T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (13) – LES FEUILLES MORTES (Autumn Leaves – Những chiếc lá úa) – KOSMA & PRÉVERT

clip_image001

Trong bài kỳ trước, khi viết về bản mambo/chachacha phổ biến nhất thế giới, Cherry Pink and Apple Blossom White, chúng tôi đã giới thiệu ca khúc nguyên bản lời Pháp Cerisier rose et pommier blanc qua tiếng hát của Tino Rossi – đệ nhất thần tượng ca nhạc Pháp vào các thập niên 1940, 1950. Tuy nhiên, Cerisier rose et pommier blanc chỉ trở nên “phổ biến nhất thế giới” sau khi được đặt tựa tiếng Anh và được các ban nhạc trình bày bằng nhạc khí (instrumental), còn nếu nói về ca khúc lời Pháp nguyên bản nổi tiếng nhất của Tino Rossi, phải là bản Les Feuilles Mortes, một trong những tình khúc bất hủ của nhân loại.

Trong số các ca khúc hiện đại (modern songs, sau thời kỳ cổ điển), tính cả theo thứ tự thời gian sáng tác lẫn mức độ phổ biến, chúng ta đã lần lượt có La Paloma Besame Mucho đứng nhất và nhì. Điều này không ai có thể bác bỏ. Còn hạng ba? Theo chúng tôi chính là bản Les Feuilles Mortes. Dĩ nhiên, tùy cảm quan nghệ thuật, trình độ và khuynh hướng thưởng thức của từng cá nhân, từng thế hệ, không phải ai cũng cho Les Feuilles Mortes đứng hạng ba, nhưng người nào vừa học sinh ngữ Pháp vừa có đầu óc lãng mạn, chắc chắn sẽ chấm Les Feuilles Mortes, và phải là Les Feuilles Mortes do Tino Rossi hát!

* * *

clip_image003

Tino Rossi là người đảo Corse, tức Corsica, ngày xưa thuộc Ý, sau này thuộc Pháp. Có lẽ đa số độc giả cũng biết Napoléon Bonaparte – sau trở thành Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất của Pháp, cũng là người đảo Corse. Nhiều người đã xưng tụng Tino Rossi là người con yêu nổi tiếng thứ nhì xuất thân từ hòn đảo này, sau vị Hoàng đế lừng danh.

Tino Rossi tên đầy đủ là Constantino Rossi, ra chào đời năm 1907 tại thị trấn Ajaccio, thủ phủ đảo Corse. Có năng khiếu đàn ghi-ta và một giọng tenor thiên phú, Tino Rossi khởi nghiệp đàn hát tại các quán rượu địa phương, rồi tới hải cảng Marseilles, và sau đó là khu nghỉ mát French Riviera nổi tiếng bên bờ Địa Trung Hải.

[French Riviera là tên người Anh gọi vùng bờ biển Côte d’Azur thơ mộng ở đông nam nước Pháp, gồm có Tiểu vương quốc Monaco, các thành phố Nice, và Cannes – nơi tổ chức Đại hội Điện ảnh Quốc tế hàng năm]

Đầu thập niên 1930, Tino Rossi, khi ấy 25 tuổi, rời Côte d’Azur để lên kinh thành ánh sáng Paris thử thời vận, và đã nổi tiếng một cách mau chóng, được hãng đĩa hát Columbia ký hợp đồng. Tino Rossi không chỉ có tài đàn hát mà còn có một khuôn mặt điển trai như thần tượng điện ảnh Rudolph Valentino của điện ảnh Mỹ thời phim câm, cho nên song song với việc ca hát, ông còn được mời đóng trên 25 cuốn phim, và được hàng triệu phụ nữ trên thế giới ái mộ.

Riêng về ca hát, tại Việt Nam ngày ấy (thập niên 1940-1950), Tino Rossi cùng với nữ danh ca Pháp Lucienne Boyer là hai giọng ca được ái mộ nhất. Có điều thú vị là nếu chỉ tính về số lượng đĩa hát bán ra, thành công lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của Tino Rossi lại không phải là một bản nhạc tình, mà là một ca khúc Giáng Sinh, bản Petit Papa Noel.

