T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : ĐỨA CON KHÔNG GIỐNG BỐ

clip_image002

Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh

Từ khi có trí khôn và biết nhận xét, tôi đã không thích mọi người nhìn tôi rồi buông lời:

-Con nhỏ này không giống bố nó tí nào hết.

Những lúc đó tôi giận lắm. Hai bàn tay nắm chặt, môi cong cớn, gân cổ nổi vòng lên, tôi vừa nhảy, vừa hét:

-Con giống bố! con giống bố!

Bố bế xốc lấy tôi, kéo đầu tôi dựa vào vai bố, vỗ nhẹ lưng tôi, giọng vỗ về:

-Ừ! ừ… con gái giống bố mà.

Bố tôi thấp người, màu da nâu đen, khuôn mặt hơi thô với chiếc mũi to và đôi môi dày. Nhưng bù lại, bố có đôi mắt biết nói. Đôi mắt trong suốt, phảng phất nét buồn, như chứa đựng cả một niềm tâm sự u uẩn. Ai cũng nói bố xấu trai, nhưng với tôi “Bố đẹp nhất trên đời, bố biết không?”. Bố thường dúi mặt vào tóc tôi, cười sung sướng “Bố không biết. Bố chỉ biết là … con gái nịnh bố nhất trên đời”.

Tôi thương bố lắm. Cứ mỗi lần bố mẹ cãi nhau (nói là cãi nhau, chứ thật ra tôi thấy bố cứ làm thinh, trong khi mẹ quát tháo ầm ĩ) tôi thường chạy đến cạnh bố, quàng tay lên cổ và thì thầm vào tai bố “Bố ơi! con thương bố nhất trên đời”, như một lời chia sẻ, an ủi. Những lúc ấy, bố nắm lấy cánh tay nhỏ bé của tôi hôn thật ấm. Còn mẹ thì xông tới, lôi tôi ra khỏi tay bố, kéo xệch vào phòng. Tôi mà vùng vẫy, phản đối thì thể nào cũng ăn vài cái tát. Trong cảm nhận bé bỏng của tôi, hình như mẹ lúc nào cũng muốn tách rời tôi khỏi vòng tay yêu thương của bố. Phần bố, bố cưng chìu tôi không kém gì cu Toàn, đứa em trai của tôi giống bố như đúc.

Ngày tiếp ngày, chị em tôi lớn dần theo thời gian. Một lần, giữa đêm khuya tôi nghe tiếng bố mẹ cãi nhau. Tò mò, tôi chạy sang phòng ngủ của bố mẹ, đứng sát cửa để nghe ngóng. Tiếng bố vang lên:

-Nếu em đã quyết tâm thì anh không có gì để nói, chỉ xin em để Minh Thụy ở lại, đừng chia cách hai chị em nó tội nghiệp.

Giọng mẹ lạnh lùng:

-Tôi không mang cu Toàn đi là đã nhượng bộ anh rồi… đừng được đằng chân rồi lân đằng đầu.

Lần đầu tiên tôi nghe giọng bố cứng rắn:

-Nếu tôi giống như lời em nói, thì em sẽ không thể ra đi dễ dàng như em muốn đâu.

Sau một khoảng im lặng rất dài, tôi nghe tiếng mẹ sụt sùi:

-Anh có làm khó cũng không được, anh đâu phải là ….

Bố to giọng, át hẳn tiếng mẹ:

-Đừng bao giờ lặp lại câu nói đó. Nếu em muốn kể, tôi sẽ kể lại đoạn đầu cho em nhớ …

Xoảng. Tiếng thủy tinh vang lên chát chúa. Tôi hoảng sợ chạy về phòng, trùm chăn, lặng lẽ khóc. Tôi không biết mẹ sẽ đi đâu và tại sao lại bỏ bố và cu Toàn ở lại, trong khi mẹ thương cu Toàn nhiều hơn tôi. Tôi thút thít khóc mãi cho đến khi rơi vào giấc ngủ.

Khi ánh nắng ban mai hắt vào khung cửa sổ, tôi ngồi bật dậy, ngơ ngác giữa tiếng hối thúc của mẹ:

-Minh Thụy, dậy đánh răng rửa mặt rồi xếp quần áo vào túi xách.

