T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Lão Tiền Bối


Truyện vừa

 1.

Nằm ở tận cuối vườn, dưới bóng một lùm tre lúc nào cũng có lá rơi và bên cạnh những cây sầu đông suốt cả một mùa đông dài cứ lặng lẽ thả xuống từng chiếc lá vàng như kén, cái giếng hình vuông nép mình trong bóng râm như con cháu của Chế Bồng Nga đang co cụm dấu mình đâu đó dưới chân những rặng núi khô cằn của nam Trường Sơn. Giếng xây bằng đá ong, một thứ đá có những lổ hổng bí mật ăn thông với nhau khiến cho người ta có cảm giác như đá có thể thở được và nhờ vậy nước trong lòng giếng lúc nào cũng trong và tinh khiết như nước mắt.

Nhưng đó là của một thời xa xôi kia, thời mà những con người có làn da nâu bóng cứ kiên nhẫn miệt mài như những con ong thợ, xây những cái tháp khổng lồ để ngưỡng vọng thần linh, chứ khi những bước chân của những kẻ bị án tù, những kẻ đói nghèo trong tay không một tấc đất từ phương bắc, chịu đem đời mình ra làm phên giậu cho vua chúa, bị đưa tới một miền đất ít người nhiều ma, thì nước trong lòng giếng liền đỏ và tanh như máu. Những cuộc chém giết âm thầm vẫn cứ tiếp tục diễn ra dưới chân thành Đồ Bàn và những thây người cứ bị chặt khúc ném xuống.

Ném mãi.

Không chỉ một thời loạn ly Chiêm Việt.

Không chỉ một thời Tây Sơn Nguyễn Ánh.

Không chỉ một thời Pháp Nhật

Những xác chết cứ đầy lên dần. Cái giếng trở thành một huyệt mộ lạnh lẽo, nơi những con ma không đầu hay có đầu đêm đêm vẫn ngồi bên thềm giếng cố tìm kiếm một cách vô vọng trên bầu trời hoang vu những ngôi sao bổn mạng của mình.

Đó là cái giếng trong vườn nhà cụ Chánh nhạc.

Trở lại cái ngày mà sự đổi đời chói sáng như vàng mười ấy, người ta thấy cái giếng Hời bị bỏ quên suốt mấy trăm năm bỗng bu đen những kẻ hiếu kỳ, không chỉ dân An Định mà còn cả Yên Thới nằm sát nách và An Đông bên kia sông. Khi cái giếng được cả chục người thay nhau suốt một buổi sáng mới múc cạn, người ta liền bắt một con gà cồ trói chặt cánh thả xuống. Bao nhiêu trái tim của những kẻ suốt đời tăm tối chưa bao giờ cầm được một chút vàng trong tay, tưởng như ngừng đập khi hồi hộp chờ đợi con gà sẽ được kéo lên. Nếu nó chết, những con ma Hời vẫn còn trong lòng giếng và như thế dù anh đờn cò có trả cho một thúng vàng cũng chẳng ai dám xuống. Và rồi câu chuyện tát giếng tìm vàng tham lam dại dột của anh ta sẽ được đem ra cười nhạo rằng hồi nẳm có thằng cha…

Nhưng kìa, con gà trong thúng được kéo lên vẫn sống. Tuy có hơi ngơ ngác như lúc từ trong trứng chui ra, nhưng khi tháo dây, nó vẫn đập cánh phành phạch rồi nhảy lên một ụ rơm gần đó, cất tiếng gáy ké kè ke!

Dù vậy, để cho chắc ăn, người ta lại cột một con chó thả xuống. Con chó hốt hoảng tưởng sắp bị đem trấn nước trước khi bị đem đi thui để biến thành rựa mận. Nó quẫy đạp lung tung, kêu thét đến nổi khi xuống tận đáy vẫn còn nghe tiếng tru dài thảm thiết.

Lại nín thở đợi chờ.

Rồi con chó kéo lên cũng không bị vật chết, đôi mắt trung thành của nó vẫn nhận ra người chủ bạc ác, vẫn ngoáy tít cái đuôi mừng rỡ, vẫn còn biết thè lưỡi liếm vào tay để cảm ơn trước khi chạy trốn đến ba ngày sau mới dám về nhà.

Và kẻ liều mạng nhất làng, kẻ mà người ta tin là thần chết đang chăn dắt không rời nửa bước là thủ ngữ Đực, đã ngồi trong một chiếc giỏ bội như con chó mực chỉ khác là không kêu la ăng ẳng được hai anh trai cày dòng dây thả xuống. Dù đã thử đi thử lại, biết chắc không có khí độc, nhưng một nửa những kẻ hiếu kỳ vẫn lo sợ những con ma Hời giết chết hắn ta, một nửa lại mong cho hắn bị vật chết tươi cho đáng đời một kẻ hay trộm gà bẻ bí. Với vẻ mặt ngu si từ trong bụng mẹ, vẻ lấc cấc từ trong cuộc đời, cứ như vừa đánh nhau xong với những kẻ vô hình, thủ ngữ Đực đem lên từ lòng giếng tối tăm một trăm trái cau bằng vàng. Một trăm trái cau hay nhiều hơn thế nữa tìm được giữa đống xương vàng xỉn ngập trong bùn ngay tức khắc đã khiến cho một anh đờn cò trở thành chánh phường bát âm ỉ eo, được gọi tắt là Chánh nhạc. Rồi cứ thế nhà tranh trở thành nhà ngói, vợ xấu trở thành vợ đẹp, con hư trở thành con ngoan. Nếu muốn hơn thế, anh còn có thể trở thành “thầy” cửu hay “cụ” bát.

2

Nhưng lão phù thủy phó Ba quái quỷ lại bảo không phải được vàng mà là được bạc. Câu chuyện không biết có phải do lão phịa ra hay không, được rù rì kể lại thêm thắt như bao câu chuyện mua vui của những làng quê nghèo đói.

Trong một lần đi xe lửa từ Nha Trang về Quy Nhơn, trời xui đất khiến anh đờn cò có cái tên rất bài chòi là Chín Gối ngồi cạnh một thằng Tây lục lộ. Rồi cũng lại trời xui đất khiến, thằng Tây lục lộ sau khi chui qua những cái hầm dài ngột ngạt lạnh lẽo ở Đèo Cả, lúc xuống ga Hảo Sơn chắc là dể phát lương cho đám thợ làm đá, lại bị ma ám, cầm nhầm cái cặp đựng áo quần hôi hám của Chín Gối thay vì cái cặp đựng đầy những tờ bạc Đông Dương thơm phức của mình.

Vậy là sau đó, Chín Gối liền xuống một ga gần kề lấy vé đi ngược vào nam thay vì câng câng mang bọc tiền về nhà, để rồi sau đó đi tù rục xương vì cái tội dám tráo cặp của Tây.

Chín Gối đang tính toán trong đầu làm cách nào để dấu tiền và tiêu tiền, thì bỗng có một bàn tay xa lạ đặt lên vai và có tiếng nói: đi theo tôi! Sống lưng lạnh toát và cho dù có đến chín cái đầu gối đi nữa, như tên cúng cơm của anh, thì anh vẫn run đến nỗi bước không nổi. Người đàn ông bí ẩn liền vòng tay ra sau lưng, kéo anh đi như bị mật thám xốc nách áp giải.

Chín Gối khi bị đẩy xuống ga Đại Lãnh liền ngồi thụp xuống đất, chắp tạy lạy, nhưng anh bị người bí mật nắm áo kéo lên bảo đi tiếp. Qua khỏi ga, người bí mật mua ngay một giỏ lát, bảo Chín Gối nhét cái cặp da căng phồng vào. Hai người chui vào rừng dương nằm sát biển, moi cát chôn cái cặp sau khi đã lấy hết tiền bỏ qua giỏ. Chín Gối nhất nhất làm theo, chẳng biết mình đang ở địa ngục hay thiên đường.

Khi hai người đàng hoàng bước đi trên đường lộ, người bí mật nói giọng ỡm ờ:

– Bây giờ ta đem nộp anh cho Tây, anh có muốn nói điều gì không?

– Trăm lạy ngài, bao nhiêu tiền ngài cứ lấy hết, xin tha tội cho con!

– Ta không phải là mật thám.

– Vậy ngài là …

– Là gì rồi sẽ biết, nhưng anh có muốn theo ta hay không?

– Dạ không dám không theo, nhưng nếu không là mật thám thì cũng là …

– Cướp chớ gì?

– Dạ không dám nghĩ thế, nhưng…

– Thôi không nói nữa, cứ biết là theo ta cái đã.

Mấy ngày sau đó, người bí mật đem hết số tiền mua vàng, rồi nhờ thợ đúc thành những trái cau nho nhỏ. Anh ta bảo đừng chôn dấu mà cứ liệng hết xuống giếng. Sau đó sẽ lấy lện một cách công khai trước sự chứng kiến của dân làng.

Chẳng thằng Tây nào lấy lại được đâu, anh ta nói. Nhưng số vàng đó cũng không còn là của riêng anh. Anh có thể tậu ruộng, cất nhà, còn lại bao nhiêu là sẽ làm theo lệnh ta. Trước mắt là thư thả hãy về quê. Khi mọi việc xong xuôi sẽ lập một gánh hát và việc tiếp theo là hoạt động bí mật cho cách mạng. Nhớ đấy, hoạt động cho phong trào cọng sản. Còn hoạt động như thế nào sẽ có người chỉ rõ từng bước.

Khi nghe nói tới hai tiếng cộng sản, Chín Gối tưởng đất dưới chân mình sụt xuống. Hai cái tiếng mà chỉ nghe nhắc tới thôi anh đã thấy lạnh run, giờ lại thêm hoạt động thì cái đầu nhất định là không còn nằm trên cổ nữa. Anh đã định bỏ hết của chạy lấy người, nhưng người bí mật nói, không có sao đâu. Có cả một tổ chức bí mật bảo vệ cho anh. Đảng đã chọn, đừng có dại dột mà thối thoát.

Và cái cách mà cụ Chánh nhạc năm xưa của chúng ta đã trở thành vị cách mạng tiền bối của làng An Định nó là như thế. Sau này, khi tập kết ra bắc, gặp lại người xưa, lúc ấy cụ mới biết anh ta lúc đó đã là xứ ủy Trung kỳ.

Một đôi lần nhớ lại cái cảm giác lần đầu tiên ôm một cái cặp đựng đầy bạc, Chín Gối vẫn run rẩy như lúc được ôm trong tay cô vợ mới cưới. Cái cảm giác đê mê ngất ngây trộn lẫn sự sợ hãi khiến cho cái anh chàng nhà quê chưa quen với sự giàu có, quýnh quáng chưa biết phải làm gì. Liền sau đó là một nỗi đau buốt như bị dao đâm thấu tim, một nỗi uất ức vì chưa kịp làm gì đã bị kẻ khác cướp mất. Không biết cái thằng cha xứ ủy xa lạ kia nó theo dõi thằng Tây từ lúc nào, nhưng khi mình được cái cặp là nó nhảy xổ tới như chó săn đớp lấy con mồi. Chính nó hất mình ra, không cho mình làm chủ số bạc mình mới có. Chính nó mới là chủ thật sự nhà cửa điền trang, chủ gánh bài chòi Thanh Bình, rúc rỉa cho đến cùng kiệt. Khi tập kết ra bắc mình lại trơ khất như thằng Chín Gối năm xưa, với mấy ký gạo vừa ẩm vừa mốc, vài lạng đường, lạng thịt, vậy là sao nhỉ, không bị cướp thì là gì?

