T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : Những Ca Khúc Ngọai Quốc lời Việt (9)- La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy), RODRIGUEZ

clip_image002

Trước khi đi vào đề tài của kỳ này là bản La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy), chúng tôi xin dành đôi hàng để bổ túc phần Phụ Lục của các bài trước, đó là phần video của các nhạc khúc, ca khúc được nhắc tới trong bài.

Trong đa số trường hợp, các nhạc khúc, ca khúc ấy đều có phần video (tức “video clip”) trên YouTube (Google) mà mọi người có thể thưởng thức “free”. Ưu điểm của “video clip” ngoài phần hình ảnh (ca nhạc sĩ, dàn nhạc, phụ diễn, hoặc trích đoạn từ phim, kịch, hay ngoại cảnh thể hiện ý nghĩa, làm nền cho nội dung…), còn là phần âm thanh trung thực hơn.

Vì thế, bắt đầu từ kỳ này, bên dưới “Phụ Lục Audio” chúng tôi sẽ ghi thêm “Phụ Lục Video” (nếu có) để quý độc giả có thể thưởng thức cùng lúc với bài viết, hoặc sau đó trong những giờ phút rỗi rảnh, thư thái.

Riêng những “video clips” liên quan tới loạt bài đã phổ biến, chúng tôi nhận thấy có một số không thể bỏ qua, và sau đây xin được giới thiệu tới thiệu tới người thưởng ngoạn:

Bài 2: Fur Elise (Khi tình yêu tới), piano; từ khóa: Fur Elise Ivo Pogorelich

Bài 3: Serenade (Dạ khúc), từ khóa: (1) Schubert Serenade Piano Horowitz, (2) Schubert Serenade Violin Andre Rieu

Bài 6: Blue Danube (Dòng sông xanh); từ khóa:The Blue Danube Vladimir Malakhov. Waves of Danube (Sóng nước biếc); từ khóa: Waves of Danube My Choice 668

Bài 7: Serenata (Chiều tà); từ khóa: Toselli Serenata Andre Rieu 2006. Torna A Surriento (Về mái nhà xưa); từ khóa: Torna A Surriento Luciano Pavarotti, hoặc Torna A Surriento Andrea Bocelli

Bài 8: La Paloma (Cánh buồm xa xưa); từ khóa: La Paloma Nana Mouskouri, hoặc La Paloma Dean Martin.

Cũng xin viết thêm, khi vào Google (YouTube) thưởng thức “video clip” được yêu cầu, chúng ta còn được giới thiệu thêm hàng chục, có khi hàng trăm “video clips” khác của tác phẩm ấy, hoặc của nghệ sĩ trình diễn. Chẳng hạn khi xem “video clip” Andrea Bocelli trình bày bản Torna A Surriento chúng ta sẽ thấy ở cột phía bên mặt giới thiệu “video clip” của những ca khúc bất hủ khác do ông trình bày, như hai bản Ave Maria, Besame Mucho, O Sole Mio, Time to Say Goodbye, v.v…

* * *

Tới đây chúng tôi xin đi vào đề tài chính của kỳ này: bản La Cumparsita, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vũ nữ thân gầy.

Theo sự phân định thời gian của các nhà nhạc sử học cũng như hình thức nội dung của thể loại, La Cumparsita nói riêng, các ca khúc Tango nói chung, được phân loại là “ca khúc hiện đại” (modern songs).

Cho tới nay, La Cumparsita không chỉ được xem là ca khúc theo thể điệu Tango phổ biến nhất thế giới, mà còn là tác phẩm âm nhạc gây tranh cãi, thưa kiện nhiều nhất, giữa các cá nhân cũng như giữa hai quốc gia Nam Mỹ cùng nhận là xuất xứ của La Cumparsita là Á-căn-đình và Uraguay.

Trước khi nói về La Cumparsita , chúng tôi xin viết sơ qua về thể điệu Tango.

Quê hương của Tango là vùng Rio de la Plata (Silver River, Dòng Sông Bạc), một cửa sông rộng tới 220 cây số, và cũng là biên giới giữa hai quốc gia Uraguay và Á-căn-đình; ở tả ngạn là Montevideo, thủ đô Uraguay, ở hữu ngạn là Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình.

