T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Hồi ức về những tháng năm buồn của tôi (tự truyện)

clip_image002

Tranh : Âm Khí – Trần Thanh Châu

Lời Giới Thiệu : Như chính tác giả đã xác nhận, tập “Hồi ức về những tháng năm buồn của tôicủa Khuất Đẩu là tự truyện. Tác phẩm được viết xong từ cuối năm 2012 với tựa truyện “ Âm Khí “. Bốn chương đầu của tác phẩm đã được đăng tải trên TV&BH . Đã gọi là tự truyện, thì những nhân vật, tình tiết trong đó phải là có thật. Chính vì lẽ đó, tác phẩm mang tên “ Âm Khí “ ( thay vì “ Hồi Ức về những tháng năm buồn của tôi “) để tránh những liên lụy cho những người còn sống. Nay, như lời tác giả, những người có mặt trong một quãng đời buồn của ông đã chết gần hết, và kể cả ông cũng sẽ không còn sống bao lâu nữa, nên tác phẩm cần được gọi đúng tên như nó phải được gọi .

Và chúng ta có bản hòan chỉnh tập tự truyện của nhà văn Khuất Đẩu “ Hồi ức về những tháng năm buồn của tôi”. Bao nhiêu người đọc sẽ tìm thấy những hình ảnh quen thuộc của chính mình, của gia đình mình và xã hội nhố nhăng chung quanh mình trong “ những tháng năm buồn “ ấy ?

Tự truyện của Khuất Đẩu, hay cũng có thể là tự truyện của rất nhiều người thuộc thế hệ của ông, những người chẳng may sinh ra vào cái thời buổi nhiễu nhương ấy ?

Xin cám ơn nhà văn Khuất Đẩu đã ưu ái cho phép TV&BH được đăng tòan bộ tập tự truyện này và trân trọng giới thiệu tác phẩm đến quý độc giả.

TV&BH

Tháng 7 năm 2014

 

1.

Tôi trở về làng cũ, một mình.

Ở một nơi mà bom đạn thi nhau trút xuống ròng rã suốt hai mươi năm, thì việc đem vợ con theo là cả một sự liều lĩnh. Có những người mẹ bắt tép, hái rau ở bờ mương, định nấu cho các con một bát canh, đã không bao giờ nấu được nữa..

Có những đứa trẻ chơi trò trốn tìm bên hàng dậu, cũng không còn khi nào tìm được nhau.

Giữa yên lặng của đất trời, bỗng nghe ầm một tiếng, thế là thịt da bắn tung lên đỏ như xác pháo. Trong từng tấc đất, trong từng bờ cây, những cái chết không bao giờ báo trước, đang nằm đợi sẵn.

Trở về sau ngày im tiếng súng, nhưng lại bước đi trước họng súng..

Nhưng biết làm sao được. Làng cũ, nếu không hồi cư thì phải đi kinh tế mới. Mà đi kinh tế mới, coi như bị đày biệt xứ. Thôi thì hãy cứ về. Vì đây là nơi tôi đã được sinh ra, chùm nhau mang từ bụng mẹ đã được cha tôi đem chôn ở góc vườn. Là nơi, dù nhà đã cháy, cũng hãy còn cái bậc thềm bà tôi thường ngồi kể chuyện trong những đêm trăng tỏ… là nơi những viên đá ong đặt bên thành giếng, mẹ tôi thường đứng rửa chân. Những cội rễ ấy đã cắm sâu vào lòng tôi, không cách gì nhổ lên đem trồng ở núi rừng xa lạ được.

Tôi phải trở về, đúng vậy, chỉ một tuần sau ngày 30 tháng tư. Không biết khi trở về làng cũ, Từ Thức ngơ ngác như thế nào, nhưng với tôi, tất cả đã xa lạ đến không ngờ. Nếu không còn cây vông bị cắt cụt ngọn ở đầu xóm, nếu không có cây cau xơ xác như cây chổi cùn quét lên nền trời xám đục, thì giữa đám cỏ cây dày kịt kia, tôi không cách nào nhận ra được làng, tìm được nhà.

Con đường vào nhà dễ chừng đã một trăm năm không có người đi. Bờ dậu được ông tôi cắt tỉa công phu, giờ loi choi, xồm xoàm, trông như râu tóc của một người rừng. Lại thêm cái bình phong bằng duối đứng lù lù trông cũng chẳng khác gì một con voi. Tất cả đã hóa thành rừng. Rừng của lối đi vào nhà. Rừng của sân phơi thóc. Rừng của vườn cau bà nội. Và, rừng ngay cả trên nền nhà nơi có bàn thờ với những hộp bài vị sơn màu đỏ.

Thì đúng là cả làng đã thành rừng, nhưng xem ra rừng ở quê cũ vẫn dễ nhìn hơn là những đống gạch đổ nát ở các con phố. Dẫu gì thì nó cũng hãy còn màu xanh. Khi có gió thổi nó vẫn biết thì thầm bên tai những tiếng xạc xào. Một mai đây khi khai hoang, tôi sẽ có khối cây để dựng nhà, có thừa củi để đun. Có vẻ như dưới mỗi gốc cây, mỗi bụi cỏ, đất vẫn không mất đi một hạt bụi nào.

Tôi không bày đặt cúi xuống hôn lên mảnh đất quê hương như các nhân vật tiểu thuyết, nhưng bảo rằng tôi nguội lạnh đến hững hờ thì cũng không đúng hẳn. Biết nói gì đây khi lòng tôi ngổn ngang bao nhiêu điều muốn nói. Ông tôi đã không còn, bà tôi cũng vừa mới mất, trong khi chính tôi cảm thấy mình hãy còn quá bé nhỏ như ngày nào.

Tôi tưởng chừng như ông tôi đang làm gì đó sau vườn, có thể là đang đốn một buồng chuối vừa chín bói, một con chim hay một con chuột tinh khôn đã nhanh hơn ông, khoét mất cái phần ngon ngọt chỉ chừa lại cái vỏ rỗng ruột màu vàng. Bà tôi đang đi chợ và thế nào trên đường về cũng ghé qua mộ cha tôi đứng tần ngần trong giây lát. Chỉ một chút nữa thôi, hai cái bánh ú thơm ngậy mùi đậu trộn mỡ, hay một đĩa bánh hỏi trắng tinh lốm đốm hẹ xanh được bày ra cho hai ông cháu cùng ăn quà sáng.

Nói những điều đó với hằng ngàn cây sầu đâu, cây táo nhơn, cây keo hay cây mắt mèo được sao? Ngay cả cây cau già cụt ngọn còn sót lại đứng giữa vườn như một dấu chấm than kia cũng không thể nghe tôi nói được. Thì đành vậy, nói một mình. Ông ơi, bà ơi, cháu của ông bà đã về rồi đây. Cháu sẽ sửa lại vườn tược, sẽ đào lại giếng, sẽ dựng lại nhà, rồi ông sẽ nằm trên võng đánh trống miệng thì thùng hát bội nghêu ngao, bà sẽ ngồi tướt tàu cau bó chổi, cháu sẽ đi đánh trổng, u mọi với bọn bạn trong xóm, như ngày xưa có khác gì đâu!

Nói là vậy, nhưng phải mất cả tháng tôi mới dọn dẹp xong khu vườn rộng hơn ba sào và dựng cho mình một cái chòi trên nền nhà hãy còn những cây cột kiềng kiềng cháy dở. Mỗi chiều tắt nắng trông chúng đứng buồn hiu như bóng hình của ông bà tôi trong những tháng ngày không con không cháu.

Tôi cũng một đôi lần đến thăm những nhà hàng xóm. Nhà ông hai Th, ông biện Q, bà câu Kh, ông hương bộ Ng. Tất cả đều đã chết, chỉ còn lại những đứa con đứa cháu ốm yếu ngặt nghẹo. Bọn họ biết tôi, tôi cũng biết bọn họ, nhưng gặp nhau chỉ hỏi mỗi một câu, về rồi đấy à? Chỉ vậy thôi, chẳng ai muốn hỏi nói gì thêm. Vì mấy mươi năm bỏ làng mà đi, người nào cũng có cả một câu chuyện dài những khổ và đau. Ai cũng mang trong lòng những cái chết không trọn vẹn của người thân.

Bà H, nhà cháy quýnh quíu không biết chạy đi đâu, chỉ biết ôm cây cột cái đứng la làng, rồi cũng như cây cột cháy thành than.Bà hương bộ đi bắt ốc bị bắn chết ngoài đồng, khi tìm được xác thì hằng trăm con ốc bươu sau khi ăn hết thịt vẫn còn thòm thèm bám cứng lấy xương. Ông hai Th với cái bụng cổ trướng , chết sau khi ỉa ra toàn phân lỏng đen như bùn. Và, ông tôi chết không kịp kêu một tiếng!

Sau khi nhà cháy, ông đã xuống Qui Nhơn cùng với cô tôi. Nhưng rồi căn nhà quây bằng cót lợp tôn rộng chỉ 6 mét vuông trên cát, không thể nào giữ chân ông được. Ông lặng lẽ trở về. Cho dù làng bây giờ đã nằm trong vòng kiểm soát của Việt cộng, nghĩa là pháo cứ việc rót và máy bay cứ việc bắn thả cửa nếu thấy bên dưới có cái gì động đậy. Ông không quá thiệt thà để tin rằng một người hiền như ông thì chẳng ai nỡ bắn. Nhưng ông chân thật tin một điều, được chết ở quê nhà vẫn hơn là chết trong một xóm ngoại ô chật chội, bẩn thỉu.

Dĩ nhiên ông không buồn đến nỗi phải đi tìm cái chết. Ông hãy còn muốn sống để lại nhìn thấy đứa cháu nội. Nhà cháy thì ông cất lại nhà. Chính trong một buổi chiều cuối tháng ba, sau khi đã xếp những bó rạ thành hình một chiếc nấm, ông chỉ còn phải leo lên đội cho nó một cái ngù để khỏi dột thì một chiếc trực thăng bay qua, tên giữ súng không cần ngắm cũng bắn trúng ông. Những người du kích sau đó đốt đuốc tìm mãi mới thấy ông nằm co quắp dưới chân đống rạ.

Nhớ về ông, tôi không quên được hai cái hòm nằm chồng lên nhau mà ông đã thuê thợ đóng sẵn sau khi cha tôi mất. Lúc ấy, tôi vừa được năm sáu tuổi gì đó, hai cái hòm gọi là thọ đường được kê cạnh bàn học và tôi đã không ngần ngại dùng mực tím vẽ nguệch ngoạc khiến bà tôi hốt hoảng phải la lên: hổng nên nghe chưa! Cái gì “hổng nên” có nghĩa là cấm, nhất là những cái có thể động đến cái chết. Như hổng nên tròng dây vào cổ (sợ ma thần vòng), hổng nên bước qua cây tre ngã (sợ ma bật), hổng nên tắm sông (sợ ma da), hổng nên đứng dưới bóng cây cao to (sợ quỷ), hổng nên gõ vào hòm (sợ thần chết tới).

Hai cái hòm ấy đương nhiên đã cháy cùng với ngôi nhà nhưng có vẻ như không cháy nổi trong lòng tôi, vẫn nằm có đôi trong đó, gỗ bồ lời vẫn còn giữ được màu vàng và từng đêm vẫn tỏa ra mùi thơm. Bà tôi tuy có nhiều thứ bắt tôi “hổng nên”, nhưng gần tôi hơn mẹ, bà là chiếc nôi ru tôi suốt một thời bé dại với những câu chuyện thần tiên, ma quỷ, cọp voi…Nói chung là chuyện xưa chuyện nay, chuyện trên trời dưới đất, hễ qua cái miệng lúc nào cũng mỏm mẻm nhai trầu của bà, là y như rằng hay đến nỗi nghe mẩn nghe mê.

Bà chỉ hơn tôi đúng 40 tuổi nhưng từ khi lên năm, tôi đã thấy bà y như một bà nội. Nghĩa là lúc nào bà cũng móm mém, khuôn mặt đã bắt đầu nhăn nheo và chiếc khăn nâu quá nhỏ không đủ che hết cái đầu đã cạo trọc tự bao giờ. Bà có một chiếc hộp nhỏ tròn bằng thiết, đựng những chiếc răng đã rụng, một đôi lúc lén mở ra xem, thấy những cái chân răng dài và nhọn bám đầy vôi và nước bã trầu rất kỳ dị. Khác hẳn những chiếc răng be bé mà tôi thường ném lên mái nhà những khi thay răng, sau khi đọc một câu thần chú ngộ nghĩnh: bớ chuột bớ mèo, răng cũ về mày răng mới về tao!

Dường như khi chưa lấy chồng, bà cũng là một cô hàng xén. Cô hàng ấy chắc đã làm nghiêng ngửa trái tim của một chàng trai là ông tôi. Lấy chồng rồi, cái gánh hàng cũ chỉ còn là một kỷ niệm. Bà treo nó lên xà nhà, một đôi lúc đem xuống để vá may. Đó là lúc tôi được nhờ xỏ kim và không quên thừa dịp để táy máy những thứ riêng tư nhất của bà. Ngoài cái hộp thiếc đựng răng rụng, còn có mấy ống chỉ đen trắng dùng gần hết, vài cây kim sứt đít, một cái gương mờ đục, một cái lược dày chải chí hãy còn vướng vài sợi tóc, một cái vạch bằng xương bò để vạch trên vải, một cục sáp ong để vuốt chỉ và một hộp diêm không còn diêm có hình con két rất đẹp đựng những hạt nút bóp…

Vậy thôi, không phấn son, không chuỗi ngọc, nhưng nhìn bức hình còn lại trong thẻ căn cước, trông bà rất đôn hậu với đôi mắt hãy còn đen. Có lẽ nhờ vậy mà cô tôi, chỉ hơn tôi 10 tuổi, ngày còn trẻ phải nói là rất đẹp. Cô có một nét cười thắm đến nỗi tôi tin vì nó mà cuộc đời cô trở nên lận đận. Một thầy giáo ăn cơm tháng ở nhà cô đã âm thầm để lại cho cô một đứa con trong khi chồng cô đi tập kết. Cô bị chồng đay nghiến, dù dượng ấy vẫn có một người vợ Bắc, mà dượng bảo là cả chồng và con đều bị giặc Mỹ sát hại trong một cuộc ném bom.

Nói tới dượng là tôi lại nhớ đến nỗi ấm ức của mẹ tôi. Dưới mắt mẹ, thì cái cảnh bà mẹ chồng ngồi lựa từng hạt gạo trên sàng để nấu cơm cho con rể ăn là coi không được. Nhưng tôi tin không phải vì quá yêu chàng rể mà bà làm vậy. Với tôi, khi đi học xa trở về nếu mang theo một người bạn, thì bà cũng tỉ mẳn ngồi lựa từng hạt nếp hạt đậu như thế. Tôi cho rằng đó là đức tính của một người biết trọng mình và cũng trọng người khác.

Tuy không nói ra, nhưng những việc làm của dượng tôi thực không hợp ý với bà chút nào. Cái cách dượng bỏ cả mẹ già và vợ con để đi theo đảng khiến bà khó chịu. Bà cũng thấy chướng tai với những cái tên cách mạng của các cháu ngoại. Dù rất yêu cô tôi, bà cũng không đồng tình với cái cách cô có con với một người không phải là dượng. Bà coi như không hề có nó trên cõi đời này và cô tôi cũng giả như chưa hề sinh ra nó bao giờ. Nó là đứa cháu tội nghiệp không hề biết còn có một bà ngoại. Nó chỉ biết có mỗi một bà nội của các anh chị không cùng một cha. Đó là một bà già hiền đến nỗi yêu cả đứa con ngoại hôn của cô con dâu, đứa nhỏ mà con trai bà căm thù còn hơn giặc Mỹ.

Bà tôi sống lặng lẽ với nỗi mất con. Rồi mất nhà, mất chồng. Khi theo con dâu tản cư lên chợ Gò Chàm, nỗi nhớ ruộng nhớ vườn khiến bà teo tóp như một trái cây thiếu nước. Cứ mỗi lần trông thấy những đám mây vàng rực màu lúa chín thì bà lại nhớ tới đồng lúa. Bà không cấy gặt nhưng cây lúa hạt gạo đối với bà lúc nào cũng gần gụi và thân thiết như con cháu.

Giờ đây, tôi một thân một mình, xa cách vợ con mới thấy thấm thía những tháng ngày trơ trọi bên hông chợ của bà. Tôi còn có cả đống công việc để làm, chứ bà hết nằm lại ngồi, hết ra lại vào, hết nhìn trời lại ngó đất, muốn nhìn cây chuối trổ buồng cũng không biết nhìn ở đâu, thì buồn biết chừng nào.

