T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI

Những người muôn năm cũ – Ảnh: LN

Chuyện Ông Bà Nội

Kể chuyện của ông bà là kể theo lời kể, chứ lúc ấy tôi ở tận đẩu đâu. Nhà bà ngày xưa là một căn phố ở Hội An. Bà đi “du học” ở Đà Nẵng, ở nhà, ông bà cố cho thuê mặt tiền, người thuê mở tiệm thuốc Bắc. Ngày họ khai trương, pháo nổ vang rền. Trong khói pháo mịt mù, bà từ Đà Nẵng về thăm, tay xách va li gỗ bước trên xác pháo hồng, đi một mạch vào nhà. Mọi người kháo nhau: “Cô dâu vào nhà kìa!”. 

Duyên hay Nợ?

Chẳng dè lời đùa đúng giờ linh, hay ông Tơ bà Nguyệt đã xe mối chỉ hồng, con trai chủ tiệm và con gái chủ nhà bén duyên nhau! Thật xứng lứa vừa đôi: bà, con nhà gia giáo, không sang giàu nhưng cũng phong cách tiểu thơ, dáng người thanh tú, chẳng nghiêng nước nghiêng thành nhưng cũng là hoa khôi thời ấy; ông, dáng người nho nhã, giỏi chữ, giỏi nghề, ông là người đứng chính ở hiệu thuốc, một tay xem mạch, bốc thuốc. Ông lại rất đẹp trai, theo lời bà tả, da như trứng bóc, mắt sáng, trán cao, môi son má phấn… Ông đẹp lắm! Ngày xưa, hằng năm người ta thường tổ chức lễ hội, có cảnh “Bát tiên ngồi tượng”, ông là một trong bảy vị tiên đó (vị tiên thứ tám không xuất hiện); người đi xem hội ngắm vuốt ông, tranh cãi “tượng hay người”, bất phân thắng bại, vậy là họ lột cả giày, xé cả vớ ông…

Bà kể chuyện xưa chỉ trong những lúc cao hứng hay khi trong bà cũng sống lại kỷ niệm xưa nên câu chuyện thường ngắt quãng, không liền mạch. Trong cái thời tranh tối, tranh sáng, chuyện nhà chắc gặp cảnh đa đoan. Tiệm thuốc không còn, gia cảnh rối tung. Lúc ấy bà cũng đã có hai con. Ông theo nghiệp thương hồ, bà ở nhà tần tảo. Ông buôn bán đâu tận Buôn Ma Thuột, ngày ấy đó là nơi rừng thiêng nước độc. Thỉnh thoảng ông về thăm nhà chứ bà không biết ông làm gì, ở đâu. Phần mình, bà đi theo người quen phụ việc làm bánh trái. Bà khéo lắm, làm được nhiều thứ, nấu đủ món ngon…

Đáng thương hay đáng trách? 

Thời gian sau, có lần ông bệnh ngặt, tin báo là mảnh giấy nhỏ mà không biết bằng cách nào đó ông gửi từ Buôn Ma Thuột về. Bà tất tả đi tìm chồng, cũng không dễ dàng gì. Cuối cùng cũng tìm được đến nhà ông trong sự bẽ bàng! Ông ốm yếu, sắc diện tái xanh, đang ngồi “trong lòng” một người phụ nữ khác, mê mẩn và lãng mạn. Cô gái kia đang bắt chí hay nhổ tóc gì đó cho ông. Bà vẫn bình tĩnh đi vào nhà, chỉ hỏi ông đau bệnh thế nào, những thứ ông cần bà đã mang lên đầy đủ. Cả hai người cũng thật tỉnh. “Bà có ghen không?”, sau này, khi tôi hỏi vậy, bà chỉ trả lời nhẹ tênh: “Ông ở xa một thân một mình, có người lo cho ông càng tốt, chớ bà có lo được đâu mà ghen”.

Đến nơi rồi mới biết, ông còn nghiện cả ma tuý, ông giải bày rằng nơi rừng thiêng nước độc, nó cũng cần cho ông. Bà cam chịu, chẳng nói gì… khăn gói về quê. Khi đưa bà ra xe về quê, ông dặn dò: “Bà cứ về, trước sau gì tui cũng về với bà và sắp nhỏ. Kể cả chuyện nghiện ngập của tui, tui cũng tự biết cách”! Vậy là bà về, lo cuộc sống cho con cái và cũng lạ, không biết bằng cách nào, bà lại… có mang. Đó là ba tôi sau này.

Không hiểu vì bà buồn, vì mất lòng tin vào ông hay vì gì gì, mà lại tìm vui trong cảnh bạc bài. Khổ cực chạy ăn chạy mặc, nhưng cứ rỗi là bà ngồi sòng. Bà mê lắm, có khi chơi thâu đêm suốt sáng. Chơi đến độ bà chuyển bụng, nhưng cứ cố ngồi chơi ráng, bà cố giấu cho đến lúc vỡ ối mới chịu đứng lên. Hậu quả nghe kể là khi sinh ra, ba tôi có cái đầu dài ngoẵng.

Ôi! Duyên và nợ nào đã đưa ông bà đến với nhau, để rồi giờ đây hai bên đều là vực thẳm! Gia đình trong cảnh tối tăm mịt mù…

Lưu lạc tha phương

Cuộc sống của ông bà trượt dài xuống vũng tối. Tôi không nghe ai nói có hay không sự giúp đỡ của nội, ngoại hai bên. Chỉ nghe ông vẫn đi về, có khi cả năm mới gặp, gặp rồi ông lại đi, và bà lại… có mang. Tự sinh, tự lo một mình. 

Khi ba tôi lên 14-15 tuổi thì đã có thêm bảy người em. Lần đó, ông tính chuyện bỏ quê, đưa cả nhà đi tìm đất sống. Vậy là thu xếp nhanh gọn, cả nhà “Nam tiến”! Chặng cuối hành trình di cư là đất Phan Rang, vùng đất có nhiều người Chiêm Thành sinh sống. 

Xứ Phan Rang ngày ấy còn rất hoang sơ. Ban đầu, cả nhà tá túc tạm với người chị dâu, là họ hàng đã vào đây lập nghiệp. Bà làm thuê cho người chị này kiếm tạm cơm áo. Ông vẫn đi về giữa Buôn Ma Thuột và Phan Rang. Các bác, cô, chú và ba tôi lao vào việc khai hoang lấy đất làm nhà. Các bụi xương rồng đầy gai, những hàng cây dẹp đan khít với nhau được chặt bỏ, dồn đống rồi đốt. Dần dần cũng có một khoảnh đất khá lớn để dựng nhà.

Sau đó ông về, ở luôn với vợ con. Bà làm đủ nghề: phụ người chị họ làm nem chả; chiều tối mượn nhờ đồ dùng, bà làm thêm bánh trái các loại cho ba tôi, các cô, chú đi bán. Cuộc sống tạm ổn. Cho đến một hôm, ba tôi đi bán mãi đến tối mịt vẫn chưa về. 

Trời khuya dần, bóng tối mịt mùng, cả nhà đổ xô tìm kiếm, đường đi lúc ấy đầy những bụi bờ, cứ sợ ba tôi bị… ma giấu. Khi ông bà đang ngóng trông, nôn nao vì người đi tìm mãi cũng chưa thấy về thì ba tôi lò dò vào nhà… Thấy ba tôi, ông bà còn sợ hơn chưa gặp! Lúc ấy ba tôi không còn chút khí sắc, người rệu rã, da mặt tái xanh, sự kinh tâm còn in rõ trên mặt. Ba tôi khuỵu người, sụp luôn xuống đất, khóc ngất, run rẩy toàn thân. Sự uất ức, kinh hoàng nào đó đã bị kìm hãm quá lâu, giờ có dịp bộc phát! Ông bà soi đèn tìm vết thương, gặng hỏi, ba tôi không nói nổi. 

Lâu, lâu lắm, qua cơn xúc động, khi ấy mọi người cũng có mặt ba mới dừng được khóc và câu đầu tiên ba thốt ra là: “Tưởng chết rồi”! Ba òa khóc thêm một trận nữa rồi mới kể: 

Đang đội bánh đi bán, gần hết rồi, thấy trời cũng gần chiều nên định về. Xảy đâu xuất hiện ba thằng Tây và một thằng Việt, thằng Việt tóm ba lại làm rơi cả mâm bánh. Họ nói tiếng Tây với nhau, xì xồ xì xào gì đó… Ba chỉ nghe được mỗi từ “Việt Minh”, rồi thằng Việt hỏi ba: “Có phải là Việt Minh không?”. Nó lục soát khắp người tìm tài liệu. Tiền nó không lấy, nhưng cũng không trả lại mà thả bay theo gió. Theo phản xạ tự nhiên, ba vươn người nhặt lại, nó đánh cho mấy bạt tai, kèm thêm mấy cái đá, tối tăm mặt mũi…

Rồi nó lại kéo ba dựng đứng lên, túm tóc hỏi tiếp, cứ như phải nhận nó mới cho yên. Chúng lại nói với nhau toàn tiếng Tây, sau đó lấy dây trói gô ba lại, nó xúm nhau đào đất. Ba kinh tâm bạt vía, lờ mờ biết số phận mình đã được định đoạt và sắp kết thúc… Ba khóc, năn nỉ, xin tha. Nhưng cuối cùng một cái hố lớn đã thành hình, chúng kéo ba đến và xô xuống!

Bóng tối sắp phủ trùm, nhưng không quan trọng, bởi vì hết ngày là lại đến đêm. Những việc tiếp theo cứ như lẽ tự nhiên, cát đất trút lên đầu, mà bản thân ba thì không thể làm gì, chỉ biết cúi đầu chờ chết. Trong cơn tuyệt vọng, ba gào khóc, kêu mẹ gọi cha. Không hiểu sao ba còn kêu cả Trời cả Phật. Đất lấp đến ngực, lên vai… Ba lịm người chờ chết. Sợ, sợ đến sắp ngất rồi thì đất cát không còn xối xuống nữa mà thay vào đó là tiếng nói, khá to, toàn tiếng Tây. Ba há mồm ra thở. Không hiểu họ nói gì. Không biết ai nói với ai… Loáng thoáng vẫn có từ “Việt Minh”. Thời gian trôi qua, ba kể là lâu lắm. Cuối cùng, mấy thằng Tây và cả thằng Việt gian bỏ đi. Ôi, bọn này đi, kể như ba có con đường sống! Ba gọi to “Cứu, cứu giùm tui”! Có người ngang qua nhưng không dừng lại mà quay lưng đi thẳng. 

Rồi bóng tối bao trùm. Ba cố nhoi người nhưng sâu quá. Lại cầu khấn Phật trời. Lát sau, có tiếng chân người, họ đến theo sự dẫn đường của người lúc nãy. Thế là ba được cứu, ba run rẩy, bàng hoàng quỳ lạy tạ ơn cứu tử, rồi sụp xuống không đứng lên được nữa. Mọi người đỡ và dìu ba đi một đoạn khá xa, vào một nhà thờ. Hóa ra, người đứng ra nói chuyện với Tây là một vị cha cố. Đời nhiều chuyện cũng oái oăm, mắc nạn cầu cứu Phật trời, nhưng hóa ra người cứu mình lại là một cha cố. Xem chừng chẳng liên quan gì nhau. Nhưng sau này tôi lại có ý nghĩ tôn giáo nào không phải vấn đề lớn, Chúa hay Phật cũng đều có lòng vị tha, lòng trắc ẩn, chính hình thức bên ngoài đã tạo ra những mâu thuẫn để thế giới loài người chậm bước đi đến sự hòa hợp mà thôi. Có lẽ cũng chính vì nhân duyên này mà ba có đến hai người con gái theo chồng về với Chúa.

Trở lại chuyện của ba tôi, ông ở nhà thờ ăn bữa cơm chiều rồi tìm đường về nhà. Nghe ba kể, cả nhà đều khóc, duy chỉ ông nội là không. Ông im lặng, quay người vào “cái tổ” của mình… hút thuốc phiện. Bà nội khóc nhiều lắm, ngày hôm sau dặn các con: “Không đi bán ở đó nữa, đi gần thôi!”. Chỗ ba bán chiều qua là vùng hoạt động của Việt Minh, họ đi lùng sục dữ lắm.

Vì cuộc mưu sinh, cả nhà vẫn phải làm để sống. Theo lời bà nội kể thì lúc ấy bà đang cố để dành ít vốn kiếm gì đó mà buôn bán, để thoát cảnh làm thuê, nói là làm thuê nhưngcũng không được vậy, chỉ là phụ việc kiếm cơm thôi. Bà đang là trụ cột của cả gia đình, chèo chống sao đây? Con đường phía trước còn biết mấy gian nan! 

Cơ hội

Cuộc sống cả nhà vẫn chịu cảnh cơ bần, kiếm đủ miếng cơm manh áo thật không dễ dàng gì. Các con ngày một lớn, không thể bán dạo rong rủi khắp nơi. Bà lo lắm, tính toán đủ đường…

Bỗng đâu một đêm nọ, bà mợ ra gọi bà vào nhà rồi hai người thì thào to nhỏ, vẻ vội vàng, lo lắng; các con của bà mợ đang sắp xếp mọi thứ. Lát sau, bà nội cũng nhanh chân về lại gian nhà chái, vét hết số tiền dành dụm bấy lâu đem vào đưa hết cho bà mợ. Bà mợ và các con của bà quày quả đi ngay trong đêm. Mẹ con họ dắt díu nhau đi về hướng cầu Đạo Long, qua bên kia cầu đón xe vào Nam. 

Chuyện đời nghĩ thật vô thường, bà mợ đang yên đang lành, ăn nên làm ra, lại trở thành người vô gia cư, lang bạt; còn gia đình tôi chỉ sau một đêm đã có hẳn cơ ngơi, điều kiện để làm ăn, mọi thứ sẵn sàng, mối mang hàng họ đã có nề nếp. Bà nội tiếp quản và nghiễm nhiên trở thành bà chủ. Biết sao được, khi mà tai họa của người này lại là phúc phận của người kia! Thôi thì xem như duyên ai nấy nhận, phước ai nấy nhờ, bà cũng đâu phải người “sang đoạt phản phúc”. Những chuyện tưởng không lý giải được lại thường vẫn có nguyên do, mà trong giai đoạn ấy chính là chiến tranh. Gia đình bà mợ tham gia quốc sự, chuyện đổ bể, bà bỏ Đà Nẵng vào Phan Rang lập nghiệp; thời gian qua tưởng đã yên nhưng anh em bà vẫn tiếp tục kháng chiến. Giờ họ đã truy ra manh mối, do vậy bà phải đi, càng nhanh càng tốt…

Phận người

Bà nội tôi vốn là người tần tảo, chịu thương chịu khó, lại được cơ hội tốt nên cuộc sống cả nhà khởi sắc, mẹ con cặm cụi làm ăn. Bà nghĩ đến chuyện cho ba tôi và các chú đi học nghề. Bác tôi khi ấy đang đi phụ nghề xe để học làm tài xế, cuộc sống khá ổn. 

Bỗng có mấy hôm bên ngoài lao xao, chuyện mua bán ngưng trệ, nghe đâu đang có chiến tranh, rất gần, vô cùng căng thẳng. Ông không cho mọi người ra khỏi nhà, con gái càng phải trốn kỹ. Chiến sự xảy ra giữa Pháp – Nhật, họ tấn công và đánh nhau tận trong Tòa Hành chánh Tỉnh, nghe nói chết nhiều lắm! 

Cả nhà rối tung lên, điểm mặt lại thì ai cũng có, chỉ mỗi bác Ba là không. Chiều xuống, rồi đêm tối phủ trùm… bác vẫn không về. Cả nhà cứ ngồi nhìn nhau, lo sợ bất trắc. Trời về khuya, tiếng chó sủa âm âm, nhà bắt đầu có tiếng khóc. Là của cô Bảy, cô thương bác lắm vì bác luôn yêu chiều cô. Rồi đến ba tôi, sau lần chết hụt đó ba trở nên mềm yếu và nhát gan lắm, và gần như đồng thời bà cũng khóc. Ông bước nhanh ra nói dứt khoát: 

“Im, không được khóc. Tắt đèn, tất cả đi ngủ!”. Rồi ông thấp giọng. “Sau này, lấy ngày này làm giỗ cho nó”.

Dứt lời, ông lặng lẽ vào trong. Sau này tôi nghĩ ông vào nhanh là để khóc. Ông đâu phải người vô tâm, nhưng ông là người kín đáo, ông luôn âm thầm đi qua cơn đau. Chỉ một mình ông luôn sáng suốt, bình tĩnh để giải quyết mọi chuyện có lý, có tình và cả thâm sâu. 

Đêm đã khuya lắm. Có lẽ chẳng ai ngủ được, tất cả đều thức, thức cùng nước mắt vơi đầy. Bà còn hơn thế nữa, nước mắt cuộn tròn trong mắt, ruột quặn từng cơn. Bà đau, đau mọi chỗ. Bà thương bác và càng xót xa khi nghĩ con trai mình đi đã mấy ngày, nếu chết thì là chết đói, rồi làm sao tìm xác con đây? Những đứa con đã mất tuy xiêu mồ lạc mả nhưng vẫn được chôn cất yên nơi, còn người con này lẽ nào nấm mồ cũng không có? Bà kể mà nước mắt chan hòa, dẫu khi tôi được nghe thì chuyện cũng đã… mấy mươi năm. 

Tiếng thở dài não nuột trong đêm. Có tiếng đập cửa, nhẹ, rất nhẹ… Thêm một lần nữa, lần này dè dặt hơn! Bà chợt tỉnh, tỉnh hẳn. Bà run rẩy, không kịp mang dép, chân trần, bà bước ra, nhìn qua kẽ phên rách. Bên ngoài bóng tối bao trùm. Không dám hỏi, nhưng bằng giác quan của người mẹ, bà biết đó là con mình. Bà run rẩy hé vội cửa, một bóng đen len nhanh vào, thành thạo đi thẳng vào nhà dù trong nhà cũng tối đen.

Cả nhà lục đục chui ra, ông đã đứng giữa nhà nói nhỏ: 

“Không đốt đèn! Im lặng!” 