Vùng Rio de la Plata không chỉ được xem là trung tâm văn hóa của cả Nam Mỹ mà còn là nơi quy tụ tới hơn 50% dân số của Uraguay và Á-căn-đình (thời gian cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20), gồm đủ mọi thành phần xã hội: quý tộc, tài phiệt, nghệ sĩ, anh chị, tội phạm, lao động cùng đinh, da đỏ Nam Mỹ (Incas), cự nô lệ da đen… Và trong bối cảnh ấy, thể điệu và vũ điệu Tango – vũ điệu nóng bỏng, gợi tình nhất – đã ra đời.

Thể điệu Tango được hình thành tại Rio de la Plata từ giữa tới cuối thế kỷ thứ 19; thời gian đầu đã bị tầng lớp thượng lưu, trung lưu đánh giá là chỉ dành cho các thành phần anh chị giang hồ – thường là di dân gốc Ý, Pháp, Tây-ban-nha, và các cô gái điếm.

Nhưng sau khi Tango được các ban nhạc và ca sĩ Á-căn-đình đưa sang Paris vào thời gian trước Đệ nhất Thế chiến, thì đã được cả tầng lớp thượng lưu, trung lưu lẫn bình dân nồng nhiệt đón nhận. Rồi từ kinh thành ánh sáng, Tango đã chinh phục cả thế giới.

* * *

Trong bài kỳ trước, giới thiệu bản La Paloma, một ca khúc theo thể điệu Habanera, chúng tôi đã viết “…nửa thế kỷ sau khi Sebastian Yradier viết bản La Paloma, thể điệu Tango mới ra đời”.

Trên thực tế, trước đó đã có Tango, nhưng không phải là thể điệu Tango mà ngày nay chúng ta đang nghe, đang khiêu vũ, mà là hai loại Tango của thế kỷ thứ 19, là “Tango Habanera” và “Tango adaluz” (còn gọi là “Tango flamenco”).

Để độc giả đỡ “nhức đầu”, chúng tôi ghi ra công thức sau đây trước khi cố gắng giải thích một cách ngắn gọn:

Tango (hiện đại) = thể điệu Milonga + thể điệu Tango Habanera

Milonga là một điệu nhạc, điệu vũ dân gian rất phổ biến trong tầng lớp lao động ở Uruguay và Á-căn-đình vào thế kỷ thứ 19, gồm những tiết điệu Tây-ban-nha phối hợp với nhịp phách dân dã châu Phi (của người da đen sống ở Nam Mỹ). Ngày nay, chữ “milonga” trong tiếng Tây-ban-nha, tiếng Anh, còn có nghĩa là “một party công cộng có khiêu vũ”.

Còn Tango Habanera là sự phối hợp giữa thể điệu Tango adaluz (tức Tango flamenco) được du nhập từ Tây-ban-nha vào giữa thế kỷ 19, và thể điệu Habanera từ Cuba được đưa vào Nam Mỹ trong thập niên 1860.

Thời gian đầu, Tango Habanera rất được ưa chuộng, nhưng không bền lâu; và tới những năm cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20, sau khi được phối hợp với Milonga để trở thành Tango (hiện đại) thì hầu như không còn mấy ai thưởng thức Tango Habanera nữa, trừ những người có tinh thần hoài cổ.

[Viết thêm: trong nền tân nhạc VN trước năm 1975, có một số ca khúc được tác giả ghi thể điệu là “Tango Habanera”, điển hình là bản Nỗi Buồn Gác Trọ của Mạnh Phát, ngày ấy đi liền với tiếng hát Phương Dung. Thực ra, Nỗi Buồn Gác Trọ là một ca khúc được viết theo thể điệu Tango, và được đệm ghi-ta theo kiểu Habanera, nghĩa là không có gì liên quan tới thể điệu Tango Habanera của thế kỷ thứ 19 mà chúng tôi nhắc tới ở trên. Khi viết ra điều này, chúng tôi không có tham vọng làm công việc sửa sai, mà chỉ để nhấn mạnh: trong nền tân nhạc VN, hai chữ “Tango Habanera” chẳng qua chỉ là một cách đệm Tango chứ không phải là một thể điệu riêng biệt]

Bản Tango đầu tiên được thu đĩa (năm 1889) là La Canguela của một tác giả vô danh; và bản Tango nổi tiếng quốc tế đầu tiên là El Choclo (The Ear of Corn: trái bắp, bắp ngô) của nhà soạn nhạc Á-căn-đình Angel Villoldo, viết năm 1903.

