T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tháng 11 Năm 2006

27 tháng 11 năm 2006

Tôi đang ngồi trong căn phòng ấm cúng. Ngọn lửa đỏ từ lò sưởi nhè nhẹ phát ra những âm thanh tí tách. Cạnh đó là cây thông truyền thống với những chùm đèn và những qủa cầu đẹp mắt mà vợ con tôi đã bỏ rất nhiều công phu chăm chút. Ngoài trời, những lọn tuyết nho nhỏ của trận tuyết đầu mùa nhảy múa xung quanh những bóng đèn… xanh đỏ mà cha con tôi đã giăng khắp chung quanh nhà từ dạo tháng 11, trước cả hôm Lễ Tạ Ơn, lúc mà đất trời còn ấm áp. Nói một cách khác, tất cả mọi thứ đều được lập lại y hệt những năm trước đây, ít nhất là đối với gia đình tôi. Ơn Trên đã ban Bình An đến cho gia đình tôi. Các con tôi hằng đêm đi ngủ với nụ hôn của bố, của mẹ và nhất là với cái bụng không lép kẹp. Tôi xin muôn vàn cảm tạ và trân qúy Ân Sủng ấy. Nhưng còn bao nhiêu gia đình khác ở khắp nơi trên thế giới. Họ đã không được hưởng hạnh phúc của sự Bình An. Trong gia đình có những người thân ra đi một cách tức tưởi. Những trẻ thơ đói và rét. Những tâm hồn vụn vỡ. Những mảnh đời từ nay không bao giờ còn tìm lại được niềm vui. Những linh hồn què quặt vì hận thù chồng chất .

(Trích: Bình an ngòai trời, bình an trong lòng)

19 tháng 11 năm 2006

Giòng sông Bến Hải trong lòng người (Việt) vẫn còn đó, và ngày cứ một rộng ra. Trong khi đó, kẻ cựu thù mắt xanh tóc vàng lại được đón tiếp niềm nỡ, dù chưa hẳn những gì ông ta đem theo làm quà đều là do thiện chí. Nhìn hình ảnh vị tổng thống Mỹ cao lớn đứng tươi cười vỗ vai ông chủ tịch nước Việt Nam bé con nhỏ người, ngay phía dưới bức tượng ông lãnh tụ cộng sản quá cố, mà tôi, một người Việt Nam thấy khó chịu (và bùi ngùi) trong lòng. Khó chịu là vì cái cường điệu của bức tượng (lãnh tụ cộng sản) và sự tươi cười (để che dấu vẻ ngạo mạn?) của vị lãnh đạo lớn nhất khối tư bản chỉ làm cho vị chủ tịch nước Việt Nam càng bé nhỏ, tội nghiệp thêm mà thôi. Bùi ngùi là vì sau hơn 30 năm chiến tranh thù hận với hơn 3 triệu dân và lính của cả hai miền Nam Bắc bỏ mạng vì cuộc chiến tranh ấy, cộng thêm 30 năm sau chiến tranh cố chấp, lầm lẫn, trì trệ khiến đất nước ngày càng kiệt quệ, chỉ để bắt đầu lại từ đầu là rước ông Tư Bản vào nhà hầu cứu vãn một sự suy sụp không thể tránh khỏi hay sao?

Tôi không dám tin rằng, trong lúc hân hoan chào mừng hội nghị Hợp Tác Kinh tế các nước khu vực Châu Á Thái bình dương (APEC) gồm các nhà lãnh đạo của 21 quốc gia, các giới chức lãnh đạo Việt nam hiện nay (mà không ít người đã trực tiếp tham dự cuộc chiến tranh khốc liệt Quốc Cộng Tư Bản Cộng sản 30 năm trước) có lúc nào bình tâm nghĩ về những điều nghịch lý đau xót ấy mà tiếc cho sự hy sinh vô ích của các đồng chí của mình, của đồng bào mình và sự mỉa mai của bức tượng vị lãnh tụ cộng sản quá cố đang chua chát nhìn những nhà tư bản gộc của thế giới ngang nhiên bước vào dinh chủ tịch nước trên những tấm thảm đỏ với ly rượu chát mang nhãn hiệu đế quốc trên tay.

