T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: VẦNG TRĂNG KÝ ỨC

Trăng Thu – Tranh: MAI TÂM

Định “dừng lại”, thôi, không nói gì về Trung Thu nữa. Bởi đây là Tết Nhi Đồng, không can cớ gì mà một lão bà đã qua hơn 70 kỳ chơi trăng giữa thu lại cứ nấn ná hưởng hết phần lũ trẻ. Nhưng không thể không nhớ về những đêm trăng xưa cũ, những ngày thơ dại nhưng đầy ắp niềm vui. 

Ngày ấy, cứ mỗi dịp Trung Thu, tỉnh thường tổ chức đêm “cộ đèn”, đối tượng tham gia là tất cả học sinh tiểu học của các trường, có tổ chức chấm và trao giải cho những chiếc đèn đẹp nhất, nhì, ba…Tôi háo hức, muốn tham gia, về “than thở” rằng muốn thi lắm lắm nhưng không biết làm đèn. Bà Nội “điềm chỉ” Ông Nội làm đèn đẹp lắm! Ngày xưa làm cho cô Út dự thi đạt giải nhất đó. Vốn được ông cưng chiều, tôi bay thẳng lên phòng ông, háo hức “tấu trình” về cuộc thi, điều kiện dự thi… Ông thật kiên nhẫn, ngồi im, nghe cháu tâu bẩm một thôi, một hồi, rồi mới từ tốn nói, trong khi cháu căng mắt, căng tai để chỉ chờ mỗi một tiếng “Ừ”! Ông rằng:

Làm cái đèn không khó! (Tôi thật hào hứng, lòng đầy hy vọng) Ông có thể làm cho con 5-7 cái đèn, kể cả đèn kéo quân…(ôi! Tôi mở cờ trong bụng) Ngày cô mi còn nhỏ, ông đã từng làm, cô mi được giải nhất ở trường, rồi đạt luôn giải nhất tỉnh. (Ôi, lòng tôi bay bổng, hình dung  mình, phải chính tôi, vênh váo với chiếc đèn trong tay ra dự thi tại trường Nam, là trường nằm ở trung tâm thị xã, nơi thường tổ chức các cuộc thi …), Ông tiếp: Đêm cộ đèn đi nhận giải, đoàn học sinh sẽ diễu hành đi quanh phố và đến Dinh Tỉnh trưởng, đang chuẩn bị đội hình, tiếng xầm xì bàn tán, cả tiếng xuýt xoa, trầm trồ, mọi cắp mắt đổ dồn về hướng cô mi, Ông cũng đứng gần đó…bỗng…”Bụp”, nháo nhào, chiếc đèn cô mi tắt ngấm, rồi lại cháy bùng lên, gạch đá tới tấp bay đến. Tiếng cô mi khóc thét, ông vội lao đến dẫn về. Từ đó, ông không cho cô tham gia bất cứ cuộc thi nào nữa, ngoài chuyện học hành. Giờ Ông nói cho mi biết cũng như đã từng nói với cô mi:

– Đừng ham một sự “nổi bật nào”, sự nổi trội luôn là điểm nhắm của người ta, mà thường là lòng ganh ghét, phá hoại, chỉ tội thiệt thân, cứ bình lặng mà sống, dễ làm người lương thiện hơn! Họ phá, mình cũng sẽ trả miếng, cuộc sống sẽ không an nhiên tự tại được.

Lời dạy của Ông từ đó, đã theo tôi suốt năm tháng cuộc đời. Trung Thu tôi vẫn luôn được chơi đèn, vẫn bên Ông với những chiếc bánh thật ngon đầy ắp yêu thương mà sau này, cho đến ngày Ông mất bà vẫn giữ nếp nhà. Những năm sau nữa, tôi không thích chơi cái đèn “mua ở tiệm”, với lại đã có đến 4 chị em, thêm con nhà Bác, con nhà chú cũng muốn xuống chơi chung, vậy là tôi sẽ tự làm đèn, làm luôn một chùm 6 cái! Thế là, Trung Thu đã lao xao từ rất sớm. Tôi rộn ràng ra hiệu sách Khai Minh, mua 6 tấm bìa (loại giấy dày, ngày ấy được dùng làm bì đựng hồ sơ), một xấp giấy “viết thơ” đủ màu vàng, hồng, xanh, hộp hồ… ) Tôi cặm cụi cắt giấy bìa làm đèn, cắt giấy mỏng làm hoa, lá, làm cả các tua, từng cái một… và 6 chiếc đèn hình thành, chỉ còn 6 que tre để cầm thôi. Cái này phải đi “ngoại giao”, nhà có nhiều chú để nhờ mà! Khi các thứ đã sẵn sàng thì bọn tôi ra vào tăm tia ngắm nghía, nhưng chẳng đứa nào dám “sờ” thử, chỉ cùng nhau náo nức đợi chờ, chờ “Đêm Trăng”!

