có vẻ lạc đường rồi. Đang nói “tìm hiểu” về các chủ nhà trước. Tôi buộc phải lân la hàng xóm và nhờ cả chú thím tôi tìm hiểu vì thím vốn ở xóm này. Hoá ra, chủ nhà lâu đời nhất cư ngụ tại đây, khu đất tôi ở là đất xưa, nhà thì mới cất, do bà chủ chia đất cho con trai và con gái, nhà tôi ở là của người con trai. Nhưng, nhà cất lên chỉ được vài năm thì ở không yên, xảy ra chuyện hệ trọng: con trai lớn của họ không hiểu vì lẽ gì, tự tử chết trong nhà. Nơi quàn xác chính là phòng ngủ của tôi hiện tại. Sau đó, họ bán nhà chuyển đi, người chủ thứ hai là một cán bộ, chồng tập kết về, vợ gốc người miền Bắc, con trai, con gái đã lớn; trong 3-4 năm trú ngụ, đủ thứ việc xảy ra, vợ đau ốm quặt quẹo, tiền bao nhiêu đổ hết vào thuốc men, công việc người chồng trắc trở, con trai đang yên đang lành lại xảy ra việc và bị kỷ luật, mất chỗ làm, con gái như bị ai xô, đứng dưới cành thấp nhất của nhánh vú sữa, tự nhiên lộn nhào xuống đất… gãy tay. Và những việc linh tinh khác liên tiếp xảy ra… Cuối cùng, thay chủ, và chủ mới là vợ chồng tôi. 

                    Nghe những câu chuyện trước, xét ra, vợ chồng tôi ở là yên ổn nhất. Tuy vẫn rất lo lắng chuyện “ngày sau”. Nhưng biết sao đây? Có được ngôi nhà là hết cả vốn liếng, làm gì có chuyện đổi dời? Vợ chồng nhủ lòng cùng nhau: Mình cứ sống tốt, sống lương thiện, tôn trọng người trên kẻ khuất thì chẳng ai nỡ hại mình. Còn câu “Đức trọng quỷ thần kinh” tuyệt nhiên tôi không dám dùng, vì nghe nó quá là tự cao, tự đại. Nó chỉ hợp với bậc chân tu. 

                    Ngày tháng cứ thế trôi qua, cho đến một đêm nọ, tôi có người Bà, gọi là bà mợ, từ Quảng Nam vào thăm bà Nội tôi, sáng sớm lại vào Sài Gòn. Biết tụi tôi đã ra riêng, Bà ngỏ ý muốn xuống thăm nhà, vợ chồng tôi vui lắm và thú thật “tụi con rất muốn mời bà nhưng sợ bà mệt, trời lại tối mà nhà thì không được khang trang…” Bà cười, nói vui:

                        – Bà xuống thăm sẽ… tự biết. 

                   Quả vậy. Bà xuống thăm nhà, thật chóng vánh nhưng đã để lại cho chúng tôi sự hoang mang và cả niềm hy vọng…

                Bà mợ xuống thăm nhà thật chóng vánh. Vợ chồng tôi chỉ kịp hái, mang vào dĩa nho chín mọng, ngọt ngào mà khi bán để dành lại cho con; bà nhìn toàn bộ khu nhà, bằng đôi mắt quan sát nếu không nói là “soi thấu”, dẫu rằng khi ấy trời đã tối; bà từ tốn nói:

                    – Tụi con còn chuyển nhà nữa. Đây chưa phải là chỗ ở của tụi con, chỉ ở “tạm” thôi. Nhà tụi con phải trụ ở hướng Tây, nhìn về phương Đông, trước nhà phải có trụ đèn. Đó mới là nơi ở đến cuối đời. 