Tôi ngập ngừng giây lát rồi hỏi lại:

-Mình đi đâu? … mà có xếp quần áo của cu Toàn không?

Mẹ nhìn tôi bối rối:

-Ờ! bây giờ mẹ với con đi trước, vài ngày sau bố sẽ dắt cu Toàn đi sau.

Mắt tôi ướt sũng nước:

-Mình chờ bố và cu Toàn đi luôn được không mẹ?

Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm khắc. Tôi vẫn đứng yên nhìn mẹ cầu khẩn. Mẹ ngồi xuống, nắm chặt hai tay tôi:

-Con nghe lời mẹ… đừng làm mẹ giận.

Mẹ giận… tôi sợ lắm, vì những lần như thế, thể nào tôi cũng bị ăn đòn. Nhưng lần này tôi không sợ. Tôi vùng khỏi tay mẹ, vừa khóc, vừa gọi bố. Bố xuất hiện ở cửa phòng nhìn tôi, đôi môi mím chặt. Tôi nhào vào lòng bố, bố ôm chặt tôi, hôn lên tóc, lên má tôi. Mẹ lao tới, nắm tay tôi kéo ngược về phía sau, nhìn bố giận dữ:

-Minh Thụy lớn rồi … anh không được đụng chạm đến nó… chướng mắt lắm.

Bố lùi lại, nhìn mẹ như nhìn một vật quái lạ:

-Em muốn nói gì nữa đây? Muốn đi thì cứ đi, đừng kiếm chuyện, đừng nói những điều khó nghe, tội nghiệp bố con tôi.

Mẹ nghênh mặt cười khẩy:

-Bố con anh?

Bố hét lên trong tiếng uất nghẹn:

-Đi … đi … khỏi nơi đây … tôi không muốn nghe thêm một lời dơ bẩn nào của em nữa.

Mẹ đeo túi xách lên vai, lôi tôi đi giữa tiếng khóc đòi mẹ của cu Toàn và tiếng la thất thanh của tôi:

-Con không đi…. con muốn ở lại với bố, với em.

Dù có chống cự cách nào thì tôi cũng bị bứng đi khỏi căn nhà đầy kỷ niệm yêu thương, có bố, có em, có những ngày tháng êm đềm, mật ngọt. Năm ấy tôi mười hai tuổi và cu Toàn bốn tuổi.

Đón mẹ con tôi ở phi trường là một người đàn ông xa lạ. Ông cao lớn, khuôn mặt tuấn tú với hàng chân mày rậm, đôi mắt to và sóng mũi cao. Dáng ông đẹp và sang như những nhân vật trong phim Hồng Kông. Ông nhìn tôi với nụ cười thân thiện rồi quay sang nói với me:

-Con gái đẹp quá.

Mẹ cười sung sướng:

-Từ bé nó đã giống anh.

“Ai đây? sao mẹ lại nói tôi lại giống ông ta”. Chẳng lẽ … mồ hôi tôi lạnh toát khi mẹ quay sang bảo:

-Đây mới chính là ba ruột của con. Chào ba đi.

Tôi đứng trơ ra đó, nhìn chăm chăm vào mẹ và người đàn ông mà mẹ vừa bảo “là ba ruột của con”. Cảm giác như mình đang bị xoay tít trong một cơn giông, tôi loạng choạng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Mẹ vẫn lên tiếng hối thúc, nhưng người đàn ông đã nhỏ nhẹ:

-Đừng làm con sợ … từ từ rồi giải thích với nó sau.

Ông chià tay ra, ngọt ngào nói:

-Đưa ba xách cho.

Tôi lắc đầu, ôm chặt chiếc túi xách vào lòng, người co rúm lại. Tôi nhìn ông bằng cái nhìn xa lạ, bằng đôi mắt mọng đầy nước mắt như chứa đựng lời van xin “đừng đến gần tôi … ông sẽ không bao giờ chiếm được chỗ đứng của bố trong trái tim tôi đâu”. Người đàn ông nhìn mẹ như ngầm ra hiệu. Mẹ ngồi xuống cạnh tôi dỗ dành….

