T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: HỒN NHIÊN   

Strawberries – Tranh: ĐINH KIM HERLEEN (11 TUỔI)

Sáng nay, tình cờ đọc bài thơ kia của nhà thơ nọ, có câu thơ này:

“Cắc ca, cắc củm đi tìm…”

Thấy là lạ, bởi vì theo tôi hiểu “cắc ca, cắc củm” là sự giữ gìn, nâng niu, trân trọng, vậy sao lại để “lạc mất đi đâu” mà phải tìm, phải kiếm? Nhưng, nhà thơ đã dùng chắc vẫn có cái lý đúng của họ. Và giờ tôi dùng theo cái nghĩ của tôi. Tôi thì lại khác, luôn:

 “Cắc ca, cắc củm giữ gìn…”

Bởi vì đó là kỷ niệm thời xa xưa, cái thuở còn để chỏm có khi còn… chưa biết mắc cỡ những lúc tắm sông, tắm biển, tắm mưa mà chẳng mặc gì? Nói vòng vo vậy cũng nhằm giới thiệu câu chuyện của tôi ngày ấy. 

Năm ấy, tôi học lớp nhì. Thiệt tình, môn gì cũng không đến nỗi, phải nói là thuộc hàng cộm cán của lớp, chỉ mỗi môn thủ công là ngại gì đâu! Nữ công thì mẫu thêu của mình luôn được dán lên bảng “sản phẩm đẹp” nhưng giờ đến Thủ công rồi. Chương “Nặn theo mẫu vật”. Phải như giờ, học sinh có sáp màu, quá sướng! Ngày ấy, phải đi xuống ruộng lấy đất sét về nhào nhuyễn rồi mới nặn…xuống ruộng, xuống rẫy… sợ rắn lắm, phải nhờ người lấy giùm, nhào đất giùm, mình chỉ “nặn” thành phẩm thôi mà lại còn sợ dính tay. Tôi rất sợ, sợ cảm giác nhão nhoè, nhoão nhoét, dính bám… rợn cả người! Vậy là, khi cô giáo hướng dẫn cách làm, chỉ mới tưởng tượng đã đau khổ khôn cùng! Ra về, mà nước mắt rưng rưng… bài đầu tiên “nặn quả cam”. Rồi… cũng qua, nhờ các chú ở nhà làm giúp. Điểm không cao, tôi buồn, buồn lắm! Bài thứ hai: nặn quả ớt. Tôi đau khổ vô biên! Giờ chơi, ngồi cú rũ, buồn hiu. Rồi có một bạn nam lân la trò chuyện, mệt quá! Người ta đang phiền não, tôi thật sự chẳng muốn mở miệng  nhưng nó cứ cà rà, lâu sau mới lên tiếng thổ lộ tâm tình: 

– Mày đừng lo! Để tao làm cho mày trái ớt nghe! Mày… sợ thủ công chớ gì! 

Tôi quay phắt lại, trả lời câu đầu rất dứt khoát, nhưng câu sau lại có vẻ ỡm ờ:

– Tao sợ đất sét thôi! Nhưng… cô la sao?

Bạn ấy kiên nhẫn giải thích:

– Đừng cho cô biết! Tới ngày đó, mày ra sau nhà ông cai, tao đưa cho, không ai thấy đâu. 

– Thiệt không? Nhưng tao vẫn…sợ! 

– Đừng sợ! Tại tao cho mà, mày có liên quan gì? Chớ mày nhờ chú mày làm thì cũng đâu phải là mày. Mà làm không đẹp bằng tao.

Công nhận, thằng quỷ “ranh” thiệt! Nó biết tỏng là tôi nhờ, lại còn chê không chút kiêng dè. Tôi vẫn phân vân:

– Chú tao làm khác, mày làm…khác! 

– Khác ở chỗ nào? Cũng vẫn không phải mày tự làm. Thôi vậy đi. Tao không nói với ai đâu!

… Ngày ấy đến, tôi từ nhà qua trường bằng cửa nhà ông cai, vẫn là thói quen vì nhà tôi cách nhà ông chỉ con đường luồn. Vừa bước qua cửa rào, đã thấy nó đứng chờ sẵn, trên tay là một gói nhỏ… Nhìn bộ dạng nó thật vui, nó vồn vã, vừa nhìn trước ngó sau, vừa mở gói giấy, miệng đon đả:

– Nè, mày lựa đi! Tao một trái, mày một trái! 