                Ngắn gọn vậy, rồi bà bảo đưa bà về, sau lời chúc gia đình “an cư lạc nghiệp”. Cả đêm hôm ấy, vợ chồng xôn xao bàn tán, suy nghĩ mãi về câu nói của bà. Cả hai đều xác quyết: Cơ hội chuyển nhà là không có, không thể có. Thứ nhất, vợ chồng đã nhẵn nhụi tiền, đang “lây lất” sống còn với đồng lương ít ỏi, cật lực với việc trồng trọt quanh nhà đắp đổi. Tuy có khó khăn nhưng vẫn sống tạm đủ, ngôi nhà tuy vậy là ngôi nhà “sống”. Ít, nhưng quanh quẩn vẫn có thu nhập chứ ngày ấy, ai cho dạy thêm, ai cho buôn bán, mà có chăng nữa thì tụi tôi cũng có đâu vốn liếng, lại chẳng thể nương dựa vào ai? Chuyện rồi cũng vào quên lãng… Xảy đâu, một buổi sáng, tôi đang chơi với con gái nhỏ, thì có tiếng chuông rung, tiếng chuông như của người đi bán kem dạo. Nhìn ra ngõ, thấy một đứa trẻ trai dẫn theo một người đàn ông dáng đậm người, mù, nhìn thấy rất giống với vị thầy bói có tên là thầy Sáu Mỹ Tường, chính xác là thầy Sáu Khanh, vị này đã được chị bạn kể về chuyện đã bói cho chị thật chính xác về chuyện chồng con, tôi vô cùng ái mộ. Giờ, cơ duyên ông đang đứng trước cổng nhà, không thể bỏ qua, tôi ra mời ông. Sau khi gieo quẻ, ông phán dài lắm, chuyện từ lúc nhỏ, đến thời thiếu nữ, chồng con, đều đúng, nhưng tôi đang chờ nghe chuyện “tương lai”, tương lai ấy gói gọn trong mấy ý: 

                   – Cô bốc trúng quẻ Tiết Nhơn Quý, giờ là lúc còn ở trong hang đá, gian khổ lắm. Nhưng nhìn xa, nhìn xuống, cái khổ của cô người ta ước mà không được; ráng qua rồi có ngày áo gấm xênh xang… còn đang mắc đoạ mà.

               Tôi không kiên nhẫn được nữa hỏi nhanh:

                  – Lấy đâu để có ngày áo gấm xênh xang vậy thầy? Con đang tối tăm mù mịt đây.

               Thầy trang trọng trả lời:

                 – Trời cho thì chẳng mấy hồi. Của từ “trong đất” trồi lên, vợ chồng cô cứ tích thiện làm lành mới mong nhận phước báo. 

               Việc xem quẻ rồi cũng xong, nhưng tôi lại suy nghĩ mông lung về ý “Của từ trong đất trồi lên”. Là sao ta? Buổi tối, vợ chồng mới rảnh để chuyện trò. Tôi kể lại, ba các cháu nghe nhưng không để tâm lắm. Tôi thì cần có sự đồng cảm để vững niềm tin, tin vào “tương lai” để có thêm nghị lực nên gợi ý: Của từ trong đất là sao? Cuối cùng, tạm suy đoán “hay là có khi mình đào đất trong vườn rồi… đào trúng hũ vàng chăng? Khi ấy, lâu lâu vẫn có nghe chuyện này mà cả hai chỉ cười cho vui. Nhưng tôi thì, đã bàn phải bàn cho tới nên vội dặn dò kế hoạch khi đào được vàng: 

                           – Nè, dặn nè. Khi anh đào mà lỡ trúng cái hũ, cái lu gì cũng đừng vội mở ra xem nghe. Mất mạng đó. Đất mình ở, trước đây là của người Chăm. Họ hay chôn của theo người chết và có “ếm bùa, có khi sên ngãi nữa”, nên khi đào trúng dễ bị suông ngãi lắm. Thấy để yên đó, tính sau nghe. 

                 Thiệt tình, câu nói “Chưa giàu đã lo ăn cướp” thật đúng, ít ra là với tôi. Nhưng để được “ngủ”, ổng đã “ừ” thật nhanh. 