***

Mười ba năm trước, ba tôi là một sĩ quan trong quân lực VNCH. Mẹ tôi đang là sinh viên đại học văn khoa. Ba mẹ yêu nhau tha thiết, nồng nàn. Và tình yêu cuồng nhiệt đó đã vượt qua vòng lễ giáo để một bào thai được kết tinh. Sau khi ba tôi lên đường sang Mỹ tu nghiệp được một tháng, thì mẹ mới nhận biết sự biến chuyển trong cơ thể mình. Ông ngoại tôi thời đó là một thương gia giàu có, nổi tiếng, nên việc làm của mẹ tôi không thể chấp nhận được. Sau trận đòn chết đi sống lại, ông ngoại buộc mẹ phải hủy bỏ cái vết tích mang sự nhục nhã đến cho gia đình, nhưng bà ngoại không đồng ý việc làm thất đức đó. Bố tôi lúc ấy là một sinh viên nghèo, từ tỉnh lên ở trọ nhà bà ngoại để đi học. Vì là con của người bạn thân của bà ngoại, nên bố cũng được ông bà ngoại thương mến và đối xử tử tế. Đang lứa tuổi đôi mươi mà sống gần gũi một cô gái xinh đẹp thì việc bố tôi đem lòng thương thầm, nhớ trộm mẹ cũng chẳng có gì lạ. Nhưng bố biết phận nghèo hèn của mình, nên chỉ đóng vai một người bạn đơn thuần. Mẹ vô tư đâu biết, mỗi khi bà cùng người yêu âu yếm, tình tứ thì có một người lặng lẽ quay mặt đi, để dấu kín nỗi buồn.

Ngày mẹ oằn người dưới trận roi đòn của ông ngoại, bố cũng có mặt ở đó. Thương xót mẹ nhưng bố chẳng biết làm sao. Căn phòng mẹ ở trên lầu cao được khóa kín, ngoài bà ngoại ra, không ai được tiếp xúc với mẹ. Có đôi lần, bố xin phép bà ngoại để vào thăm mẹ. Lòng bố nhói đau khi nhìn thấy nét mặt hốc hác, ủ dột của mẹ, nên bố đã nhận lời giúp mẹ gửi thư cho ba. Thư gửi đi rồi mẹ chờ mãi vẫn không có một hồi âm. Mẹ hoàn toàn tuyệt vọng. Ngày từng ngày trôi qua trong nỗi lo lắng buồn phiền của ông bà ngoại. Một lần nữa, ông ngoại buộc mẹ tôi phải hủy bỏ cái thai trong bụng. Mẹ nhất định không vâng lời. Ông ngoại nghiêm khắc phán quyết, một là đứa bé trong bụng phải biến mất, hai là ông ngoại sẽ chết. Bà ngoại khóc đến ngất lịm. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, bố đã đứng ra xin phép ông bà ngoại cho bố lãnh trách nhiệm làm cha của đứa bé chưa chào đời. Đứa bé ấy là tôi. Tôi không phải do bố tạo ra, nhưng bố đã ban cho sự sống, kể từ khi tôi chỉ là hòn máu đỏ hỏn trong bụng mẹ.

Đám cưới được tổ chức linh đình trước ngày đất nước đổi chủ chỉ một tháng. Hai năm sau, bố mẹ mang tôi đi vượt biên và đến được bến bờ tự do. Dù biết rằng, mẹ về với bố bằng trái tim đầy ắp hình ảnh người tình cũ, nhưng bố vẫn yêu thương mẹ bằng cả tấm lòng. Mẹ tôi hình như không quan tâm đến điều đó, bằng mọi cách mẹ cố gắng dò la tin tức của ba. Mẹ sống với bố bằng trái tim vô cảm, ngược lại tình cảm của bố dành cho mẹ lúc nào cũng nồng nàn. Rồi cuToàn ra đời. Mẹ vẫn không nguôi hy vọng tìm gặp ba. Cuối cùng, mẹ đã toại nguyện khi liên lạc được với ba, qua sự giúp đỡ của một người bạn cũ. Nỗi mừng vui to lớn đó đã che khuất tình mẫu tử, nên mẹ không còn nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết, xé lòng của đứa con trai bé bỏng vô tội.

