T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

VŨ THỊ NGỌC THƯ: CỤ VIỄN

Sorrowing Old Man (At Eternity’s Gate) – VAN GOGH

(Nguồn: WPCLipart.com)

Rất có thể cụ Viễn sẽ qua khỏi. Nhận điện thư từ bác sĩ cho biết tình trạng cụ đã có vẻ khá hơn mấy ngày trước, Thục cũng mừng. Có thể vì cụ vẫn còn rất khỏe, chẳng bao giờ đau ốm, và vì thế cũng đã mau lại sức dù vừa trải qua cả tuần mê man trong phòng cấp cứu.Nhưng sự yên tâm về tình trạng sức khỏe của cụ chỉ thoáng qua giây lát, Thục lại bâng khuâng chìm ngay vào tâm trạng lo lắng, trĩu nặng buồn phiền khi chua xót nhớ đến những ngày đã qua của cụ.

Quạnh hiu, lầm lũi, đơn độc một mình như thế mà cụ vẫn cố níu kéo cuộc sống hẩm hiu, buồn tẻ này. Từ nửa năm qua, chân cụ đi lại không còn được vững nữa, cụ lại càng âm thầm, lặng lẽ hơn trong tòa nhà tĩnh yên gần như vô hồn của toàn người già đã về hưu, ít khi có bóng dáng khách đến thăm. Đã từ rất lâu, cụ luôn sống cô quạnh, ít bạn bè, xa cách con cháu, và cũng thường không giao thiệp với hàng xóm trong chung cư. Khi còn trẻ, cụ cũng không mấy quan tâm đến sinh hoạt thường ngày của gia đình. Cụ chẳng bao giờ hỏi chuyện và rất ít khi dự phần vào bất cứ hoạt động gì ở nhà, kể cả việc học hành của các con. Và vì thế, giữa cụ và con cái luôn như có một khoảng cách. Khoảng cách ấy càng sâu rộng thêm khi các con cụ dần lớn, rời nhà đi học xa, và lần lượt lập gia đình.

Mùa đông vài năm trước, cụ đã từng ốm nặng đến ngất xỉu trong nhà. Ở những người cao tuổi, bệnh viêm phổi ác tính mắc phải giữa mùa lạnh vùng Bắc Mỹ, cực kỳ khó trị; Nhưng cụ đã kiên cường vượt qua được sau gần cả tháng điều trị ở bệnh viện. Có thể vì thể trạng cụ vẫn tiềm ẩn sức lực dẻo dai, hoàn toàn khỏe mạnh, có sức chịu đựng cao do được tôi luyện từ nhiều năm dãi dầm nắng mưa ngoài đường phố. Đã rất nhiều năm qua, cụ không bao giờ thích ở nhà. Hay nói đúng hơn là cụ không thể ở trong nhà nếu cụ không ngủ.  Khi còn trẻ sức lực còn sung mãn, hàng ngày ngoài giờ làm việc, cụ thường lên xe điện, xe bus đi ngang dọc khắp các khu phố buôn bán trong vùng và cả ở những tiểu bang lân cận. Đến nơi nào, cụ cũng chỉ lẩn quẩn xem hàng họ một lúc, lấy vài tờ báo thương mại Việt ngữ miễn phí, nhưng hiếm khi mua thứ gì bán trên phố. Nhiều khi đi chán khu này, cụ lại lên xe đi tiếp qua khu phố khác, và thường cụ chỉ về nhà trên chuyến xe bus cuối cùng trong ngày, lúc đã gần nửa đêm.

Khi anh chị em Thục vừa đủ khôn để nhớ được những sinh hoạt thường nhật của gia đình, ai cũng nhắc đến chuyện ngày ngày cụ đi suốt từ sáng khi phải lên sở làm, nhưng không một ai có thể khẳng định rõ ràng thời khắc nào cụ về lại nhà trong ngày. Vì chỉ thường đến rất khuya, khi con cái đều đã say ngủ, cụ mới về. Cả đến những ngày chủ nhật, cụ cũng không bao giờ có nhà. Dường như những năm tháng ấy gia đình chưa bao giờ có được bữa cơm ấm áp đông đủ cả nhà, hay nói đúng hơn là có cụ tham dự. Cụ như một người lạ nhưng lại cũng rất quen trong gia đình. Vì rất ít khi có dịp chuyện trò trao đổi với cụ, nên tất cả con cái đều rất bỡ ngỡ, ngại ngùng không quen đối đáp bình thường, hay có thể trả lời mạch lạc nếu khi nào được cụ tình cờ hỏi chuyện.