                Không lâu sau, cơ duyên đến. Má tôi trên nhà, được người chú họ gợi ý đỡ đầu cho mở cơ sở sản xuất nước ngọt, hướng dẫn kỹ thuật. Tôi được chọn làm quản lý, thật sự cũng khó thích nghi lắm, nhưng vì cải thiện được cuộc sống không chỉ của mình mà cả những đứa em khác, tuy đã có công ăn việc làm nhưng cũng thiếu trước hụt sau, và cả những đứa em chưa có việc, cả gia đình người thím cũng cùng cảnh mẹ goá con côi như chị em tôi nên phải cáng đáng. Hàng ngày, vợ chồng tôi đi thu tiền các đại lý; đi xa lắm, vào những nơi thôn quê, hoặc trên quốc lộ 1, xe cộ dập dìu, ban ngày còn đỡ, gặp khi tối trời, mưa gió thì sợ lắm nhất là người cầm lái cận nặng. Hôm ấy, tụi tôi vào tận Cà Ná thu tiền. Chuyện ngồi chờ cả nửa tiếng hoặc hơn nữa cũng là bình thường và đã quen. Hôm nay, oải hơn, nhà người ta đang tụng kinh. Các bạn biết rồi đấy. Tụng kinh thì đâu dễ gì xong. Chờ miệt mài, chờ mãi rồi tôi cũng biết “khi nào thì gia chủ phải cúi lạy”, nhờ vậy, tôi cứ nhìn, nghe và suy đoán làm vui. Vãng kinh. Mừng hết lớn, tôi đang dõi mắt nhìn gia chủ, chờ bà ấy đi ra, cho mình xong việc để về, nhưng một giọng nói đủ làm tôi quay ngoắt người lại, vị sư phụ chủ lễ đứng sát bên cạnh, vẫn đều đều nói: 

                     – Phúc tướng. Nói cho cô biết, nhà cô đang ở cứng lắm. Ai ở đó cũng u đầu mẻ trán đi ra, cô ở bình yên là nhờ phúc đức ông bà để lại, khi cô về ở nhà này, trong thân cô nổi lên một nút ruồi son, nhờ đó mới yên. Quay sang nhìn ba các cháu, ông phán luôn: hai vợ chồng là duyên tiền định, ăn đời ở kiếp với nhau, cãi nhau mấy, có giận bỏ ra tới Huế cũng sẽ quay về thôi, đừng lo. 

                  Tôi chỉ biết giương mắt nhìn ông và chờ… nghe tiếp. Ông vẫn chưa ngừng, nói tiếp:

                           – Nhà tụi mày ở… động lắm nghe. Nhà hướng Nam lại trổ 3 cửa ra vào về một hướng. Chà, chim cú quanh quẩn, kêu đâu người chết đó. Lâu lâu ban đêm trên mái nhà có tiếng lăn lộp cộp, mày tưởng chim ăn làm rớt chớ gì? Không phải, vong đi đó. Xóm này cũng động lắm. Yên thì thôi, chớ mà gây lộn là liên tục cả xóm, còn không cũng gây nhau từ tối đến sáng luôn. Vong này hình như nhà có cúng đây nhưng nghe lời, về lập trang thờ đàng hoàng, thầy chỉ cho… Rồi thầy hướng dẫn cho tôi cách cúng, dặn ngày 29 tới đặt trang thờ ngoài sân. 

               Tôi chưa kịp mở lời, nhưng cũng ngại, xung quanh người “nghe phụ” khá đông. Thầy như đang trớn nói, tiếp tục: 

                    – Nghe đừng có sợ. Sang năm vợ chồng mày có nhà mới rồi. Không ở chỗ đó nữa đâu. Chà, phá cái nhà ra tụi mày sẽ biết… không dễ gì ở được đâu nhe. 

                  Đến đây thì tôi đâm hoảng. Vội hỏi nhanh vì vẻ thầy đã dợm chân bước đi: 

                  – Nhà ở sao vậy thầy, con sợ quá. Có gì thầy nói giùm, tụi con vẫn đang ở đó mà. Chuyện làm nhà chắc chắn không có đâu. Tụi con làm gì có tiền mà xây?

                   Thầy nói câu cuối cùng chắc nịch: 

                 – Mày không tiền thì người ta đưa tiền cho mà xây. Nhà có sao thì phá ra sẽ biết. 

