T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Về quê ăn Tết

 


1.

Cuối của một ngày. Cuối của một năm. Cuối của một đời. Những khái niệm chỉ khác nhau về độ dài thời gian. Nhưng âm vang và ý nghĩa dường như chúng không khác nhau mấy. Ðó là cái cảm giác rất quen thuộc về một nơi chốn của riêng mình. Nơi đó, tuy đạm bạc  đơn sơ, vẫn là nơi mình muốn trở về để yên nghỉ.

Và vì thế, trong những ngày cuối năm này, tôi cứ mãi bâng khuâng với hồi ức về những ngày tết quê nhà. Về hình ảnh bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương và những lư đồng bóng loáng giữa đêm cúng giao thừa. Về mâm cơm cuối năm cả gia đình quây quần –  ngon hay dở,  nghèo hay sang – vẫn là mâm cơm gia đình mà tôi đã quen thuộc từ ngày chập chững biết cầm đũa, biết giữ chén cơm cho khỏi vương vãi trên nền nhà đất nện. Chao ôi! Làm sao không trăn trở cho được trong những lúc năm cùng tháng tận?

Hình ảnh đoàn tụ thiêng liêng ấy, ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh có khác nhau, nhưng vẫn chung một cái hồn, cái tinh túy làm nên chất keo khắng khít, làm nên hình ảnh cụ thể về một chốn quê nhà. Ðể rồi, mỗi khi cơn gió cuối năm thổi về – dù mạnh dù nhẹ – đều làm rung lên được sợi dây đàn nhạy cảm nhất trong số những sợi dây hồi ức đan kết vào nhau thành cái hồn tinh túy mà không ai trong chúng ta không có.

(Trích: Cuối của một năm)

2.

Tiếng người bạn bên kia đầu dây với niềm vui vỡ òa trong một chiều cuối năm. Vậy là, anh đã có mặt ở quê nhà để ăn cái tết đầu tiên sau nhiều năm anh chỉ biết mơ ước. Qua âm thanh không được rõ lắm của chiếc điện thoại di động, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng người xôn xao cười nói, và trên hết, cái thổn thức qua giọng nói của bạn tôi, cho thấy nỗi xúc động không thể che giấu được. Về quê ăn tết. Bốn chữ thật đơn sơ, giản dị, nhưng sao đầy ắp những nỗi niềm. Nỗi niềm của người đi xa được trở về ăn tết ở quê nhà. Đã đành. Cả nỗi niềm của người đã đi xa nhiều năm, nhưng vẫn chưa một lần được hưởng cái hạnh phúc như anh bạn tôi đang hưởng. Thế là lại vẫn câu nói cũ kỹ hàng bao năm được nhắc lại. Thêm một cái tết tha hương giữa mùa đông xứ người lạnh lẽo.

Bao nhiêu năm nay, câu chuyện đã cũ mèm. Cũng cái tâm tư vọng nhớ quê nhà mỗi khi năm hết tết đến. Cũng mơ ước truyền thống rằng năm mới đến sẽ mang theo nhiều niềm vui mới cho gia đình, vận hội mới cho đất nước trở mình thoát kiếp nghèo khó, thoát cảnh áp bức độc tài. Ba mươi năm nỗi vọng nhớ vẫn cứ là vọng nhớ, niềm mơ ước vẫn cứ là niềm mơ ước.

Chỉ tội nghiệp cho những người mà quỹ thời gian còn lại quá ngắn ngủi. Chưa chắc gì khi xuôi tay nằm xuống, họ nhìn thấy mơ ước của mình đã trở thành thực tại. Có chăng là chút nắm xương tàn được cháu con đem về chôn giữa mảnh đất quê nhà, như niềm an ủi cuối cùng cho những mảnh đời xa xứ.

Mỗi năm qua đi, tuổi của chúng ta lại được cộng thêm một số. Và thời gian còn lại – của một đời người – cũng bị giảm đi một số. Nói cách khác, cứ mỗi một năm qua đi, những ước mơ của chúng ta về cuộc trở về quê nhà trong những ngày cuối cùng của một năm dường như lại giảm đi thêm một chút khả năng biến thành hiện thực. . .

Biết nói sao hơn được! năm cùng tháng tận, cũng có nghĩa là sức mỏi hơi tàn.

(trích: Nước non ngàn dặm . . . trở về)

T.Vấn

 

 

 

 

©T.Vấn 2007 , 2013

Bài Mới Nhất
Search