Ngày nay, El Choclo đã được giới thưởng ngoạn xem là bản Tango được ưa chuộng thứ nhì, chỉ đứng sau bản La Cumparsita. Về sau, El Choclo được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Tình yêu như mũi tên.

Phụ lục (1) El Choclo, hòa tấu

01-ElChoclo-MarioBattaini

Phụ lục (2) El Choclo, Julio Iglesias

02-El Choclo

Phụ lục (3) Tình yêu như mũi tên, Nguyên Khang

03-TinhyeunhumuitenElChoclo-Kisso_mktv

Khi nói tới một thể điệu trong âm nhạc, mà ở đây là Tango, là nói tới hai thứ: thể loại nhạc (music genre) và thể điệu vũ (dance).

Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, Tango phát xuất từ vùng Rio de la Plata của hai quốc gia láng giềng Uraguay và Á-căn-đình. Thế nhưng, vì Tango được phát triển tại thủ đô Buenos Aires của Á-căn-đình, và từ đây được “xuất khẩu” đi khắp nơi trên thế giới, cho nên cả thể loại nhạc lẫn thể điệu vũ nguyên thủy thường được gọi là “Tango Á-căn-đình” (Argentine Tango, hoặc Tango Argentino).

Ngày nay, vũ điệu Tango có tới hơn một chục biến thể, mà phổ biến nhất là Ballroom Tango (Tango quốc tế), Tango Mỹ (American Tango), Tango Âu châu, Tango Phần-lan (Finnish Tango), v.v…, và dĩ nhiên không thể không nói tới các thể điệu “Tango không tên”, tiếng Anh gọi là “social tango”, là Tango đã được đơn giản hóa, địa phương hóa để ai cũng có thể dìu nhau ra sàn nhảy.

clip_image003

Cặp nhẩy Tango Á-căn-đình

Trong số hơn một chục cách nhảy Tango nói trên, chúng tôi chỉ nói về Tango Á-căn-đình và Ballroom Tango, tức Tango quốc tế.

[Ballroom dance được định nghĩa là “hình thức khiêu vũ với nhiều cặp tham gia, và tuân theo những nguyên tắc, quy luật chung của điệu khiêu vũ đó”. Thể điệu khiêu vũ đầu tiên được nhìn nhận là Ballroom dance là điệu Valse]

Có thể nói Tango quốc tế chính là Tango Á-căn-đình đã được người Anh cải biến; một cách chính xác hơn là giảm bớt mức độ gợi tình của vũ điệu đã từng bị Giáo hội Công giáo lên án và nhà nước Ý-đại-lợi ra lệnh cấm vào đầu thế kỷ thứ 20. Lệnh cấm này chỉ được bãi bỏ sau khi giới trẻ thượng lưu yêu thích Tango tổ chức một buổi biểu diễn vào tháng 3/1914 dành riêng cho Đức Giáo hoàng Pi-ô X và các vị Hồng Y ở Rome thưởng lãm; kết quả Ngài đã tỏ ra thích thú và phán: Ta rất hiểu các con thích nhảy nhót. Chúng ta đang ở trong mùa hội và các con còn trẻ. Vậy thì hãy cứ nhảy và vui hưởng. Nguyên văn: I understand very well that you like to dance; we are in carnival time and you are young. So dance and enjoy it (theo cuốn Crónica General del Tango của José Gobello, xuất bản 1986).

Tới năm 1920-1921, Tango quốc tế đã được chuẩn hoá trong một hội nghị của Liên đoàn Khiêu vũ Quốc tế ở Luân Đôn.

Khác biệt căn bản giữa hai vũ điệu là khi nhảy Tango Á-căn-đình, phần trên thân thể của đôi nam nữ ghì sát vào nhau, trong khi phần dưới thì lại cách rời, Tango quốc tế thì ngược lại, phần trên thân thể cách rời nhưng phần dưới lại quyện vào nhau.

