T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: NHỮNG NĂM THÁNG Ở CẦN THƠ(Hồi ức)

clip_image002

CMay và ca khúc Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước

Sau biến cố Mậu Thân, tôi tự hiểu, rằng không thể nhởn nhơ mãi ở Văn Khoa như những anh chàng lãng du giữa mộng và thực; bởi rất có thể đến một ngày nào đó quân trường sẽ điểm tên như một số bạn bè tôi trước đó. Điều mà má tôi sẽ buồn không ít, bởi bà mẹ nào cũng sợ súng đạn, chết chóc. Và vì vậy tôi quyết định nộp đơn thi vào ĐHSP như một cách “trốn chạy” tốt nhất. Trước khi ra bến xe Pétrus Ký, tôi ghé 38 Phạm Ngũ Lão gửi cho Văn bản thảo truyện ngắn Đong Đưa Kỷ Niệm (sau đăng trên Văn số 114 ngày 15.9.1968). Ông Trần Phong Giao nói tình hình hiện nay bất ổn lắm, cậu liệu mà chọn đường đi. Tôi nói ý định của mình. Ông nói, vậy thì tốt, nếu đậu có thể hoãn dịch. Tôi chào ông, ra bến xe.

Lần đầu tiên về miền Tây, tôi thấy cái gì cũng lạ dọc theo QL4: Đồng ruộng mênh mông. Vườn trái cây xanh um. Sông rạch chằng chịt. Những chiếc phà xuôi ngược bên dòng sông Tiền, sông Hậu. Những giỏ trái cây mơn mởn hai đầu bắc Vĩnh Long, Cần Thơ… Những chiếc xe lôi đạp lạ mắt. Thành phố Cần Thơ êm đềm. Bến Ninh Kiều như một cô gái quê đằm thắm…

Lần đầu đặt chân đến vùng sông nước miền Tây, không có ai thân quen, đành tìm một khách sạn tuyềnh toàng, ăn cơm dĩa chờ ngày thi. Trong thời gian này tôi bắt xe lôi đi quanh quẩn một vài nơi. Chỗ nào cũng thấy các sắc lính lẫn vào đám “civil”. Chán, về nằm ì trong phòng, mở toang ô cửa nhỏ nhìn ra bến Ninh Kiều, nhìn ghe thuyền tấp nập. Sáng và chiều nghe tiếng đọc kinh của tín đồ Hoà Hảo bên kia sông, gieo vào lòng một cảm giác lạ.

Mấy ngày sau, tôi vào trường thi ở trung học Phan Thanh Giản. Sĩ tử tứ xứ. Tôi không hề biết ai là ai, lầm lũi ngồi vào bàn, ghi số báo danh lên giấy, chép đề. Mãi tận tới nay, tôi vẫn nhớ rõ đề thi của khoa SP ban Việt-Hán: “Anh chị hãy bàn về sự thật của nghệ thuật giữa Mai và Lộc ở đoạn cuối tác phẩm Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng”. Tôi không nhớ mình đã viết những gì, nhưng chắc chắn những điều tôi “phịa” ra, được dẫn từ cấu trúc tiểu thuyết mới của Pháp rồi những A. R. Grillet, Camus, Clévi-Strauss … các trào lưu văn học phương tây, nhất là trường phái lãng mạn, ít nhiều ảnh hưởng đến nhóm TLVĐ cùng những nhận xét của cụ Vũ Ngọc Phan trong tập Nhà Văn Hiện Đại… choáng đầy 12 trang giấy thi trong 3 tiếng cắm cúi viết.

Chỉ có duy nhất một đề cho ban Việt-Hán! Tôi nộp quyển và không có khái niệm rõ ràng về lòng tự tin, nhẹ nhàng bước lên xe đò trở về SG, cũng như lúc ngồi xe xuống Cần Thơ, bỏ lại sau lưng những đường phố ngập bụi, bữa cơm dĩa, phòng ngủ ám mốc…

Nửa tháng sau, tôi nhận được điện tín báo đậu hạng thứ 3. Người mừng trước tiên là má tôi, mừng đến chảy nước mắt, sau đó là cha và hai em gái. Còn sự mừng của tôi là rút sâu vào đáy lòng, nhưng, trước hết tôi có thể yên ổn ba, bốn năm. Số đỏ!

