T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thanh Hà: Những Dòng Sông Tôi Đã Đi Qua

Sông Quê – Tranh: MAI TÂM

Trên trái đất chúng ta sống, có rất nhiều dòng sông. Nổi tiếng, vô danh, lớn, nhỏ. Căn nhà tuổi thơ của tôi cũng nằm cạnh một dòng sông. Vì vậy tôi đặc biệt yêu thích sông hồ, biển cả.

Ở Việt Nam có sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long. Ba dòng sông tiêu biểu ở ba miền đất nước.

Hình như các sông ngòi Việt Nam thường lẫn phù sa nên có màu nâu hay đỏ của đất.

Bắt nguồn là sông Cửu Long, sau dòng chảy chia thành hai nhánhTiền Giang, Hậu Giang và còn phân chia thành nhiều nhánh sông phụ khác. Tôi  đã từng đi phà qua lại trên hai dòng sông nầy nhiều lần để về quê ở gần cuối miền đất nước. Con sông nước đục có nhiều cụm lục bình trôi nổi hiền hoà như tấm lòng chân chất dân miền Tây Nam Việt.

Sông Hương sông Hồng thì tôi có dịp ngắm mỗi nơi vài lần lúc du lịch.

Hương Giang yêu kiều trầm mặc nhìn từ góc chùa Thiên Mụ vào buổi hoàng hôn sương mù bảng lảng, vài chiếc thuyền nhấp nhô theo những gợn sóng. Tiếc là tôi chưa được ngồi trên một trong những chiếc thuyền ấy về đêm, thưởng thức ca Huế với những điệu lý, điệu hò Nam Ai, Nam Bình… ngọt ngào trầm bổng du dương của ca sĩ hoà quyện theo âm thanh réo rắt từ đàn bầu, đàn tranh, nguyệt, sênh, phách, sáo. Sông Hương qua sự tưởng tượng của tôi, như dáng thiếu nữ đất Thần Kinh e ấp thẹn thùng nằm xoã tóc đợi chờ người yêu bình yên trở về sau trận chiến.

Hồng Hà trong trí tôi là nước sông đỏ lờ mùa lũ của vợ chồng anh phó Thức chị Lạc cùng ba đứa con thằng Bè, cái Nhớn, cái Bé trong truyện ngắn Anh Phải Sống của nhà văn Khái Hưng— một thảm cảnh gia đình nghèo đánh mạnh vào cảm xúc tôi mãi không phai nhạt dù năm tháng chất chồng.

Nhưng thời điểm tôi đến vào tháng một thì dòng sông phẳng lặng bình

yên như chưa từng dậy ba đào dìm chôn bao nhiêu sinh linh nhà cửa xuống đáy.

Ở châu Âu có nhiều dòng sông nổi tiếng mà trong đó được ca tụng nhiều là  sông Danube và sông Seine.

Tôi mơ tưởng sông Seine có lẽ do thời thiếu nữ hay đọc thơ tình của thi sĩ Nguyên Sa ca ngợi Paris chăng?

Paris có gì lạ không em

Mai anh về giữa bến sông Seine

Anh về giữa một giòng sông trắng

Là áo sương mù hay áo em

(Paris có gì lạ không em, Nguyên Sa)

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu

Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù

Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc

Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

(Paris, Nguyên Sa)

Ngày còn ở quê nhà, tôi mơ ước một lần được đặt chân đến đất Pháp, cái nôi của nền văn hoá Tây phương, tượng trưng cho Tự Do-Công Bằng-Bác Ái.  Nhất là Paris-kinh thành ánh sáng-để tận mắt ngắm nhìn các di tích cung điện, viện bảo tàng, tháp, nhà thờ… nhất là dòng sông Seine dài 776 km quyến rũ, thơ mộng.

Thế rồi niềm ao ước trở thành hiện thực. Tôi đến, và còn nhiều lần trở lại. Chiêm ngắm, hoà nhập vào dòng người luân lưu không ngơi dứt trên đường. Ngồi du thuyền (bateau mouche) ngược xuôi sông Seine, ngắm ngọn tháp nhà thờ Đức Bà với câu chuyện người gù Quasimodo và nàng Esmeralda của Victor Hugo từ thuyền luồn dưới các cây cầu. Có ít nhất 37 cầu bắc qua bờ sông Seine mà trong số có 5 cây cầu nổi tiếng nhất.

