T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG NĂM

CHƯƠNG NĂM

Sắp tới Saint-Clair rồi! Ôi Saint-Clair . . . Giờ thì Thérèse bắt đầu ước lượng con đường mà tư tưởng của nàng đã đi qua. Liệu Bernard có sẵn sàng để cùng nàng bước đi trên con đường đó? Nàng cũng chẳng dám hy vọng anh ta sẽ đồng ý sánh vai cùng mình, những bước đi chậm chạp và con đường thì ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Vả chăng, điều chính yếu nhất cần được cả hai mổ xẻ thì nàng vẫn chưa hình dung được: “Ta vạch ra được cách để dẫn dắt chàng đến đến điểm mốc này rồi, vậy mà giờ thì phải nói gì, làm gì  ta vẫn chưa biết.” Nàng soi mói mớ rối rắm đến khó hiểu của chính mình, một người vợ trẻ đầy tính cách tiểu tư sản, một người mà cư dân chung quanh Saint-Clair ai cũng khen ngợi là khôn ngoan, – trở về lại những tuần lễ đầu tiên nàng đặt chân vào sống trong căn nhà tối tăm lạnh lẽo của gia đình chồng. Một bên của phòng khách là những cửa sổ lúc nào cũng đóng im ỉm, còn bên kia che bằng lưới sắt, có thể nhìn suốt ra tới tận khu vườn trồng đầy những bụi vòi voi, phong lữ thảo, dạ yên thảo. Trong nhà, cặp vợ chồng già chọn riêng cho mình một góc khuất nhỏ khiêm tốn, còn cô con gái Anne của họ chỉ được tự do quanh đi quẩn lại khu vườn sau nhà, vượt quá giới hạn ấy thì cô không được phép.  Thérèse, có sự tin cậy của cả hai, nên vừa đóng vai trò kẻ được gọi là tín cẩn với một bên vừa là kẻ đồng lõa cho bên kia. Nàng khuyên ông bà bố mẹ chồng: “Bố mẹ nên lỏng tay cho cô ấy một chút; chẳng hạn, đề nghị cô ấy đi một chuyến du lịch, hay thăm chỗ này chỗ kia cho khuây khỏa trước khi có những quyết định quan trọng cho đời mình; Con bảo đảm cô ấy sẽ bằng lòng ngay. Trong lúc đó, con sẽ bắt tay ngay vào việc cần phải làm.” Ông bà de la Traves nhận ra ý con dâu của mình là cô sẽ đi gặp anh chàng trẻ tuổi Azevedo.  “Mẹ à, mình sẽ không thể thắng nếu tấn công tụi nó trực tiếp.” Theo như phu nhân de la Traves, tạ ơn Chúa là vẫn chưa có ai đồn đoán gì về vụ này hết. Viên trưởng trạm bưu điện, Mademoiselle Monod, là người duy nhất được họ cho biết chuyện của Anne. Cô ta đã tìm cách chặn lại hết những bức thư mà Anne gởi đi. “Cô gái Monod là một người kín như bưng. Cổ theo phe mình – và chắc chắn là cô ấy sẽ không ngồi lê đôi mách với bất cứ ai.” Quý ông Hector de la Traves lên tiếng: “Hãy chọn cách nào ít đau khổ nhất cho nó có thể,” Ông ta, cho đến lúc này, luôn có những đề nghị hết sức vô lý, giờ đã phải đồng ý với vợ, “không thể làm được món trứng ốp-la nếu không đập vỡ quả trứng” và “rồi đây có ngày nó sẽ phải cám ơn mình.” Không sai, nhưng vào lúc này đây, con bé thất tình đến tội nghiệp, phải không? Hai ông bà trầm tư, đưa mắt nhìn xa vắng. Hẳn là họ đang hình dung ra con gái mình, không chịu ăn uống gì, suốt ngày lầm lũi ở ngoài vườn dưới cái nóng cháy da của mặt trời mùa hè; cô bé như kẻ vô hồn, bước đi dẫm lên hoa mà không biết, cô có đôi mắt của một con nai cái bị nhốt trong chuồng chỉ mong tìm được lối thoát ra… Madame de la Traves lắc đầu ngao ngán: “Mẹ không thể nào ăn uống thay cho nó được, đúng không? Nó dọng trái cây ngoài vườn cho đầy bụng để đến bữa ăn không buồn đụng tay một gắp.” Còn ông bố Hector: “nếu mình bằng lòng như ý nó bây giờ sau này thế nào nó cũng oán trách mình, vì những đứa con bệnh tật mà nó sẽ sinh ra và đem vào thế giới này . . .” Bà vợ thì cho rằng ông chồng mình chỉ lo đi tìm những lý do để bào chữa cho việc họ cấm đoán. “Cũng may, nhà Deguilhem vẫn chưa quay về đây. Mình còn cái may mắn nữa là xem ra nhà họ rất tha thiết với cuộc  hôn nhân này.” Cả hai chờ cho đến khi Thérèse rời khỏi phòng rồi mới quay qua hỏi nhau: “Ở trường dòng người ta đã nhét những thứ quỷ quái gì vào đầu con bé như thế? Cô con dâu của mình bảo rằng không có gì làm cho đầu óc lũ con gái điên cuồng hơn những câu chuyện tình yêu viết trong quyển “Những truyện tình hay nhất” – cái cô nàng này cũng nghịch lý lắm (8). Cảm tạ Chúa, con bé Anne nhà mình không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những thứ mọt sách như vậy. Em chẳng hề phải một lần cảnh giác nó về việc đó. Ở khía cạnh này thì con bé nhất định là một kiểu con nhà. Thế mình có nghĩ là nên cho con bé ra khỏi đây một thời gian xem sao – mình có nhớ sau khi nó bị lên sởi, rồi lại bị viêm cuống họng,  em đã cho nó đi chơi Salies một chuyến sau đó về lại thì nó khỏe hẳn ra không?  Mình sẽ đi bất cứ chỗ nào nó muốn đi. Em không thể nhượng bộ hơn được nữa. Con bé này đòi hỏi nhiều quá rồi đó!” Ông chồng thở dài, “cho nó đi du lịch chung với mình à – không, không bao giờ!” Bà vợ, hơi nghễnh ngãng, hỏi lại chồng, “Mình nói gì?”. Có vẻ như ông già, sau nhiều ngày tháng mang cảm giác an toàn với gia tài có được nhờ cuộc hôn nhân với người phụ nữ trước mặt, đột nhiên ông nhớ lại những chuyến du lịch cùng bao người tình bí mật và những giây phút thần tiên của một thời tuổi trẻ say đắm năm xưa không bao giờ tìm lại được ấy?