Tango Á-căn-đình không chỉ có những bước cầu kỳ hơn Tango quốc tế, mà đòi hỏi cả “diễn xuất bằng nét mặt”, cho nên mức độ phổ biến ngày càng suy giảm so với Tango quốc tế.

Đó là khác biệt giữa hai điệu khiêu vũ (dance) Tango Á-căn-đình và Tango quốc tế. Còn nói về khác biệt giữa thể loại nhạc (music genre) Tango Á-căn-đình và Tango quốc tế thì rất phức tạp, cho nên chúng tôi xin giản lược như sau:

Trong khi Tango Á-căn-đình là một thể loại nhạc có những quy tắc truyền thống riêng biệt thì Tango quốc tế chỉ là bất cứ bản Tango hiện đại nào thích hợp với những bước nhảy của điệu vũ.

Quy tắc thứ nhất của Tango Á-căn-đình là thành phần ban nhạc bắt buộc phải có ít nhất 6 người (sextet), gồm 2 vĩ cầm, 1 dương cầm, 1 đại hồ cầm (double bass), và 2 đàn Bandonéon.

clip_image004

Đàn Bandonéon

Bandonéon, vốn được xem là “linh hồn của Tango Á-căn-đình”, là một loại đàn Concertina của Đức, có nguồn gốc từ đàn Accordéon.

Accordéon là nhạc cụ phong phú nhất xưa nay, thường được xưng tụng là “one man band”. Tuy nhiên không phải nhạc sĩ nào cũng có khả năng tài chính để sắm Accordéon, vì thế người Đức mới sử dụng nguyên tắc của Accordéon để chế của một nhạc cụ đơn sơ có tên là Concertina (tiếng Đức: Konzertina) để phổ biến trong dân gian.

Khác biệt căn bản là trong khi Accordéon có phím (keys) như phong cầm, dương cầm, thì Concertina chỉ có những nút bấm (buttons) hình tròn.

Tới giữa thế kỷ thứ 19, nhà làm và bán nhạc cụ Heinrich Band cải tiến đàn Concertina thành một nhạc cụ phong phú hơn nhiều, và sau ông mất sớm (năm 1860) người ta đã lấy họ của ông (Band) ghép với chữ Accordéon thành Bandonéon để đặt tên cho loại nhạc cụ này.

Mục đích ban đầu của Heinrich Band là giúp các họ đạo nghèo không đủ khả năng sắm đại phong cầm (organ) có một nhạc cụ tương ứng để sử dụng trong thánh đường. Nhưng về sau, vì hai đặc điểm gọn nhẹ mà phong phú, Bandonéon đã được các thủy thủ và công nhân tha phương cầu thực đem theo khắp bốn bể, và khi tới Nam Mỹ đã dần dần thay thế tiếng sáo (của người da đỏ địa phương) trong các ban nhạc chuyên trình diễn thể điệu Tango.

* * *

clip_image006

Geraldo Matos Rodriguez (1897-1948)

Tác giả của La Cumparsita là công dân Uraguay Geraldo Matos Rodriguez, một nhạc sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc kiêm ký giả sinh năm 1897 và mất năm 1948.

Là con trai của chủ nhân phòng trà Moulin Rouge quen thuộc ở thủ đô Montevideo, Rodriguez được gia đình cho theo học ngành kiến trúc,nhưng sau đó bỏ sở. Geraldo Rodriguez viết La Cumparsita vào năm 17 tuổi trên chiếc dương cầm tại trụ sở Hiệp hội Sinh viên Uraguay (Federacion De Los Estudiantes Del Uraguay), và sau đó bán cho nhà xuất bản Breyer với giá 20 pesos. Mặc dù Geraldo Rodriguez có viết lời hát cho La Cumparsita, nhưng qua năm sau, khi tác phẩm này được ra mắt tại hội quán Confeteria La Giralda ở thủ đô Montevideo, người ta chỉ trình tấu phần nhạc, và chỉ được vài lần rồi chìm vào quên lãng.

