T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: GIẤC CHIÊM BAO

Nằm Chiêm Bao – Tranh: Shreyashi Das

Nói là xưa, nhưng có xưa gì cho cam, chỉ mới năm 1984 đây thôi! Bởi vì năm 1982 chúng tôi ra riêng, nhà thuộc kiểu “cũ người mới ta”, nên cách bố trí không gian trong nhà vẫn theo nếp cũ. Nhà chỉ một gian, nên giữa nhà là bàn thờ tổ tiên, khi ấy, chính là bà nội và cha chồng tôi thôi. Có ảnh đàng hoàng. Hai bên là giường ngủ và bộ phản gỗ. 

Bởi vì ba các cháu vừa là con một mà cũng là cháu một, trưởng nam kiêm đích tôn, chuyện hương khói chúng tôi là chính. Một đêm, tôi đang chìm trong giấc ngủ, lại thấy từ ngoài cửa chính ngôi nhà, có một người phụ nữ khá lớn tuổi, bước thẳng vào nhà, đứng nhìn lên bàn thờ, giây lâu quay qua nhìn vào tôi. Khi ấy, tôi ngủ một mình trên tấm phản.Tôi cũng nhìn lại xem là ai. Giật mình thức dậy, tôi nhớ như in nét mặt và cả trang phục của bà. Nghĩ đó là “bà nội” nên tôi tin là vậy và ngủ tiếp. Sáng ra, tôi hỏi lại ông xã về hình dáng của bà nội, có phải:

“Nội có khuôn mặt chữ điền, thường mặc áo bà ba màu xanh rêu, trùm khăn mỏ quạ đen không?”

Ba cháu lắc đầu giọng khẳng định:

“Không, bà nội không hề mặc màu rêu, chỉ trùm khăn kiểu như Ông Địa (cột thắt trước đầu – gọi là đầu rìu). Khuôn mặt càng không phải! Ủa, mà hỏi chi vậy?”

Tôi đem câu chuyện chiêm bao kể lại, trong dạ vô cùng phân vân: Vậy là ai? Chợt ba cháu phán:

“Em hay chiêm bao này nọ. Cứ đem cái sợ cho mình!”

Cũng đành bỏ qua. Bởi vì “biết đâu là đâu” chuyện mộng mị mơ hồ. Nhưng chỉ tháng sau, giấc mơ khác lại đến! Tôi thấy hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe honda 67 màu đen, chiếc xe này đã bán khi mua nhà. Đi đâu mà xa lắm, đường thăm thẳm, cảnh quan sáng đẹp, thoáng đãng, cây xanh hai bên đường. Chạy mãi, gió vù vù bên tai càng lúc càng mạnh. Rồi từ từ đường hẹp dần, trời tối như đã đến hoàng hôn. Cố nhìn, tôi thấy đã vào thôn xóm, hai bên đường được rào chắn bằng những cây nhỏ tầm ngón chân cái, cao vút lên nhưng đều, đẹp và vô cùng sạch sẽ. Chợt ba cháu rẽ vào một cánh cổng, vợ chồng xuống xe, tiến vào sân nhà; trên thềm có một cụ già đang ngồi bó hay chẻ gì đó, tôi không nhìn rõ. Vì vừa chào xong thì cụ đã quay sang nói với cậu bé chừng mười tuổi đứng cạnh mà giờ tôi mới thấy:

“Dẫn cô chú vào nhà sau đi!”

Vậy là, cậu bé đi trước, vợ chồng lẽo đẽo theo sau cùng qua một khoảng vườn khá rộng, cây cối xanh mát. Nhà sau là căn nhà khá khang trang, thuộc kiểu nhà “thiên môn”, bên tay phải có phòng lồi. Tôi bước vào cửa chính, đã gặp ngay cô chồng tôi (vẫn đang còn sống) ngồi trên chiếc phản thấp. Bà ngoảnh đầu hướng sang phía phòng lồi, nói: 

“Vô đi!”

Trước khi bước vào, tôi quay sang nhìn thì thấy bên ấy có một người phụ nữ đang ngồi trên bộ bàn ghế mun đen, khảm xà cừ lóng lánh. Trong lòng biết đó là “chủ nhà”, tôi đến chào. Bà nghiêng mặt vào phía trong, nói gọn: 

“Hai đứa vô lạy đi!”