Petit Papa Noel là một sáng tác của Raymond Vincy và Henri Martinet, viết để Tino Rossi trình bày trong cuốn phim Destins (1946) do ông thủ một vai chính. Đĩa hát Petit Papa Noel được phát hành cùng năm, và cho tới nay vẫn giữ kỷ lục trong lịch sử ca nhạc Pháp với 6 triệu đĩa, còn nếu tính trên toàn thế giới, con số ấy là 30 triệu.

Phụ lục (1): Petit Papa Noel, Tino Rossi (1946)

01-Tino Rossi – Petit papa Noel

Có thể nói, cùng với ca khúc truyền thống Minuit Chrétien, Petit Papa Noel phải được xem là một trong hai ca khúc về Giáng Sinh của Pháp được ưa chuộng nhất. Petit Papa Noel không bao giờ xưa cũ, và đã đem lại đĩa vàng cho nhiều ca sĩ, ban nhạc, ban hợp ca hiện đại, như Celine Dion, Josh Groban, Paul Mauriat, Boney M… Riêng Tino Rossi, vào tuổi 72, theo yêu cầu của người ái mộ, đã hát lại ca khúc này để thu video vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1979 (video: Petit Papa Noel par Tino Rossi – YouTube).

Phụ lục (2): Petit Papa Noel, Josh Groban (2008)

02-Petit Papa Noel

Phụ lục (3): Petit Papa Noel (Thư gửi cha già Noel), Ngọc Lan

03-ThuGuiChaGiaNoel-NgocLan

Tuy là thần tượng của hàng triệu bông hoa biết nói, Tino Rossi đã “dừng bước giang hồ” vào tuổi 40 để trao trọn trái tim (và cả cuộc đời của mình) cho Lilia Vetti, một nữ vũ công mà ông gặp gỡ khi cùng đóng chung trong một cuốn phim; hai người thành hôn vào năm 1947.

Năm 1982, sau khi được Tổng thống Pháp Francois Mitterand trao gắn Danh Dự Bội Tinh, huân chương cao quý nhất của Pháp, Tino Rossi, khi ấy đã 75 tuổi, quyết định trình diễn lần cuối cùng trước công chúng tại Casino de Paris. Trước sự đòi hỏi của người ái mộ, “buổi trình diễn cuối cùng” ấy đã được diễn đi diễn lại suốt 3 tháng trời. Qua năm sau, 1983, Tino Rossi qua đời vì ung thư tuyến giáp trạng.

* * *

clip_image005

Jacques Prévert(1900–1977)

Tới đây, nói về bản Les Feuilles Mortes, được đặt tựa tiếng Anh là Autumn Leaves. Bản này nguyên là một bài thơ có cùng tựa của thi sĩ Jacques Prévert, sáng tác năm 1945.

Tại Pháp cũng như các quốc gia nói tiếng Pháp, hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, trong đó có Việt Nam, Jacques Prévert (1900–1977) được xem là một tên tuổi lớn. Ông không chỉ là một thi sĩ thuộc trường phái siêu thực với trên 500 bài thơ nổi tiếng, trong đó có hàng chục bản được phổ nhạc, mà còn là một nhà viết truyện phim (scriptwriter) lừng danh, mà tác phẩm điển hình nhất là cuốn phim Les Enfants du Paradis (Children of Paradise) thực hiện năm 1945.

Những độc giả mê phim Pháp của Sài Gòn năm xưa hẳn chưa quên Les Enfants du Paradis, cuốn phim dài 3 tiếng đồng hồ, nói về quan hệ tình cảm giữa một nữ vũ công tuyệt sắc (showgirl) và 4 người đàn ông thuộc 4 thành phần khác nhau trong xã hội. Les Enfants du Paradis đã được nhiều người so sánh với Gone With The Wind – tức Cuốn theo chiều gió của Mỹ. Năm 1995, hơn 600 nhà bình phim và nhân vật uy tín trong làng điện ảnh Pháp đã bình bầu Les Enfants du Paradis là cuốn phim Pháp hay nhất từ xưa tới nay.