Cái chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” không những chỉ giết hại và làm bị thương hàng triệu người, mà còn làm què quặt khô cạn, cả những người đang sống sót như bà tôi. Họ bị bứt ra khỏi làng mạc ruộng đồng như nhổ một bụi lúa rồi ném lên mặt đường nhựa. Bảo cứ thế mà sống đi thì sống làm sao được. Nhưng giá như bà sống đến cái ngày gọi là hòa bình này, giữa khu vườn lạnh tanh và ruộng đồng hoang hóa, không một cộng rau, không một bụi lúa chắc gì bà đã vui!

Ai cũng cầu mong cho người chết được yên nghỉ, tôi cũng vậy. Nhưng với một người không có hòm mà chôn dù đã sắm sẵn từ trước, một người khô hết máu như ngọn đèn cạn dầu, chết thảm như thế chắc là không thể nào yên nghỉ được. Thấp thoáng đâu đó, ở cuối vườn kia hay đầu ngõ nọ, hình bóng của hai ông bà vẫn còn đổ dài xuống đời tôi.

Nghĩ sâu hơn một chút, với những hình bóng thân yêu như thế, tôi đâu có sống một mình.

2.

Sau khi được phát quang, cái khu rừng gọi là làng tôi đó, trông thật buồn cười. Nơi thì cạo trọc. Nơi lại rậm rịt lô nhô (vì nhiều hộ bỏ làng). Nói theo kiểu nhà quê, thì nó giống như một cái đầu bị chó gặm, tóc lam nham chỗ có chỗ không.

Dân trong làng lúc này, đếm tới đếm lui, chưa tới một trăm. Non một nửa, kênh kênh tự cho là người chiến thắng, gồm những ai trong ban quân quản và những ai trong đội trừ gian, diệt ác. Còn hơn một nửa là những kẻ thua trận, ngơ ngác như kẻ mất hồn, gồm những lính nghĩa quân, những dân quân tự vệ, những xây dựng nông thôn… Tôi không ở lính ngày nào nhưng cũng phải xếp vào hàng thua trận.

Cùng một dòng sông mà bên đục bên trong, hai bên cùng chảy nhưng tương phản nhau như nước với lửa. Thấy rõ nhất là trong những tối cả hai cùng họp mitting.

Những kẻ bỏ làng chạy lên phố, đi lính quốc gia, gọi là thua trận, mọi cuộc họp đều phải ngồi bệt xuống đất. Chỉ khác một điều là không phải đặt hai tay lên đầu như những hàng binh. Còn những kẻ thắng trận, được ngồi uy nghi trên ghế hay oai vệ cầm súng đứng canh.

Cây đèn măng xông cũ kỹ thở phì phò đặt giữa bàn, soi không rõ hai màu cờ xanh đỏ. Không khí buổi họp đêm nào cũng nặng nề, lo sợ như ở nhà tù sau một cơn bạo loạn vừa được cai ngục dẹp yên.

7 giờ. Chủ tịch quân quản chìm khuất giữa những người đang ngồi trên một cái băng dài, bỗng đứng dậy, bước mấy bước tới cái bàn có phủ nilon và đặt ảnh Bác, nét mặt hầm hầm như vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông lí nhí thưa các đồng chí rồi ném cái nhìn khinh miệt xuống lũ dân ngụy.

Lặng im một chút để lấy hơi, giọng ông bỗng trở nên oang oang, như ễnh ương lên tiếng à uôm sau cơn mưa. Và cũng như mưa, ông tuôn ra không ngớt những lời nhục mạ. Nào ôm chân đế quốc, nào liếm gót giày cho chúng, nào cởi truồng để mua vui cho giặc Mỹ… dù rằng những người đang ngồi chóc mỏ dưới kia, chỉ là những chủ hộ mỏi mệt, bơ phờ sau một ngày làm việc nặng nhọc.

Ông ta tên Còn, tôi quá biết, nhưng giờ được kính cẩn gọi là đồng chí Đặng Hùng Anh. Có lẽ ông ta bằng tuổi tôi hay cùng lắm lớn hơn một vài tuổi. Người ông lùn tịt, mà lại đứng sau bàn, nên từ chỗ tụi dân ngồi nhìn lên, chỉ thấy có mỗi cái miệng nhót nhép. Trông ông giống cái màn rùng rợn của các ảo thuật gia trong gánh xiếc, phù phép cắt một cái đầu để trên bàn mà vẫn còn biết hát. Ai đi xem cũng thấy rùng mình. Giờ còn rùng mình hơn vì những điều ông nói.

Đầu ông thì nhỏ mà miệng lại to, tiếng nói từ đó phát ra kêu trót trót như những roi gân bò quất lên lưng tội nhân. Có lẽ trời cho ông nói to và nói nhiều như thế là để bù sớt cho mẹ ông, một người khi sinh ra bị bà mụ quên dạy nghe và nói. Hai mẹ con ông ở một rìa đất cuối làng, trong một căn nhà mà mẹ tôi nói là nhỏ hơn lá mít. Ông ta không có cha hay là có đấy, nhưng cha không chịu nhận con.

Khi thấy cái bụng của bà bỗng dưng to lên khác thường, làng liền đưa bà ra trước sân đình để hỏi tội. Bà ra dấu là tại cái ông chăn vịt. Làng cũng ra dấu để hỏi ông ta đã làm cái chuyện gà vịt đó mấy lần, thì bà kêu a a và đưa ra ba ngón tay.

Cả làng bò ra cười bảo chớ có sai, nhưng ông chăn vịt thì nhất định không chịu. Ông bảo chừng nào con mụ kia khai ra, nghĩa là biết nói, thì ông mới chịu, chớ giơ khơi khơi mấy ngón tay lên ai mà tin. Nói thế thì trời cũng không bắt tội được ông huống hồ là làng.

Mẹ ông, cái bà câm ấy, nổi tiếng vì đã giơ lên ba ngón tay, có lần được mẹ tôi mướn bồng em, tức là bồng tôi lúc nhỏ. Tôi vẫn không quên được những cái đuôi thằn lằn ngo ngoe trong lòng bàn tay bà. Bà thường dùng nó để dọa tôi nín khóc, nhưng tôi lại càng khóc to hơn vì sợ. Giờ trông thấy hai cái môi khép mở không ngừng của ông, tôi lại liên tưởng đến những cái đuôi thằn lằn.

Sau này lớn lên, đi học xa, có lần trở về được gặp bà, phải nói là tôi được xem một màn kịch câm vừa vui, vừa cảm động. Bà xáp tới như sắp ôm lấy tôi, rồi vòng tay lên trước ngực lắc qua lắc lại, nhắm mắt rồi chu miệng lại, xòe một tiếng như pháo xịt, ấy là bà muốn nói đã từng bồng ru tôi ngủ. Rồi bà lùi xa, một tay đưa lên cao khỏi đầu, một tay hạ xuống gần sát đất, miệng lại xòe một tiếng, là muốn bảo tôi lúc nhỏ thấp như thế này, giờ cao lớn như thế đó. Mấy cái lắc đầu sau cùng là bảo không thế nào tin được!

Bà tôi rất thương bà, khi cho khúc cá kho lúc cho vài cái trứng. Mẹ tôi cho áo quần, có khi cho cả lúa gạo. Bà tôi bảo bà ấy câm nhưng rất có nghĩa, vẫn thường ghé thăm chủ cũ và hỏi han tôi cứ như là con của bà. Một đôi khi bà mang Còn lên chơi, nhất là những khi nhà có giỗ. Còn nhỏ con nhưng trục lúc như hột mít, vẫn thường cho tôi những con cào cào voi. Hai đứa cũng đã từng ném tàu bay giấy xem nó lượn, chơi đánh trổng và đôi lúc vật nhau. Dĩ nhiên tôi luôn luôn đè bẹp được Còn xuống sân, chỉ khi nào bị Còn dùng võ răng cắn vào tay, tôi mới chịu buông ra.

Tôi không biết Còn có được đi học hay không và học đến đâu, nhưng khi tôi đi học tận Nha Trang thì nghe nói Còn đã lên núi. Sau này, nghe phong phanh Còn trở về làng và tự tay bắn chết ông chăn vịt, giờ đã thành một ông lão, vì cái tội lấy cớ lùa vịt đi ăn đồng để lấy tin tức của cách mạng báo cho địch (hay vì cái tội không chịu nhận ông là con?).

Lên núi từng ấy năm, có thành tích tốt như thế, giờ đây Còn làm chủ tịch quân quản cũng phải thôi. Có điều ông ta chửi nhiều quá! Chửi giặc Mỹ, chửi Đại Hàn, chửi tưới hột sen bất cứ thứ gì liên quan đến chế độ cũ.

Có lần trông thấy một người mặc nguyên cả một bộ đồ đen của lính xây dựng nông thôn, tuy đã rách tả tơi, nhưng ông ta vẫn gầm lên, “màu đen đó là màu dân tộc à, đó là màu của Mỹ đen, màu của hiếp dâm. Bao nhiêu đứa con lai là có gấp đôi bấy nhiêu những cuộc hiếp dâm bẩn thỉu như thế!”

Ông ta quát bảo du kích áp tải người đó về nhà thay đồ khác, rồi nhân đó nguyền rủa những quần áo rằn ri, rằng, “đó là da cọp da beo của giặc, chỉ mới nhìn thấy từ xa đã nghe mùi tanh của máu. Mặc những thứ quần áo đó là chà đạp lên nổi đau khổ của nhân dân, là còn tơ tưởng đến Mỹ ngụy. Ai muốn đi cải tạo thì cứ mặc thử một lần nữa xem nào!”

Dĩ nhiên là chẳng ai dám mặc. Ngươì ta đành xé ra chùi đít cho con, dù rất tiếc vì vải quá bền. Hành động đó ít nhiều cũng chứng tỏ rằng họ đã thật sự giác ngộ cách mạng.

Ngoài ông ta, được gọi là chủ tịch quân quản một cách chính danh, còn có những người chẳng biết chức vụ gì, hễ mặc đồ xanh đội mũ tai bèo là có đầy đủ quyền uy cứ như những ông quan mới. Họ vặn vẹo, sai bảo, quát nạt nhặng xị cả lên chỉ vì một việc cỏn con như sao không treo cờ, sao cờ lại nhỏ như thế, nhân dân đã đổ ra biết bao nhiêu xương máu, giờ các người may một lá cờ không nổi sao?!

Những ai, gia đình có công cách mạng, có cha hay anh đi tập kết, thì cũng ráng kiếm cho bằng được một cái nón cối hay cái áo bốn túi xám xịt, để cũng có quyền hiu hiu tự đắc mà dự phần trong bữa tiệc chiến thắng.

Bọn nhỏ hơn, được gọi là du kích, thì có quyền sục sạo bất cứ nhà ai. Nếu chủ nhà đi vắng thì cứ việc chén những thứ gì tìm thấy được, hoặc khoai luộc, hoặc cá kho. Ăn xong còn đem xoong nồi ra treo lên cành cây mà tập bắn!

Tôi không mệt mỏi vì chặt cây phát cỏ mà mỏi mệt vì những ông quan mới ấy và những kiêu binh kiểu mới của họ. Ngoài những đêm ngồi bó gối nghe chửi rủa, nghe ca ngợi, còn phải chong đèn đến sáng mà viết lý lịch. Viết, viết mãi! Viết để trả lời những câu hỏi như móc vào họng. Rằng, trước 75 làm gì cho địch, làm với ai? ai biết? Đã làm gì lợi hay hại cho cách mạng, kể ra, ai biết, ai thấy?… Ôi trời, viết đến chục lần mà ông chủ tịch quân quản vẫn bảo là chưa thành khẩn!

Dù mẹ ông đã bồng tôi, ông và tôi cũng đã từng chơi với nhau, nhưng có lẽ vì hận thù giai cấp, nên ông nhìn tôi lạnh lẽo như thể chưa từng quen biết tôi bao giờ. Vẫn cái điệp khúc “chưa thành khẩn”, dẫu không muốn trả thù, ông cũng đã hành hạ tôi suốt cả tháng.

Đâu phải riêng tôi, người nào có chút ít chữ nghĩa cũng đều phải tự hành hạ mình nhiều đêm như thế. Có người uất quá nói thầm vào tai tôi, đây là quỷ chớ không phải người! Nhưng tôi thì hãy còn kiên nhẫn để nghĩ rằng, tất cả những cái gọi là căm thù đó đều xuất phát từ sự thua kém.

Căm thù là một cách trả thù của kẻ không được học hay ít học, đối với những ai có học hay học nhiều hơn. Như ông căm thù tôi. Còn căm thù giặc Mỹ là vì muốn như nó mà không được.

Chúng nó cũng đi đánh nhau như mình mà sao lại sướng đến nỗi có cả tăm xỉa răng và cả giấy chùi đít! Lại còn được rủng rỉnh tiền đô để bao gái…Còn mình thì trốn chui trốn nhủi trong hang trong hầm, nhiều lúc bị ruồng bố phải nhai gạo sống. Quanh năm suốt tháng có biết cái mùi gái là mùi gì đâu!

Nếu đồng chí Đặng Hùng Anh và các đồng chí khác từ trên núi xuống, căm thù ngay cả đồng bào mình thì cũng chỉ vì cái bọn đồng bào ôm chân đế quốc đó, đến khi thua trận rồi mà vẫn cứ sướng hơn bọn họ. Bởi vì, tuy là kẻ chiến thắng nhưng thực ra họ không có gì trong tay ngoài cây súng, trong khi kẻ thua trận lại có nhà có xe, có vợ con và nhiều thứ khác nữa…

Non một nửa dân làng tôi là kẻ chiến thắng, tỏ ra khinh miệt căm thù, hơn một nửa dân làng tôi thua trận. Thì non một nửa xã, non một nửa huyện, non một nửa tỉnh và non một nửa nước gọi là kẻ chiến thắng có căm thù đày đọa hơn một nửa xã, hơn một nửa huyện, hơn một nửa tỉnh và hơn một nửa nước gọi là thua trận, cũng phải thôi.

Có chạy vào tận Cà Mau hay lên tận Pleiku, cũng thế. Thôi thì hãy gầm mặt xuống mà sống. Hơn một nửa nước thua trận chứ đâu chỉ có mỗi mình tôi.

Có điều, sống một mình thật là buồn.

Một đôi lần cũng muốn về thăm vợ con, nhưng phải khai báo đi những đâu, gặp những ai để làm gì, đi bao lâu? thật vớ vẫn và phiền nhiễu. Lại phải làm đơn trình lên ủy ban quân quản, được sự đồng ý của ngài (không được gọi là đồng chí) chủ tịch kính mến Đặng Hùng Anh mới được phép ra khỏi làng. Nếu đến đó mà không có phép thì bị nhốt, dù là về với vợ con, vì cư trú bất hợp pháp!

Lằng nhằng mệt quá nên thôi quách, dù biết rằng vợ có thể nhảy dựng lên vì nghi chồng đánh bài chuồn, về quê cưới vợ khác.

Nằm một mình lại nhớ ông bác sĩ Jivago. Ông ấy thế mà sướng. Trong một căn nhà hoang, tuyết rơi bên ngoài cửa sổ, ông lại làm được thơ! Lãng mạn quá! Nhưng ở cái xứ mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù như ở làng này, thì thơ với văn cái nỗi gì. Thôi thì hát cắc cùm cum…

Đang è è bập bùng trong ánh đuốc, sóc bombo rộn rã tiếng chày khuya… thì có người lách cửa vào chòi. Bèn giật mình ngồi dậy, chuẩn bị tư thế đưa tay vào còng.

Hỏi: “không nhận ra nhau à?”

Đáp: “không”

“Là L đây!”, người ấy nói.

“L nào?”

“L con bảy Đ.”

“À, con bác bí thư”!

“Bí bầu gì, tôi với ông bà con mà”

“Nghe nói đi học Liên xô”

“Có, học lái máy bay”

“Cũng khá là ngon, nhưng sao lại về đây?”

“Bị bắn rơi xuống đất rồi”

“Đừng đùa”

“Nó bảo tôi điên”

“Tôi không tin”

“Tôi chửi Stalin mà sao không điên!”

“Định cho tôi vào tròng à, người bà con?”