Kể ra thì cũng nhờ gã bày biểu nên cái anh Chín Gối ngờ nghệch dạo ấy mới biết cách biến đồng tiền phi nghĩa thành chính nghĩa, chẳng những đã không bị thằng Tây lấy lại, không bị đi tù mà còn trở thành ông nọ ông kia, vênh vang hơn cả tổng Bá. Nhưng để được như thế, cũng nhờ của cải biết chọn người nên đã dạy khôn cho anh nhiều điều. Trước hết là hãy đem chôn ở một nơi mà ngay cả vợ con anh ngày nào cũng ngồi bên cạnh mà không hề biết. Đó là chỗ đất dưới chân ba ông táo bằng đất, chẳng phải hai ông một bà nọ trở thành thần giữ của, nhưng ở một nơi rơm rạ tro trấu lem luốc như thế nên chẳng ai có thể ngờ được là có dấu vàng. Sau đó, hai tay võ cừ khôi đã từng đấu nhau với cọp suốt một đêm ở An Thái đã được mời đến. Cơm canh rượu thịt đề huề, chỉ cần mỗi ngày đi dạo một vòng quanh xóm để cho những con mụ đàn bà bép xép và những gã đàn ông rổi việc tung tin, là những tên cướp tay mơ Năm Quầng, Sáu Quẳng ở gò Na không bao giờ dám bén mảng tới.

Tuy vậy, đêm đêm anh nhà giàu mới nổi cũng không dám ngủ yên bên cạnh vợ. Anh cứ hết ra lại vào, hết uống trà lại nhâm nhi rượu. Khi những trái cau bằng vàng biến thành những mẫu ruộng sâu, những con trâu nái, thành nhà ngói cất theo kiểu Tây, con trai đi học ở Quy Nhơn, con gái cưỡi xe đạp chạy quanh làng và gánh bài chòi Thanh Bình ban réo rắt đờn ca suốt tháng, nghĩa là của chìm trở thành của nổi, anh vẫn cứ như ngồi trên đống lửa, không phải sợ cướp mà là sợ hai cái tiếng mật thám như nghe tiếng kẻng của thần chết. Cứ mỗi lần có người lạ cần gặp là anh lại run. Nếu đó là người của địch thì coi như không kịp khóc mà từ biệt vợ con.

Nhưng nếu là người của ta thì lại nhận thêm một cái chết được báo trước. Khi thì phải chi cả đống tiền, lúc thì phải đem truyền đơn đến chỗ nọ chỗ kia, có khi phải chuyển cả súng đạn. Toàn những việc quốc cấm, không chỉ chết có mỗi mình mình mà còn cả nhà, xưa kia là cả ba họ. Những việc động trời ấy dù sao cũng chưa đáng sợ bằng việc treo cờ búa liềm. Cái cờ có hai vật dụng bằng sắt tréo nhau như hai cái xương bắt chéo dưới một cái đầu lâu mỗi lần trông thấy là sợ chết đi được, vậy mà phải đem treo cho mọi người cùng thấy! Không dám sai ai kể cả vợ con, chỉ có một mình mình trong đêm tối với dế giun và mưa gió. Lá cờ dấu trong bụng lúc đó bỏng rát như lửa, buốt nhói như dao đâm, nặng như đeo chì. Vậy mà có lúc anh được lệnh phải treo cả chục lá cờ ở các cổng đình, ở những cây cao gần chợ…

Những lúc đu mình trên cao, anh tưởng như mình đang đút đầu vào thòng lọng. Khi lá cờ bung ra, sải cánh bay trong gió là lúc mà anh cảm thấy cái chết gần kề nhất. Anh tưởng chừng như bên dưới đông đặc lính tây lính tập và một cái gông đang chờ sẵn. Một đôi lần anh đã muốn buông tay xuống cho xong một đời.

Cái giây phút được bạc kia không ngờ lại là giây phút đáng nguyền rủa. Nó làm cho cuộc đời anh đang yên hàn lặng lẽ bỗng trở nên rối rắm nhằng nhịt như tơ vò. Mà không, được bạc thì phải mừng chứ, chỉ có gặp cái thằng xỏ lá xứ “quỷ” kia mới thực sự là đáng để cho mình nguyền rủa. Chính vì gặp nó mà mình sống khổ sống sở mặc dù là trong tay có cả đống vàng. Chính nó nhảy phóc lên lưng mình, giựt tóc mình như nắm dây cương, bắt mình phải đi theo con đường quỷ quái của nó chứ không phải của số mệnh.

3

Thế đó, cụ chánh nhạc ngày ấy đâu có sống trong sung sướng mà là trong lo sợ, mãi đến khi cái chính quyền già nua ốm yếu bệ rạc của Bảo Đại bị đánh cướp trong một buổi sáng mùa thu mới khiến cụ thở phào nhẹ nhõm. Khi đứng trước đình làng nhận cái con dấu từ tay thằng lý trưởng tai mắt của mật thám, cụ mới thực sự ngất ngây như lúc được bạc. Cụ lúc ấy gần năm mươi, dù đã góp công lớn cho cách mạng thành công cũng không hiểu cách mạng nó là cái gì. Cụ chỉ biết từ nay sẽ được ngủ ngon bên cạnh vợ, chỉ tiếc là vợ đã già, mỗi khi nhìn cái cờ búa liềm không còn thấy run và sợ nữa, nếu không muốn nói là hảnh diện, tự hào.

Những cuộc biểu tình diễu qua diễu lại trước nhà hoan hô cách mạng đã khiến cụ hả hê. Gió mùa thu thổi qua thềm nhà lúc nào cũng văng vẳng những âm thanh của giáo mác dao rựa va chạm nhau lẻng kẻng, khi người ta vung lên trời mỗi khi hô đả đảo hay cương quyết, nghe sao mà sướng thế, còn hơn cả tiếng đàn tiếng sáo của gánh hát Thanh Bình.

Có thế chứ, hết cơn khổ tận đến ngày cam lai, thật bõ công cho những ngày hoạt động bí mật. Khi đám đông mê mẩn với những câu hát bài chòi tục tĩu, với những Bạch Huê, bớ Bạch Huê (đám đông rú lên:lồn! lồn!), những Nọc Đượng, bớ Nọc Đượng! (lại rú lên: cặc!! cặc!), những ông Ầm, sáu Cẳng và cả chín Gối…thì ông chủ gánh lại lặng lẽ đi làm cái việc không ai ngờ được là rải truyền đơn hay treo cờ. Sau đó, mặc cho nhiều người bị bắt vì bị tình nghi, nhiều kẻ bị tán gia bại sản, nhiều cái đầu không còn nằm trên cổ, cái gánh bài chòi vẫn cứ nhởn nhơ ca hát hết làng nọ đến làng kia và những Bạch Huê, Nọc Đượng, ông Ầm, sáu Cẳng…cùng với tiếng trống xổ lum tum để mừng người đã “tới” lại tiếp tục vang lên trong những đêm dài ở các làng quê u tối.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Cái lệnh đem tất cả những trái cau bằng vàng và hàng lô hàng lốc những cong những kiềng quyên góp được trong tuần lễ vàng nộp cho Trung ương đã khiến ông thẫn thờ uất ức như bị một thằng đĩ đực nào đó cướp mất vợ. Hóa ra cách mạng là như thế, cộng sản là như thế, thảo nào lão phó Ba bảo cộng sản là cộng các bà vợ lại. Ông chánh bỏ ăn bỏ ngủ đến cả tuần, khóc trộm trong đêm đến nỗi sáng ra cái gối ướt đầm như được vớt từ dưới ao lên.

Ông định dấu bớt, vàng đã thành máu thành thịt, đem giao nộp thì có khác gì bị tùng xẻo! Nhưng cái thằng cha chỉ gặp có mỗi một lần ấy vẫn cứ ám ông trong suốt bao nhiêu năm, cũng có lúc lặn mất tiêu tưởng đâu đã chết rục trong tù, giờ lại quyền uy hơn cả thần linh. Ông có cảm giác như lúc nào cũng có con mắt của nó sau gáy, đi đâu, đứng đâu, ngồi đâu, ngay cả chuyện rắp ranh kiếm một con vợ bé nó cũng biết như ở trong chăn…thì biết chôn dấu ở đâu, tẩu tán bằng cách nào mà qua khỏi hàng ngàn con mắt cú vọ lườm lườm của nó.

Mệt muốn đứt hơi luôn, thôi đành giao nộp hết cho rồi, tay không lại hoàn tay không. Đù má nó, cái đảng ôn dịch! ông chửi thầm sau khi đã trút hết bao nhiêu là vàng vào cái túi không đáy của ngân khố đóng tại Bồng Sơn. Cũng còn may là ông hãy còn được cho giữ một chân vẩn vơ trong mặt trận tổ quốc, còn được gọi là cán bộ tỉnh và khi tập kết, cả nhà đều được đi, ngay cả thằng cháu đích tôn mới sinh được mấy tháng chưa có công trạng gì với cách mạng.

4

Đứng trên boong tàu Ba Lan nhìn rặng núi Phương Mai ở cảng Quy Nhơn mờ dần, chút tình quê hương vẫn khiến cho ông ngậm ngùi. Ai đâu tưởng rằng đang đi về cõi thiên đường trên mặt đất, nơi làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, ngay cả không làm cũng có ăn, nơi lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng và tiếng ca, ai tin mặc kệ, chứ ông thì tin rằng cả bọn chen chúc nhau ra bắc là để đi trốn những cuộc trả thù khi chính quyền bù nhìn của tụi Pháp từ Sài Gòn ra tiếp thu. Và điều sâu kín khiến cho ông yên tâm bỏ làng ra đi là thoát khỏi tai mắt của bọn mật thám. Cái tội ăn cắp tiền, chứ không phải được tiền (nói ai tin) dù đã mấy chục năm rồi vẫn cứ phải ra chết già ở đảo Côn Lôn.

Đặt chân lên cảng Hải Phòng, ông liền được điều lên lên cái miền đất anh hùng là Điện Biên Phủ, gọi là để xây dựng cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thực ra là để thúc dân đang mỏi mệt và sợ hãi trong chiến trận vừa qua thu nhặt những xác chết đang thối rữa, lấp những hố bom và những giao thông hào để đón những đoàn khách nước bạn Đông Âu, Cu Ba đến quay phim chụp ảnh. Cái áo len màu nâu mà bà vợ đã thuê người đan hết một bó tiền tín phiếu trước khi tập kết vẫn không đủ ấm để chống lại cái rét cắt da cắt thịt của núi rừng. Thôi rồi, mình bị đày lên đây, chứ một lão già như mình thì xây dựng cái nỗi gì. Giống như 500 năm trước ông cha mình đã bị đày vào đất Đồ Bàn.

Xa cách vợ con, giữa một đám người Thái người Mèo xa lạ, ông thấm thía hơn ai hết cái công tác dân vận. Ăn cùng dân, ngủ cùng dân, làm cùng dân nhưng để họ tin và nghe theo mình, tức là nghe theo đảng, đâu có dễ. Trong con mắt của họ, con mắt xếch và sắc như dao, rực lên ánh nhìn lạnh lẽo nghi ngờ nếu không muốn nói là thù hận. Những cán bộ miền nam đối với họ chỉ là những tên cai đồn điền cao su mà họ đã từng lạnh mình khi nghe nói tới, chỉ khác là không có roi da hay dùi cui trong tay mà thôi.

Rõ ràng là họ không mong đợi những người mà sự xuất hiện cứ như những cơn mưa đá làm tan nát nhà cửa mùa màng, còn tệ hơn nữa, như một trận lũ quét sắp cuốn họ ra khỏi bản làng. Trước kia dưới tầm đạn của Pháp và chính quyền cũ, núi rừng sông suối vẫn là của họ. Ngày họ lên nương lên rẫy, tối về đốt lửa hát ca. Giờ đây họ phải làm quần quật, mà làm không công, chỉ để được khen là xuất sắc là anh hùng, tối đến lại phải ngồi bó gối để nghe ba hoa về thế giới đại đồng, về thiên đường cọng sản, về giải phóng miền nam. Giải phóng để mà chi, trong khi họ dần dần bị biến thành những đàn cừu chỉ cần một con chó nhỏ cũng chăn dắt được. Ông chính là con chó nhỏ mà đảng muốn thay mặt để chăn dắt với mỹ từ là lãnh đạo.