Suốt năm tháng, kể từ ngày đến vùng đất xa lạ này, mẹ con tôi vẫn sống thui thủi với nhau, vì ba đi công tác xuyên bang liên miên. Phần tôi, mẹ cấm tuyệt không được gọi điện thoại cho bố. Tháng tám là sinh nhật của mẹ, nên mẹ dặn ba phải sắp xếp công việc để cả gia đình có được một ngày sum họp vui vẻ. Hôm đó, mẹ làm chiếc bánh kem thật đẹp. Trong lúc hai mẹ con hí hoáy bày thức ăn ra bàn và chờ ba đến thì có tiếng gõ nhè nhẹ. Mẹ gật đầu ra hiệu, tôi chạy ra mở cửa và ngỡ ngàng khi thấy trước mắt mình là một người phụ nữ rất trẻ. Không đợi tôi mời, cô bước nhanh vào phòng khách và cúi đầu chào mẹ. Tuy hơi bất ngờ, nhưng mẹ vẫn lịch sự:

-Chào cô … xin lỗi cô tìm ai …

Người phụ nữ đưa gói quà cho tôi, rồi nhìn mẹ cười thật tươi:

-Chúc mừng sinh nhật chị.

Tôi đưa mắt nhìn mẹ với cái nhìn đầy thắc mắc, rồi ngập ngừng đưa tay đỡ lấy gói quà. Mẹ nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Vẫn nụ cười tươi, cô trả lời một cách ỡm ờ. Mẹ có vẻ khó chịu:

-Cô có thể nói rõ hơn không?

Người phụ nữ nhìn ra cửa như chờ đợi ai. Sau cùng, cô nói khẽ:

-Em là vợ của anh Kha.

Mặt mẹ tôi xám nghoẹt, tay bấu lấy thành ghế trong lúc ba tôi bất ngờ bước vào. Sắc mặt của ba cũng không khác gì mẹ. Người đàn bà nhìn ba bằng cái cười mỉm, âu yếm nói:

-Em đến để gửi quà mừng sinh nhật chị… em xin phép đi trước. Chắc là bé Lyly đang chờ ba mẹ về nhà.

Người phụ nữ bước nhanh ra cửa, bỏ lại sau lưng bầu không khí thật im lặng, thật nặng nề. Tôi nép mình vào cánh cửa phòng ngủ, chờ đợi cơn sóng gió nổi lên. Lâu lắm ba mới lên tiếng:

-Xin lỗi. Anh không biết phải nói thế nào… Nhưng quả thật, mấy tháng nay anh sống trong tình trạng căng thẳng, vì không biết phải giải quyết làm sao.

Mẹ cười nhạt:

-Anh không biết giải quyết, nên nhờ vợ anh đến đây…?

Ba bối rối phân bua:

-Anh rất tiếc chuyện đã xảy ra ngoài ý muốn. Anh cũng không hiểu tại sao vợ anh biết và biết từ khi nào. Bao lâu nay, cô ấy không lộ vẻ nghi ngờ và cũng không tra hỏi gì… Em thấy đó, Khánh đã đến đây với thái độ thật bình tĩnh và hòa nhã.

Mẹ cay đắng:

-Anh không cần ca tụng vợ anh. Em chỉ muốn biết anh sẽ sắp xếp cách nào như anh đã hứa.

Ba lúng túng thật tội nghiệp:

-Thật sự .. em sang đây quá đột ngột … anh chưa kịp sắp xếp gì cả.

Mẹ quyết liệt:

-Vậy thì … bây giờ … mọi chuyện không còn gì phải giấu giiếm nữa, anh tính sao? Em đã vì anh mà đành đoạn bỏ tất cả.

Ba đứng lên, bước về phía cửa sổ, đứng trầm ngâm một lúc lâu rồi quay lại với dáng điệu chậm rãi:

-Sáu năm chung sống với nhau, Khánh không có một lầm lỗi nào để anh có thể rời bỏ cô ấy …. Một điều nữa … anh không thể bỏ con anh.

Mẹ xô ghế đứng dậy, chỉ vào tôi bà gào lên:

-Vậy anh có thể bỏ đứa con này à?

Mẹ gục mặt xuống bàn, tay đấm vào ngực, khóc không thành tiếng. Ba thở dài:

-Anh nghĩ … mình đã sai lầm khi muốn níu kéo quá khứ. Chỉ là ảo tưởng khi chúng ta muốn tìm lại cái cảm giác tình yêu của thời tuổi trẻ. Thật sự, nó không còn nữa… Nếu có còn thì cũng mong manh, nhạt nhòa, không đủ để chúng ta quyết định rời bỏ những gì đang có. Vợ anh không có lỗi. Chồng em không có lỗi. Rồi tương lai những đứa con sẽ ra sao? Em nghĩ lại đi … có phải mình quá ích kỷ không?

