T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Vì sao?

bong-hoa-1-6-17

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Tôi được Đôn đưa về Việt Nam để ra mắt gia đình chồng sau khi chúng tôi thành hôn được hai năm. Xa quê hương cũng đã mười năm hơn. Những đứa bạn thân thời trung học vẫn còn ở lại quê nhà. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua  điện thoại, thư từ. Tuyệt nhiên  chẳng  bao giờ tôi dùng  email, bởi tôi thích được nhìn nét chữ, được nghe mùi giấy bút  vương vương hơi hướm tuổi học trò dù đã xa xôi. Tôi thích những buổi tối trời mưa rả rích, chong đèn đọc từng lá thư, nhớ lại từng kỷ niệm của thời áo trắng, chân sáo tung tăng. Mỗi lần như thế, Đôn thường trêu tôi  “Lén chồng đọc thư bồ cũ hở?”

Lần trở về này tôi sung sướng khi được gặp  Mỹ Thư và Liên để được sống lại những ngày tháng hồn nhiên. Liên có chồng khá giả nên cuộc sống tương đối thoải mái. Chỉ tội Mỹ Thư  -con bé được bạn bè trong lớp tặng danh hiệu “Người đẹp sầu muộn” với đôi mắt to đen láy dưới hàng lông mi cong vút, lúc nào cũng ươn ướt, vừa đa tình, vừa phảng phất nét sầu muộn, quyến rũ đến chết người-  cuộc sống khá  vất vả vì bố mất, mẹ bệnh hoạn và đàn em sáu đứa một tay nó phải gánh gồng.

Gặp lại nhau chúng tôi mừng vui, kể lể bao nỗi nhớ nhung, nhắc lại kỷ niệm một thời thân thiết bên nhau chia sẻ biết bao tâm sự. Nghe Mỹ Thư kể lại những gian truân nhọc nhằn  của nó tôi cảm thấy xót xa. Liên  nói:

-Mày xem có ai ở bên đó giới thiệu cho Mỹ Thư đi. Nó cứ ao ước được đi Mỹ để có tiền lo cho gia đình.

Tôi cười:

-Bộ tụi mày tưởng ở Mỹ sướng lắm à, làm việc hộc gạch “con” ạ!

Mỹ Thư buồn rầu tiếp lời:

-Nhưng ít ra cũng kiếm được tiền. Còn ở đây, muốn tìm một công việc đàng hoàng với mức lương khá giả không phải là chuyện dễ.

Trên đường về tôi hỏi Liên:

-Mỹ Thư nó muốn đi Mỹ thật à?

-Thì nó thấy những cô nàng lấy chồng Việt kiều, giả hay thật đều mặc áo gấm về làng không ham sao được. Mày xem có ai giới thiệu cho nó đi. Đây là ước mơ lớn nhất đời nó đấy.

Tôi cười:

-Bây giờ thiên hạ cứ thích về Việt Nam cưới vợ để có vài chục ngàn bỏ túi, chuyện giới thiệu khơi khơi coi bộ cũng khó. Nhưng tao sẽ để ý mấy ông bạn độc thân của ông xã tao xem sao.

Tôi kể cho Đôn nghe về Mỹ Thư và trong buổi tiệc khoản đãi ở nhà Liên tôi kéo Đôn theo. Buổi tối đó tôi để Mỹ Thư trò chuyện với  Đôn trong phòng khách, còn tôi cùng đám bạn cũ kéo nhau ra vườn đùa giỡn thỏa thích.

Trở lại Mỹ, tôi hối thúc Đôn tìm bạn giới thiệu cho Mỹ Thư. Đôn cười:

-Em làm như có người chờ sẵn để mình làm công việc mối mai vậy. Phải từ từ và có cơ hội chứ. Với lại phải dọ dẫm kỹ lưỡng, lỡ nói ra mà người ta không bằng lòng thì quê mặt.

Nghe Đôn nói thế tôi chọn một tấm ảnh đẹp nhất của Mỹ Thư trong những tấm ảnh chụp chung với bọn tôi, phóng lớn ra, rồi cắt xén đàng hoàng, bỏ vào ví của Đôn dặn dò:

– Đây là ảnh của Mỹ Thư, gặp người bạn độc thân nào xem được anh lấy ra giới thiệu. Anh xem, Mỹ Thư đẹp thế này thì  ai có thể chê được.