Bác vào nhà, tự đi tìm khăn lau mặt. Thấy người về là mừng rồi. Cả sáu anh em ngồi quây lại bên nhau, ai cũng khóc, khóc không ra tiếng… Cứ ngồi yên vậy khá lâu, ông cho đốt đèn lên, kèm câu hỏi nhỏ:

“Mi bị thương ở mô?”

 Bác đáp: 

“Con không bị thương mà con tự rạch mặt mình!”

Ông từ tốn tiếp: 

“Vặn đèn nhỏ thôi! Cũng phải chờ xem có người theo nó hay không. Giờ thì yên rồi, mi kể đi!”

Quay qua bà, ông bảo lấy thuốc rịt vết thương cho bác, vết thương nằm trên gò má phải.

Bác kể, nhưng không giải thích là mình làm nhiệm vụ gì, rằng: 

Nhật tấn công, đánh nhau với Pháp, bác kẹt lại trong Tòa Hành chánh Tỉnh. Tụi nó lùng sục, bác phải nằm chung với những xác chết. Để chắc ăn, bác dùng con dao “chiến lợi phẩm” tự rạch mặt mình, không sâu nhưng cũng đủ “có máu” để bôi cho đầy một mặt. 

Giữa sự sống và cái chết, con người trở nên thông minh, quả cảm hơn. Mãi đến chạng vạng, bọn lính đến chỗ bác nằm, lật mặt lên, chúng nhìn thấy một mặt đầy máu me nên thả nằm lại; vậy là bác nằm chờ cho đến khi tất cả yên tĩnh mới lén bò ra tìm đường về nhà. Lại một phen hú vía! 

Con dao kỷ niệm ấy, ông giữ mãi cho đến ngày mất, ông mất rồi, của cũng mất luôn. Tôi nhớ và tiếc lắm. Đó là một con dao cán bằng bạc dài gần hai tấc, lưỡi dài cũng trên ba tấc, rất bén và đẹp. Điều tôi tiếc không phải giá trị vật chất mà bởi đó là vật kỷ niệm ông luôn giữ bên mình, có lẽ ông rất quý nó vì đây là vật cứu mạng con trai ông – một ân nhân! 

Ngay ngày hôm sau, lần đầu tiên, ông nói chuyện cho cả nhà nghe, ông tâm sự và dạy dỗ– điều chưa từng có. Ông nói rằng: “Tao thà buôn bán một nắng hai sương, lang bạt, mẹ bây cũng vậy, cứ đổ mồ hôi mà kiếm chén cơm, cực khổ nhưng an lành, lương thiện. Tao, mà tụi bây cũng vậy, tay làm hàm nhai, không cớ gì đi làm tay sai cho lũ nớ! Chuyện đã lỡ rồi, thằng Nhơn (tên cúng cơm của bác) gói ghém mà đi khỏi nơi này ngay, đừng để liên lụy đến tụi nhỏ. Bà có được bao nhiêu đưa cho nó đi đường. Mi đi phụ xe lâu nay, tao biết là mi kiếm cớ làm liên lạc thôi. Giờ mi học luôn nghề tài xế mà kiếm sống, tướng mi hợp với nghề này!”

Lời ông nói không ai dám cãi. Bà gói ghém hành trang cho bác và bác lên Đà Lạt tìm kế sinh nhai. Ông quả là tiên tri, bác học nghề và thành đạt với nghề tài xế cho đến tận cuối đời.

Được biết thêm, ông nội tôi rất thông minh. Thời ấy ông học chữ Hán, thầy dạy ông bị ông “nuốt” hết chữ, ai cũng dạy một thời gian là nói với ông cố nên tìm thầy khác. Ông không đi học chữ Quốc ngữ mà tự học “đủ để đọc và viết”. Rồi sau đó ông học làm thầy thuốc chứ không tham gia chính quyền để “khỏi làm tay sai”! Quan điểm sống của ông rất rõ ràng. Các con ông chỉ mỗi cô Út là được học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều hoàn thành tâm nguyện của ông, đều là những con người lương thiện, kiếm sống bằng sức cần lao. Một đời trong sạch.

Ghi lại những ký ức của một thời xa xưa nhưng yếu tố thời gian rất mù mờ! Cũng phải thôi, vì tất cả mọi chuyện tôi chỉ nghe bà nội kể những khi rảnh rỗi, có khi đã quá khuya, từ năm tôi còn chưa được 10 tuổi trải dài đến sau này. Những mẩu chuyện chắp vá đầy ngẫu hứng… Chuyện của những ký ức, được hệ thống lại cũng theo ký ức, mà cộng lại chắc cũng dài hơn thế kỷ.

Năm 1945, Ninh Thuận bị một trận bom, bom rơi ngay buổi chợ đông! Nhà tôi may mắn không ai có mặt ở chợ vào lúc ấy, nhưng vẫn phải chứng kiến những cảnh hãi hùng! Người chết nhiều lắm. Bị thương cũng không phải ít. Mọi người vô cùng hoảng loạn, thậm chí đang thương tích vẫn cố chạy về nhà. Bà kể rằng:

“Bà chứng kiến một phụ nữ cũng tầm tuổi bà lúc ấy, người đầy máu, tay cặp một cái rổ nhỏ, còn tay kia đã đứt nhưng vẫn còn lủng lẳng, mọi người vừa chỉ vừa la, nhưng sức bà ấy đã kiệt, chỉ kịp chụp vội cánh tay và ngã xuống…” 

Sau này, chỗ ấy có người đến xây nhà, là một nhà lầu khang trang, dài và rộng, gần đó là bãi đậu của xe chở hàng, chuyên chở các loại nông sản đi Đà Lạt, phần trước của căn nhà cho thuê để chứa hàng. Đây là căn nhà “ma”. Ma nhiều kinh khủng! Lúc nhỏ, do hai nhà thân quen nên tôi thường lên xuống và nghe được nhiều chuyện! Buổi trưa thanh vắng, chủ hàng vừa ngủ vừa trông hàng, trong giấc ngủ chập chờn cứ thấy có một người đàn bà mặc áo đen, tay cắp chiếc rổ xăm xăm đi vào, họ mở mắt ra thì bà ấy biến mất! 

Chủ hàng bán tín bán nghi, thuê người khác đến. Cậu này lần đầu gặp cứ tưởng người đi ăn cắp nên cố tình theo dõi để bắt tại trận, thế là… he hé mắt nhìn rồi đi theo. Dù tay cắp cái rổ nhưng bà ấy không lấy cà hay thứ gì cả mà cứ đi thẳng vào nhà, hướng cầu thang, khuất một bức vách. Cậu ấy lao theo nhưng yên lặng, yên lặng đến rợn người, bóng người biến mất! Chưa dừng lại, cậu lấy hết can đảm, huýt sáo, leo lên lầu…

Vừa nghểnh đầu nhìn lên, cậu rụt ngay lại và nhẹ nhàng quay xuống! Trên lầu không có người đàn bà áo đen nào mà chỉ có ông chủ nhà mặc bộ bà ba trắng đang nằm xoay mặt vào tường ngủ. 

Sau đó, cậu kể lại cho chủ nhà nghe. Để đánh lừa tâm lý, ai cũng vờ không tin chuyện “người đàn bà áo đen” thì cậu thề sống thề chết và chắc như đinh đóng cột: 

“Con còn thấy bả cụt một tay nữa mà!”. Cậu kể tiếp chuyện. “Con theo tận lên lầu, gặp “ông” đang nằm ngủ.”

Giờ thì đến lượt chủ nhà ú ớ hỏi dồn: 

“Ông, ông nào?” 

Cậu ấy lại tường thuật và mô tả tiếp. Ông chủ nhà vốn là cảnh sát nhưng công tác tận ngoài Nha Trang chưa về. Vậy thì ông nào nằm ở trên lầu? Vì nhà này chỉ có ba mẹ con, tôi thường gọi là bà ngoại, và hai cô con gái. Còn ông lâu lắm mới về. Không khéo lại có chuyện “Thiếu phụ Nam Xương”. Vậy là đã rõ, nhà có ma! Muốn nghe thêm thì phải sang một “ký ức” khác vậy. 

Sau năm 1945, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Tôi không liền mạch được, chỉ biết rằng ba tôi lâm cảnh tù tội, cũng vì bị tình nghi là Việt Minh. Ba bị giam chung với nhiều người, trong tù người ta thương nhau lắm. Từ chỗ chẳng ai biết ai, họ làm quen và đùm bọc, chia sẻ cho nhau từng miếng cơm, cái bánh, tí xà phòng… khi được thăm nuôi. Cũng từ đó mà một trong số họ sau này trở thành cậu của tôi! Thời gian ở tù cũng khá lâu, kịp cho ba học thêu và thêu được cả mặt áo gối.

Ba thoát cảnh tù tội cũng bằng cái cách riêng, thật riêng của ba: Sau thời gian giam cầm, chắc là để theo dõi, họ bắt riêng từng người ra tra khảo. Những đòn tra khảo thật kinh khủng, ai bị gọi ra khi trở vào kể như từ lết tới chết đi sống lại là chuyện bình thường! Đến lượt ba bị gọi tên, sau lần chết hụt đến nay cũng khá lâu rồi, nhưng ba như chim bị ná giờ sợ cành cong. Họ đập cho vài cái đã vội… xin khai. “Xin” thì họ “cho”! Ba vừa run vừa lập cập khai, tưởng khai ai, lại khai là: 

“Nhà tui, ba tui, mẹ tui, em tui, ai cũng là Việt Minh hết!” 

Xong, im luôn vì chẳng biết gì mà khai thêm! Không hiểu ba thông minh, biết dùng kế giả điên, hay họ thấy ba “điên” quá mà sau đó… ba được thả về! Về rồi mới biết, chính chú mới là Việt Minh, tham gia với vai trò là liên lạc. Chỉ với một cái nắp keng, chú đã chuyển tin về các cơ sở và ngược lại. Khi ấy, tài liệu được xếp nhỏ, đặt vào nắp keng và lắp miếng lót lên trên như cũ; khi qua cầu Đạo Long hay qua các trạm canh, chú không giữ trong người mà thả xuống đất, dùng chân đá đi như một trò chơi trẻ con! Hóa ra “cam làm quýt chịu”! 

Tuy ba đã được thả về, nhưng ông nội vẫn luôn cảnh giác, cả nhà sống trong nỗi lo sợ phập phồng. Một giai đoạn khó sống, ai cũng có thể bị bắt, bắt bất cứ lúc nào…

Với bối cảnh lịch sử ngày ấy, cuộc sống người dân thật khó khăn, bất cứ ai cũng nơm nớp lo sợ! Người trong tổ chức Việt Minh sợ bị phát hiện đã đành, người dân làm ăn lương thiện, kiếm sống qua ngày cũng phập phồng sợ cảnh “tai bay vạ gió”. Đến cả những người tham gia chính quyền cũng chẳng được yên, thỉnh thoảng vẫn có những vụ xử tội tay sai bán nước xảy ra, làm cuộc sống người dân càng khó ăn khó ở, vì sau những lúc ấy là thắt chặt, ruồng bố, bắt bớ, giam cầm, tra tấn,… tiếp diễn.

Ông bà cũng sợ các con tham gia kháng chiến, lâm cảnh tù đày khốn khổ, nên sắp xếp việc nhà để ba và chú đi học nghề kiếm sống, an phận thủ thường. Cái nghề mà ba và chú thường đùa là “nghề chơi trên đầu thiên hạ mà còn được trả tiền”: làm thợ hớt tóc. Bà trở về quê sau hơn mười năm bỏ xứ, vừa thăm quê, vừa kiếm người giúp việc để ba với chú yên tâm học và theo nghề. Hai chú giúp việc là người miền ngoài, không hiểu do bản chất người miền Trung chân chất sống có nghĩa có tình, hay như lời mọi người nhận xét – “bà có tay nuôi người” – mà hai chú đã thật trung thành, tận tụy, cộng với cách đối nhân xử thế của bà, cả nhà đã sống như một gia đình.

Chọn dâu

Việc làm ăn của bà ngày càng phát triển, sáng ba và chú phụ thêm việc nhà, khoảng tám, chín giờ mới ra quán hớt tóc. Cuộc sống gia đình êm thuận, ông bà nghĩ đến việc kiếm vợ cho ba tôi. Không ép uổng mà để cho ba “tự thú”! Đó là cô em của một bạn tù, cô gái ấy hay ra vào thăm nuôi anh trai mà thường thì chỉ… nhìn từ xa. Cũng qua người anh này, ba tìm hiểu về cô gái kia, hỏi luôn chỗ ở. Mấy anh em vốn mồ côi, cô ấy ở với người chị gái, nhà trên xóm Gò. Không “khai” hết nhưng chắc chắn ba có tìm đến tán tỉnh, trêu ghẹo. (Việc này là do tôi đoán, không ai thuật lại, kể cả ba và má).

Ba chỉ nhà và bà đã đi “xem mắt” dâu cũng từ xa. Sau, biết nhà buôn bán mặt hàng gạo, bà còn vờ vào hỏi mua để tiếp cận. Về nhà, ông bà bàn tính và thuận ý chọn cô ấy làm dâu, tiêu chí để chọn chỉ là: Người không đẹp, con nhà mồ côi, nhìn lam lũ, chịu khó làm ăn. Mười tám tuổi mà lúc nào đến đều chỉ nhìn thấy “cổ đeo kiềng” thì chắc chắn không biết ăn diện, se sua. (Đeo kiềng không phải là đeo vàng, đeo bạc gì mà là đất bám theo ngấn cổ, đen xì. Má tôi lúc ấy chỉ biết phụ việc sàng sẩy cám tấm cho chị, lên nhà máy gạo cũng làm việc ấy kiếm tiền).

Lễ cưới diễn ra nhanh gọn, đơn giản. Má chính thức về làm dâu nhà ông bà. Vốn quen cực khổ nên giờ cũng chẳng vấn đề gì. Duy chỉ có một sự thật mà không ai biết. Ai cũng nghĩ ba má thật sung sướng, vì “ăn chung mà làm riêng” nên chắc chắn có tích lũy, tất cả đều chung nồi với bà, còn thu nhập từ nghề hớt tóc là của riêng, nhưng thực sự má không có đồng nào. Vì lòng tự trọng má cũng không bao giờ hỏi ba. Ba lại ghen ghê gớm! 

Về làm dâu, làm vợ, má có cả hai va li áo quần, đủ màu đủ sắc, đủ hoa đủ lá, đủ loại mỏng dày. Thế nhưng, ba khóa trái lại. Quần đen thì không nói, quần trắng và áo màu, áo hoa thì ba… quản lý. Má chỉ được mặc áo đen và trắng. Khi áo cũ sờn, ba mang áo màu, áo hoa đi nhuộm nâu, nhuộm đen rồi mới đưa cho má. Cứ vậy cho đến khi va li cạn nguồn thì ba cũng quên luôn chuyện đưa tiền cho vợ may mặc, tiêu xài. Mỗi khi má có việc ra ngoài, đi thăm nhà anh chị thì ba theo sát nút, nhưng giấu mặt. Phụ nữ thường có linh tính, có lần má quay ngoắt lại nhìn, khi ấy ba cũng đã nhanh chân nép vào chỗ khuất. Vậy mà không hiểu sao má vẫn chấp nhận và sống đến hết đời. Sức chịu đựng của phụ nữ xưa quả thật phi thường! 

Chẳng rõ ba có mối tình đầu hay không nhưng má thì có. Những khi bị sốc, buồn chán và tôi đã lớn đủ để nghe hiểu, má có kể chuyện xưa. Má đã từng có người theo đuổi, ông ấy đẹp trai, hai người hẹn hò. Cho đến một hôm, má tình cờ gặp ông ấy từ trong nhà thờ đi ra. Thế là má khựng; hỏi lại tỏ tường thì đúng ông ấy là con của Chúa. Tình tan theo mây khói, má lẳng lặng trốn tránh. Sau đó, do cơ duyên nào má không nói rõ, má biết được ông ấy vì thất vọng đã vào lính và cũng đã tử trận! Nỗi ân hận xâu xé, nhưng tất cả đã muộn màng… 

Những khi thất vọng, má thường nghĩ mình lấy ba là một sự “trả nợ”, là sự “trừng phạt” cho mối duyên xưa! Dẫu rằng trong chừng mực nào đó ba có vô tâm, nhưng lại là người đạo đức, hiền hậu, từ bè bạn, xóm làng cho đến đứa con nít ba cũng chẳng mếch lòng ai. Sau, vì ba mất rất sớm, má đứng ra gả con gái, có bốn con gái thì ba đứa lấy chồng có đạo, đồng nghĩa với việc về bên Chúa. Má lại nhớ chuyện xưa, than thở: 

“Má đã tạo nghiệp chướng, nên giờ bốn đứa con gái hết ba đứa theo đạo. Đúng là trời trả báo!”

Thấy cũng tội má vì cái tư duy lạc hậu thì ít mà vì sự trăn trở kia lại nhiều hơn. Tôi cố giải thích cho má hiểu, cái gì cũng do duyên phận, người sống chết đã có số mệnh, chẳng ai muốn mà được. Chuyện Chúa hay Phật cũng chẳng có gì quan trọng, vì hình thức mà mình đố kỵ, chứ bên nào cũng dạy làm lành, lánh dữ, cũng dạy sự hiếu kính thì có gì mà trăn trở.

Má tỏ thật: 

“Sau này chuyện thờ cúng sao đây?”

Tôi cũng không biết được chuyện ngày sau, nhưng cũng nói cho má yên lòng: 

“Không con cái nào bỏ cha mẹ, ông bà, không ai dạy điều đó!”. Tôi nói chắc như đinh đóng cột và má cũng tạm yên tâm. 

Chuyện hơi lan man qua đoạn đời phía sau. Thôi, cũng không sao, mạch đến đâu thì cho liền đến đấy vậy. Điều má lo lắng đã không xảy ra, các em gái, em rể dù có đạo nhưng vẫn hòa nhập cùng gia đình. Các ngày cúng giỗ, Tết nhất đều thật là vui, con cháu đời sau cũng hòa đồng. Ở đâu không biết, nhưng trong gia đình tôi chuyện tôn giáo hầu như chẳng có vấn đề gì. Đó cũng là một sự may mắn và hạnh phúc. 