Trước khi xuống Cần Thơ nhập học, tôi ghé lại 38 Phạm Ngũ Lão vừa báo tin vừa chào ông thư ký toà soạn. Ông vui ra mặt, hỏi tôi có quen ai dưới đó không? Tôi đáp không. Ông mở hộc bàn, lôi quyển sổ con hí hoáy viết cho tôi mấy địa chỉ, cả anh Viên Linh cũng cho tôi địa chỉ chị Phong Lan ở 105 Phan Đình Phùng. Tới nơi, đầu tiên tôi tìm đến nhà Lê Trúc Khanh trong con hẻm cuối đường Phan Thanh Giản. Từ đó gặp thêm Nguyễn Hoài Vọng rồi Phù Sa Lộc, Bùi Hữu Trạng… Tôi nhờ họ tìm giúp nhà trọ lâu dài. Và thật may mắn, trên căn gác gỗ số 2 cùng đường, còn bên dưới là quán cơm bình dân cho sinh viên, quân nhân, công chức… là chốn nương thân đầu tiên. Tiện lợi đủ bề.

Mọi thủ tục nhập học đều suôn sẻ, mặc dù trước đó, tôi phải ra sức “năn nỉ” cô Ngọc người phụ trách thu nhận hồ hồ sơ cho các tân sinh viên SP, bởi tôi trễ hạn đến 2 ngày. May mà nhờ có chị Yến ở Viện nói giúp, sau khi tôi lên tận phòng Khoa Trưởng ĐHSP Nguyễn Văn Vàng trình bày “sự cố”.

Chương trình năm thứ Nhất không có gì khó khăn. Có lẽ vì thế mà “máu văn nghệ” liền nổi dậy. Anh em viết văn làm thơ ở Cần Thơ thì đông đảo, nhưng một tờ báo văn nghệ kiểu các tỉnh Trung phần thì vắng bóng. Duy nhất chỉ có tờ nhật báo Tây Đô chuyên về thời sự, chính trị, xã hội… Tôi bàn với Bùi Hữu Trạng, Nguyễn Hoài Vọng và Trịnh Ngọc Thảo thực hiện chương trình Văn học Nghệ thuật trên đài Phát thanh Cần Thơ, theo cách tôi và Hoàng Đình Huy Quan đã làm ở Tuy Hoà những năm 1965-1966. Ý tưởng của tôi được anh em tán thành và ông Trưởng đài cũng dành sự dễ dãi, ưu ái. Thời lượng phát mỗi tuần một tiếng vào tối thứ Tư và tất cả đều do chúng tôi chịu trách nhiệm nội dung kể cả phát thanh viên, ca sĩ, người ngâm thơ…. Số đầu tiên có một bài “đinh” khá dao to búa lớn: Văn học Nghệ thuật và Tuổi trẻ trước thời cuộc. Nội dung chủ yếu là vai trò của VHNT phải đứng về về phía cái mới, trên căn bản nhiệt huyết tuổi trẻ, có trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc, trước cuộc chiến.v.v. và .v.v. Cũng trong số đầu tiên này, chương trình cho ngâm những bài thơ của Quang Dũng, Hoàng Cầm, một số các nhà thơ trẻ cùng các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang. Đến số thứ 3, chúng tôi nhận được khá nhiều thư của thính giả: Góp ý có, khen có, chê có và rất nhiều bài vở cộng tác. Cả nhóm vừa phải học ở trường, vừa chọn lọc thư từ bài vở đưa vào chương trình, trả lời thư… Soạn chương trình thì dễ, nhưng thực hiện nó thì khó trăm bề (bởi chúng tôi là những tên “vác ngà voi hàng tổng” làm việc không công, nghĩa là không có một đồng công xá nào!): Ngày thu thì phát thanh viên bận thi, có người ngâm thơ thì không có anh thổi sáo, có người hát thì mất anh đệm đàn! Dẫu vậy, các bạn trong nhóm, nhất là Cỏ May, Thu Kiết, sau thêm chị Ngọc Mai đã rất nhiệt tình để chương trình không bị gián đoạn. Rồi Thái Khi, Nguyễn Thành Nghiệp cũng lao vào cuộc. Nhưng càng về sau thì chương trình xộc xệch hẳn đi. Xộc xệch bởi ai cũng phải lo “đèn sách”… Đến cuối năm 1968 thì tan đàn rã gánh! Mấy tháng sau, nhóm Về Nguồn của Lê Trúc Khanh “kế tục” chương trình này trên sóng đài Cần Thơ theo cách riêng của họ.