Hai năm sau, người ta cho ông về hưu sớm. Nhưng về đâu, giữa núi rừng tây bắc, không cửa không nhà, không vợ con họ hàng thân thuộc? Bao nhiêu trái cau bằng vàng, bao nhiêu lần treo cờ rải truyền đơn, bao nhiêu lần són đái trong quần, giờ được trả công như vậy sao? Mình đã một lòng tin theo đảng nhưng đảng có tin mình đâu! Hết lần này đến lần khác, thủ trưởng gọi mình lên, đặt tay lên vai, vỗ vỗ ra chiều thân mật, hỏi: này có thật số vàng ấy nộp hết rồi chứ? Thưa thủ trưởng nộp hết chớ để làm chi. Thủ trưởng không tin tôi sao? Tin, tin chứ, chỉ hỏi cho vui vậy thôi. Ấy là tôi nhắc chừng chôn dấu đâu đó có khi quên chưa đào lên hết.

Vậy, cho mày chết dí ở xứ Mèo xứ Thái để xem mày xài vàng bằng cách nào. Đày lên đây, ông nghĩ, ý chừng đảng muốn trị mình cái tội không trung thực đây. Hay là vì mình quá trung thực nên phải bị đi đày? Phải chi mình không quá dại mà nộp hết một lúc, và lúc đó mình thưa rằng, dạ còn, dạ để tôi nộp cho thủ trưởng thì đâu đến nỗi. Thủ trưởng sẽ khen mình trung thành sau khi đã cất vàng vào túi, sẽ đề bạt chức nọ chức kia chứ đâu có mỗi cái chức mặt trận mà không hiểu mặt trận là cái mặt gì. Nỗi oan này biết kêu ai? Trời của đất bắc chứ đâu phải trời của quê hương mà kêu. Trời lạ. Đất lạ. Chỉ có nước chết mà thôi.

Nhưng ông không chết. Cái tên Chín Gối mà cha mẹ đặt cho đã khiến sức sống trong người ông lồm cồm bò dậy. Đói đầu gối cũng phải bò. Mà mình đến những chín gối kia mà. Mình bò bằng bốn bằng năm người khác chớ bộ.

Thế là ông đan hai cái sọt lang thang khắp núi đồi theo chân những đàn bò của nông trường, nhặt những cục phân rơi vãi để bán cho những người trồng thuốc phiện lậu. Những cục phân bò không hôi như phân người. Ông không đến nỗi phải cặp cái mo đựng cơm bên cạnh cái giỏ đựng phân như dân Phù Mỹ đã vào tận làng An Định mà nhặt cả phân người vì đất ở đó toàn cát sỏi. Buổi trưa, ngồi dưới bóng cây, họ lấy cơm ra ăn, nghĩ mà tội. Hồi đó, mỗi lần về nhà là ông và các bạn trên tỉnh ăn thịt dê nướng thơm phức, chứ có đâu thúi hoắc như họ. Mà đó là những bần cố nông cốt cán kia đấy! Cái bất công ngày đó ông thấy nó lù lù nhưng đã làm ngơ. Giờ ông đang nhặt từng cục phân, mừng như bắt được vàng, thì bạn bè trong cơ quan đã lên cấp Trung ương, trong những tòa nhà cao to của Pháp để lại, chắc là đang ăn những thứ sơn hào hải vị chứ đâu có như mình ngồi gặm từng trái bắp cứng như sỏi.

Nhiều năm trên cao nguyên giá lạnh, cứ như Tô Vũ chăn dê, tóc ông bạc trắng như lau. Ông cũng muốn để râu, để mà trông thấy nỗi buồn của mình mỗi ngày một dài ra, một đôi khi buồn tình lại ve vuốt cho đỡ buồn. Nhưng có người nói nhỏ vào tai, bác Tôn phó chủ tịch nước kia mà còn chưa dám để râu huống hồ là một lão cán bộ nhép như ông, hỏi sao vậy, cười bảo, cả nước chỉ mỗi mình Bác được có râu, chỉ mình Bác là ông tiên của các cháu thiếu niên nhi đồng! Nghe nói thế, ông thở dài, tiếng thở sâu và buồn và lạnh tưởng chừng đó là hơi thở của núi rừng.

Một ngày sau tết Mậu Thân, nghe nói thắng to ở miền nam, lúc đó ông đang tha hai cái giỏ đựng đầy phân về lều, ông trông thấy một người đàn bà khô đét như một trái táo nhơn lò dò chống gậy leo lên dốc. Ông sững người nhìn một lúc, mới nhận ra đó là bà Chánh nhạc, đã một thời làm tỉnh hội phụ nữ. Nói sao cho hết nỗi xúc động của hai cán bộ già. Ông quăng hai cái giỏ, mặc cho những cục phân khô lăn xuống dốc như những bánh xe làm bằng trái vông, chạy đến bên bà. Rồi họ lao vào nhau, dính khít nhau như hai anh em sinh đôi Ang và Eng. Phải chi cứ thế mà bay lên thì đúng là họ đang bay lên thiên đàng. Họ không còn nước mắt để khóc, không biết hôn nhau như Tây, họ cứ đứng ôm nhau mãi tưởng chừng mọc rễ trên đất.

Đêm hôm đó, trong cái lán nhỏ như ổ chuột, trên chiếc chiếu đã mục, những ngón tay run rẩy tìm kiếm trên thân thể của nhau chỉ thấy toàn những da và xương. Tất cả chút sinh lực hiếm hoi của ông đã rơi rớt trên cao nguyên. Còn chút nhan sắc của bà thì cũng bị tàn phai héo úa trong những lần đứng sắp hàng chờ mua gạo mắm đường sữa theo tem phiếu. Trong bao nhiêu năm họ không phải sống mà là khô héo teo tóp dần, cho đến lúc được gặp nhau, người nào cũng nguội ngắt như một que củi đã tắt lửa. Không còn gì để bù sớt cho nhau, ngay cả hơi thở cũng đứt quãng, họ nằm nghe những tiếng động của núi rừng, mơ hồ tưởng như tiếng hú xa xăm của một thời tươi trẻ vọng lên từ đáy vực.

Bà thều thào dỗ dành: ngủ đi mình, ngủ đi!

Ông liu xiu ôm mà không ấp nổi.

Một tháng sau thì bà chết.

Khuôn mặt của bà vàng ệch, một màu vàng tái ngắt đói nghèo chứ không phải màu vàng rực rỡ giàu sang của vàng đem từ cái giếng Hời lên.

5

Nhờ sự giúp đỡ lén lút của những người buôn thuốc phiện lậu, ông cũng có được sáu miếng ván tươm tất để chôn vợ. Bia là một tảng đá mà phải mất một ngày ông mới khắc được mấy chữ Tô Thị Đậm méo mó.

Ngôi mộ của vợ đem đến cho ông một chút ấm áp trong lúc tuổi già cô độc. Khi cô con dâu nghe tin mẹ chồng mất lên thăm, bảo khi nào thống nhất sẽ lấy cốt đưa về An Định. Mà biết bao giờ mới thống nhất đây. Bom Mỹ cứ dội suốt! Không chừng cái lòng chảo Điện Biên này nó cũng sẽ nhảy dù xuống như thằng Pháp. Mệt quá chừng, mỗi lần có báo động là những công nhân phải lùa bò trốn vào hang. Nhưng nhờ vậy mà mình khỏi phải đi xa cũng có khối phân để hốt.

Trong khi đi nhặt phân bò, ông cũng nhặt những hòn đá nho nhỏ ngồ ngộ về xếp quanh mộ vợ. Có những viên tròn giống những trái cau bằng vàng, ông cất riêng vào trong bọc. Cái vẻ nằng nặng trong lòng bàn tay khiến ông nghi là có chứa vàng. Giờ thì không đứa nào lấy được của mình, ông vừa nói vừa cười. Lúc này ông hay nói lẩm nhẩm một mình. Cái giếng ở nhà mình giờ xác chết chắc đã chất đầy lên tới miệng. Nghe nói trong đó đánh nhau dữ. Là những chiến công hay tội ác? Cái giếng lâu đời giống như cái hố sâu của lịch sử. Biết bao người đã chết trong tăm tối, oan ức, vậy mà vẻ vang được sao? Khi nào về mình sẽ cho người lấp lại. Sống bên cạnh một cái giếng như thế thì không thể nào khá lên được.

Ông thường gặp những người ở Hà Nội, Hải Phòng…những người của chế độ cũ sau khi không xài được nữa cũng bị đày lên đây. Họ được đưa đi chăn bò, chăn ngựa, chăn dê, cả chăn heo chăn gà gọi là tham gia lao động. Người nào cũng dấu kín trong lòng một nỗi hận khôn nguôi. Nhưng họ cũng như ông, là những viên sỏi chứ không là những giọt nước. Có nằm cạnh nhau cũng cứng ngắt chứ không thể nào tan ra để sẻ chia tâm sự. Ai cũng cố mài mòn những góc cạnh để có thể lăn tròn, lăn mãi, cho đến khi rơi tòm xuống cái hố thẳm của tuyệt vọng.

Từ ngày vợ chết, ông bắt đầu để râu, mà râu ông chắc vì buồn nên chóng dài. Chưa đầy năm đã dài tới ngực. Cả tóc nữa cũng không thèm hớt. Ông đâu có giống một ông tiên mà sợ xì xào phê bình kiểm điểm. Ông giống lão giáo Huế khùng dưới chân núi Mò O, chỉ thiếu là không cỡi lên một cái đọt tre, nhong nhong chạy qua làng tung bụi lên mù mịt để lũ trẻ con trần truồng thích thú chạy theo hò hét. Mỗi khi xuống suối tắm giặt, ông lại ngồi nhìn bóng mình, hết cười lại khóc. Không ai có thể tin được ông Chánh nhạc ở làng An Định tươi tắn phương phi ngày nào giờ thảm hại như một lão ăn mày. Cách mạng để đổi đời, đổi như lộn mề gà thật là xót!

Lại nghe có hòa đàm Paris. Cũng như Giơ-neo, không biết lại chia mấy nữa đây. Đã chia hai rồi giờ chẳng lẽ chia hai nữa thành bốn, rồi bốn thành tám…cái nước Việt này đúng là nát như tương. Làm lãnh đạo mà để đất nước chia năm xẻ bảy là có tội. Tội với người sống và tội với người chết. Cái tội ấy nặng lắm à.

Nhưng không có chia. Đánh ở Buônmêthuột, Pleiku. Rồi Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Cái gì lạ vậy cà? Hai mươi năm ghìm nhau từng tấc đất, giờ bỏ chạy cái rẹt là sao?

Giải phóng! Giải phóng rồi!

Bắc nam liền một cõi. Vậy là sắp được về nam. Ôi chao ở cái đất bắc lạnh căm này, những người già như mình, xương cốt đau nhức không đêm nào ngủ được. Lại còn bị nghi ngờ là CIA của Mỹ, lại bị canh chừng chống đảng. người nọ rình rập người kia. Đi hốt phân bò mà cũng bị hỏi tới hỏi lui. Những đêm dài ở đất bắc, có khóc cũng chỉ dám khóc thầm.

Về nam, mau về đi thôi, về ngâm mình trong nước mát ở bến Trén, sáng chiều ngồi trước ngõ mà ngắm tháp Bánh Ít xanh ngắt ở chân trời, về nam ăn một miếng bánh hỏi, bánh tráng, bánh ướt bánh xèo…thứ gì cũng ngon, uống nước bắp nấu ngọt như nước dừa, xuống ruộng bắt cua làm mắm cua chua ăn với cơm nguội cho đã thèm, về nam nằm ngủ giữa nhà rộng rinh chứ đâu chỉ bó trong hai thước vuông, về nam trồng đậu trồng cà, trồng khoai trồng bắp, muốn ăn bầu có bầu muốn ăn bí có bí, đâu phải chực chờ giành nhau từng cộng rau muống già ngắt dai nhách!