Đôn nhăn mặt trách tôi:

-Em kỳ thật, tự dưng lại bỏ ảnh của bạn vào ví anh. Không khéo tụi bạn nó bảo anh là “dê đạo lộ”.

Tôi cười dòn dã:

-Thì anh bảo chính tay em bỏ vào ví anh. Cứ xem như anh làm việc phúc đức đi, cứu cả gia đình nó đấy anh ạ.

Thời gian dần trôi, mỗi lần tôi hỏi Đôn đều bảo:

-Những thằng coi được thì có gia đình, còn những thằng khác, có thằng cà chớn, có thằng lại bảo cưới vợ Việt Nam phải có của hồi môn vài chục ngàn nó mới cưới.

Tôi vừa thất vọng vừa thương bạn mình kém may mắn.

Năm vừa rồi, mẹ Đôn bị bệnh nặng, bà chị điện thoại gọi chúng tôi  về cấp tốc. Giữa lúc công việc làm khó khăn tôi không dám xin nghỉ, phần Đôn vừa  bị “lay off” nên có thì giờ để ở lại Việt Nam hai tháng. Tôi đưa Đôn hai trăm đôla bảo anh ghé qua thăm Mỹ Thư  và làm quà cho nó. Sẵn dịp, giải thích cho Mỹ Thư biết, chúng tôi hết lòng giúp đỡ nhưng chưa hoàn thành được ước nguyện của nó.

Những ngày Đôn ở Việt Nam, tôi gọi điện thoại thường xuyên, nhưng mỗi khi hỏi đến Mỹ Thư thì Đôn đều bảo “Anh bận lắm chỉ gặp Mỹ Thư một lần để đưa quà chứ không có giờ để gặp thêm nữa”. Tôi tru tréo, bảo anh xem thường bạn tôi… Rồi Đôn trở về, cuộc sống chúng tôi lại tiếp nối ngày qua ngày. Thấy Đôn không đá động gì đến chuyện giới thiệu Mỹ Thư, tôi cũng im luôn với ý nghĩ  “chuyện se duyên là chuyện của ông tơ bà nguyệt mình không thể xía vào được”. Thế là tôi không thúc hối Đôn nữa và cũng  chẳng liên lạc với Mỹ Thư, vì không biết phải ăn nói thế nào khi tôi đã làm tiêu tan niềm hy vọng của người bạn đáng thương.

Có lần tôi gọi điện thoại, Liên cho biết:

-Chẳng biết  Mỹ Thư biến đi đâu mà tao tìm không ra nó.

Tôi bùi ngùi:

-Tội con nhỏ, số  lận đận, vất vả.

Liên thở dài:

-Nếu nó chịu an phận thì không đến nỗi. “Kép” của nó cũng được lắm nhưng nó chê nghèo. Mơ ước làm gì chuyện xa xôi cho thêm khổ.

Rồi Liên kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà bấy lâu nó dấu kín. Chuyện Mỹ Thư  cặp bồ với những ông cán bộ tay to, mặt bự để mong nương tựa vào họ hầu có tiền lo cho gia đình. Nhưng chuyện đời đâu phải dễ, Mỹ Thư đã mấy phen bị đánh ghen tơi tả. Tôi lại thêm một lần xót xa cho số phận bất hạnh của Mỹ Thư.

Cuối năm ấy, Đôn bảo với tôi anh muốn về Việt Nam để xây mộ mẹ. Tôi ngạc nhiên nói:

-Em nghĩ mình gửi tiền cho chị Cả làm được rồi, anh về làm gì cho thêm phần tốn kém.

Đôn khăng khăng:

-Tính chị Cả nhiều khi đoảng lắm, anh phải về để trông coi.

Tôi thắc mắc  trong lòng “Chuyện có quan trọng đến mức đó không” nhưng không muốn cản trở Đôn để vợ chồng sinh cãi vã. Lại thêm hai tháng Đôn vắng nhà. Những chị bạn trong hãng cảnh cáo tôi:

-Con nhỏ này sao cứ thả chồng về Việt Nam một mình, không sợ có ngày mất chồng à?

Tôi cười vô tư:

-Ôi! cái ông chồng cù lần của em ai mà thèm.

Chị bạn nhìn tôi với vẻ nghiêm nghị:

-Chuyện đời khó biết lắm em ơi!’