Trở lại với bài thơ Les Feuilles Mortes của Jacques Prévert, qua năm 1946 đã được nhạc sĩ Joseph Kosma phổ nhạc để nam nhân vật chính hát trong cuốn phim Les Portes de la Nuit, cũng do Jacques Prévert viết kịch bản. Vai này được trao cho Yves Montand, nhân tình trẻ của nữ danh ca Pháp Édith Piaf, và đã tạo được tên tuổi cho chàng diễn viên kiêm ca sĩ Pháp gốc Ý 25 tuổi.

clip_image007

 

[Yves Montand (1921-1991) xuất thân là một phu bến tàu, rồi theo một gánh hát dạo. Được Édith Piaf khám phá năm 23 tuổi, về sau Yves Montand trở thành một tên tuổi nổi tiếng quốc tế, về cả sự nghiệp điện ảnh, ca hát lẫn ái tình. Ông kết hôn với đệ nhất nữ diễn viên Pháp Simone Signoret nhưng vẫn có những mối tình lẻ, mà gây tai tiếng nhất là vụ cặp với thần tượng nhục thể Mỹ Marilyn Monroe sau khi sang Hồ-ly-vọng đóng chung với nàng trong cuốn phim Let’s Make Love năm 1960]

Riêng tại Việt Nam, vì khi ấy Tino Rossi đang là tiếng hát được ái mộ nhất, còn Yves Montand thì chưa mấy ai biết tới, cho nên bản Les Feuilles Mortes do Tino Rossi thu đĩa cũng là bản được yêu chuộng nhất. Theo hồi tưởng của những người thuộc thế hệ đàn anh đàn chị ở Sài Gòn, nơi có nhiều trường dạy theo chương trình Pháp, những người mà vào cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, trái tim đã biết rung động, thì bản Les Feuilles Mortes của Tino Rossi đã trở thành một hiện tượng, đến nỗi hầu như cô gái nào có đôi chút lãng mạn trong tâm hồn, cũng thuộc lòng lời hát, tức bài thơ tình buồn của Jacques Prévert. Về phần các chàng trai ở Hòn Ngọc Viễn Đông, phải biết huýt gió phần “intro” của đĩa hát này thì mới được xem là người sành điệu…

Phụ lục (4): Les Feuilles Mortes, Tino Rossi

04-les feuilles mortes – tino rossi(2)

Lời hát của Les Feuilles Mortes nói về tâm sự của một người con trai, nhìn lá vàng rơi mà chạnh lòng nhớ tới người yêu đã xa, và nhớ lại khúc hát năm xưa nàng thường hát cho mình nghe…

Ca khúc Les Feuilles Mortes qua sự trình bày của Tino Rossi gồm hai phần, phần đầu diễn tả theo thể tự do, được xem là phiên khúc 1, phần hai hát theo nhịp điệu 4/4, được xem là điệp khúc. Lời hát trong nguyên tác còn có phiên khúc 2, và theo suy nghĩ của chúng tôi, phải hát (hoặc đọc) cả phiên khúc 2 thì mới thấy trọn vẹn cái hay trong bài thơ của Jacques Prévert:

(1)

Oh! je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié…
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.

Điệp khúc:
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable

Les pas des amants désunis.

(2)

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant, tu étais si jolie,
Comment veux-tu que je t’oublie?
En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l’entendrai!

* * *

Nói về mùa thu, thực ra không chỉ ở Pháp nói riêng, hay các quốc gia Âu Mỹ nói chung, mà ở bất cứ phần đất nào trên thế giới có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa thu lá vàng cũng luôn là đề tài được ưa chuộng nhất, đẹp nhất, trữ tình nhất trong thi ca.

Trong nền tân nhạc Việt Nam, những ca khúc lấy thu làm đề tài như Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn, Thu vàng của Cung Tiến, Em ra đi mùa thu của Phạm Trọng Cầu, Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn, Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên, Mùa thu mây ngàn của Từ Công Phụng… đều là những ca khúc được yêu thích, bởi nó vừa đẹp và buồn.

Đẹp, bởi vì mỗi độ thu về, thời gian như ngừng trôi để níu kéo tháng ngày, bâng khuâng khơi niềm nhớ, gợi lại những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua; một cơn gió heo may chợt tới, một chiếc lá vàng nhẹ rơi, đều có thể khiến hồn ta man mác buồn… Đó cũng chính là cái đẹp cái buồn trong Les Feuilles Mortes, chứ chưa đến nỗi bi lụy thảm sầu như trong Adieu (Mùa thu chết) của Apollinaire, Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn, Buồn tàn thu của Văn Cao, hay Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh…

Năm 1947, Les Feuilles Mortes được Johnny Mercer (1909–1976) – ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc kiêm nhà đặt lời hát nổi tiếng của Hoa Kỳ, và cũng là người đồng sáng lập hãng đĩa hát Capitol Records – đặt lời bằng tiếng Anh với tựa Autumn Leaves.