 ***

Các năm tiếp theo, bác Ba và chú Sáu lần lượt lập gia đình. Bác lấy vợ ở Đà Lạt, bà trực tiếp lên dự. Gia đình bác lập nghiệp và sinh sống ở đó, cuộc sống khá tốt như ông tiên đoán. Bác giữ chân tài xế cho khu Công chánh Đà Lạt, bác gái tần tảo bán buôn. Ngày ấy, chỉ gia đình bác là đứng vào hàng ngũ công chức. Chuyện tình của bác cũng khá ly kỳ và đẫm lệ.

Chú Sáu ở với ông bà nên việc chọn vợ, cưới dâu ông bà trực tiếp lo liệu. Tiêu chí chọn dâu lần này có khác, vợ tương lai của chú buôn bán ở chợ. Đúng là “trai khôn tìm vợ chợ đông”, thím khá lanh lợi, chắc phải dùng từ dữ tính, đanh đá để miêu tả, bởi không thế thì sao tồn tại và phát triển được chứ! Xem mắt dâu về, ông nói ngay: 

“Nó ngồi giữa chợ, nên không thể hiền lành, nhỏ nhẻ như đứa khác được, mà thằng Sáu cũng ở rể, miễn nó lo được cho gia đình nó là tốt, không đòi hỏi nhiều.”

Ông thật biết nhìn xa và đánh giá chung cuộc, thím Sáu giỏi, lo lắng tốt cho gia đình, ngày càng phát đạt, nên cửa nên nhà.

Nhiều năm sau, chú thứ tám lập gia đình, cũng là mối duyên tình cờ, có lẽ do vậy mà không bền chặt. Sau khi có đứa con gái được ba tuổi thì thím không chịu được cảnh làm dâu và sự vô tâm của chú, thêm phần do sự xúi bẩy của người mẹ nuôi (chỉ tạm nhận để chủ trì trong ngày cưới) nên đã ôm con ra đi. Vậy là nhà có đứa cháu mà nhiều năm sau dù để tâm tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được. Nghe đâu thím về quê ở Bồng Sơn, Bình Định, rồi chiến tranh, loạn lạc… chẳng biết phiêu bạt phương nào, lúc ấy khoảng năm 1960, 1961. Sau, chú cưới người vợ tiếp theo và sống đến giờ.

Việc chọn dâu đơn giản vậy, cơ bản là do con cái tự chọn, ông bà chỉ hợp thức thôi, tuy nhiên, ông vẫn có những nhận xét, đánh giá dựa trên “tướng số” rất chuẩn. Những nhận xét đó sau này tôi được nghe khá đầy đủ trong những khi bà bức xúc, bộc phát hoặc cao hứng; khi ấy bên cạnh bà ngoài tôi ra thì có ai đâu và thời gian cũng đủ dài để tôi nhận thấy những nhận định của ông “chuẩn không cần chỉnh” (nói theo ngôn ngữ hiện đại cho dễ hiểu). 

Cả bốn người con dâu, ngoài má tôi vì ở làm dâu, đố ai nhìn được mặt ông. Chẳng ai dám nhìn ông dù từ xa, may ra chỉ thoáng thấy bóng hoặc… cái lưng. Ông không la mắng con dâu bao giờ, chỉ la con mình thôi, nhưng ở ông toát ra sự uy nghiêm nên ai cũng e dè trước ông, cả khách đến nhà cũng vậy. Ông không trực tiếp chi phối việc quản lý gia đình, nhưng hình như ông biết tất cả, dù việc làm ăn, mua bán, tính toán, sắp xếp, quản lý,… đều do bà quyết định.

Phải thừa nhận rằng bà rất giỏi! Công việc làm ăn mua bán ngày càng phát đạt, bà phải thuê mướn thêm cả bốn người (hai nam, hai nữ), còn cưu mang thêm một cụ bà cơ nhỡ không cháu con; riêng bà cụ này, bà nội tôi không để ở nhà làm công việc mà cho đi bán hàng của nhà làm ra để có thu nhập, cơm thì bà bao. Thím Sáu bán hàng ở chợ, bán kèm hàng nhà, chỉ mỗi má và sau này có thêm thím Tám là làm dâu thôi, và dẫu được tiếng “ăn chung làm riêng” nhưng cả ba và chú đều vung vãi hết ngoài đường. Nghĩ cũng thiệt thòi cho con gái nhà nghèo lại còn lâm cảnh mồ côi, cuộc đời làm dâu, làm vợ của má và thím có vẻ khá gập ghềnh, má may mắn hơn tí là được ông để tâm và thương con mìnhnên cũng được phần an ủi, chứ thím thì không được vậy.

Thời gian sau này, những khi trầm tư nghĩ ngợi mông lung, bà nhớ chuyện cũ, cũng thường cất lời tâm sự: “Không biết mẹ con con Cúc (tên con gái chú Tám) trôi dạt về đâu? Chắc tại mẹ nó không nói, chớ nói thì nó cũng tìm về”, hoặc có khi lại “Giặc giã như ri, biết mẹ con nó sống hay chết”. Những lúc ấy, tay bà ngoáy trầu, mắt nhìn mông lung… Có khi bà vừa nhai trầu chầm chậm như đang rất “lười ăn” mà rằng: “Nhà mình lúc đó khổ quá, chú mày cũng tệ, nó đi cũng phải. Không biết có chồng con gì không. Tội con Cúc, không biết nó ra sao?” … Cứ vậy, lòng bà không yên, niềm khắc khoải luôn canh cánh bên lòng chực chờ trỗi dậy. Những khi như vậy hình như bà chọn tôi “than thở”, vì chí ít tôi cũng biết nhiều. Có khi bà thảng thốt hỏi “Giờ gặp nó có còn nhận ra không?”. Ôi, bà nghĩ sao vậy? Khi đi, em mới ba tuổi, tôi mới bảy hay tám tuổi gì đó, giờ nếu còn sống thì nó đã ngoài hai mươi, chỉ nhớ mỗi đôi mắt to tròn đen láy, khuôn mặt tròn xinh. Tôi trả lời thật lòng: “Nếu thím dẫn hoặc cho nó tìm về may ra còn nhận được, chứ ở ngoài đường mà gặp là thua bà nội à”. Bà buồn hiu, im lặng với tiếng thở dài…

Chuyện dâu con và đứa cháu lưu lạc, xa nguồn mất cội tạm dừng ở đây vì không có đoạn kết. Chỉ biết rằng bà, dù con đàn cháu đống nhưng cũng không quên được đứa cháu lạc loài, tuy đã hơn hai mươi năm.

Các con dâu của ông bà thật “mắn con”, cưới năm trước, năm sau có cháu. Tôi là đứa cháu đầu tiên nên được đón nhận trong sự hân hoan của cả gia đình. Tôi đã trải qua thời thơ ấu trong tình yêu thương bao la của tất cả mọi người, mà người cho tôi nhiều nhất chính là ông! Ông đã cho tôi quá nhiều dẫu rằng thời gian được sống cùng ông chỉ đếm đủ mười ngón tay. Đến tận bây giờ, tôi còn cảm nhận được hành trang ông cho tôi vẫn luôn tồn tại trong tâm tưởng, tôi đã từng ngày ấp ủ, đưa vào cuộc sống của chính tôi trong từng ấy năm trời, và có lẽ nó sẽ theo tôi xuống tận đáy mồ. Đó không chỉ là tình yêu thương máu thịt mà cả sự sống còn, cả một nhân cách, những hành xử thật đời thường. Những ngày ấy không có ông thì chẳng ai dạy cho tôi cả. Khi ấy, cả nhà lao vào kiếm sống, lam lũ với đời; con cái tự lo, tự học, nhiều lắm cũng chỉ cho đủ tiền, cơm ăn, áo mặc, khi nào hư hỏng lắm mới “ăn vài roi” chứ bày khôn xử dại, hay dở ở đời… có ai mà rảnh!   

Thời thơ ấu bên gia đình

Tôi vẫn nhớ nhà mình ngày ấy là căn nhà khá rộng, nhiều ngăn, tuy vách đất, lá dừa nhưng cũng đủ để làm ăn sinh sống. Ông ở riêng một phòng nhỏ, bên cạnh bàn thờ ông bà; ngăn ngoài là chỗ ngủ của mọi người, gồm cả bà, cô, chú, người làm và cả chỗ để làm nghề, ba má tôi có riêng một phòng. Công việc nhà nhiều lắm, nghe kể lại ai cũng đầu tắt mặt tối, má tôi khi cấn bầu thèm ngủ lắm nhưng không đêm nào được ngủ trước 12 giờ đêm và dậy sau 3 giờ sáng! Thời gian ở cữ đúng tròn một tháng là giao tôi cho ông, đến giờ cho tôi bú, ông sẽ gọi. Và duy nhất chỉ mình tôi là được ông trực tiếp bồng bế, nâng niu, không đứa cháu nào có diễm phúc đó. Vậy là tôi được lớn lên trong tiếng lẩy Kiều, ngâm thơ của ông; thời gian đó là thời gian ông vui nhất, mọi người được nghe tiếng ông nói, ông ngâm, chứ trước giờ ông sống hầu như biệt lập. Căn phòng của ông, chỉ bà và giờ là má tôi được ra vào, ai cũng sợ ông cả.

Năm tôi lên ba, những tưởng đã lâm cảnh mù lòa, đôi mắt tôi không mở ra được, bao nhiêu là thuốc, cả nhà quáng quàng. Suốt mấy ngày, ông là người “vệ sinh” mắt cho tôi bằng cái cách cổ xưa mà cả má và ba tôi cũng không dám làm, ông đã dùng lưỡi của mình rà vào mắt tôi. Cũng may gặp được vị bác sĩ giỏi cho thuốc, kèm lời dặn “thuốc này mà không khỏi thì hết cứu”. Nhỏ thuốc mà cả nhà van vái không yên, cứ đem tôi vào xó cửa (chọn chỗ tối) rồi hò hét “mở mắt ra con, mở đi, đồ chơi nè!”, đủ trò chiêu dụ và kỳ tích đã xảy ra, đến chiều tôi mở được mắt. Niềm vui vỡ òa. Đồ chơi, bánh, kẹo, các thứ bày la liệt xung quanh chờ đợi! 

Cũng năm này, ông bà mới biết sự thật về cuộc sống vợ chồng của ba má tôi. Má tôi gần như làm dâu kiếm cơm, chẳng có lấy một đồng nào từ ba tôi. Số tiền ít ỏi thời con gái má dành dụm được xem như của hồi môn đã được chi dùng trong ngần ấy năm, dùng cho cả việc sinh nở và giờ thì trụi lủi. Má kể, một buổi chiều rảnh việc, tôi đòi má dẫn ra rạp hát chơi (gần nhà là rạp hát Thanh Bình, nơi vừa chiếu phim vừa cho các đoàn cải lương về lưu diễn thuê), má không dẫn tôi đi. Ngày ấy có việc gì tôi đòi mà không được đâu, nhì nhằng một hồi, tôi khóc la ầm ĩ, má cũng nước mắt hai hàng. Ông bước ra, nhỏ giọng:

“Giờ cũng không có việc gì làm, mi dẫn nó đi chơi thì có sao?” 

Ông nghĩ đơn giản là má không dám đi vì ngại bỏ việc nhà, ông giục tới lần thứ hai, má vẫn không đi thì bà ra, cất lời:

“Đi thì đi đi, cho nó chơi, có công việc chi đâu.”

Má vẫn yên lặng và khóc nhiều hơn. Gạn hỏi mới biết, thì ra má không dám dẫn tôi đi bởi vì… trong túi không có lấy một đồng. “Ra rạp hát có bao nhiêu thứ bày bán, lỡ nó đòi lấy đâu mà mua”. Ông bà vỡ lẽ. Bà dúi vào tay tôi nhúm tiền. Thế là hai mẹ con tung tăng… Không, chính xác là chỉ tôi tung tăng. Còn má, suốt thời gian đi chơi không nói tiếng nào. 

Ngay tối hôm đó, ông mắng ba tôi một trận tơi bời! Ông cũng thật rõ ràng, không úp mở nên ba vào phòng chỉ im lặng. Ông nói thẳng:

“Mi làm ăn kiểu gì? Nuôi ai ngoài đường mà để vợ con không một đồng một chữ? Con đòi đi chơi không dám dẫn đi?”

Và ông “xuống lệnh”: Bà sẽ quản lý thu nhập của ba, sau khi nắm cụ thể sẽ… giao chỉ tiêu sau. Vậy rồi, nhờ uy của ông, dưới sự quản lý của bà, vài năm sau, ông bà cho ba má khoảnh đất sau nhà để tự làm hai căn nhà nhỏ, đây là căn nhà gạch đầu tiên của gia đình. 

Căn nhà này, thật sự má tôi chỉ ở đúng một tháng khi sinh em tôi, còn cho thuê là chính, hoặc những đêm trời mưa gió, nhà dột nát thì ba cõng tôi ra ngủ tạm, qua mưa là về, bởi một nguyên nhân khá buồn cười: ngôi nhà ấy nhiều ma kinh khủng!

Căn nhà đầu tiên của ba má tôi

Khoảnh đất ông bà cho khá lớn, làm xong hai căn nhà liền vách vẫn còn một khoảng sân rộng. Đây vốn là phần đất được cả nhà khẩn hoang nhờ vào việc phát quang bụi rậm, xương rồng, cây dẹp (có nơi gọi là cây ma dương) mọc dày đặc khi mới vào. Khoảng sân này ông hướng dẫn cho ba đào hố trồng nho, thời bấy giờ, nho là giống cây quý hiếm, hầu như chưa ai trồng. Để trồng nho, phải đào hai hầm lớn, chiếm gần hết phần sân, sâu trên một mét; sau đó cải tạo đất, bỏ phân, ủ phân,… rồi mới trồng. 

Đến đây thì có chuyện để nói rồi. Đang đào, đã đến phần đất pha cát, lưỡi cuốc bỗng kêu những tiếng khô khốc, dội ngược và… lộ ra một dãy quan tài. Đếm qua có đến năm cái. Vậy là phải bốc mộ cải táng. Trong số đó, có một cái là của phụ nữ, khi bốc mộ vẫn còn nguyên đầu tóc khá dài; người chết hình như thuộc hàng khá giả, áo quần khâm liệm hầu như vẫn còn tốt, thêm nữa còn nguyên bộ cúc áo rất đẹp, tròn, bóng, có màu đỏ như hổ phách, nghe đâu là mã não; lạ hơn, là thường khi khâm liệm người ta không bao giờ chôn áo còn đính nút mà phải cắt ra bằng hết, đàng này còn nguyên bộ. Khi ấy, người bốc mộ có cho lại nhà ba hạt, ông cho các cháu đeo nói là để trị tà và kỵ gió. Dần dần, chuyền qua chuyền lại sao đó, tất cả lạc mất. Thế mới hay, vật không phải của mình thì cũng đừng cố lấy và cất giữ làm gì. 

Khi đào sang hầm thứ hai thì bài cũ lặp lại, nhưng lần này chỉ có hai quan tài. Một điều trăn trở gợn lên nhưng không ai dám nói: Liệu dưới cái nền nhà kia có hay không? Vì khi làm nhà chỉ đào kiềng và xây kiềng thì không đào quá sâu. Nhưng chuyện rồi cũng đi vào quên lãng. 

Tuy có nhà mới, ba má vẫn ở cùng ông bà trong căn nhà vách đất lá dừa như đã quen và cũng để tiện việc làm ăn, chỉ những khi mưa gió, nhà dột dữ quá thì mới ra ngủ tạm, rồiqua mưa là kéo nhau về. Cho đến khi má sinh đứa thứ ba thì ra đó ở cữ. Thường má chỉ ở một mình, khuya mới có người ra ngủ cùng, đến bữa có người đưa cơm ra. Má kể, có những buổi chiều, trời bắt đầu sụp tối, má nghe có tiếng bước chân ngoài cửa, hình như cũng có thoáng người, má nói vọng ra: “Đứa nào mở giùm ngọn đèn!”. Vừa dứt lời thì đèn cũng vụt sáng. Chỉ nghĩ ai đó mở giùm rồi lo vào nhà nên dẫu có hỏi với theo mà không ai trả lời thì má cũng không thắc mắc. Rồi cũng đến ngày em đầy tháng. Từ sáng đến trưa má mải lo tắm gội, gói ghém đồ đạc để vào nhà. Tầm hơn năm giờ chiều (má nhận biết dựa vào “tiếng chuông nhà thờ rung”), tự nhiên hai mắt má nặng trĩu, cơn buồn ngủ ập đến thật nhanh. Má nằm lơ mơ, nửa tỉnh nửa mê, thì cảm giác có ai đó đứng bên cạnh cất tiếng nói. Tiếng nói như xa mà lại như gần, âm âm bên tai mà lại như hơi gióthoảng. Họ bảo:

“Mẹ tròn con vuông rồi, cúng đi! Người ta chờ lâu rồi, đông lắm! Đói lắm!” 

Má có cảm giác mơ hồ là họ muốn má nhìn ra cửa và má cũng thoáng thấy người đứng ngồi đông lắm, nhưng không thấy được là ai, đàn ông hay đàn bà… Vừa khi ấy có tiếng nói khá to và mạnh mẽ, đưa má về thực tại. Đó là tiếng chú Cựu người làm – người vẫn thường mang cơm ra cho má: 

“Chị Tư, bà nói chị vào nhà luôn được rồi!”

Vừa nói, chú vừa lui cui lo thu gọn đồ đạc. Má tỉnh ra, toàn thân lạnh toát, xỏ vội chân vào dép, tay quáng quàng ôm con nhưng chưa dám ra cửa. May đâu cô Bảy xuất hiện. Cũng chẳng ai nhìn má, chẳng ai thắc mắc thái độ hoảng sợ và cả sự vội vàng, luống cuống, mà nếu có thì cũng chỉ nghĩ là được ra ổ, vào nhà nên mừng thôi! 

Vậy rồi, mọi chuyện cũng được phanh phui: Không ai ra mở đèn cho má cả, điều này chính chú Cựu xác nhận. Cơm chiều của má, chú là người phụ trách, có hôm chú ra tự mở đèn luôn, nhưng có những hôm đèn… đã được mở rồi, lại tưởng má ra mở mà không dám nói vì sợ bà la má ra gió. Mặt má tái xanh, run lẩy bẩy, hóa ra má ở chung với ma cả tháng trời! Nghĩ lại, thật giận ông chồng vô tâm, cứ bỏ vợ đi suốt; nhưng cũng… cảm ơn ma vì đúng là “ma lành”, không nhát không dọa má mà họ đang giúp đỡ má theo cái cách của họ. Giấc chiêm bao giữa chiều của má, nghĩ lại cũng thật thương họ, nhắc nhở và xin đàng hoàng, lại chờ khi má không ở nữa mới cho thấy, cho biết. Bà nghe kể, không nói gì, nhưng ngay ngày hôm sau bà lo mâm cúng vô cùng tươm tất.