Đến đúng đêm Rằm, 6 chị em, nô nức cầm đèn, vừa đi vừa hát nghêu ngao, trực chỉ đường “lên Xóm Gò” (nay là đường Cao Thắng), đây là đường đến nhà chú Sáu Toàn. Liền mấy năm được sự nghênh tiếp nồng hậu nên cả bọn háo hức lắm, lên nhà chú, sẽ được thím chiêu đãi không chè cũng bánh, rồi xui sao năm ấy hình như chú thím đang “hờn anh giận em” sao đó, cả đoàn vừa đến sân đã thấy sự không vui. Tôi hô to “về” …thế là cả đám xoay người thật nhanh nhưng vẫn chỉnh tề hàng ngũ, đi ngược về nơi xuất phát trong nỗi uất ức và buồn lòng thương tiếc một mùa trăng… Những năm sau đó, tôi bày trò chơi khác, chơi tại nhà, chẳng thèm đi đâu cho biết! Dân thù dai và cả thù vặt mà! Tôi liền tổ chức đêm văn nghệ, đó là đêm văn nghệ “tự biên tự diễn” của 6 chị em, thêm 2 đứa nhà hàng xóm đã nhờ ba má nó xin gia nhập. Tưởng chỉ mấy chị em, ai ngờ từ người lớn đến trẻ con, cả xóm trước xóm sau…ùn ùn kéo đến. Văn nghệ mà chẳng trống chẳng kèn, sân khấu là cái “phản” lớn, dành cho đơn ca, đồng ca, kịch, còn “múa” thì chơi luôn trên nền gạch chứ không khi “xoay vòng” là lọt sàn…Hình như là khuya lắm mới chấm dứt, ai về cũng vui, khen lấy khen để. Mấy chị em còn chơi tiếp màn cuối cùng: Phát bánh, mỗi đứa một túi như nhau, tập trung ra sân, tất cả lồng đèn đặt vào giữa sân, ăn xong bánh, hoả thiêu luôn đèn…Vậy là tan hàng nhưng tất cả bọn trẻ đều vui lắm! Hẹn: sang năm mình làm nữa nhen chị Lý! Tội hai nhỏ hàng xóm, cứ luyến tiếc cái lồng đèn, sợ sang năm không có nữa, tôi hứa chắc rằng: chị sẽ làm lại cho tất cả! 

Cũng không nhớ được bao nhiêu năm tiếp theo. Giờ, cứ mỗi khi thấy người ta trưng bày bánh, đèn ra bán là lòng tôi lại xôn xao một cảm giác khó tả, vừa như nhớ, vừa như tiếc, vừa như… thương, tiếc cho một thời thơ trẻ đầy ắp tiếng cười hồn nhiên vô tư lự, nhớ Ông Bà đã thật long trọng đón Trung Thu bằng những chiếc bánh vừa ngon vừa đẹp đã để lại cho tôi ký ức đầy vơi, nhớ cả những đứa trẻ con hàng xóm đã cùng vui, cùng lớn mà giờ thì đã về quê lập nghiệp, đã lên ông lên bà…lại nghĩ thương cho bọn trẻ bây giờ, tuy cũng đèn cũng bánh, nhưng hình như dành cho việc ơn nghĩa biếu xén nhiều hơn, các em cũng không có cảnh đông vui khi mà nhà vẻn vẹn 1-2 chị, hoặc anh em…

Mấy hôm nay, tôi đi giữa Sài Gòn, đến các trung tâm mua sắm, họ treo đèn, kết hoa thật thích thú, thật đẹp mắt nhưng cũng lắm nỗi niềm. Lại nữa, có tin áp thấp nhiệt đới! Liệu rằng các cháu có có được vầng  trăng lung linh, trong sáng để tìm hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và cả Thỏ Ngọc hay không? Lại nhớ và thương cháu, cảnh “con một mà cháu cũng một” tuy được chiều, được sướng nhưng chắc chắn không…vui như bà lúc nhỏ! 

ThaiLy

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search