Sống khổ sống sở trên hai chục năm để có ngày về thì thật là cay đắng, nhưng được sống tới ngày này là phước đức lắm rồi, đừng có mà kêu ca gì nữa, dại một lần chứ không thể dại thêm, đảng có dụ khị cho cả cái nhà lầu to ở Hà nội cũng xin cảm ơn mà về, nhưng liệu mình có đủ sức đi nổi không đây, nghe nói đường sá bị bom mìn đi lại rất khó khăn, nhưng mà khó khăn mấy cũng về, những đống phân bò ai muốn lượm bao nhiêu thì cứ lượm, lão đây không thèm tranh nữa đâu, về nam, chưa đi sao mà đã thấy sướng lâng lâng rồi.

Sau mười bốn ngày, vừa đi bộ vừa đi xe, với cái ba lô con cóc đựng hài cốt vợ trên lưng, một cây gậy cầm tay, cụ chánh nhạc năm xưa đã về tới làng An Định trong một ngày cuối thu năm bảy lăm giữa một rừng cờ vẫn còn hai màu xanh đỏ chọi nhau.

Nhưng …

Cái chòm cây cao thấp lô nhô kia là làng sao? Những nền nhà cỏ mọc đầy, những bức vách trơ trọi lạnh lẽo và những con người mới hồi cư ngơ ngác tụm năm tụm ba ở miễu thượng. Chẳng ai nhìn ra cụ và cụ cũng chẳng nhìn ra ai.

Số phận của làng sao giống số phận của mình. Ai đã làm ra nông nỗi này? Những người của đảng cài lại, những kẻ giả bộ đi tập kết rồi lộn về, những đứa như thằng Định con Thảnh hăm hở đi B. Đi giành lại quê hương mà như thế này thì giành lại để làm gì? Sẽ xây dựng lại, nhưng ai xây, chẳng lẽ những cụ già, những bà mẹ và cả những đứa bé nét mặt vẫn chưa hết kinh hoàng ngồi nằm kia xây dựng sao? Hay là đưa cả miền bắc đang thiếu gạo thiếu cơm thiếu cả cây kim sợi chỉ ngoài kia vào xây dựng ?

Cụ bàng hoàng như lúc mới đưa lên Điện Biên. Nhưng đất dưới chân là đất của làng mình, trời trên đầu cũng là trời của làng mình. Sẽ chôn nắm xương khô của vợ dưới chân núi Mò O cho hồn bà còn được trông thấy ruộng đồng trải dài ra tận biển. Sẽ chặt cây cất một cái chòi trên thềm nhà cũ. Lúc buồn sẽ hát mấy câu bài chòi. Sẽ kêu bớ Bạch Huê, bớ Nọc Đượng, kêu cả tên tục và cả Chín Gối tên mình nữa. Sẽ không bị ai dòm ngó nghi ngờ. Sẽ chờ cái chết đến như chờ mẹ đi chợ về.

Đêm hôm đó cụ ngủ trên nền của miễu thượng cùng với những người mới hồi cư. Trong mơ cụ thấy mình một lần nữa lại được bạc. Mà lần này thì không có ai là xứ ủy chỏ mũi vào.

6

Nữ chủ tịch ủy ban quân quản huyện được tin cha mình về lúc đang ngồi ăn cơm bằng đũa hai đầu với hai cán bộ thông tin và giáo dục được tăng cường từ miền bắc. Câu khẩu hiệu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm vừa mới kẽ xong hãy còn ướt sơn đỏ chói như đít chim chào mào. Đưa cái đám con cái ngụy quân ngụy quyền đi chỗ khác, bà nói với chủ tịch ủy ban quân quản xã tên KhấuThẹo (được đổi thành Hùng Tiến), cho người dọn dẹp sạch sẽ, bố trí cho đồng chí ấy ở tạm rồi sẽ tính. Trên này nhiều việc cần giải quyết gấp, danh sách ngụy quân ngụy quyền đưa đi cải tạo cần rà soát lại để không bỏ sót, ít bữa tạm ổn tôi sẽ về. Cứ thế nhé, chào thắng lợi!

Chủ tịch quân quản xã đưa tay lên vành mũ tai bèo chào theo kiểu quân đội, nhưng chân thì bước chứ không chụm lại kêu cái rụp. Bà khoác tay cho thuộc hạ trong khi vẫn cầm ngang đôi đũa bằng tre, nói với hai cán bộ miền bắc, cha tôi đi tập kết từ năm lăm, tôi cũng đi nhưng đến Tam Quan thì xuống ghe lộn lại. Anh em ở đây chỉ biết có chiến đấu chứ có được học hành gì mấy đâu mà biết lo cho giáo dục và thông tin. Xin các đồng chí bước đầu giúp chúng tôi khai giảng năm học mới và tuyên truyền chính sách của Mặt Trận. Nhé, vậy nhé, cơm xong chúng ta bắt tay vào việc.

Lúc ấy hai cán bộ đã ăn xong, không biết vì không tìm thấy tăm hay vì thói quen mà họ trở đầu đũa cào cào trên răng rồi nghiêng qua mép gạt xuống một cái thay cho lau miệng. Mặc dù có ghế nhưng họ vẫn ngồi chồm hổm, là cách ngồi quen thuộc của loài khỉ tổ tiên của loài người. Đó là tư thế nhanh nhất để tranh cướp hay trốn chạy theo bầy đàn.

Cô Thảnh, người đã một thời hét ra lửa (vì căm thù) trong chín năm kháng chiến, giờ trở thành đồng chí chủ tịch một cái ủy ban to cũng phải thôi, sau bao nhiêu năm chui rúc dưới những địa đạo bí mật và chịu tù đày ở Côn đảo. Với một bộ đồ màu xanh xám, một cái xanh tuya rông thắt ngang lưng nhưng không có súng lục, đầu đội mũ tai bèo, cô có vẻ giống o du kích nhỏ được đại thi hào Tố Hữu ca ngợi trong bức ảnh nổi tiếng áp tải một thằng Mỹ giặc lái to lênh khênh mà học sinh từ mẫu giáo đến trung học đứa nào cũng thuộc. Cô chưa có vẻ gì là một quan huyện phụ mẫu chi dân lúc nào cũng xa cách, nhưng cũng không gần đến nỗi ngủ chung giường như lúc cô lén lút vận động họ đi biểu tình hay phá ấp chiến lược. Cô giữ một nét mặt lạnh như cái hơi lạnh giữ cho cá khỏi ươn, để không một ai được biết ngay cả những đồng chí thân cận nhất, những chương trình, những kế hoạch mà cô ấp ủ sẽ thực hiện, nhất là công cuộc truy tróc những kẻ phản động do Mỹ ngụy cài lại để chống phá cách mạng.

Cô được tặng rất nhiều huân chương và trong ngày lễ quốc khánh 2 tháng 9 vừa rồi, đứng trên lễ đài, ngực cô lấp lánh và rung rinh trông thật đã con mắt, tuy có kẻ xỏ xiên, cười bảo dưới đó chỉ là hai cái vú xẹp lép, teo nhách. Vẫn cái giọng the thé đến muốn thủng màng nhĩ như ngày nào, cô kể lại cuộc hành quân tốc chiến tốc thắng thần kỳ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, dù lúc đó cô đang ở trong tù. Đám dân bị Mỹ ngụy kềm kẹp trong mấy chục năm qua, thức dậy trong sợ hãi từ lúc 1 giờ sáng để đến ngồi co ro trong cái lạnh thống nhất trên sân vận động trước đây là nơi đặt hai khẩu đại bác 155 ly, bắn cầm canh vào những vùng mất an ninh để cho ngài quận trưởng ngủ.

Không đợi đến lúc bà chủ tịch quân quản huyện về làng, chủ tịch quân quản xã, chẳng những cho du kích quét dọn cái miễu thượng còn sót lại của làng sau cơn đập phá đình miễu của ông Khứ, mà còn phát quang khu vườn, dọn dẹp gạch ngói trên nền nhà cũ để có thể xây nhà mới cho xứng với vị trí của người khai sinh ra cách mạng ở làng An Định. Cụ Chánh nhạc khi đón nhận tin con gái sau hai chục năm giờ là bà chủ tịch quân quản huyện cũng cảm thấy được an ủi và tự hào. Chỉ buồn là anh con trai bị vướng phải mìn mà chết trong trận Mậu Thân, xác bị đem bày ra ở công viên mà vợ con ở tận ngoài bắc nên chẳng biết chôn lấp ở đâu. Tính ra thì gia đình cụ mất nhiều hơn được, nhưng như vậy cũng còn hơn không.

Một năm sau cô Thảnh mới về làng, cũng là lúc trước đó một tháng huyện và xã đã xây cất xong một cái nhà cho cụ cách mạng tiền bối (huyện lo vật liệu, tức là cây gỗ và tôn lấy ra từ các trại gia binh, còn xã thì lo công…). Cô về không phải để khánh thành, không phải để thăm người cha hơn hai chục năm mới gặp lại, mà là “bị” bố trí công tác khác. Cô bước vào nhà với vẻ mặt sưng sưng sỉa sỉa như bị chồng vừa tát, giả như cô đã có chồng, đến nỗi cụ chánh ngơ ngác tưởng cô là mụ Dĩa khi đấu tố tổng Bá. Cô không buồn hỏi thăm cha, gieo mình đánh sầm lên tấm ván ép của Mỹ dự tính để đóng đi văng cho cụ. Cô úp mặt lên hai cánh tay, trong khi vai cô rung lên và những sợi tóc trên đầu của cô đã chớm bạc rung theo. Với kinh nghiệm của tuổi già, cụ để cho cô khóc chán thì thôi. Cụ đi đun một ấm nước, pha chút trà Thái Nguyên, ngồi uống một mình. Hai con thằn lằn cắn nhau trên trần nhà, một con rớt xuống ngay chân cụ, hốt hoảng chạy trốn, bỏ lại cái đuôi ngo ngoe như kêu cứu.

Không hỏi cụ cũng biết vì sao cô lại nằm vật ra như thế. Khi bị quăng lên Điện Biên, cụ cũng đã từng muốn chết quách cho rồi. Đó là tâm trạng của kẻ vừa bị đá văng ra khỏi cái nơi mà mình tưởng là sẽ tận tụy suốt đời. Đó cũng là hình ảnh của miếng vỏ chanh vừa bị ném vào sọt rác sau khi đã vắt hết nước. Đang ngắm cái đuôi thằn lằn tội nghiệp, bỗng cụ nghe cô thét lên, tao mà phản đảng à? Tao mà phản đảng thì thằng chó nào trung thành? Rồi cô ngồi bật dậy, quay mặt nhìn cha, lại gào lên, tụi nó bảo con phản đảng, con bị đánh tơi tả nhưng có khai gì đâu mà nó vu oan như thế. Con mà phản thì cả tỉnh ủy, huyện ủy bị bắt và giết hết rồi, có đâu nghênh ngang lên mặt kỷ luật đảng để chụp lên đầu con cái mũ khốn nạn như thế.

Thôi im đi, im đi, cụ dỗ dành, có gào đến ra máu cũng chẳng ai thèm nghe đâu. Con không biết rằng cha cũng đã từng bị nghi ngờ là dấu vàng của cách mạng sao. Đó là những cái cớ để hất mình đi chỗ khác vậy thôi. Lúc gian khổ, lúc khó khăn hay lúc có vàng, nó ngợi ca mình lên tận mây xanh. Đến lúc này, của cải Mỹ ngụy để lại làm nó lóa mắt, nó không hất mình ra mới là chuyện lạ. Cô lại nói tuy giọng nhỏ hơn, nó bảo không khai sao bao nhiêu cơ sở sau Mậu Thân đều bị phá, bao nhiêu hầm bí mật bị khui, bao nhiêu đồng chí bị bắt. Nó quy hết tội cho con. Thực ra là tụi nó ra chiêu hồi cả đống. Chính tụi chiêu hồi khai ra để lấy công chuộc tội. Thằng chủ tịch thay con là một thằng như thế, nhưng nó bảo tổ chức cho ra chiêu hồi để nắm tình hình cho chiến dịch mùa xuân đại thắng!

