T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Sài Gòn và những trang sách cũ

clip_image002

Đừng tưởng rằng sau một cuộc phần thư, cái còn lại chỉ là đống tro

tàn của quá khứ . . .

Ngày xưa, ở nước Trung Hoa phong kiến, có bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò. Ngày nay, ở Việt Nam giữa thế kỷ 20, cũng có những bạo chúa đi theo con đường dại dột của Tần Thủy Hoàng, cũng đốt sách, cũng tìm cách chôn học trò (trí thức) bằng những hình thức trấn áp, lưu đày, cưỡng bức.

Dù cuộc đốt sách chôn học trò của Tần Thủy Hoàng có tàn bạo đến đâu, thì nước Trung Hoa vẫn còn giữ được những di sản văn hóa, lưu truyền những tư tưởng sáng chói khiến ngày nay cả thế giới ngưỡng mộ, tìm hiểu và học hỏi.

Thế còn cuộc đốt sách, tiêu diệt hết những văn hóa phẩm, “những tàn dư, nọc độc của nền văn hóa Mỹ Ngụy đồi trụy” của những Tần Thủy Hoàng tân thời thì sao?

Đừng tưởng rằng sau một cuộc phần thư, cái còn lại chỉ là đống tro tàn của quá khứ!

Đó là ý nghĩ cứ chập chờn trong đầu tôi trong những ngày tháng 7 nắng cháy da (năm rồi), có mặt ở Sài Gòn, mỗi ngày đều say mê bước vào những cửa hàng sách cũ trên đường Hồng Thập Tự cũ (nay là Nguyễn thị Minh Khai), tay mân mê những quyển sách giấy đã ố vàng, mắt nhắm lại mà như thấy hết những ngày ấy Sài Gòn, mũi hít sâu cái mùi giấy cũ ẩm mốc, và tâm tư là của anh học trò nghèo gần 40 năm về trước, mê sách hơn bất cứ thứ gì trên đời.

Con đường Hồng Thập Tự cũ, chỗ có tòa nhà rất lớn của Hội Hồng Thập Tự Việt Nam (nay là trụ sở một công ty trang trí nội thất), ngó qua bên kia là bệnh viện phụ sản Từ Dũ, lúc nào cũng đông đảo người qua lại. Đây là quãng đường quen thuộc của tôi trong suốt 7 năm mài đũng quần (vá) trên ghế Trung Học ở trường Petrus Ký. Nhiều năm sau đi lại cũng trên con đường ấy, tôi như người mộng du. Phố xá đã thay đổi quá nhiều (bao nhiêu năm rồi chứ đâu phải mới hôm qua), hàng cây hai bên đường có chỗ đã bị đốn đi, thay vào bằng những cây trẻ hơn. Quán cà phê ghế đẩu trong sân che của một biệt thự cũng không còn nữa (tất nhiên!). Nhưng dường như bây giờ khúc đường này có nhiều nhà sách hơn. Từ những nhà sách lớn có các cô gái trẻ bán hàng tha thướt trong những chiếc áo dài xanh (nhưng khuôn mặt thì luôn thiếu vắng nụ cười) cho đến những quán sách nhỏ hơn, có tính cách gia đình. Và bên cạnh đó, là những cửa hàng sách cũ, chật hẹp, ẩm mốc. Ở đây, người ta có thể tìm lại được những quyển sách hiếm hoi xuất bản từ những năm 60s hay 70s ở Sài Gòn mang tên những nhà xuất bản An Tiêm, Lá Bối, Khai Trí, Giao Điểm, Văn .v..v.. Chúng lẫn ở trong hàng hàng lớp lớp sách cũ chồng lên nhau, nhưng khi hỏi chủ nhân tiệm sách tên một quyển sách nào đó, tôi ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời rất quả quyết là họ có hay không có quyển đó. Chứng tỏ, tuy không sắp xếp sách vở theo một thứ tự khoa học, nhưng người bán biết và nhớ những gì họ có.

Và cả khả năng thẩm định giá trị những quyển sách cũ hằng 30 năm, 40 năm nữa.

Cầm quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện (quyển sách đã là sách gối đầu giường của rất nhiều người trẻ những năm ấy) do nhà An Tiêm (hay Lá Bối?) xuất bản khoảng năm 1964 hay 1965 ở Sài Gòn, gáy đã long được dán lại bằng nhiều lớp băng keo (tape), trang trong có nhiều chỗ bị mối mọt lỗ chỗ, chủ nhân của nó cho tôi biết đây là quyển thứ hai ông “có” được. Quyển thứ nhất ông đã “nhượng” lại cho một người quen với giá ba trăm ngàn Việt Nam (tương đương 20 đô la Mỹ), mà quyển ấy so với quyển tôi đang cầm trên tay còn tệ hơn nhiều: mất trang, bìa chỉ là một tờ giấy trắng với tên tác phẩm viết bằng tay. Tôi còn hỏi ông một số tác phẩm nổi tiếng khác thời ấy, ông trả lời vanh vách và cho biết, phần lớn ông đều đã có cơ hội “cầm xem lại”, và, một cách hãnh diện, ông cho biết, “hiện nay chúng đã nằm rất trang trọng trong những tủ sách ở rải rác khắp nơi trên toàn thế giới.”

