T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Người Tử Tù của Khuất Đẩu

T.Vấn & Bạn Hữu vừa đưa lên phần cuối cùng truyện vừa “Người Tử Tù” của nhà văn Khuất Đẩu. Một truyện vừa mà phải chia làm 7 kỳ đăng tải hẳn phải có lý do. Tất nhiên chẳng phải vì nó dài.

Lý do là vì, theo chủ quan người phụ trách trang mạng, theo dõi “Người Tử Tù” một mạch e rằng người đọc sẽ bị ngộp thở, vì bầu không khí của truyện lúc nào cũng nặng nề, u ám, lại thêm cái xác thối rữa trên lưng nhân vật chính (người tử tù) vốn đã bốc mùi tanh tưởi khó chịu, nó còn lôi kéo thêm đám ruồi nhặng mà ở đâu, thời nào cũng đều có sự hiện diện của chúng.

Ngay đến nhân vật của chuyện còn than thở rằng mình “bị hụt hơi” huống gì người đọc:

tôi đang nặng nề với một xác chết hôi thối ở trên lưng

và trên cao kia những vì sao hiếm hoi cũng đang lặn mất

tôi chỏng chơ nằm giữa mặt đất khê nồng

Tôi hiểu là chẳng còn gì

tôi hiểu tất cả bây giờ đã đành là nỗi hụt hơi . . .”

(Người Tử Tù)

Phần khác, mỗi kỳ (trong 7 kỳ) của “Người Tử Tù”, người đọc có thể đọc riêng rẽ, hoặc đọc kỳ sau trước khi đọc kỳ trước, mà vẫn theo dõi được câu chuyện không có cốt truyện này. Hơn nữa, văn phong của “Người Tử Tù” khiến người đọc liên tưởng đến những bài thơ xuôi. Mỗi chương trong 14 chương có thể xem là một bài thơ (xuôi), một thể lọai người viết thường chọn để tạo sự kết hợp hòan hảo nhất cho Chữ (ngôn ngữ) và Nghĩa (ý tưởng).

Nói về tác phẩm của mình, tác giả cho biết, Người Tử Tù chỉ là “truyện vừa nhưng phải đến 40 năm mới xong! Khi tôi học Hán văn ở Huế (chỉ nửa năm rồi bỏ), thi sĩ Phan Văn Dật trong một bài giảng về sử có nói tới cách giết những người tử tù dưới thời La Mã. Ấy là buộc trên lưng hắn ta một cái xác rồi thả vào trong một thung lũng hoang vắng, để cái đói, cái khát, cái nắng và cả cái xác kia hành hạ hắn tới chết. Câu chuyện chỉ có thế nhưng ám ảnh tôi mãi. Năm 1969, sau Mậu Thân, tôi về thăm mẹ tản cư dưới chân thành Bình Định. Tôi viết một mạch nửa tháng thì xong và gửi cho người bạn mới quen ở NH xem. Bốn năm sau, của hồi môn của người vợ mới cưới có tập bản thảo đó. (Nếu nàng không lấy tôi thì chắc cũng mất rồi).

Cái xác chết trên lưng “Người Tử Tù” của Khuất Đẩu , theo lời tác gỉa, chính là định mệnh mà dân tộc Việt Nam phải vác trên vai hơn nửa thế kỷ nay.

Cái xác chết ấy, đến ngày hôm nay, vẫn còn là hiện thân của cái đích cho mọi sự nguyền rủa:

“ . . .Trong khi người tù nằm đợi chết trong một chiều nắng quái thì một bóng ma ngồi xuống bên anh. Hắn rì rầm như đang đọc một bài kinh cứu khổ.

Ông là ai? người tù hỏi

Ta là chủ của cái xác đang nằm trên lưng anh

À ra thế, xin cho biết quý danh

Hãy gọi ta là lãnh tụ

Lãnh tụ là gì?

Là người quyền lực hơn tất cả mọi quyền lực, là người sáng suốt hơn tất cả mọi sự sáng suốt, nhưng cũng là người sai lầm hơn tất cả mọi sự sai lầm.

Và vì vậy ông nằm trên lưng tôi?

Đúng vậy. Ta đã được ngợi ca, được tôn xưng và sau cùng là bị nguyền rủa. Ông bị giết?