Từ sau lần bị trận viêm phổi nghiệt ngã ấy, cụ đã hoàn toàn không thể tự ra khỏi nhà một mình được nữa. Chân cụ yếu hẳn nên đi lại thường phải dùng một cái walker. Từ đó, ngày ngày cụ chỉ ngồi yên lặng, thờ thẫn rất nhiều giờ trên cái ghế hơi khập khễnh, luôn đặt sát cái lò bếp, ngay trên lối bước vào nhà. Cụ ngồi thế cho tiện việc nhận cơm tháng, ăn uống, dùng nhà tắm, và có lẽ quan trọng hơn là gần máy điện thoại để không lỡ bất cứ cuộc gọi hiếm hoi nào từ người nhà, bà con phương xa, hay một người quen nào đó. Tuy không thể đi lại được nhiều, nhưng chẳng bao lâu sau, đêm đêm giữa vắng lặng trên các hành lang trong chung cư, cụ lại cần cù chu toàn công việc gom thu hàng riêng mà cụ vẫn đều đặn làm thường xuyên 15 năm qua, từ khi bắt đầu nghỉ hưu ở tuổi hơn 70.

Thời gian này, đôi ba câu bâng quơ hỏi thăm sức khỏe từ bà con cũng đủ làm dấy động không gian tịnh yên của cụ. Cụ đã đau yếu nhiều tháng qua, sức khỏe bây giờ lại đang xuống dốc, hay buồn tủi, nên dễ bị kích động. Chỉ hơi chạnh lòng là cụ mất bình tĩnh, than van tuôn tràn bao ẩn ức sang người ở đầu dây điện thoại bên kia. Bất cứ ai hỏi thăm, cụ cũng luôn oán thán nhắc đến các món đồ bị mất khi cụ phải nằm viện. Các thứ mà cụ đã nhặt nhẹm bao ngày từ các phòng để đồ “recycle” trong chung cư, hay hiếm quí hơn, là một vài món mà có lẽ cụ đã phải đắn đo suy nghĩ nhiều trước khi ky cóp mua về từ một tiệm bán đồ cũ nào đó. Các đồ đạc ấy, cụ chất chồng lớp lớp khắp nhà, năm nọ sang năm kia. Điều lạ kỳ là phần lớn những gói đồ tạp nham ấy chẳng bao giờ có dấu vết đã từng được mở ra xem hay được thu xếp, chọn lọc lại. Có lẽ chính vì chưa được duyệt qua, nên tuyệt đối không bao giờ cụ vứt bỏ bất cứ một thứ gì trong nhà. Cụ giữ từ cái hộp xốp đựng cơm tháng ăn hàng ngày với chút đồ ăn chưa dùng hết, chai lọ đựng thuốc men hay mắm muối đã dùng xong, cái bàn chải đánh răng mòn lĩm không còn dùng được nữa, cả tờ lịch bóc xuống nếu có in ảnh đẹp cũng được trữ lại, và dường như tất cả các bao gói đồ từ siêu thị dù đã lên men chua hay bị mốc bạc, cũng đều được nhồi nhét cất vào các chỗ trống ở các tủ trong bếp.

Dần dà, chỉ còn cái ghế cũ kỹ mòn nhẵn nơi cụ vẫn ngồi ăn cơm, viết check trả hóa đơn, hay dùng như chỗ nghỉ ngơi là chưa phải chứa các món đồ hỗn tạp, hàng xén ấy. Cũng đã từ rất lâu, vì luôn bị khó thở vì các chứng hen suyễn và dị ứng kinh niên, nên để tránh tình trạng đột ngột ngạt thở, đêm đêm cụ thường ngủ trong tư thế ngồi trên cái ghế luôn gắn với cụ như bóng như hình ấy. Thỉnh thoảng có hôm cụ cảm thấy dễ chịu, muốn nghỉ ngơi thoải mái trên giường, nhưng cụ không thể nào thu xếp được một chỗ tạm để ngả lưng, vì cái giường đơn duy nhất trong nhà cũng đã ngập tràn đồ đạc hỗn độn, chất cao ngất ngưởng đến gần đụng trần nhà; và nếu không cẩn thận khi chạm vào, có thể sẽ bất ngờ đổ ập xuống, rất nguy hiểm.