Cô bị bố trí công tác sinh đẻ có kế hoạch, tức là đi phát bao cao su và chỉ cách tròng cái bao lên cái của nợ đó trong khi cô chưa biết nó nằm xuôi hay nằm ngược trong háng. Như thế có nhục không! Từ đó cô không ra khỏi nhà, đếch thèm nhận công tác, cũng không đi sinh hoạt đảng nhưng chẳng ai dám động đến cô. Vả lại động đến mà làm gì, cô câm họng lại như thế là tốt. Vẫn bố thí cho sổ lương hưu, vẫn cho hưởng tiêu chuẩn của gia đình có công cách mạng, vẫn được công nhận là chiến sĩ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chẳng ai dại gì sổ toẹt công lao của cô, không khéo cô kiện đến Trung ương thì khổ. Bọn họ nói thầm với nhau, hãy thảy cho con cọp cái đó một chút thịt để nó nằm mà liếm láp những vết thương oanh liệt của mình.

Hai cha con, sau hơn hai mươi năm không ngờ bị đẩy vào bóng tối. Họ sống chập chờn với những hình bóng cũ. Càng nhớ lại họ càng thấy thấm thía. Chẳng những chỉ đau không thôi mà còn thấy nhục. Phải chi ngày đó đem vàng nộp lại cho Tây, không chừng được thưởng cũng đủ sống một đời. Cái tinh thần cách mạng mà những ngày đầu kháng chiến mọi người phải ra sức học tập ở cụ, thực ra là cái lòng tham từ trong máu huyết của tổ tiên khi vừa đặt chân tới đất Chiêm Thành. Từ tham tiền đến tham danh chỉ có mỗi một bước rất ngắn. Ông khoái mấy tiếng địa chủ tiến bộ, bà thích làm mẹ chiến sĩ, con trai ham hai tiếng cứu nước, con gái ưa hai tiếng anh hùng. Toàn là những danh từ rổng và kêu được mạ vàng treo nhỏng nhảnh trước ngực như cái chuông đeo dưới cổ những con dê con cừu.

Cụ giờ như các vị quan cáo lão về vườn ngày xưa, mũ ni che tai, mặc cho hết vào HTX lại khoán, lại chia, rồi lại đổi mới, lại hòa nhập chứ không hòa tan. Cô, vì chưa chồng nên đành gọi như thế, như một khuê nữ già, ngồi nhìn từng chiếc lá vàng rơi mà đếm những mùa thu đi qua, trong nỗi buồn dài, chán dài, hận dài. Hai người suốt ngày không tiếng nói, yên lặng đến nỗi những hạt bụi cũng không buồn xê dịch, những hạt bụi đứng im như thể chờ được đông cứng. Trong khi đó, ngoài cái giếng Hời, đêm đêm những con ma mới của du kích và lính ngụy, những con ma mới nhiều vô số kể của làng An Định, lặng lẽ ngồi ngó nhau thỉnh thoảng lại đi dạo lòng vòng, gặp hai kẻ sống như bóng ma, cũng chào hỏi nhau trong tiếng chào vô thanh.

7

Họ sống trong sự lãng quên buồn hiu như vậy cho đến một ngày mùa thu của năm hai ngàn, bức tường Bá Linh đã sụp đổ, kéo theo khối Đông Âu, Liên Xô cũng tan ra như băng trên sông Vôn ga và nước Trung Hoa mèo trắng mèo đen của Đặng Tiểu Bình vừa dạy cho nước Việt đàn em một bài học bằng những cái tát méo mặt ở sáu tỉnh biên giới phía bắc…tưởng chừng báo trước ngày tận thế như trong kinh thánh. Một ngày mà cu Thắng cháu đích tôn của cụ, lúc mẹ bồng đi tập kết chỉ mới 3 tháng tuổi, giờ đã là một ông bộ trưởng khả kính của nội các đổi mới hay là chết, về thăm cụ nội của mình. Cả một đoàn xe bóng lộn bóp còi tin tin đi trong bụi mù giữa đám trẻ con trần truồng đang nhảy tưng tưng vì được hít mùi xăng thơm phức.

Xe phải dừng lại ở cây vông bị sét đánh đến hai lần vẫn không chết ở đầu xóm, bên cạnh một cái máy gạo đang kêu phành phạch. Bà vợ liệt sĩ, con dâu của cụ đi dẫn đầu vì ông bộ trưởng đâu có biết đường vào nhà, theo sau là một đoàn dài những tỉnh ủy huyện ủy, những người trong mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, người cao tuổi… Đoàn người bước vào sân giữa tiếng chó hàng xóm sủa đủ giọng. Hai cái bóng mờ liu xiu, một quá già, một cũng sắp già được dựng dậy.

Cụ ông được đặt ngồi trên ghế để ông bộ trưởng vấn an sức khỏe và nghe ông chủ tịch mặt trận run rẩy vì quá xúc động bày tỏ ước muốn của tỉnh nhà được vinh dự tổ chức lễ mừng thọ đúng trăm tuổi cho cụ.

Con vừa xem lại đảng tịch của cha, bà con dâu nói, ngày mười tám tháng chín năm một ngàn chín trăm chẵn là ngày sinh của cha, tức là chỉ còn ba mươi mốt ngày nữa là tròn một trăm tuổi. Thế à, cụ hỏi, chứng tỏ tai cụ còn tốt chưa nghẽnh ngãng. Cô Thảnh cũng nói, vậy mà em quên mất. Một ai đó đúng nép bên vách nói nhỏ với người bên cạnh, người Việt mình chỉ nhớ ngày chết chứ không nhớ ngày sinh. Chủ tịch hội người cao tuổi nghe được mắng, nói bậy nào, sao lại nói tới ngày chết trước mặt cụ.

Ông bộ trưởng cầm tay cụ nói, cháu sắp phải đi công tác ở Nga, mọi việc có các đồng chí ở đây lo. Sẽ tổ chức lễ trăm năm mừng thọ cho nội. Cháu rất tiếc là không về kịp để uống rượu chúc mừng. Giờ cháu xin đi, nội nhớ giữ gìn sức khỏe. Quay ra sau, ông bộ trưởng nhận hai hộp sâm và yến từ tay một nữ thư ký, đặt trước mặt cụ. Cháu xin gửi nội ít quà. Quà à? Cụ nói, quý hóa quá! Một giọt nước mắt đục như nước vo gạo bất ngờ nhỏ xuống.

Lúc đó là bốn giờ chiều. Đây là cái phút giờ cảm động nhất trong suốt một trăm năm của cụ. Đoàn người đã ồn ào ra về mà cụ vẫn còn ngồi nhìn ra sân, trông thấy ánh nắng mùa thu sao mà đẹp.

A, té ra mình đã sống đến 100 tuổi, một trăm tuổi là bao nhiêu ngày quên mất, nhưng sống tròn một thế kỷ đúng là xưa nay hiếm. Trên bốn mươi năm sống trong bóng mờ của sự quên lãng, bỗng dưng cụ được lôi ra ngoài ánh sáng rực rỡ của lòng hiếu thảo, không xúc động sao được. Vậy là cái dòng máu cách mạng của nhà cụ cứ tưởng đã khô kiệt, không ngờ vẫn âm thầm luồn lách chảy để đến hôm nay sáng bừng lên như thế. Cái thằng cháu đích tôn ấy thế là đã nên người, mẹ nó cũng thật là tài giỏi, linh hồn vất vưởng của cha nó ở công viên Nguyễn Huệ chắc cũng đã mỉm cười mà về nơi chín suối. Cụ cảm thấy mình giống như những tượng Chàm cụt đầu nằm lăn lóc trong vườn bỗng dưng được đem ra kỳ cọ chùi rửa để các nhà buôn đồ cỗ ồn ào tranh nhau trả giá.

Năm hôm sau, cô con dâu cùng với các bác sĩ đông và tây y, một lần nữa đến thăm cụ. Bọn họ bắt mạch, đo huyết áp, đo điện tâm dồ, khám răng (chỉ còn có hai cái, một trên một dưới nằm chếch nhau), khám mắt (mắt bị cườm cả hai), lấy nước tiểu (nước tiểu vàng đậm như nước trà nguội) và tranh luận đến cả tiếng đồng hồ về việc làm thế nào để cụ sống ít ra là tới cái ngày 18 tháng 9. Tỉnh ủy đã ra nghị quyết là với bất cứ giá nào cũng phải giữ cho được cái mạng sống của cụ cho đến cái ngày trọng đại đó. Đây không chỉ là ngày báo hiếu vẻ vang của gia đình ngài bộ trưởng mà còn là ngày làm sống lại cuộc cách mạng của cả tỉnh.

Họ thảo thực đơn, lên lịch dùng thuốc, cắt cử người chăm sóc từng lúc ăn lúc ngủ, làm vệ sinh đái ỉa, tắm rửa bơm thụt mỗi ngày. Cô Thảnh, người bị huyện ủy đá văng hơn hai mươi năm trước, giờ lại được ân cần dặn dò trông coi đội ngũ y tá bác sĩ, cứ như bộ trưởng bộ y tế. Sau một trăm năm, cụ trở lại làm đứa bé sơ sinh, nhưng không là một đứa bé quê mùa khỏe mạnh mà là một đứa bé cầu tự cọc còi của một nhà quyền quý. Bỗng dưng cụ đổi tính đổi nết. Sâm khộng uống, yến không chịu ăn, gà ác tiềm hạt sen không chịu nuốt…cụ cứ phun phèo phèo, lắc đầu nguầy nguậy, cứ như con của bà phó Đoan em chả, em chả!

Đến nước này người ta phải truyền đạm cho cụ, lại gắn bình oxy thọc ống vào mũi cho cụ thở, nhưng đường vẽ nhịp tim của cụ trên màn hình cứ muốn nằm dài ra một đường thẳng. Thế có chết người ta không chứ. Thiệp đã in rồi, ngày tổ chức lễ mừng đã định rồi, nếu cụ tịch thì biết tính sao! Bao nhiêu người từ quan nhớn đến quan bé không chừng phải chuyển đổi công tác. Thế thì chỉ có nước húp mắm.

Đang lúc bối rối như thế thì lão phù thủy phó Ba, người đã từng bị kết tội là làm tay sai ba đời cho giặc, được thằng cháu nội cõng vào thăm, để xem thử cái thằng được bạc năm xưa đã sắp …chết chưa? Người ta tuy hơi bất ngờ nhưng cũng tránh ra cho lão đến gần cụ Chánh, vì dẫu sao lão cũng đã từng là người cùng xóm, từng chơi với nhau từ lúc tắm truồng. Lão hỏi, biết tui hông, gật đầu hả, thế thì còn tỉnh táo lắm, để tui coi thử. Vừa nói lão vừa luồn tay vào quần lọ mọ một lúc rồi rút ra, nói như thánh phán: bú! Khi lão leo lên lưng cháu định ra về có người chặn lại hỏi, bú là sao? Lão gắt: là bú chớ sao, chỉ có mỗi một việc bú mà cũng không biết, vậy mà đòi làm cách mạng. Nhưng bú gì nào? Thì bú vú chứ chẳng lẽ bú c…!

Còn hơn bị một trái lựu đạn ném vào, đám người hoảng loạn nhốn nháo. Có tiếng nói lớn, du kích đâu, gông cổ cái thằng già này lại. Ăn nói phạm thượng bậy bạ như thế hả. Nhưng chẳng có ai chịu trói lão vì gần như những người có mặt trừ bà con dâu và cô Thảnh đều bụm miệng để dấu một nụ cười.

8

Một tuần sau, nghĩa là chỉ còn 19 ngày nữa là đến ngày mừng thượng thọ, cụ Chánh vẫn cứ nằm thở pheo pheo với đủ thứ dây nhợ chằng chịt. Một nữ tiến sĩ tâm lý được mời đến. Người ta nghĩ rằng cơ thể cụ tức là cái bộ máy đã chạy gần đúng một thế kỷ đó vẫn chưa đến nỗi bệ rạc, chỉ có điều là cái đầu óc cụ có vấn đề. Người ta cho rằng đây là cách hờn dỗi của một người đã rất nhiều năm bị bỏ quên. Nữ tiến sĩ khoảng 50 tuổi chưa chồng, nên có vẻ thèn thẹn của một cô gái già khi cầm tay một người khác giới, cho dù là đã sắp về với ông bà ông vải.

