T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

     ThaiLy: KHOAI LANG/CHIM BỒ CÂU

Cõi Người Ta (16) – Tranh: THANH CHÂU

KHOAI LANG

            Sáng nay, đến tiết Tiểu Hàn. Trời mù và lạnh. Tự dưng, tôi nhớ Tết. Tôi nhớ Ông Bà Nội… tôi nhớ chuyện ngày xưa. Nhìn dĩa khoai lang “bốc khói”, nổi hứng… lại muốn viết một cái gì đó. Ừ, thì cái gì hiện lên trong trí nhớ mình viết về nó vậy. Khoai lang. Chuyện của “khoai lang” nên nó cũng đơn giản, xấu xí như… củ khoai. 

            Phải nói thật rằng, sau khi Ông Nội tôi qua đời, gia cang có phần thông thoáng, dễ chịu hơn. Bà Nội hiền lành, đơn giản nên người làm cũng được thể “tự do” hơn trong ăn nói. Ngày ấy, tôi có người thím thứ Tám, gốc Bình Định, lưu lạc vào Phan Rang, bơ vơ, lạc loài… gặp và gá nghĩa với chú thứ Tám của tôi. Họ có được đứa con gái, em đẹp lắm. Vừa giống mẹ và cả cha, mà thím rất đẹp. Thế nhưng… chú tôi lại “ta bà giáo chủ”, bồ bịch hơi… đông. Lại nữa, trong nhà có người phụ việc gọi là Bà Sáu, lại nhận thím làm con nuôi. Vậy là, bà Sáu ra sức thúc bách, dẫn thím đi bắt ghen… đêm nào cũng quá khuya mới về, mà có thấy gì đâu. Có hôm thím về, áo quần lấm lem, tay chân đầy bùn, đất, muỗi, kiến hay con gì đó đốt sưng vù tay chân… xối nước rào, khóc lóc nỉ non, khóc thì phải kể… cả nhà nháo nhào… Rồi sau đó bà má nuôi xúi xử, xếp đặt cho hai mẹ con thím thoát ly khỏi nhà. Gia đình tôi mất đi đứa cháu ruột thịt. Ngần ấy năm trời, không biết phiêu bạt nơi đâu, còn hay mất, thời buổi chiến tranh, quê hương bị cày nát, có chừa chỗ nào, mà nơi mẹ con thím về lại là đất Bồng Sơn khói lửa….

          Câu chuyện này, râm ran… trong nhà ai cũng biết. Mọi người mất thiện cảm với bà nhiều. Dẫu rằng, bà Nội tôi rất quý người làm, không hề tỏ sự phân biệt. Nhà lại còn có thêm mấy nam phụ việc, trong đó có chú Tư, vốn người gốc Huế… ông ghét bà Sáu ra mặt, thường chê trách là người “xấu xa, độc ác, nham hiểm, tham lam”… còn thêm “Tôi ghẹt nhật là ngự ậy”. (Tôi ghét nhất là ngữ ấy). Bà thường mặc chiếc áo bà ba màu nâu đỏ, bằng chất liệu “nilon dầu”, loại vải thông dụng ngày xưa. Tôi có hơi “dài dòng”, bởi vì câu chuyện bi hài có cội nguồn từ đây.

               Mỗi sáng, bà Nội mà có việc ra đường về, là y như có quà cho mọi người. Quà cứ bày ra đó, ai ăn cứ tự tiện. Sáng ấy, là một rổ khoai lang mật còn bốc khói, loại khoai mà hầu như cả nhà đều thích, mềm nhũn, mật tươm làm màu khoai bóng sáng nhìn thật ngon mắt, lại dễ lột vỏ… Tất cả, cùng ăn. Ông Tư ngồi chồm hổm, vừa lột khoai vừa… “nói một mình”: 