Khoảng giữa nhà cụ, một căn studio lớn, là một không gian chung rộng gần 700 square feet, được thiết kể là nơi đặt sofa tiếp khách, bàn làm việc, chiếc giường ngủ, bàn ăn, và các kệ sách. Nhưng bước vào nhà, phải để ý kỹ lắm mới có thể nhận ra sự hiện diện của bàn ghế, tủ giường đã bị vùi lấp dưới bao lớp đồ hàng của cụ. Ánh sáng từ các cửa sổ bằng kính bao quanh một mặt nhà luôn tràn lan ấm áp khắp nơi trong studio của cụ. Nhưng nắng vàng rực rỡ càng làm cái không gian rối mù hàng họ ấy thêm phần dơ bẩn, hỗn loạn hơn. Tất cả nhìn không khác gì một bãi chứa rác công cộng được thu nhỏ, nơi có đủ loại đồ vứt đi, tứ tung ngập ngụa trên lớp thảm cáu bẩn dưới sàn. Giữa nhà, hai đống hàng kếch sù luôn còn vẻ dao động như vừa được trút xuống từ chiếc dumpster của xe rác công cộng. Sàn nhà bừa bãi như tình trạng bãi rác khi chưa được nhồi ép, đóng nén trước khi bị thiêu hủy hay vùi sâu để biến chế. Bãi luôn sống động với các sinh hoạt phân hủy lộn xộn ngày đêm. Bộn bề tất bật như thế nhưng bãi lại không nằm trong khu hẻo lánh xa dân cư theo luật quy định, mà tọa lạc ngay giữa căn apartment của một chung cư thanh lịch, thuộc trung tâm tiểu bang, nơi dành riêng cho các cụ già về hưu. 

Tiện tặn, dè sẻn kinh khủng như thế nhưng rất lạ là hàng năm cụ thường dễ dàng biếu xén ngay vài trăm bạc cho các nhân viên có nhiệm vụ kiểm tra sự an toàn và vệ sinh trong chung cư, để họ ngơ đi tình trạng nhà cửa khủng hoảng của cụ. Và cũng chỉ ngay sau ngày kiểm tra, khi nghe ngóng biết vấn đề vệ sinh đã dịu lắng ổn thỏa, cụ lại lập tức miệt mài công trình bới nhặt đồ phế thải trong chung cư. Cụ gom góp sách báo cũ, giấy quảng cáo đã quá hạn, túi xách của phụ nữ đã đứt quai, khăn choàng cổ sờn rách, chiếc dù gần bung vải lợp, giầy dép mòn sắp long đứt, và cơ man nồi niêu xoong chảo đã móp méo, khét cháy. Cụ tải hàng bằng chiếc xe đẩy thường dùng để mua thực phẩm trong siêu thị, mà một ai đó trong các cụ, đã đem từ khu chợ bên kia đường về chung cư. Khi về đến kho riêng, cụ lại vất vả nhồi nhét từng thứ vào một vài chỗ trống hiếm hoi sót lại trong kiện hàng đã ăm ắp giữa nhà. Càng ngày cụ như càng mụ mị hơn giữa trăm ngàn thứ hàng tạp nham được tha về. Cụ không nhận ra sự bẩn thỉu dơ dáy và các mầm mống bệnh hoạn đang bủa vây quanh nhà, cụ chỉ thấy thân tâm an lạc dễ chịu khi khối của cải hỗn tạp đồ sộ ấy luôn kề cận an toàn sát bên cụ.