Tôi đi vào phía trong, vừa đi vừa tự hỏi và nhủ thầm: Bà ấy là ai? Nhìn hình như quen quen. Có quan hệ gì không? Sao yêu cầu mình vào lạy? Thôi, cứ vào, nếu có thờ Phật thì mình lạy, còn thờ “lung tung” thì… thôi vậy! Chừng vào đến nơi, nhìn lên tôi nhớ như in: đó là bàn thờ Phật Thích Ca, có cả Quan Thế Âm Bồ Tát, có cả Đại Thế Chí Bồ Tát, bên dưới là các tượng nhỏ khác tôi không nhìn kịp… Vừa cúi xuống lạy, ngẩng lên đã thấy hai vợ chồng ở ngoài sân, chuẩn bị ra về. Ổng đưa chân đạp xe kiểu gì mà đạp luôn chân tôi, đau quá, giật mình ra khỏi giấc chiêm bao! Tôi nằm im, nhớ lại, suy nghĩ một hồi… nhảy tót qua giường bên, lay gọi. Ha… ha… chừng như quá quen thuộc, ba cháu vừa mở mắt vừa hỏi: 

“Chiêm bao hở?”

“Ừ, dậy đi! Kể nghe nè. Lạ lắm nhen!”

Ổng trở người chờ đợi. Tôi nói nhanh: 

“Dài lắm! Qua bên kia nói chuyện, để cho con ngủ.”

Tôi kể lại giấc mơ. Đưa ra những điều trăn trở, vừa kể vừa như chất vấn:

“Người phụ nữ hôm nay, từ cách ăn mặc, trùm khăn, cả nét mặt rất giống cái bà hôm trước vào nhà mình trong chiêm bao. Tại sao lại có cả cô Tư anh ở đó, lại ngồi ở bộ ván bên ngoài, hai bà đều có kiểu vừa nói, vừa nghiêng đầu ra hiệu giống nhau đến vậy? Đường đi thì thăm thẳm, càng đi càng tối như đường xuống… âm phủ! Ghê vậy? 

“Sao anh biết được mà hỏi?”

“Thì cũng phải “tìm” cho ra chớ! Đâu phải vô cớ mà cho thấy đến hai lần mỗi một người. Nè, ngoài cô Tư ra, anh còn người cô nào nữa không? Xem ra, chắc bà ấy cũng là cô anh đó, mà là chị cô Tư nghe, tại cô Tư ngồi trên phản, còn bà kia ngồi chễm chệ trên bàn. Nghi ghê!”

Giọng ổng đã trở nên “khíu chọ”, có lẽ vì mất giấc ngủ, lại còn bị tra vấn lung tung: 

“Anh sao biết được!”

 Tôi cố lì:

“Thôi, câu cuối cùng nè: Ông già thứ mấy?”

“Ba thứ ba.”

Vậy là tạm rõ. Người này phải là thứ hai, như vậy chắc chắn là cô Hai rồi! Chà, ngày mai, trông bà già về gì đâu! Bởi vì bà cứ trụ trì ở nhà cô Tư, có khi về có khi không; điều này cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống vợ chồng tôi, chỉ là hôm nay tôi cần biết thêm về gia đình chồng. Hên quá, tối, bà nội các cháu về. Với bà, không thể nói dông dài, nên chỉ hỏi: 

“Má có biết ngoài cô Tư ra, ba có người chị nào nữa không vậy?” 

Vẫn câu trả lời vô cùng đặc trưng, gần như độc quyền:

“Ai biết gì na!”

Tôi dai, hỏi thêm:

“Chớ má cưới chồng, ba thứ ba mà không thắc mắc người thứ hai là ai hở?”

 Bà cười thật vô tư và hiền hậu:

“Hỏi chi, mược…”

Vậy là xong! Muốn biết chỉ còn cách tìm về nguyên quán. Phải vậy thôi! Đã cho tôi chiêm bao, thì tôi phải tìm nguồn cội, dù giữa tôi và cô Tư khó có thể có tiếng nói chung.Tôi lên nhà, sau một hồi rào đón, đưa thẳng vấn đề. Cô xác nhận: 

“Có, tao có người chị gái, đã chết từ khi 2-3 tuổi, trên đường chạy loạn bị bệnh rồi chết.” 

“Nhà có biết mồ mả gì không? Sao không nghe cô dặn cúng giỗ gì hết? Mà cô Hai tên gì vậy?”

“Chết lâu rồi, lại dọc đường dọc xá, chôn lấp rồi chạy tiếp có biết đâu mà tìm. Cũng chẳng nhớ tên tuổi, xưa giờ cũng có cúng quảy gì đâu!”

Về nhà, tôi suy nghĩ bâng khuâng và chợt thương cô quá! Bao nhiêu năm chẳng ai nhang khói, nay hiển mộng như vậy thì tôi sẽ làm điều đó. Chỉ còn hai hôm nữa là rằm, tôi khấn cô, mời cô về với tổ tiên. Tuy không biết ngày mất, không tên tuổi, không có ngày giỗ riêng, nhưng trong các ngày giỗ, Tết xin mời cô cứ về cho ấm áp vong linh. Gia đình biết và hướng vọng cô từ đó!

         ThaiLy

Bài Mới Nhất
Search