“Không, Stalin là một thằng đáng chửi. Tiếc là hồi còn đi học, mình (anh ta đổi cách xưng tôi) đã khóc hết nước mắt vì nghe tin nó chết. Qua bên đó mới biết cả nước nó cùng chửi chứ không riêng gì mình. Có điều nó chửi lén bằng tiếng Nga, còn mình chửi to bằng tiếng Việt. Cứ tưởng tiếng Việt không ai biết, không ngờ có thằng báo cáo. Thế là bị nhốt, mình phải giả điên. Về nước lại càng phải giả điên hơn nữa, nhất là ở cái làng đáng nguyền rủa có thằng chủ tịch Còn chó đẻ này!”

“Thôi, tôi xin ông. Là con bí thư ông muốn nói thế nào cũng được. Chứ tôi mà dính vào thì bỏ mẹ, tù rục xương ông à!”

“Việc đếch gì mà sợ. Tôi nói cho ông biết, Liên xô thế nào cũng sụp đổ.”

“Thôi, tôi lạy ông, về nhà mà ngủ giùm đi!”

“Cái MTGP Miền Nam bù nhìn này, nay mai rồi cũng sẽ bị lột mất áo!”

“Tôi lạy ông, lạy ông, mời ông đi giùm cho!”

Ra khỏi lều anh ta còn cười lớn. “Này, có nhớ cái hồi tụi mình đi học đêm hái trộm trái cây không?”

Đúng là đồ điên!

Anh ta đi rồi mà tôi vẫn còn nghe trống ngực đập thình thình.

Anh ta là con của bà dì họ. Cha anh lại là bạn cùng học với cha tôi. Hồi chín năm, bác ấy làm gì với súng đạn nên cụt hết một tay. Người làng vì thế thường gọi là Đ.cụt. Hai cha con tập kết ra Bắc. Bác làm đến những gì không biết, chỉ biết đã về hưu và giờ được mời ra làm bí thư đảng ủy, nghĩa là trên quyền chủ tịch Đặng Hùng Anh.

Việc tách nhập hộ khẩu là rất khó, nhưng mẹ tôi muốn đưa con dâu và các cháu nội về để tăng thêm nhân khẩu. Có như thế mới giữ được ruộng vườn, nhưng tôi thà mất tất cả chứ tới lui cầu cạnh là không chịu được. Với lại dân ngụy trụi lủi như tôi thì cầu cạnh được ai. Mẹ bảo mầy không đi thì để tao xuống nhờ bác bảy Đ.

Sau đó mẹ im luôn, không ca cẩm chuyện tách nhập hộ khẩu nữa. Mẹ đành để HTX lấy hết ruộng. Hỏi mẹ sao vậy, mẹ đặt tay lên miệng ra dấu bảo im. Mãi đến khi bác mất rồi, mẹ mới nói cho tôi biết lời bác ấy dặn. “Dì ơi, các cháu nó ở được trong đó là phước lắm rồi. Đây là đất Bình Định mà, cán bộ nhiều hơn dân, về là khổ chết!”.

“Cán bộ nhiều hơn dân”, kinh hãi quá! Trước ngày cướp chánh quyền năm 45,, CS bảo dân ta một cổ đôi ba tròng, giờ thì biết bao nhiêu tròng đây?!

Hai cha con bác bảy Đ. đúng là điên thật. L thì tưới dầu đốt trụ sở thôn, còn bác thì treo cổ lên cây xoài! Ở cái đất mà cán bộ nhiều hơn dân này, có mấy ai điên được như thế?!

Nhiều năm sau này, những việc xảy ra y boong như lời L nói. Lẽ ra anh ta nên đào một cái lỗ rồi hét tướng lên như anh nông dân trong chuyện ông vua lỗ tai bò. Biết đâu lại mọc lên một cây gì đó, khi có gió thổi thì kêu “ CS sụp đổ!”. Việc gì mà phải hét trong trụ sở thôn. Nghe tiếng hét của anh, người ta cứ tưởng một là anh điên, hai là anh bị nóng quá. Có biết đâu một nhà tiên tri đáng kính lại phải chết thảm như thế.

Còn bác bảy Đ. ôi chao, đi theo đảng cả đời sao phút chót lại treo cổ lên cành cây? Ngày trước bác mà treo cờ thì có công với cách mạng. Giờ đem treo chính mình lên thì bác có tội. Nghe đâu, chết rồi mà bác vẫn bị gạch tên ra khỏi đảng tịch. Thẻ đảng, huân chương gì cũng bị tịch thu ráo.

Không biết với những chuyện đáng xấu hổ ấy, đảng có buồn năm phút không, nhưng Đặng Hùng Anh đã nhanh chóng lên thay cái chức đảng ủy của bác. Có lẽ Đặng có công vì đã khám phá ra cái âm mưu tự diễn biến của hai phần tử phản động này và khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đưa bọn họ đến chỗ tự sát.

Hỡi ơi, việc lên xuống của một bí thư sao mà giống như chuyện phế truất dưới thời vua chúa quá. Nhưng cũng đúng thôi, Đặng Hùng Anh giờ là vua của cái làng này, chứ còn ai vào đây! Vậy thì một thần dân là tôi cũng xin chúc ngài vạn tuế!

3.

Dọn sạch vườn xong, cất được cái chòi, giờ phải kiếm ít cây chuối, đu đủ về mà trồng. Tôi liền nhớ tới cái vườn chuối của cô tôi ở thôn Đại Hữu. Thôn ấy nằm phía bên kia núi Đất, gần với đường đi xuống chùa ông Núi, nơi được coi như đầu não của Việt cộng trong thời kỳ chống Mỹ. Dĩ nhiên là bị đánh phá ác liệt. Cô tôi còn phải chạy xuống Qui Nhơn sớm hơn là mẹ tôi lên chợ Gò Chàm. Nhưng cái giống chuối thì có chặt cụt ngọn, trốc cả gốc, chúng vẫn cứ mọc lên. Không chừng bây giờ đã thành rừng.

Quả nhiên là đúng như vậy. Cô tôi bảo muốn bứng bao nhiêu thì bứng, chỉ sợ cháu không vác nổi mà thôi.Tôi ở lại với cô một ngày. Ăn với cô một bữa cơm gạo hẩm, nghe cô khóc mà giải bày tâm sự.

“Cái thằng N. đó, oan gia nghiệp chướng của nhà cô. Nào có phải cô rửng mở hám trai gì đâu, mà bà nội con coi cô như cái đồ hư thúi mất nết. Cũng là cháu ngoại mà sinh nó ra, bà không thèm hỏi thăm được một tiếng, trong khi anh chị nó thì bế thì bồng từ lúc mới lọt lòng đến khi biết đi biết chạy. Dượng con thì về tận đây chỉ mặt cô gọi là con đĩ, mắng nó là đồ con hoang sao dám lấy họ của nhà Bùi mà đặt. Cháu có biết không, ổng rút súng lục ra đòi bắn đó, khiến thằng nhỏ sợ quá đái ướt cả quần.

“Ừ thì cô sinh nó ra, nó là cái dại, cái ngu hết cỡ của cô. Người ta nói khôn ba năm dại một giờ. Cô chỉ dại một giờ thôi mà hại cả một đời! (cô khóc, tôi cũng muốn khóc).

“Dượng mày đi tập kết, bỏ lại mẹ già và vợ dại một nách hai con. Chạy giặc không một đồng lận lưng biết lấy gì mà sống, nếu không nấu cơm tháng cho một vài thầy giáo.

“Cũng là cái số thôi, ông ta cũng đã có vợ con, chỉ một lần cả hai cùng dại, rồi thôi. Bà ấy cũng có đến gặp cô, không đánh ghen đánh tuông gì, chỉ muốn đem đứa nhỏ về nuôi nhưng cô không chịu. Bà ấy nói, chung một chồng khổ lắm chị ơi. Cô nói, thì tôi cũng biết thế, hứa với chị là không dại nữa. Người ta tử tế ôn tồn như vậy chứ có đâu như dượng mày, làm đến chức hiệu trưởng trường trung ương đảng mà ăn nói hồ đồ. Ra đó ổng cũng có vợ đôi vợ ba, cũng hủ hóa tùm lum chứ trong sạch gì hơn ai đâu (cô lại khóc).

“Khổ nhục nhất là ông đi hỏi của. Ổng nói khi đi còn mấy cây vàng, làm gì mà hết? Đúng là có hai cây, của ổng dấu bớt khi thu vàng của dân hiến trong tuần lễ vàng, chứ nhà ổng khi đi cưới cô chỉ có mỗi cây kiềng có mấy phân.

“Ổng nói, bây nhiêu đó sao không biết làm giàu, mà lại đem cho trai ăn hết đi? Cái thời đó vàng rẻ rề, lương thầy giáo mỗi tháng hơn một cây, có đâu mấy triệu như bây giờ. Lúc còn ở dưới quê, tao tối thì phải đi ngủ tập trung vì vợ cán bộ, ngày phải nuôi bà nội thằng Th. Đau lên đau xuống, vào ra nhà thương mấy bận, hết thuốc tây lại đến thuốc bắc, thì còn đồng nào!

“Thế mà ổng đay nghiến, người này người kia, cũng xuống Qui Nhơn, cũng chỉ hai bàn tay trắng mà giờ đây nhà lầu hai ba tầng, xe Honda hai ba chiếc!

“Còn chuyện thằng Th. ổng cũng xía vô, bắt nó phải tống khứ đứa nhỏ mới ba tuổi, con lai Đại Hàn. Nó lấy vợ mấy năm không có con, người ta bảo phải xin con nuôi. Nhờ thế mới đẻ được con Ph đó. Ổng bảo mày mà nuôi con thằng Phác Chính Hy là tao giết mày. Nó đành đoạn phải đem đi cho. Mẹ nó khóc hết nước mắt, van xin mãi cũng không được. Cháu thấy có ác không. Hồi trước bà nội mày bảo theo ai không theo, lại theo CS bỏ ông bỏ bà, bỏ nhân bỏ nghĩa, là đúng quá!

“Đấy, bây giờ ổng ở Qui Nhơn, được nhà nước cho không một cái biệt thự của đại tá tỉnh trưởng cũ, còn muốn gì nữa. Mụ vợ trọ trẹ quần hỏng lên tới tận đầu gối mà cũng bày đặt làm hội trưởng hội phụ nữ. Thấy mà bắt ghét”.

Cô hết khóc, hứ nghe một cái cốc, để chấm dứt bầu tâm sự.

Tôi vác mấy cây chuối con trở về, buồn không chịu được. Chiến tranh đâu chỉ giết người bằng bom đạn. Nó còn giết cả những người như cô tôi. Sống mà như chết đó. Giờ cô già rồi mà vẫn phải còng lưng gánh từng gánh khoai lên chợ. Cái lưng cô gãy cụp, lòi mấy cái đốt xương sống, cô khóc bảo đau nhức suốt đêm không chịu được.

Sau này cô có đỡ hơn, ấy là nhờ thằng N. Nó đi bộ đội, họ cha là họ Bùi, lý lịch quá tốt nên chỉ được mấy năm mà đã lên đại úy rồi thiếu tá, có tiền cất được cái nhà nhỏ và thuốc thang cho mẹ.

Thấy thế, dượng tôi lại lồng lên đòi đi kiện vì nó man khai lý lịch! Trong khi con ruột của dượng phải cùng vợ đi bán ve chai vì vợ là dân bắc kỳ di cư và nó thì đã từng đi lính ngụy.

Đúng là lộn tùng phèo, cái vụ lập lại hòa bình này, cả nước có hòa bình, nhưng trong từng gia đình thì chẳng có hòa bình hòa biếc gì ráo, vẫn đang bắn giết nhau đó thôi.

Lần hồi rồi tôi cũng trồng được mấy hàng chuối, vài cây đu đủ. Sẵn cây chặt chất đống, tôi làm thêm cái giàn trồng mướp trước nhà. Hoa mướp vàng, nở thật dễ thương. Thỉnh thoảng mẹ tôi ở chợ Bò về, đem cho ít gạo, mắm, cá khô. Tôi cũng thấy vui, ráng mà sống để giữ cái mảnh đất cuối cùng của dòng họ.

Một đêm sáng trăng, từ trên thềm nhà, tôi thấy có ai đó thấp thoáng bên những hàng chuối. Người ấy đi tới đi lui vài bận, vòng ra giếng, rồi đến trước mặt tôi, hỏi ‘có biết ta là ai không?” Tôi thưa không biết. Người ấy nói, “không biết thì thôi!” Người ấy nhìn tôi, vẻ như cười, lắc đầu nói “mà biết làm sao được. Chính ta cũng không biết mi là ai nếu mi không ngồi đây!”

Thật là lạ, một người không có vẻ gì là cán bộ, cũng không có vẻ là người trong làng, một người thong dong thanh thoát, sao lại hỏi nói những câu nửa như đố, nửa như giỡn chơi.

Lấy cái quyền chủ nhà, tôi hỏi, vậy ông là ai?

“Là ai, thì rồi sẽ biết. Mà không biết cũng chẳng sao!”

Thật là cù cưa hết biết. Tôi đành ngồi im nhìn ra ngoài đồng, nơi có ánh trăng hòa với sương tạo thành một màn trắng đục. Nếu ông đứng ở đó, dễ lầm tưởng ông là ma.

“Cái vườn này, ông nói, không nên trồng chuối. Đất ở đây, trồng chuối bà hương thì được, chứ trồng chuối mốc thì bị tiêm. Đang lên nửa chừng tươi tốt, vừa mới trổ buồng, đã chảy nước vàng, gãy cụp”.

Tôi vẫn ngồi im, chớ biết nói gì!

“Tốt nhất là trồng bông vải, nếu không thì trồng bắp”, ông lại nói, tôi lại ngồi im.

Như bỗng nhớ ra điều gì, ông vỗ tay lên trán, nói tiếp. “Này, sao không kiếm ít đọt mía về trồng. Ở nhà quê, có mía cũng đỡ lắm. Khi nào khát, bẻ một cây ngồi ăn, khỏi phải đi nấu nước.”

Là ai vậy trời, sao mà biết rõ ngọn nguồn nhà tôi như vậy? Chả là trước kia ở lối ngõ vào nhà, có một hàng mía, bà tôi nói, cha mày mỗi khi làm vườn hay đi cuốc đất đều bẻ theo một cây mía, mệt thì xiếc ăn. Giờ, người này cũng nói trồng mía, khát thì ăn, là sao?

Ông lại đi tới cuối vườn, nơi có những hàng tre là của nhà bên, đang ngã rạp gần như choán cả một góc.

Khi trở vào, ông nói, “phải chặt mấy cây tre đó đi, dựng sào lên mà chặt. Cái nhà ấy là bẻm lắm (tiếng Bình Định). Cứ muốn lấn đất, lấn vườn nhà mình”

A, nhà mình. Thế là người của nhà tôi chứ ai. Không là người trong nhà thì sao biết tường tận như thế. Nhưng mà tôi không có chú bác, cha tôi thì chết rồi. Tôi cảm thấy rờn rợn, có một vẻ gì dễ hiểu, mà lại cũng rất khó hiểu.

Và rồi ông đi. Phải nói là tan ra trong ánh trăng, vì vừa ra tới ngõ đã không thấy bóng ông nữa!

Bỗng dưng có một buổi học tập đặc biệt. Gọi là bỗng dưng vì dân thì chẳng biết gì ráo, nhưng các quan đã biết từ khuya. Đó là dời hết mồ mả lên núi để có đất sản xuất. Gọi là học tập tức là để đả thông (làm cho thông) những tư tưởng cổ hũ của bọn phong kiến. Rằng chết là hết, mồ mả thờ cúng chỉ là tốn đất tốn tiền. Trong tương lai, cái gò đình này sẽ làm công viên, sẽ có xe quay, cầu tuột, sẽ đào một cái hồ làm ao cá bác Hồ, cất nhà sàn như nhà của bác, sẽ trồng cây vú sữa lấy giống từ cái cây mà dân miền nam trong thời đánh Mỹ đã kiên trì anh dũng đem ra tặng bác. Nhiều thứ lắm, gò trên sẽ xây kho thóc, chỗ khúc cua sẽ xây cổng làng, đường sẽ mở lớn cho ô tô bin bin chạy vào, vân vân và vân vân. Nghe mà muốn rách cái màng nhĩ.

Vậy là mả của cha tôi, ông tôi bà tôi, của ông cố bà cố, của ông sơ bà sơ, của chú bác chết non chết yểu…đều phải dời hết qua núi!