Tôi chỉ thấy thương cho cho thân phận nhược tiểu của đất nước mình quá đỗi!

11 tháng 11 năm 2006

Chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh, và hai cuộc lột xác đổi đời: một lần là lưu đày quê nhà và một lần là lưu vong quê người. Ngần ấy tuổi đời và thương đau, chúng ta hiểu hơn ai hết rằng, chúng ta có thể chôn cất hận thù, chúng ta có thể chôn cất quá khứ, như chúng ta đã chôn cất người chết, nhưng chúng ta không thể chôn cất những nỗi đau.

Chiến tranh là sự nguyền rủa của định mệnh con người, là những lỗ hổng oan nghiệt của lịch sử chỉ được lấp đầy bởi những xác người, kẻ xấu cũng như người tốt. Vì thế, không một người có lương tri nào ưa thích chiến tranh, kể cả những người hăm hở bước vào cuộc chiến, cũng chỉ là để hoàn tất số phận nghiệt ngã của mình. Vì thế, với người lính trực tiếp trên chiến địa, không hề có một cuộc chiến tranh sai hay đúng, không hề có sự căm thù giữa người và người, dù là ở hai bên của một cuộc đối đầu. Có căm thù chăng, là sự căm thù điều ác, đã đẩy đưa cho hai người không hề biết mặt nhau quyết giết nhau để sinh tồn. Cái sai hay đúng của một cuộc chiến là cái sai và đúng của những người đã gây ra cuộc chiến, trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế, đối với người lính, chiến tranh không phải là kết quả của việc thành bại luận anh hùng.

Hôm nay, 11 tháng 11 năm 2006, khi đứng giữa hội trường trong buổi lễ kỷ niệm Cựu chiến binh Mỹ (Veteran’s Day) ở sở làm, tôi đưa tay lên salute chiếc ghế trống trên bàn tiệc Home Coming mà lòng nặng trĩu. Tôi và những bạn hữu của mình đã không có lấy được một ngày cựu chiến binh dù chúng tôi là những cựu chiến binh, để trong ngày ấy, chúng tôi sẽ đứng nghiêm chào những chiếc ghế trống vì chủ nhân của chúng đã không trở về.

Có lẽ, tôi nên cố quên đi cuộc chiến này thì tốt hơn.

6 tháng 11 năm 2006

Thế hệ chiến tranh của nước Mỹ (40 năm trước), đến nay đã mấp mé tuổi về hưu dưỡng già (ngoại trừ một số người đang vận động vào những chức vụ dân cử cao cấp). Vì thế, điều quan tâm chính yếu của họ hiện nay là, ý thức sự tồn tại dai dẳng của vết thương chiến tranh cũ, trong tương lai không xa lắm, khi cùng nhau bước chân vào các trung tâm dưỡng lão, kẻ chống gậy, người ngồi xe lăn, liệu họ có hòa giải được với nhau không khi ngoái nhìn phía sau một di sản nặng nề, hậu quả từ một thời nhiễu nhương tưởng không thể quên của lịch sử?

Với tâm trạng của một kẻ vừa trong cuộc, vừa ngoài cuộc, tôi chứng kiến cái bi kịch của một thế hệ nước Mỹ – cũng đồng thời là thế hệ của tôi – mà nhớ tới những ghi nhận của mình về chính thế hệ của mình. Tôi có cảm tưởng rằng, những người bạn Mỹ vừa hào hiệp vừa ngây thơ kia, rồi ra sẽ không thoát ra khỏi được ngõ cụt mà tôi đang lúng túng tìm cách thoát ra. . .

Có lẽ, tôi muốn trấn an mình về một điều khác, sâu thẳm hơn.

Rồi đây, những người Mỹ ấy, sẽ nhắm mắt nằm xuống mang theo xuống mồ những xung khắc giữa họ với nhau. Những xung khắc ấy có thể có thật, có thể chỉ là giả tưởng, có thể chỉ là những hỏa mù của chính trị và thời cuộc. Nhưng chắc chắn một điều, dù cho có những xung khắc thật giữa họ đi nữa, thì sự xung khắc ấy không phải là sự xung khắc của họ với nước Mỹ, hay nói cách khác, với tổ quốc của họ.