Cũng như bao tuần hoàn khác của cuộc sống, hàng nhập vào mãi thì cũng đến lúc phải xuất. Kiện hàng được vĩnh viễn xuất kho về vô định khi cụ phải nằm bệnh viện, nhà phục dưỡng mấy tháng để trị bệnh. Anh lao công to khỏe trong chung cư đã cật lực dọn dẹp hơn cả tháng mới tải quang được bao hàng họ mà trong đó nhiều thứ đã mục rã bê bết khắp nhà. Bất cứ vị trí nào sát tường trong nhà cụ cũng có giấy báo cũ đóng ngập bụi bậm, có phần còn bị ẩm mốc đen. Báo và giấy quảng cáo chất cao ngập đến tận trần nhà và kín hết mọi chỗ, kể cả bồn tắm và nơi rửa mặt trong nhà vệ sinh. Kinh khủng hơn là vô vàn các hộp xốp đựng đồ ăn đã mủn mục, lúc nhúc gián, được chồng chất kín quanh cái bếp nấu nhỏ và đầy ngập dưới bồn rửa cạnh bếp. Anh ta đã cáu điên chửi thề, bật lên thảng thốt kêu không hiểu cụ ta tắm rửa ở đâu trong những năm qua vì nhà tắm chỉ còn duy nhất cái toa lét cáu bẩn là chưa bị thả món đồ gì vào. 

Nhiều ngày sau đó, mỗi khi bất giác nhớ lại việc thu dọn đã phải làm, anh lao công vẫn còn bị ám ảnh về cái không gian ngập ngụa rác rưởi, gián, nhện; và nhiều sinh vật lúc nhúc, lan tràn trên các mảng mốc xanh vàng trong các hộp xốp còn nhây nhớt thức ăn cũ trong tủ lạnh. Đâu đâu trong bếp cũng rò rỉ đầy chất lệt xệt, nhớp nháp nặng mùi chua thiu. Vài con gián túa chạy tứ tán mỗi khi một lớp hộp được nhấc lên để quăng vào bao rác. Mùi xú uế tanh tưởi đến nỗi chỉ mở cửa để chuyển đồ bỏ đi vào nhà rác, cả hành lang bên ngoài cũng nồng nặc mùi hôi một lúc. Hắn khó tưởng tượng là ông cụ lòm khòm, chậm chạp, dáng vẻ hiền lành, hay cho quà nhân viên dọn dẹp,luôn thân thiện cười, nhìn bình thường như vài cụ gốc Á châu khác ở trong tòa nhà, lại là người từng sống đêm ngày, rất nhiều năm qua, trong cái địa ngục trần thế ấy.

Như một phép lạ sau gần cả tuần mê man ở nhà thương và gần sáu tháng ở viện phục hồi, nhà phục dưỡng, cụ vượt qua trận viêm phổi mà rất nhiều người cao tuổi khác đã không thể nào sống sót. Được xuất viện về lại tòa nhà quen thuộc, cụ đã bỡ ngỡ vô cùng khi mở cửa vào căn apartment đã từng ở bao nhiêu năm. Ngạc nhiên đến nỗi, cụ phải bước trở ra, đọc số nhà cẩn thận, trước khi yên tâm vào lại căn nhà thoáng đãng gần như mới vì đã được sơn sửa, thay thảm, và đâu đâu cũng được cọ rửa rạch, không còn chút dấu vết gì của nơi cụ đã từng ở trước đây. Nhìn quanh, chỉ còn cái ghế sofa, chiếc TV mới màn hình khá lớn, bàn làm việc có vài cái thư, hai cái ghế một cao một thấp, chiếc giường đơn với chăn gối mới. Khu bếp nổi bật vì chiếc tủ lạnh hiện đại, bên trong có mấy chai nước suối trong. Quần áo của cụ, còn thoảng thơm mùi vừa giặt sấy, được xếp gọn trong tủ cạnh nhà tắm.

Nhưng kho hàng đồ sộ giữa nhà đã biến mất.

Vô hồn, cụ lăn lộn kêu gào ai oán gọi trời đất từng cơn liên tục nhiều ngày đêm. Cụ bơ phờ rên xiết trong phẫn uất đến lạc giọng, rồi bừng bừng lên cơn sốt. Cụ hoảng loạn trong đau đớn đến gần hai tuần. Đột nhiên, một hôm cụ không rên rỉ nữa, mà đập bàn quát tháo, điên cuồng chửi độc, rồi hăm đe sẽ đánh bọn cướp hàng của cụ. Những lời trù nhiếc rẻo thịt, róc xương ấy như đã hòa quyện, tan ngấm khắp không gian nhà. Một buổi chiều ghé qua, Thục bỗng rờn rợn, có cảm tưởng như mơ hồ thấy vài mảng đục lờ nhờ đang lơ lửng dật dờ trong nhà, tựa như các bọc hận, túi oán đang vạ vật trong tư thế sẵn sàng gây chuyện. Chúng bồng bềnh ẩn hiện, la đà ngay chỗ vẫn tồn chứa kiện hàng cũ. Mấy lần sau đến thăm cụ vào khoảng thời gian ấy, Thục đã có cảm giác sợ hãi, bất an, và luôn cố tình để cửa hé mở, cố tránh bước hẳn vào trong nhà.

