T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Huyền Thoại Bích Thuận, Một Đời Cống Hiến Cho Nghệ Thuật

 

clip_image002

Nữ nghệ sĩ Bích Thuận, tên cha mẹ đặt là Vũ Bích Thuận, sinh ngày 30 tháng 12 năm 1930 tại làng Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Bà là con thứ ba trong số năm người con gồm hai trai và ba gái của ông Vũ Văn Xuyên và bà Nguyễn Thị Hai. Bà mồ côi cha lúc 7 tuổi. Năm 1954, bà kết hôn cùng cậu Emile Charles Hiếu, một tư chức ngành ngân hàng , bào đệ của cố Bộ Trưởng Công Dân Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Ngô trọng Hiếu. Hiện nay bà đang sống với con trai Paul Hiếu tại thành phố Nantes, Pháp Quốc từ ngày phu quân bà mất vào năm 2010 tại Paris.

Nghệ sĩ Bích Thuận bắt đầu sự nghiệp sân khấu vào năm 15 tuổi với Đoàn Cải Lương Đồng Ấu Nhật Tân Ban , Hanội. Nhờ có năng khiếu thiên bẩm chỉ sau mấy tháng tập luyện cô bé 15 đã được đưa ra trình diễn trên sân khấu ; khán giả HàNội thời bấy giờ đã nhiệt liệt tán thưởng và dành cho Bích Thuận một cảm tình hết sức sâu đậm ngay trong buổi trình diễn đầu đời của cô. Tài năng và sắc đẹp đã nhanh chóng đưa cô lên đài danh vọng ngoài dự đoán của mọi người.Chỉ sau một thời gian ngắn, Bích Thuận được coi là một nghệ sĩ trẻ đẹp, duyên dáng được khán giả nhất là giới trẻ ái mộ như một thần tượng.

Sau đó Bích Thuận qua phục vụ Đoàn Tố Như, được đảm nhận các vai chính những vở tuồng nổi tiếng từ trước đến nay, kể cả vai nam, như Thúc Sinh, Lã Bố, Lục Vân Tiên, Phạm Lãi, An Lộc Sơn. Điểm đặc biệt người ta tìm thấy ở Bích Thuận là sự đa dạng nghệ thuật , cô có thể thủ diễn bất cứ vai trò nào trên sân khấu, kể cả đào lẫn kép đều xuất thần. Võ tướng thì oai phong lẫm liệt, hùng dũng hiên ngang, đa tình hiếu sắc.Văn nhân thì hào hoa phong nhã, đằm thắm dịu dàng, nồng nàn tế nhị . Vai nữ thì thướt tha uyển chuyển, miệng cười hoa nở , mắt liếc đưa tình, giọng oanh thỏ thẻ, tiếng hát mê ly.

Năm 1945, Bích Thuận vào Nam lập nghiệp tại Saigon, thành lập Đoàn Ca Kịch Bích Thuận, lưu diễn khắp Trung, Nam Việt Nam và Cao Miên.

Năm 1950-1951, tạm ngưng hoạt động để qua Pháp nghiên cứu và học hỏi thêm về nghệ thuật diễn xuất, ca nhạc, vũ và hóa trang của sân khấu Pháp quốc. Trong thời gian này, Bích Thuận đã được nhạc sĩ Đan Trường mời cộng tác trên đài phát thanh Paris, trong những buổi phát thanh bằng Việt ngữ, hướng về Việt Nam.

Năm 1951-1954, là diễn viên chính của nhiều đoàn cải lương danh tiếng như: Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Năm 1953, trong một cuộc trưng cầu ý kiến khán thính giả, do cố ký giả Trần Tấn Quốc, Chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội tổ chức, Bích Thuận được bầu là nghệ sĩ sân khấu đẹp nhất, diễn xuất hay nhất và được nhiều cảm tình nhất.Năm 1955-1965, một lần nữa thành lập Đoàn Cải Lương Bích Thuận với chủ đích tạo môi trường đào tạo thêm những mầm non sân khấu. Trong số những nghệ trẻ tài danh xuất thân từ “lò” Bích Thuận có Bích Sơn, Bích Thủy…