– Nì, tao lột mi ra nghe. Lột trụi mi, xem cại nạo mi, xem cại lọng mi nọ xậu xa như răng mà cại mộm mi độc địa rựa? Mi ạc quạ, mi chị phạ gia cang ngượi ta. Tao cặn cại đậu mi, hi, ngọt rựa?. (cắn miếng, vừa nhai vừa nói) Ngọt mật mợi chệt ruồi đa. Mạ chị con ruội ngu nọ mợi chệt nghe. ….Hà, giợ tao cặn tợi cại tim mi, (cắn miếng, xong, vừa nhai vừa nói) tim mi… đặng quạ. Chặc chựa toàn thuộc nộ. Hà….giờ tao cặn tới lòng mi,( cắn miếng, vừa nhai vừa nói) cại lòng mi…ui, bẹn quạ… chặc chựa toàn dao găm….. *

             Đến đây, chiến sự bùng nổ. Bà Sáu nãy giờ “sôi gan, tím ruột”. Giờ nhịn hết nổi. Quăng ngay củ khoai đang cầm trên tay, đã  lột nửa chừng và xem ra… chưa ăn kịp. Dằn mạnh cái dao (công việc nhà tôi là thường dùng dao, thớt), chỉ ngay mặt Ông Tư mà… chửi: 

                   – Ê, cái thằng già thày lay kia, mày xiên xỏ ai?. Mày mắng ai mà độc ác, mà phá gia cang mà tim thúi lòng thúi… hả thằng Bốn kia, mày có biết cái miệng mày mở ra còn thúi hơn mắm “xả lù” nghe mậy, ai kêu mày thằng Tư, kệ, tao cứ thằng Bốn tao gọi, cái thằng Bốn xả Lù kia….

                Giọng ông Tư cũng cất cao không kém:

                   – Ụa, lạ nỳ, can cợ chi đện mụ? Môn không ngựa mà rạy ngựa ha? **         

              Trời ơi. Cả hai cùng đứng lên, tay chân hai bên là 8 cái, miệng xài cả hai… cộng là 10, đủ đại náo thiên hạ. Công việc buổi sáng lại cần nhanh, bà Nội la không được, cũng không thể can và không khéo sẽ có đám đánh nhau. Bà Nội… ghét quá, đi thẳng một hơi ra lu nước, múc cả thau bạc, bưng vào tạt thí vào hai người… Ha…ha… bà trị hay thiệt… cả hai lo tránh, la oai oái, trận chiến kết thúc, tan hàng.

            Tan hàng xong, mọi việc trở về khởi đầu nhưng có một thứ đã kết thúc. Rổ khoai lang to là vậy mà đã ai ăn đâu, may ra mỗi người chỉ mới một củ… số còn lại đã theo chân bọn trẻ tụi tôi, đứa ôm trên tay, đứa lận trong túi, đứa bọc vào vạt áo mà ra hết ngoài thềm thị sát trận chiến. Chiếc rổ nằm chỏng chơ trên chiếu. Hê… hê… giờ cứ nhìn thấy khoai lang mật là tôi nhớ, nhớ lắm câu chuyện này. 

     * Nì,tao lột mi ra nghe. Lột trụi mi, xem cái não mi, xem cái lòng mi nó xấu xa như răng mà cái mồm mi độc địa rứa?. Mi ác quá, mi đi phá gia cang người ta. Tao cắn cái đầu mi, hi, ngọt rứa?. Ngọt mật chết ruồi đa. Mà chỉ con ruồi ngu nó mới chết nghe. Hà, giờ tao cắn tới trái tim mi, tim mi đắng quá. Chắc chứa toàn thuốc nổ. Hà, giờ tao cắn tới cái lòng mi, ui, bén quá… chắc chứa toàn dao găm…

    ** Ủa, lạ nỳ. Can cớ chi đến mụ?. Môn không ngứa mà ráy ngứa?.

BỒ CÂU

              Gần đây, tình cờ tôi đọc mấy chuyện về “Chim”, nhưng thật sự rất kinh tâm vì chuyện nói về sự tàn hại, giết chóc những con chim nhỏ bé thật là …tàn bạo. Những câu chuyện đánh động trong tôi hình ảnh xưa cũ, tầm mấy mươi năm về trước. 