Nào là cây cầu Alexandre III lộng lẫy hoàn thành năm 1900 do Sa Hoàng Nga cùng tên xây tặng cho thành phố nhân có cuộc triển lãm tại Paris năm đó. Kiến trúc trên cột cầu mô phỏng theo cách kiến trúc lâu đài với tượng các thiên sứ, nữ thần, ngựa có cánh…

Kia là cầu Pont Des Arts xây năm 1801 còn gọi là cầu Khoá Tình Yêu nơi các đôi tình nhân toàn thế giới có dịp đến thăm Paris đều không bỏ qua, họ đã gắn hơn 700’000 khoá vào thành cầu, rồi ném chìa xuống nước ước mong tình yêu được vĩnh cửu. Sợ sức nặng của các khoá sẽ làm hư hại cầu nên năm 2015 chính phủ thành phố quyết định tháo dở các khoá ở thành cầu. Hiện nay họ cho phép gắn khoá vào một cây cầu khác nhỏ hơn chỉ dành cho người đi bộ cũng gần đó.

Chúng tôi thích đi bộ dọc theo hai bên bờ sông, đoạn từ Viện Bảo Tàng Orsay đến Viện Thế Giới Ả Rập, tập trung đông nhất ở phố La Tinh nơi có trường Đại Học nổi tiếng Sorbonne. Là nơi hàng dãy kiosques–mà tôi thấy giống như cái hộp chữ nhật, hoặc cái rương (hòm) lớn–đã có đó từ thế kỷ 19, bày bán sách cũ, tuần báo cũ, truyện tranh, thiệp cũ, tranh cổ… Mỗi một gian hàng bằng sắt chiều ngang 2m, sâu 0,75 m có nắp đậy phần bên trong cao hơn phía ngoài để khách dễ dàng nhìn thấy và tìm kiếm. Khi bán họ chỉ việc mở nắp rương chưng bày sẵn các loại sách, khi về đóng nắp khoá lại. Những người bán sách vốn là những cựu giáo sư triết, văn sĩ, nhạc sĩ, ký giả, khoa học gia…Họ bán sách không chỉ thuần mưu sinh, mà còn do lòng đam mê với thế giới ngôn ngữ văn chương nghệ thuật.

Lần trở lại sau cùng nhằm mùa thu sau dịch Covid-19, tôi ngậm ngùi thấy rất nhiều gian hàng đóng nắp khoá lại, lá vàng vương rụng lên bề mặt hộp kim loại phai màu năm tháng. Chỉ còn lác đác vài người bán bắt ghế ngồi lơ đãng nhìn khách lũ lượt đi qua không ngớt, năm thì mười hoạ mới có vài người đứng lại xem ngắm. Bâng khuâng tự hỏi: mộtbiểu tượng văn hoá làm nên nét đặc thù của Paris có thể nào mai một với thời gian?

Paris có những cung điện nguy nga, những viện bảo tàng chứa nhiều danh hoạ vô giá, những di tích cổ là di sản thế giới, những nhà hàng khách sạn sa hoa tráng lệ…đó là bề nổi. Còn mặt trái của Paris là những người không nhà, những kẻ ăn xin lê lết trên đại lộ Champs-Elysées, những trò móc túi. Vàng thau lẫn lộn mà bất cứ thành phố đông dân nào cũng cùng chứng ung nhọt giống nhau.

Và Danube, từ bài hát giai điệu valse của nhạc sĩ Áo Johann Strauss được Phạm Duy phổ lời Việt với giọng hát thánh thót tuyệt vời không ai sánh kịp của ca sĩ Thái Thanh đã chiếm lĩnh hoàn toàn trái tim tôi từ thời biết mộng mơ thiếu nữ. Sau đó, tôi lại được xem phim Sissi Nữ Hoàng Áo Quốc do tài tử yểu mệnh Romy Schneider đóng khiến tôi càng gắn bó với ca khúc Dòng Sông Xanh này hơn.

Thảo nào thành phố Vienne, Áo được mệnh danh là thành phố của âm nhạc quả không sai. Không riêng gì Vienne, âm nhạc tràn lan khắp nơi, như thành phố Salzburg là nơi ra đời của nhạc sĩ thiên tài Mozart mà chúng tôi đã cómay mắn được tham dự buổi hoà nhạc kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông do đại dàn nhạc giao hưởng Vienne trình diễn mười mấy năm trước.

Hàng năm, cứ vào buổi sáng ngày 1 tháng 1 dương lịch là đài truyền hình Thuỵ Sĩ luôn truyền trực tiếp buổi hoà nhạc của Dàn Nhạc Giao Hưởng thành Vienne Áo quốc. Gần như không bao giờ thiếu bài hát trứ danh Blue Danube của nhạc sĩ Áo Johann Strauss, phụ hoạ các phong cảnh nên thơ hai bên bờ sông xanh. Chúng tôi ít khi bỏ lỡ chương trình đặc sắc đó. Tâm hồn tôi cứ như bay bổng theo con tàu, theo dòng nước xanh xuôi chảy nhịp nhàng, theo điệu luân vũ du dương khi êm đềm khi róc rách khi thì thầm dẫn dụ ta về chốn địa đàng.