Năm 1965, Bích Thuận được mời làm Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon, phụ trách các bộ môn cải lương, thoại kịch và hóa trang, cho đến biến cố 30 Tháng Tư 1975. Đồng thời, thể theo lời mời của các đài Truyền Hình, đài Phát Thanh Quốc Gia, đài Quân Đội và đài Mẹ Việt nam , nhóm Bích Thuận còn thực hiện những buổi trìnhh diễn liên tục hàng tuần trên các đài này. Trên lãnh vực trao đổi văn hóa , đoàn Bích Thuận đã trình diễn nhiều lần tại các trung tâm Văn Hóa Pháp và Hoa Kỳ tại Saigon. Ngoài ra Nghệ sĩ Bích Thuận còn sáng tác và thực hiện nhiều vở tuồng, bài ca và thơ cho đoàn hát nhà sử dụng.

Ở lãnh vực điện ảnh, ngay từ khi bộ môn nghệ thuật này mới đi vào những bước dò dẫm trên thị trường Việt Nam, Bích Thuận đã là nữ nghệ sĩ sân khấu đầu tiên được mời. Đầu năm 1953 tài tử kiêm đạo diễn Henri Decoin (chồng của Danièle Darieux) đã đại diện cho một hãng phim Pháp từ Paris qua, khẩn khoản mời Bích Thuận đóng vai chính trong cuốn phim ” Soleil Au Ventre “, dựng theo văn phẩm của Jean Hougron. Nhưng báo chí Việt Nam hồi bấy giờ cực lực đả kích nội dung chuyện ” Soleil Au Ventre”, cho rằng “vai nữ chính không đứng đắn, làm tổn thương danh dự phụ nữ Việt Nam!” nên Bích Thuận đã từ chối lời mời của Henri Decoin.

Năm 1969, xuất ngoại qua Pháp trình diễn tại Paris, Marseille, Nice và Cannes.Khi trở về nước, Bích Thuận đã được Bộ Thông Tin trao tặng “Đệ Nhất Đẳng Tâm Lý Chiến Bội Tinh”. Năm 1974, nhân dịp Đại Hội Văn Hóa các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) tổ chức lần đầu tiên tại Québec, Canada; với tư cách là một thành viên, Bích Thuận đã đại diện cho phái đoàn thanh niên thể thao và văn nghệ Việt Nam Cộng hòa, trình diễn hai bộ môn Cải Lương và Hát Chèo, khi trở về nước Bích Thuận được Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa trao tặng “Đệ Nhất Đẳng Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh”

Sau khi Sài Gòn thất thủ, nữ nghệ sĩ Bích Thuận đã tạm ngưng hoạt động. Năm 1983, cô cùng toàn thể gia đình gồm phu quân và hai con rời Việt Nam qua Pháp và định cư tại Paris. Từ đó Bích Thuận lại tiếp tục phục vụ nghệ thuật sân khấu, đã đi trình diễn tại nhiều nơi có đông đảo đồng hương cư ngụ trên toàn nước Pháp, ở các quốc gia Âu châu, Úc châu, và Bắc Mỹ. Đặc biệt năm 1988, nhân dịp tòa thánh La Mã cử hành Lễ Phong Thánh cho 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam tại Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma, trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phao Lồ II, hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và khoảng 10.000 giáo dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đổ về tham dự đại lễ này; nữ Nghệ sĩ Bích Thuận đã độc diễn hai màn cải lương bất hủ trên sân khấu của Đại Thính Đường Phaolô VI giữa những tràng pháo tay gần như bất tận. “Một vinh dự, một kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi”, lời tâm sự của nữ Nghệ sĩ Bích thuận.

Nghệ sĩ Bích Thuận là người của sân khấu, của khán giả, nhưng Bích Thuận vẫn làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ theo đúng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Hè 1994, Nghệ sĩ Bích thuận đã cùng chồng đi hành hương Thánh Địa Israel, theo lời cô Bích Thuận: “Để kỷ niệm 40 năm ngày thành hôn và tạ ơn Chúa cùng Mẹ Maria đã ban cho 40 năm hạnh phúc gia đình và được thành công trên đường phục vụ văn hóa nghệ thuật.

