T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: NHỚ XUÂN XƯA

Tranh minh họa: BẢO HUÂN

       Nói “xưa” chớ có lâu la gì cho cam. Là những Tết trước năm 2015 đây thôi. Cả nhà tôi, từ bé đến già như có cùng cái gen “thích Tết”. Bận bịu, khó khăn gì chăng nữa thì từ ngày 27- 30 Tết là nhộn nhịp, nháo nhào cả lên. Vừa lo cho tổ ấm của mỗi nhà, vừa hội ý nhà Ngoại, mà không chỉ nhà Ngoại, cả nhà Từ Đường nữa, vì chung một khoảnh sân, sát vách nhau về khoản Cúng Tết, nhưng điều rộn ràng nhất là: Giao Thừa năm nay… sao chị? Chưa trả lời dứt điểm là điện thoại tối nào cũng reo…

      Xóm gần nhà riêng chúng tôi và nhà Ngoại ai cũng “dị nghị”: 

             -Nhà gì mà ham Tết quá. Rần rần hết đêm 30 luôn.

     Cũng tại “Xưa bày nay bắt chước”, do cái lệ “Mừng tuổi- Lì xì” mà ra, do tin vào cái chuyện “Xông nhà đầu năm, phải chọn người hạp tuổi, hạp mạng”; do ba má tôi không chủ động trong “sinh con đẻ cái” mà ra… Ha…ha…, tóm lại là “Tự- Tại- Do…” chứ bọn tôi vô can. Bà già sinh hẳn 8 con, chia đều hai giới 4 nam- 4 nữ, điều hoà Âm- Dương; rồi dựng vợ gã chồng thì 8 thành 16; sinh con, đẻ cháu, nội ngoại đề huề con số lên tới 37, tính luôn “chắt ngoại”. Ấy vậy mà thiếu hẳn cầm tinh “Căn Rón”, không hề có ai tuổi Tỵ. Chuyện này thì chắc do tôi rất sợ con vật này nên mới không có trong bảng tuổi toàn gia, kể cũng lành. Vậy nên, theo như Bà Nội thường tính mà tôi nhớ được thì cứ chọn “Tam hạp” xông nhà là dễ hiểu nhất, tránh “Tứ hành xung” là yên. Cứ vậy mà tính thì các tuổi: Thân Tý Thìn; Dần Ngọ Tuất; Hợi Mẹo Mùi cuối cùng là Tỵ Dậu Sửu sẽ xông nhà cho nhau. Ngặt nỗi, nhóm cuối thiếu hẳn tuổi Tỵ, cái tuổi má tôi rất cần. Ngày xưa, chú tôi còn thì êm ru, vì chú cầm tinh tuổi Tỵ, giờ Ông mất rồi mới thành nỗi bồn chồn của Bà Già. Gần Tết, tôi ghé nhà bà cứ:

          – Năm nay, đâu có ai xông nhà cho má đâu. Không có đứa nào tuổi Tỵ hết. Bà nói trong tâm trạng vừa thiết tha vừa …đau khổ. 

        Nghe mãi cũng sinh lùng bùng, tôi trêu bà: 

          – Cái này là tự Má chớ ai. Hai ông bà sao không tính toán rồi chửa rồi đẻ; đẻ gì Thìn cũng hai, Sửu cũng hai, Dậu cũng hai mà không đẻ nổi tuổi Tỵ giờ than trách ai đây?

        Tội nghiệp, bà già tình thật khai báo: 

          – Hồi đó má biết đâu mà tính. “Nhấp nháng xáng cái rầm” biết chửa thì lo đẻ chớ có tính toán gì đâu con? 

         Vừa mắc cười vừa thấy thương “người cao tuổi” tôi cười ngất ngây luôn. An ủi tiếp: 

        – Chọc má chơi thôi, đã Tam hạp thì thiếu một vẫn còn hai. Thiếu tuổi Tỵ thì Sửu qua Dậu, Dậu qua Sửu, từ từ dặn tụi nhỏ sau này sinh con nhớ quan tâm tuổi Tỵ chớ giờ má ước cũng đâu đẻ được nữa? Bà già trầm ngâm rồi từ từ bày tỏ:

         – Má thấy tuổi Sửu không hạp với má bằng tuổi Tỵ con à. Hồi đó, chú Sáu mày tuổi Tỵ, xuống xông đất má phát đạt lắm. 

       Tôi ớ người. Ủa, bà già còn tỉnh không vậy ta? Hồi đó còn mua còn bán, đồng ra đồng vào là lẽ đương nhiên, giờ già rồi, làm ăn gì nữa đâu mà đòi phát đạt? Tiêu xài ơn nghĩa, cúng bái, kể cả các khoản bệnh đau… đều có con cái lo rồi thì còn lo chi nữa, trời ơi…

         – Má, tỉnh lại má. Giờ má cầu mạnh giỏi, chút ít rủng rỉnh tiêu vặt được rồi, có làm ăn gì đâu mà biểu tiền ra, tiền vào chớ? 