Trong buổi học nhiều ý kiến cần đả thông. Miệng dân lâu nay ai cũng ngậm câm chứ không dám hó hé điều gì. Nhưng nay động đến ông bà mồ mả là họ phải mở miệng ra, dù có phải vì thế mà đi cải tạo mút mùa lệ thủy như các sĩ quan. Rằng, bảo chết là hết, không cần mồ mả gì sao có nghĩa trang liệt sĩ? (có người thì thầm: còn ai ướp xác xây lăng nữa kia?)

Rằng, mả trên đất tư chứ đâu phải đất công mà cũng bắt phải di dời?

Rằng, ai mà dời nổi cho hết trong khi nhà nào cũng có mấy chục cái mộ, nhưng lại có rất ít những người đủ sức làm cái việc đào mồ cuốc mả đó. Những nhà chồng cha chết hết, chỉ còn đàn bà con nít thì làm sao?

Trên (tức là Đặng Hùng Anh) đả thông rằng.

Liệt sĩ là những người đã phải đổ xương máu để giành lại xóm làng này, vì thế phải qui tập về nghĩa trang để tỏ lòng biết ơn, uống nước phải nhớ nguồn.

Rằng, giờ không còn là đất tư đất riêng nữa, đất là của toàn dân, nhà nước quản lý, tùy theo kế hoạch của từng địa phương mà xử dụng.

Rằng nhà nào neo người thì sẽ có thanh niên xung phong, có xã viên HTX, có đội Cờ Đỏ lo.

Đả thông như thế thì chẳng thông được chút nào. Nhưng mà, nếu không muốn bị truy tróc, bị quy chụp là phản động, thì cũng đành phải nghe thôi. Cái tội bất hiếu đào mồ đào mả này là tại CS chứ không phải tại con cháu.

Nhưng đem những nắm xương tàn qua nghĩa trang mới, lại càng buồn hơn. Chỗ nào bằng phẳng, ngon lành, thì đều ưu tiên cho thân nhân các vị cấp ủy, các chức sắc trong HTX, các gia đình liệt sĩ, có công cách mạng. Có nghĩa rằng phần tốt nhất của chân núi thì dành riêng cho ông bà tổ tiên của những người chiến thắng. Những chỗ dốc ngược, đầy đá sỏi, gai góc thì mời các vị tổ tiên ông bà của lũ chiến bại hãy lên đó cho gần với tiên cảnh.

Hóa ra, cái gì cũng đã được phân chia rạch ròi. Chỉ khác một điều, người còn sống có chức có quyền thì ăn trên ngồi trước, mà chết rồi thì lại được nằm dưới cho tiện việc xây lăng xây mộ.

Thế nên, chỉ một vài năm sau, những nắm xương nắm đất tội nghiệp nằm trên cao chót vót kia, hoặc là trôi theo những cơn mưa, hoặc chìm khuất trong bụi cây không tài nào tìm ra được. Ngày tết, thân nhân có đến thăm cũng chỉ biết đứng dưới ngó lên, đốt ba cây nhang vái vái, rồi đành lủi thủi mà về với nỗi ray rứt khôn nguôi vì cái tội bất hiếu.

Trong khi đó, ở chân núi, cứ như một thành phố mới mọc lên với những lăng những mộ xanh đỏ hoành tráng lòe loẹt. Mộ của nhà bí thư này, lăng của nhà chủ tịch nọ, gạch men đá ốp láng coong. Trên bia lại có gắn ngôi sao màu vàng như cấp tướng!

Mấy tháng sau, khi mọi sự đã xong xuôi, nghĩa là mộ đã được dời đi hết, các gò đống chỉ còn lại những cái hố đào nham nhở. Một cơn mưa rào trút xuống khiến xương thịt ngấm trong lòng đất bốc lên, biến thành những con ma trơi, bay lập lòe như những con đom đóm. Trong số đó, có cha tôi, ông tôi, bà tôi và bao nhiêu vị của dòng họ Trương.

Mặc kệ những nỗi xót xa, cho là căm hận cũng được đi, của hơn một nửa dân làng, lãnh đạo vẫn tiến hành đào ao cá bác Hồ. Phải đào một cái ao thật to thật đẹp để xứng với cái làng được phong tặng anh hùng.

Việc này thì một mình ông bí thư, ông trưởng ban, các vị trong HTX không làm được. Phải huy động sức dân thôi, nghĩa là cả lính ngụy, cả đàn ông đàn bà, (trừ bụng bầu đã lớn), cả ông già trẻ con.

Ròng rã suốt tháng trời, nào mai nào cuốc, nào thúng, nào xe cút kít, kể cả tay không, người ta cũng hì hục đào được cái ao vuông mỗi bề 50 thước, sâu 2 thước. Trong cuộc đào ao vẻ vang đó, người ta cũng nhặt được hằng trăm cái đầu lâu và cả đống xương chẳng biết của họ nhà nào. Người ta không cải táng mà đem ra đốt giữa đồng để làm phân bón ruộng. Cho dù có tưới thêm dầu, nhưng cái đống xương oan nghiệt ấy vẫn ấm ức mãi, đến hai ngày sau mới chịu cháy thành tro.

Ngày khánh thành, đúng ngày sinh của Bác, cờ xí bốn bên gió thổi bay phần phật, nhiều nhứt là cờ lá chuối năm màu bắt chước của Liên xô.

Một thùng cá giống mang vào từ ao cá Bác ở Hà Nội. Nghe đâu phải mời cả bác sĩ để đưa 100 con cá cưng vào tới nơi an toàn mạnh khỏe.

Hồi đó chưa cấm pháo nên sau khi ông bí thư Đặng Hùng Anh trịnh trọng thả cá, pháo nổ đì đùng thật vui tai. Các quan chức của làng chụm đầu lại nhìn lũ cá bơi lượn, ai cũng nói: sao mà thấy đáng yêu quá.

Ông chủ tịch hội phụ lão, trong diễn văn chào mừng, bảo rằng, càng yêu cá bao nhiêu càng nhớ công ơn trời biển của Bác bấy nhiêu!

Một ban văn nghệ đồng ca bài «cảm ơn Bác đã cho cơm, giờ cho cá”. Dứt bài được hoan hô nhiệt liệt.

Nhưng không biết có phải vì các bác sĩ kém tài, hay vì vui liên hoan, hay tại hồn những người chết từ khi lập làng không chịu đi, vẫn nằm trong lòng hồ, nên hai hôm sau, cá chết nổi trắng mặt ao.

Vớt lên đếm, thấy mất quá nửa.

Nhưng vẫn phải thả cám, thả bèo, thả cỏ và cái đội trừ gian diệt ác được lệnh canh phòng nghiêm nhặt, cảnh giác để đập tan mọi âm mưu phá hoại của thù địch.

Cuối năm đó lụt tràn vào. Cá trong hồ tung tăng bơi đi, cá ngoài sông nhởn nhơ bơi vào. Mùa khô, tát cạn, được một thúng những tràu, những trê, những rô. Chỉ bắt được hai con cá chắm nặng hơn một ký.

Có lẽ vì cái sự đào ao ngu xuẩn đó mà bí thư Đặng mất chức, lấy cớ bố trí công tác khác.

Cái ao đem ra đấu giá, chẳng ai thèm đấu. Giờ thành ra cái nơi vịt lội, trâu nằm. Các chú du kích đã đến tuổi lấy vợ sinh con, cũng chẳng còn đứa nào thắc mắc hạnh họe nữa. Một vài anh, đôi lúc cầm cần câu thả vu vơ xuống hồ, mong kiếm vài con rô để thêm một món ăn cho bữa cơm chiều.

4.

Cái anh bí thư mới lên thay có vẻ dễ chịu hơn. Anh bị bắt lên núi chứ không phải tự nguyện. Dù gì thì cũng đã nhiều năm, trước khi cộng sản thành lập MTGP miền nam, anh cũng đã được ăn cơm quốc gia, nghĩa là được đi học, được lấy vợ để biết mùi đàn bà, nên dù có phải thờ ma CS thì cũng thờ vậy vậy thôi, chứ không mù quáng đội trên đầu một cách cuồng dại như bí thư Đặng Hùng Anh.

Anh ký cho tôi cái phép về thăm vợ con, dễ ợt. Đó là cái ơn cách mạng đầu tiên mà tôi được hưởng. Cầm cái phép trên tay, tôi cũng mê ly, sướng rơn như sắp bước vào đêm động phòng!

Tôi về không báo trước, nên vợ con rất bất ngờ. Có lẽ thấy tôi vừa già, vừa đen, vừa xấu vì đến từ cái nơi tự xưng là đánh Mỹ giỏi nhất nước, nên nàng nửa tin nửa ngờ hỏi: “anh đấy sao?”. Tôi cười như mếu: thì anh chớ còn ai nữa! Hai đứa con một trai, một gái, nép sau lưng mẹ chứ không chạy đến reo mừng. Cũng may, vợ tôi không phải như vợ chàng Trương, nên các con đã không kêu lên: không, không, bố tôi đêm tối mới về!.

Ôi chao gặp nhau trong hòa bình mà sao cứ như gặp nhau bên song sắt nhà tù vậy.

Buổi sáng hôm sau theo vợ lên chợ, thấy cơ ngơi hàng họ của nàng mà muốn khóc. Trên một cái sạp gỗ nhỏ xíu đặt nhờ trước hàng hiên một người quen, bày ra vài lon hạt mướp, hạt bầu, cải, ngò. Có được một lon cải bẹ xanh bé xíu của Thái thì đổ ra đếm từng hạt, mỗi gói 10 hạt, bán 10 hào. Một bình dầu lửa 5 lít, đong bằng cái lít nhựa nhỏ hơn thì lời được một xị. Vài cây chổi đót, một bó roi mây (để đánh trâu bò). Vậy thôi! Hỏi làm sao sống được? Nàng cười (như mếu) “cũng được chứ anh. Bây giờ ai cũng trồng trọt nên cần hột. Đây là hàng của mẹ anh bày, không nhớ sao”.

Hóa ra là vậy, bên hông chợ Gò Chàm mẹ tôi cũng bán vậy để nuôi tôi giữ đất của từ đường. Tôi vô tâm quá. “Thực ra, nàng nói thêm, sống được là nhờ bán phân và thuốc trừ sâu. Em dấu trong kia, ai hỏi mới lấy ra”.

Thật thế ư, một cô gái cưng, được tiếng là xinh đẹp và ngoan hiền của ông bà nhạc tôi, mà giờ cũng phải “làm gian thương” mới sống được! Cũng may là chưa bị “cải tạo” công thương nghiệp!

Chơi vài ngày, thấy nơi đây có vẻ dễ thở vì cán bộ ít hơn dân. Đúng như bác Bảy Đ nói, Bình Định nhiều cán bộ quá, thật khó sống.

Bình Định, chỉ có người già như mẹ tôi mới được bán buôn chút đỉnh, chứ như vợ tôi, nếu không còng lưng làm HTX thì cũng phải đi đào mương, đắp đập. Rồi cũng đen thui, già khú. Tôi có ở xa về, cũng lại phải hỏi, em đó sao?!

Trở về, tàu trễ nên đến nửa đêm mới tới làng. Đường vắng, đi một mình, nghĩ lan man. Cảm thấy thương vợ con và buồn cho thế hệ của mình. Sống mãi như thế này sao hở trời? Các con tôi rồi sẽ ra sao? Sẽ suốt ngày đêm “mơ gặp Bác Hồ”, đi nhặt giấy vụn, mẻ chai, bịch nilon để làm « kế hoạch nhỏ », rồi lớn lên thì đi thanh niên xung phong, vào đội trừ gian diệt ác…Tương lai đó sao?!

Mệt mỏi bước vào nhà, tôi bất ngờ thấy có một bà già đang ngồi đợi. Tôi chưa kịp lên tiếng thì bà ấy nói: “đừng sợ, ta là bà cao của cháu đây!” Tôi dụi mắt mấy cái liền để biết là mình không nằm mơ.

“Cháu đi đâu về đó?”, bà hỏi.

“Thưa cháu về NH thăm vợ con”

“Được mấy cháu?”

“Dạ thưa hai cháu”

“Có trai không?”

“Dạ có”

“Thế thì tốt, cái nhà này độc đinh mãi, sợ đến đời cháu là tiêu luôn”.

Vậy thì đây là bà nội của ông nội tôi, dễ chừng đến một trăm mấy chục tuổi. Tóc bà cũng không trắng lắm, da cũng không quá nhăn nheo. Có lẽ khi xuôi tay nhắm mắt bà cũng chưa già đến nỗi lụ khụ.

Tôi nhớ mộ bà hình chữ nhật nằm trên một gò cao, được ông bác, anh thúc bá của ông nội tôi quý lắm. Bảo, nhờ cái mả đó mà ông được làm quan, rồi con trai làm luật sư nổi tiếng, ra ứng cử tổng thống, bị Nguyễn Cao Kỳ hăm he nếu đắc cử sẽ bắt nhốt vào chuồng cọp. Giờ cái mả đó bị một cái kho thóc to đùng nằm đè lên!

Thấy tôi cứ mãi đứng như trời trồng, bà nói tiếp.

“Ngồi xuống đi cháu. Ta không buồn vì cái mồ tức là nhà của ta bị đè dưới một cái kho thóc. Chết rồi thì ở đâu mà chẳng được. Như gió như sương, như cỏ như cây, chỗ nào cũng có thể là ta. Nhưng ta buồn vì cái thời gì mà nhiễu nhương quá. Chết rồi mà cũng chẳng được yên thân”

Nước mắt tôi trào ra. Phải nghe một con ma già than buồn thì thực cái nỗi buồn của tôi chẳng thấm vào đâu.

Bà ơi, tôi nói, cháu bất hiếu quá, chẳng thể làm gì được để giữ gìn mồ mả của ông bà. Nếu có phải vì vậy mà bà về bắt cháu đi thì cháu cũng đành chịu. Chỉ xin cho vợ con cháu được sống thêm ít lâu cho hết kiếp người.

“Bậy nào, bà nói, ông bà nào lại bắt con bắt cháu. Chuyện chết sống là tự trời. Đó là ngày xưa, chứ bây giờ, ta thấy được sống hay chết là tự người, những con người đang coi dân như cỏ rác đó, muốn lấy của ai thì cứ lấy, muốn nhốt ai thì cứ nhốt, muốn bắn ai thì cứ bắn, muốn chặt đầu ai thì cứ chặt, chẳng kỷ cương phép nước gì hết”.

Đúng là bà cố của một ông luật sư, ăn nói rành rẽ đến không ngờ. Đương nhiên là tôi không còn sợ bà. Chẳng những không sợ mà tôi còn thấy thân thiết gần gụi. Chưa có ai, những bạn bè thân quen, dám tâm sự với tôi như thế.

Tôi không biết một con ma ăn gì uống gì, nhưng tôi cũng nói: Để cháu đi đun nước, pha trà, bà uống chén nước cho ấm bụng nghe bà.

“Nghe mùi trà cũng thích, bà nói, nhưng mà thôi. Ai cũng tưởng người chết thèm ăn thèm uống nên cúng giỗ linh đình. Chẳng dễ gì mà về được đâu, như ta đây, gần một trăm năm, trôi dạt trong gió trong sương, may lắm mới tụ lại được một lần, là bữa nay đây”

Bà đứng dậy, nói” thôi, hãy gắng chăm sóc các cháu nhỏ, ta sắp tan rồi đây”.

Thế rồi, cũng như cha tôi đêm nào, chưa ra tới ngõ bà đã tan vào bóng đêm.

Thì cứ cho là tôi đang nằm mơ cũng được. Chuyện thấy cha tôi và bà tôi về thăm cái nền nhà cũ, rõ ràng như sờ được, chạm vào được, lại hỏi nói chuyện này chuyện nọ như người đang sống, nói ra chắc chẳng ai tin, kể cả vợ con. Tôi cũng nghĩ rằng, tôi thấy được thì chắc nhiều người trong làng cũng thấy được (trừ những cán bộ, đảng viên). Và tôi cũng linh cảm rằng, trong cái làng này, ma nhiều hơn người.

Có một thời gọi là dậy ma dương, bà tôi nói, ma và người lẫn lộn. Ma giả chồng chui vào buồng với vợ, ân ái xong, vợ mới biết người chồng thật đang nằm ngủ khò khò ở bên ngoài. Chợ Gò Chàm tháng chạp nhóm đêm, người bán phải để một thau nước bên cạnh. Tiền kẽm thiệt của người sống thì chìm, tiền của ma thì nổi.