Tương tự như vậy, là thế hệ chiến tranh Việt Nam của người Việt Nam. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến những người ở bên phía gọi là thua trận ngày 30 tháng tư 1975 và hiện đang lưu vong khắp nơi trên thế giới. Cuộc chiến tranh Quốc Cộng và những hệ quả 30 năm sau chiến tranh của nó khiến đã có một sự chia rẽ trầm trọng chưa từng có trong lịch sử giữa những người Việt ở 2 bên cuộc chiến. Nhưng dù ở bên nào, thắng hay thua, họ không hề có sự xung khắc với đất nước của mình. Chấp nhận cuộc sống lưu vong không có nghĩa là từ bỏ Tổ QuốcSự hòa giải – nếu thật sự có được sự hòa giải – là sự hòa giải giữa những những người Việt dính líu đến cuộc chiến tranh bằng cách này hay cách khác. Tuyệt đối không hề có sự hòa giải giữa những người lưu vong và tổ quốc của họ. Bởi vì, từ ban đầu, đã không hề có sự xung khắc để nói đến sự hòa giải.

Bi thảm hơn cả bi kịch nước Mỹ, thế hệ chúng tôi, một thế hệ bị nguyền rủa cho đến ngày từng người nhắm mắt xuôi tay, mang trong lòng một vết thương không bao giờ lành hẳn. Năm tháng rồi sẽ qua đi như đã từng qua đi. Chẳng bao lâu nữa, những tranh cãi hôm nay và cái buốt rát của vết thương còn mở miệng sẽ trở thành quá khứ. Chỉ xin được công bằng với nhau khi còn sống, đừng đánh tráo khái niệm trường cửu về tổ quốc với cái tồn tại ngắn ngủi của một chính quyền, của một nhóm người may mắn ở thế thượng phong trong cuộc đối đầu.

Bởi lẽ, lịch sử sẽ là chứng nhân trung thực nhất.

(Trích Vẫn còn đó vết thương cũ)

1 tháng 11 năm 2006

Lại câu chuyện về những người lính (Mỹ) và một cuộc chiến tranh (Iraq). Cũng hệt như cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh Iraq đã phân hóa nước Mỹ, điển hình nhất là quan điểm chính thức của hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ. Hay nói cho đúng hơn, sự khác biệt về cách nhìn và giải quyết cuộc chiến Iraq nhằm vào một khối lượng cử tri nào đó, đặc biệt trong những kỳ tranh cử. Cho đến nay, đảng Cộng Hòa vẫn khư khư rằng cuộc chiến ở Iraq là cần thiết, trước hết cho nền an ninh của nước Mỹ. Còn phe Dân Chủ cho rằng, một lần nữa, nước Mỹ đã và đang sa lầy ở Iraq.

Vì thế, câu nói “đùa vụng về“ (botched joke) của viên thượng nghị sĩ Dân Chủ Kerry, phát biểu hôm thứ Hai vừa qua ở một trường Đại Học ở California, lại một lần nữa phản ánh rõ nét tính đối kháng của dư luận Mỹ trong vấn đề Iraq. Ông Kerry “đùa” rằng: Này, mấy người bạn trẻ, như các anh đã biết, các anh trân trọng sự giáo dục, các anh chịu khó, làm bài tập đàng hòang và cố gắng hết sức, thì các anh sẽ thành công. Nếu không, các anh sẽ chỉ chết dí ở Iraq “.

Phe Cộng Hòa chụp ngay lấy câu “đùa vụng về“ ấy. Họ kết án ông Kerry miệt thị quân đội và yêu cầu ông này phải xin lỗi. Ban đầu, ông Kerry còn cố gắng chống chế. Nhưng trước phản ứng của dư luận, trong đó có cả những người thuộc đảng của ông, ông Kerry đành nhượng bộ, xin lỗi. Ông bảo ông không cố ý, rằng người ra xuyên tạc câu nói của ông với dụng ý xấu để hòng kiếm phiếu.