                Thầy nói xong, quay người đi thẳng, tôi lo việc của mình xong, cũng quày quả đi về. Chuyện thầy phán, tuy là tình cờ như một cái duyên nhưng không thể chính xác hơn, chuyện tương lai chưa biết nhưng chuyện hiện tại thì quá đúng. Có những đêm trên mái nhà tiếng lăn lốc cốc như trái ổi, trái nhãn gì đó do chim hoặc dơi ăn làm rớt; xóm thì lạ lắm, yên thì thôi, mà có gây lộn thì xảy ra hai ba đám từ xóm trước ra xóm sau, gia đình nào mà gây gỗ thì liên u liên minh từ chiều đến khuya qua sáng. Vậy là vợ chồng lại có chuyện bàn, chuyện cái nhà lại là tiêu đề chính. Nhà khó ở, lần thứ hai được nhắc đến. Phải “phá ra” mới biết. Cơ hội không có thì làm sao phá để biết? Không phá, ở mãi liệu có yên không? Câu nói “không có tiền thì người ta đưa tiền cho xây” luôn lởn vởn trong đầu, ơn “mưa móc” từ đâu rơi xuống? Thật mông lung, nếu không nói là viễn vông… 

*****

              Vậy rồi, không bao lâu sau, thôn xóm xôn xao bàn tán, đôi ba lần có những nhóm người lạ vào ra ngắm ngó… Lại có tin rằng: 

               – Sẽ phóng đường qua xóm mình, chắc mất Niệm Phật Đường Long Tấn. 

              Khi ấy, vợ chồng tôi chẳng biết ất giáp gì, vì cứ đi suốt, vừa việc trường vừa buôn bán, sáng sớm đi, tối mịt về. Nghe vậy, nhẩm tính vậy là mình mất cái giếng nước ngọt. Chà, khốn khổ rồi. Nước đâu mà xài? Cái thứ tôi lo nhất…. Rồi lại rộ lên, họ tránh cái Chùa, làm xuống phía sau, tự nghiệm lại, mình mất phần sau cùng của khu đất. Vậy là hay rồi. Thế nhưng nghe rằng không phải vậy. Giải toả khúc đó lại vướng nhà quan to nào đó hoặc cũng của kẻ lắm tiền… mênh mông, không ai biết được con đường qua đâu. Đến ngày có giấy báo “chủ nhà có mặt để đo đạc giải toả”, tôi là người cầm đầu thước, còn nhân viên thì cầm thước… kéo cho đến khi nào… đủ theo yêu cầu. Trời ơi. Không khúc trước, không đoạn sau mà họ chọn ngay… giữa đám đất, bước chân họ đến đâu, tim tôi rụng theo đến đó. Liệu mình có còn gì không? Rồi còn lại “đầu thừa đuôi thẹo” thì làm sao? Nhà cửa về đâu? Và như vậy, nhà làm gì còn? Ngôi nhà giờ xem ra nó nằm giữa đường? Họ đo xong, đóng cọc ngay tại chỗ. Thôi, sẵn thước, sẵn người, tôi lảo đảo nhưng vẫn cố nhờ: 

                   – Em ơi. Cho tui vài bước chân đo giúp tôi còn lại bao nhiêu, có đủ làm nhà không?

                   – Dư sức mà cô, cô làm 3 nhà cũng chưa hết đất. Mai mốt giá trị được nâng lên là “bá cháy bồ chét” luôn. 

                  – Thiệt tình cô chưa thấy được mà thấy mất nhiều quá. Sợ ở bụi đây. Cháy nhà thì có chớ cháy gì bồ chét?