       Bà già giờ đúng là tỉnh. Cười dài:

         – Ừ, phải rồi. Nhưng má có mua vé số, năm hên má trúng số sao con; trúng được, má cũng cho tụi con chớ ai? 

       Đến đây thì tôi “bó tay” toàn tập. Tôi chúa ghét vé số, nhưng biết sao, đây là niềm vui là hy vọng của bà mà. Nhưng cũng cố ghẹo tiếp xem “chỉ” tới đâu rồi? Tôi lại: 

-Trúng độc đắc má cho đứa nào? 

       Như đã ao ước, và tính toán sẵn rồi, bà già đáp ngay:

          – Đứa nào má cũng cho như nhau.

          – Chưa chắc vậy là tốt, vẫn sẽ có đứa phân bì “con khổ hơn sao má cho con cũng nhiêu đây”? Má tính sao?

          – Thì đứa nào khổ má cho nhiều hơn cũng được. 

          – Trong 8 đứa con, má thấy đứa nào khổ nhất? 

          – Má thấy đám con trai không bằng mấy chị em gái. 

          – Vậy ý má là “con trai nhờ đức mẹ” nên má bù, nhưng lỡ con rể nói má thương con trai hơn con gái má tính sao? 

          Cụ trầm ngâm suy nghĩ:

          – Khó vậy hở con? Thôi để má giao hết cho con, chị Hai chia giùm cho yên. 

      Ha…ha… tôi buồn cười quá. Chộp ngay cơ hội:

          – Con nhận làm gì? Tự nhiên đem sự lo lắng, phiền muộn vào thân. Má thấy trúng số có “khổ” chưa? Chưa trúng đã đau đầu rồi. Tóm lại, má thích thì mua 1-2 tờ chơi thôi, không đặt hy vọng vào đây, không mua nhiều. Chưa chắc má thấy đường mà nhìn để dò số.

      Hôm ấy, như chờ sẵn, bà liền móc túi lấy ra 5 tờ vé số, đưa tôi:

         – Má mua có 5 tờ chớ mấy, nãy giờ chờ thằng Tư lên dò giùm, má có thấy đâu mà dò. Giờ con dò giùm má nè. 

     Trời ơi, tôi biết sợ bà già, vé số mà “có 5 tờ”, không thấy rõ số mà mua số, mua rồi, chờ người dò giùm. Câu chuyện lan man, để thấy rằng: Xông nhà đêm Giao Thừa với gia đình hầu như là truyền thống, ngày càng đông vui do sự phát triển dân số theo tự nhiên và cả quy hoạch. Chủ nhà tự liên lạc trước để “mời” khách xông nhà, ai được mời thì sẽ rất hoan hỉ nhận lời và làm nhiệm vụ vinh quang không kém phần quan trọng này. Tết năm sau, viếng nhà nhau, cũng là dịp xem lại kết quả “xông nhà- chúc Tết” của mình có “linh” không, có gì đâu, nhìn cái cách “lên đời” của gia đình để âm thầm đánh giá thôi. 

         Vậy thì đủ hiểu “hoạt động đêm 30” của gia đình tôi rồi đó. Bao nhiêu năm, đều có hẹn: Giao Thừa xong, xông nhà tôi trước, em nào được “mời” thì chuẩn bị nội dung chúc Tết, là người ưu tiên vào nhà trước…, cũng là người ưu tiên chọn rượu, khui khai mạc đầu năm, sau đó thì “A lát xô hồ lô cốt”, cả đàn em cháu… nối đuôi. Con cháu nhà tôi được mừng tuổi. Câu chuyện ngày Xuân là khen món ngon, lạ; săm soi cây mai năm nay, ca tụng gia chủ sẽ phát tài, phát lộc, thêm cháu, thêm con… Vụ này thì hoàn toàn “tâm lý”, biết chủ nhà thiếu gì, cần gì cứ chuyện ấy mà “chúc”. Theo trình tự ấy, cả đoàn lũ lượt kéo qua nhà vợ chồng chú Ba, cứ tính một dàn honda các loại phi trên đường thì thật là hùng hậu. Qua đây, tôi là người ưu tiên làm các thủ tục… rồi lại bày mâm ăn uống, chính là uống, là chúc; tiếp tục nhà cậu Năm, cậu Sáu, rồi đến dì Tư. Trạm này là mọi người phớn phở lắm đây, dì Tư vừa siêng vừa khéo, năm nào cũng chuẩn bị món “no” đãi dàn quân ngày càng đông; lúc ấy cũng đã gần 2g sáng nên ai cũng đói rồi. Xong ở đây, còn đi thêm nhà dì Bảy nữa rồi tất cả ào ạt lên nhà Ngoại. Đây cũng là nhà của cậu em thứ Tám và là điểm cuối cùng, nên ưu tiên chơi lâu nhất. Bà Già mừng và vui lắm. Vào nhà Ngoại, phải qua đoạn hẻm nhỏ mươi mét, hơi hẹp đủ cho một chiếc honda thôi, mà giờ mười mấy chiếc xe nối đuôi hỏi hàng xóm hai bên sao mà không lên ruột chớ? Vào nhà rồi, thủ tục đốt nhang Ông Bà được thực hiện xong, sau đó Mừng tuổi và chúc Tết bô lão. Bà già hầu như thích nhất khoản này, tay lăm le tập tiền mới, nhận bên con, bên cháu lớn, lại tỉ mẩn lì xì cho cháu nhỏ… đầu năm bà gìa cũng kha khá vốn. Cứ ngồi rung đùi, cười mỉm chi, bà có ba chỗ cất tiền: tiền mới, mệnh giá thấp thì ngự trên tay, lăm le lì xì, tuy mắt giờ nhìn không rõ tờ 5-10000đ, thôi, để tụi nhỏ hên xui vậy. Tiền cũng mới, nhưng mệnh giá lớn hơn… để vào túi áo trong, sợ rút nhầm; lỡ nhiều thì kêu cô dâu thứ Tám đang ở cùng nhà đến, dúi vào tay nó, dặn nhỏ “cất giùm má”. Hihi… chắc đạn ớn luôn. Từ nhà Ngoại ra về đã gần 4g sáng. 