Ông Kerry vốn cũng đã từng là một sĩ quan trong quân đội viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Hồi năm 2004, trong cuộc tranh cử dành ghế tổng thống Mỹ với ông Bush con, ông Kerry cũng đã bị chính những cựu binh Mỹ tẩy chay do những họat động phản chiến của ông sau khi từ Việt Nam về nước và nhất là cuộc điều trần của Kerry trước Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1971, trong đó, ông Kerry buộc tội lính Mỹ ”hãm hiếp, cắt tai, cắt đầu, chặt chân, bắn vô tội vạ vào thường dân, lùng sục các ngôi làng với sự tàn bạo khiến người ta phải liên tưởng đến thời đại của Thành cát Tư Hãn . . .“

(trích Bản Điều Trần của John Kerry trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ Tháng 4, năm 1971.).

Bây giờ thì tới câu nói đùa chết người này. Đã đành là phe Cộng Hòa cũng chẳng vừa gì, chụp ngay câu nói hớ hênh và làm ầm ĩ lên. Trong khi ngày bầu cử gần kề (7 tháng 11), cả hai bên sử dụng hàng trăm triệu đô la vào các chiến dịch nhằm bôi bẩn, giảm gía đối phương, thì ông Kerry dại mồm dại miệng có bị bưu đầu u trán cũng là đáng đời. Hẳn là cánh cửa mở ra con đường vào tòa Bạch Ốc trong 2 năm nữa đã gần như khép kín lại với ông Kerry.

Nhưng vấn đề, với tôi, cần suy nghĩ hơn là, người lính – những kẻ chọn binh nghiệp không chỉ như một nghề nghiệp, mà còn vì những gía trị cao quý hơn những luận điệu mỵ dân, kiếm phiếu của các chính trị gia – lại một lần nữa bị thiệt thòi. Hình như, họ đang bị dùng như một thứ vũ khí để tranh giành quyền lực. Cho nên, tôi cũng chẳng mấy tin tưởng vào sự thành thật của ông Bush con khi ông này hết lời ca tụng những tinh hoa của đất nước đang phục vụ trong quân đội. Chẳng qua, chỉ là để triệt hạ ông Kerry và đảng Dân Chủ của ông này mà thôi.

Ngày 31 tháng 10 năm 2006

Cuộc chiến tranh Việt Nam quả thật đã để lại nhiều dấu ấn cho nước Mỹ. Trong số đó, không thể quên bức hình đọat giải Pulitzer năm 1973 của nhiếp ảnh gia người Việt nhưng làm việc cho hãng thông tấn Associated Press là Nick Út. Bức hình chụp một em bé gái Việt Nam trần truồng (và một số trẻ em khác) vừa chạy vừa khóc trên Quốc Lộ 1 ( rảng bàng –Tây Ninh). Các em bị bom Napalm làm cháy phỏng hết người. Ngay trên quốc lộ 1, em bé gái ấy cùng với các em khác đã được cứu chữa (bởi những người lính miền Nam) và đưa đi bịnh viện. Một phần nào đó, dư luận phản chiến Mỹ và thế giới (lúc ấy, tháng 6-1972, Mùa hè đỏ lửa) đã được tăng thêm sinh lực nhờ bức hình đắt gía này. Sau chiến tranh, em bé, tên Phan thị Kim Phúc bị chính quyền mới sử dụng như một thứ vũ khí tuyên truyền, nhằm “kể tội ác của đế quốc Mỹ “. Năm 1986, lợi dụng được cho phép đi du học ở Cu ba, Phan thị Kim Phúc đã kết duyên với một du học sinh người Việt ở đó, và năm 1992, cả hai vợ chồng đã xin tị nạn chính trị ở Canada.

Ở Canada, bà có cơ hội tiếp xúc nhiều với xã hội Tây Phương và tham dự nhiều họat động xã hội, thành lập Kimphuc Foundation (nhằm cứu giúp các nạn nhân trẻ tuổi của chiến tranh) và được cử làm đại sứ thiện chí (Goodwill Ambassador) của tổ chức UNESCO thuộc Liên Hiệp Quốc.

