T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: Tấm lòng cho đi

Cầu Nguyện – Tranh: HÀ HUỲNH MỸ

Ngày ấy, sau bốn lần sinh nở, ba má tôi chỉ được ba con gái. Khao khát một đứa con trai, ba tôi liền cho đứa con gái thứ hai “giả trai”, nó giống trai thật mà lại là “trai đẹp”. Ba tôi cứ nhìn ngắm suốt nhưng chẳng nói gì, nếu tinh tế sẽ thấy được trong ánh nhìn đó là ước mơ cháy bỏng: “Phải chi mày là trai, con ạ!”. Khi sinh đứa con gái thứ ba, má tôi suýt mất mạng do sót nhau và băng huyết, tốn kém khá nhiều mới giữ được mạng… Ai cũng bảo rằng do sinh ba gái liền là Tam Nương nên xui xẻo. Chẳng biết thật hư thế nào nhưng rồi hai cụ cũng cố “chèo chống” để sinh thêm đứa tiếp theo. Đây là “con cầu, con khẩn”, có lẽ cũng thấu tai Trời Phật nên em tôi là một cậu trai trắng trẻo, đẹp đẽ. Và vì là “con cầu, con khẩn”, khẩn gì được nấy nên ông bà tôi lo đi xin lưới cá (phải là lưới đã qua đánh bắt) và cả chiếc roi cá đuối tận dưới Đông Hải. Lưới thì phủ lên mùng đang nằm của hai mẹ con, chiếc roi thì treo nơi đầu giường. Nói chung là đủ “bùa phép”. Con trai có khác! 

Khi ấy, cô em gái giả trai của tôi vẫn là trai, cho đến khi sắp thi vào lớp đệ thất, tức lớp 6 bây giờ, thì gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ. Đích thân thầy hiệu trưởng đến nhà yêu cầu… chuyển lại làm “con gái”, phải để tóc dài chụp ảnh làm thẻ thí sinh, may mà tóc cũng dài kịp.

Trở lại chuyện em trai tôi, từ nhỏ đến khoảng 8-9 tháng thật dễ nuôi, em khỏe và đẹp lắm. Cho đến một hôm, em khóc suốt đêm, người hâm hấp sốt, cả nhà lo lắng, bồn chồn, nhất là ông nội và ba tôi. Không lo sao được, cứ sợ chuyện cũ lặp lại, vì sau tôi, gia đình có sinh được một em trai nhưng chỉ nuôi được tám tháng. Sau cơn bệnh sơ sài, em đã ra đi trong sự tiếc thương của cả nhà. Đưa em đi bác sĩ, uống thuốc, được vài hôm thì má tôi phát hiện chân em hầu như không cử động được, động vào là em khóc, rồi lại dần ửng đỏ. Đến bác sĩ, lại uống thuốc, nhưng xem ra không thuyên giảm. Đã vậy, chỗ chân hình như đỏ hơn và lan dần lên đầu gối. Lại đến bác sĩ, bác sĩ xem thật kỹ, cho thuốc và nói thẳng:“Uống lần thuốc này mà không bớt thì xem như bó tay, nếu hai chân không giảm mà vẫn đỏ dần lên thì khi nó lan đến hết bắp vế, lên đến bụng là kể như… chấm hết”. Em vẫn hâm hấp sốt.

Nghe má tôi nói lại, cả nhà như sụp đổ. Má tôi than khóc nỉ non, ca cẩm trời đất sao chẳng thương, rồi lại quay ra cầu xin van khấn. Ngày qua ngày, em cứ khóc, khóc cả ngày lẫn đêm. Ban ngày má tôi tất bật với đống công việc nhà, tôi đi học về phụ má ru em. Chân em không ngừng đỏ mà đã đỏ dần lên gần hết bắp chân. Nghĩa là “ngày ấy” đã đến gần… Hằng đêm, má tôi ru dỗ em mà đầm đìa nước mắt, tiếng khóc ngằn ngặt đau đớn của em cứ vang vọng cả đêm khuya. Chăm con trong tuyệt vọng, quả là không dễ dàng gì với tâm lý người mẹ. Biết con sắp từ giã cõi đời khi còn măng sữa mà không thể cứu giúp được quả thật bi thương. Thêm nữa, má tôi đã từng trải qua cảm giác này một lần nên điều này càng kinh khủng.

Một buổi chiều, hoàng hôn bao phủ, ánh sáng nhập nhoạng, má tôi ra giếng nước sau nhà tranh thủ tắm gội thì gặp một người phụ nữ dân tộc Chăm đang ngồi ủ rũ, lưng tựa vào thành giếng. Má tôi mở lời hỏi chuyện, thì ra bà đang có người thân bị bệnh phổi. Ngày ấy bệnh này ai cũng sợ. Bệnh viện cho về, nhưng nhà ở xa lắm, không về kịp mà cũng không đi nổi, bà xin với nhà kia cho ngủ nhờ một đêm (bà chỉ vào căn nhà bên kia giếng, cũng là nhà của ba má tôi đang cho mấy người dân tộc thuê) mà họ không cho. “Họ cũng là người “đàng tui”… Giờ tui không biết đi đâu!”. Nói rồi bà khóc lóc vẻ đầy tuyệt vọng và lo lắng. Má tôi chưa dám nói gì, quày quả vào nhà kể lại cho bà nội nghe. Cuối cùng,bà tôi đồng ý cho họ ngủ tạm qua đêm. Được lời, bà mừng vô hạn, đưa vội người thân vào nhà, miệng không ngừng cảm ơn.