Trong góc vườn sau nhà, Thérèse đã đến nhập bọn với Anne. Chiếc váy mua từ năm ngoái nay trông có vẻ quá thùng thình với cô bé. “Thérèse, thế nào rồi!”, cô bé rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy bạn mình. Lối đi khô cứng vì nắng, đầy những cỏ khô dòn vỡ dưới chân, và mùi hương phong lữ thảo bị cháy, xem ra cũng không bị buổi trưa tháng 8 hớp hồn bằng cô gái nhỏ đang đau khổ vì thất tình. Thérèse nhìn bạn, biết rằng chẳng còn gì quan trọng trong cõi lòng cô ta nữa. Cả hai yên lặng đứng bên nhau, thỉnh thoảng vài đám mây đe dọa sự xuất hiện một trận mưa buộc họ phải chạy vào núp trong nhà kính cùng với âm thanh những hạt mưa đá rơi trên thành cửa sổ.

“Em không thể nào gặp mặt cậu ta được nữa thì có gì mà phải lo lắng nếu em ra khỏi nơi đây một thời gian?”

“Chị không biết, dù em không được gặp anh ấy, nhưng em vẫn nghe được tiếng anh ấy thở cách đây 10 cây số. Khi gió thổi từ hướng đông, em biết là anh ấy cũng sẽ nghe được tiếng chuông nhà thờ như em đang nghe. Liệu chị có cho rằng không gì khác biệt nếu Bernard ở Paris thay vì Argelouse? Em không nhìn thấy Jean, nhưng em biết anh ấy ở gần bên đây thôi. Những sáng chủ nhật, khi đi lễ, em cố không quay đầu nhìn quanh vì trước mắt em chỉ nhìn thấy bàn thờ và ngay bên cạnh là cây cột to tướng đã che khuất không cho em nhìn được ai hết. Nhưng khi đứng dậy ra về…”

“Cậu ta không đi lễ ngày chủ nhật sao?”