Quả thật chuyện đời khó biết. Khi từ Việt Nam trở về, ba tháng sau Đôn nói với tôi anh muốn ly dị. Như có ai tạt một gáo nước sôi vào mặt, tôi tối tăm mặt mũi, há hốc miệng nhìn Đôn lắp bắp nói không ra lời:

-Em có lỗi gì mà anh đòi ly dị?

Đôn buông giọng thản nhiên:

-Em không sinh con cho anh được.

Tôi ngớ mắt nhìn Đôn, người lạnh buốt.

-Thế chẳng phải anh nói rằng anh không thích có con hay sao?

-Tại vì anh thấy em cứ bị hư thai mãi nên anh phải nói vậy?

-Nhưng như thế đâu có nghĩa là em không thể sinh con. Anh  cũng biết là em đang được bác sĩ điều trị mà…

Đôn cướp lời tôi:

-Nhưng anh biết em chẳng sinh con được, hai lần hư thai rồi còn gì.  Tốt nhất là em trả tự do cho anh.

Tôi khóc oà lên:

-Đây chỉ là cái cớ… có phải … anh đã có người đàn bà khác.…

Đôn nhìn tôi lạnh lùng:

-Điều đó không quan trọng. Cái đáng nói là anh đang muốn có  một đứa con mà em thì không thể …

Đôn quay đi sau khi  đẩy tờ đơn ly dị về phía tôi và vất cây bút lên bàn. Tôi ngồi chết lặng giữa tiếng máy xe rú lên vội vã và mang Đôn đi mất hút. Tôi ngồi như thế rất lâu, đầu  óc hoang mang, rối bời với muôn ngàn câu hỏi. Tôi tự xét xem mình đã phạm lỗi lầm gì trầm trọng trong bổn phận làm vợ đến nỗi Đôn quyết định chia tay tôi một cách dễ dàng như một trò đùa. Cứ thế, tôi vật vã trong nỗi đớn đau tuyệt vọng cho đến khi tiếng chuông điện thoại vang lên lanh lảnh tôi mới bừng tỉnh. Một hy vọng chợt lóe lên. Chắc là Đôn suy nghĩ  và cảm thấy hối hận về việc làm của mình nên gọi tôi để nói lời xin lỗi. Tôi cầm điện thoại lên giọng hớn hở:

-Anh hả?

Một giọng nói quen thuộc cất lên:

-Con khỉ, tao đây chứ anh nào?

Vừa nghe giọng Liên tôi  bật khóc nức nở, rồi kể cho Liên  nghe chuyện vừa xảy ra. Liên trầm ngâm một lúc rồi nói:

-Tao cũng định gọi để nói cho mày biết Mỹ Thư đang có thai.

Tôi lại càng tủi phận mình

-Con nhỏ thế mà may mắn…

Liên  cắt ngang:

-Mày không thắc mắc gì về chuyện này sao?

Tôi thở dài não nuột:

-Chuyện tao rối như tơ vò còn lòng dạ nào thắc mắc chuyện của ai.

-Bình tĩnh lại đi, nghe nè. Đôn đòi ly dị vì mày không có con, còn Mỹ Thư đang mang thai, mày thấy có lạ không?

Đầu óc tôi trống lốc:

-Lạ cái gì?

-Mày điên rồi Miên ạ, tao đã nói huỵch toẹt thế mà không chịu hiểu. Đôn về Việt Nam cách nay năm tháng. Mỹ Thư mang thai bốn tháng, ông chồng mày đòi ly dị vì mày không có con. Đã nghĩ ra điều gì chưa…

Tôi ngã phịch xuống giường và có cảm tưởng như ai bóp nát trái tim mình.  Có một cái gì đắng chát, đông cứng ở cổ họng. Cố gắng lắm mà tôi vẫn không nói ra lời. Giọng Liên thảng thốt vang lên:

-Miên, mày có sao không?

Tôi cất giọng sũng đầy nước mắt:

-Có thật vậy không Liên?

-Thật ra, tao đã nghi ngờ từ lần Đôn trở về Việt Nam một mình nhưng không dám nói, sợ lỡ không đúng thì gia đình mày xào xáo, tình bạn của tụi mình  rạn nứt. Mày có nhớ, cứ mỗi lần  gọi điện thoại tao hay nói đùa “rán mà giữ chồng cho chặt” không?  Đùa mà thật đấy mày ạ!