Cũng chính nhờ chương trình này, mà tôi được gặp lại những người bạn cùng xứ đang đóng quân ở Cần Thơ: Lê Đình Du, pháo binh đóng ở phi trường Trà Nóc, Lê Văn Hiệp, Không đoàn 4, Nguyễn Văn Phong, BĐQ, Lê Trọng Luật, SĐ 21… Nhưng hơn hết là được gặp gỡ các bạn văn mà trước đây chỉ “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình” là Hạc Thành Hoa, Hà Nghiêu Bích bên Sa Đéc, Yên Uyên Sa ở Long Xuyên, Lộc Vũ Cần Thơ, Nguyễn Bạch Dương Vĩnh Long… để bàn những chuyện “long trời lở đất” về văn chương, về một tờ báo cho những người viết trẻ…

Chấm dứt chương trình trên sóng đài Cần Thơ, Bùi Hữu Trạng, Thái Khi và tôi bàn ra một đặc san tết. Tôi chạy bài vở, Trạng và Thái Khi lo giấy má, quảng cáo và in ấn. Tôi liền viết thư đến các bạn văn xin bài, và được đáp ứng nhiệt tình kèm theo những lời khuyến khích. Tên tờ đặc san số xuân Kỷ Dậu 1969 tới giờ này không thể nhớ tên. Hỏi Bùi Hữu Trạng cũng không nhớ, nhưng bài vở thì phong phú: Võ Hồng, HĐHQ, Kinh Dương Vương, Trần Hoài Thư, Trương Cương Thanh, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Bạch Dương… và anh em trong nhóm rồi giao cho BHT, Thái Khi mang đi in ấn. Khi hai anh mang báo về, tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi báo in trên giấy trắng láng, sang trọng, đến nỗi khi mang biếu, ông Trần Phong Giao hỏi: Các cậu tìm đâu ra giấy đẹp vậy? Tôi không biết giấy đâu ra. Ăn tết xong, hỏi lại Trạng, anh nói xin bên Usaid , tiền in thì do quảng cáo và mang in tận Vĩnh Long. Tôi nghe và chỉ biết vậy. Coi như nhóm chúng tôi đã làm được điều mình ôm ấp. Tiếc là chỉ ra được một số duy nhất!

Đầu mùa xuân 1969, tôi có thêm nhiều bạn mới, anh Trương Cương Thanh, Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Liêm bên Luật, Nguyễn Thành Nghiệp bên Nông Lâm… Và bàn với nhau cùng thực hiện chươg trình ca nhạc Những Tối Thứ Bảy ở giảng đường Viện ĐH Cần Thơ. Đơn xin phép viết lằng ngoằng năm ba chữ gửi lên Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ và được duyệt ký ngay. Có lẽ ông Viện trưởng nghĩ đây là sinh hoạt văn nghệ bổ ích cho SVHS Tây Đô. Cầm được giấy phép trong tay, mừng thì ít mà lo thì nhiều. Lo là tìm đâu ra người đàn, người hát? Rồi âm thanh, ánh sáng, phông màn? Ngồi bên quán cà phê bên hông Viện ĐH, tôi hỏi Trương Cương Thanh: Tính sao đây? Tao vẽ áp phích quảng cáo, Thanh nói. Còn micro, loa, tăng âm, dây nhợ? Tôi hỏi. Minh lo. Minh nó giỏi chuyện này. Phần mày lo các anh em ca hát và mấy tay đàn trống. Tôi lục lại trong đầu: Cỏ May, Lâm Hồng Phước, Nguyễn Thành Nghiệp và Lê Văn Hiệp. Cỏ May thì đang năm Đệ Nhị Đoàn Thị Điểm, Phước học cùng ban Việt-Hán với tôi, Nghiệp và Hiệp một Nông Nghiệp, một Luật… có thể coi như bộ xương sườn làm nòng cốt cho chương trình. Còn lại thì những người trong cuộc sẽ “phát hiện” thêm.