Thérèse biết rõ, rất rõ, trong lúc theo mẹ ra khỏi nhà thờ, Anne đã cố tìm trong đám đông một khuôn mặt quen thuộc. Nhưng vô ích, khuôn mặt ấy không đến.

“Có thể anh ấy bị bệnh. Họ chặn hết thư từ anh ấy gởi cho em; họ không cho em biết điều gì cả.”

“Dù vậy, chị lấy làm lạ sao cậu ta không tìm ra được cách nào khác để liên lạc với em.”

“Thérèse, nếu chị muốn giúp – nhưng em biết cái thế của chị trong vụ này khá tế nhị.”

“Hãy cứ đồng ý một chuyến đi xa, và trong lúc em không có ở đây, có thể . . .”

“Em không thể chạy trốn anh ấy được.”

“Nhưng trước sau gì thì cậu ta cũng sẽ đi khỏi nơi đây. Chỉ vài tuần nữa thôi cậu ta sẽ rời Argelouse.”

“Thôi chị im đi! Một ý nghĩ thật quái gở! Cũng chẳng có một lời nào từ anh ấy giúp em đứng vững được. Em chờ đợi mệt mỏi lắm rồi: cứ mỗi phút, em phải tự lập lại với mình những lời anh ấy đã từng nói khiến em cảm thấy sung sướng. Nhưng em đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần quá đến độ em không còn tin rằng đó thực sự là những lời anh ấy đã nói với em. Chị nghe này, lần cuối cùng chúng em gặp nhau, anh ấy bảo, ‘Trong cuộc đời của anh chẳng có ai ngoài em . . .’Anh ấy nói như vậy đấy. Hoặc, ít ra thì em nhớ được như vậy; hay có thể là ‘Trong cuộc đời của anh chẳng có ai gần gũi với anh như em…’ Em chịu không còn nhớ được một cách chính xác nữa.”

Cô bé nhíu mày, cố tìm cho được những lời nói ủi an mà ý nghĩa của chúng đã được cô ta mở rộng ra đến vô tận. 

“Này Anne, – cậu bé trông như thế nào?”

“Chị khó mà tưởng tượng ra được.”

“Cậu ấy khác biệt hẳn với những thanh niên cùng trang lứa?”

“Em cũng muốn tìm cách diễn  tả tính cách anh ấy cho chị biết lắm – nhưng thực sự là chúng vượt quá những gì mà khả năng diễn đạt của em có thể làm được…Có thể, khi nghe em nói, chị sẽ cho rằng anh ấy hoàn toàn là một con người bình thường. Nhưng em biết chắc là anh ấy không phải như vậy.”

Cô bé không thể nào diễn tả được những chi tiết cụ thể về Jean vì tình yêu dành cho anh ta đã làm cô hầu như mù quáng. Thérèse tự nghĩ ‘với ta, nỗi đam mê chỉ có thể làm cho ta trở nên sáng suốt hơn chứ không phải ngược lại. Nếu ta thèm khát một ai đó, không một chi tiết nhỏ nào từ người đó có thể thoát khỏi tầm mắt ta’.

“Này Thérèse, nếu em bằng lòng đi xa, chị có sẵn lòng gặp anh ấy, và chị sẽ kể lại cho em nghe chính xác từng lời anh ấy nói? Và chị sẽ trao cho anh ấy những bức thư của em? Nếu em đi, nếu em có đủ can đảm để đi…”

Thérèse rời khỏi khoảnh vườn đầy ánh sáng và hơi nóng, rồi như con ong hung tợn, nàng xâm nhập một lần nữa căn phòng tối tăm nơi cha mẹ cô bé ẩn náu chờ cho cái nóng bên ngoài hạ dần xuống và cho cô con gái của họ đuối sức chịu thua. Nàng đã phải qua lại với  hai bên nhiều lần trước khi cô bé Anne bằng lòng làm một chuyến đi xa. Và có lẽ Thérèse sẽ không thể thuyết phục được Anne nếu như không có cái tin gia đình Deguilhems sắp sửa quay về lại Argelouse. Cái tin dữ đã khiến Anne cuống cuồng run rẩy. Thérèse chẳng đã nhiều lần bảo Anne rằng. đối với một cậu trai con nhà giàu, thì ‘anh chàng này đâu đến nỗi tệ lắm.’