Cơn giận của mẹ lên cực điểm. Bà quơ tay gạt tất cả những thức ăn trên bàn. Đôi môi tái xanh run run:

-Cuối cùng chỉ có mình tôi là ngu xuẩn. Anh về đi…

Giọng nói của mẹ đứt quãng trong tiếng khóc:

-Dù sao anh cũng còn mái gia đình hạnh phúc để mà về, còn tôi….

Mẹ ngửa mặt, nhắm nghiền đôi mắt, mặc cho dòng lệ tuôn trào. Căn phòng im ắng đến lạnh lùng. Có tiếng cửa mở nhẹ và tiếng chân xa dần.

Những ngày kế tiếp, mẹ nằm vùi trong cơn đau. Dù vậy, mẹ nhất định không mở cửa khi ba đến thăm. Trên điện thoại, giọng mẹ thản nhiên:

-Anh khỏi phải băn khoăn, vì Minh Thụy đã có bố và trong lòng nó chỉ có một người bố duy nhất. Còn tôi, tôi làm việc không phải nên cái hậu quả tôi nhận lãnh hôm nay cũng xứng đáng… Người ta không nỡ bỏ vợ, bỏ con, còn tôi dửng dưng dứt áo ra đi một cách tàn nhẫn và ngu si … ha ha…

Mẹ cười khan trong nước mắt. Chiếc điện thoại rơi xuống đất, mẹ ôm lấy tôi thổn thức:

-Lỗi lầm của mẹ đối với bố con quá lớn làm sao có thể đền bù được.

Một tuần sau, mẹ bảo tôi thu xếp đồ đạc để trở về nhà. Tôi nhảy cỡn lên sung sướng, vừa lăng xăng thu dọn, vừa ca hát líu lo. Bố đón mẹ con tôi bằng nụ cười bao dung. Cu Toàn chạy ra níu chặt lấy chân mẹ. Nhìn cu Toàn gầy trơ xương, vừa ôm chân mẹ, vừa mếu máo, mẹ đừng bỏ con, đừng bỏ con nha, mẹ mím chặt môi, ghìm cơn xúc động. Gia đình tôi đã có một bữa cơm tối thật vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng tôi đâu biết rằng, đó là niềm hạnh phúc cuối cùng mà chúng tôi có được.

Sáng hôm sau, khi bố con tôi thức giấc thì mẹ đã đi rồi. Mảnh giấy để lại trên bàn ăn mang những dòng chữ ướt nhòe nước mắt “… Dù là một người đàn bà hư hỏng, tự đánh mất hạnh phúc của mình, nhưng em vẫn còn lại lòng tự trọng. Và lòng tự trọng ấy không cho phép em ở lại bên cạnh anh và hai con. Em không nói với anh lời xin lỗi. Bởi chính em, em cũng không thể tha thứ lỗi lầm của mình…”

Mười mấy năm trôi qua, chị em tôi đã nên người. Bố vẫn sống thui thủi trong căn nhỏ đầy kỷ niệm. Cách đây khá lâu, một người bạn thân của bố ở Dallas đến thăm. Bác cho biết, có lần tình cờ gặp mẹ trong khu chợ Việt Nam, nhưng chưa kịp chào hỏi thì mẹ đã lẫn vào đám đông mất hút. Sau đó chẳng bao lâu, tôi đã háo hức nhận công việc mới ở Dallas với hy vọng sẽ may mắn được gặp lại mẹ, để báo cho mẹ biết rằng, bố đã đột ngột qua đời trong những ngày mùa đông lạnh lẽo. Tài sản của bố để lại chỉ là một tập nhật ký dày cộm và tấm ảnh mà bố đã mò mày trên computer, để ráp từng tấm ảnh của bốn người chúng tôi chung lại thành một tấm ảnh gia đình thật lớn và bố đã trang trọng treo nó trong phòng ngủ, ngay trên đầu giường như một kỷ vật quý báu nhất trong đời []

Ngân Bình

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search