T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu vừa qua đời

clip_image002

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Trái) và nhà văn Nguyễn Lệ Uyên (Phải)

Nhận được tin từ nhà văn Nguyễn Lệ Uyên ở trong nước và LN ở California vừa cho TV&BH biết, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, một trong số những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học miền Nam (1954-1975) đã qua đời tại Sài Gòn tối thứ Ba, 2 tháng 8 năm 2016, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo lời của phu nhân nhà văn, qua anh Nguyễn Lệ Uyên, thì nguyên nhân là do “. . . có cục máu đông trong não + gan bị ung thư tiềm ẩn . . . “.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã được xem là “một nhân cách lớn mà anh em văn nghệ luôn kính trọng” (NLU). Tác giả của những tác phẩm nổi tiếng một thời như Gia Tài Người Mẹ, Ðêm Tóc Rối, Tuổi Nước Ðộc, Phấn Ðấu, Gào Thét, Ngày Lạ Mặt, Con Sâu . . . được nhà văn Khuất Đẩu khái quát rất trân trọng như sau:

Dù là một nhà văn được nhóm Sáng Tạo phát hiện, nhưng Dương Nghiễm Mậu không viết như Mai Thảo, nghĩa là không cách tân lối viết, không quá chú trọng làm sao cho mỗi chữ gõ lên nghe leng keng.

Ông có vẻ như một “phu chữ” kiên nhẫn “gánh” những con chữ như cách Hữu Loan gánh từng tảng đá, để dựng nên ngôi nhà chữ nghĩa của mình. Ngôi nhà ấy, mới trông rất bình thường nếu không muốn nói là tầm thường.

Nhưng bước vào trong, cái vừa hấp dẫn vừa làm ta ngài ngại, chính là không khí trong mỗi truyện, một không khí hơi lành lạnh, hơi u uất, hơi dằng xé. Truyện nào cũng đau đau, buồn buồn, để lại hay làm bật lên trong lòng người đọc những suy nghĩ, những băn khoăn thực khó gọi tên, nhưng rất gần và rất thực. . .” ( Khuất Đẩu : TIẾNG SÁO NGƯỜI EM ÚT của Dương Nghiễm Mậu)“.

Trong những ngày sắp tới, TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Dương Nghiễm Mậu*, như một cách bầy tỏ lòng tri ân đến những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Anh Chị Em thân hữu của trang TV&BH xin kính gởi lời chia buồn đến gia đình nhà văn trước sự mất mát không thể tránh khỏi này.

Ngày 3 tháng 8 năm 2016

T.Vấn & Bạn Hữu

*Để có “đất” giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, chúng tôi sẽ tạm ngưng phần giới thiệu các tác phẩm trong “Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu”. Khi trở lại, chúng tôi sẽ trân trọng gởi đến quý độc giả “Lênh Đênh”, một truyện vừa độc đáo của cây viết “thế hệ một rưỡi” Lưu Na. (TV&BH)

 

Đọc Thêm:

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu qua đời, hưởng thọ 81 tuổi

(Nguồn : Người Việt)

clip_image002[5]

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu. (Hình: RFA)

SÀI GÒN (NV) – Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, một trong các tác giả nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam, vừa qua đời lúc 8 giờ 35 phút tối Thứ Ba, 2 Tháng Tám, tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi, nhà báo Phí Ích Bành, em ruột của nhà văn xác nhận với nhật báo Người Việt.

Theo Wikipedia, nhà văn Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 Tháng Mười Một, 1936 tại làng Mậu Hòa, huyện Ðan Phượng, phủ Hoài Ðức, tỉnh Hà Ðông (nay thuộc Hà Nội).

Ngoài tên Dương Nghiễm Mậu, ông còn một bút hiệu khác là Hương Việt Hương.

Năm 12 tuổi, ông ra sống và học ở Hà Nội đến bậc trung học. Sau đó, ông bắt đầu viết đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo chuyên nghiệp.

Năm 1954, ông di cư vào Nam.

Từ năm 1957, ông bắt đầu viết nhiều đoản văn, truyện ngắn, truyện dài.

Năm 1962, ông chủ trương tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ, Tia Sáng, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Ðiểm, Chính Văn, Sóng Thần, Giữ Thơm Quê Mẹ… Ngoài ra, ông còn chủ trương nhà xuất bản Văn Xã.

Năm 1966, ông nhập ngũ, một năm sau, ông làm phóng viên quân đội Việt Nam Cộng Hòa đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì bị đi tù cải tạo.

Từ năm 1977, ông chuyển sang vẽ tranh sơn mài.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu có một số truyện ngắn như Cũng Ðành (tác phẩm đầu tay, năm 1963), Ðêm, Ðôi Mắt Trên Trời, Sợi Tóc Tìm Thấy, Nhan Sắc, Kinh Cầu Nguyện, Ðịa Ngục Có Thật, Ngã Ðạn, Quê Người, Trong Hoang Vu, Tên Bất Lực… và các truyện dài như Gia Tài Người Mẹ, Ðêm Tóc Rối, Tuổi Nước Ðộc, Phấn Ðấu, Gào Thét, Ngày Lạ Mặt, Con Sâu, Sống Ðã Chết… (Ð.D.)

Bài Mới Nhất
Search