Chúng tôi lại bắt tay vào việc “ăn cơm nhà…vác ngà voi” lần thứ hai. Tự bỏ tiền túi ra để làm tất cả.

Trương Cương Thanh vẽ áp phích: Chương trình Thơ Nhạc Những Tối Thứ Bảy, bên dưới vẽ chân dung cô gái mỹ miều, dưới cùng là: Do nhóm SV ĐHCT thực hiện, mang treo lên ngay mặt tiền của Viện và các khoa ở Cái Răng, giảng đường lớn ở khu ĐH mới. Nhìn chân dung cô gái trong áp phích, tôi buộc miệng: Giống Nga người yêu của mày quá đỗi. Thanh cười thú nhận!

Tôi không nhớ là chương trình này kéo dài trong bao lâu, nửa năm hay một năm hay hơn thế? Chỉ nhớ phong cách sống hết mình của các “nghệ sĩ sinh viên”. Họ hát và đọc thơ với cả tấm lòng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ: Giai điệu ngọt ngào của Cỏ May với ca khúc Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước: “Ngọc lan dòng suối tơ vương mắt thu hồ dịu ánh vàng. Ngọc lan nhành liễu nghiêng nghiêng từ mấy cánh phong nắng thơm ngoài song…” , Nguyễn Thành Nghiệp say sưa với Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy, Lê Văn Hiệp với những bản tình ca của Từ Công Phụng, Hồng Phước sâu lắng với dòng nhạc trử tình của Đoàn Chuẩn Từ Linh… Những giọng ngâm, đọc thơ hào sảng của các bạn bên Đoàn Thị Điểm, Phan Thanh Giản và bên Khoa Học, Luật, Văn Khoa, Sư Phạm… Sân khấu duy nhất chỉ có tấm áp phích bằng giấy bồi ghép nhiều mảnh phía sau để thay thế cho tấm phông; đôi lúc “hết tiền” thì Thanh dùng phấn vẽ lên bảng đen khổ rộng.

Khán thính giả hầu hết là anh chị em SVHS, các công chức, quân nhân quanh thành phố Cần Thơ. Họ đến giảng đường rất đông, chật kín; có khi phải bám lên các bậu cửa sổ để lắng nghe; trong số đó có cả các giáo sư các trường trung học và đại học ở Cần Thơ.

Trong chương trình này, chúng tôi đã mời nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và các bạn (ĐHSP Sài Gòn) về Cần Thơ tổ chức đêm trình bày những ca khúc mới nhất của anh. Duy nhất một chiếc guitar gỗ, anh và bạn gái (quên tên) hát say sưa những tình khúc khói sương, phiêu du: Thu hát cho người, Thu Sài Gòn, Chiều trên đồi, Chiều Mơ… đã được khán thính giả Cần Thơ dành cho những tình cảm đặc biệt với anh chàng sinh viên nhạc sĩ. Đêm nhạc VĐSB có số lượng người đến nghe đông nhất kể từ khi chương trình này bắt đầu thực hiện.

Người luôn khuyến khích về mặt tinh thần cho chương trình không ai khác hơn là bà chị nuôi Nguyễn Ngọc Yến, nhân viên của Viện, sau này là “phu nhân” của nhà văn Trần Hoài Thư. Không một tối thứ Bảy nào là không có mặt chị. Những buổi khán giả đông đảo chị mừng với nỗi mừng vui của nhóm, khi vắng người chị lại chia sẻ. Chị hầu như là người chứng kiến trọn vẹn cho đến chương trình cuối cùng.

clip_image004

Khán giả ở giảng đường nghe chương trình thơ nhạc “Những Tối Thứ Bảy”

Do ảnh hưởng những việc chúng tôi thực hiện được trong những năm ở giảng đường Cần Thơ, Trần Văn Liêm “xúi” tôi đứng chung liên danh với anh để tranh cử vào Tổng hội SV Cần Thơ. Từ chối thế nào cũng không xong, cuối cùng tôi gật đầu gọi là kéo gai lấp trổ, nhưng trong bụng tôi lại mong cho liên danh chúng tôi thất cử để lo việc học và nhảy múa chuyện văn nghệ. Trời có mắt. Chúng tôi thất cử với số phiếu chỉ kém 3 phiếu. Sự thất bại này là nỗi vui mừng không tả bịt kín mấy ngày liên trong lòng.