Ngôi nhà ấy, sau này ai cũng sợ, không dám ở. Ông lại khuyên nên mở buôn bán hoặc làm gì đó cũng được, miễn có người ra vào càng nhiều càng tốt, không thể bỏ nhà hoang, có hơi người là đem dương khí vào, sẽ xua tan hoặc hạn chế âm khí. Vậy rồi ba đầu tư hai bàn bóng bàn, lúc đầu cũng khá đắt khách, nhưng lại không ai ra ngồi coi nhà, ghi giờ, tính tiền, dần dần thấy không ổn nên chuyển qua cho thuê. Nhiều lời bàn tán, nhiều lời hỏi han tra gạn,… nhưng chẳng ai kể đã thấy gì.

Sau hai căn, hai chủ thuê. Căn trong là một đôi vợ chồng tầm năm mươi tuổi hoặc hơn tí, theo đạo Phật, trong nhà khói hương nghi ngút, đêm nào cũng tụng kinh tới khuya, còn cả ngày thì đi làm ăn bằng nghề nhổ răng dạo. Căn bên ngoài lại cho một người đàn ông hơn ba mươi tuổi, có đạo, bàn thờ Chúa được đặt trang nghiêm bề thế, tuy nhiên không nghe tiếng đọc kinh. Thời ấy, sự kỳ thị đạo – ngoại khá gay gắt, thế là mỗi sáng mai thức dậy, nói chuyện với người này thì sẽ không có người kia dẫu ra vào chung ngõ. Câu chuyện chỉ xoay quanh: “Nhà ông tụng kinh lớn quá, khuya quá, tôi là công chức cần giấc ngủ và sinh hoạt có giờ giấc!”. “Vợ chồng tui đóng cửa đi cả ngày, ở nhà tự do thoải mái, tui có tụng kinh thì cũng bên nhà tui chớ ổng cứ rì rầm cả đêm bên lỗ tai tụi tui thì sao?”. Thật vô cùng gay cấn! Nghĩ lại, tuy có nhà cho thuê thì nhàn, nhưng cái khâu “hòa giải” cũng mệt thật! Cũng chẳng mệt như vậy được lâu. Vài tháng sau, vợ chồng người nhổ răng trả nhà, lý do phải đi gấp là ông bị đổ nợ, lại nhổ răng cho khách gặp sự cố nên trốn đi lúc nửa đêm. Má mất tiền nhà tháng đó. Ông “trẻ” thuê nhà cũng vội vàng trả nhà đi gấp gáp, lý do không nói, nhưng sau thì được biết ông làm mật vụ và bị lộ!

Nhà lại đóng cửa. Và không biết là thật hay tưởng tượng, mà trong nhà, các chú giúp việc ai cũng “gặp”. Tối nào mưa lâm râm, các chú rủ nhau rình đều gặp… kẻ đứng người ngồi lô nhô. Có khi ngay buổi chiều, trời chạng vạng, thấy có người từ cửa sau bước về hướng cửa nhà, tưởng người đến mua bán gì đó, nhưng bước ra… chẳng thấy ai cả! 

Sau, vẫn có người đến thuê nhưng xem ra người đến ở làm ăn chẳng khấm khá gì, có khi còn bị suy sụp nặng nề. Có lẽ âm khí nặng quá, hoặc là không biết kính nể người khuất chăng? Điều này cũng không thể kiểm chứng được. Nhiều năm sau, ba má bán luôn nhà, chủ ở mới trở thành hàng xóm thân thiết mà trong câu chuyện sau này hy vọng sẽ có cơ hội nhắc đến. 

Những trò tinh nghịch

Những mảng ký ức về thời thơ ấu chỉ đọng lại ở những sự nghịch ngợm, nhõng nhẽo mà ngày ấy bà tôi thường dùng từ “chúng chứng”. Tôi là nguyên nhân khiến mọi người bị ông la rầy, mắng mỏ; con nhỏ “sảnh sẹ, lắc xắc”, chuyên làm mọi việc rối tung lên để mọi người vốn đã bận rộn, vất vả, lại càng thêm bấn loạn. Nhất là khi tôi đau ốm, nguyên cớkhông chỉ vì thời tiết mà còn vì tôi nghịch, ham vui. Tôi cũng là đứa làm cho ba, chú, cô,… thỉnh thoảng vẫn phải trốn biệt, hoặc ra khỏi nhà không dám về ăn cơm. Nhưng trên tất cả, tôi đã đem lại niềm vui cho ông bà, cho cả nhà, vì đã lâu rồi nhà không có trẻ con. Tất cả mọi tình thương, mọi ưu ái tôi là đứa hưởng trọn.

Tôi tuy là con nhà lao động nhưng gần như không thiếu thứ gì. Hiệu buôn Quảng Thuận là cửa hiệu lớn nhất thời ấy, các món đồ chơi của tôi đều mua từ đó. Ai vào nhà cũng trầm trồ, ngưỡng mộ: búp bê những hai con, lại biết nhắm mắt, mở mắt; xe thì rất nhiều, chiếc chạy bằng dây thiều, chiếc chạy vòng vòng theo dây cao su; lại còn xích đu tự động (là món đồ chơi trên ghế có hai thằng nhỏ ngồi đung đưa); còn nhiều, nhiều lắm. Tôi nhớ mình chơi chán lại vào “tâu” với ông: 

“Con thích ngồi xích đu như hai em bé kia!”

Thế là ông phán xuống, mọi người thi hành. Không chỉ ông mà chú Sáu cũng cưng tôi lắm, chú mua cho cây kèn Harmonica, nhỏ thôi, tôi rất thích, thổi luôn miệng. Hôm sau chú lại khệ nệ mang xuống cho con ngựa gỗ, tôi được trớn leo lên ngay, vừa cưỡi vừa thổi kèn mê mẩn. Nhìn chưa “đã” mắt, chú đi mua tiếp cho cháu chiếc mũ trắng, tôi đội lên trông thật xinh, ra dáng cao bồi thứ thiệt. Mọi công việc của cả nhà đều dừng lại, tất cả vây quanh cổ vũ, chờ xem “con Lý vừa cưỡi ngựa vừa thổi kèn”! Cả ông, cả bà vô cùng phấn khích. Thêm chút vênh váo, tôi không quên đội nón, hiên ngang “lên ngựa”, đưa kèn lên miệng, kéo một hơi dài (chẳng có nhạc điệu gì) rồi phi nước kiệu, nước đại, rồi cực đại. Chưa ai kịp lên tiếng nhắc nhở thì… ào một cái, tôi lộn nhào, nằm sóng xoài!

Ông thét lên kinh hoàng, không ai kịp phản ứng. Ông không cho ai đụng vào người tôi. Khi ấy tôi còn nhớ là mình vẫn tỉnh, vẫn biết mọi diễn biến xung quanh nhưng có lẽ vì quá sợ nên nằm im khá lâu. May sao chỗ tôi rơi vào là một đống lá chuối to đùng. Ông đến. Tự tay nâng nhẹ cho tay chân tôi duỗi thẳng, ông xoa đều các huyệt ở tim, trên đầu, bởi khi xưa ông là thầy thuốc. Tôi học được điều này: Khi bị té nặng, điều đầu tiên là không được vội vàng ngồi lên, người khác thì không được xốc mạnh nạn nhân ngay mà cần cho mạch máu lưu thông, giữ hô hấp (mở trước cái lưng quần, dây nịt,… vì ngày xưa phụ nữ thường mặc quần bằng dây lưng). 

“Cấp cứu” cháu xong, ông xử ngay “con ngựa”. Nhà sẵn búa bửa củi, ông phán: “Đem con ngựa ra chẻ ngay, đừng để tao thấy nó!”. Chú nãy giờ không dám thở, vội mang con ngựa đi thi hành án! Tôi không dám phản ứng, dù không muốn vậy. Hic… hic… con ngựa vừa mới mua, đẹp, cưỡi đã vô cùng, oai phong lẫm liệt. Sao lại đem chặt chứ. Dẫu biết ông rất cưng chiều nhưng tôi cũng biết rằng lúc này không thể mè nheo, không thể trái ý ông; nhìn thần sắc ông lúc này phải hiểu điều đó. Hình như, ngay lúc ấy ông cũng dạy cho tôi bài học: “Không chỉ biết mình mà phải biết người, tùy cơ ứng biến, phải biết nhìn sắc mặt mọi người để tự xét mình sau mỗi câu nói, hành động”.

Sau khi nguôi giận (mà không ai hiểu vì sao ông giận, nhất là “giận ai” nếu không nói là là cái con nhỏ lí lắc “có sức chơi có sức chịu” kia), nhìn cái mặt ủ dột, mếu máo của tôi, ông dịu giọng: 

“Đừng tiếc con ngựa, chắc tại chú mày mua không “coi ngày” (!). Mua đồ cho con nít mà đùng đùng ra xách về. Con thích thì để ông biểu mua cho cái võng, con ngồi đung đưa nhẹ nhàng hơn!” 

A! Vậy là tại chú không “coi ngày”. Thế là nhà có thói quen “mua đồ cho em bé” là phải coi ngày. Và, cho đến tận hôm nay, tôi, ở thế 21, cứ mua xe cho con cái đều phải coi ngày. Nhờ phúc của ông, các cháu đi đứng an toàn, cả 4-5 chiếc xe không sang bằng ai nhưng qua nước ngập bánh vẫn chạy vù vù, xì bánh, trục trặc tí chút thì nó hư ngay chỗ có dịch vụ, đỡ dắt bộ. Tóm lại, các cháu đều công nhận xe… hên lắm! Cũng vì vậy mà giờ tuy đã có xe mới nhưng vẫn thương không bán mà giữ lại xe cũ…

Những ngày thơ dại, tôi luôn được yêu chiều. Không chỉ những người ruột thịt mà cả nhà hàng xóm cũng rất thương yêu tôi. Tôi có thể đến bất cứ lúc nào, món ăn nào tôi thích đều không mất phần, muốn ăn gì mà nhà không nấu được, không làm được, chỉ lên bà ngoại là có ngay! (Gọi bà ngoại là vì ở sát nhà, bà cũng hiền hậu, chỉ có mỗi hai cô con gái, thấy má tôi mồ côi nên gọi vậy cho thân thiết, chuyện nhà bà hồi kết cuộc cũng… buồn và tội nghiệp lắm.)

Có hôm, tôi chầu chực chờ món cá muối (bà làm món này rất ngon), cho đến khi tận mắt thấy bà ướp muối mấy con cá đỏ hồng, khía trên lưng mấy nhát dao xeo xéo thật đẹp, nhưng để chắc ăn, tôi hỏi lại lần nữa “là mai mới ăn hở bà?”. Bà gật đầu xác nhận, yên tâm, tôi tung tăng, hả hê, sung sướng ra về; nhà sát vách nên chỉ vài bước chân là đến ngay cửa.

Cái ngày gì mà tôi lắm điều vui thế? Niềm vui chưa kịp lắng xuống thì cái vui khác nằm phơi phới trước mắt: chiếc võng. Chiếc võng ông hứa hôm bữa, giờ đang ở trước mắt! Chiếc võng thay thế cho con ngựa đã bị xử tử vì làm té cháu yêu của ông. Ngày ấy chỉ là chiếc võng đan bằng sợi gai, hai đầu được treo bằng dây dừa chứ chưa có nilon. Mua khi nào không biết, ai là người cột võng cũng không cần biết, trên võng còn đặt một thúng gạo to đùng, để làm gì, cũng không cần biết. Võng lại được treo ngang trên cái phản lớn, muốn ngồi võng phải leo lên phản. Không sao, tôi leo cây mãng cầu, cây ổi, cây mận còn được xá gì cái phản. Chỉ có điều phải hạ thúng gạo xuống. Vậy là, thật ngọt ngào, tôi nhờ chú Mấu bưng giùm thúng gạo xuống. Ai cũng mặc định rằng võng mua cho tôi thì tôi ngồi là lẽ đương nhiên, nên bưng giúp tôi cũng là lẽ đương nhiên. 

Đầy sung sướng, hả hê, tôi leo lên võng, ru nhẹ nhẹ, đong đưa một hồi nó có trớn, mạnh dần lên. Tôi càng cao hứng, mà có lẽ ai cũng vậy, có câu hát “mấy ai ngồi võng không ru”, mà đã ru thì phải hát chứ, vậy là tôi hát. Tôi cất tiếng hát, hát say sưa, hết bài này sang bài khác… không nhớ tên bài hát nhưng có câu “trăng rụng… xuống cầu…”!!!!!!!! Thật nhiều dấu chấm than vì… “vụt” một cái, tôi văng từ trên võng xuống đất, mà chẳng hiểu làm sao. Trong tiếng hét thất thanh của cả nhà, tôi lóp ngóp nằm giữa đống lá chuối to đùng êm ái. Vẫn là ông nội nâng tôi dậy sau khi đã kéo thẳng tay chân, xoa đầu, xoa ngực. Tôi nghe tiếng ông bực bội: 

“Mi chơi chi cũng thấy chết!”

Bà thêm vào: 

“Hắn mạng lớn, lúc nào cũng rớt trên đống lá!”

Rồi lại như lần té ngựa, ông viết vội toa thuốc sai người ra ngay tiệm thuốc bắc, bốc thuốc mang về, sắc ngay và uống gấp cho tan máu bầm, thông kinh mạch. 

Xong việc cấp cứu, ông quay ra kiểm tra chiếc võng, không có gì sai sót ngoài lý do: tất cả đều mới, chưa có sự khít khao giữa hai đầu võng và dây dừa, thúng gạo đem xuống sớm quá, chưa tạo được độ chùng, cuối cùng là ru quá mạnh. Ông quay qua phán: 

“Mi không nên chơi đánh đu, nằm võng nữa! Chơi thứ khác đi!”

Ông ơi! Ông không phải lo, sau vụ này, cho đến tận bây giờ con không nằm võng được nữa, kể cả khi có con, con cũng chưa hề nằm lên võng ru con. Cháu ông ngoan là vậy mà! 

Nói đến chuyện “té” của tôi thì nhiều, chẳng biết vì sao? Bà có người anh thứ ba, ở trong Phan Rí, thường ghé nhà chơi sau mỗi chuyến đi buôn, ông cũng rất thương tôi, ông thích xem tôi múa Ấn Độ lắm. Vừa múa, miệng vừa hát nhạc Ấn Độ, là con tự “độ” mà hát theo phim chứ có biết gì nhưng bảo đảm là… “y ky” luôn, véo von réo rắt. Từ đầu xuống chân đều đeo vòng hoa, quàng khăn ngoài chiếc áo đầm (các cô, chú đi hái hoa, kết cho tôi, vì ai cũng thích, xem như giải lao). Ông cậu mê quá, về khoe với bà mợ. Thế là tôi có vé mời vào Phan Rí trình diễn, nhân dịp bà nội vào đấy thăm chơi. 

Buổi tối ở nhà ông cậu buồn lắm, nên cả nhà háo hức chờ xem “văn nghệ”. Sân khấu là tấm phản lớn, chỉ một mình tôi trên đó. Cả nhà đứng ngồi để xem. Tôi leo lên trình diễn trong tiếng khen và vỗ tay. “Ẹn ta ni… ní… tà… ta…”. Múa, lắc, lắc lư thật uyển chuyển, chân đá ra thụt vào, nghiêng người xoay tít. Bỗng giữa những tiếng khen “Hay, hay quá! Giống quá! Nó múa dẻo quá!” là tiếng hét chói tai… Mải quay, có trớn, tôi hụt chân, rơi xuống phản. Hú hồn, lần này tôi rơi tõm vào cái lu đựng lúa của nhà ông cậu, cũng may gần dịp Tết nhà chuẩn bị lúa nếp rang nổ để làm cốm! Và thế là xong sự nghiệp ca múa nhạc kịch của tôi.

Chuyến biểu diễn của tôi trở thành đề tài vui của cả nhà, cả trên nhà bà ngoại cũng vui lây, cứ chọc quê tôi mãi. 

Không nhớ rõ là năm nào, ông bà đã xây ngôi nhà mới. Ngôi nhà có cái gác được ông thiết kế theo kiểu xưa: Ở giữa là khoảng trống lớn, đặt bàn thờ Phật, các vị Bồ Tát và cả Quan Công. Phòng ngủ của ông sau gian thờ này, để khi cần, ông có thể nhìn xuống nhà. Ngôi nhà được làm bằng táp lô, do các chú và ba tôi tự đúc dưới sự hướng dẫn của ông. Phải nói là bất cứ thứ gì trong nhà cũng đều được mọi người góp công góp sức tạo dựng, cô khổ theo cô, chú, ba khổ theo kiểu đàn ông, ông không làm việc nặng nhọc nhưng là người chỉ huy để mọi sự thắng lợi.

Khi ấy, các cô đã lớn, nhà chỉ mỗi cô Út là được ăn học tới nơi tới chốn, còn cô Bảy thì lam lũ với bà, lo việc nhà. Trong xóm, các cô gái cùng trang lứa cũng khá nhiều, đủ để tạo thành nhóm bạn. Những đêm trăng sáng, các cô rủ nhau chơi “năm mười”, tôi cứ chạy theo trốn, lạ là tôi theo ai là kể như người đó xúi quẩy, nên bị “hắt hủi”, buồn ý, có hôm tôi chui luôn vào cái tủ trốn, rồi ngủ quên. Khi nghỉ chơi, cả nhà tá hỏa vì tìm không ra con nhỏ. Thế là “giông bão” nổi lên! 

Ông hét toáng nhà cửa, huy động lực lượng, đèn các loại sáng trưng đi tìm. Bà đứng ngồi không yên. Ông ra vào la lối.

Chợt, cánh tủ mở, tôi vừa dụi mắt vừa chui ra… Ôi! Ông hú vía, thế là cái trò “năm mười” bị cấm tiệt, vì “cả bầy to xác mê chơi mà bỏ cháu”! 