Nhưng những con ma ruột thịt như cha mẹ ông bà, hay thân thiết như bạn bè thì không thể nào làm một cuộc “dậy ma dương” quỷ quái kia được. Chẳng những nó không làm cho mọi nhà lộn tùng phèo, mà còn đem đến một cái gì đó dịu êm như một chút yên bình của một thời xa xưa. Đó là chưa kể nó đem đến một niềm tin giữa lúc mình đang tuyệt vọng. Tuy nhiên nó cũng để lại nhiều nỗi buồn.

Giờ đây, xuống gò đình hay lên gò trên, thấy những hố đào nham nhở và nhất là thấy cái ao cá Bác Hồ, tôi lại buồn thấm thía. Cái ngày mà làng bị ném bom, bị đốt, bà tôi bị thương, ông tôi bị bắn chết cũng không tan tành xơ xác như cái cuộc di dời mồ mả vừa rồi.

Nói như bà nội của ông nội tôi, thì mỗi hạt bụi, mỗi cộng cỏ, ngay cả mỗi hạt sương trên những nấm mồ cũ cũng đã từng thấm đẫm xương thịt của tổ tiên. Thế mà giờ đây, chỗ thì đào ao, chỗ thì làm sân phơi, kho thóc, chỗ để cho heo nái ủi, người ỉa thì bảo sao mà không buồn. Cái sự xới tung lên đó chính là một cuộc oanh tạc còn hơn B.52 của Mỹ rải thảm.

Một đêm có một người bạn cũ đến thăm. Anh ta là người thiệt chớ không phải ma. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Khi tôi đi học xa, anh ở nhà cưới vợ. Vợ anh là một người đàn bà đẹp nhưng rất buồn. Mỗi khi đi qua trước ngõ nhà tôi, chị cúi gầm mặt xuống.

Chị buồn và có vẻ xấu hổ vì cứ phải kình cãi với cô em chồng tuổi dần, dữ như cọp. Chẳng những dữ mà còn ác. Chị kho cá thì lén bỏ thêm muối cho thật mặn đến nỗi ăn không được. Chị nấu cơm thì lén rút rơm ra để cơm sống hay chất thêm vào cho cháy khê cháy khét. Quần phơi thì lén xé ở những chỗ mà khi mặc vào đàn bà ai cũng mắc cỡ đỏ mặt. Cái vụ đó bà mẹ chồng chửi đến tối tăm mặt mũi. Hết chửi lại lôi vào buồng, bắt anh phải đánh. Hẹn không đánh thì từ. Anh phải đánh vào chính mình nghe trót trót bà mới chịu bỏ đi. Nhưng sau thấy chân tay mình mẩy anh lằn ngang lằn dọc, bà nổi giận bắt anh phải để, nghĩa là ly dị mà không cần ra tòa.

Chị có một đứa con gái rất dễ thương. Cháu cũng buồn như mẹ. Nó không nói bà nội và cô ác. Nó chỉ nói ba cháu không phải đàn ông. Đó là khi gặp cháu đã lớn, có chồng rồi. Nhớ câu nói đó, mỗi lần gặp anh, tôi vẫn thấy anh thiếu thiếu một cái gì. Đó phải chăng là lòng dũng cảm, không cứ gì với kẻ thù mà còn với người thân.

Chỉ biết sau đó anh cưới vợ khác. Rồi cũng lại bị cô em chồng chơi ác đến phải để, bỏ.

Anh rất thích đọc sách, thường đến nhà tôi chơi là cũng để chỉ mượn sách. Bà tôi ghét cái tính có thể gọi là hèn nhát đó, nên không vui mỗi khi thấy anh tới. Anh biết vậy và rón rén thò thụt, khiến bà tôi càng ghét thêm.

Nhưng anh là một người quý sách và chân thật. Chưa bao giờ anh trả chậm chứ chưa nói tới cố tình quên không trả. Sách chưa bao bìa, hay sổ chỉ anh đều bọc và đóng lại. Anh đóng sách rất khéo.

Cũng chỉ vì cái tính mê sách và quý sách đó mà giờ đây anh làm nghề bán sách trong các buổi chợ phiên.

Cơ sự là như thế này, cái hồi chiến dịch bài trừ văn hóa phản động, bao nhiêu là sách bị đem ra đốt. Góc phố nào cũng có những đống lửa phần thư. Nhưng chỉ đốt vậy để báo cáo chứ đốt sao cho được hết sách trong dân miền nam này. Ai dấu được thì dấu, rồi đem ra lề đường bán.

Lạ thay, khách hàng là những người mặc áo quần bộ đội, nón cối. Họ mua vì thèm đọc những thứ mà miền bắc không có. Những cuốn tự điển, những sách tham khảo, nghiên cứu và nhất là tiểu thuyết.

“Cũng như họ săn lùng máy hát và đĩa hát, anh bảo, bán được lắm. Nếu cộng hết những người như anh, số sách bán ra mỗi tháng cũng đến cả goong xe lửa. Cũng như khung xe đạp, săm lốp và xe Honda. Tất cả đều ùn ùn chở ra Bắc, chớ đi đâu. Đó là cái sức mạnh văn hóa. Văn hóa cũng như nước, chỗ nào trũng thì nó chảy tới”.

Lạ lùng chưa, một người mà con gái bảo ba cháu không phải là đàn ông, lại có thể nói những câu dũng cảm như thế.

“Định ở luôn đây hay về trỏng?, anh hỏi.

“Chắc phải về, nhưng cũng còn lâu”

“Em có nghĩ gì về…”

“Nghĩ gì được. Người khác dành quyền nghĩ của mình hết rồi. Giờ như hòn đá đẽo lâu quá cũng phải tròn, lăn đâu thì lăn”

Đột nhiên, nghĩ rằng anh có thể tin, tôi nói:

“Em vừa mới gặp cha và bà cao của em”

“Em nằm mơ?”

“Không, nhưng mà giờ đây, em thấy cái làng mình như đang chìm xuống cõi âm”.

Anh cười: “thì chết từ 75, không thành cõi âm thì thành gì nữa”.

5.

Một người bạn từ thời học Cường Để Quy Nhơn, lại một đêm trăng không tỏ cũng ghé thăm. Lần này, tôi quá biết anh ta là ma! Anh giữ một kho đạn ở Quảng Ngãi, mà kho đạn nổ tung thì anh còn sống thế nào được.

Anh người Bắc, bị nhạo là thòng lòng sau đít một cộng rau muống.(cũng như tôi bị gọi là dân củ mì khi vào học Nha Trang). Cái chuyện bị nhạo ấy, cho dù là học trò cũng dễ làm cho người ta nổi khùng.

Anh đã từng nổi khùng như thế, khi ném thẳng vào mặt tôi một hũ mực tím. Thật khổ thân, cái bộ đồ bà ba màu mỡ gà, (được mẹ cưng, vì cả lớp gần như mặc toàn bà ba đen) đã thay tôi lãnh trọn.

Người tôi đầy mực, cũng may là màu tím chứ phải như màu đỏ, thì lúc ấy cô giáo đang bước vào lớp chắc ngất xỉu vì tưởng tôi bị giết.

Chuyện đó khiến anh ân hận. Tôi cũng ái ngại ít nhiều. Nhưng để chúng tôi gần nhau hơn có lẽ là nhờ thầy giáo dạy lý hóa. Một hôm thầy mỉa mai chúng tôi:“Trước đây, tôi thấy các anh mặc bà ba xấu xí nhưng lại học rất chăm và giỏi. Giờ ai cũng quần tây xanh, áo sơ mi trắng, đẹp đẽ quá mà lại lười học. Tôi ước gì lại được trông thấy các anh mặc bà ba đi học như trước!”.

Gì chớ, đồ bà ba thì thiếu gì. Và một cuộc đấu tranh bất bạo động đã diễn ra. Cứ đến giờ lý hóa là cả lớp đều mặc đồ đen. Hết tuần này đến tuần khác, khiến thầy chột dạ, phải nhở đến cô giáo dạy văn. Cô nói, “thôi các anh làm thế cũng đã đủ rồi”.

Cô xinh đẹp, ăn nói ngọt ngào thì ai lại không nghe.

Một năm sau, chúng tôi đậu trung học. Anh đến tuổi quân dịch, phải đi. Khi về thì việc học đã dở dang nên anh thi vào Thủ Đức. Thực ra, anh không phải là một người ưa cuộc đời quân ngũ. Anh vẫn thích đời dạy học như tôi. Nhưng có lẽ, động cơ sâu xa chính là cái chết bi thảm của ông nội anh.

Từ nhỏ anh vẫn nằm ngủ chung một giường với ông cụ. Trời rét, hai ông cháu đắp chung một tấm chăn. Bao giờ anh cũng kéo gần hết về mình. Ông biết, nhưng vẫn ráng chịu rét để anh ngủ ngon. Thế mà một hôm đi học về hỏi ông đâu, có người lén nói bị dẫn ra ngoài bãi. Anh chạy ra, vừa đúng lúc thấy ông cụ bị giết chết. Máu nhuộm đỏ cả chiếc áo dài trắng.

Sau cuộc đấu tố kinh hoàng đó, cả nhà tìm cách xuống Hải Phòng, rồi lên tàu di cư vào Nam.

Chiếc áo trắng nhuộm toàn máu đó, đã trở thành một lời nguyền ám vào cuộc đời ngắn ngủi của anh. Kho đạn nổ, anh biến mất trong màu máu và màu lửa dỏ rực. Không còn lại một chút gì!

Giờ gặp lại anh sau hơn 20 năm, dù anh đã là ma, cái chết của anh vẫn khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói, “sao anh biết đây là nhà tôi?”.

“Đã một lần tôi đạp xe từ Quy Nhơn lên đây, thì cậu đang ở Nha Trang. Bà nội của cậu nói chuyện rất thích”.

“Đậu á khoa Thủ Đức sao không ở Sài Gòn, ra chi cái xứ Quảng Ngãi, đến nỗi phải chết thảm như thế!”

“Chết, thì ở đâu chẳng chết, anh nói, chỉ tiếc là hơi sớm. Mình chưa biết gì nhiều về cuộc đời. Sống nhiều hơn tôi ngần ấy năm, cậu thấy đời thế nào?”

“Nói theo kiểu lạc quan thì nếu được cho sống thêm một phút vẫn xin được yêu người. Còn ngược lại, thì dù chỉ thêm một giây nữa thôi, cũng đếch có thèm nán lại”

“Như vậy là sao?”

“Là tùy từng người. Không thể bắt anh yêu trong khi anh ghét và ngược lại. Này, anh đã làm khổ một người con gái nào chưa?”

“Người ta làm khổ tôi thì có. Thực ra là bực mình. Có một cô lẳng nhẳng theo tôi, chán muốn chết được.”

“Theo không phải là yêu à?”

“Không.”

“Thế anh đã yêu ai chưa?”

“Yêu thì không, nhưng thích thì có. Cô ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi, hồi ấy mới học lớp năm, nhưng nhìn rất thích. Ngày tôi đi quân dịch, định gặp cô nhưng ngần ngừ lại thôi. Sau này, cô ấy vào Sài Gòn. Ở Thủ Đức mấy lần xin được cái phép ra tìm. Nhưng Sài Gòn mênh mông, biết tìm cô ấy ở đâu!”

“Chỉ có thế thôi à?”

‘Ừ, chỉ có thế”

”Còn đàn bà?”

“Chuyện này thì tôi ngại lắm. Sợ bệnh. Với lại cũng muốn để lại cái trinh trắng nhất cho người sẽ là vợ mình. Nhưng mà mình thì đợi nhưng cái số nó không đợi. Này, cho tôi hỏi cậu chuyện này nhé.”

“Chuyện gì?”

“Chuyện mái tóc của cô giáo dạy Việt văn đó. Học trò mà đèo bòng yêu cô giáo!”

“Bậy nào. Mình chỉ yêu có mái tóc của cô thôi. Cậu cũng biết đấy, tóc cô dài và đẹp lắm. Thế mà cô lại đi phi dê quăn tít như râu bắp. Trông chán mớ đời. Ở Quy Nhơn hồi ấy chỉ có một tiệm uốn tóc nằm ở cuối đường Gia Long. Mình lấy cớ bà chị bảo cho xin lại. Bà chủ gói cẩn thận, đưa mình. Phải nói là mình sướng run. Đêm lén mở ra xem rồi áp lên má. Có lần gục mặt ngủ quên trên đó luôn, may mà không có ai trông thấy”

“Lãng mạn quá, rồi sau ra sao?”

“Mình ra Huế học Hán văn. Cũng là mong được gặp cô để trả lại mái tóc. Trong khi chờ dịp, mình vẫn lên chùa Thiên Mụ nhặt hoa ngọc lan về ướp. Mái tóc xa chủ vì thế mà đêm đêm vẫn tỏa hương nồng nàn. Sau đó nghe cô lấy chồng, mà lại lấy thầy dạy lý hóa từng mắng tụi mình đó. Buồn quá, mình đem thả từng sợi xuống sông Hương. Có cảm giác mình cũng thả một phần hồn của mình xuống!”

“Chao ơi! cậu sống lâu hơn tôi là phải lắm. Yêu như thế mà chết sớm thì có tội với rất nhiều người đẹp”

“Chuyện trẻ con vớ vẩn thôi mà. Nhưng nhớ lại mình vẫn thấy thích”.

“Sao cậu lại thả xuống sông. Như mình, thì mình sẽ giữ đến bạc đầu. Thế này nhé, một người học trò đầu bạc kính tặng cô giáo cũng bạc đầu một mái tóc đen. Như thế là tặng lại cho cô ấy thời gian đã mất, đẹp quá phải không?

“Thế thì cậu còn lãng mạn hơn tôi nhiều. Một con ma như cậu, thực thông minh và đáng yêu.”

Chúng tôi chuyện vãn, nằm gối đầu lên nhau kể cũng là chuyện lạ trong đời. Cái gì khiến cho anh ấy tụ lại được như bà tôi nói? Phải chăng đó là tình bạn. Mà tình bạn, dù có bền vững đến đâu cũng có lúc phải tan đi.

Chưa tới sáng, đã không còn thấy anh nữa.

Ít lâu sau cũng có một người gọi là bạn, đi tập kết về, tới thăm. Anh ta họ Lê tên Ba, khi học tiếng Pháp, đề là Les Trois, thật oai.

Lúc nhỏ trong ban kịch thiếu nhi, anh thường hát bài ruột:

Tôi ra thăm đồng/

đêm tối không trăng không sao/

trên cây cao cao, cao/

gió đưa viu vu, vu!

Trời ơi, đêm tối buồn tênh!

Ô ô ô kìa/

tôi thấy con ma le/

ma đang nhăn răng, răng/

ma đang ăn tôi, tôi/

trời ơi tôi chết vì ma!

Tôi thì chụp một cái mo cau giả làm ma múa may bên cạnh.

Vở diễn lúc nào cũng được hoan hô tưng bừng. Chúng tôi đã có những ngày vui như thế.

Trước lúc tập kết, học sinh cuối cấp 2 được dự trại ở Bồng Sơn. Lần đầu tiên chúng tôi biết đường nhựa và đường sắt. Ngồi trên xe goòng chỉ có người đẩy chạy chứ không có đầu máy. Vậy mà đứa nào cũng thích, lúc qua hầm tung nón mũ hét như điên.

Trại có đến mấy trăm trại sinh, uống nước dừa nhảy xôn đố mì mệt nghỉ. Sau đó, lọc lừa chọn ra một số đi tập kết.

Đứa được chọn vì lý lịch tốt, ra Bắc được gặp Bác Hồ, coi như lên thiên đường, nên vui ra mặt.

Đứa ở lại, coi như xuống địa ngục, buồn, lo, và sợ vì phải sống trong vùng Pháp chiếm, có thể bị đóng đinh vào đầu!

Vậy mà đứa nào cũng tin. Kinh khủng là cái sự tuyên truyền của CS!

“Cậu lên thiên đường thấy thế nào?”

“Đói bỏ mẹ! Cũng may là tớ được qua học bên Nga. Tiêu chuẩn hữu nghị, no hơn nhưng lạnh lắm.”

“Vào đảng chưa?”

“Chưa”

“Sao vậy?”

“Một phần vì lý lịch không rõ ràng. Nhà tớ là trung nông chứ không phải bần nông. Vả lại thử thách ghê quá, nằm ở cầu Long Biên để bắn máy bay. Nằm cho oai chớ bắn được chó gì. Chỉ lo nó bắn mà tan xác.”

“Vợ con gì chưa?”

“Đếch có”

“Sao vậy?”

