T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày 19 tháng 6 năm 2009

Không hề có ưu thế chủng tộc

■ Trong cuộc thi đánh vần tòan nước Mỹ năm nay (The 2009 Scripps National Spelling Bee), một cô gái 13 tuổi của tiểu bang Kansas tên Kavya Shivashankar đã đọat giải vô địch. Đây là lần thứ bẩy, trong tổng số 11 lần cuộc thi được tổ chức, một học sinh người Mỹ gốc Ấn Độ (Indian- American) đã vinh dự chiếm vị trí danh dự nhất. James Maguire của tờ báo lớn nước Mỹ Wall Street Journal đã cho rằng, bí quyết của 7 lần thành công nói trên của những học sinh Mỹ gốc Ấn Độ, không phải thuộc về ưu thế bẩm sinh của một chủng tộc (trong trường hợp này là người Ấn Độ). Bí quyết ấy nằm ở lòng tận tụy, sự quyết tâm không lay chuyển và cố gắng vượt bậc của những học sinh đọat giải đã dành cho việc chuẩn bị kỳ thi hàng năm. Thêm vào đó là những thành tựu xuất sắc trong việc học hành ở nhà trường, mà chính các vị phụ huynh của những học sinh nói trên đã cho James Maguire biết rằng, tầm mức quan trọng của chúng được coi như “bất khả tư nghì“ trong những gia đình Mỹ gốc Ấn Độ.

James Maguire kết luận rằng, kết quả học tập lỗi lạc hàng năm của những con em thuộc gia đình di dân là một thách đố đáng kể cho một nước Mỹ chính thống. Liệu nước Mỹ, trên bình diện quốc gia, có giữ được nhịp phát triển cho ngang bằng với những thành đạt giáo dục của tầng lớp di dân không? Liệu chúng ta có thể sẵn sàng để lên đường, như đã từng trong quá khứ, nhưng lần này là trên bình diện một thị trường tóan thế giới? Liệu chúng ta có thể tự buộc mình coi giáo dục như là một sự đầu tư tối cần thiết, chứ không phải là một sự chi tiêu đôi khi cần phải cắt giảm?

Nhận xét của James Maguire trên tờ Wall Street Journal về sự thành đạt học vấn của con em người Mỹ gốc Ấn Độ cũng có thể áp dụng cho những con em người Mỹ gốc Việt. Bí quyết của sự thành công trong việc chuẩn bị lớp trẻ hướng về tương lai nằm ở trong chính mỗi gia đình người di dân. Họ khuyến khích, yểm trợ, đôi khi không ngần ngại hy sinh tất cả cho con em của họ cắp sách đến trường, dành tòan bộ năng lực, thời gian cho việc học. Một kết quả tốt đẹp ra đời từ những nỗ lực “tập thể“ ấy là một sự hiển nhiên. Nó cũng chứng minh, trên thế giới phẳng ngày hôm nay, không hề có ưu thế của một chủng tộc này trên một chủng tộc khác. Sự thành công tùy thuộc vào cơ hội, khả năng nắm bắt, và quan trọng nhất, nỗ lực cá nhân dành cho một mục tiêu nào đó mà cá nhân ấy hướng tới. . .

Bài Mới Nhất
Search