T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: Nguyễn Nhược Pháp, Chàng Hoàng Tử Ngủ Trong Rừng

images

“Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp do Cảo Thơm ấn hành năm 1966

 

(Tưởng nhớ Nguyễn Nhược Pháp, 80 năm ngày mất 1938- 2018)

Năm 1916, tại Hà Nội có một người đàn bà dùng súng lục bắn vào đầu tự sát bỏ lại đứa con trai mới lên hai.
Đứa bé đó tên Nguyễn Nhược Pháp.
Lớn lên, đứa bé trở thành nhà thơ với những bài thơ hồn nhiên, tươi tắn không nhuốm chút bi lụy của cuộc đời.
Nhà phê bình Hoài Thanh viết về thơ Nguyễn Nhược Pháp: “… lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười.”

Tuổi thơ tôi không có truyện trẻ em, không truyện tranh, không phim hoạt hình. Thuở ấy, không có một nền văn học dành cho trẻ em và với tôi thơ Nguyễn Nhược Pháp lộng lẫy, sinh động không thua phim hoạt hình của Walt Disney.

Hình ảnh của Mỵ Nương có gì đó rất giống với công chúa Bạch Tuyết:

Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mỵ Nương xinh như tiên trên trần…
Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng bé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ

Làm sao các bé gái không mơ mộng và ước gì mình được xinh đẹp như … một công chúa theo cách mà Nguyễn Nhược Pháp vẽ ra.
Nguyễn Nhược Pháp chịu ảnh hưởng Tây học từ người cha lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh.
Chàng học ở Albert Sarraut, sinh viên trường Luật, viết kịch, viết văn, làm báo hoạt động như một hướng đạo sinh trên mọi lĩnh vực.

Lạ thay thơ chàng luôn có hình bóng của người con trai dịu dàng nho nhã rất Việt Nam của “Ngày Xưa”:

“Hôm đó buổi chiều xuân
Trông mây hồng bay vân
Liền gập pho kinh sử
Lững thững khỏi lầu văn

(Một Chiều Xuân)

Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn

(Chùa Hương)

Tập Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp làm ta tưởng chừng cuộc đời này đối với chàng là những ngày hội vui.
Vậy có khi nào chàng đau vì cái chết oan nghiệt của mẹ mình?
Bà Phan Thị Lựu, mẹ chàng, một giai nhân con nhà giàu xứ Lạng, lịch lãm và nói giỏi tiếng Pháp nhưng số phận đưa đẩy bà yêu một người đàn ông đã có vợ con.
Chịu thân phận làm vợ lẽ đã là cay đắng vậy mà người đàn ông ấy vẫn nhẫn tâm chà đạp lên trái tim chân thành, say đắm của bà.
Có người bảo tận đáy lòng chắc Nguyễn Nhược Pháp oán hận người mẹ đã bỏ mình ra đi khi chàng chưa kịp nhận rõ mặt mẹ.
Tôi thì nghĩ ngược lại. Nếu có đau khổ, Nguyễn Nhược Pháp chỉ quay quắt thương mình quá nhỏ, không cứu được mẹ. Nếu biết nói, Nguyễn Nhược Pháp sẽ ôm mẹ thổn thức:
“Mẹ ơi còn con đây mà!”
Những người đang đứng bên bờ vực thẳm, trong tích tắc, luôn cần một bàn tay níu giữ.
Nguyễn Nhược Pháp là một người con hiếu thảo.
Chàng sống vui tươi để nói với người mẹ nông nổi nơi chín suối rằng: “Mẹ yên tâm, con vẫn ổn”
Chàng cũng muốn nói với người mẹ Cả bao dung đã mang chàng về nuôi nấng rằng: “Cám ơn Mẹ, nhờ Mẹ mà con đã lớn lên bình yên”.
Không giống người cha đa tình và bạc tình, Nguyễn Nhược Pháp chưa từng làm đau một trái tim thiếu nữ. Thơ của chàng luôn là những lời tụng ca dành cho người nữ.
Trời hỡi! Sao một con người sống đẹp như thế mà bà phù thủy số phận lại bắt chàng phải nằm ngủ giấc nghìn thu trong khu rừng định mệnh ở tuổi hai mươi tư.
Hay chàng sợ mẹ mình cô đơn nơi chín suối?
Trong bài thơ “Mây”, Nguyễn Nhược Pháp có những câu thơ buồn hiếm hoi:

Khi thấy hồn người thân
— Nhìn mây lệ khôn cầm! —
Trên bầy xe tứ mã,
Tiếng bánh lăn âm thầm
;

Để tưởng nhớ Nguyễn Nhược Pháp, chàng hoàng tử trong sáng nhất trong thi ca Việt, xin được ghi lại bài thơ khóc bạn của Nguyễn Bính:

“Buồn xao xuyến quá sương mù
Buồn xao xuyến quá, mùa thu vừa tàn
Ai đem bứt hết lá vàng
Dệt làm khăn liệm đám tang muôn đời
Thương anh, nói chẳng hết lời
Giờ đây, anh đã ra người ngàn xưa!
Ví dù còn một đường tơ
Cũng xin rút nốt thành thơ khóc người
Ngài xanh cái kén bay rồi
Nhả tơ xây tổ trên đời bao năm
Kéo dài kiếp số trăm năm
Cũng mang tiếng một con tằm mà thôi
Thương anh nói chẳng hết lời
Giờ đây anh đã ra người ngàn xưa!

(Khóc anh Nguyễn Nhược Pháp)

Huyền Chiêu
Tháng 6-2018

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search