Đầu năm 1970, khoảng tháng 3, phong trào SVHS cả nước xuống đường biểu tình chống Lon Nol, Sisowath Sirik Matak đã ra lệnh “cáp duồn” Việt kiều trên đất Miên. ĐH CT qua lời kêu gọi xuống đường của Tổng Hội SVCT, anh em tập trung tại khu ĐH mới, giăng biểu ngữ hô to: “Đả đảo tên sát nhân Lon Nol, Sirik Matak!”, hát vang bài Nối vòng tay lớn… Và tất nhiên, chính quyền địa phương không để yên, huy động hàng trăm Cảnh sát dã chiến, An ninh quân đội, có cả xe vòi rồng đến bao vây. Ngay cổng ra vào, vòng rào kẽm gai bung ra, hai chiếc xe vòi rồng dàn hàng ngang hai bên. Bên ngoài cảnh sát bắc loa kêu gọi giải tán, bên trong SV vừa hô đả đảo vừa hát vang. Cảnh sát thắt chặt vòng vây. Những tấm biểu ngữ phản đối bị gỡ ném xuống đất. Một vài SV giật lại nhưng liền bị hai vòi rồng phun nước tới tấp. Trần Văn Liêm và Phạm Xuân Triển chạy tới dựng tấm bảng đen lên để chặn vòi nước, bị ngã nhào. Tôi và nhiều SV khác liền chạy tới vừa đỡ Liêm vừa dựng tấm bảng xông ra định phá vòng kẽm gai để thoát ra ngoài, kéo theo đoàn biểu tình xuống đường. Nhưng khí thế “sôi sục” ấy đã bị hai vòi nước phun mạnh đến nỗi không ai đứng lên được. Liền đó là những trái lựu đạn cay bắn vào khuôn viên trường. SV dạt vào trong, lẩn vào các phòng và giảng đường. Cảnh sát cứ thế tiến tới với vòi phun và hơi cay. SV chạy tán loạn! Tôi phóng lên lầu 1 kéo theo Lê Dung, Phạm Xuân Triển và Liêm. Bùi Hữu Trạng chìm trong đám “tàn quân”. Hơi cay nồng nặc như thể kéo ra ngoài hai lá phổi và con ngươi. Dung khuỵu xuống. Tôi đưa lưng cõng Lê Dung và từ lầu 1 nhắm mắt phóng ra cửa sổ, rơi xuống mái tôn nhà dân, phóng tiếp xuống con hẻm nhỏ, thoát vòng vây cõng chạy về nhà (nằm trên đại lộ Hoà Bình, đoạn nay là công viên Lưu Hữu Phước). Mãi tới giờ này, tôi cũng không hiểu tại sao mình có sức mạnh, liều lĩnh đến vậy?

Một tiếng sau tôi quay lại, đứng bên kia đường nhìn vào. Cảnh tượng hoang tàn như vừa trải qua trận bão lớn: Xe máy, xe đạp, giày dép, mũ nón ngổn ngang, la liệt trên sân. Những biểu ngữ lăn lóc đầy bùn đất. Cuộc biểu tình coi như thất bại cùng với vòng rào kẽm gai biến mất, xe vòi rồng biến mất, chỉ còn mươi cảnh sát nón sắt, hườm súng bên ngoài cổng. Tôi bước qua cổng trường, tìm chiếc PC của Lê Dung dắt ra và đụng mặt một CSDC. Anh ta ngó tôi cười mỉm. Tôi ngước mặt: Mấy anh đi bảo vệ cho lũ giết hại đồng bào ruột thịt, rồi đi thẳng.

Trả xe cho Lê Dung, tôi về nhà trọ. Lúc này trên đường đi, tôi mới kịp nghe mùi thối trên người, cái mùi thum thủm, tanh tanh mà tôi đoán là những xe chữa lửa kia đã hút nước từ các cầu cá công cộng, rồi ngồi xuống lề đường nôn thốc tháo theo phản xạ tự nhiên.