– Chào đồng chí, tôi là tiến sĩ y khoa tâm lý đây, xin được hỏi, đồng chí có nhớ là sắp được bao nhiêu tuổi không?

-….

– sắp được 100 tuổi rồi đấy, xin chúc mừng đồng chí.

-….

– Đồng chí thích gì, muốn gì hãy nói cho chúng tôi biết.

– Muốn gọi bằng anh!

– Liệu có nghe nhầm không?

– Không!

Lúc này thì nữ tiến sĩ choáng váng, cô hoang mang đến nỗi chính cô cũng cần có một tiến sĩ đẳng cấp cao hơn để tháo gỡ cả mớ bòng bong trong đầu.

– Không dám gọi à?

– Dám chớ, nhưng sao …anh lại thích…

– Vì ta chán hai tiếng đồng chí lắm rồi. Lúc nào cũng đồng chí, đồng chí!

– Làm cách mạng mà.

– Ta cũng chán cách mạng!

– Đồng chí…à. anh thích gì nữa?

– Thích hun!

Nữ tiến sĩ bực bội đứng dậy. Theo cô thì lão già này sắp điên, nếu không thì cũng mắc chứng cuồng dâm trong tư tưởng. Nhưng chợt nhớ ra đây là cụ nội của ngài bộ trưởng, nên cô vội vàng cúi xuống hôn phớt lên trán cụ, thỏ thẻ một cách nũng nịu: chào anh, em về! Mọi người nghe nữ tiến sĩ òn ẻn như thế đều thích thú vỗ tay. Và, dường như trong đôi mắt mờ đục của cụ và trên làn môi thâm xịt, cũng ánh lên một chút gì mơ hồ như nét cười.

Bỗng dưng người ta sực nhớ tới cái trò “bú vú” của lão phó Ba, nhất là các vị bác sĩ đông y. Trước đây người ta cho rằng lão nói nhảm, một kẻ phản động như lão, ai mà tin được. Nhưng giờ, người ta nhớ lại các món thuốc trường sinh bất tử của các hoàng đế Trung Hoa, thì cái món sữa người từ xưa đến nay vẫn là thứ thuốc hồi dương cực tốt cho các ông già gần đất xa trời. Nhưng sữa phải ngậm vào vú mà bú chứ không phải nặn ra uống như uống sữa bò. Người ta tin cái tính âm từ một đôi vú trẻ trung thấm qua cặp môi khô héo sẽ kích cái tính dương thoi thóp trong cơ thể già nua của cụ tỉnh lại. Như cái cách kích điện của bác sĩ tây y vậy. Cụ mà được cái thứ nước cam lồ nọ rót vào miệng thì thế nào cụ cũng sống được qua cái ngày đáng sống ấy. Không chừng cụ còn sống hơn thế nữa, chứ không chỉ một trăm năm thôi.

Vậy là nổ ra một cuộc tranh cãi ồn ào về việc làm thế nào kiếm cho cụ một chị vú, một chị phải thực sự khỏe mạnh, trẻ trung, mới có con so và nhất là lý lịch phải trong sạch. Bỡi vì với một vị cách mạng tiền bối, dòng máu anh hùng ấy không thể chấp nhận thứ sữa của những kẻ lý lịch không rõ ràng. Như bọn vượt biên, bọn đi kinh tế mới, bọn ngụy quân ngụy quyền dù có làm đơn xin được hiến cũng nhất quyết không chấp nhận. Đương nhiên ưu tiên cho con nhà những người có công cách mạng.

Nói là vậy, chứ trong cái làng An Định này biết tìm đâu ra một chị vú đạt được những điều kiện khắt khe như thế. Con nhà cách mạng thì được bố trí công tác chỗ nọ chỗ kia, toàn những chỗ ngon lành có thiếu thốn chi đâu. Với lại, có thằng chồng nào dù ngu đến mấy cũng không dại gì chịu để cho người đàn ông khác ngậm vào cái vú của vợ mình. Mặc dù quyền lợi đưa ra khá là lý tưởng. Ngày ba bữa cơm canh thịt cá đầy đủ, muốn gạo có gạo, muốn tiền có tiền, muốn vải vóc đường sữa tiêu chuẩn gì cũng có, còn cao hơn cả chủ tịch tỉnh. Nhưng tin bắn ra mấy ngày rồi mà chẳng thấy có ma nào vác vú tới để đăng ký. Ngày trọng đại sắp đến gần mà cụ chẳng chịu ăn uống gì, cứ truyền dịch khơi khơi như thế thì “đi” sớm là cái chắc.

Đến ngày thứ 10, nếu đếm thụt lùi như Mỹ bắn hỏa tiễn lên cung trăng, đứa cháu ngoại của Khấu Thẹo mới đầy tháng bỗng lăn ra chết. Người ta cho rằng tại bầy vịt đẻ của gã đã lây bệnh cho cháu. Đứa con gái quá uất, xách sào đập lung tung khiến bầy vịt suốt mấy đêm liền không chịu đẻ. Gã đang buồn chảy ra thì cô Thảnh tới. Dù hai người không còn là chủ tịch huyện và xã nữa, nhưng vẫn là những người kề vai sát cánh trong cuộc chiến đấu, nên thông cảm và hiểu nhau. Thấy cấp trên cũ của mình bước vào nhà, gã vội vàng đứng dậy kiếm ghế mời ngồi. Cô Thảnh bảo thôi, tôi đi ngay bây giờ, có chút việc muốn trao đổi với chú. Rồi cô kéo gã lại gần, nói nhỏ vào tai. Gã khịt khịt mũi nhăn nhó, khó quá, nhưng để tôi nói thử xem nó có chịu không. Gì mà không chịu, cô Thảnh vỗ vào vai gã, bảo chiều nó tới gặp tôi.

Con nhỏ ấy là đứa con gái út của gã. Từ khi bỏ chức vì đánh giặc Mỹ thì được chứ sao học bổ túc khó quá, gã tậu một bầy vịt theo nghề cũ của cha, sống cũng tạm được. Bao nhiêu ruộng HTX gặt xong đều ưu tiên cho gã đưa vịt tới ăn mà không phải đóng tiền lạc túc. Nghề chăn vịt được bao nhiêu năm thì con gái gã được bấy nhiêu tuổi. Mười chín, hai mươi gì đó, trong những lần theo cha đi bán trứng, trong một đêm tối trời nào đó, trên một bờ ruộng cũng nào đó, một thằng phải gió đã đè con nhỏ ra và để lại một cái bụng mỗi ngày một lớn. Gã căm lắm, định xách cái súng lục cũ không thèm nộp đi tìm mà phầm một phát. Nhưng không biết bỏ bầy vịt lại cho ai, nên gã đành an ủi, cháu ngoại mới thực là cháu của mình.

Giờ nó ngủm không chừng lại hay. Có như thế mới lại có chồng được chứ. Gã rù rì rủ rỉ nói mãi, nhưng con nhỏ cứ ngồi im lúc lắc đầu. Nước mắt khóc con đã khô nhưng sữa vẫn âm thầm trào ra ướt cả áo. Nó ngúng nguẩy bỏ đi, bảo mắc cỡ chết đi được, ai mà làm vậy. Gã chạy theo bảo, bà ấy hứa sẽ cho một chiếc xe Honda nếu mày chịu. Con nhỏ tránh qua một bên như tránh một chiếc xe đang chạy tới, hỏi thiệt hôn? Thiệt mà, gã nói, có mất mát gì đâu con. Nó không lắc cũng không cãi, thế là gã đưa nó tới, như cái cách mà bọn bần cố nông ngày xưa đưa con đi ở đợ cho các nhà địa chủ.

9

Con nhỏ được các bác sĩ đông tây y gật đầu đồng ý không cần khám, vì trông cái thân hình rắn chắc khỏe mạnh tuy có hơi đen, cũng đủ biết là sức khỏe của nó quá dồi dào. Một nữ y tá cởi ngay chiếc bờ lu trắng tròng lên người nó. Một người khác cẩn thận hơn dẫn nó vào buồng lấy cồn thoa lên ngực khiến nó rùng mình. Bên ngoài, cụ chánh cũng đã được tháo dây truyền dịch và ống thở. Cụ cũng được làm vệ sinh miệng mồm, nhất là cắt bớt râu mép để khi bú con nhỏ khỏi bị nhột. Có tiếng nói dỗ dành, có thứ này ăn ngon lắm, ráng ăn nghe.

Con nhỏ định tháo chạy khi thấy một con gì chứ không phải con người, già nua và xấu xí đến phát khiếp. Người ta nói, không sao đâu, coi như ông ngoại ấy mà. Như cho bé bú, có gì đâu.

Nhưng thực ra đâu có dễ, nằm xuống bên cạnh kéo sát đầu một ông lão rồi vạch vú ra, là việc xưa nay chưa từng ai làm. Các vị bác sĩ và y tá vẫn loay hoay chưa biết tính sao. Đặt đầu cụ vào lòng nó cũng không được. Nó thà chết chứ nhất định không chịu làm thế. Sau cùng, một chị y tá có kinh nghiệm mời mọi người ra, đóng cửa lại. Chị kê thêm gối nâng đầu cụ lên. Con nhỏ sẽ đứng dạng chân phía trên đầu cụ, thòng ngực xuống, thế là có thể cho cụ “ăn”.

Và, nó đành làm cái việc lạ lùng khó coi đó, trong khi sữa chảy vào miệng cụ thì nước mắt cũng nhỏ xuống tong tong. Nó là đứa chưa biết nghĩ ngợi xa xôi, nhưng cũng cảm thấy xấu hổ cực nhục. Cụ chánh sau nhiều ngày nhỏng nhẹo không chịu ăn, sức khỏe cũng đã quá suy sụp. Cụ đang trong trạng thái lơ mơ của một người mà hơi lạnh của cái chết đã nhập vào từ chân lên đến gối. Cụ không nói được nữa, một phần vì những cái ống thở lỉnh kỉnh, một phần vì giận những cái trò mừng thọ rùm beng. Bao nhiêu năm chẳng ai thèm ngó ngàng tới, bỗng thằng cháu nội được đẩy lên chức bộ trưởng là y như rằng cụ đào được vàng.

Đang lúc cụ thoi thóp nghĩ tới bà vợ già thì một cái gì tròn tròn nhám nhám ấn vào miệng cụ. Rồi những giọt nước tanh tanh mằn mặn chảy qua lưỡi, trôi qua cuống họng. Cụ nghe ruột gan khô héo của mình được thấm ướt rồi nở ra, nở bung như những cánh hoa và đôi môi nứt nẻ của cụ tiếp tục bập bập, bập mãi một cách tham lam. Cụ lại đưa những ngón tay lỏng khỏng những xương với những cái móng dài co quắp lên sờ cái bầu vừa ấm áp vừa mát mẻ mà không buồn biết nó là cái bầu gì.

Thế là mỗi lần được “ăn” cụ cảm thấy người khá lên một chút. Như ruộng khô nứt nẻ bỗng có nước về, những rễ lúa ẩn sâu trong đất lại rộn rã tiếp sức cho cây lúa nẩy mầm xanh. Giờ, khi hai cái bầu tròn như hai trái cam vàng óng đong đưa trên mặt là cụ lại ấp iu mơn trớn trước khi ngậm hết cái này đến cái khác. Cụ bắt đầu tươi tỉnh với ý nghĩ sống đến 100 năm để được “ăn” cái thứ ngon ngọt quý hiếm này thì cũng thực đáng để mà sống, dù rằng suốt chặng đường dài đó là cả những lọc lừa gian dối nghĩ tới mà kinh.

Con nhỏ, sau những lúng túng, mắc cỡ rồi cũng quen dần. Tuy không cách gì quen được với ý nghĩ rằng đây là lúc đứa con bé bỏng của mình đang tóp tép bú, nhưng ít ra, để cho một người già yếu có thể kéo dài thêm sự sống, cũng khiến cho nó bớt đi sự xấu hổ. Chẳng riêng gì ông cụ, mà ngay cả một người nào đó sắp chết, nếu có thể cứu sống được bằng sữa của mình, nó cũng sẵn sàng cho người ta bú. Vì làm một việc nhân ái, nên dần dần nó cũng thấy mến ông cụ. Một đôi khi nó hài hước cười thầm, chẳng lẽ mình có một “đứa con” già đến như vậy sao! Sau khi cho cụ “ăn” xong, nó lại lau mặt, lau râu tóc, đùa chút chút với cụ như khi con no nê lại nựng nịu con.