Tuy buồn hận, nhưng dần dà cụ cũng cố kềm giữ sự phẩn uất những lúc lủi thủi một mình. Chỉ khi người thân, tình cờ gọi phone hay đến chơi, câu xã giao thăm hỏi sức khỏe đầu tiên của khách đủ để khơi dậy nỗi đau buồn tột cùng của cụ. Cụ đáp lại ngay bằng các tiếng nghẹn nấc, thảm thiết, rền rỉ ai oán đến nỗi không thể nghe rõ cụ nói gì nữa. Âm thanh vang qua điện thoại chỉ là các chuỗi kêu thâm u đanh lạnh như lời khóc than vọng về từ chốn nào xa thẳm. Khi sự xúc động được kềm chế bớt, cụ bắt đầu ào ạt tuôn bao tức giận vào từng lời buộc tội các thủ phạm đầu têu trong vụ mất hàng, mà cụ nghi ngờ là đám con cháu trong nhà. Cụ ước lượng tổng thiệt hại khoảng cả triệu đô la. Cụ oán thán rên xiết, kể lể đã bị trấn lột hết số của cải đã được gầy dựng khó khăn từ mấy đời qua. Mất mát to tát đến độ, dù có bạc tỷ hay thần phép, cũng vô phương tái tạo được.

Những câu kể lể của cụ đã rung chuyển tâm can Thục. Nhiều ngày sau đó, trong giờ nghỉ buổi trưa, Thục đã lên thư viện trong trường mải miết lục tìm và đọc các tài liệu viết về Compulsive Hoarding Disorder (bệnh tích trữ đồ đạc), Obsessive-Compulsive Personality Disorder (OCPD), Obsessive-Compulsive Disorder (OCD), tạm định nghĩa là tình trạng rối loạn tư duy, luôn muốn tích trữ đồ, không loại bỏ bất cứ thứ gì, dù là món đồ không cần thiết hoặc đã hư hại. Bệnh nảy sinh từ chứng rối loạn tâm trí, hoặc bị các ám ảnh chi phối, khiến người mắc bệnh luôn lập đi lập lại các hành động của họ.Chứng rối loạn này thường bắt đầu ở mức độ nhẹ khi còn trong tuổi niên thiếu và dần dần trầm trọng hơn theo tuổi tác của người bệnh.

Thật xót xa làm sao khi nhận thức được cụ không là người quá tằn tiện đến nỗi không muốn vứt bỏ đi bất cứ đồ đạc gì, như nhiều người trong gia đình luôn nghĩ, mà cụ bị bệnh, bệnh tích trữ đồ đạc, bệnh tích trữ đồ đạc rất nặng, nên tâm trí cụ đã phần nào bị rối loạn. Loại bệnh tâm lý này được nhận định là đã phát sinh từ một sự mất mát lớn lao nào đó trong quá khứ, từ tâm trạng luôn chán chường mệt mỏi với cuộc sống, từ các buồn khổ không thổ lộ được với ai,và các cố gắng chịu đựng một mình khi nỗi buồn lớn dần, sự tuyệt vọng chồng chất theo thời gian [1]; Hoặc từ các sợ hãi vô cớ luôn thường xuyên bị ám ảnh; Cũng có thể là tổng hợp của một số hay tất các các nguyên nhân vừa kể. Cụ thuộc trường hợp bệnh nặng nhất, bệnh cấp số 5 [2] dựa theo các loại hàng và dung lượng tích trữ. Bệnh cụ trầm trọng đến khó còn hy vọng cứu chữa hay có thể thuyên giảm bằng thuốc men thường dùng để chữa trị bệnh nhân vướng phải chứng rối loạn này.