Phụ lục (4): La Cumparsita (original version), Mandagora Tango Orchestra

04-LaCumparsita-JamesLast_323qb

Phụ lục (5): La Cumparsita (modern version), James Last Orchestra

05-La_Cumparsita_(TangoChristSuperstar)

Năm 1924, tức là 7 năm sau, khi Rodriguez đang sống ở Paris, thì Francisco Canaro, một nhạc trưởng Á-căn-đình, đem ban nhạc của ông sang Paris trình diễn, và nổi tiếng với bản La Cumparsita. Chỉ tới lúc đó, Rodriguez mới biết sáng tác của mình đang nổi như cồn ở thủ đô Á-căn-đình. Nhưng tựa đề và lời hát nguyên thủy đã bị thay bằng tựa đề và lời hát khác.

La Cumparsita, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là buổi diễn hành nho nhỏ (the little parade) mà trong đó người tham dự mang mặt nạ. Lời hát do Rodriguez đặt có nội dung thở than cho kiếp sống bi thảm của những con người bất hạnh.

Nhưng sau khi tác quyền của La Cumparsita được nhà xuất bản Breyer bán lại cho nhà xuất bản Ricordi ở Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình, thì đã được Enrique Maroni và Pascual Contursi – hai tác giả chuyên đặt lời cho các bản Tango – đổi tựa thành “Si Supieras”, nghĩa là “Người ơi thấu chăng”, với lời hát mới, diễn tả nỗi lòng thương nhớ người yêu xưa, được mở đầu bằng câu:

“Người ơi thấu chăng, tình yêu ta trao trọn cho người thưở ấy, giờ này vẫn sống mãi trong hồn ta…”

Phụ lục (6): Si Supieras, Julia Iglesias

06-La Cumparsita(2)

Lẽ dĩ nhiên, ai cũng thích hát lời hát mới. Thế nhưng sau bốn vụ kiện liên quan tới tác quyền của ca khúc này, cho dù sử dụng lời hát mới, người ta cũng bắt buộc phải ghi tên bài hát là La Cumparsita, chứ không được gọi là Si Supieras!

Trong vụ kiện thứ nhất, Geraldo Rodriguez kiện nhà xuất bản Breyer, nơi ông đã bán tác quyền bản La Cumparsita với giá 20 pesos, và nhà xuất bản Ricordi, nơi đã mua lại bản quyền từ nhà xuất bản Breyer.

Kết quả, Rodriguez đã thắng kiện với lý do: ngày ấy ông mới 17 tuổi, tức là còn ở tuổi vị thành niên, nên việc mua bán không có giá trị pháp lý.

Trong vụ thứ nhì, Rodriguez kiện hai tác giả Enrique Maroni và Pascual Contursi vì đã đổi tựa và đặt lời hát khác cho bản La Cumparsita mà không xin phép ông trước.

Vụ thứ ba, Rodriguez kiện đòi chia tiền lời bán đĩa hát của nam ca sĩ thần tượng Carlos Gardel, người mà tên tuổi đã gắn liền với bản Si Supieras – tức La Cumparsita đã được đổi lời đổi tựa. Nhưng khi cả vụ kiện thứ hai lẫn vụ kiện thứ ba chưa ngã ngũ thì tới năm 1948, Rodriguez qua đời vào tuổi 53.

Cũng trong năm 1948, ít lâu sau khi Rodriguez qua đời, xảy ra vụ kiện thứ tư: hai bà vợ góa của Enrique Maroni và Pascual Contursi – tức hai tác giả đã đổi tựa và đặt lời hát mới cho bản La Cumparsita – kiện các nhà sản xuất đĩa nhạc, đòi chia tiền lời.

Không biết phân xử ra sao, cuối cùng tòa án Á-căn-đình đã ủy thác cho nhạc trưởng lão thành Francisco Canaro, lúc ấy là Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc Á-căn-đình, xử dứt khoát một lần rồi thôi.

Kết quả, nam danh ca Carlos Gardel và hãng đĩa phải liên đới bồi thường cho hai góa phụ 5000 pesos, là thiệt hại trong mấy chục năm qua, và tự hậu, các người thừa kế của hai tác giả nói trên sẽ được hưởng 20% tiền tác quyền mỗi khi có ca sĩ hát bản La Cumparsita với lời hát của Si Supieras; còn những người thừa kế của Rodriguez thì được hưởng 80%.