                Gia đình còn lại đúng là manh mún đúng nghĩa luôn, đất còn lại nằm hai bên đường, dạng hình thang, đáy lớn- đáy bé có độ chênh khá lớn. Ban giải toả cho biết, nếu cất nhà, chỉ được sử dụng lô đất bên hướng Tây. Mặt Đông còn giải toả nữa. Kinh nghiệm từ ngày đầu dự đoán, con đường “dao động” dữ quá, tôi lo cặm cụi vẽ sơ đồ đất còn lại, lên Ban dự án, yêu cầu ký tên đóng dấu phần đất được xây dựng, nhận xong đền bù, quày quả xây nhà, chứ không khi họ san ủi lấy chỗ đâu mà ở? Ngẫm lại, thật đúng là “không tiền thì người ta đưa tiền cho xây” thiệt, dù rằng họ đền như lấy không của mình, tiền làm nhà gấp 3 lần tiền bồi thường. 

                    Vợ chồng đều không rành xây dựng, nên tất cả giao cho thầu; mình chỉ nêu ý muốn, diện tích xây dựng, yêu cầu về phong thuỷ, ngày giờ khởi công… là xong. Đến hôm tháo dỡ nhà cũ, gian chính, gia đình vẫn ở gian sau. Chủ thầu gọi tôi ra nói nhỏ:

                       – Cô Lý, tui thấy cô kỹ lưỡng, phải nói là quá kỹ, mà sao nhà cũ cô làm gì kỳ vậy?

                   Tôi ngớ người, không hiểu đã xảy ra chuyện gì, nói nhanh:

                        – Nhà này em mua, mua sao ở vậy, mà sao anh? 

                        – Cô ở lâu chưa? 

                        – Cũng 12 năm rồi. 

                        – Ở “yên” được cũng hay. Lại tui chỉ cô coi nè. 

                Vừa nói, anh ấy vừa bước nhanh đến đống cây ngổn ngang trên đất, đống cây mới tháo dở từ trên mái xuống, anh chỉ vào một cây tròn, suôn dài, nhìn, tôi biết đó là cây đòn dông trên nhà. Anh cố xoay lên, vừa xoay vừa chỉ vừa nói; nhưng thật sự, sống lưng tôi đã lạnh, lạnh ngay khi cái đòn dông vừa được xoay chưa đến nửa vòng. Trên đó, lộ rõ một “lá bùa”đỏ chói, chỉ phần lộ ra thì đã xám màu, còn phần nằm kín trên mái vẫn nguyên “sắc thắm” của loại giấy đỏ thường dùng để viết chữ trên các bùa, chú hoặc là… lót hòm. Chưa hết, anh ấy còn chỉ và tiếp: 

                        – Đây nữa, cô coi, đòn dông người ta chỉ gá lên rồi dùng dây cột thôi chớ không ai dám đóng đinh,vậy mà… cô đếm xem. Cả thảy họ đóng đến… 11 cây. 

               Đến đây thì tôi tái ngắt. Trời ơi, may mà có cơ hội làm nhà mới chứ không thì… biết ra sao? Chợt nhớ lời các thầy đã nói tôi phục lăn, sao mà giỏi quá. Biết nhà khó ở, tuy chẳng thấy gì?

                Năm ấy, vợ chồng tôi nhận nhà mới vào 27 Tết, 29 Tết chính thức vào ở. Một cái Tết thật trọn vẹn hương vị ngày Xuân. Bên nhà cũ vẫn còn lại căn nhà dưới mới sửa lần trước, tôi cho vợ chồng cô em tạm trú. Tôi không nói gì. Thứ nhất là do vợ chồng có Đạo, chắc nó không tin; có tin thì may ra cô em gái tôi thôi nhưng nó sẽ “sợ”, nên tôi im luôn. Cho đến một hôm, cô em chạy qua, vẻ hoang mang, ngài ngại hỏi tôi: 

                     – Hồi đó giờ ở, chị có thấy gì không?

             Tôi có ý nghi ngại, nên hỏi:

                     – Mà sao lại hỏi vậy? Bộ gặp rồi hả?

              Em ấy cũng khá nhạy cảm, hỏi lại ngay:

                     – Là “có” hở? Hỏi, mà nét mặt nó lộ rõ vẻ hoảng hốt.

                Tôi tình thật nói: 

                    – Có đó, mà lại rất linh nữa. Về nhà mới, tao đã dời cả bàn Thiên về chỗ mới cúng kính mà sao lại vẫn ở bên này vậy ta? Nói sợ mày sợ nên mới im luôn. Mà thấy sao vậy, chiêm bao hay… hiện hữu? 