“Đẹp thì không tới phiên mình. Chỉ “xây dựng” toàn những mụ “cốt cán” môi thâm, răng vẩu, nên chán!”

“Giờ về làng, định làm quan đấy à?”

“Không, ghé thăm anh mình ít bữa rồi đi Campuchia. Mình là kỹ sư hóa học. Không biết làm cái gì bên đó.”

Hết L điên đến cái anh chàng tưng tửng này. Qua Liên xô về mà thở ra toàn mùi phản động.

Sau cuộc gặp này, tôi nhận ra một điều. Những người mà sau này làm ông nọ bà kia, dù là cùng làng, cùng bạn học với nhau, không bao giờ họ ghé thăm tôi. Không phải vì tôi nghèo mà vị sợ cái mùi Mỹ ngụy.

Cái mùi đó, những người thua trận miền nam bảo thơm, vì đó là mùi tự do. Còn những người thắng trận miền bắc thì bảo thối, vì đó là mùi nô lệ.

Tôi bước đi giữa đường làng, không thấy mả thấy mồ, chỉ thấy mưa sa trên những sọ người lăn lóc. (nhại Trần Dần).

Tôi sống giữa làng cũ mà không phải làng, giữa quê hương mà không phải quê hương, được làm chủ mà thấy đầy tớ thì sợ run.

Chưa bao giờ tôi thấy thấm thía câu thơ của Trần Dần như lúc này.

Ở đây khát gió thèm mây!

Cũng vì vậy mà rục rịch trong làng đã có người lần mò xuống biển để vượt biên. Kết quả là bị lừa gạt mất hết vàng một đời ky cóp, bị bắt, bị tù. Nếu may mà ra được tới biển, thì sóng cuồng gió dữ và hải tặc. Chưa lúc nào cái giá của một chút gió, một chút mây lại cao đến như vậy. Đổi cả mạng người cũng chưa chắc có được.

Không như những cán bộ, đảng viên lúc nào cũng lạc quan phơi phới vì mọi việc đã có đảng lo. Lo từ cái tã cho con nít đến cái hòm của người già. Lo đường gạo mắm muối, thịt nạc thịt mỡ, cá đồng cá biển, bột mì Canada không mọt, lo an dưỡng, lo đi tham quan chiến trường xưa, lo phân phối nhà, xe…lo đủ cả chỉ thiếu một điều là không lo cho ai ngoài đảng.

Cho nên mừng đảng trước rồi mới mừng xuân sau là đúng. Không phải đảng sinh ra trước mùa xuân như có người bắt bẻ. Đảng sinh sau, nhưng đảng được đặt ngồi xổm lên đầu lên cổ cái nàng xuân phảng phất mùi gái bán bar kia, vì đảng là kẻ chiến thắng. Vậy, yêu đảng và được đảng yêu như C, như T, như K, không sướng sao?

Lại bày đặt xì ra cái mùi phản động, bất mãn như L và Ba, nên đứa thì chết đứa bị đưa đi đày. Ai cũng bảo là ngu, trừ tôi.

Cũng có một người, một thời là bạn với cha tôi, gặp mẹ tôi ở chợ Bò, hỏi thăm chút đỉnh, chớ chưa về làng. Lúc cha tôi nghỉ học sớm để cưới vợ, thì ông ấy xuống Qui Nhơn học tiếp, lấy được cái bằng Thành chung, thời ấy là oai lắm. Trong làng ông chỉ thua có mỗi bác họ tôi. Trong chín năm ông làm gì đó khá to trên tỉnh. Cha lại là dân biểu quốc hội. Vì vậy, tuy là địa chủ nhưng là địa chủ tiến bộ.

Dĩ nhiên cả nhà ông được đi tập kết, ông cụ nghe đâu có làm đại sứ ở Nam Dương. Ổng khoe với mẹ tôi, nhờ đảng mà cả nhà ông ai cũng thành kỹ sư bác sĩ. Vợ ông, cùng học bình dân với mẹ, nhưng giờ là bác sĩ phó giám đốc một xưởng đẻ nào đó ở Sài Gòn.

Thực là vẻ vang hết sức. Thảo nào cái mộ to đùng, có xây thành vây quanh của nhà ông vẫn để yên đó chứ không một ông bí thư nào dám động đến.

Lại nói một chút về ông bác họ, người gọi bà nội của ông nội tôi bằng bà cố, thì vì cái tội ứng cử tổng thống, tức là muốn chống lại miền Bắc, nên bị đưa đi cải tạo. Thế là ông thoát khỏi cái chuồng cọp của Nguyễn Cao Kỳ, nhưng lại bị nhốt vào cái chuồng beo của Lê Duẫn.

Tại cái mả của bà tôi nằm dưới đáy một kho thóc chăng?

6.

Bỗng dưng rộ lên câu chuyện vàng Hời. Có lẽ mơ được gặp Bác Hồ không “đã” bằng mơ được vàng, dù rằng mơ được vàng, cũng chỉ là mơ vẩn mơ vơ cho đỡ buồn trong cái cảnh nghèo rớt mồng tơi này vậy thôi. Dĩ nhiên không âm thầm kín đáo nhưng mãnh liệt như “giấc mơ Mỹ”.

Ai cũng biết đất này là của Chàm. Kinh đô Đồ Bàn chỉ cách làng tôi có 5 cây số. Năm trăm năm trước vua Lê Thánh Tông đem quân vào đánh chiếm, đuổi người Chàm đến tận đèo Cả. Giờ hãy còn núi Đá Bia là ranh giới của hai nước.

Nguyễn Nhạc chỉ trong một đêm, cướp phủ Qui Nhơn để làm nên cơ nghiệp Tây Sơn. Trên nền Đồ Bàn cũ, Nhạc xây thành Hoàng Đế, những tưởng làm sống lại cái vang bóng một thời của công chúa Huyền Trân. Nhưng nếu giọt nước mắt của Nhạc khóc bì oa trữ nhục có làm cho Nguyễn Huệ động lòng, thì sau đó cũng lại bị Nguyễn vương san thành bình địa để xây lăng Võ Tánh và Ngô Tùng Chu.

Mỗi lần thành đổi chủ là mỗi lần thành bị phá. Không chỉ lòng tham mà còn có cả lòng hận thù. Vua Lê phá vì thù người Chàm đã dám giết một vua Trần trong cuộc nam chinh. Ánh phá vì thù tận xương tủy Huệ, Nhạc. Mà đã phá thì phá nát, phá tan luôn. Còn tệ hơn cái nền cũ của nhà tôi. Ít ra cũng hãy còn mấy cây cột kiềng kiềng cháy dở. Chứ trên nền Đồ Bàn thì chỉ còn đá ong và cây bàn chải. Cái tháp có tên mới Cánh Tiên còn sót lại chỉ vì to quá, phá không được, chứ không phải vì đây là một tuyệt tác cần giữ lại cho đời sau.

Cho nên, đố mà tìm ra được chút gì của vàng son một thuở. Một vài tượng nữ thần, vũ nữ nằm lăn lóc, cái thì mất đầu, cái mất vú. Linga, chẳng biết là cái gì, thấy tròn tròn láng láng, thì để trước ngõ ngồi chơi cho sướng đít. Cái yoni trên một phiến đá vuông có hình tam giác lại có khe nước chảy, tưởng là cái thớt dưới của cối đá xay bột. Tìm chưa ra thớt trên thì cứ việc kê cạnh lu nước để rửa chân.

Khi biết được đó là hai cái gọi là nọc đượng và bạch huê, linh vật của người Chàm, ai cũng bò lăn ra cười. Họ bảo thờ gì mà ngu dữ vậy. Nhưng lót đít ngồi, kê rửa chân liệu có khôn hơn không?

Trái tim của nước Chiêm, từ khi lọt vào tay người Việt, số phận lại càng bi đát hơn. Đây là miền đất bị tàn phá nhiều nhất ở miền trung. Chẳng những phá để xóa hẳn tàn tích cũ. Mà còn bày ra những cuộc trả thù, “đào tận gốc, trốc tận rẽ” những gì còn sót lại trong lòng người.

Đã có bao nhiêu người Chàm bị giết? Bao nhiêu lính và dân của Tây Sơn bị chém? Bao nhiêu làng đã bị đốt, bao nhiêu dòng họ bị tru di tam tộc?

Khi những người CS tập kết ra Bắc, những người gọi là quốc gia tới tiếp thu cũng không quên trả thù cho những người bị đấu tố. Những người bị bắt không có chỗ giam, phải quây thép gai nhốt ở ngoài trời như trâu bò. Sau cùng, những người CS sau 30 tháng tư, lại trả thù cho những người gọi là VC. Lần này, không chỉ những sĩ quan hay những ai có nợ máu với nhân dân, mà bất cứ ai sinh ra ở miền nam, từ đứa bé mới lọt lòng mẹ cho đến cụ già sắp xuống lỗ, không nhiều thì ít cũng phải nhận những đòn thù.

Không đủ chỗ để nhốt, thì nhốt luôn cả làng, cả huyện, cả tỉnh, cả miền nam từ Bến Hải đến Cà Mau. Sông Bến Hải đã nối lại đôi bờ, nhưng dòng sông có tên thù hận vừa được đào lên giữa kẻ thắng người bại, thì hai bờ biết đến bao giờ mới nối lại được.

Đó là số mệnh của một vùng đất mà khí thiêng sông núi cứ bùng lên rồi bị dập tắt, bị chà đạp. Cái tiếng anh hùng mà dân ở đây được cả nước ngưỡng mộ, không sánh nỗi những khổ đau mà họ phải gánh chịu.

Liệu có phải đó là lời nguyền của các vị thần được mời đến từ Ấn Độ?

Bao nhiêu núi rừng, hùng vĩ như núi rừng Tây Sơn. Bao nhiêu sông, vằng vặc như sông Kôn. Bao nhiêu đồng lúa, bát ngát như An Nhơn, Tuy Phước. Bao nhiêu đầm rợp bóng tàu thuyền và tôm cá như đầm Thị Nại.

Đâu có phải là của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đâu có phải của Tiên Dung và Chữ Đồng Tử. Lại càng không phải của Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân. Cũng không phải của Đào Tấn, Đào Duy Từ. Mà của Chế Mân, Chế Bồng Nga. Của những vị thần đã một thời ngự trên những tháp dù ngàn năm vẫn còn đứng ngạo nghễ kia.

Ngày nay, dân làng có bị coi như những kẻ thua trận đối với những người miền bắc thắng trận, thì cũng như những dân Hời lang thang 500 năm trước vì bị quân nhà Lê vào cướp đất, đoạt thành.

Nhưng họ không phải người Hời, cũng không phải dân bản địa Bana, Rađê, cũng không một chút nào pha trộn gọi là lai. Họ chính gốc từ núi Nùng sông Nhị, có người bây giờ hai ngón chân cái vẫn giao nhau. Vậy thì, họ, trong đó có tôi, là hậu duệ của những kẻ đi xâm lược chăng, những kẻ mà dân Hời cũng nguyền rủa như CS nguyền rủa giặc Mỹ cọp beo?

Nhà bị đốt, mồ mả ông bà bị san bằng, ruộng đất bị mất quyền tư hữu, chồng con bị đưa ra bắc như Nguyễn Phi Khanh bị đưa sang Tàu, là cái nghiệp chướng mà họ phải trả nợ cho tổ tông chăng?

Rộ lên chuyện vàng Hời, cũng phải nói đến mả Hời. Đó là cội nguồn của những trái cau, những tượng bằng vàng. Và cũng là cội nguồn của những cái chết bí ẩn được gọi là thư.

Đang ngồi chơi bỗng dưng mắt trợn tròng, miệng sùi bọt, chắc bị thư. Bụng to lên như cái trống, nhất định là bị thư rồi. Đẻ không ra, cũng thư.

Giải mã thư thì đó là cách trả thù của người Hời đối với hậu duệ của những kẻ đã cướp đất cướp làng của họ. Thư là nỗi ám ảnh khôn nguôi của những lưu dân từ 500 năm trước.

Cái mả Hời to nhất không nằm ở làng tôi mà ở làng bên. Chẳng biết người Chàm đặt tên là gì, nhưng dân ở đây gọi là mả thập miên, tức là mả có mười cái nhà che như một tử cấm thành. Cha tôi mùa lụt, đi đánh cá đêm thường chui vào ngủ. Bà tôi bảo cha mày ngủ ít được vì tụi ma nói chuyện rì rầm và đốt đèn đi lại suốt đêm. Vì vậy, bọn tôi dù nghịch phá nhưng chẳng đứa nào dám vào.

Tôi không phải là nhà khảo cổ học. Nhưng cái cách xây mộ có mái che, không hẳn là của người Chăm. Có thể là của một ông quan người Việt nào đó, xây theo kiểu nửa Tàu nửa Chăm. Nhưng dù có biết rõ là như thế, dân ở đây vẫn cứ gọi là mả Hời vì cái khối đen lù lù không giống ai và vì nỗi ám ảnh ma Hời.

Một phần vì những cái mả nằm khít bên nhau, kết thành một khối đồ sộ bằng vôi vữa rắn chắc, không dễ gì đào phá được. Một phần vì cái bí mật âm u rất đáng sợ của nó. Trải qua bao cuộc biển dâu, nó vẫn nằm im một cách đường bệ, vừa thách thức với thời gian, vừa thách thức những kẻ đào mả trộm. Bọn ấy, thì sợ gì thư. Nhưng chúng chưa động đến vì sức của chúng không đủ để phá.

Lần này, có sức không công của tập thể những người bị khổ sai và lưu đày tại quê hương, dại gì mà không đào cái mả ấy lên mà lấy vàng.

Thế là xà beng và búa tạ thi nhau đục, nện chan chát xuống cái khối vôi vữa còn chắc hơn cả bê tông. Một cuộc tổng tấn công tưng bừng, có ca hát giúp vui, có nước chè giải khát, có đủ ban bệ chỉ huy đôn đốc.

Nhưng đục đến tóe lửa, đập đến rã tay mà cái khối vôi vữa gan cóc tía kia vẫn trơ trơ như đá.

Thôi thì, đánh trực diện không xong, ta lại đánh du kích, tức là đào hang chui vào. Cái này thì dễ thôi, địa đạo còn đào tới đâu huống hồ là đào một cái hang nhỏ như hang dế. Chỉ mất một buổi, đã có cái hang ngon lành. Nếu là lô cốt của địch, đương nhiên là một đồng chí cảm tử vào trước. Nhưng đây là một kho báu, thì xin mời ngài bí thư vinh dự vào tiếp quản.

Ngài bí thư của thôn TL.không lùn như của làng tôi, mà to cao, nặng nề như một ông hộ pháp. Phải ì ạch một lúc lâu ngài mới chui vào được. Hàng ngàn trái tim vừa bạn vừa thù cùng hồi hộp.

Nhưng chờ mãi không thấy ngài chui ra.

Lần này, cái nỗi ám ảnh khôn nguôi của ma Hời làm mọi người lo sợ. Đương nhiên là ngài phó bí thư kiêm trưởng ban quân quản không dám vào. Phải kêu gọi lòng dũng cảm và đức tính hy sinh của một vài anh du kích.

Một chú oắt con được dẫn tới thí mạng, nhưng chú mới đút đầu vào đã vội chui ra nằm bật ngửa, mắt trắng dã, miệng sùi bọt mép.

Ma Hời vật chết rồii!

Không phải tiếng kêu hốt hoảng mà đúng là một tiếng reo mừng. Trước những vụ việc như thế này, như mới cắt băng khánh thành mà tượng đã đổ, cầu đã sập, thì cái đám dân bị đè nén bấy lâu không gì hả dạ bằng. Đó là cách xả xì trét tốt nhất của họ. Đừng hậm hực mà gọi đó là đồ phản động.

Thế là có một người chết bên ngoài, người bên trong cũng chắc không sống nổi. Ma Hời thiêng thật.

Phải dừng lại thôi và tìm cách đưa xác ngài bí thư ra. Nhưng còn ai dám vào. Hời thư thì chỉ còn mỗi cách là tìm thầy Hời tới giải.

Phải đến mười ngày sau, khi cái xác đã bốc mùi không chịu được, người ta mới tìm được hai vị thầy Hời từ Phan Rang ra. Hai người da nâu, mặc toàn đồ trắng, quấn khăn trắng nói gì đó bằng tiếng Việt lơ lớ với đám chức dịch. Người ta liền vội vàng chở tới một xe bò rơm.