Đêm đó, bà khách cũng chẳng ngủ được với em tôi. Má tôi vừa ru vừa khóc như mọi đêm. Bà khách cũng đến bên nôi hỏi thăm, má tôi cũng “chuyện thật” mà kể, kể trong nước mắt. Khách tò mò vạch khăn lên xem, đôi chân em tôi giờ không chỉ đỏ mà ở phần dưới, từ đầu gối trở xuống đã ngả màu nâu nâu. Khách sờ tay vào, lật từng chân xem xét khá kỹ, rồi bà nói: 

“Huiss… cái này có gì mà sợ, tui có thuốc mà!”

Má tôi khựng lại, nhìn bà chăm chăm. Khách nói tiếp: 

“Có điều nhà tui xa quá, nó đã lên đến đây rồi thì sẽ rất nhanh phát. Phải gấp mới được!”

Ngày ấy, đâu dễ có xe. Thế là, bằng tấm lòng và sự nhiệt thành bà khách nói luôn: 

“Giờ chỉ còn cách tui đi ngay bây giờ, đi bộ thôi. Vào xóm rồi tui tìm thuốc. Cho tui gởi ông chồng tui lại, mai sáng tui đem thuốc đến rồi tui sẽ đưa ổng về!” 

Nói xong, không chờ trả lời, bà quày quả đi ngay chỉ với chiếc khăn trùm đầu… 

Sáng sớm, nhà tôi cũng kịp nấu cho ông lão miếng cháo, chỉ là cháo trắng, vì họ không ăn thịt heo.

Đâu khoảng gần 5 giờ sáng, bà khách đã xuất hiện, cả nhà mừng vô hạn. Nỗi mừng vui đó không chỉ là hy vọng cứu sống em trai tôi từ tay của tử thần như ai cũng mặc nhiên chờ đợi, mà nó còn là nỗi vui mừng vì ý nghĩ canh cánh “nhỡ bà ấy bỏ chồng đi luôn” đã được tháo gỡ. Ôi, thật là tội lỗi! 

Khi biết chồng đã được ăn no, bà hối thúc má tôi mang ra một cái dĩa bằng đất, một ít giấm, một chiếc lông gà. Ngày ấy mấy thứ này hầu như ở sẵn bên tay. Rồi bà lấy ra một trái gì đó, nhìn giống như quả cà dược, nhưng vỏ nâu và có vẻ cứng. Bà bắt đầu mài thứ quả ấy trong dĩa cho đến khi nước có màu nâu nhạt, sền sệt. Bà dùng chiếc lông gà nhúng thuốc và phết vào chân em tôi, phết từ trên xuống dưới đến tận gót chân. Trong khi làm, bà tuyệt nhiên không nói tiếng nào. Mọi người cũng im lặng theo dõi và chờ đợi trong niềm hy vọng vô bờ. Tôi loáng thoáng có nghe bà nội kêu cầu đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau này tôi chợt nghĩ Quán Thế Âm Bồ Tát chính là bà khách ấy, đã hiện xuống cứu em, vì Quán Thế Âm có muôn ngàn hình tướng… Biết đâu chẳng là như vậy! 

Sở dĩ tôi nghĩ thế vì sau đó, quả thật kỳ diệu, chỉ 3-4 giờ đồng hồ sau, chân em không lan đỏ lên nữa, chỗ nâu bầm đã bớt thẫm màu, chỗ đỏ thì nhạt dần. Hạnh phúc vỡ òa! Trước khi đưa chồng đi, bà khách có kéo má tôi ra dặn dò cách thức để tiếp tục chữa trị cho em. Cứ 6 tiếng thoa một lần, khi thoa phải phết từ trên xuống và không được quên rằng trong khi làm tuyệt đối không nói chuyện. Trái này chẳng những trị bệnh cho em tôi mà nó còn dùng trị bệnh sưng vú. Sau này nhà tôi có cho hàng xóm mượn, chuyền qua chuyền lại thế nào… mất luôn! Lâu lâu mọi người vẫn nhớ và tiếc, nhưng nghĩ kỹ thì cũng không có điều gì phải tiếc, nó đã hoàn thành sứ mệnh cứu người, mình đã đạt mục đích, cái duyên sẽ thuộc về người khác vậy.

Lại nói về em tôi, bệnh thuyên giảm rõ rệt, không còn sốt nữa, chân trắng dần và sau ba ngày là hết hẳn, kể như thoát khỏi bàn tay “tử thần”! Ai cũng nói là “chết đi sống lại”, là “phước lớn mạng lớn”. Cả nhà, từ trên xuống dưới vui mừng khôn tả. Để cảm tạ trời đất, má tôi đem nó đến chùa ký bán, cho chui vào Đại Hồng Chung. Nói chung đủ cả. Sau này, ba má tôi phấn đấu được những tám con, chia đều bốn trai, bốn gái. Tất cả giờ đã trưởng thành, đã có riêng một gia đình. Viết bài này, tôi muốn các em thấm thía rằng: Tấm lòng cho đi không bao giờ uổng phí, nó sẽ được nhân rộng, sẽ được ban phát cho kẻ có nhân duyên. Mà để được gặp nhân duyên tất phải cho đi một tấm lòng, đừng đợi nhận rồi mới cho!

ThaiLy.

Bài Mới Nhất
Search