                 Cô em từ từ kể lại:

                   – Hồi hôm, tui với ông Hoà (chồng ẻm) giận nhau, tui ghét, mới ra sân ngủ.(Trên hiên nhà, tôi vẫn còn để cái giường sắt, chiều tối ngồi chơi cho mát, hôm nào có trăng thì càng thú vị). Mới thiu thiu, chợt linh cảm như có ai đang nhìn chằm chằm vào mình. Không nhớ là có mở mắt nhìn hay không mà lại nhớ là thấy rõ ràng một bà già mặc toàn đồ đen, đang cúi xuống nhìn vào mặt. 

                 – Rồi, đúng rồi, có. Rồi có thấy ai nữa không?

                 – Ai nhớ, sợ bắt chết, bung dậy phóng ào vào nhà còn không kịp. Người lạnh toát, run cầm cập luôn. Mà chắc chỉ mình bà già đó thôi à.

           Tôi từ tốn giải thích:

                – Vậy là đứa nhỏ chắc đang giữ nhà bên này, còn bà già về thăm nhà cũ đó. Thiệt ra, có đến hai người, bà già đó và một đứa nhỏ là con trai nữa, nhưng chị mày chỉ thấy chiêm bao thôi. Chắc thấy mày dạn và cũng muốn giải hoà cho vợ chồng đó mà. Nói cho biết, họ linh lắm đó. Điều gì khó khăn là cầu được ước có đó. 

               Lâu sau, cũng cô em này chạy qua, kể rằng:

                – Sao mấy đêm nay, tui chiêm bao cứ thấy quanh mình toàn là “vịt” không à, mà hồi tối này lại thấy bị “vịt rượt” vừa chạy vừa la trối chết luôn á. 

              Rồi, tôi hiểu ngay, kinh nghiệm có được là từ một trường học. Tôi hỏi nhanh:

                – Có van vái điều gì, hứa mà chưa cúng không?

            Một chút bối rối, nàng tự thú: 

                – Có, nhưng giờ mình có Đạo, bày ra cúng nhà thờ biết sẽ rầy. 

              Thiệt tình, đâu phải điều nan giải, nhưng đã nói rồi, người chết cũng như người sống, hứa thì phải làm. Tôi nói nhanh: 

                 – Tính vầy nghe. Vái là phải trả lễ. Sắm sửa lễ vật đi, chị mày qua đứng chủ lễ cúng vái cho; vì cuối cùng mày là người trả lễ, chỉ tránh mặt thôi. Nhà thờ không biết đâu, nhìn chỉ thấy chị mày cúng trên đất của bả mà. Nhớ, vái gì cúng nấy.

                 Nó nói nhỏ: 

                       – Vái cúng “vịt”. 

                       – Ha…ha… thì lo mua vịt đi. 

               Và từ đó cho mãi về sau, cả hai nhà đều ăn nên làm ra, nếu có thay đổi thì cũng chỉ “tốt” hơn lên thôi. Vợ chồng tôi thầm tạ ơn Trời đất và tất cả… Câu chuyện tâm linh và cõi siêu hình không còn hiển hiện nữa. Có lẽ họ đã được siêu thoát… Còn một điều nữa, để cho câu chuyện tròn trịa, tôi xin kể thêm rằng, nửa năm sau họ làm đường, lâu sau làm điện. Khi đào hố làm trụ điện, tôi canh dữ lắm, vì mình đã cất nhà rồi, không khéo họ trồng trụ ngay chính cửa cái là “toi mạng”. May mà họ cũng thương, mình nói, họ cũng lùi xuống hơn 2m, tránh được cửa cái và như vậy lời tiên đoán của bà mợ cách đây 10 năm quá chuẩn:

                  “Nhà chúng tôi trụ ở hướng Tây, nhìn về phương Đông, trước nhà có trụ đèn”. Đây là nơi ở đến cuối đời.

                                                                Hết.

          ThaiLy.

Bài Mới Nhất
Search