Đun hết rơm và đợi khói tan, hai vị thầy cao tay kia chui vào khiêng ra được cái xác tím ngắt đã bắt đầu thúi rữa.

Người ta để mặc hai vị thầy Hời đang ngồi rì rầm khóc than mà lo việc tang lễ. Lại vòng hoa, lại điếu văn ca tụng công lao cách mạng của người đã chết.

Quên mất rằng đốt khói là một cách khử khí độc từ trong mộ nên tối hôm đó, như hai bóng ma, hai vị thầy ranh mảnh kia đã thoải mái chui vào lấy hết của cải đi mất tiêu, không một lời từ biệt, chỉ để lại mấy cái ché rổng không bị sứt mẻ không dùng gì được.

Ông bí thư mới vừa lên thay đến nhìn mấy cái ché, giậm chân kêu trời (chứ không kêu đảng), rằng mình ngu chứ không phải Hời nó ngu!

Có áp bức có đấu tranh. Có những cuộc đấu tranh máu đổ đầu rơi. Nhưng cũng có những cuộc đấu tranh âm thầm dai dẳng như thư, như yểm. Lại có những cuộc đấu tranh không dùng đến bùa yểm, như các xã viên của HTX.

Đấu tranh bằng cách thây kệ cho lúa, cho bắp muốn lớn lên kiểu gì cũng được. Nghĩa là kẻng đánh thì ra đồng. Ai cầm cuốc, thì cuốc nửa lưỡi thôi, giơ lên cao từ từ rồi cũng thả xuống từ từ như sợ đất phải bị đau. Ai cầm liềm, thì liềm lụt cũng được cần chi bén. Để nhơi nhơi từng cọng, có chết thằng tây đen nào đâu!

Nếu mà ông bà tổ tiên của dân làng này từ xưa cũng lười cũng nhác như thế, thì cái làng này đã thành rừng từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến cuộc chiến tranh này.

Trong khi dân làng hờ hững với chính công việc của ông cha để lại, thì các ngài lãnh đạo lại làm không hết việc. Nào lập hội cựu chiến binh, nào xây dựng đảng, nào “đốt đuốc soi cho sáng đường làng” để tìm cho ra những thằng phản động. Và dựng tượng công nông binh với những khối xi măng xám buồn như màu trời của quê hương.

Không biết nếu có một cuộc can qua nữa, thì có bị bẻ cụt đầu, bị lót đít ngồi hay đem kê rửa chân? Có lẽ mơ hồ lo sợ như vậy nên không có làng nào dám dựng tượng bác Hồ. Vả tại sao lại đem Bác ra phơi nắng như lời của cựu bí thư Đặng Hùng Anh, khi nhìn thấy một tấm ảnh dệt bằng lụa của Bác được dựng ở cổng chào.

Có người bảo chừng nào dựng được cái tháp như người Chiêm thì hãy dựng. Nhưng dựng những cái tháp to cao như thế mà không giữ được nước, thì dựng mà làm chi! Các ông vua Chàm, hỡi ơi cứ như những tay công tử Bạc Liêu. Đốt một tờ bạc lớn cho người đẹp soi tìm một đồng xu bé xíu, để nàng ngạc nhiên chơi, không sướng sao? Thì có sá gì hai châu Ô Rí mà không vung ra như trong một canh bạc để chỉ để sở hữu một cái bạch huê của một nàng công chúa Đại Việt.

Ngông như thế mới thực ngông.

Chơi như thế mới đáng chơi!

Nhưng chỉ sướng trong một đêm mà cả vạn dân phải bỏ cửa nhà, bỏ ruộng vườn lang thang lếch thếch, liệu có ác chăng? Ngay cả các vua cướp đất đoạt thành của nước người cũng đâu phải là không ác!

Chỉ vì cái “ta” của bọn họ đấy thôi!

Liệu có thực ‘không có gì quý hơn độc lập, tự do”? Hay là giọt sữa cho con mới là quý nhất, khi mẹ suốt ngày không có gì cho vào miệng thì lấy đâu ra sữa!

Nếu cần thì đốt cả dãy Trường Sơn để giải phóng miền nam, nhưng liệu các thành phố ở miền nam này thừa tự do xuống đường để lật đổ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ, có cần “được giải phóng” thì mới có “tự do”?

Làng lúc này có rất nhiều người tưng tửng nếu không muốn gọi là điên.

Giô xép con bà Lãnh, suốt ngày không nói câu nào, chỉ ngửa mặt nhìn trời, vì bị bom hất tung lên, rớt xuống mà không chết.

Hậu, co rút như con cuốn chiếu, úp mặt vào giữa hai đầu gối, chỉ muốn ngồi suốt ngày trong cái chòi đóng kín. Sợ đi lính quốc gia, sợ bị bắt lên núi, trốn dưới hầm mười mấy năm nên giờ trông cứ như con cù lần.

Sương, trước kia xinh đẹp có hai con chết trên đường Cheo Reo- Tuy Hòa. Giờ, áo quần nhem nhuốc, tóc tai rũ rượi, cứ quỳ lạy các gốc cây bên đường. Vì khi hai con chết, chồng bắt phải bỏ xác lại bên bụi cây. Ngày thì như thế, tối cầm dao rượt chồng chạy khắp xóm, hỏi giấu con đâu?

Có một anh chỉ muốn nuôi cóc. Cóc to cóc nhỏ, cóc vàng cóc đen, cóc đực cóc cái. Cả trăm con dưới gậm giường, đáy tủ. Nuôi không phải để bán cho mấy người bị bệnh cam tích, mà để trả thù vợ. Anh bảo, cóc thế mà đẹp hơn người, nó đâu có ngoại tình!

Tội nghiệp nhất là bà cụ Quế. Nhà sát cạnh nhà tôi. Lúc sinh thời ông cụ làm cốm bắp cho bà bán. Khi học ở Quy Nhơn, thấy tôi ngồi học trong lớp, bà cứ đứng đợi bên ngoài để được cho tôi một gói cốm.

Chồng chết, con trai đi quân dịch vừa tới quân trường, chưa bắn được viên đạn nào đã bị pháo kích chết. Nhà có được sáu sào ruộng, nhưng hộ khẩu chỉ có một người nên trừ vườn nhà ra không được giao lại một sào nào. Chỉ có mỗi cái rẻo ruộng phần trăm (coi như chia để xã viên trồng rau), bề ngang đúng một thước, dài 30 thước.

Mọi người đều tận dụng chút tư riêng đó để trồng lúa. Cụ cũng vậy, nhưng cấy xong cụ lại nhổ lên. Rồi lại cấy xuống. Lại nhổ lên. Cứ thế quần quật suốt mấy tháng mà chưa cấy xong, trong khi các thửa bên cạnh đã gặt rồi.

Nếu gom hết những người như thế trong cả xã, cả huyện, cả tỉnh và cả nửa nước thì trại điên nào chứa đủ! Đôi khi tôi cũng muốn tưng tửng chơi vậy, nhưng không dễ gì tưng tửng khi mà mình còn nhận ra từng chút đau. Nhỏ thôi như kiến cắn, nhưng không cắn ở ngoài da mà cắn ở trong lòng.

Thôi thì đành sống lây lất cho qua ngày. Có người nói, ráng sống để chờ đợi một ngày, một ngày có gió và mây nhưng không có “mưa rơi trên màu cờ đỏ”.

7.

Một đêm tối trời, có người đánh thức tôi dậy. Cứ tưởng phen này chắc cho đi mò tôm.

Đã bao nhiêu người trong những làng quê tối tăm của Việt Nam, nửa đêm bị dựng dậy. Mắt nhắm mắt mở chưa hiểu chuyện gì, thì đã bị một cái dây siết cổ, một đai cuốc đập vào đầu hay một cái mền trùm lên rồi nhét vào bao bố đạp xuống sông. Những cái chết như thế nhiều vô kể, đều do những người hoạt động bí mật gây ra.

Nhưng may quá, người đánh thức tôi dậy, chính là người đã hỏi tôi trong một đêm trăng mờ, có biết ta là ai không? Giờ tôi chỉ vòng tay chào ông như lúc nhỏ, rồi ngoan ngoản đi theo.

Tôi được dẫn tới một cái nền nhà. Nhìn kỹ thì đó là nền của chùa Phước Quang. Ngôi chùa trước đây lợp tranh, nhỏ, nghèo nhưng bà tôi vẫn mỗi tháng hai lần tới đảnh lễ. Sư cụ là một ông già như ông nội tôi, rất hiền. Lúc nhỏ tôi thường nắm áo theo bà. Lễ xong thế nào sư cụ cũng cho tôi một quả cam hay trái chuối.

Dĩ nhiên làng bị đốt thì chùa cũng cháy. Chỉ còn mỗi cái bệ hình đài sen, trước đây có ông Phật thếp vàng ngồi xếp bằng trên đó.

Đã có sẵn năm người ngồi trên bệ. Ai cũng ăn mặc nâu sồng, không như người trong làng. Tôi lờ mờ hiểu họ là ai, nên không hề ngạc nhiên khi nghe một người nói:

“Ta đến đây đã hơn 500 năm rồi. Các cháu có biết không?”

Cùng đến với tôi còn có bốn người sống. Họ có vẻ sợ. Tôi thì chỉ ngạc nhiên, không ngờ họ lại là những con ma nhiều tuổi đến như vậy!

“Trọng cuộc đại sát dưới triều Lê, không chỉ của họ Nguyễn không thôi mà còn nhiều họ khác. Cái án ở vườn Lệ Chi chỉ là cái cớ của bọn tham quan ngu muội bày ra để hãm hại những người chính trực. Đại công thần Nguyễn Trãi bị giết thì gần một nửa các quan nhứt phẩm, nhị phẩm cũng bị xử trãm.

“Bọn ta, các họ Trương, Phạm, Lý, Phan, Trần, chỉ là hạ quan, nên hãy còn giam hậu, chưa phải chết. May nhờ có cuộc đại xá của vua Thánh Tông mới được tha, nhưng phải bị đày vào đất Đồ Bàn.

“Dù được ân xá, nhưng trên đường đi bọn ta vẫn phải mang gông. Năm người cùng mang chung một cái gông bằng gỗ, rất nặng.

“Từ Bắc vào tới đây, vượt qua không biết bao nhiêu núi đèo, lội qua không biết bao nhiêu sông suối.

“Dù cai ngục không cầm hèo mà quất nữa, nhưng vai thì sưng phồng, chân tươm máu, bụng đói, liu xiu không biết ngã xuống lúc nào. Một người quỵ, bốn người khác phải cố mà nâng dậy, dìu đi.

“Trải qua những cực nhục như thế, nên năm anh em ta sống chết với nhau, còn hơn Lưu, Quan, Trương.

Ta không nhớ rõ là bao nhiêu, nhưng cũng chắc không ít hơn 100 ngày đêm mới đến được nơi đây.

“Khi ngước nhìn những cái tháp, ta không ngờ nó to lớn, xinh đẹp đến như vậy. Một nước có những kỳ quan như thế, sao lại có thể thua trận được nhĩ?

“Ngày trước, dưới thời vua Trần, chiến thuyền của Chế Bồng Nga vẫn thường nổi sóng ở sông Phú Lương. Quân Chiêm ra vào kinh đô như đi chợ. Vua tôi nhà Trần đã mấy lần phải bỏ kinh thành mà chạy.

“Nhưng mà ta cũng lẩn thẩn mất rồi. Cũng chính vua Trần đã ba lần đánh thắng quân Nguyên, nhưng con cháu đời sau lại bạc nhược như thế, nên quân Minh mới vào chiếm nước ta hơn 20 năm.

“Thế thì cũng sông núi đó, thành quách kia, mạnh hay yếu là do con người mà thôi.

“Vào đến được nơi đây, bọn ta mới được tháo gông. Coi như đã được trở lại làm người.

“Cùng đi một đoàn với bọn ta còn có nhiều người chịu án tù. Kẻ thì mưu phản, kẻ thì giết người, cướp của. Kẻ nhẹ hơn thì trộm cắp, hãm hiếp.

“Sau cùng là cả vạn dân nghèo đói, lang thang lếch thếch không cửa không nhà.

“Biết rằng vào đây là có thể bị giết bởi người Chiêm. Cũng như ta lén giết quân Nguyên, quân Minh vậy. Bao nhiêu người bị đem tới làm phên dậu bằng xương bằng thịt cho triều đình.Thoát được cái án tử này lại phải đối mặt với cái án tử khác.

Quan quân trước đó đã giết chóc tàn phá quá nhiều. Bọn ta tuy không gây ra những cảnh đó, nhưng thấy người mình là bọn họ căm ghét. Đừng hòng mà lấy được một người con gái Chiêm làm vợ. Trước hết, họ giết người con gái ấy, sau là tìm giết người con trai táo tợn kia. Nếu không bằng giáo mác, cung tên thì cũng bằng thư yếm, thuốc độc.

“Lúc đầu bọn ta bị quan quân đưa tới những chỗ hoang vắng, hoặc là bìa rừng, hoặc là trong chân núi. Sương lam chướng khí, bỏ mạng rất nhiều.

“Còn chỗ này hồi đó là của người Chiêm, một vùng giàu có, nước ngọt cá ngon. Bọn họ sợ người mình giết nên rào làng bằng cây vót nhọn, chứ không phải lũy tre như ở ngoài mình.

“Họ vẫn cày bừa, trồng mía, làm gốm. Vẫn thờ cúng thần linh của họ. Vẫn múa hát theo điệu riêng.

‘Dĩ nhiên một số nhà giàu vẫn bỏ cả ruộng vườn nhà cửa mà chạy theo vua quan của họ. Nhưng họ vẫn đông hơn mình gấp bội.

“Như ta đã nói, trong đám có nhiều kẻ giết người cướp của, nhiều kẻ hư đốn tham lam. Bọn chúng không chịu đứng mà nhìn những kẻ thua trận lại sống no đủ, còn chúng, dù tù tội, vẫn là những kẻ thắng trận, lại đói rét cơ cực.

Đêm đêm, chúng bịt khăn, buộc tóc, ngậm tăm leo vào các làng. Chỉ cần giết một vài người, hãm hiếp một hai cô gái, là sáng ra, tất cả chỉ trong một ngày hoảng sợ bỏ làng mà đi.

“Quan trên làm ngơ, chẳng bắt tội một ai.

“Thế là, một làng rồi hai làng. Một vùng rồi hai vùng. Tất cả kéo nhau đi vào nam không sót một người.

“Bọn ta, nhờ vậy mà đến được làng này. Vợ con ta lúc đó mới theo nhau vào. Bao nhiêu đời, dòng họ mỗi người tản mác khắp nơi. Nhưng nơi đây là cái gốc. Trải qua biết bao nhiêu cuộc chém giết, may mà dòng dõi của anh em ta không đứt mạch, còn mãi đến bây giờ”.

Suốt 500 năm, cái miền đất Đồ Bàn này là nơi hứng chịu không biết bao nhiêu khổ nạn. Hết người Chiêm đến người mình. Nhưng gươm giáo dù có chém giết đến mỏi tay cũng không nhiều bằng súng đạn. Mà rồi súng đạn cũng không tàn nhẫn bằng cái bọn tự xưng là có công cứu nước này. Chính chúng bày ra cảnh cha con, chồng vợ, anh em giết nhau. Chính chúng tàn ác hơn cả quân Nguyên và giặc Tàu.

Làng bị đốt, mồ mả bị đào bới, ruộng đất bị tịch thu khiến bọn ta đau lòng lắm. Càng đau lòng hơn khi thấy con cháu ngày càng xanh xao, đói khát.

Ngày xưa, cả nước chỉ có một bạo chúa mà dân đã khổ đến mấy đời. Ngày nay, làng nào, xã nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có bạo chúa. Cả nước thì đông biết` bao nhiêu. Vậy thì dân sống sao nổi.

Nhưng mà nhật nguyệt hết mờ rồi lại sáng. Cái ác khi đến chỗ tận cùng, thì tự nó bị diệt.

Các cháu hãy nhớ lấy!

Như thế là bọn tôi đã được gặp năm cụ tổ của mình, những người bị lưu đày. Giả như những cái án tử không được vua Lê ân xá, thì đã không có chúng tôi ngày nay. Còn nếu tính đến các cụ tổ cao xa hơn nữa, thì cây phả hệ của năm dòng họ chúng tôi thật cao lớn, cành nhánh rườm rà, ngọn vươn lên tận trời.