May mắn là chỉ ít lâu sau, cụ nguôi ngoai bớt, và đã có thể đi lại được bằng cách đẩy một cái xe đặc biệt dùng để giữ thăng bằng cho người già khi di chuyển loanh quanh một mình. Từ đó, đêm đêm cụ lại trở về với công việc thu gom hàng họ vẫn làm. Hành lang hun hút vắng tanh, chỉ mình cụ lầm lũi đẩy xe. Thỉnh thoảng anh bảo vệ làm ca đêm để ý theo dõi màn ảnh máy hình an ninh của tòa nhà, cũng chỉ toàn thấy một mình cụ, lòm khòm, tuần tự đẩy xe đến phòng chứa đồ recycle mỗi từng lầu trong chung cư. Lui cui bới móc, nhặt nhẹm, rồi nhẹ nhàng tải hàng đi, lặng lẽ như bóng ma trên các hành lang trống vắng. Nhóm quản lý chung cư quá ngán ngẩm về công việc thu góp rác dị kỳ trái phép này, đã gửi nhiều thư từ qua lại cảnh báo, nhưng rồi cũng chịu thua, và cuối cùng đành để mặc cụ.

  Cứ thế, ngày tháng trôi, và cuộc đời cụ trôi. Con cái không thể nào khuyên bảo hay dọn dẹp nhà cụ được và cụ cũng cấm đoán con cháu bước vào nhà mỗi khi ai đó có dịp đến thăm. Kho hàng mới đang được cụ cập rập gầy dựng, chừng như mọi việc đang hối hả, vội vã hơn.Nhiều hôm cụ phải vất vả thu hàng nhiều chuyến vì chỗ chứa trên cái xe đẩy cũng giới hạn. Tuổi già chất chồng. Cụ mù mờ, lẫn lộn hơn trong sự hỗn loạn của căn phòng bừa bãi. Mầm mống bệnh cũng tăng nhanh theo dung tích nẩy nở của khối đồ phế thải la liệt khắp nhà. Dù đã lẩn thẩn nói trước, quên sau, nhưng cụ vẫn nhớ đêm đêm đẩy xe đi thu hàng. Cho đến một hôm, cụ quỵ xuống bất tỉnh mê man trong nhà tắm vì bị nhiễm trùng nặng, rồi phải vào nhà thương cấp cứu như đã kể ở phần đầu.

Lần quỵ ngã này, cụ mê man hơn một tuần ở phòng cấp cứu, rồi lại từ từ yếu ớt tỉnh lại. Từ đấy, cụ không còn khả năng tự ngồi dậy và hoàn toàn không đi lại được nữa nên bác sĩ chuyển cụ vào palliative care ở viện dưỡng lão. Tâm trí cụ cũng bắt đầu quên nhiều hơn nhớ, lầm lẫn người này là người kia, đôi lúc còn nói chuyện rất lâu một mình. Thế mà, thỉnh thoảng trong những giây phút tỉnh táo hiếm hoi, cụ lại nhắc Thục xin bác sĩ cho cụ về nhà vì ban đêm cụ phải đi làm việc, không nhờ ai thay thế công việc của cụ được.

Ngày tháng chậm chạp qua. Đông tàn, xuân đến, rồi hạ cũng đang lặng lẽ đi. Nhiều lần đến thăm, Thục có cảm tưởng cụ đang tĩnh dần, đang cố gắng kiên nhẫn gom hơi tụ sức, chờ đợi, để một lúc nào đó sẽ lắng yên mãi mãi. Mơ hồ như cụ không còn buồn, không vui, không tha thiết, không quan tâm gì nữa đến sinh hoạt quanh mình. Hình như cụ cũng không còn để ý đến ngày tháng hay giờ giấc nữa. Bao ngày rồi cụ vẫn nằm yên trên chiếc giường đơn ở viện chăm sóc người rất già và người tật nguyền nặng. Từ vị trí nằm, nếu mở màn cửa sổ, cụ sẽ luôn thấy vòm lá cây maple lao xao theo mưa đuổi nắng bên ngoài, vài cụm mây bông bênh trên vuông trời xanh những chiều hôm nắng vàng lênh loang. Nhưng buồn làm sao, lần nào vào thăm, Thục cũng chỉ thấy cái màn cuốn trên cửa sổ buông kín, che chận không cho nguồn nắng tràn trề sinh lực bên ngoài tuôn vào phòng, và cụ cũng không bao giờ cho phép Thục hay bất cứ nhân viên nào kéo cái màn ấy lên. Không gian chỗ cụ nằm lúc nào cũng lờ nhờ đục như chiều sắp tối, vì thế cụ cũng mập mờ lẫn lộn luôn giờ giấc, ngày đêm. Cuối mùa đông vừa rồi, có hôm cụ lẫn quá, nói năng lẩn thẩn như không còn ý thức, hay đã thuộc về cõi khác không còn chút liên can nào đến cái thế giới còn có vài người thân của cụ vẫn thỉnh thoảng vào thăm và chỉ biết xót xa nhìn cụ rong ruổi trong vô thức ở một nơi nào đó rất xa.