Điều đáng chú ý nhất là, tháng 11 năm 1996, trong một buổi lễ kỷ niệm nhân ngày Cựu chiến binh Hoa kỳ ở Washington D.C., bà đã trở thành một trong những chủ đề chính trong buổi lễ Kỷ Niệm ấy, với những lời phát biểu có tính cách tha thứ cho những lỗi lầm đã xảy ra trong chiến tranh (Việt Nam). Trong số cử tọa, có một vị mục sư, trước đây là một quân nhân với cấp bực Đại Úy của quân đội Mỹ, đã từng tham chiến ở Việt Nam. Vị mục sư này bước ra nhận chính mình là người đã ra lệnh cho phi cơ ném bom Napalm xuống một ngôi làng ở Trảng bàng trong trận đánh làm cháy phỏng Kim Phúc và những thiệt hại khác của mùa hè đỏ lửa năm ấy.

Nhiều tài liệu sau này được bạch hóa, cho thấy, vị cựu Đại Úy ấy không có liên quan gì đến cuộc ném bom vì không có trách vụ, không có thẩm quyền để làm việc đó.

Chẳng qua cũng từ một mặc cảm phạm tội vì dính líu đến chiến tranh Việt Nam của một số lính Mỹ, vốn không chịu nổi sức ép của các phương tiện truyền thông Mỹ cũng như các chiến dịch kiếm phiếu của các chính trị gia trong những mùa tranh cử.

“Cảm giác nhẹ nhõm“, sau khi xưng tội, khiến cho người bị ám ảnh bởi những bóng ma chiến tranh (Việt Nam) có nhu cầu nhận vơ vào mình những điều mà họ chưa từng làm, hay cho rằng, nếu ở trong tình huống đó, họ sẽ bị bắt buộc phải làm như vậy. Trong trường hợp này, bức thông điệp về Tha Thứ của nạn nhân chiến tranh và mặc cảm tội lỗi của người tự cho mình là thủ phạm, là một khí cụ thật hữu hiệu để những người Mỹ phản chiến (trong chiến cuộc Việt Nam) xua đuổi nốt chút mặc cảm tội lỗi riêng của mình (sau khi nhìn thấy một miền Nam quằn quại vì thù hằn, vì tù đày, vì độc tài, áp bức dưới chính quyền cộng sản, mà chính họ, những người phản chiến, đã vô tình tiếp tay để dẫn đến kết qủa bi thảm như thế).

Tha thứ và được tha thứ. Mới nghe qua, tưởng như sự việc đã được giải quyết. Bởi vì không có ai đòi nợ ai và không có ai phải chịu sự bất an trong tâm hồn mình mãi mãi. Nhưng, mặt khác, sự tha thứ và nhận lỗi ấy lại làm nặng thêm nỗi bất công cho những người lính chỉ đơn giản làm nhiệm vụ đất nước giao phó. Đã đành là bất nhân như lính, nhưng như danh tướng Patton đã nói, người lính phục vụ hữu hiệu cho tổ quốc mình bằng cách bắt phe đối phương phải chết cho tổ quốc của họ. Do đó, sự tha thứ và nhận lỗi ấy, vô tình, làm u uẩn thêm cái hồi ức buồn thiu của những người còn sống, đã vượt thóat được địa ngục Việt Nam. Đối với người chết, sẽ chẳng có gì đáng nói. Còn người sống, những cựu chíến binh Mỹ của cuộc chiến tranh Việt nam, những tha thứ và nhận lỗi ấy chỉ như một nhắc nhở rằng, bất kể họ chiến đấu anh dũng như thế nào để phục vụ tổ quốc (Mỹ), họ sẽ sống cho đến ngày nhắm mắt với mặc cảm của kẻ có tội.

10 năm sau ngày Tha thứ và Nhận lỗi với Phan thị Kim Phúc, chẳng dư luận Mỹ nào luận tội Cộng sản Bắc Việt, kể cả Kim Phúc, người bị họ dùng như một lợi khí tuyên truyền, và sau cùng, chịu đựng không nổi, bà phải xin tị nạn ở phương Tây. Xét cho cùng, nếu cộng sản Bắc Việt không dùng những người dân vô tội ở Trảng Bàng (trong đó có anh em nhà Kim Phúc) làm bia đỡ đạn thì chắc hẳn chẳng bao giờ có một Phan thị Kim Phúc như ngày nay.

Có thể là vì người cộng sản không bao giờ biết nhận lỗi chăng?

Bài Mới Nhất
Search