Ngày ấy, nơi có thể hóng mát, đi chơi mỗi tối chỉ là lên cầu Đạo Long, cây cầu bắt qua sông Dinh. Dòng sông hiền hòa, cũng khá thơ mộng, nhất là những đêm trăng. Các cô rủ nhau lên đó, tôi cũng được tham gia. Đến nơi, các cô bắt cặp tâm sự, trò chuyện; mỗi tôi lẻ loi, con nít biết gì? Thế là, các cô dúi cho khi thì túm hạt dưa, khi thì nắm đậu phụng luộc được gói trong miếng lá chuối cuộn như cái nón (lúc ấy nào có bịch nilon như bây giờ). Con nhỏ thật lúng túng, không khéo nó rơi hết, nên ăn đậu phụng mà phải “gặm” vì chỉ còn một tay! 

Kể cũng thơ mộng chán, tôi ngồi ngắm nhìn ánh trăng lung linh nơi đáy nước, ánh vàng lấp loáng, tưởng tượng đủ thứ, rồi ngắm cả hai bờ: những hàng tre, cây keo trong bóng đêm đu mình theo gió; lại tưởng tượng thêm… chắc có những con ma đang ru con kẽo kẹt, rồi tự ớn lạnh, đòi về. Câu chuyện các cô đang cao trào, đâu dễ cắt ngang, thế là bị la, bị dọa “ngày mai ở nhà”, con nhỏ tôi ngồi im được tí lại đòi về… Vậy là được dúi thêm cho trái bắp nướng.

Tuổi thơ tôi là vậy, thật êm đềm, nhưng cái đầu thì hoạt động hơi nhiều. Tôi đi theo các cô, tôi nghe các cô tâm sự, vẻ như chẳng ăn nhập gì nhưng nhớ hết những cuộc tình, những niềm tâm sự không thể tỏ cùng ai, để rồi đường đời sau này của tôi, tôi thương quá! Thương những cuộc đời không may, nếu không nói là bạc phận của những người mà tôi đã từng cùng họ lớn lên từ tuổi hoa niên. Cũng một thời trẻ trung nhiều mộng ước, để rồi những mối tình tan vỡ bởi nghịch cảnh, chiến tranh, thời cuộc, đời sống… Cuộc đời của mỗi người, buồn vui, sướng khổ, chẳng ai giống ai. 

Ông nội tôi

Như đã kể, thời còn trẻ, gia đình ông bà gặp sự cố gì không rõ, chỉ biết rằng ông phải đóng cửa hiệu thuốc bắc đi buôn bán. Ông buôn bán tận Buôn Ma Thuột; xa nhà, lại chỗ lạnh lẽo, rừng thiêng nước độc… ông sinh nghiện ngập! Mãi đến sau này cũng không bỏ được, bà lại chu cấp cho ông, tuy không dồi dào, phong phú, nhưng cũng đủ cho ông qua cơn nghiện. Giai đoạn này, tôi là người đi mua thuốc cho ông, có nghĩa là “tôi đi buôn ma tuý”. Đứa nhỏ tầm 8-9 tuổi, dám làm cái việc phạm pháp, xem như nó “điếc không sợ súng”! Mỗi khi ông đưa tiền, luôn dặn “Con cẩn thận nghe! Đi từ từ…”. Mỗi lần mua là một chỉ, giá 100 đồng, ngày ấy, quy giá vàng là lớn lắm! Một chỉ thuốc chỉ hơn nửa chai loại đựng bột thuốc chích penicillin, chất thuốc đen sánh. Quen mặt, tôi đến, đi thẳng vào nhà sau, đưa tiền, họ cân thuốc bằng cái cân xách nhỏ, xong tôi ra về. Câu nói quen thuộc là nói số thuốc mình muốn mua, ngắn gọn: Một chỉ! Có khi tôi được cả huê hồng là hai đồng. 

Rồi đến một hôm, cái hôm tôi không thể nào quên. Việc mua bán vừa hoàn tất, tôi cầm hai tờ một đồng, vừa cuộn tròn quanh chai thuốc thì tiếng chân người rầm rập từ ngoài, quay lại đã thấy cảnh sát đứng đầy sau lưng, kèm theo khẩu lệnh: “Đâu ở yên đó!”. Tôi điếng người, nhưng cũng đủ bình tĩnh bỏ nhanh tay vào túi, miệng nói thật to, chân bước thật nhanh với cái mặt thật tỉnh dù rằng trong bụng đang run dữ dội, hai chân muốn nhũn ra và có thể quỵ bất cứ lúc nào. Tôi nói rõ ràng:

“Con đi ăn sáng nhen!”

Hình như họ chẳng để ý đến đứa trẻ con, đối tượng của họ là cái người đang nằm khoanh bên bộ bàn đèn kia thôi. Tôi nghiễm nhiên, đường hoàng ra về an lành. Cố để về đến nhà, vào được phòng ông, đưa thuốc vào tay ông xong là tôi run lẩy bẩy, ngồi phịch lên giường, khóc, khóc, khóc nức nở, người lạnh toát. Ông hoảng vía không hiểu chuyện gì, nhưng ông biết tôi khóc vì sợ chứ không phải bị hà hiếp. Ông khẽ ôm và dỗ: 

“Con cứ khóc, nhưng không sợ nữa. Chuyện gì hả? Chuyện gì? Nói ông nghe!”

Qua cơn khủng hoảng, tôi từ từ kể lại chuyện đã xảy ra, ông im lặng nhưng buồn và có vẻ suy nghĩ lung lắm! Ông nắm chặt tay tôi, lúc lâu sau, ông hỏi nhỏ: 

“Con có còn muốn tập để sau này têm thuốc cho ông hút nữa không?”

Tôi choàng tỉnh, gật đầu cả quyết: 

“Dạ con muốn chớ!”

“Con chưa sợ à?”

“Con không biết, nhưng con thích têm thuốc cho ông!”

Những ngày sau đó, ông trầm tư hẳn, bữa cơm ông không “yêu cầu món” như mọi ngày, bà dọn gì ông ăn nấy, ông cũng ít chuyện trò. Theo thói quen, khi ông têm thuốc tôi hay vào ngồi xem để học cách têm. Tôi đã làm thử, gần được rồi, chỉ là chưa bóng, chưa đều thôi. Hôm nay, ông biểu tôi: 

“Con đi chơi đi!”

Nhưng tôi vẫn ở lại, tôi sợ ông buồn. 

Rồi có một đêm, ông nói chuyện với bà, nói nhiều lắm, điều ít thấy ở ông bà. Vì tôi ngủ rất gần phòng ông nên tôi nghe được “lời tâm huyết” của ông, câu nói tôi vẫn luôn nhớ: 

“Bà khổ với tui nhiều lắm. Tui biết điều đó. Coi như tui nợ bà kiếp này, kiếp sau thể nào tui cũng trả cho bà. Cũng chẳng lâu nữa đâu!”

Lời ông nói như một lời tiên tri, chẳng lâu sau ông bị bệnh khá nặng. Vậy hóa ra, ông cũng tin vào nhân quả luân hồi. Ông cũng tự nhận mình đang vay. Và cũng từ ông, tôi sớm biết “sợ” để tránh làm điều tội lỗi, để sớm tự biết việc xấu mà tránh, biết thiện ác mà hành xử… Thật biết ơn ông! Nhớ ông nhiều lắm!    

Từ khi tôi đi học, hình như ông không hề hỏi han gì đến chuyện học hành của tôi. Ông không quan tâm đến chuyện nhà trường dù ông rất thương tôi, có lẽ bằng sự tinh tế của mình, ông thừa biết tôi học rất tốt, giỏi là đằng khác. Điều ông thật sự quan tâm là dạy dỗ cho tôi phong cách, kỹ năng sống trong các ứng xử và giải quyết mọi việc, biết quan sát và lắng nghe, dẫu lúc ấy tuổi đời tôi chưa là bao. Ông đã đào tạo cho tôi phong cách gần như của một “tiểu thư” trong khi gia đình chỉ là những người lao động bán buôn, có lẽ ông cũng biết được thời gian ông cháu bên nhau không nhiều.

Ông giống như một vị vua trong cái triều đình nhỏ của mình. Mọi của ngon vật lạ đều được tiến cống một cách cung kính, phần ngon nhất trong các món ngon ông lại dành chotôi! Bữa cơm, ông ăn riêng mâm và chỉ tôi mới được ngồi cùng mâm với ông! Ông dạy tôi cách cầm muỗng đũa, cách ngồi, cách ăn, kể cả việc xới cơm, múc canh vào chén, sắp xếp đồ ăn trong mâm, để chén đũa như thế nào,… Với ông, cầm đôi đũa ăn cũng phải kiểm tra đôi đũa, cái chén dứt khoát không được khờn miệng chứ đừng nói là nứt mẻ. Có hôm ông sai tôi xếp lại các món ăn trên mâm cho thật hợp lý. Khi ăn phải từ tốn, nhai miếng nhỏ, vừa gọn trong miệng, ăn uống phải thanh tao, kể cả đi đứng cũng phải nhẹ nhàng, chậm bước vững vàng. Có lẽ ông thấy tôi nghịch ngợm quá, nên bằng cách này ông kiềm chế tôi chăng? 

Không biết vì lẽ gì, nhưng những gì ông dạy sau này lại là trở ngại lớn cho tôi! Vì khi ông mất tôi phải hòa nhập với thế giới chung với tất cả các thành viên trong nhà, cái thế giới hoàn toàn trái ngược với thế giới “bên ông”. Nó đem đến cho tôi sự thương nhớ ông vô bờ trong từng giờ từng khắc.

Hai cô

Ông bà chỉ có hai cô con gái, cô thứ bảy và cô thứ chín, đó cũng là cô Út của tôi. Bà kể, nhà nghèo khó lắm, nhưng từ khi sinh được cô Út thì như cuộc “hồi sinh”, gia đình phát đạt hẳn, bà nói theo tử vi thì nhờ bà sinh được liên tiếp ba người con thứ bảy, tám, chínlấy được tam hạp “Thân-Tý-Thìn” nên gặp được vận may. Như vậy theo lẽ, phải thương hết ba người, đàng này không phải vậy, chỉ cô Chín là được ưu ái, được ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn. Còn cô Bảy và chú Tám thì không hiểu sao ông chẳng những ít thương mà hình như còn có sự hà khắc. Cô và chú sợ, rất sợ ông! Chú đỡ hơn vì có nghề hớt tóc nên thường ở bên ngoài, chỉ tội cô, quanh quẩn trong nhà nên rất dễ bị la mắng.

Các cô rất thương tôi, má tôi hầu như không phải lo cho tôi đi học mà chính hai cô là người “tô vẽ” cho tôi khá tươm tất, xinh xẻo: chải đầu, kẹp tóc, thắt bím, cột nơ,… đủ kiểu và đủ màu. Mỗi sáng, tôi tung tăng đến trường trong những ánh mắt nhìn theo trìu mến, yêu thương; ra đường thì bao lời trầm trồ, khen ngợi, tôi ý thức được điều đó nênkênh kiệu và đầy kiêu hãnh. Nhưng cũng có những ngày đi học về nước mắt ngắn dài, rền rĩ vì bị bạn ăn hiếp, tống tiền. Ông liền lên tiếng: 

“Không tô vẽ cho nó thái quá. Sạch sẽ, tươm tất là được rồi. Càng nổi bật càng làm cho người ta ganh tỵ, ghen ghét, chẳng ích chi!”

Một bài học nhỏ cho con về sự khiêm nhường và hãy giấu cái tôi! 

Cô Chín

Cô Chín “du học” xa nhà, vì cô học ban Cổ ngữ nên phải ra Nha Trang rồi ra Huế để theo học. Cô học giỏi lắm nên gia đình sẵn sàng lo chu toàn, vả lại cả nhà chỉ mỗi mình cô ăn học nên cũng là niềm vui chung. Chỉ ông, chỉ mỗi ông than riêng với bà mà tôi tài lanh nghe được, nhớ và kiểm nghiệm thì lời ông quả không sai! Ngày lo lộ phí cho cô ra Huế, bà cùng đi để ra gửi gắm người quen cho cô trọ học, ông nói: 

“Nó học giỏi cũng mừng, nhưng nó có bằng cấp cao mấy đi nữa thì đời nó cũng rất long đong, tha phương cầu thực. Con Bảy tuy dốt nát nhưng lại được an nhàn. Tui không biết cơ duyên nào, nhưng nó chơi với bảng đen phấn trắng. Nó làm bà chủ.” 

Vậy là cô Chín miệt mài học tập, sau Huế lại vào Sài Gòn thi vào trường Đại học Sư phạm, đậu cả thủ khoa. Cuộc đời tiếp theo của cô khá là “phong phú”, có lẽ cả một tập truyện ngắn mới chuyển tải được.

Cô Bảy

Cô Bảy và má tôi là hai người phụ nữ bên bà như hai cánh tay phải, trái… nên không thể không nói đến hai từ “vất vả”. Mỗi người một cảnh ngộ, một sắc thái riêng và chuyện chị dâu, em chồng vẫn là chuyện muôn thuở. Nhưng dẫu sao trong chừng mực nào đó vẫn có những điều tâm sự riêng tư mà chỉ những người cùng trang lứa mới có thể tâm tình cặn kẽ được. Ngày ấy, cô chỉ có má tôi bên cạnh mà thôi. Tâm sự được ký gởi. Tâm sự một đời người.

Cô Bảy sống trong gia đình như một chiếc bóng, cặm cụi làm việc, hết chuyện nọ đến chuyện kia, xoay vòng. Bè bạn cũng chỉ đôi ba người cùng trang lứa, chỉ gặp gỡ trò chuyện vào buổi tối, chứ có ai là người rảnh rỗi đâu. Những đêm trăng thì chỉ biết xuống cầu Đạo Long hóng gió, ngắm trăng tâm tình, và chỉ vậy. Cô không biết gì nhiều ngoài xã hội. Má tôi tuy vậy còn biết đến phim ảnh, cải lương, tuồng nào cũng biết, đào kép nào chỉ cần cất tiếng là biết ngay tên. Bà cũng khen: 

“Nó giỏi thiệt! Chẳng đi đâu, cũng không đi xem hát mà đào kép nào cũng biết.”

Bà có biết đâu, đó là vốn liếng của một thời xuân sắc, là của hồi môn ít ỏi má mang về nhà chồng để rồi yên phận trong xó bếp.

Cả cái tư duy về cuộc đời của cô cũng rất đơn giản: Cô không mơ cho mình cuộc sống riêng tư, độc lập, cô đã quen lối sống quây quần, lệ thuộc. Cô chỉ nghĩ đơn giản suốt đời cô sẽ sống với anh em, chỉ mong anh em mình giàu có để cô được lo lắng, được nhờ vả. Bởi vì, ngay lúc nhỏ, cô có bệnh về mắt, ông lại quá nghiêm khắc với cô, các anh thương, thường che chở, bảo bọc, nên cô luôn nghĩ suốt đời sẽ luôn như vậy. Các anh rất sợ cô khóc, khóc sẽ hại mắt nên thi nhau mà dỗ dành. Thế là cô đem “đôi mắt” ra làm áp lực, khóc thì ít, mà dụi thì nhiều…

Khi tôi có tí trí khôn thì cô cũng đã 25-27 tuổi, cô vẫn thui thủi trong nhà, không bè bạn. Các bạn cô cũng lần lượt về quê hoặc theo chồng. Bạn cô, giờ chỉ còn người chị dâu kém cô một tuổi, là má tôi, cũng lầm lũi trong góc nhà, xó bếp, lại luôn ủ dột. Cô cũng có chút thu nhập từ những món đồ bán được do bà cho, nhờ đó, cô đã san sẻ cho má tôi những manh quần, tấm áo mà người chồng là ba tôi chẳng bao giờ nhớ, nhưng lại luôn nhắc: nâu hoặc đen thôi! 

Ngay từ thời thơ dại, chú Tám và cô không được ông yêu thương. Cô là người chịu khổ nhất. Những món ăn ông thích, cô phụ bà làm. Tôi nhớ có lần chứng kiến cảnh cô làm món lươn mà tôi hãi hùng đến tận bây giờ. Thường, nhà có chú Mấu, là người luôn giúp đỡ cô những việc khó khăn, nặng nhọc, trong đó có việc làm thịt lươn. Lần này, chú đã đi quân dịch, thế là cô phải tự mà làm. Có ai biết được cô sợ nó như thế nào đâu. Mà có biết thì ai có việc nấy nên “việc ai nấy lo”. Cô sợ, nên lo chuẩn bị một đống tro khá lớn như mọi khi chú Mấu làm. Chú thường cầm tro đầy hai tay, rồi nắm con lươn tuốt mạnh, vừa sạch chất nhờn, vừa làm giãn các đốt xương sống nên nó chịu chết hoặc nằm yên để chú làm các việc tiếp theo. Đàng này, cô sợ quá, mang nguyên cái thau đựng lươn hắt vào đống tro. Tai họa! Tro thì trôi hết, lươn bò lổn ngổn, quằn quại chạy tứ phương. Cô hoảng kinh hồn vía, nó bò đi hết thì làm sao với ông? Bắt nó thì cô cũng như ôm lấy thần chết, mà có khi thần chết cũng không đáng sợ bằng (vì tôi cùng chung nỗi sợ hãi như cô nên rất hiểu). Nhưng cái uy của cha đã lấn át tất cả, cô quơ vội nắm tro, chụp lấy con gần nhất, tuốt mạnh, do sợ nên nắm không chặt, không đủ lực, thế là nó không nằm yên mà lại bò tiếp; cô, cứ nắm tuốt một cái vội buông ra, khóc thét lên từng hồi…

Loay hoay một hồi, cô cũng chỉ làm được duy nhất một con. Còn lại chẳng biết bò đi đâu? Một con lươn đem vào, cô đánh đổi cả mười năm tuổi thọ cho sự hãi hùng, và giờ thì thêm nỗi sợ: Mất những bốn con! Sao đây? Tôi làm nhân chứng, tôi tả tỉ mỉ cảnh khổ của cô. Bà im lặng nhưng đầy vẻ lo lắng, băn khoăn. Bà thương cô nhưng sợ không can nổi cơn sấm sét của ông.