Ở một tiệm sách cũ khác, cũng ở gần đó, tôi nhìn thấy có vài số tạp chí Thiếu Nhi của ông Nguyễn Hùng Trương (tức ông Khai Trí, chủ nhân nhà sách Khai Trí lớn nhất Sài Gòn thời ấy. Ông Khai Trí vừa qua đời ở Sài Gòn hồi đầu năm ngóai) và nhà văn Nhật Tiến xuất bản từ năm 1971. Chủ nhân cho tôi biết, họ vừa bán xong nguyên bộ tạp chí Thiếu Nhi nhiều tập, vì thế tôi chỉ còn thấy vài quyển lẻ nằm đó. Họ cũng vui vẻ chỉ cho tôi qua gian hàng sách cũ bên kia đường, nơi đó, tôi có thể tìm thấy nhiều hơn những quyển sách cũ. Và nơi đây, cha con tôi đã say mê lê la ngồi phệt xuống đất cầm từng số báo Tuổi Ngọc của nhà văn quá cố Duyên Anh. Với con tôi, đó là những hình vẽ con gái mà nó cho là “cool”, và nhất là hàng chữ ngoài bìa mỗi số báo: Tuổi Ngọc, tuần báo của tuổi vừa lớn. Nó nghĩ rằng sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị trong đó. Còn tôi, là cảm giác nôn nao khó tả, khi lật từng trang giấy ố vàng, thỉnh thoảng bắt gặp đôi hàng chữ viết tay (chỉ là ngày tháng, hay một hai câu thơ mơ mộng, hay đơn giản chỉ một cái tên . . . con gái), mà mường tượng ra chủ nhân trước đây của những số báo Tuổi Ngọc này là những cô cậu mới lớn ngày ấy, nay, nếu còn sống, hẳn đã là những ông lão, bà lão già nua tóc bạc (như tôi). Lật vội qua những trang thư độc giả, tôi bắt gặp vài cái tên nay đã trở nên quen thuộc với độc giả trẻ trong nước. Tôi cũng nhìn thấy tên một người bạn học từ năm đệ thất (lớp 6) ở Petrus Ký. Một cây bút học trò rất có hạng trên các trang bích báo (báo tường) của lớp, báo Xuân của trường. Ước ao của anh khi lớn lên sẽ trở thành nhà văn chuyên viết truyện cho tuổi thơ, mặc dù, tuổi thơ của anh rất ảm đạm. Mẹ chết sớm, bố là phu đạp xích lô, và không buổi chiều nào ông trở về nhà mà không say khướt. Nhưng đến năm đệ ngũ (lớp 8), sau một buổi đánh nhau dữ dội có đổ máu với băng du đãng khu vực Nguyễn Hoàng của một nhóm học sinh Petrus Ký, mà anh bạn tôi là người cầm đầu, lớp Ngũ 6 của Petrus Ký chúng tôi mất luôn người bạn nhà văn học trò. Anh bỏ học mà cả lớp không ai hiểu nguyên do. Rồi những giờ học căng thẳng của của một trường trung học luôn luôn có tỉ số học sinh thi đậu tú tài cao nhất thành phố đã cuốn chúng tôi chìm nghỉm trong những trang vở học trò. Anh bạn nhà văn thời hoa niên cũng ra khỏi tâm trí tôi hằng mấy chục năm. Chỉ đến hôm nay, sau bao nhiêu chặng đường đời có đầy đủ nước mắt nụ cười, về lại thành phố tuổi thơ, đi trên con đường đi học ngày nào, cầm quyển báo ố vàng thấy tên bạn mình tôi mới nhớ rằng mình đã có một người bạn như thế. Thành thực mà nói, nếu bây giờ chúng tôi có gặp lại nhau đâu đó, chưa chắc chúng tôi đã nhận ra nhau.