Nhưng thay vì đặt lời tiếng Anh cho toàn bộ ca khúc (2 phiên khúc + 1 điệp khúc), Johnny Mercer đã chỉ đặt lời cho điệp khúc, tức 8 câu hát theo nhịp 4/4, như sau:

The falling leaves drift by the window
The autumn leaves of red and gold
I see your lips, the summer kisses
The sun-burned hands I used to hold
Since you went away the days grow long
And soon I’ll hear old winter’s song
But I miss you most of all my darling
When autumn leaves start to fall.

(Tương ứng với 8 câu của điệp khúc trong nguyên tác:

C’est une chanson, qui nous ressemble
Toi tu m’aimais et je t’aimais
Nous vivions tous, les deux ensemble
Toi que m’aimais moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable

Les pas des amants désunis)

Hầu hết ca sĩ nổi tiếng của Mỹ khi hát Autumn Leaves, đã chỉ hát 8 câu trong điệp khúc nói trên, trong số ấy được ưa chuộng nhất phải là đệ nhất danh ca da đen Nat King Cole, trình bày trong cuốn phim có cùng tựa do nữ diễn viên Joan Crawford thủ vai chính (1956).

Tuy nhiên, trên trường quốc tế nói chung, nổi tiếng nhất có lẽ là Autumn Leaves do nữ danh ca huyền thoại Édith Piaf của Pháp hát cả lời Anh lẫn lời Pháp vào đêm Vọng Giáng Sinh (Christmas Eve) năm 1950.

Phụ lục (5): Autumn Leaves, Nat King Cole

05-Autumn Leaves – Nat King Cole )

Phụ lục (6): Autumn Leaves, Édith Piaf

06-Les Feuilles Mortes – Edith Piaf

Video:

The Autumn Leaves By Nat King Cole – YouTube

Autumn Leaves – Edith Piaf – YouTube

Andrea Bocelli with his Fiancee Les Feuilles Mortes – YouTube

* * *

Năm 1955, Autumn Leaves do Roger Williams độc tấu dương cầm đã lên tới hạng nhất trên bảng xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard, tính tất cả mọi thể loại ca, nhạc) trong bốn tuần lễ liên tục; và cho tới nay vẫn được ghi nhận là bản độc tấu dương cầm duy nhất được đứng hạng nhất trên Billboard.

Phụ lục (7): Autumn Leaves, Roger Williams

07-Autumn Leaves – piano – Roger Williams (2)

Tùy ca sĩ, nhạc sĩ, hoặc ban nhạc trình bày, Les Feuilles MortesAutumn Leaves có khi được xem một ca phúc phổ thông (pop standard), cũng có khi được xem là một bản jazz (jazz standard).

Theo giới chuyên nghiệp, với cấu trúc đơn giản, Les Feuilles MortesAutumn Leaves được xem là một bản jazz căn bản, lý tưởng nhất cho những ca nhạc sĩ khi muốn bước vào thể loại này.

Trong giới nhạc jazz quốc tế, hầu như không có ca sĩ, nhạc sĩ nào không trình bày Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves. Riêng với giới trẻ Âu Mỹ, hoặc những người lớn tuổi nhưng vốn chuộng cả “thanh” lẫn “sắc”, có lẽ Patricia Kass của Pháp là người được ái mộ nhất.

clip_image009

Patricia Kass

Sinh năm 1966, hiện nay Patricia Kass được xem là nữ ca sĩ nhạc pop và nhạc jazz được ái mộ hàng đầu ở Âu Châu. Patricia Kass thu đĩa Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves năm 2002, trong đó nàng trình bày một phần của phiên khúc (1) bằng tiếng Pháp, sau đó hát điệp khúc lời tiếng Anh.

Phụ lục (8): Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves, Patricia Kass

08-Autumn leaves – Patricia Kass

Tới đây, nói về những bản Les Feuilles Mortes lời Việt. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù có thể chưa đầy đủ, đã có tới năm bản lời Việt khác nhau, gồm: Những chiếc lá úa, Lá mùa thu, Lá rụng, Tình như lá rụng, Tình khúc mùa thu.