Hình như một tuần hay mươi ngày sau, Tổng Hội SV Cần Thơ tổ chức xuống Tịnh Biên (Châu Đốc) cứu trợ Việt kiều. 6 chiếc GMC của QĐ4 chở SV và hàng cứu trợ, xuất phát trước Viện ĐH CT, số 5 đại lộ Hoà Bình. Đoàn khởi hành từ sáng sớm, đến 10 giờ mới tới nơi. Anh chị em SV chia nhau xuống hàng, một nhóm khác phân phát. Công việc diễn ra khá nhanh. Nhưng đáng chú ý nhất là tình cảnh của đồng bào vừa thoát khỏi bàn tay dã man của đám lính Lon Nol. S. Matak, vượt qua biên giới VN. Họ không mang theo được gì ngoài bản thân. Nơi họ được địa phương đón tiếp là những tấm lều bạt tạm bợ. Đứng bên này có thể nhìn thấy nhà cửa còn nghi ngút khói bên kia. Có người ngồi ôm mặt khóc thầm: Vợ con bị giết cả! Hiếm có gia đình nào còn nguyên vẹn. Nỗi sợ hãi chừng như chưa chịu buông tha họ, bởi khi hỏi han, họ chỉ trả lời tiếng một hoặc lắc đầu hoặc bằng những giọt nước mắt lăn dài!

clip_image006

Cứu trợ Việt kiều ở Tịnh Biên, Châu Đốc, 1970

Sau khi phân phát hàng cứu trợ, uỷ lạo xong, chúng tôi chuẩn bị lên xe trở về, cũng vừa

lúc nhìn thấy anh Dương Nghiễm Mậu bước tới. Anh nói là tôi đi với Tiểu khu Châu Đốc về vụ cáp duồn. Việc đã xong bây giờ thì về. Và anh lên xe cùng chúng tôi trở lại Cần Thơ, bỏ ngang sự mời mọc của Tiểu khu Châu Đốc (Năm trước đó, anh là người đầu tiên leo lên gác trọ thăm tôi, hỏi han chuyện ăn ở, học hành, người thứ hai là Lê Thị Cẩm Hoa bên VTX).

Cuối năm 1970, chúng tôi ra trường, tứ tán mỗi người một phương, hiếm khi gặp lại nhau. Sau tháng 4 đen, ít nhất 3 lần trở lại Cần Thơ và cố tìm lại những người bạn một thời bên nhau, nhưng cũng y như những gì Cần Thơ hiện khoác lên tấm áo mới. Tất cả đều xa lạ, dửng dưng. Bạn bè không tìm thấy một ai. Mãi đến năm 1993, bất ngờ gặp lại Nguyễn Thành Nghiệp ở Long An. Anh ở trong khu nhà tập thể của Chi cục BVTV tỉnh. Anh làm trưởng. Vẫn phong thái ngày xưa, lôi ra chai rượu Gò Đen và cây đàn, hát tặng tặng bài Chiều Qua Tuy Hoà của Nguyễn Đức Quang. Tôi và Nghiệp uống rượu, nhắc chuyện cũ và khóc. Hai năm sau nghe tin anh mất vì ung thư. Tôi đến Tân An đứng lặng trước tấm ảnh thờ, thắp nén nhang với tâm trạng bùi ngùi mà sao nước mắt lại ráo hoảnh chỉ thấy lòng trĩu nặng ? Ở SG, tình cờ gặp lại Lê Dung, ngồi quán cóc, mới biết một vài thông tin hiếm hoi về bạn cũ: Cỏ May làm ở Viện Văn Học bộ phận phía Nam (SG) đã nghỉ việc, La Thị Xinh đã chết, Lâm Hồng Phước có chồng ở Long Xuyên… Bùi Hữu Trạng vượt biển không biết trôi dạt xứ nào? Thái Khi thì biệt vô âm tín, cả Trần Văn Liêm và Nguyễn Văn Minh, Trương Cương Thanh?

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong đầu tôi vẫn luôn loá sáng hình ảnh những người bạn chân tình thuở 20. Tôi giữ những hình ảnh này với cả tấm lòng, trân trọng, như trân trọng một Cỏ May thời sương khói tình đầu và những dĩa bánh cống ở bền Ninh Kiều thơm ngát mùi bùn non, rau rừng mỗi khi con nước ròng rút xuống. Đó là mùi thơm lồng lộng của đất trời và tình người không thể nào phai.

Nguyễn Lệ Uyên

(tháng 12/2012)

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search