Khệ nệ ôm nguyên một chồng báo Tuổi Ngọc trên tay, tôi nói bâng quơ với chủ nhân cửa hàng sách cũ về những đợt thu gom sách báo chế độ cũ hồi 1975 của chính quyền cộng sản sau khi tiếp thu Sài Gòn, những buổi các cán bộ văn hóa thành phố, phường khóm phát động thanh niên sinh viên học sinh gom sách báo lại và đốt như đốt những uế vật ghê tởm. 30 năm, một cuộc phần thư với mưu toan chôn vùi lịch sử trong những đống tro tàn, chôn vùi những thành tựu văn hóa của một nửa nước Việt Nam vì sợ rằng với tính đa dạng, phóng khoáng, nhân bản và tự do của nó, kẻ thắng trận trên mặt trận quân sự sẽ trở thành kẻ bại trận ngay trên mảnh đất mình vừa chiếm đoạt trên một mặt trận khác. Nhưng vô ích. Những thứ tôi đang có trên tay là một chứng minh. Chúng đã sống sót như chúng tôi đã sống sót. Với sự bảo bọc nuôi dưỡng của lòng dân. Bất giác tôi nhớ đến những chuyến xe lửa chuyển tù từ Bắc trở lại miền Nam những năm 82, 83. Chuyến ra Bắc, chúng tôi bị nhốt trong những toa chở súc vật hay hàng hóa. Đi ngang qua những địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến tranh vừa qua trên lãnh thổ phía Bắc, chúng tôi được dàn chào bằng những viên gạch ném lên từ hai bên đường. Hơn 5 năm sau, trên đường trở lại quê nhà, chúng tôi cũng được dàn chào một cách cuồng nhiệt hơn bằng những gói bánh, trái cây, thuốc lá ném tới tấp vào cửa sổ xe lửa từ những con người mà 5 năm trước có lẽ cũng là họ đã ném đá vào chúng tôi. Một nhà văn miền Bắc, sau này đã thú nhận rằng không phải đợi lâu, ngay sau khi theo chân đoàn xe tăng tiến vào thành phố Sài Gòn, bà đã biết rằng mình và mấy chục triệu dân miền Bắc đã bị lừa gạt từ bao nhiêu năm nay. Và cuộc đốt sách chưa từng có trong lịch sử Việt Nam chỉ là một hành động ngu xuẩn hòng cố sức che dấu sự lừa dối của giới cầm quyền.

clip_image004

Sau này, những người vượt thoát được từ 1975 đã tìm cách tái bản lại một số sách báo cũ của miền Nam trước 1975 dưới hình thức photocopy những ấn bản mà họ mang theo được hay in ấn lại hoàn toàn mới và phát hành khắp nơi ở hải ngoại. Công việc ấy cũng góp phần phổ biến và gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc cho cả người Việt sinh sống ở ngoài nước lẫn trong nước. Và bây giờ, với mạng lưới điện toán toàn cầu, rất nhiều những bộ sách cũ xuất bản ở miền Nam trước chính biến 1975 đã được đánh máy lại, đưa lên các trang thư viện điện tử, hình thành nên một sự giao lưu văn hóa khắp nơi, từ trong nước cho đến hải ngoại (tất nhiên, vẫn có những hạn chế từ trong nước vì các bức tường lửa – firewall – tạo ra bởi nhà cầm quyền nhằm ngăn chận người trong nước tiếp xúc với các luồng sóng cổ vũ cho dân chủ tự do ở bên ngoài).

Trước một tình hình như thế, liệu những cuộc phần thư của các bạo chúa Tần Thủy Hoàng đương thời có đạt được mục đích là tiêu diệt hết thảy những giá trị văn hóa đối nghịch với đường lối của họ và nhằm ngu dân để dễ bề cai trị hay không?

Thực ra, câu trả lời KHÔNG đã có sẵn trong đầu của chính những người đề xướng ra các nỗ lực tuyệt vọng nói trên, nhưng họ vẫn cứ nhắm mắt thực hiện vì, xét cho cùng, họ không còn sự lựa chọn nào khác để cứu vãn một chế độ mà, nếu không có nó, họ không thể tồn tại.

Với tôi, khi cầm những quyển sách cũ trên tay, tôi không chỉ nghĩ đến giá trị văn hóa tư tưởng mà chúng hàm chứa đã khẳng định sự tồn tại cần thiết của chúng, mà còn trân trọng cả những trang giấy ố vàng, những cái gáy sách sờn bạc, vì những dấu vết quá khứ ấy là chứng tích của bao nhiêu con người, trải qua bao thời đại, đã từng đặt bàn tay mình trên những trang sách, đã từng trăn trở suy tư, đã từng băn khoăn thao thức. Ở một nghĩa nào đó, với tôi, những quyển sách cũ ẩn dấu sự sống của một lịch sử dân tộc, sự tồn tại tâm linh của một nền văn hóa và trên hết, mang ý nghĩa rất cụ thể về một bóng dáng tiền nhân hàng chục năm, hàng trăm năm về trước đã từng hiện hữu.

Chẳng phải chúng ta hằng năm, cứ vào độ đầu xuân, lại giở bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên ra mà bâng khuâng cảm khái:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

(Ông Đồ – Vũ Đình Liên)

Đó sao??

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search