Bà lo chế biến món ăn, thường những món ông thích đều do bà trực tiếp nấu. Cơm được dọn lên, cũng do cô bưng mâm. Cô đi mà người run lẩy bẩy. Mọi ngày cô cũng chẳng dám nhìn lên, hôm nay hình như cô còn cúi thấp hơn. Thật ra, ông cũng chẳng biết gì chuyện nhà bếp, miễn có món ông thích là được, nên ông không hỏi ít hay nhiều, chẳng qua vì cô quá sợ nên thần hồn nát thần tính.

Mọi chuyện kể như xong nhưng với tôi thì nó “không xong”. Hôm ấy, ông ép tôi ăn món lươn xào kim chi, bún tàu, nấm mèo, theo ông là rất bổ mà tôi thì ốm yếu, cần tẩm bổ. Mọi ngày tôi vẫn ăn và biết là rất ngon, những món bà làm thì chẳng chê vào đâu được, nhưng hôm nay khác rồi. Khác lắm rồi ông à! Con không thể ăn được nữa! Cái cảnh cô hãi hùng, khóc thét sau mỗi cái tuốt, mặt cô tái xanh, nước mắt đầm đìa, mồ hôi ướt đẫm… Cô sợ, mà vẫn phải lăn lộn trong cái đống lổn ngổn, nhầy nhụa đó để có được món ăn. Những con vật cũng sợ chết, tìm đường thoát thân. Tất cả phơi bày trước mắt con, và con cũng rất sợ. Rồi tình cờ, trong một tập truyện có tên Truyện cổ nước Nam hay gì đó mà lâu rồi tôi quên mất, lại có chuyện “Sự tích con lươn”, hóa ra con lươn là hóa thân từ… bà Vãi. Vậy là tôi nghỉ luôn chuyện ăn lươn. Cái hình ảnh ấy ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Cho nên trong chuyện ăn uống tôi không thích vật vã vì miếng ăn, cũng không muốn làm phiền ai để được món ngon cho mình. Ăn đơn giản, gọn nhẹ, còn muốn cầu kỳ thì…ra tiệm. Họ kinh doanh. Chuyện ấy rõ ràng là vậy, không gì phải ngại.

Kể dài dòng như vậy, chẳng qua tôi muốn nói đến sự ỷ lại, thiếu tự tin và không nhìn ra cuộc đời của cô, cái áp lực mà cô luôn nếm trải trong gia đình tuyệt nhiên không gợi cho cô ý chí quật cường, tự giải thoát mà vẫn cam tâm chấp nhận, luôn tin và một lòng sống nương tựa vào gia đình…

Năm ấy, sức khỏe ông yếu dần, ông hay mệt. Cứ ba hôm tôi lại ra hiệu thuốc bắc Tế An Đường (là hiệu thuốc lớn và uy tín thời ấy) bốc thuốc cho ông, cô và bà phụ trách sắc cho ông uống. Ông thật tinh tế. Thuốc đem lên đúng lửa đúng lượng ông biết đã đành, hôm nào chưa đúng mà sợ cháy thuốc nên rót sớm tí, nếm vào ông hỏi ngay; lỡ 7 phân mà để cạn còn 5 phân, nước sau dư chút bù cho đủ, ông cũng phát hiện…

Rồi, do đâu không rõ, có một vị khách, mỗi sáng đều ân cần đến vấn an ông, khi thì cà phê, khi thì cái bánh bao. Vị khách cũng khá lớn tuổi, sáng nào cũng trò chuyện râm ran. Ai cũng lạ, cũng thắc mắc nhưng đố ai dám hỏi! Bà thì càng kín tiếng hơn. Không phải chờ lâu, chuyện rồi cũng rõ. Ông ấy đến, đặt vấn đề xin cưới cô Bảy. Ông bà bàn bạc, cuối cùng chính bà là người thông báo cho cô. Thông báo chứ không phải hỏi ý kiến! 

Được biết, nhà ông ấy chỉ ở bên kia đường, hơi xeo xéo với nhà tôi, ông đã có một đời vợ, một con gái đã có chồng, sinh cơ lập nghiệp ở Đà Lạt nên không lệ thuộc gì, cô về chỉ ở với ông, quản lý cửa hàng bi-da, cơm nước vậy thôi. Cô buồn, nhưng không phản đối hay không dám phản đối, không ai rõ. Chỉ vắn tắt cái ưu điểm duy nhất cô chấp nhận là: Được sống gần nhà, về thăm mẹ lúc nào cũng được, gần gũi anh em, con cháu cô đỡ buồn, lại không phải cảnh “làm dâu”. Với cô vậy là đủ. Ngày cưới sẽ do ông quyết định. 

Những ngày tiếp theo, cô buồn hẳn, vẻ mặt lúc nào cũng trầm tư. Công việc thì vẫn đều đều nhưng cô càng trở nên thầm lặng. Thỉnh thoảng cô và má tôi to nhỏ trò chuyện và cô khóc! Dù không biết gì chuyện tâm tình của cô nhưng khoảng thời gian đó tôi cũng buồn lây. Tôi buồn vì cô trầm mặc trong nỗi buồn, tâm trí cô để tận đâu đâu, cô quên hẳn mấy đứa cháu đang hóng cô từng chiều. Bởi trước đây, chiều nào mấy đứa cũng rộn ràng khăn áo, hào hứng xách một giỏ thức ăn do cô và chú Mấu chuẩn bị cho từ buổi trưa, lúc gần đây chú Mấu đã đi quân dịch, thì chú Cựu thay giúp. Đó là những mo cơm vắt bằng cái mo cau hoặc chiếc khăn trắng dày, cắt thành từng miếng, trắng phau, mịn màng, dẻo thơm. Món cơm này ăn với thịt hon do cô làm, mới nhìn đã rệu nước miếng. Thịt được cắt nhỏ, thường là thịt nạc nhưng có dính theo tí mỡ, cô khử tỏi thơm phức, hon ráo rẻ, vàng ươm màu cánh gián, vừa đủ mặn vừa đủ ngọt, nước keo sền sệt, chấm ăn kèm với cơm vắt thì… không còn gì mê tơi bằng. Những món này, tụi tôi cùng nhau xách đi ra bờ sông, để trên bờ cỏ xanh mượt, rồi hè nhau xuống sông tắm, tắm thỏa thích mới lên thay áo, bày mâm. Tuổi thơ tụi tôi nhờ vậy thêm nhiều kỷ niệm. Dòng sông quê hương, chắc ai cũng có, nên mỗi khi nghe đâu đó cụm từ “dòng sông tuổi thơ” hay đại loại như vậy thì kỷ niệm xưa lại tràn về trong ký ức tôi với những chiều yên ả, nên thơ bên dòng sông hiền hòa, thật đẹp với đôi bờ xanh ngát màu tre, màu keo trải dài xa tận cuối trời, cửa biển… Bây giờ, thì tất cả chỉ còn trong ký ức, bờ bãi xưa vẫn bên lở bên bồi, nhưng những vạt cỏ năm xưa không còn nữa, bờ cát cũng mất dần theo những xe cát đi xây cửa, xây nhà. Giờ bờ sông lồi lõm thật vô duyên, dòng sông nhiều khi trơ đáy thật nhớp nháp. Ôi! Kỷ niệm về những chiều vui êm, hạnh phúc đã không còn nữa, không chỉ với bây giờ mà hầu như nó mất cùng với tin “Cô lấy chồng”. 

Dượng Bảy – ông bà bảo tụi tôi gọi chồng sắp cưới của cô như vậy – thường qua nhà bàn bạc với ông bà chứ cô ít gặp. Để chuẩn bị cho ngày cưới, cô được quyền nói cô thích gì để ông ấy lo sính lễ, chuyện này ông bà để cô quyết định. Cô lại khóc, chỉ nói được một câu: Người ta sao tui vậy! Sau này lớn lên nhớ lại tôi mới buồn cười chứ lúc ấy thì có biết gì. Như đã chuẩn bị từ trước, hỏi là hỏi vậy thôi, ông ấy nói ôn tồn, giọng Huế rặt ri: 

“Tui lo cho Bảy đủ bông tai, nhẫn, cặp áo cưới theo phong tục, cả đôi xuyến vàng. Giờ Bảy xem có thích cái này không? Không thích thì tui đi đổi.”

Ông ấy đưa ra cho cô xem ba mặt cẩm thạch tiền điếu, hai mặt làm bông tai và một làm mặt nhẫn để đeo kèm với chiếc nhẫn trơn. Ông bảo: “Nhẫn cũng làm thành đôi.” 

Cuối cùng là một xâu chuỗi cẩm thạch thật đẹp, màu xanh nho. Sở dĩ tôi được biết tỉ mỉ vậy là bởi ngày ấy chẳng hiểu sao tôi luôn giữ vai trò… quân sư. Quân sư chỉ có nghĩa bóng là “người được đi kèm để trấn an đương sự” thôi, cô kéo tôi ngồi với cô cho có bạn. Vừa thấy xâu chuỗi ngọc thạch, tôi mê tơi, buột miệng: “Đẹp quá”! Cô ký nhẹ lên đầu tôi rồi… mắc cười luôn! Vậy là xong màn “sính lễ”. Ông ấy còn đưa cô cái phong bì, dặn: “Đây là tiền để Bảy đi mua cặp áo cưới, thích gì thì mua nấy. Ôn với mạ biểu tui cứ đưa cho Bảy, ôn mạ không nhận gì cả!”.

Ông ấy ra về, thật vui vẻ! Còn cô, vừa xuống nhà lại khóc. Đêm ấy cô trải lòng với má tôi. À! Hóa ra là vậy! Nghe cô nói, tôi mới nhớ.

Đời người con gái, dù sang dù hèn, dù đẹp hay xấu, dù được học hành nhiều chữ nghĩa hay u mê trong mớ bòng bong xó nhà thì vẫn có một tình yêu, vẫn được sống qua cái tuổi hoa niên đầy thơ mộng, và mộng mơ được chắp cánh. Hạt giống yêu thương vẫn nẩy mầm còn có đơm hoa kết trái hay không lại là cơ duyên khác. Cô không ngoại lệ. Tình yêu đầu của cô đã trao cho chú Mấu, người làm công được bà đưa từ ngoài quê vào. Chú cũng được người, chân thật, siêng năng, tận tụy với công việc, mà có lẽ cũng xuất phát từ tình yêu với cô nên ngoài công việc của mình, chú sẵn sàng làm giúp cô mọi việc khác.

Thảo nào, ngày chú đi quân dịch, trước khi được chuyển ra quân trường, cô và má tôi có đi thăm chú, tôi cũng được đi, lên tận Tháp Chàm. Đến nơi, chờ chú ra, hỏi thăm qua loa, rồi má dẫn tôi đi mua quà, chỉ còn cô Bảy và chú. Vậy là, ngay từ đầu, má đã biết chuyện hai người. Giờ thì lời tâm sự của cô chỉ để trút nỗi lòng và là lời dặn dò sau cuối: “Tui đã hứa, chờ ngày nó mãn quân dịch sẽ lấy nhau, mà giờ chuyện như vầy… tui không biết sao nữa. Thôi thì sau này nó về chị nói giùm, biểu đừng giận tui, tui không có ý phụ bạc nhưng ba khó quá, sao tui dám cãi” (Trời ơi, cô có cái cách gọi thật kỳ khôi, mà có lẽ nhờ vậy cô thoát khỏi tai nạn sau này). Và cô cứ khóc, chuyện yêu đương của cô hầu như chỉ má tôi biết.

Cả chuyện cưới chồng của cô cũng chỉ má tôi phụ trợ, vì ngày ấy cô Chín đi học xa nhà, thím Tám cũng mới bỏ nhà ra đi, thế nên má là người dẫn cô đi đo tay làm nhẫn, làm xuyến, chọn kiểu bông tai, đi chọn áo cô dâu. Cô chọn mua ở tiệm vải sang chảnh ngày ấy. Đôi áo: một hồng, có hoa lá cùng màu nhưng nhạt hơn, thật đẹp; một áo màu xanh nho, có những hoa nhẹ màu vàng nhạt, xanh đậm, dệt kim tuyến, quá là đẹp! Nhìn vào, rõ ràng đám cưới cô sang trọng, nhưng cô vẫn không nguôi nỗi buồn. Ngày cưới sắp đến…

Làm sao cho vẹn? 

Những ngày thơ dại qua mau, dẫu có nuối tiếc cũng không sao quay ngược thời gian. Rồi tôi cũng quên nhanh nỗi buồn không được tắm mát mỗi chiều trên sông, cũng không còn thèm món cơm vắt, thịt hon nữa, tôi có nguồn vui khác. Mỗi tối cuối tuần, ông chỉnh trang y phục, ngắm tới, ngắm lui trước gương và hỏi tôi: 

“Xem xem, lưng ông đã còng chưa?”

Tôi đâu dại gì nói lưng ông còng. Chỉ đáp gọn: 

“Ông đi thẳng lên lưng ông sẽ thẳng!”

Và hai ông cháu, có khi cả em Đông (con nhà chú, ông cũng rất thương em) ra kêu xích lô, cùng dạo phố. Đó là đoạn đường không xa lắm, non một cây số, tôi ước chừng vậy, có khi chưa tới, để đi ngang chợ ra “Con Cóc”. Đó là một điểm vui chơi hóng mát, nơi ấy có một hồ nước, giữa là một bệ cao, trên cùng có một con cóc to được đúc bằng xi-măng, miệng cóc há rộng, từ đó nước phun thành những tia mỏng, lấp lánh dưới ánh đèn đường.Ông không có nhã hứng hóng mát ngắm cảnh, chỗ ông đến là tiệm thuốc bắc Tế An Đường, mỗi tuần ông ra để kiểm tra, dặn dò gì đó với chủ tiệm cùng mớ toa thuốc toàn là chữ tàu, sau khi đã cho tôi tiền để đi ăn chè. Ngày ấy, chỗ này có rất nhiều tiệm chè ngon, hấp dẫn lắm! Nhất là món chè sâm bổ lượng, tôi rất thích những hạt bo bo trắng ngần, xen lẫn với táo tàu, nhãn nhục, hạt sen, nho khô và cả các cọng phổ tai. Ông còn dặn thêm: 

“Nhớ mua ít bánh kẹo để dành ăn cả tuần!”

Do vậy, tôi không còn nhớ nỗi buồn của cô nữa, tôi có niềm vui và nỗi khát khao, chờ đợi khác. Trong khi cô phấp phổng, lo lắng, ủ ê chìm trong nước mắt khi ngày cưới đếm từng ngày.

Xem ra, ngày vui của cô mà chẳng có ai vui. Một không khí trầm lắng, nặng nề lảng vảng. Cô với má tôi thường chuyện trò hơn, trong câu chuyện thường xen lẫn tiếng nghẹn ngào, nức nở của cô. Bà cũng đôi lần an ủi cô, tôi nhớ mãi câu nói của bà: 

“Thôi, tao thấy cũng có cái tốt! Lão tuy già (chỉ dượng Bảy, hình như dượng chỉ thua bà 7-8 tuổi gì đó), nhưng mày được an nhàn tấm thân, gần nhà, không phải cảnh dâu gia. Nó “điếc điếc, lác lác”, lỡ mày ăn nói không phải nó cũng chẳng nghe mà lỗi phải, cái tật mày lại hay nói chùng! Mà nó cũng là dân giang hồ tứ chiến, sành đời, cũng không sợ ai ăn hiếp.”

Ba và chú Sáu thì không tán thành nhưng chẳng dám lên tiếng. Nhà buồn tênh.

Cho đến một tối nọ, cô buồn và có vẻ rất bồn chồn, hoang mang, cứ rù rì với má tôi. Hai người có ý đuổi con nhỏ lanh chanh nên tôi yên phận ở ngoài sân. Chợt dượng Bảy qua, vẻ thất sắc và rất vội vàng, thường giờ này dượng không qua. Dượng gần như một bướcba bậc thang, leo thẳng lên gác, đến chỗ ông, không dừng bước. Vừa đi dượng vừa nói nhanh: “Mạ, mạ lên gác luôn!”. Chuyện người lớn, không nghe được, nhưng tôi cảm giác chuyện chẳng lành. Tôi “hỏa tốc” vào nhà sau báo cáo với má và cô:                                      

“Con thấy dượng Bảy qua, vẻ mặt sao sao đó, rồi bà nội cũng theo dượng lên gác với ông rồi.”

Cô gần như ngã quỵ, níu chặt tay má tôi, nói chẳng ra hơi: 

“Chết tui rồi chị Tư ơi! Sao đây? Chắc tui chết quá!” 

Và cô nức nở nhưng chỉ là khóc nghẹn mà thôi. Tôi chơi vơi giữa hoàn cảnh này, chẳng biết ất giáp gì nhưng thương cô lắm. Tôi lại lăng xăng chạy lên nhà trên… hóng. Tôi nghe tiếng dượng Bảy:

“Giờ ôn, mạ tính sao?” 

Tiếng ông nói: 

“Bà kêu nó lên đây!” 

Tiếng bà thở dài. Bà bước xuống vài bậc thang, thấy tôi liền biểu:

“Mi kêu cô Bảy lên đây cái!”

Tôi lãnh lệnh thật nhanh! Xuống nhà dưới, tôi thông báo lệnh “triệu tập khẩn”. Cô tôi tái xanh, run rẩy toàn thân, lại tiếng than quen thuộc:

“Chết tui rồi chị Tư ơi!”

Vừa nói cô vừa dúi nhanh vào tay má tôi một mảnh giấy nhỏ và dặn, cũng nhanh không kém:

“Chị giấu giùm tui!”

Cô nắm vội tay tôi kéo đi, miệng nói nhỏ: 

“Con đi lên với cô con ơi!”

Trong đầu óc trẻ thơ của tôi, thật tình tôi chẳng hiểu mình sẽ đảm đương vai trò gì trong cái mớ bòng bong này, nhưng đi cùng cô có nghĩa là tôi sẽ được biết chuyện gì đang xảy ra, đơn thuần là vì tò mò hơn là sự sẻ chia. Ôi, tôi giật mình, bàn tay cô lạnh ngắt, nhơm nhớp mồ hôi, bất giác tôi rùng mình! Chuyện gì mà khủng khiếp đến vậy? Mà hầu như chỉ mỗi cô là nhân vật chính.