             Lần đầu tiên, năm 1971 tôi đi thi Tú Tài, từ Phan Rang ra tận Nha Trang, ở nhờ nhà của vị giáo sư vốn là thầy dạy cô tôi. Người chính gốc miền Bắc, cảm nhận ban đầu: Ông rất khó tính nhưng bà thì rất hiền hoà; tuy nhiên tâm trạng tôi vẫn còn ngại ngùng lắm. Ngay hôm sau, tôi đang ôn bài, chợt nghe ông nói: 

               – Bác K này, đưa bồ câu vào đây. Thịt nấu cháo. 

               – Vâng…

            Nghĩ giận mình tò mò, học không lo mà hay hóng. Tự nhiên quay đầu lại nhìn, cũng vừa khi bà đưa chim vào, chưa kịp thắc mắc: đưa vào làm gì, lẽ ra thịt chim thì làm ở bếp chứ. Trong tích tắc đó, con chim đã nghẹo đầu, chết ngay trên tay ông. Trời ơi, không tin nổi ở mắt mình. Ông bị liệt tay phải do tai biến, còn mỗi tay trái, chỉ tay trái và cũng chỉ bằng hai ngón: ngón cái và ngón trỏ ông đã bóp chết nó trong tay, thật chóng vánh, thật chuyên nghiệp. Bà trao cho ông nó hãy còn đập cánh, ông đưa lại bà…nó xụi cánh ngay đơ, đôi chân còn duỗi dài trong tư thế cố rướn thân lần cuối. Một thoáng rùng mình, tôi sợ và không dám tiếp cận ông từ đó, nhất là khi chỉ ông và tôi, tôi trốn biệt, mắt cứ lấm la lấm lét nhìn chừng cái bàn tay “sát nhân” kia mà sợ…Năm sau, tôi không dám đến nhà ông bà ở nhờ để đi thi nữa…

             Hình ảnh chim bồ câu chết tức tưởi và tức khắc đã gợi nhớ ký ức khác của tôi những ngày còn thơ dại. Nhớ chuyện lại nhớ người: Cô Bảy. Tôi ám ảnh chuyện cô làm thịt lươn vì nỗi sợ hãi của cô; giờ nhớ luôn chuyện cô làm thịt bồ câu. Phải mà “Ai ăn người ấy chịu”, tôi đỡ thương, đàng này lại nghe “Ai sát sinh người ấy chịu” tôi lại càng thương cô. Cô làm lươn là do ông Nội tôi muốn ăn. Cô làm thịt bồ câu là để phục vụ cho đức ông chồng. Món nào cô cũng vừa làm vừa khóc. Lươn sợ theo lươn, bồ câu sợ theo bồ câu. Ông chồng muốn ăn, mà chỉ mỗi cái miệng vừa phán vừa ăn; cô mới là người thực hiện, vừa làm vừa khóc, khóc trong sự sợ hãi và cả lòng nhân ái. Giá mà “cắt tiết” một cái cho xong thì còn đỡ, hoặc “bóp chết” tại chỗ còn đỡ thương tâm, đàng này ông chồng trước khi ra khỏi nhà dặn vói vào: 

              – Bảy đừng cắt tiết, thịt tanh không ngon, bóp cổ chết rồi mới làm lông, làm thịt nấu, bồ câu mới ra ràng đó, ngon lắm. 