Điểm cuối cùng trong phán quyết của nhạc trưởng Francisco Canaro là tự hậu, trong tất cả mọi bản in ca khúc La Cumparsita, bắt buộc phải có đủ hai lời hát cũ và mới; đồng thời cấm chỉ việc đặt thêm lời thứ ba.

Thế là do uy tín của nhạc trưởng Francisco Canaro, tới đây mọi rắc rối liên quan tới tác quyền La Cumparsita giữa các cá nhân xem như đã ổn thỏa, nhưng những rắc rối mang tầm vóc quốc tế thì không một cơ quan, tổ chức nào, kể cả Liên Hiệp Quốc, có thể giải quyết. Đó là việc cả Uraguay lẫn Á-căn-đình đều nhất quyết nhận La Cumparsita là của mình.

Năm 1997, chính phủ Uruguay đã ra một đạo luật lấy La Cumparsita làm “quốc thiều văn hóa” (cultural anthem) để sử dụng trong tất cả các buổi sinh hoạt văn hóa. Ba năm sau, trong lễ khai mạc Thế vận hội Sydney 2000, Á-căn-đình đã sử dụng La Cumparsita làm bản nhạc diễn hành cho đoàn lực sĩ của họ, dẫn đưa tới việc chính phủ Uruguay gửi công hàm phản đối, và diễn ra một cuộc bút chiến gay gắt giữa truyền thông hai nước.

Nhưng Uruguay và Á-căn-đình chỉ tranh giành nhau bản La Cumparsita, còn thể điệu Tango thì hai quốc gia lại hoan hỉ chia đôi vinh dự. Tháng 10 năm 2009, theo đề nghị của Uruguay và Á-căn-đình, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận thể điệu Tango là “di sản văn hóa của nhân loại”, và ghi xuất xứ là vùng Rio de la Plata, nơi có thủ đô Montevideo của Uruguay và thủ đô Buenos Aires của Á-căn-đình.

* * *

clip_image008

Cảnh nhẩy Tango trong phim Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard)

Trong gần một thế kỷ qua, La Cumparsita vẫn tiếp tục là bản Tango được ưa chuộng nhất trên thế giới, dưới hình thức bản hòa tấu hay ca khúc. Trong số những lần La Cumparsita được sử dụng trong phim ảnh, nổi tiếng nhất phải là cảnh Norma Desmond (Gloria Swanson), một nữ minh tinh màn bạc về chiều nhưng không chấp nhận thực tế mình đã hết thời, nhảy Tango theo ca khúc này với chàng tình nhân trẻ (William Holden) trong cuốn phim bất hủ Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard), năm 1950.

Khi Phạm Duy đặt lời Việt cho La Cumparsita với tựa Vũ nữ thân gầy, chúng tôi không biết có phải ông đã cảm tác sau khi xem cuốn phim bi thảm ấy hay không. Chỉ biết Vũ nữ thân gầy cũng có nội dung thật buồn, và đã trở thành ca khúc Tango nhạc ngoại quốc lời Việt phổ biến nhất ở miền Nam VN, trước khi bản Tango “thời thượng” L’amour C’est Pour Rien (Tình cho không, cũng do Phạm Duy đặt lời Việt) làm mưa gió.

Sau năm 1975, La Cumparsita được tác giả Nguyễn Tuấn Kiệt đặt lời Việt khác, với tựa “Tango kỷ niệm”, mà một người cầm bút trong nước xưng tụng là “nghe hay hơn Vũ nữ thân gầy”. Chúng tôi xin miễn bình luận, và để độc giả toàn quyền so sánh, đánh giá.

Phụ lục (7): Vũ nữ thân gầy, Lệ Thu

07-Vu Nu Than Gay

Phụ lục (8): Tango kỷ niệm, Đức Tuấn

08-TangoKyNiemLaCumparsita-DucTuan_39byb

Muốn thưởng thức các “video clips” về hai bản Tango nổi tiếng El ChocloLa Cumparsita, độc giả có thể vào trang YouTube (Google) với những từ khóa sau đây:

– El Choclo Roxana & Fabian Quartango

– sensual tango – la cumparsita

– tango fire – la cumparsita

– julio iglesias – la cumparsita tango

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search