“Nhưng Thérèse à, em ít khi nào muốn nhìn anh ta: anh ta đeo kiếng mắt này, lại hói nữa này. Đúng là một ông già.”

“Anh ta mới 29 tuổi.”

“Nhưng em vẫn nghĩ đó là một ông già – vả lại, già hay trẻ  thì . . .”

Vào bữa cơm chiều, trong khi ông bố bà mẹ bàn tán về thành phố vùng vịnh Biarritz, nơi họ và con gái sẽ đi nghỉ mát, về khách sạn nào họ nên chọn, thì, như Thérèse quan sát, Anne ngồi bất động như kẻ mất hồn. “Cố ăn một chút – con phải cố ăn chứ!”, Madame de la Trave nói luôn miệng. Cô bé đưa cái muỗng lên miệng như một cái máy. Mắt cô không có chút ánh sáng sự sống nào. Không một ai và cũng chẳng có một điều gì quan trọng với cô vào lúc này ngoại trừ con người không có ở đây. Thỉnh thoảng một nụ cười thoáng nhẹ qua môi cô bé, đó là lúc cô chợt nhớ lại một lời nói yêu đương, một sự ve vuốt cô sẵn sàng đón nhận khi hai người cùng ngồi với nhau trong căn lều bỏ hoang, bàn tay mạnh mẽ của Jean đã mở rộng cổ áo choàng của cô thêm một chút. Thérèse chăm chú quan sát Bernard cúi người trên dĩa thức ăn: anh ta ngồi khuất một phía hơi tối, nên nàng không thể nhìn được mặt chồng, nhưng vẫn nghe tiếng nhai chậm rãi, như cố tận hưởng cho hết những tinh túy thiêng liêng của thực phẩm trần gian. Nàng đứng dậy, rời bàn. Bà mẹ chồng mát mẻ: “Cô ấy không muốn ai nhìn mình trong lúc ăn. Mẹ cũng muốn chiều chuộng cô ấy lắm chứ, nhưng cô ta lại không thích người khác săn đón, chăm chú đến mình. Những triệu chứng ói mửa do cái thai trong bụng nó hành là tình trạng không ai tránh khỏi. Nhưng không cần phải nhắc, cô ấy hút thuốc nhiều quá.” Rồi bà nhắc lại thời gian bà mang thai hai đứa con của mình: “Mẹ nhớ là lúc ấy, mẹ phải thở vào một trái banh cao su. Chỉ có cách đó mới làm cho bụng mẹ yên được.”

“Thérèse, chị ở đâu vậy?”

“Ngay đây, trên băng ghế nè!”

“Em thấy đốm lửa thuốc lá của chị rồi.”

Anne đến ngồi xuống, dựa đầu vào cái lưng cứng cáp của Thérèse, ngước nhìn bầu trời đầy sao, nói: “Anh ấy cũng nhìn thấy những vì sao này. Và nghe cả được tiếng cầu kinh đức mẹ…” Cô bé bảo Thérèse: “Hôn em đi, chị ơi!” Nhưng Thérèse không cúi xuống đón nhận khuôn mặt ngước lên tin cậy. Nàng chỉ hỏi:

“Em đau khổ lắm sao?”

“Không, tối nay em không cảm thấy buồn khổ chút nào. Em nhận ra được rằng, bằng bất cứ cách nào thì em và anh ấy cuối cùng cũng sẽ ở bên nhau. Em an lòng rồi. Điều quan trọng là anh ấy phải biết như thế và chị sẽ là người nói cho anh ấy biết. Em quyết định đi xa với gia đình, nhưng khi em quay lại đây, không một bức tường nào có thể ngăn cách chúng em được nữa, sớm muộn gì em cũng sẽ chiếm trọn trái tim anh ấy. Em tin chắc điều đó như em tin chắc về chính cuộc đời mình. Đừng, Thérèse, đừng lên giọng đạo đức với em, ít nhất, chị không phải là người đó. Đừng đem gia đình vào đây nữa.”