Qua tìm hiểu trên các trang mạng, chúng tôi tin rằng bản Những chiếc lá úa của tác giả Phong Vũ, xuất bản năm 1957, là bản đầu tiên. Về sau, bản này đã được nữ danh ca Thái Thanh thu băng, nhưng rất tiếc hiện nay chúng tôi không tìm được băng nhạc này.

Riêng hai bản Lá mùa thu Tình như lá rụng, chúng tôi không được biết tên tác giả cũng như ca sĩ trình bày. Về phần bản Lá rụng, chúng tôi cũng không biết tên tác giả nhưng trước năm 1975 đã được nghe Sĩ Phú trình bày. Lời hát của bản này, theo cảm quan cá nhân của chúng tôi, thật tuyệt vời, và Sĩ Phú hát cũng rất đạt. Vì thế, dù chất lượng của băng nhạc cũ sang đi sang lại rất kém, chúng tôi cũng xin gửi bản này tới độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, như một nhắc nhớ về những ngày tháng cũ, những người năm cũ, nay đã xa thật xa.

Phụ lục (9): Lá rụng, Sĩ Phú

09-LaRung-Siphu

Cuối cùng là bản lời Việt tựa đề Tình khúc mùa thu của Nguyễn Tuấn Kiệt, viết sau năm 1975, được trình bày qua tiếng hát của Xuân Phú.

Những thông tin hiếm hoi trên các trang mạng cho biết Nguyễn Tuấn Kiệt nguyên quán Đình Bảng, Hà Nam, nhưng ra chào đời tại Gia Định. Trước năm 1975, học guitar cổ điển tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 16 tuổi. Tác phẩm tổng cộng khoảng 200 ca khúc.

Xét về chất thơ cũng như tính cách văn hoa trong lời hát, bản Tình khúc mùa thu không bằng bản Lá rụng (Sĩ Phú hát), nhưng nếu xét về mức độ trung thực so với nguyên tác Les Feuilles Mortes, thì Tình khúc mùa thu của Nguyễn Tuấn Kiệt phải được xem là một bản dịch tuyệt hảo. Quý độc giả nào vẫn còn giữ được chút vốn liếng tiếng Pháp ngày xưa, nếu tai nghe bản Tình khúc mùa thu, mắt đọc Les Feuilles Mortes, chắc hẳn sẽ đồng ý với nhận xét của chúng tôi.

clip_image010

Xuân Phú

Còn nam ca sĩ Xuân Phú, người hát bản Tình khúc mùa thu, tên thật là Đỗ Xuân Phú, sinh năm 1977 tại Đà Lạt. Anh có một giọng nam trung (baritone) thiên phú, thích hợp với dòng nhạc tiền chiến cũng như những bản bán cổ điển, hoặc jazz cần tới một giọng hát diễn tả và đầm ấm.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nói tới phần nhạc đệm trong bảnTình khúc mùa thu do Xuân Phú thu đĩa. Mặc dù trình độ của các nhạc sĩ và số lượng nhạc cụ sử dụng trong bản này chưa thể sánh với những dàn nhạc jazz quốc tế (chẳng hạn Dàn nhạc jazz thành phố Paris đệm cho nữ danh ca Gia-nã-đại Diana Krall trong album để đời “Diana Krall – live in Paris” năm 2002), nhưng cũng đủ để được xem là tương xứng với lời hát của Nguyễn Tuấn Kiệt, giọng hát của Xuân Phú, và làm hài lòng những người khó tính nhất.

Cuối cùng, chúng tôi không quên gửi tới quý độc giả bản Les Feuilles Mortes qua tiếng đàn guitar của Vô Thường (1940-2003), người nghệ sĩ đàn tay trái đầy huyền thoại của Việt Nam.

Phụ lục (10): Tình khúc mùa thu (Nguyễn Tuấn Kiệt), Xuân Phú.

10-Tinh khuc mua thu- Xuan Phu

Phụ lục (11): Les Feuilles Mortes (guitar), Vô Thường

11 – Autumn Leaves (Guitar) – Instrumental

HOÀI NAM

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search