Tôi nhìn vào tay nó, trời ơi! Đẹp quá! Nó thật khéo! Trên tay nó là hai trái ớt, trái đỏ thắm, lại có cái cuống xanh nổi bật; trái kia nó làm nửa chín đỏ, nửa còn xanh cũng có cuống lá hẳn hoi. Người ta cho mà mình chọn thì kỳ quá, nên tôi ngại hơi chần chừ, chứ thiệt lòng rất ưng bụng trái nửa xanh nửa đỏ kia. Chừng như “nó hiểu”, nên không chút lưỡng lự, nó đưa ngay cho tôi. 

Vào lớp, tôi ấp ủ, giữ gìn, phải nói là cưng lắm. Giờ chấm điểm cũng đến, điểm tôi và nó bằng nhau, cả hai sản phẩm đều được lưu ở tủ trưng bày… Hai đứa trộm nhìn nhau hả hê lắm! Nó thật sự rất vui và trở nên thân thiết hơn, có lẽ vì hai đứa có chung một điều “bí mật”. Và bài tiếp theo: Nặn quả khế. Ôi, khó bội phần, nhưng tôi yên tâm lắm! Vẫn cái hẹn cũ. Và ngày chấm điểm cũng đến, tôi vẫn là người được chọn. Giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh “hai trái khế” ngày ấy. Một trái chín vàng, đẹp gì đâu! Một trái cũng nửa vàng, nửa xanh… nó gắn cả cuống, hình như nó sơn bằng nước sơn thật nên cái màu sáng đẹp lung linh, láng bóng, nhất là cả hai trái đều có 5 cạnh thật bén, thật đều… nhìn cứ như thật!  Tôi phục nó sát đất, nó học không giỏi nhưng tài “nặn” phải nói khó ai bì… Tôi không phải chần chờ, lựa chọn, đã biết tính rồi, nó trao ngay trái nửa xanh nửa vàng cho tôi. Cả hai hí hửng vào lớp. Giờ nghĩ lại, buồn cười gì đâu, mình là người nhận quà vui mừng đã đành, nó là người cho lại có vẻ hả hê, vui vẻ còn muốn hơn là đàng khác.

…Giờ chấm điểm cuối cùng rồi cũng đến! Vì tôi ngồi bàn đầu nên được chấm trước, điểm 10 tròn trịa, cô giáo khen nức nở…; đến bạn ấy… không tròn 10 mà là 9.5 điểm. Nó buồn! Ra chơi, đi ngang qua chỗ tôi, nó nói nhanh:

– Tại tao nhường cho mày đó nhen! 

Tôi vừa nghe, máu tự ái ầm ầm nổi dậy, quay phắt vào lớp, lấy ngay trái khế đem ra, trả liền… tại chỗ. Đứa trả, đứa không chịu nhận đẩy qua, đẩy lại một hồi rõ là làm mục tiêu cho bạn bè nhìn ngó, rồi thì….”Bụp”! Trái khế rơi xuống đất, “bể” nhưng không “nát” vụn, chỉ một ít đất bong ra… vẫn nguyên là trái khế! Thật là tai hoạ! Bọn học trò la ầm lên, vào méc ngay cô giáo: 

– Thưa cô, trái khế trò Lý là… giả kia cô! 

Ôi! Câu chuyện tiếp theo thì thật là…ê chề khi sự thật được phơi bày. Một kỷ niệm không thể phôi pha. Tôi vẫn nhớ như in vẻ ngọng nghịu của bạn ấy, cả nét cười đầy ý nhị của cô giáo. Một bài học xương máu đã dạy và hình thành tính cách tôi từ ấy: không bao giờ làm điều gian dối nữa, dù là chuyện lớn hay nhỏ. Đau tim và xấu hổ lắm luôn!

Hết bậc tiểu học, bạn ấy không vào được lớp đệ thất nên bặt tin nhau! Giờ đây, sau hơn 60 năm, biết bao vật đổi sao dời chẳng biết bạn ấy còn hay mất, lưu lạc phương nào, nhưng tôi tin rằng nếu bạn ấy còn hiện hữu trên đời thì kỷ niệm kia sẽ luôn tồn tại!

ThaiLy

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search