Không, ta chết già đó chứ. Ta đã sống một đời đáng sống, một đời hơn cả Néron, Tần Thỉ hoàng. Ta đã có lúc còn hơn cả chúa Trời. Mọi ý tưởng của ta đều được răm rắp tung hô và đều được thực thi hoàn hảo.

Thế tại sao ông nằm trên lưng tôi?

Thì đó là do những sai lầm. Khi sống ta không phải trả giá, nhưng khi chết, ta bị đày đọa như thế này.

Ông có biết vì sao tôi bị bắt?

Vì anh ngây thơ quá. Anh yêu những thứ không đâu. Nào là cỏ cây muông thú, nào là trời mây bát ngát, nào là sông biển núi rừng, nào là dân tộc khổ đau, nào là tự do dân chủ…toàn những thứ vớ vẩn. Muốn sống yên, chỉ có thể yêu và nên yêu duy nhứt một người thôi, đó là lãnh tụ.

Nhưmg, ông chết rồi kia mà.

Ta chết, nhưng còn chán vạn kẻ khác vẫn muốn làm lãnh tụ.

Ông có biết cha tôi không?

Cha anh là một người yêu nước ngu dại. Cái gì mà không thành công cũng thành nhân. Một khi đã không nắm được quyền uy, thì thành nhân chỉ là chút an ủi khi thất bại mà thôi.

Ông có xấu hổ không?

Xấu hổ là một từ không hề có trong đầu lãnh tụ.

Ông có yêu ai không?

Lãnh tụ không yêu ai cả ngoài lãnh tụ.

Hèn nào tôi gặp ông ở đây.

Đúng rồi, ta vẫn yêu ta ngay cả khi cái xác thối rữa.

Vậy thì lũ chim đen là kẻ thù của ông?

Không, ta biết ơn chúng là đằng khác. Rồi anh sẽ thấy, nhờ chúng mà đời đời ta còn được nghe nói tới. Quạ quạ, nghe như đại họa phải không? Một nghĩa nào đó, ta bất tử, cho dù là tiếng xấu.

Ông thích bất tử quá nhỉ?

Bất tử là một cách khẳng định rằng ta đã làm nên lịch sử. Ta yêu sự bất tử như quỷ ma yêu bóng tối.

Vậy mà có lúc tôi tưởng ông là một người anh em. Tôi đã xót xa, thương cảm cho cái xác trên lưng mình. Tôi nghĩ đây là một con người, cũng có môi miệng để hôn, có trái tim để xúc cảm, có đầu óc để nghĩ suy, một người rất mực nhân ái. Nhưng tôi đã lầm! Phải thú thực rằng, tôi rất xấu hổ khi buộc phải mang cái xác của ông trên lưng.

Ừ, cứ thoải mái nguyền rủa ta đi. Có lãnh tụ nào trên thế giới mà khi chết đi không bị nguyền rủa. . . “ (Người Tử Tù)

Nhà văn Khuất Đẩu viết “Người Tử Tù” lần thứ nhất năm 1969, sau biến cố Tết Mậu Thân lúc ông về thăm quê nhà ở Bình Định. Năm 2010, ông viết lại tác phẩm lần thứ hai. Tháng 6 năm nay, gởi tác phẩm được hiệu đính lần cuối đến TV&BH, ông bảo đã đến lúc ông “về thu xếp lại”. Và ông chua thêm ở cuối truyện: Những bản lần trước in cho thân hữu, coi như chưa hoàn chỉnh. Đây là bản cuối cùng.

Một tác phẩm cần đến 40 năm để hòan chỉnh. Dù vậy, đọan kết của nó hình như vẫn chưa phải là ước vọng của tác giả? Ông đành lòng ghi “bản cuối cùng” vị sợ rằng mình không còn thì giờ chăng?

Đọc những dòng cuối cùng của Người Tử Tù, tôi mường tượng ra hình ảnh “trái tim rực sáng và bất ngờ bay vọt ra khỏi bóng tối. Bay, bay vút lên trời cao với đường bay xanh biếc như sao băng”.

Và rùng mình! Vì biết rằng rồi cũng sẽ tới cái ngày ấy!

T.Vấn

20 tháng 7 năm (1954) 2012

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search