Tôi chỉ còn biết kêu trời vì sự vô tư đến khờ khạo của mình. Tiếng Liên lại vang lên như tiếng than thở ngậm ngùi:

-Mỹ Thư chỉ muốn đạt được ước vọng của nó là sang Mỹ mà bất chấp đạo lý bất chấp tình nghĩa bạn bè. Thật đáng buồn. Bây giờ mày tính sao?

-Tao cũng không biết. Nếu nó đã có con thì làm sao Đôn bỏ nó được.

Liên thở dài:

-Kiểu này là nó quyết bắt xác Đôn, chứ người từng trải như nó dễ gì để xảy ra chuyện này.

Gác máy điện thoại xuống tôi bỗng thấy mình bình tĩnh lạ. Tôi tự nhủ phải cố gắng đứng vững đừng  để rơi thêm một giọt nước mắt nào vì người chồng phản bội, vì đứa bạn vô lương tâm. Hôm sau, tôi mang mảnh giấy ly dị đặt trên bàn và nói với Đôn bằng giọng lạnh lùng:

-Tôi không tiếc gì một người chồng bạc bẽo và tàn nhẫn như anh, nhưng trước khi ký tên, tôi muốn anh hãy nói sự thật. Dẫu sao, anh cũng là một người đàn ông, hãy can đảm nhận lấy trách nhiệm việc mình làm đừng đỗ lỗi cho tôi, người đàn bà yếu đuối.

Đôn nhìn tôi cười khinh khỉnh. Khuôn mặt người đàn ông tôi hết dạ yêu thương và kính trọng ngày nào sao giờ đây nham nhở và hèn hạ đến đáng ghét.

-Đừng bắt tôi phải nói những điều tôi không muốn nói.

Tôi cười khinh miệt:

-Anh không dám nói vì những điều anh nói không phải là sự thật.

Đôn hét lên giận dữ:

-Tôi sợ gì cô mà phải nói dối?

-Nếu không sợ sao anh không nói thẳng là anh ly dị tôi để cưới con Mỹ Thư vì nó  đã có thai với anh.

Khuôn mặt Đôn tái xanh trong vài giây ngắn ngủi rồi anh tiếp tục cười đểu giả:

-Nếu đã biết vậy thì còn níu kéo tôi làm gì. Cô muốn làm khó tôi à?

Câu nói của Đôn chợt gợi cho tôi một ý nghĩ hay ho. Ừ nhỉ! tôi dại gì ký giấy để họ được thong dong sống trên nỗi đau khổ của tôi. Tôi nhún vai, vất cây bút xuống góc nhà, xé đôi tờ giấy chi chít những chữ quăng vào sọt rác:

-Các ngươi cứ làm điều các người muốn. Còn tôi, để tôi nghĩ lại xem có nên ký hay không…

Đôn nhìn tôi bằng ánh mắt rực lửa rồi đá tung chiếc bàn con trước mặt:

-Cô đừng tưởng làm như vậy là cản trở được tôi. Cho cô biết tôi không muốn nhìn thấy mặt cô thêm một phút một giây nào nữa….

Nước  mắt tôi chảy ngược vào tim với nỗi đau cùng cực. Còn câu nói nào tàn nhẫn, phũ phàng hơn nữa không Đôn?

Đôn dọn đi nơi khác và tôi đơn độc ở lại trong căn nhà đầy dẫy kỷ niệm của những tháng ngày hạnh phúc. Cùng với nỗi đau buồn khủng khiếp này tôi lại được biết mình đã mang thai. Liên khuyên tôi phải nói cho Đôn biết rõ, đừng để đứa bé chào đời phải trở thành đứa trẻ không cha. Bao nhiêu lần nhấc điện thoại lên là bấy nhiêu lần tôi nghẹn ngào buông xuống.

… Rồi con tôi chào đời. Đứa con mà trong giấy khai sinh của nó tên người cha còn đang để trống, vì suốt thời gian cưu mang đứa con thân yêu tôi vẫn tự hỏi, để cho con tôi trở thành một đứa bé không cha, có tốt hơn là để cho nó sau này, khi lớn lên, phải xấu hổ với bạn bè vì có một người cha  tráo trở, không có lương tâm?

Câu hỏi ấy vẫn mãi mãi là nỗi ám ảnh triền miên trong lòng tôi. []

Ngân Bình

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017 

Bài Mới Nhất
Search