            Năm 2015, cũng là năm cuối tụi tôi còn cảnh bon chen này. Năm ấy, lịch trình như mọi năm, chị em đang bàn: sang năm, chắc lên Má trước, bà cụ già rồi, Giao Thừa xong rồi ham vui với con cháu thức luôn tới 4g sáng e chịu không thấu. Bàn chưa xong thì y như rằng, nhỏ em dâu gọi điện nhắc:

              – Mấy anh chị gần lên chưa? Má chờ, nôn nóng lắm rồi. 

           Tuy bà gần đây hay yếu mệt, nhưng vẫn ăn ngủ tốt mà. Hôm 29-30 Tết còn yêu cầu cháu Ngoại chở cho Ngoại đi Chùa, Chùa gần không đi, lại muốn xuống tận Chùa Đông Nhạc, ở Đông Hải; cháu không dám tự tiện, điện thoại hỏi tôi; tôi gạt phăng tại chỗ: 

            – Con ơi, không nghe. Cứ nói Dì không cho, Ngoại sẽ đi nhưng không phải hôm nay. Ngoại có la Dì chịu cho. 

          Đến tận mùng hai Tết, các con tôi về, thường cùng cả nhà đi Chùa, xong về lên Ngoại ăn trưa, gọi là họp mặt đầu năm gần như Tứ Đại Đồng Đường. Sẽ có màn “lì xì- mừng tuổi” vô cùng đau tim; có năm dàn Ông Bà vét túi tại chỗ do cao hứng. Cậu Năm rủ tụi nó đi Chùa Đông Nhạc tiếp, nó lại rủ tôi. Hên quá, tôi gọi ngay cháu Bin, giao nhiệm vụ: 

            – Ừ, vậy thì tốt. Mẹ sẽ không đi, xe đủ chỗ cho Cậu, Ngoại, Bin cùng đi. Mẹ lo thực hiện lời hứa với Ngoại và Bin vậy. Nghe nói, bà già mừng ra mặt, xuống Chùa, lại gặp khi đang xây dang dở, lởm chởm gạch đá, đào móng, đóng trụ… Ngoại đi có nổi đâu, ba anh em, cậu cháu thay nhau mà dìu… thiếu điều bồng Ngoại vào Chùa. Về Ngoại nói ngay: 

           – Bà Ngoại mãn nguyện lắm mấy đứa à. Bà muốn đi mà mẹ con không cho Bin chở, sợ Ngoại ngồi không nổi. Thôi, năm nay vậy là mãn nguyện rồi… 

         Ai hay đâu, chỉ đến 25 tháng 2 năm Ất Mùi Bà Ngoại quy tiên. Sáng sớm, tầm chưa 6g sáng, hai nhóc nhà tôi còn ở Vũng Tàu đã mơ thấy bà cầm tay nó, bàn tay lạnh như đồng. Trong mơ, cháu còn nhìn rõ cả những đốm đồi mồi trên da tay của Ngoại. Cháu vội gọi điện hỏi thăm, tôi báo ngay: 

          – Ngoại hấp hối từ đêm qua tới giờ… cả nhà đang niệm kinh cho bà đây tụi con. 

       Các cháu kể lại giấc chiêm bao. Tôi nói thật ý nghĩ của mình:

          – Ừ, chắc Ngoại từ biệt tụi con đó. Hơn 12g trưa Bà mất. 

       Cũng từ đó, Tết năm 2016 tụi tôi không còn dong ruổi đêm 30 làm náo loạn hàng xóm nữa. Đổi lại, trước Giao Thừa tất cả quây quần trên nhà trước, rồi ai về nhà nấy. Tang gia cữ xông nhà ngày Tết. Năm nay, để xem xem… nhưng riêng tôi thì mệt mỏi lắm rồi. Chắc hỏng dám “đi đêm” nữa đâu. Lại ngậm ngùi. Lão Bà Bà đang tiếc thương kỷ niệm hay đang chờ Tết? Một mùa Xuân nữa lại về… mùa Xuân thứ 8 vắng Ngoại.

        Thai Ly.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search