           Cô bắt đầu lo, than rằng: làm sao tui bóp cổ đây trời. Nghĩ sao, cô sáng tạo thành: không bóp cổ thì đem thui đỡ ghê hơn. Miễn nó chết là được. Nghĩ là làm, cô bắt chim, tay run rẩy, mang đến cái lò đang cháy hừng hực, tóm cánh, tóm chân rồi…đưa cái đầu bồ câu vào lửa. Chim quằn quại trong tay, cô trân người cố chịu khi sự sợ hãi và lòng trắc ẩn dâng cao, không chịu nổi nữa, cô rụt tay ra, buông thỏng…trời ơi, chim đã chết đâu, cái đầu bé tẹo đã cháy xém mớ lông, lỗ chỗ vừa đen, vừa đỏ vừa phồng dộp đang cố lết, quằn quại, đau đớn…nhưng nó chưa chết, thì phải làm cho chết. Cô ngồi bệt luôn xuống đất, khóc thành tiếng, vừa khóc vừa than: 

               – Trời ơi, nó không chết chắc cô chết quá con ơi! Cô thấy thảm quá con ơi! Sao đây, sao đây nè trời! 

            Cô không biết, thì sao tôi biết? Tôi còn thêm: 

              – Thảm thiệt cô ơi! Giờ thả nó, nó cũng chẳng sống được…cái đầu nó vừa trụi lông vừa cháy xém rồi…(Tôi cũng bắt đầu run và muốn khóc).

            Cô tiếp: 

              – Sao thả được. Lão về mà không có cho lão thì cũng chết. Hu…hu….cô đốt tiếp đây. 

            Vừa nói, cô vừa vói tay tóm lấy con chim, cô run còn hơn lúc đầu, vừa run vừa khóc, vừa than: 

             – Tao cũng sợ lắm, mày chết nhanh đi. Tao lạy mày…

           Cứ vậy, điệp khúc “Trời ơi, tao lạy mày, mày chết giùm đi…” được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong nước mắt, nhưng …nó vẫn không chết. 

          Đầu bồ câu được tiếp tục đưa vào bếp lửa, trong tay cô, nó lại giãy giụa, ý chừng muốn thoát ra, cố đưa sâu vào, lửa nóng, lâu, tay cô không chịu nổi… nên cứ lùi ra, đưa vào, người thì vừa thui vừa khóc, tôi nhìn mà nôn cả ruột, chẳng biết sao, vì trong tay cô, chân, cánh nó vẫn còn cựa quậy, có nghĩa là nó chưa chết…Đuối, sợ, hay nóng tay không biết, cô bèn buông tay, con chim nằm luôn trong bếp. Ôi trời, cả cô cả cháu thụi lùi ra sau hoảng loạn…Bởi vì, bồ câu chưa chết, thả nó ra, đương nhiên nó nằm giữa than hồng, nóng,  nó giãy giụa vậy là…khói lửa, tro than bay lên, lông nó bắt lửa, bốc thành lửa ngọn… cuối cùng nó nằm yên chịu chết. Đem được nó ra, thật vô cùng bi thảm… Chim chết rồi qua màn nhổ lông, trời ơi, nhổ gì mà nhổ, lột da thì có, thịt nó chín bỏng cả rồi, túm lông giựt lên theo sau là mảng da mỏng manh, lộ ra mảng thịt hồng hồng rươm rướm máu, nhìn thảm không chịu được. Tôi rướm nước mắt, cô khóc thật sự, vừa khóc vừa kể:

               – Tao chịu không nổi mà phải làm, mày chết đi kiếp khác đừng oán tao, tại “thằng kia” đòi ăn, chớ tao thề tao không ăn đâu. 

Cô vừa nói vừa khóc thảm thương gấp bội, nước mắt tôi đã chảy thành dòng, tôi ghét hùa ông chồng cô. Món ăn cuối cùng cũng lên mâm. 

            Người ăn, chắc hẳn là ngon, vì chồng cô rất đam mê món “bồ câu ra ràng”, cô lại là người thừa kế tài nấu nướng của bà Nội tôi mà, lâu mới mua được một con ông đâu biết cảnh thảm thương kia. Riêng người làm và chứng kiến là cô với tôi thì chắc vài mươi năm sau mới nguôi nỗi sợ và thương cảm…

     ThaiLy

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search