Cô Thảnh thấy nó cho cụ “ăn” được, rất hài lòng. Cô cho ngay một chiếc xe xì cần hên như đã hứa và khi ông cụ ngủ, con nhỏ lại cỡi xe chạy nhong nhong đến thăm cái mộ bé xíu mới đắp của con. Nó ngồi ở đó rất lâu, như thể là có tội với con. Nó nói thầm, mẹ rất tiếc, nhưng biết làm sao được. Trời mùa thu xanh thẳm khiến nó buồn muốn khóc. Nó nhẩm tính chỉ còn có mấy ngày nữa là lễ mừng thượng thọ. Xong lễ thì nó sẽ cai sữa, ông cụ có sống hay chết thì mặc ông. Việc của nó đâu phải vắt kiệt xác ra để nuôi một ông già.

Nhìn ngực đầy đặn con nhỏ và cái cách cha mình bú thòm thèm, cô Thảnh cảm thấy gai gai. Bất giác cô đưa tay sờ lên ngực mình. Nó như một miếng da thừa càng làm cho cô thêm cay đắng, nhất là với một người đã gần 70 mà vẫn chưa biết đến một người đàn ông nào trong đời. Không hiểu sao hồi đó cô cay nghiệt đến như vậy. Chẳng những với mọi người mà còn với chính mình. Cô đã quên tất cả, chỉ biết hăng say theo đảng một cách ngu ngốc. Cô coi nhiệm vụ là trên hết, yêu đương là phản cách mạng.

Nhớ anh bộ đội ở trung đoàn 120, người mà mẹ cô chẳng những muốn nhận làm con nuôi mà còn muốn nhận làm con rể nữa. Anh ta trẻ, đẹp trai, con nhà tư sản, đã cùng với các bạn bỏ học nhảy tàu vào nam để tiếp sức cho kháng chiến. Anh yêu cô đắm đuối nhưng cô đã nói một câu mà anh lặng lẽ bỏ đi không bao giờ quay lại. Ấy là lúc trong một tối nọ, hai người âu yếm nhau, bàn tay anh lần xuống định cởi dây rút thì cô giữ lại. Cô nắm lấy cái bàn tay nóng hổi của anh như cái cách người ta bắt được một tên Việt gian đã xâm nhập vào vùng “tự do” để đánh phá cách mạng. Anh hỏi sao vậy em, cô hất bàn tay ra khỏi bụng, nói như thét: kháng chiến chưa thành công! Rồi cô đứng lên như cái cách người ta xử bắn xong những tên Việt gian ở gò Na!

Ôi chao, đợi đến lúc hai cuộc kháng chiến thành công thì cô đã thành một bà già rồi. Giờ có muốn cho không biếu không cũng chẳng có ai thèm. Tuổi trẻ đã vù qua mặt cô như một ánh chớp, để lại một cái lườm nguýt càng nghĩ càng thấm, càng thấm càng đau. Tất cả cũng vì mình theo đảng như một người lỡ ghiền thuốc phiện!

10

Khác với không khí êm ả rù rì thơm mùi sữa và chập chờn những ảnh những hình của những tháng năm xưa cũ, bên ngoài người ta rộn ràng dựng cổng chào, treo cờ phướn, xây lễ đài để đón chào ngày sinh nhật quang vinh thứ một trăm của lão cách mạng tiền bối Lê Trung Kiên (tên thật là Lê Gối, thứ chín). Xe mẹ, xe con, xe honda, xe đạp tới lui chóng mặt với đủ thứ còi thi nhau bóp và rung. Không khí trong làng sôi lên khi người ta tổ chức chơi bài chòi để nhớ lại cái mồ ma của gánh Thanh Bình ban, nhờ nó mà cách mạng mới thành công. Và tên những con bài Bạch Huê, Nọc Đượng, Văn Sách, Tứ Cẳng, ông Ầm, chín Gối, cả thanh và tục lại được xướng lên sau những câu hát ò ơ và tiếng trống tum tum. Hội nhà văn cấp tỉnh còn tổ chức cả một cuộc thi thơ và những câu đối hay nhứt được viết theo thư pháp, (có người gọi là ung thư pháp) với những con chữ nghiêng ngửa ngoằn ngoèo mà những người tốt nghiệp bình dân hay bổ túc không thể nào đọc được. Không khí còn rộn ràng hơn khi những con lân múa may lùng tùng trong tiếng trống thùng thình. Người ta còn đem từ Quy Nhơn lên cả một đội kèn của Nhà thiếu nhi tỉnh và 100 em bé quàng khăn đỏ cầm bông vạn thọ để làm hàng rào danh dự.

Thực ra, người ta còn muốn hoành tráng hơn thế nữa, đưa cụ xuống hội trường tỉnh để các vị khách quý từ Trung ương có thể đáp máy bay vào chúc mừng. Nhưng cô Thảnh chối từ vì sợ rằng ông cụ thay vì bước vào hội trường lại phải khiêng vào bệnh viện. Bà dâu cả đi đi lại lại giữa An Định và Quy Nhơn như con thoi. Bà đã hơn 70 tuổi, nhưng nhuộm tóc và trồng răng giả nên trông cũng hãy còn ra vẻ. Đường đường là vợ liệt sĩ và mẫu thân của ngài bộ trưởng nên bà được nghỉ trong khách sạn hạng sang, được tỉnh cấp cho một chiếc xe 4 chỗ có tài xế lúc nào cũng sẵn sàng đưa rước. Cái công cuộc mừng thọ đối với bà là một cú đánh quả ngon lành. Thay vì thương tiếc những quả cau bằng vàng đã mất, bà tìm cách lấy lại. Trong tiếng rè rè của máy lạnh, bà mơ thấy những chiếc phong bì đỏ tới tấp bay vào nhà còn nhiều hơn cả truyền đơn mà ông cụ đả rải trong bấy nhiêu năm.

Cái không khí tưng bừng ấy ít nhiều cũng làm ông cụ nhớ lại những ngày đầu cách mạng, khiến cụ tươi tỉnh hẳn ra. Cụ đã tự mình ngồi dậy được, bước vài bước đi lại trong nhà. Cô Thảnh đã ướm thử áo đỏ và khăn đỏ của hội Người cao tuổi cho cụ. Trông cũng đẹp lão lắm. Cô hơi tiếc, phải như áo xanh khăn xanh thì hay hơn vì màu đỏ giống như lão phù thủy Ba lúc lên đồng. Con gái của Khâu Thẹo đứng quay mặt vào vách để che mặt cười. Nó lại thấy cụ giống như ông già Noel chỉ khác là cái bụng không bự.

Người ta gội đầu, tắm rửa cho cụ. Khi anh y công kỳ cọ tới chỗ đó, cụ cảm thấy như nó muốn cục cựa. Anh ta đùa, nó cũng trăm tuổi rồi đấy cụ ạ. Cụ cũng đùa, phải chi nó bằng nửa tuổi thôi.

Tất cả mọi sự kể cả cụ đều đã sẵn sàng cho ngày trọng đại 18 tháng 9 hôm sau. Chỉ một đêm nữa thôi là cụ lại được sống trong huy hoàng. Và cũng chỉ một đêm nữa thôi bà dâu trưởng và cô Thảnh sẽ chia nhau một khối tiền to. Còn con nhỏ con Khấu Thẹo cũng được cho chút ít để làm vốn mà xây dựng lại cuộc đời. Đó là một đêm mà người ta mong cho mau sáng hơn cả đêm giao thừa. Một đêm mà những sọ những xương chất chồng từng lớp dưới giếng Hời cũng cựa mình kêu rổn rảng.

Cụ chánh không muốn “ăn” như thường lệ. Cụ chỉ muốn uống trà. Con nhỏ phải ra sau nhà vạch áo vắt sữa vào vách. Từ khi đến đây ngày nào nó cũng làm như thế. Ông cụ thều thào, run lập cập, chẳng “ăn” được bao nhiêu. Đã vậy, chân giò hầm với hạt sen và sâm khiến sữa nó nhiều vô kể. Đến mười ông cụ như thế”ăn” cũng chưa hết. Nó chẳng có việc gì làm, muốn ra quán coi TV (cô Thảnh ghét TV), nhưng sợ ông cụ lại đòi “ăn” trước khi ngủ. Nó đi tắm, thay quần áo.

Bất ngờ có gã y công đứng sẵn. Trong bóng tối nó cảm thấy một cái miệng hôi mùi thuốc lá áp sát vào khuôn ngực ướt át của mình. Rồi lưỡi và nước bọt, những ngón tay như chân rết… Nhưng giờ nó không dại dột ú ớ như lần trước. Nó khép chân lại và rít lên, muốn chết hả, ra ngay! Tui kêu bà Thảnh đó. Gã tiu nghỉu, ngập ngừng rồi lặng lẽ bước ra. Sau đó không bao giờ thấy gã nữa.

11

Lúc đó khoảng 11 giờ. Nước trà làm cho cụ trằn trọc khó ngủ. Cụ trăn quả trở lại. Dưới lưng ngứa ngáy rất khó chịu. Đầu tiên cụ chỉ muốn con nhỏ với những móng tay cứng và nhọn (nó cũng đã biết học đòi kêu người làm móng tay, sơn đỏ chót) gãi giùm. Con nhỏ đang ngủ ở nhà sau được kêu dậy. Nó dụi mắt đến bên cụ. Cụ nói gãi, gãi. Nó ngồi lên giường, nghiêng người cụ, luồn tay vào lưng. Nó đưa lên đưa xuống, một lúc mới tìm được chỗ cần gãi. Cụ nói đã quá, miệng cụ hít hà vì nó cào hơi mạnh.

Gãi xong, nó đứng lên, nhưng cụ lại kéo tay đòi “ăn”. Tuy khó chịu nhưng nó cũng nằm xuống bên cạnh. Nó đã quen với cách nằm nghiêng cho cụ ăn. Nó cởi cúc áo, chìa một bên vú cho cụ. Ngọn đèn ngủ tuy mờ nhưng vẫn soi rõ cái vú màu hồng và chòm râu trắng của cụ.

Cụ hé môi ngậm, bập bập như một người đang hút thuốc sâu kèn mà thuốc bị tắt. Những giọt sữa chảy vào miệng cụ thì ít mà chảy trên râu cụ thì nhiều.

Cụ có vẻ chán “ăn”, đưa tay mân mê.

Con nhỏ kê miệng vào tai cụ “mắng”: hư!

Cụ dời tay khỏi vú, lần xuống bụng.

Con nhỏ lại “mắng”: hư! Nhưng cụ thà bị mắng chứ không chịu dừng lại, vẫn tiếp tục lần xuống, lần xuống nữa.

Nó lại “mắng”: hư quá!

Nó cười rúc rích như bị nhột.

Nó nghe cụ thì thào: mừng tuổi cho ông nghe.

Nó chưa hiểu mừng tuổi là thế nào, thì chiếc quần của nó đã tuột ra và một chân của ông cụ đã gác qua mình nó.

Rồi cụ cố sức chồm lên. Cố sứa đưa một cái gì mềm uột vào cái nơi con nó chui ra.

Nó hốt hoảng kêu lên: không được đâu!

Hơi thở cụ phều phào.

Dù lập bập, run rẩy, cụ vẫn cố.

Nhưng như một trái cây chín rục, cụ bỗng rơi xuống.

Một nửa trên người nó. Một nửa trên giường.

Nó nghe cụ thở hắt ra. Một bàn chân rung rung rồi lặng im.

Nó lật ngửa cụ. Mắt cụ mở nhưng tròng mắt không động đậy.

Nó vội cài cúc áo, sửa lại quần, gọi cô Thảnh.