Thế thì chúng tôi không phải là con cháu của quan quân, lại càng không phải quân trộm cắp, giết người. Cái mạch đời, chảy mãi đến tận bây giờ, dù sao cũng vẫn còn ít nhiều trong lành. Trong năm hậu duệ, không có ai là cán bộ, đảng viên. Thật là may!

Chúng tôi sụp lạy dưới chân các cụ tổ. Lúc ngẩng lên đã không còn thấy các cụ ngồi trên bệ nữa. Cha tôi cũng đã tan theo cùng các cụ.

Tôi thì đã quen với cha, với bà và bạn, nên chỉ bùi ngùi nhìn vào bóng đêm. Nhưng các anh họ Lý, Trần, Phan, Phạm thì dụi mắt mấy lần, bàng hoàng không biết là thực hay mộng.

Trên đường về, chúng tôi yên lặng không nói gì, nhưng trong lòng rất bồi hồi xúc động. Có vẻ như thấy con cháu đang bị vùi dập xuống bùn, các cụ rủ nhau về nâng chúng tôi đứng dậy. Chi xiết cảm tạ tổ tiên!

Có một người cùng họ ở rất xa, đã nhiều năm chưa gặp lại, nhưng những chuyện về anh nhiều người biết, tôi cũng muốn ghi lại vào đây.

Anh ta tên Th. Lớn hơn tôi 2 tuổi. Tôi và anh chẳng những cùng làng, mà còn cùng xóm. Nhà anh nghèo, cha làm thợ mộc, mẹ đau bệnh liên miên. Khi bà mất, anh được 10 tuổi. Cái hình ảnh tôi không bao giờ quên được, ấy là cứ mỗi chiều anh đem trấu lên đốt trên mồ mẹ. Người ta bảo đốt để sưởi ấm cho người chết, vì mới xuống cõi âm, chưa quen với đất lạnh.

Nếu trời không mưa chắc tôi cũng không nhớ. Vì chuyện đốt trấu, ở nhà quê chẳng có gì đáng nói. Nhưng trời lại mưa lè nhè suốt những ngày mẹ anh mất. Trấu ướt nên rất khó nhen lửa. Anh vừa khóc vừa khom lưng quỳ gối thổi phù phù. Nước mưa, nước mắt và cả nước mũi chảy tràn trên mặt anh. Gió lại thổi, sấm chớp lóa lòa. Đốt cho cháy hết đống trấu cũng phải mất đến nửa buổi.

Cái cảnh mồ côi mẹ đã khổ, mà đốt trấu cho mẹ càng khổ hơn. Lần nào tôi cũng theo anh lên mộ. Chỉ có ba bữa thôi mà tôi thấy sao lâu quá. Tôi nghĩ đến mẹ tôi, bà thường nói: mồ côi cha ăn cơm với cá/ mồ côi mẹ lót lá mà nằm. Như vậy tôi sướng hơn anh.

Vì mẹ mất, anh nghỉ học sớm, vừa giữ em vừa học nghề mộc của cha. Người anh ốm yếu xanh xao, mà phải cầm cái cưa đẩy lên đẩy xuống, hay cái bào đẩy tới đẩy lui, tôi thấy cực nhọc tội nghiệp quá.

Khi tôi đi học xa, thì anh cũng theo cha lên Pleiku làm nghề mộc. Từ đó tôi chưa gặp lại anh nhưng nghe nói cha anh đã có vợ khác. Vậy là anh đã phải chịu thêm một cái khổ nữa vì phải sống với bà dì ghẻ. Không biết bà ấy thế nào, nhưng bà và mẹ tôi đều nói họ là những người độc ác, thường bỏ đói và đánh chửi con chồng.

Bẵng đi một dạo, lúc Ban mê thuộc bị thất thủ, cả quân và dân Pleiku được lệnh bỏ cao nguyên rút về đồng bằng. Cái cảnh chen chúc nhau tìm xe, tìm người quen trong quân đội để nhờ vả, cảnh ùn ùn tranh nhau xuống tỉnh lộ 14, rồi bị tấn công phục kích, chồng lạc vợ, mẹ lạc con là những cảnh hỗn độn thê thảm nhất trong cuộc chiến vừa qua.

Cấp tá chưa chắc đã có được một chỗ trên máy bay trực thăng. Vậy mà anh thuê cả một chiếc, đưa vợ con bay cái vù xuống Nha Trang, rồi thuê xe đò đi đường bộ vào Sài Gòn. Nhẹ nhàng cứ như các ông tướng trước đó đưa vợ con xuống Sài Gòn chơi.

Người ta bảo rằng anh im ỉm mà giàu ngầm. Trong tay có mấy xưởng gỗ, mấy cửa hàng sắt thép xi măng, có cả tạp hóa nữa. Anh buôn đồ gỗ với Mỹ, giỏi giao tiếp người Thượng, gỗ quý,trầm kỳ, mật ong…thứ gì người khác không mua được thì anh mua rất dễ dàng. Nghĩa là trước đó, của cứ ùn ùn chạy vào nhà anh.

Dĩ nhiên, di tản như thế thì muốn đem theo bao nhiêu vàng bạc và hột xoàn mà chẳng được. Coi như anh chỉ phải mất một số của nổi là xưởng trại mà thôi.

Vào Sài Gòn, anh mua một nhà nhỏ trong hẻm. Khi Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, bao nhiêu người còn cố leo lên nóc tòa đại sứ để đu lên trực thăng, thì anh đạp xe đi lòng vòng. Nếu anh muốn, dám có một chiếc của Mỹ đưa vợ con anh ra hạm đội.

Khi mọi người chạy ngược chạy xuôi, tìm kiếm người thân, bồng bế nhau về quê, còn bộ đội tràn ngập các đường phố Sài Gòn mỏi cổ nhìn các cao ốc, thì anh đem một tủ thuốc nhỏ ra ngồi thong dong ngoài đầu hẻm.

Nhàn nhã chờ thời. Rồi thời cũng đến.

Năm 79, bộ đội Việt Nam tấn công Pôn Pốt, đánh cái rốc chỉ trong một ngày là chiếm được Nam Vang. Sau đó, nói theo kiểu CS là hoàn toàn giải phóng Campuchia.

Chỉ một tuần sau là anh theo xe bộ đội đến Nam Vang. Quan sát thấy mọi người nháo nhác tìm nhau, xe đạp có đấy mà lốp ruột thì hư. Thế là anh về lại Sài Gòn, tung tiền mua săm lốp, chở đầy 5 chiếc motorola.

Bọn Khơ me đỏ không dùng tiền, mà anh cũng không cần tiền. Anh chỉ cần vàng. Dân Campuchia lại nhiều vàng. Thế là anh đổi chứ không bán. Cứ một cặp săm lốp thì đổi 2 miếng vàng lá.

Không biết anh thu được mấy tấn, chỉ biết phải thuê cả trăm người giả làm người Việt chạy loạn rách rưới, gùi trên lưng một cái gùi vàng ngụy trang những chiếu mền vớ vẩn.

Về tới Sài Gòn, anh lại mua thêm săm lốp, lại thuê xe bộ đội chở lên Nam Vang, vét đổi thêm một trận nữa mới thôi.

Anh lại ngồi sau tủ bán thuốc lá, âm thầm thuê đóng tàu, mua bãi, cho hai cậu con trai và một cô con gái đi qua Thái Lan, rồi đi Mỹ.

Người ta bảo cái vố đó anh thu lại bằng mấy những của nổi bỏ lại ở Pleiku. Như một con trăn đớp được con mồi to, nằm lim dim chờ tiêu hóa để lại đớp một con mồi khác.

Con mồi ấy là kiếm hài cốt của lính Mỹ để bán cho Mỹ.

Đánh hơi quá ngon ăn, anh lại lên Pleiku, nhanh chóng tìm gặp những người Thượng, ra giá rất sộp cho họ rồi về Sài Gòn. Cũng chẳng thèm đơn từ xin xỏ chút ít những gì đã mất.

Dân thượng quá biết chỗ nào có xác lính Mỹ. Không khó để họ tìm ra. Không chỉ một bộ xương mà rất nhiều bộ. Những cái gùi chất đầy đầu lâu, xương Mỹ cứ lặng lẽ đưa vào nhà anh.

Và anh cũng lặng lẽ theo đuờng bộ vượt Campuchia, đến tận tòa đại sứ Mỹ để bán, với thỏa thuận nếu đúng là hài cốt của quân đội Mỹ thì hãy chuyển đô la vào trương mục ngân hàng do các con anh đứng tên.

Lần này thì không biết kiếm được bao nhiêu triệu đôla, chỉ biết anh đã qua lại đến 6 lần mới bị bắt và bị đưa đi cải tạo ở A.30.

Cải tạo, nhưng nghe nói anh chỉ đánh cờ uống bia và chỉ 3 tháng là về lại Sài Gòn, chờ các con bảo lãnh đi Mỹ!

Khi tôi về với vợ con ở NH, thì nghe nói anh có về thăm làng, xây mộ cho mẹ, to đẹp hơn cả mộ của thân nhân bất cứ đồng chí cán bộ nào. Anh cho tiền những người nghèo, những thương binh của chế độ cũ, rồi đi.

Chỉ tiếc một điều là qua tới Mỹ, anh bị bệnh mà chết, chưa hưởng được chút gì những của cải đem sang.

8.

Đã đến lúc mẹ tôi mua về một số tôn, cây gỗ để cất lại ngôi nhà. Cát thì có sẵn ngoài bãi, nhưng xi măng thì rất hiếm. Vừa đúc táplô, vừa xây nền mà chỉ có bốn bao ximăng. Phải lát bằng những miếng nền đục ra từ các trại của lính Mỹ hay Đại Hàn. Trông rất buồn cười, xấu xí. Nhưng dù sao cũng có được một ngôi nhà nhỏ tươm tất.

Mẹ tôi thuê thợ đóng một cái bàn thờ chân giò nai, có chạm những nho những sóc, tuy không tinh xảo nhưng coi cũng được. Bộ chân đèn còn lại tuy bị cháy lem luốc nhưng là kỷ niệm của ông bà, nên được chưng lên để cúng giỗ.

Cái chỗ hương hỏa từ đường, trong thời buổi đói kém này, như thế cũng tạm ổn.

Vợ tôi muốn đem các cháu về quê nội một lần, cho biết. Làng tôi, bị đốt chứ không phải là chiến địa của hai bên, bom mìn không để lại nhiều. Tôi cũng an tâm muốn các con về chơi.

Tôi đi bộ lên đón các con ở ga xe lửa rồi thuê xe ngựa lóc cóc chạy về làng. Các con tôi rất thích. Lần đầu tiên chúng được nghe nhạc ngựa kêu leng keng, được ngồi sau bờm ngựa nhìn những soi bắp xanh mướt đang trổ cờ dọc theo bờ sông. Lúc ngang qua tháp Phú Cốc nằm trên một ngọn đồi tròn như nắp vung, vợ và các con tôi muốn dừng lại xem.

Tháp hãy còn đỏ thắm như vừa mới xây, in bóng xuống lòng sông thật đẹp.

Có một lúc nào đó tôi mơ được cùng ngồi với vợ, dựa lưng vào tháp ngắm trăng như lúc nhỏ có lần được lên cắm trại ở lại đêm. Nhớ lúc đó, mền mang theo được đem ra dựng trại, khuya sương xuống ướt lạnh. Không ngủ được, tôi dậy ngồi co ro một mình, nhìn ánh trăng xanh chiếu lên ngọn tháp ướt sương.

Một mình, nhưng tôi không thấy sợ, như khi đến chùa thấy hai ông hộ pháp. Chùa quá bé nhỏ so với đất trời, lại còn diêm dúa lòe loẹt với cờ phướn đủ màu. Trong khi tháp thì đồ sộ, hùng vĩ nhưng đơn giản, chỉ toàn là đất nung. Từ đó, tôi tin chùa là của con người, còn tháp là của thần linh.

Chúng tôi về đến nhà. Các con tôi tranh nhau ra bờ dậu hái những bông bụt đỏ, đang nở đong đưa như những chiếc chuông con. Tôi cũng đưa chúng đi tắm sông, đuổi bắt chuồn chuồn, nhưng trường cũ đã cháy nên không thể đưa chúng đi xem nơi tôi đã từng học.

Một ngôi trường lợp tranh mà sáng phải gỡ tranh xuống để tránh máy bay; tối phải lợp lại để tránh mưa, thật chẳng ra làm sao. Nhưng những đêm không mưa, thì rất thích. Cả một vòm trời đầy trăng sáng và sao lấp lánh. Học như thế đương nhiên là chẳng học được gì, nhưng có lẽ bài học tốt nhất mà tôi học được là bài học tự do và mơ mộng.

Tôi đã kiếm sẵn mấy con cá tràu. Bữa cơm chỉ có một nồi canh cá nấu với măng và chuối mốc trong vườn, nêm rau răm, nhưng vợ và các con khen thơm ngon, ăn rất nhiều cơm.

Cứ định, khi nào có hòa bình sẽ đưa vợ con đi thăm hết ruộng đồng, thăm quê ngoại của tôi, quê ngoại của cha, quê ngoại của ông nội, những nơi lưu giữ trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Nhưng hòa bình mà ngột ngạt khó thở như thế này, cả tôi và nàng cũng hết muốn đi đâu, dù các con vẫn hồn nhiên vô tư, cứ đòi đi chỗ này, đến chỗ nọ.

Hãy còn những buổi chiều ra ngõ nhìn những cánh cò nhịp nhàng bay về cuối chân trời. Nơi đó mây hoàng hôn vàng rực một màu mà bà tôi gọi là màu lúa chín.

Hãy còn tháp Bánh Ít in rõ trên nền trời tím như hai chị em lạc mẹ đứng bên đường thiên lý.

Hãy còn nắng buổi sớm chiếu trên tháp Cánh Tiên như được dát vàng lộng lẫy.

Hãy còn trông thấy những đồi cát Phương Mai, tròn trịa mịn màng như một tấm lưng trần vừa mới tắm từ dưới đầm Thị Nại lên nằm phơi nắng.

Hãy còn núi Mò O, nổi bật lên nền trời như chiếc nón Gò Găng khổng lồ soi bóng xuống dòng sông Kôn.

Hãy còn nhiều, nhiều lắm.

Nhưng cứ thấy nón cối, thấy cán bộ là bao nhiêu niềm vui như lúa bị nghẹn không trổ được đòng đòng.

Sáng hôm sau bà nội về đem theo bánh hỏi thịt heo. Các cháu lại được một bữa ăn quà no nê. Nhưng mẹ tôi không kể chuyện đời xưa hay như bà nội, lại phải xuống Quy Nhơn để bán hàng, nên chỉ chơi với các cháu có một ngày rồi đi.

Vợ tôi muốn hỏi ý tôi về việc gia đình. Tôi cũng bảo sẽ về với vợ con, nhưng còn mẹ, còn vườn nhà chưa biết tính sao. Vợ tôi bảo tính gì thì tính chứ em không đem các con về ở luôn được đâu.

“Ở đây âm khí nặng nề quá!”, nàng nói. “Tương lai không phải của mình mà của các con”.

Tôi cũng nghĩ vậy. Một nơi mà “cán bộ nhiều hơn dân” thì cũng phải bỏ mà đi thôi, dù cán bộ đâu phải là âm khí.

Mọi việc sau đó thu xếp rất nhanh. Mẹ tôi sẽ về làng. “Con ở đây, mẹ tôi nói, mẹ có thể lo cho con gạo mắm, nhưng cái nhục của con, mẹ không lo được. Để cho những đứa như thằng Còn con mụ câm sai bảo hạnh họe là mẹ đau lòng lắm”.

Mẹ nén khóc ra đầu xóm tiễn con cháu đi. Chiếc xe ngựa chạy một quãng xa, mà mẹ vẫn đứng trông theo.

Từ đấy mẹ lầm lũi sớm tối đi về một mình giữa chợ và làng.

Ít năm sau mẹ mất vì viêm gan B. Khi đưa mẹ vào bệnh viện, mẹ dốc hết tiền vàng ký cóp, bảo con nói với bác sĩ ráng cứu mẹ.

Thật tội nghiệp, mẹ vẫn muốn sống, nhưng ở bệnh viện, bệnh gì cũng chữa bằng xuyên tâm liên, thì ung thư gan làm sao mà cứu được.

Trong những tháng năm buồn của tôi, nỗi buồn không cứu được mẹ là sâu dài và đau đớn nhất.

Khuất Đẩu

Viết xong tại Ninh Hòa, ngày 12/11/2012

Đọc lại và sửa nhiều chỗ, 14/7/2014

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search