Hình như ông bà đang rất nóng lòng chờ cô, nhưng người đang bị “thiêu sống” lại là dượng Bảy. Có lẽ mọi người không thấy tôi cùng lên với cô, không ai quan tâm sự có mặt của tôi. Ông quăng trước mặt cô một tấm ảnh. Phải, chỉ mỗi một tấm ảnh mà sao lại kinh hoàng đến vậy? Cô gần như “ngất xỉu”, khuỵu người xuống trong nỗi sợ đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, sức lực hầu như cạn kiệt. Có lẽ cô chẳng còn nghe được câu hỏi của ông:

“Ở đâu ra? Mi với hắn dám chụp cả hình?”

Tôi ghé mắt nhìn: Đó là tấm ảnh cô và chú Mấu chụp chung, chỉ hai khuôn mặt với hai mái đầu kề cận. Vậy là đủ chết rồi! Bà nhắc lại câu hỏi của ông trong nỗi phập phồng:

“Mi nói đi! Sao lại có nó?”

Cô nói trong tiếng nấc và hầu như chỉ bằng hơi thở: 

“Con không biết! Con không có chụp với nó, ở đâu nó có con không biết!”

Rồi chuyện cũng qua trong cơn giận dữ của ông sau lời phán: 

“Mọi việc vẫn tiến hành không gì thay đổi. Lão yên tâm đi về. Còn bà từ giờ không cho nó ra khỏi cửa! Đi hết đi!”

Cô đi xuống nhà mà quên luôn tôi. Cô khá vội vàng, hoặc là có chuyện gì còn gấp và đáng sợ hơn chăng?

Ông mệt cần nghỉ ngơi, bà xuống nhà, mắt bà ngấn lệ. Tôi cũng rất gần gũi với bà nên thương bà lắm. Tôi ngồi một bên nhìn bà ái ngại. Hình như bà muốn nói gì đó nhưng có lẽ tôi chưa đủ tuổi để nghe và hiểu nên bà lại thôi. Bà têm trầu, cái động tác chầm chậm, mệt mỏi làm sao. Một giọt nước mắt rơi trên tay bà. Không nhìn lên, bà nói nhỏ: 

“Bây xuống chơi với cô bây, biểu má bây canh chừng nó.”

Tôi lãnh lệnh, đi xuống.

Ở dưới nhà, cô Bảy đang khóc, từng cơn nấc nghẹn. Hình như cô khóc đã lâu rồi, má tôi ngồi bên cô cũng rớm nước mắt, tôi không dặn má tôi nữa vì rõ ràng trước sau gì má tôi cũng có rời cô đâu. Tôi bị đuổi lên ngủ. Vẻ như cô và má đang có chuyện gì đó rất nghiêm trọng mà một đứa nhỏ lanh chanh và xí xọn như tôi không được nghe. 

Lễ cưới

Tôi đi ngủ, thường là có bà vào cùng, nhưng hôm nay bà vẫn ngồi nhai trầu, hút thuốc. Tôi chờ, chờ khá lâu vì theo thói quen tôi phải măng tay bà, còn bà nhổ lông lưng cho tôi, tôi mới ngủ được. Cuối cùng thì giấc ngủ cũng đến trước…

Mãi lâu sau, có lẽ là khuya lắm, tôi trở mình, tỉnh hẳn khi nghe tiếng bà sụt sùi và cảtiếng ông nói khe khẽ: 

“Bà không nói nhiều nữa, chuyện đã xong rồi! Được chỗ này là yên phận nó. Hắn tuy già nhưng là người tốt, nó không phải khổ. May ra bà có phần nhờ, chứ tui thì chẳng còn bao lâu đâu.” 

Bà lại: 

“Tui không biết chuyện nớ, nếu biết thì chắc cũng tác hợp cho tụi nó chứ không để đến giờ mà chịu dang dở. Cũng tội cho tụi nó!” 

Giọng ông cương quyết: 

“Không bao giờ, thằng nớ thì được gì? Thân nó còn chưa biết ra sao?” 

Sáng ngày, dượng Bảy qua sớm, lên gặp ông, ý rằng muốn cưới sớm vì có câu: “Cưới vợ là cưới liền tay chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Nhưng ông vẫn giữ lập trường, đúng ngày sẽ tiến hành hôn lễ, chẳng cần mai mối, chỉ những người trong gia đình của hai bên, thêm ít khách mời là chỗ thân quen. Ông dứt khoát, chẳng gì thay đổi. Trong khi ấy, cô vẫn chìm trong sự bồn chồn, thất thần, lo lắng không yên. Ba tôi, chú Sáu tuy không tán thành cuộc hôn nhân này nhưng cũng không đồng tình với vụ “tấm ảnh chụp chung” kia nên cũng ra mặt ghẻ lạnh với cô. Chỉ má tôi và bà là xót xa, ái ngại. Rồi bà cũng gặp riêng cô để mà an ủi, bà muốn biết chuyện tình cảm của hai người là từ bao giờ. Bà cũng không giấu giếm suy nghĩ của mình, rằng:

“Tao tối tăm, chỉ lo việc làm ăn không để ý. Mà con Tư (má tôi) cũng thiệt kín miệng. (Chẳng biết bà trách hay khen?) Chứ biết thì đâu để đến giờ, tuổi mày cũng đâu còn nhỏ nữa. Thôi, coi như tụi mày không duyên nợ, đây cũng là chuyện “tham vàng bỏ ngãi”, nhưng tao chẳng thể thay đổi được. Cũng tội cho nó, đi lính đi tráng, sống chết sao biết được. Thôi, mày yên phận đi!”

Sau này, tôi biết được đêm qua là một đêm “bão tố” với cô, má tôi cũng không yên lòng cứ trông chừng cô mãi. Cô vốn là người con gái chân chất, ít học, quen nếp sống, nếp nghĩ giản đơn, sống lặng lẽ trong góc nhà, yên phận thủ thường. Run rủi có người trai kề cận, tình cảm nảy nở một cách tự nhiên nhưng sâu đậm. Chuyện trái duyên đưa đến, cô theo lệnh mẹ cha đã chấp nhận mối duyên. Vậy rồi, tối qua, trước khi dượng Bảy mang tấm ảnh chụp chung kia đến trình báo, thì hầu như cùng lúc cô cũng nhận được một bức mật thư, trong thư ấy chú Mấu hẹn cô: Ngay trong đêm, thu xếp đi khỏi gia đình, chú sẽ chờ cô tại… cho đến 11 giờ đêm. Nếu cô không đến cùng đi thì xem như trọn đời vĩnh biệt. Cô đang ở giữa tâm bão, thảo nào trông cô kinh hoảng đến vậy, thảo nào mà má tôi chẳng dám rời cô. Giờ tôi mới nhớ, trước lúc lên gặp ông, cô đã dúi vội vào tay má tôi mảnh giấy với lời dặn dò “chị giấu giùm tui”. Cuối cùng, cô đành phụ bỏ người tình, ở lại nhà, chờ ngày theo chồng. Chuyện hẹn hò này chỉ má tôi, cô và sau này thêm tôi nữa biết mà thôi. Lý trí lấn át tình cảm, cô chẳng thể theo tiếng gọi tình yêu mà bỏ khổ cho gia đình! Cô cũng thừa biết không ai tha thứ cho cô nếu cô trốn chạy và bà – nhất là bà – không thể nào đương đầu nổi với cơn thịnh nộ của ông, rồi còn tai tiếng với bên ngoài, dù gì sau cô cũng còn em gái. Thế là, cô đành chấp nhận chờ đợi điều cô chẳng những không muốn mà còn rất sợ. Cô đếm từng ngày.

Ngày cưới rồi cũng đến, cô Chín từ Sài Gòn về, bác Ba từ Đà Lạt cũng có mặt. Xem ra, chẳng ai vui. Dượng cũng lo tươm tất lễ vật. Mâm quả không nhiều nhưng rất sang trọng. Cô mặc áo cô dâu, mang đầy đủ sính lễ, cũng trang điểm môi son má phấn, nhìn xinh xắn hẳn. Hóa ra, tại mình lu lấp chứ cô gái nào cũng có nét đẹp riêng, nhất là khi mặc áo cô dâu. Cô Chín cũng chuẩn bị cho cô bó hoa. Lễ rước dâu diễn ra gọn nhẹ vì nhà chú rể chỉ ở bên kia đường, cách chưa đầy năm mươi mét. Gần vậy mà cô dâu cũng nước mắt ngắn dài, bà và cô Chín cũng rưng rưng, má tôi thì nhìn cô ái ngại, bởi trước khi về nhà chồng cô tâm sự với má con “nỗi lo” nóng rát ruột gan là chẳng biết chuyện tấm hình kia, chồng sẽ… xử trí ra sao. Dẫu rằng, qua sự bàn tán, sự phủ nhận của cô thì tạm cho đó là do kỹ thuật ghép ảnh mà thôi, nhưng liệu “ổng” có tin không? Cô theo chồng mà lòng ngổn ngang trăm mối! 

Cuộc sống lặng thầm

Đâu chừng hai năm sau, một chiều kia nhà có khách. Chẳng ai xa lạ, chính là chú Thơ hàng xóm, người cùng nhập ngũ với chú Mấu được phép về chơi. Chú ghé thăm nhà, trước vì tình lân bang hàng xóm, sau để báo tin buồn về người bạn chiến đấu của mình: 

“Anh Mấu đã tử trận! Một trận chiến thật gay go ở Bồng Sơn!”

Chú cũng thú thật: Người mang “bức thư hò hẹn” kia chính là chú! Chú biết và thương bạn nên đã nhận lời, việc không thành đã làm cho chú Mấu thất điên bát đảo trong thời gian khá dài.

Nhận tin, cô chìm trong nỗi đau thầm kín. Bà cũng trăn trở không yên, thỉnh thoảng bà ngồi trầm tư, nhai trầu trong cái dáng điệu buồn bã, suy nghĩ mông lung kèm những tiếng thở dài não nuột. Cũng phải thôi, ngoài chuyện tình dang dở, chú đã nhiều năm sống trong gia đình mà mọi người xem như thân thuộc. Giờ chú lại vĩnh viễn ra đi, không lần gặp mặt, không kẻ tiễn đưa, không lời từ tạ, sao khỏi xót xa, trăn trở.

Cô vẫn thường về nhà chơi, nhiều hôm, bà cất lời an ủi: 

“Thôi, duyên phận đã vậy, bây đừng tơ tưởng nữa! Kiếm mụn con an ủi tuổi già, gái trai không kể!”

Những khi ấy, cô chỉ cúi đầu rồi nhìn xa vời, đầy vẻ ưu tư, ảo não nhưng tuyệt nhiên không nói gì. Cho mãi đến sau này, sự thật được cô tiết lộ với má tôi: Từ khi về nhà chồng, tuy dượng rất tốt, lo lắng chăm sóc cho cô, mua sắm không tiếc, ân cần trên mọi phương diện, nhưng chuyện “vợ chồng” thì lại “chung giường riêng mộng”! Dượng cũng thẳng thắn thú nhận với cô ngay đêm đầu “hợp cẩn” rằng: Thời trai trẻ quá trác táng, nên khi lớn tuổi đã không còn khả năng. “Tui cũng sẽ cố bù đắp cho Bảy nhưng chuyện con cái thì không thể”. Thảo nào nhìn cô mới buồn thảm làm sao! Ánh mắt cô luôn ưu tư, tuyệt vọng. Cô đã giấu nỗi buồn quá lâu.

Thường mỗi tối, cô hay về nhà, nằm trên chiếc giường thời con gái, lũ cháu vây quanh trò chuyện. Có lẽ đó là nguồn an ủi, những lúc có thể vui của cô. Rồi, có một tối, thằng em nhỏ có mấy viên bi ve mới rất đẹp, đang chơi thì cô bảo đưa cô xem, cô cầm ngắm nghía khá lâu, soi lên đèn, khen đẹp. Bỗng cô kêu thất thanh: 

“Lý ơi Lý, mấy đứa, cứu cô với.” 

Hoảng vía, quay lại nhìn cô thì trời ạ, Không thể hình dung nổi! Chả lẽ cô đang “lâm nạn” mà mình lại cười, nhưng lại không thể nhịn được. Chẳng hiểu cao hứng kiểu gì, cô nhét cả hai viên bi vào lỗ mũi. Cô có phần xấu gái, với chiếc mũi to, thô, giờ hai viên bi càng làm căng đầy cái mũi, không làm sao lấy ra được. Cô nói trong làn hơi nghèn nghẹt: 

“Làm sao lấy ra giùm cô, cô thở không được!”

Cả bầy con nít trơ mắt nhìn, tôi chỉ nói được: 

“Cô há miệng ra, thở bằng miệng đỡ đi!”

Rồi tôi xoay lưng, chạy lẹ lên gác, nơi ông bà thờ đủ cả Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát, Bà Chúa Tiên và cả Quan Thánh. Tôi van vái thật nhanh, chắc các vị chẳng nghe kịp tôi xin điều gì. Rồi tất tả chạy xuống, cô vẫn chưa lấy bi ra được. Tôi nhớ đến ba tôi đang học thêm nghề sửa đồng hồ, ông có cây nhíp thật nhỏ, hy vọng kéo ra được, nhưng tìm không thấy, tôi đành sai đứa em nhỏ đi kiếm ông già. Ngày ấy kiếm ông khó lắm, chỉ tôi mới biết các chỗ tụ họp của ông, vậy là phải lộ một chỗ mà chắc chắn giờ này sẽ có. Tôi tiếp tục van vái, có lẽ không thành tâm lắm vì vừa vái tôi vừa hình dung: 

“Nếu mà không lấy ra được, chắc chắn phải đi nhà thương, họ sẽ xẻ mũi cô, lấy bi ra, chỉ cần xẻ một bên thôi, bên kia sẽ lấy được. Cô sẽ làm một chiếc khoen bằng vàng thật đẹp, đeo vào như minh tinh Ấn Độ, có lẽ cũng đẹp lắm!”

Tôi tỉ tê, trấn an cô theo kiểu này. Cô vừa khóc vừa cười, nhưng không nói nổi! Rồi, cũng là cô la to: 

“Á, ra rồi mấy đứa…”

Tôi thầm nghĩ: Một viên ra được, tất viên kia cũng ra. Cũng ngay lúc ấy, tiếng ông già sau lưng vang lên: 

“Tao không hiểu nổi, già đầu mà chơi gì…”

Hóa ra, ba tôi cũng đã kịp nhìn thấy. Ôi, tai qua nạn khỏi, một câu chuyện mà mãi sau này vẫn luôn được nhắc mỗi khi có dịp.

Biết được hoàn cảnh của cô, bà lại thở dài thương cảm, khuyên xin đứa con nuôi, nhưng cô không đồng ý. Dượng cũng nghĩ đến điều này nên đã khuyên cô: 

“Để tui xin cho Bảy đứa con, con gái để sau Bảy nhờ khi tuổi già. Tui tuy vậy cũng có đứa con, chứ Bảy chỉ một mình.”

Có lần, dượng cất công đi xin về thật. Mẹ cháu mang đến tận nhà nhưng cô một mực không nhận, chỉ cho ít tiền. Mọi người lại khuyên: cháu đông, thôi thì chọn một cháu làm con vậy. Cô cũng không nhận. Vậy là đến khi dượng mất, cô sống chỉ một mình. 

Sau 1975 cô thu vén, bán nhà, gom vốn đem gửi ngân hàng và về ở nhà ông bà để gần gũi các cháu. Được cái nhà sống cũng quây quần nên cô đỡ lẻ loi. Niềm vui của cô lúc ấy là đi qua hàng xóm, nhất là nhà chú Thơ, người đã đem thông tin của chú Mấu về, chơi với các cháu trong nhà, nghe cải lương. Có nhiều hôm tôi thật thương cô, tôi biết cô vẫn đang hoài tưởng về cuộc tình tan vỡ, về số phận hẩm hiu của mình, đó là những lúc nghe xong một tuồng cải lương, cô lặng lẽ hồi lâu trong suy niệm, rồi cất tiếng: 

“Cô thấy cải lương tuồng nào cũng vậy, lúc đầu nó thương mà không ưng được, rồi cuối cùng nó cũng được lấy nhau con hơ!”

Tôi biết tâm trạng cô, biết rằng cô vẫn luôn mơ tưởng, tiếc thương chuyện cũ. Nhưng liệu ích gì? Nên cũng nói cho qua chuyện: “Vậy mới là cải lương, mới là truyện chớ cô, ngoài đời là theo số chớ không theo ý”.

Những ngày cuối đời, cô sống trong bệnh tật, cô buồn nhiều và lo nghĩ đến cái chết. Tôi cũng chẳng biết làm sao, đó là tâm lý chung của người già mà. Chỉ khuyên cô: Cái chết không gì phải sợ, chỉ cần cô giữ cái tâm an lành, thanh thản, sống mình làm việc tốt thì sẽ thanh thản ra đi. Cô cũng chân thành tâm sự: “Cô không làm điều gì ác, không tham lam của ai, chỉ có điều cô… hung dữ lắm, mắng chửi hơi nhiều, cái chỗ cô mà không vậy thì hết vốn”. Tội cô quá! Tôi cũng chỉ biết khuyên: Nếu có đức tin, cô niệm Phật xin sám hối là không sao. Cô hỏi lại: Thiệt không con? Ôi, thiệt hay không tôi cũng không biết nữa vìtôi đã trải qua đâu, nhưng vẫn phải gật đầu xác nhận: “Thiệt mà, cô không nghe chùa thường nói tiếng sám hối đó sao?”. Tôi còn dỗ dành và dụ cô: Cô ráng đến ngày giỗ ba con rồi “thăng thiên”, anh em giỗ chung cho ấm áp, khỏi sợ quên, không ai nhang khói nhen! Cũng chỉ là kiếm chuyện nói cho cô vui, nhưng cô cũng thật thà, than: 

“Cô cũng muốn vậy nhưng sợ không ráng nổi! Cô mệt lắm rồi.”

Quả vậy, chỉ còn một tuần nữa là đến giỗ ba tôi nhưng cô đã xuôi tay, nhằm ngày 30 tháng Mười âm lịch. 