Cô đến sờ tay lên trán, áp tai xuống ngực, rồi lại đi tìm một tờ giấy đặt lên mũi. Tờ giấy nằm im.

Cô thở dài, bảo: chết rồi!

Nghe nói chết, con nhỏ bật khóc.

Cô nói, thôi nín đi, già thì phải chết, khóc lảm gì. Bình tĩnh để giúp ta làm mấy việc.

Việc thứ nhất là không được nói cho ai biết cụ đã chết. Nếu lọt đến tai người khác là mầy bị kết tội đã giết cụ đó. Người ta sẽ hỏi cụ đang “ăn” sao lại lăn ra chết. Nhớ chưa?

Dạ nhớ.

Việc thứ hai là thay quần áo mới cho cụ để sáng mai người ta đến mừng thọ.

Thôi bắt tay vào việc đi.

Dạ.

Đúng như bản tính cương quyết và mạnh mẽ của cô, xác cụ Chánh được cô lau rửa và thay quần áo mới (bằng cách đắp một chiếc chiếu, luồn tay vào). Cụ lại được mang tất, đi giày, đeo găng tay trắng. Và để che đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn, cụ được gắn thêm một chiếc kính đen. Nếu không sợ bị chê là bất kính, có thể nói trông cụ giống như một ông thầy bói.

Cụ được đặt trên xe lăn. Để khỏi ngã, cô đã kín đáo luồn dây cột cụ vào xe.

Cô nói, giờ tao và mầy thay nhau thức để canh mèo khỏi nhảy qua.

Dạ

Khi đem áo quần đi đốt, dưới ánh lửa cô thấy ở đáy quần của cụ có một vết nhầy nhầy. Cô chẳng hiểu là nước gì, không phải trà, cũng không phải sữa.

Đêm thu đầy tiếng giun dế lảnh lói. Con nhỏ ngồi tựa lưng vào vách, vẫn chưa hoàn hồn. Ngọn đèn soi không rõ khuôn mặt cụ. Sự sống thoát đi như một cơn nước rút khiến nó vẫn còn run.

Phải chi đặt cụ nằm trên giường thì nó bớt sợ hơn, Để cụ ngồi trên xe lăn trông ớn quá. Mấy lần ngọn gió khuya luồn qua cửa làm râu cụ bay bay, áo cụ động đậy làm nó giật thót mình. Không chừng cụ lại lăn xe tới, thọc tay vào ngực nó đòi “ăn”!

Nhưng cũng may, nhờ tuổi trẻ, nên mắt nhắm mắt mở một lúc, rồi nó ngoẹo đầu sang một bên, ngủ. Cô Thảnh ra thăm chừng thấy vậy cũng để mặc.

Cô thản nhiên ngồi chờ trời sáng. Cha chết nhưng cô không thấy gì là buồn đau. Có vẻ như cái thói quen hò hét để biểu lộ lòng căm thù đã khiến cho những tình cảm riêng tư của cô hoảng sợ bỏ đi mất tiêu. Mẹ chết, mình cũng đâu có khóc. Anh chết cũng vậy. Nước mắt đã cạn trong lòng mình rồi. Mình đúng là một đứa con gái hư. Nhưng mà thôi, mỏi mệt quá, đừng nghĩ ngợi gì thêm.

Khi đêm cạn dần, hơi lạnh mùa thu khiến cô có vẻ như thiếp đi. Cô trông thấy những người chết từ nhiều đời trong cái giếng lạng ngoài vườn đứng đầy nhà. Bọn họ cúi xuống sát mặt ông cụ, nâng chiếc xe lên cao định ném xuống đất.

Cô thét lên, giật mình thức dậy.

Lúc ấy, có tiếng chân của bà chị dâu bước vào nhà.

Cô nói nhỏ, cha chết rồi. Sao vậy, bà chị thì thầm, mấy bữa trước tươi tỉnh lắm mà. Như ngọn đèn cạn dầu, cô nói, sáng bừng lên một chút rồi tắt. Nhưng không sao, em đã để cụ ngồi kia, vẫn cứ tiến hành lễ mừng thọ. Chỉ có điều gọn gọn lại một chút. Lâu quá, có khi người ta biết. Bà chị gục gặc đầu, khen, cô giỏi lắm.

12

Chương trình vì thế có ít nhiều thay đổi. Chỉ đưa cụ đến hội trường thôn (là kho lúa của HTX được cải tạo), chứ không đến rạp hát để cầm chầu khai tuồng (doàn tuồng của tỉnh). Không đọc diễn văn, không đọc thơ chúc mừng. Chỉ có tuyên bố lý do và mấy lời cảm tạ của gia đình. Dĩ nhiên cụ không thể phát biểu. Ban tổ chức có hơi tiếc, nhưng cô Thảnh đã bảo là cụ yếu lắm.

Đúng 9 giờ khi quan khách đã ngồi chật kín hội trường, cụ được cô Thảnh và bà chị dâu nín thở đẩy xe lăn đưa cụ đến trong tiếng trống kèn và tiếng vỗ tay vang dội. Đội thiếu niên danh dự, một bên trai một bên gái, tung hoa vạn thọ lên người cụ. Dưới ánh nắng rực rỡ, những cánh hoa lấp lánh như được làm bằng vàng. Xe lăn của cụ được hai anh du kích bồng lên sân khấu.

Vị chủ tịch hội Người Cao Tuổi trân trọng trao bằng chứng nhận 100 tuổi cho cụ. Rồi lần lượt từng vị quan nhớn quan bé lên chúc mừng, bằng cách bỏ phong bì đỏ vào thùng như những lần trịnh trọng quyên góp cứu trợ đồng bào bão lụt để quay phim chụp ảnh. Trước đó cô Thảnh đã xin miễn bắt tay vì sợ cụ mệt. Buổi lễ diễn ra chừng một tiếng đồng hồ, cô Thảnh và bà chị dâu luôn đứng sau lưng cụ, kín đáo nghiêng cái đầu cụ một chút như để đáp lễ. Vì vậy chẳng ai biết là cụ đã tịch từ lúc 11 giờ khuya.

Buổi lễ coi như thành công tốt đẹp. Tốt đẹp nhất là cái thùng đựng đầy bì thư, ít nhất mỗi bì cũng được 1 triệu. Cô Thảnh và bà chị thở phào khi đưa được xe cụ vào nhà. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, đã có ngay một người đến xin chúc mừng. Ông ta tự xưng là một nhà thơ, thiết tha xin được đọc cho cụ nghe một bài vừa sáng tác. Thật chết người, may mà hai người chưa lột áo cụ ra để thay đồ liệm. Đành phải gượng làm vui để ông ta đọc. Bài thơ lằng nhằng chẳng ra câu cú gì cũng được hai người khen hay. Ông ta xúc động cảm ơn, xin để lại bài thơ làm kỷ niệm thay vì tiền, vì như ông ta nói, ai cũng biết là nhà thơ lúc nào cũng nghèo!

Ông ta đi rồi, bà chị dâu liền nằm dài trên di văng, đập đập tay một cách hả hê sung sướng. Một lúc bà ngồi dậy đến bên xe của cụ, nói vào tai như cụ đang còn sống, cảm ơn cha, rất cảm ơn. Xong, bà lại kéo cô Thảnh lại gần, cũng nói vào tai, còn đám tang nữa chứ, hi hi! Nhưng cô Thảnh có vẻ không ưa cái cách vui mừng của bà chị. Cô rút đại một phong bì, kêu con nhỏ, thôi xong việc rồi đó, về nhà nhớ đừng nói gì hết nghe. Con nhỏ lí nhí dạ, nhưng chỉ lui ra sau chứ chưa chịu đi về. Nó áp sát ngực vào vách, nặn cho bằng hết sữa để khỏi căng tức.

Bà chị dâu định làm đám tang cho ông cụ thật to.

– Bộ trưởng đi Nga đã về tới Hà Nội rồi, bà nói. Tôi sẽ gọi điện bảo vào để chịu tang. Cháu đích tôn mà.

– Em muốn nay mai gì chôn cụ cho rồi. Em mệt mỏi quá.

– Chôn ngay sao được. Phải coi ngày giờ, coi có khắc tuổi với ai trong nhà không. Chôn nhằm ngày trùng thì tiêu cả họ.

– Bộ chị để cho đến thúi à?

– Đem vào nhà tang lễ, có phòng lạnh mà sợ gì. Tiêu chuẩn của cụ có nhà nước lo. Mình lo là lo đón những người đến viếng kia. Cụ nội của bộ trưởng mà. Mặc sức mà nhận tiền phúng điếu.

– Mấy người đã bắt ông cụ sống khổ sống sở cho đến ngày mừng thọ. Nhiêu đó cũng đã quá cực nhục rồi. Giờ lại ngâm xác cụ để chờ bộ trưởng về nữa, tôi thấy thế là quá lắm.

– Có gì đâu mà quá, mọi việc an táng cụ để mẹ con tôi lo. Cô chỉ có mỗi một việc mặc đồ tang ngồi ghi tiền phúng điếu.

– Tôi không ham đâu. Gia đình chị lên cỡ đó, kiếm chác người sống không đủ sao, còn moi móc người chết nữa. Các người tham lam quá.

– Cô bảo ai tham. Vừa vừa thôi đó nhé. Tôi chẳng vơ hết vào mẹ con tôi đâu, cũng có phần cô trong đó, không biết sao?

– Tôi chẳng cần, chị đi về bắc đi. Ông cụ là cha đẻ tôi. Ngày mai tôi chôn cụ đó, nói cho chị biết.

– Thôi được, ngu thì ráng chịu. Bà ngúng nguẩy bước tới thùng đựng tiền. Cứ coi như cái xác đó là phần của cô. Cái này là phần tôi. Bà vừa nói vừa chồm tới ôm, đi ra xe như chạy.

Đúng như cô Thảnh nói, một ngày sau lễ mừng thọ, là tang lễ của cụ. Đám tang không trống kèn, không cờ xí. Mười sáu dân đinh của làng An Định thay nhau khiêng cụ rời khỏi nhà, đi qua cầu anh Đức, để an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở đồng Cây Sanh. Chỉ một mình cô Thảnh mặc đồ đại tang và con nhỏ con Sáu Thẹo mặc đồ bộ đi theo sau. Cả xóm Miễu đổ ra xem, vì hiếu kỳ chứ không phải để đưa tiễn. Trong số đó có lão phó Ba được thằng cháu nội cõng đứng ở một bên đầu cầu. Lão khô đét, dài nhằng, chân thòng sát đất như con nhái phơi khô.

Con nhỏ con Khấu Thẹo vừa đi vừa khóc sụt sịt. Dẫu sao nó cũng đã áp đầu cụ vào ngực mình để cho cụ “ăn” và nhờ giòng sữa tinh khiết không tội lỗi của nó, cụ đã sống tỉnh táo đến cái phút giờ bỗng dưng mê muội một cách kỳ lạ đó. Nó cứ băn khoăn không biết vì sao cụ lại ngã lăn ra chết.

Không điếu văn, không đáp từ, người ta lặng lẽ đặt quan tài của cụ xuống lòng huyệt. Cô Thảnh ném cho cụ một nắm đất theo tục lệ. Con nhỏ con Khấu Thẹo cũng bắt chước ném theo, người khác cũng vậy. Người ta kéo cát lấp đầy rồi vun lên. Một tuần sau nhà nước sẽ xây mộ dựng bia cho cụ. Như thế thân xác cũ sẽ không bị nước lũ cuốn trôi như những người chết hồi 9 năm kháng chiến. Cụ sẽ đời đời được yên giấc bên cạnh ông Khứ và thủ ngữ Đực, những người mà nhờ cụ, nhưng cũng vì cụ, mà trở thành anh hùng liệt sĩ.

Lúc ấy là cuối ngày, con sông Cái chảy ngang hông nghĩa địa, bỗng sáng lên dữ dội như một tấm gương bị vỡ, trước khi trôi vào bóng đêm.

Viết xong năm 2006

Hiệu đính năm 2011

KHUẤT ĐẨU.

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search