Dàn giao hưởng cả trăm nhạc sĩ đã ngưng tiếng đàn rồi mà chúng tôi vẫn chưa dứt ra được trạng thái tâm hồn lơ lửng tận chín tầng trời mây. Có một mùa thu chúng tôi đến kinh thành Vienne để ngắm nhìn dòng Danube mà chưa mãn nhãn. Mùa hạ năm sau tôi lại đến Budapest, Hung-Gia-Lợi để được ngắm dòng Danube ở góc độ khác, con sông nầy dài 2850 km chảy qua 10 quốc gia châu Âu.

Là người hoài cảm,thú thực tôi hơi thất vọng khi tận mắt ngắm hai dòng sông Seine và Danube. Vì nước không có màu xanh như tôi đã đọc trong sách, truyện, thi ca. Thì có tưởng tượng nào mà không huyễn hoặc, không thái quá hơn thực tế đâu!!

Rồi tự giải thích–không biết có đúng không: có lẽ màu nước là do sự phản chiếu của sắc trời hoặc cây cối hai bên bờ sông. Mà tôi lại ở giữa kinh thành của hai quốc gia xưa kia từng có vua chúa ngự trị, nhiều đền đài nhà cửa tàu bè dọc bờ thì đâu có nhiều tàng cây xanh soi bóng nước mà cho ra màu xanh biếc như được miêu tả trong văn chương thi phú.

Nếu muốn tìm cái màu xanh như ao ước thì tôi phải đến đoạn sông mà hai bên bờ còn cảnh thiên nhiên nguyên thuỷ thì may ra.

Nhưng có một dòng sông thường xuất hiện nhiều nhất trong ký ức của tôi

hơn tất cả các dòng sông nổi tiếng trên thế giới cộng lại, đó là dòng sông tuổi thơ.

Nhà tôi toạ lạc bên bờ sông mỗi ngày nước ròng nước lớn từ biển đổ vào. Tuỳ thời điểm trong năm, có những ngày thuỷ triều dâng, nước biển mặn ngập tràn vào sân sau. Có những ngày nước ngọt hiền hoà mang từng giề lục bình hoa tím lửng lờ trôi ngang qua nhà, cho chị em tôi cắt hoa lá làm trò chơi bán hàng. Mùa khô, không còn nước mưa dự trữ, dân múc nước sông cho vào lu lóng cho trong, dùng để giặt giũ, nấu ăn uống mà không ai bệnh tật gì.

Hồi ấy, bên kia sông chỉ có lác đác vài mái nhà lợp lá, ven bờ đầy cây xanh soi bóng cùng nhiều cụm hoa dại màu tím, hồng, trắng vô cùng xinh đẹp dễ thương. Cách vài tháng, buổi chiều không đến trường, tôi theo bà Ngoại bơi xuồng chở chục giạ lúa đến nhà máy xay gạo hướng Cầu Quằn về ăn dần. Bà ngoại ngồi sau điều khiển cho xuồng đi thẳng hướng, tôi ngồi trước cầm cây dầm ngoáy ngoáy (chủ yếu vọc nước là chính chớ có biết chèo đâu). Càng gần vô xóm trong thì nhà càng ít, cây mọc càng nhiều. Tôi thả hồn theo lũ bướm đảo lượn quanh mấy cụm hoa dại hoặc cây bình bát, ô rô, mù u..rồi mơ mộng về tương lai thế này thế nọ…

Lớn lên đi xa, tôi được ngắm nhiều dòng sông rộng lớn nước trong vắt, quang cảnh hai bên bờ thần tiên như tranh vẽ, nhưng sao nhiều đêm trong giấc ngủ tôi vẫn mơ mình ngồi xuồng cùng bà Ngoại chở lúa đi xay gạo ăn cho gia đình trên dòng sông phù sa thuở nhỏ. Nhớ lại trò chơi nhà chòi cắt lục bình bán hàng, hay lén nhảy xuống nước tập bơi…

Nếu chiếc-tủ-kỷ-niệm có thể được chia thành nhiều ngăn, thì chắc chắn sẽ có một ngăn khá trân trọng dành cho dòng-sông-tuổi-thơ của tôi.

Thanh Hà

October, 2023

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search