Đám tang cô rất ấm cúng, đầy đủ nghi lễ, mồ yên mả đẹp, đầu gối núi, chân gác biển, nơi đó cô sẽ được nhìn trời biển bao la, hưởng khí trời mát mẻ, trong lành, một sự tự do trong thênh thang. Chỉ mỗi một điều: Cô chỉ có một mình trên cõi thênh thang này, vì tất cả mộ của ông bà, ba tôi, chú Tám, các cháu nhỏ lại ở một nơi khác, nơi ấy không cho đến chôn cất nữa. Vậy là cái phận “cô đơn” vẫn theo cô đến chết, đúng như lời ông tiên tri: “Số cô là số canh cô mồ quả”. 

Cuối tháng là đến giỗ của cô, bài viết này phần để kỷ niệm, phần để con cháu biết về cô. Bà Tổ Cô có số phận hẩm hiu, dù sống cuộc sống vợ chồng nhưng thật cô đơn và đến chết vẫn là một trinh nữ. 

​     
Chú Sáu Toàn

Hôm 11 tháng Mười âm lịch vừa qua là ngày giỗ đầu của chú. Con cháu khá đông đủ, chắc chú vui lắm, bởi cứ truyền thống “người miền Trung” mà nói thì tâm lý chung là thích quần tụ họ hàng, con cháu trong những ngày lễ Tết, giỗ chạp. Năm nay, gia đình mấy chị em tôi lên khá đông, trước là thắp cho chú nén nhang, sau để có dịp vui cùng nhau, điều xưa nay ít có.

Nói về chú, trước hết là lòng tri ân sâu sắc của chị em đối với chú. Kể ra thì khó có thể đủ và hết những điều chú đã cho, đã giúp gia đình nhỏ của tụi tôi. Không thể nói hết được tấm lòng của chú thật sự bao la như thế nào trong những ngày khốn khó của gia đình tôi mà có lẽ các em tôi không thể biết, lại càng không thể hiểu.

Trong đại gia đình của dòng họ, chú là người khó tính, nếu không nói là cộc cằn, nhưng chú thật sự độc lập, không nương dựa vào anh em. Thím là người khôn ngoan, tần tảo, đã xây dựng một gia đình sung túc, khá giả. Tuy vậy, hằng ngày chú vẫn xuống nhà nội, giúp bà trong công việc làm ăn, chú vẫn là chủ chốt. Mãi cho đến khi bà nội chuyển giao việc làm ăn cho má tôi, chú vẫn xuống giúp như không hề có chuyện “thay ngôi đổi chủ”. Rồi trong cơn lốc xoáy của gia đình tôi, do ba tôi có mối tư tình, chú vì thương đàn cháu dại, đã không quản ngại đến tận nơi “dẹp loạn” để đưa ba tôi trở lại gia đình trong sự hằn học của ông. Một chỗ dựa tinh thần mà má tôi luôn nhớ và mang ơn vì xét cho cùng, ngày ấy, chỉ có chú là người đứng hẳn về gia đình tôi mà ra sức bảo vệ, chở che.

Dòng đời trôi lặng lẽ trong cảnh yên lành thì biến cố lớn xảy ra. Sau tháng 4/1975, việc làm ăn trở nên khó khăn, nhà đông con, ba tôi canh cánh nỗi lo “kinh tế mới” nên đã cùng bè bạn đi khai hoang, làm rẫy. Được hơn một năm, cũng trồng được khoai, được đậu, sau là thuốc lá, nhưng thuốc lá chưa thu hoạch thì ba đã lâm trọng bệnh. Bệnh của người quen nếp sống thị thành, chưa từng sương gió, nay dãi nắng dầm sương chốn núi rừng: sốt rét ác tính. Ngày ấy, khó lắm! Nhập viện là sinh mệnh do bác sĩ toàn quyền quyết định, không được can thiệp thuốc men, dù có cũng không được dùng, chỉ theo thuốc của bệnh viện, rồi dù bác sĩ tận tình giúp đỡ, cứu chữa cũng chẳng ích gì. Giờ phút cuối cùng bác sĩ mới thương tình cho gia đình đưa thuốc vào, nhưng cũng chỉ kéo dài sự sống của ba thêm một ngày, một đêm. Tất cả, đã quá muộn màng, tất cả, sụp đổ trước mắt tôi…

Ngày ấy tôi chỉ hai mươi ba tuổi, sau lưng là bảy đứa em, đứa nhỏ nhất ba tuổi. Tôi đang dang dở học hành, còn lại đều đang tuổi ăn học. Sao đây? Nhà rối ren, hỗn loạn, nhất là khi ba tôi được đưa về trên chiếc băng ca phủ kín.

Chín mẹ con nhìn nhau ngơ ngác, đau thương. Tôi trở thành kẻ “dở sống, dở chết”! Trong nhà, lúc ấy, thật sự không có tiền bạc để lo nổi chuyện tang ma. Vậy là, chú, chính chú và cả thím, lẳng lặng đứng ra chu toàn tất cả, từ việc lo quan tài, khâm liệm, lo cuốc đất, lấy huyệt, thợ thầy,… Nghi lễ đưa ba tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, tất tần tật là nhờ chú. Chú đã đứng ra lo tròn mọi việc. Sau khi về an vị bàn thờ, tất cả chúng tôi chỉ tạ ơn chú… một lạy! Để rồi chú lại tiếp tục đỡ cho gia đình tôi “gánh nặng cuộc đời” trong việc mưu sinh, chú vẫn tiếp tục giúp má tôi trong công chuyện làm ăn.

Trong những phút giây tĩnh lặng, tôi vẫn nhớ về những ngày xưa cũ, nhớ và thương chú lắm! Cứ nghĩ đến ngày ấy, nếu không có chú, nếu chú không dang tay che chở, không đưa vai gánh vác cái trách nhiệm của một “người cha” bằng cả tấm lòng thì tụi tôi sẽ ra sao? Sẽ như thế nào? Thật tình, tôi không hình dung nổi, hay nói đúng hơn không dám nghĩ thêm. Ôi, ơn chú muôn vàn! Người cha thứ hai của chị em tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấm thía câu “sẩy cha còn chú”.

Đôi dòng tâm sự nhân ngày giỗ của chú và cũng để các em biết công ơn to lớn của chú. Trong sự thành đạt ngày hôm nay của tám chị em, ngoài công ơn cha mẹ, không thể quên ơn của chú với cả tấm lòng thành kính!

Chú Tám    

Sẽ thật là thiếu sót khi không viết tặng chú, cũng sắp đến ngày giỗ chú rồi. Năm nay, ngày giỗ cũng gần gần ngày chú mất, đúng dịp lễ 30/4 và 1/5. Chuyện này sẽ nói sau vậy. Giờ tôi muốn kể ít nhiều về chú. 

Chú là một trong bốn người con trai của ông bà, con trai út. Như đã kể thì cô Bảy, chú Tám và cô Chín, sinh ra liền kề, được cái “tam hạp” nên việc làm ăn của bà mới hanh thông. Kể đều là con quý nhưng trên thực tế chỉ mỗi cô Út là được hưởng phần ưu ái, còn cô Bảy và chú vẫn phải lam lũ, phụ giúp bà trong công chuyện làm ăn. Nói về chú thì thật tình rất thương mà cũng rất tội! Cuộc sống chú khá đơn giản, sáng phụ gia đình, xong việc thì đi hớt tóc xài thêm, nhưng diện lắm, thả chày ra là diện ngay com-le, đầu láng bóng, tơn tơn đi, thật vô tư, vui vẻ. Duyên nợ của chú cũng thật đơn giản, là người chính thức có hai chuyến xe hoa. Vợ đầu, nội cưới, thím đẹp lắm, nhưng duyên không bền, ngày thím bỏ đi mang theo cả đứa con gái tầm ba tuổi, trôi nổi tha phương, mất luôn tung tích, nguyên nhân cũng vì “cả ghen”. Duyên sau của chú là do chú chọn, bền vững tới giờ, nguyên nhân của sự bền vững này là do thím “chẳng biết ghen”. Ha… ha… thật trớ trêu! Nói vậy để mọi người có thể hình dung: Chú hiền hậu, đơn giản nhưng rất đào hoa! 

Kể về chú thì nhiều chuyện bi hài lắm. Bi hài bởi chính bệnh nhậu của chú. Chú say là chuyện thường. Khi say, chú rất “lý sự” và khi ấy mọi người mới hiểu được tâm tình của chú.  

Trong bốn anh em trai, chỉ ba tôi và chú là biết uống bia rượu nhưng ba tôi là uống vui, còn chú là “bí tỉ” luôn. Riêng chú Sáu và bác Ba không hề biết hơi men. Khi bác về chơi, ỷ vào cái thế “trưởng huynh, trưởng tộc” hay la mắng chú, chú Sáu lại… chêm vào. Chú im lặng, ra sau nhà khóc một mình. Năm ấy, ông già tôi mới mất, nhà còn đau thương lắm. Chú làm cho mấy mẹ con và cả bà nội cùng rơi nước mắt khi mà sau khi đi đâu đó rồi về, chú ngồi trước bàn thờ ba tôi, vừa khóc vừa kể: 

“Trong nhà này… hức… hức… chỉ có anh Tư là hiểu tui, thương tui thôi. Hức… hức… Ảnh biết cầm ly bia, chớ không cần rượu ảnh cũng đã hiểu tui!… Hu… hu… Chớ như ông Ba và ông Sáu cả đời có biết tí bia rượu là gì mà hiểu được tui? Hức… hức… đâu phải say là vui đâu! Buồn mới say, buồn mới uống chớ… hu… hu… Có ai hỏi tui… buồn chuyện gì không? Phải chi anh Tư còn sống, tui còn có người an ủi… hu… hu… hu…”

Đến đây, cả bà nội, cả má tôi không chịu nổi nữa, khóe mắt đã rưng rưng, xúm nhau mà dỗ dành, an ủi chú. Được đà, chú bồi thêm: 

“Chị Tư nói còn được chớ mẹ hở, lúc nào mẹ cũng binh hai ổng hết! Chỉ có anh Tư tui thôi… hu… hu… Giờ ảnh chết rồi… hu… hu…”

Thiệt là một trận “long trời lở đất”! Vì ngay khi ấy, một bầy tụi tôi tám đứa đã xuất hiện và cùng hòa điệu bi ai, trừ cậu em út mới ba tuổi chỉ ngơ ngác đứng nhìn.

Một lần khác, chú ra xóm sau, chè chén sao đó rồi ầm ĩ. Chú đi trước, anh Ban (là cháu kêu má tôi bằng dì, tuổi lớn hơn chú ít nhiều, lại có chút võ nghệ) đi sau, sau nữa là một bầy vừa người lớn vừa con nít, có cả vợ anh Ban, huyên náo cả một góc sân sau. Tôi ngồi trên lầu, qua khung cửa sổ nhìn thấy rõ lắm, chú say ngoắc cần câu, đi liêu xiêu, hai chân gần như dính vào nhau, nghiêng tây, ngã đông, nhưng miệng thật “bén”: 

“Mày ngon hả, ngon thì tao… chấp luôn! Tao đá cho một cái là mày chết ngay nhe! Đỡ nè…”

Vừa nói, chú vừa co chân lên… đá mạnh. Ha… ha… cú đá “thần sầu”! Nạn nhân đứng cách chú gần cả mét thì cười, còn chú lại té lăn quay dưới đất, lổm ngổm bò dậy nhưngmiệng còn: 

“Chết chưa con? Cho mày chết luôn!”

Đứng lên cũng trong thế chẳng vững vàng gì nhưng vẫn lăm lăm đòi đá nữa. Tôi vụt chạy xuống sân thì má tôi cũng đã có mặt. Bà đang thật khó xử! Bên là em chồng và má rất thương chú, trong những ngày “mẹ góa con côi”, chính chú và chú Sáu đã giúp đỡ gia đình. Chú cũng rất quý má tôi, một cũng chị Tư, hai cũng chị Tư. Một bên là cháu ruột. Má tôi biết chú say lắm rồi, nên níu tay anh Ban năn nỉ:

“Thôi, con nhịn đi! Chú say lắm rồi, chớ chú hiền hậu lắm. Con nhịn, đi về đi. Dì năn nỉ con.”

Anh ấy cũng tội, và những người hàng xóm giờ cũng lên tiếng cho biết “chỉ một mình chú độc diễn” mà thôi. Anh Ban nói rõ: 

“Đó, có bà con làm chứng, nãy giờ con nhịn lắm rồi! Đứng không vững mà đòi đánh con, đá con, rồi ai nằm dưới đất đó? Ha… ha…”

Chờ có vậy, chú lao vào la lớn: 

“Giờ tao… đá nữa nè! Giỏi đỡ nè.”

Huỵch… Chú lại lăn kềnh ra đất, miệng còn lẩm nhẩm: 

“Cho mày chết. Mày “mấy sức” mà tao sợ? Sức mấy? Hử… sức mấy…”

Chưa dứt câu, chú đã xụi lơ. Cũng chính anh Ban phụ đưa chú vào nhà. Thiệt tình, nhớ lại vẫn thương anh Ban. Anh rất nể má tôi, chịu nhịn, chứ sức anh năm thanh niên chưa chắc địch nổi! 

Rồi chú lại say, thêm một chuyện điển hình. Vụ này bà nội lại là đối tượng “tấn công”. Chiều hôm trước, nội rầy chú chuyện gì đó, chú khóc và đi về. Khi ấy chú đã ra riêng. Trưa hôm sau, quá Ngọ, chú ngất ngưởng vào nhà. Nhìn bộ dạng của chú tôi dự đoán trời sắp nổi “cơn giông”. Không hề sai! Theo thói quen, nội ngồi đung đưa trên võng, thong thả nhai trầu, bên cạnh võng là chiếc ghế bành, chỗ tôi thường “đóng đinh”, vì bà cháu thân nhau lắm, rảnh rỗi là cứ trò chuyện râm ran. Chú vào, hai tay chống nạnh, nhìn bà nội chăm chăm. Tôi vội đứng lên nhường ghế. Chú tự nhiên ngồi xuống trong dáng vẻ “chông chênh” phải vịn vào tay ghế. Ha… ha… “Mưa sa giông”! Chú hít hít vài tiếng rồi… khóc. Bắt đầu lý sự: 

“Mẹ! Giờ mẹ nói đi! Tui là con của mẹ hay con ai?”

Trời ơi! Tui sốc nặng. Chờ phản ứng của bà. Nội thoáng thở dài ngao ngán, dằn mạnh khay trầu: 

“Mi là con của… “thèng choa” mi!”

Vậy là “bão tố” nổi lên, chú bắt đầu vừa khóc vừa kể chuyện từ đời Tào Tháo đẩu đâu để chứng minh rằng chú không được yêu thương, bị đối xử bất công, bị chèn ép,… Người thương chú cũng chỉ là “anh chị Tư” thôi! Chú kể lể, bà có giải thích, nhưng xem ra chẳng ăn thua gì, rồi bà khỏi nói luôn. Trước khi ra về, chú khóc to, đứng lên vừa dợm bước vừa nói: 

“Giờ tui nói luôn! Mẹ với tui thiệt ra chẳng liên quan gì với nhau. Biết mà… biết mà… Mẹ họ Trương, còn tui họ Thái thì không bà con gì hết!”

Đến đây, bà chỉ biết lắc đầu cười, ngao ngán. Biết chú say lắm rồi, thôi, để chú về cho yên. Nhưng rồi sau đó, bà có yên lòng đâu, lại cắt cử tôi đi theo xem xem chú có về nhà an toàn không. Đến nhà, tôi thấy chú ngủ khì trên bậc thềm.

Chuyện không thể ngờ là khi ra riêng, tôi mua nhà cùng xóm với chú. Chú vẫn nhậu li bì. Sát nhà tôi có quán rượu, chỉ bình dân thôi, toàn rượu đế mà lại là rượu lậu, bạn nhậu của chú cũng không khá giả gì, chỉ cần trái xoài, trái khế, cóc ổi, có khi chỉ nhúm rau càng cua, là chú đã có cuộc nhậu rôm rả. Tôi khuyên, nhưng chú không nghe. Chú lâm bạo bệnh, bệnh “xơ gan cổ trướng”, bệnh viện trị không xong. Tìm được danh y, thầy hứa “chỉ trị một lần” kèm yêu cầu phải tuyệt đối kiêng rượu, bệnh tái phát thì chỉ có chết mà thôi. Chú khỏe được nửa năm, quán rượu bên nhà vắng bóng chú. Tôi mừng vì chú biết “sợ” và có quyết tâm cao. Cho đến một hôm, tình cờ tôi gặp chú ở một quán khác. Thấy tôi, chú giật mình, phân bua: 

“Chú mới uống bữa nay thôi, lâu nay chú bỏ rồi.”

Vừa thương, vừa giận, với lại có cả bè bạn chú, nên tôi chỉ biết buông xuôi: 

“Sinh mạng của chú mà! Chú toàn quyền quyết định!”

Hơn tháng sau, chú trở bệnh và mất. Lại mất nhằm ngày 30/4, ngày hôm sau lại là 1/5. Ngày ấy, tất cả đều qua sổ sách, tem phiếu, giấy giới thiệu. Lo thủ tục đã khó, lại nhằm ngày lễ, cửa hàng nào bán mà mua? Cảnh nhà chú e rằng còn thảm hơn gia đình tôi ngày trước. Thím vốn quê mùa, bốn con trai nhỏ dại. Cám cảnh phận mình, tôi cậy ba các cháu vốn có chỗ quen biết trong giới thương nghiệp (là học trò lớp Bổ túc văn hóa cán bộ anh đang dạy, tuy là học trò nhưng toàn cửa hàng trưởng) để “mua chịu” áo quan, cả các thứ dùng trong mai táng. Chuyện được giải quyết ổn thỏa mà lòng tôi không hề ray rứt vì việc “lợi dụng” này! Vậy là chú đã mồ yên mả đẹp bên cạnh ông nội và ba tôi, người mà theo chú là “thương chú nhất”.

Một lần nữa, bà nội tôi sa nước mắt, ngậm ngùi trong cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh”. Cũng từ đó, hai gia đình má tôi và thím Tám càng thêm khăng khít khi chung cảnh mẹ góa con côi. Bài viết hôm nay, nhằm kỷ niệm ngày chú mất. Mong rằng chú sẽ được an ủi vong linh khi con cái giờ đã lớn khôn, ăn nên làm ra, và trên tất cả, các em là những người lương thiện.

ThaiLy

Bài Mới Nhất
Search