“Anne nè, chị không nghĩ đến gia đình đâu, mà là đang nghĩ đến cậu ấy. Em không thể nào nhẩy vào cuộc đời một người đàn ông sỗ sàng như vậy. Cậu ấy cũng còn có gia đình của mình chớ. Hoặc giả có một ý thích nào đó, hay công việc làm của mình, thậm chí một mối quan hệ tình cảm nào đó . . .”

“Không, chị ạ! Anh ấy bảo em: Em là người duy nhất của đời anh; rồi một lúc khác thì là: Tình yêu chúng ta là điều duy nhất bây giờ đây anh bận tâm đến . . .”

“Bây giờ?”

“Chị nghĩ gì vậy? Bộ chị nghĩ anh ấy chỉ hàm ý là chỉ vào lúc đó mà thôi sao?”

Thérèse thấy rằng không cần thiết phải hỏi Anne rằng em có đau khổ nhiều lắm không nữa. Nàng có thể nghe được tiếng rên rỉ của nỗi đau hòa cùng với sự âm u của bóng tối mà trong lòng không một chút cảm thương nào dành cho cô bé tội nghiệp. Tại sao nàng lại phải tỏ vẻ cảm thương chứ? Thật là ngọt ngào biết bao khi lập lại tên của một người, cái tên định mệnh đã buộc chặt người đó với mình bằng một sợi dây tình cảm thầm kín. Cứ nghĩ rằng người ấy đang sống, đang thở, đang ngủ ngon trong đêm, đầu gối trên cánh tay, rồi người ấy sẽ thức dậy khi trời sáng, thân thể trẻ trung khỏe mạnh của người ấy sẽ xua tan đi màn sương mù bao phủ chung quanh…

“Chị đang khóc, phải không Thérèse? Chị khóc vì em? Chị thương em lắm, phải không chị?”

Cô bé quỳ gối xuống, dựa đầu vào cạnh sườn Thérèse. Đột nhiên, cô đứng thẳng người dậy:

“Trán em cảm thấy bụng chị có một chuyển động gì đó…”

“Đúng rồi em. Đã có dấu hiệu ấy từ  mấy hôm nay rồi.”

“Em bé?”

“Phải, nó đã chứng tỏ sự sống của nó rồi!”

Họ cùng bước về nhà, hai cánh tay quấn vào nhau như trước đây họ đã từng, trên những đoạn đường Nizan, đoạn đường Argelouse. Thérèse bỗng nhớ mình đã bao lần lo sợ cho cái bào thai đang run rẩy bên trong cơ thể mình, có thể sẽ bị những đam mê cháy bỏng của mình, những thầm kín ẩn mình sâu thẳm tận dưới đáy, sẽ một ngày nào đó thẩm thấu vào từng thớ thịt của một thai nhi chưa định hình. Nàng có thể nhìn thấy chính mình, đêm hôm ấy, ngồi trong phòng trước mặt cửa sổ mở toang (và tiếng Bernard nói lớn từ ngoài vườn – “Đừng bật đèn, muỗi sẽ bay vào”). Nàng đã đếm từng ngày tháng cho đến lúc sinh nở. Nàng cũng đã từng muốn biết  một đấng khuất mặt khuất mày nào đó, một đấng mà nàng có thể khẩn cầu xin đừng cho sinh linh nhỏ bé này, sinh linh đang bấu chặt bên trong cơ thể nàng, được xuất hiện làm người.

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

8.The Book of Good Stories là một loại sách giáo khoa Mauriac đọc khi còn là một cậu bé, mặc dù sách dành cho con gái đọc. Một trong những tác giả chính của quyển sách là Zénaide Fleuriot (1829-1890); những câu chuyện dành cho đàn ông của Fleuriot đã làm cho Mauriac bối rối mỗi khi nhắc đến.

Bài Mới Nhất
Search