 Bao lần đến thăm cụ trong những ngày mùa Xuân vừa qua, Thục chỉ ngồi yên, có khi gần cả giờ, cạnh cái cửa sổ luôn buông kín màn; Rồi âm thầm về, vì cụ ngủ. Đôi lần Thục ngờ ngợ như cụ già gầy yếu trên giường không phải là cụ, vì không thể nào cụ lại có thể nằm yên trên giường lâu như vậy. Cụ không bao giờ thích bị gò bó ở nhà cả.

Khoảng cuối mùa hạ gần đây, bỗng nhiên cụ tỉnh táo hơn, nói chuyện vui vẻ mạch lạc và rất dịu dàng. Thỉnh thoảng khi nghe Thục nói vớ vẩn, cụ cũng hơi móm mém cười. Những lúc ấy, Thục luôn quay đi, cố giấu chút xúc động khi nhìn thấy nét héo hắt, mệt mỏi trong đôi ba nụ cười vô tư hiếm muộn ấy. Cụ luôn hỏi bao giờ Thục lại đến mỗi khi Thục sửa soạn chào ra về. Rồi lại hấp tấp hỏi thêm ngay vài câu rất vớ vẩn không liên hệ đến câu chuyện, có lẽ mục đích cụ hỏi chỉ là để giữ Thục lại thêm đôi ba phút. Cũng không ít lần, Thục bước đi khi mắt đẫm nhòa nước.

Chiều nay, dư âm của vài giây phút ấm áp vừa qua trong phòng cụ đã làm lòng Thục chùng xuống. Thục tự giận mình đã chưa buông hẳn được phần ký ức đen tối của những tháng ngày đã xa vời vợi. Thật ra, Thục cũng chưa bao giờ bị cụ mắng hay nặng lời, nhưng đã có lúc khá buồn khi tình cờ nghe cụ nguyền rủa hay chửi độc vài người quen. Các câu dèm hay lời nguyền có thể đã làm đau lòng một ai đó. Vì thế, hình như đã lâu rồi, Thục luôn cố giữ một khoảng cách và tránh mọi suy nghĩ hay bất cứ nhận định gì sâu xa về cụ. Khi nào nhớ đến cụ, Thục cố gắng chỉ thả mình chơi vơi trong các hoài niệm đẹp từ ngày xưa, rất riêng, của Thục. Thục muốn hình ảnh cụ luôn rạng rỡ, hiền hòa như ngày cụ chở Thục đến trường dự kỳ thi tuyển vào Đệ Thất năm xưa. Có cái gì đó rất yêu thương, bao dung trong ánh mắt, khi cụ dặn dò Thục cố gắng làm bài cẩn thận, đọc kỹ câu hỏi, dò lời giải nhiều lần, để chắc chắn có đáp số đúng. Tưởng như xa, như lạ, như không quan tâm, như không để ý; Thế mà, ở vài thời khắc quan trọng có tính cách quyết định tương lai hay cuộc đời của Thục, cụ đã hiện diện, dù chỉ phút chốc ngắn ngủi, để nói một hai câu giản dị mang nội dung quan trọng,mà có lẽ cụ cũng chẳng bao giờ bận tâm nhớ đến nữa.

VŨ THỊ NGỌC THƯ

Chú Thích

[1] Landau D., Iervolino A.C., Pertusa A., Santo S., Singh S., Matãi-Cols D. Stressful Life Events and Material Deprivation in Hoarding Disorder. Journal of Anxiety Disorders 2011; 25(2):192-202

[2] The 5 Levels of Hoarding and Guidelines for Recognizing the Disorder:  https://www.therecoveryvillage.com/mental-health/hoarding/related/levels-of-hoarding/

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search