Tuy bận rộn với những lần trình diễn trên sân khấu, Nghệ sĩ Bích Thuận cũng dành thì giờ để mở các lớp dạy ngâm thơ, diễn xuất, ca tân cổ nhạc và các điệu múa: múa lụa, múa kiếm, múa quạt… Bích Thuận cũng đã thực hiện và ấn hành nhiều bản nhạc cải lương, ngâm thơ, tân cổ giao duyên, thánh ca, nhiều băng Video cải lương, kịch.

Tính chung từ trước cho đến 30 Tháng Tư 1975, nữ nghệ sĩ Bích Thuận đã cộng tác với 10 cuốn phim Việt Nam do các đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Phạm Văn Nhận, Lê Hoàng Hoa, Thái Thúc Nha, Lưu Bạch Đàn , Lê Dân, Hoàng Vĩnh Lộc… thực hiện, và đã được một số báo ở Saigon trước 1975, tặng cho mỹ danh “Người Đẹp Điện Ảnh-Miss Cinémonde”. Năm 1974-1975, Bích Thuận còn được mời giảng dạy môn ngâm thơ tại Trung Tâm Văn Hóa Việt-Mỹ.

Nữ nghệ sĩ Bích Thuận, một tài danh sân khấu, điện ảnh đã được báo chí và khán giả khắp nơi trong nước cũng như ở hải ngoại không tiếc lời ca ngợi. Ngày 6 tháng 12 năm 1983, khi mới từ Việt Nam qua Paris, nữ nghệ sĩ Bích Thuận đã được ông Marc Blancpain, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp Quốc Hải Ngoại (Académie Francaise des Sciences d’Outre Mer),kiêm Chủ Tịch Pháp Quốc Đồng Minh Hội (Alliance Francaise) mời trình diễn tại hội trường của Viện Hàn Lâm nhân dịp Học giả Thái Văn Kiểm, Tiến sĩ Đông Phương Học (Docteur Orientaliste) nói về sự liên hợp lịch sử và văn hóa giữa pháp và Việt nam. Trước một số cử tọa đông đảo và chọn lọc, nữ nghệ sĩ Bích Thuận diễn ngâm ba bài thơ bất hủ bằng tiếng Pháp: “Le Pont Misabeau” của Guillaume Apollinaire và “Le Sonnet d’Avers” của Félix Arvers; bằng tiếng Việt bài thơ “Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, và diễn ca một bài cổ nhạc theo điệu ‘Xàng Xê, được học giả Nguyễn Văn Kiểm diễn nghĩa qua tiếng Pháp. Khán giả đã nồng nhiệt hoan nghênh, và ông Marc Blancpain nói: “Nghệ sĩ Bích Thuận đã hâm nóng tình hữu nghị Pháp Việt bằng cách cho chúng ta thưởng thức những bài thơ, bài ca tuyệt tác…”

Báo La Dépêche du Midi – Pays Villeneuvois, số phát hành ngày 4 tháng 9-1993, dưới tựa đề “Vẻ Đẹp Duyên Dáng Của Bích Thuận”, đã viết: “…Sân khấu Việt Nam là một thế giới thần tiên huyền ảo, mà Bích Thuận là ngôi sao sáng chói, đẹp tuyệt vời, mảnh mai, nhưng có sức mạnh tiềm tàng để múa đôi trường kiếm vi vút lấp loáng bao quanh người, hòa với giọng ca trầm bổng nhịp nhàng…thực là một bức tranh tuyệt mỹ”.

Báo Nàng (California), năm 1986 dưới đề tài “Huyền Thoại Bích Thuận và 40 Năm Cải Lương Việt Nam” đã viết: “Nói đến Bích Thuận là nói đến nền cổ nhạc Việt Nam. Bích Thuận đã đồng nghĩa với cải lương, với bộ môn nghệ thuật mang tính chất truyền thống của dân tộc. Đã có hàng trăm trang sách viết về một thiên tài cải lương Bích Thuận, đã có hàng ngàn bài báo viết về một tài năng tuyệt đỉnh của Việt Nam!…”.Bích Thuận là vầng thái dương chói lọi của bộ môn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam. Chúng ta có Bích Thuận là có cả một bộ môn nghệ thuật tưởng chừng đã mất! Chúng ta có được ngôi sao bắc đẩu của Cải Lương Hò Quảng, là có được Việt Nam, có được dân tộc, có được hồn tính quê hương. Hôm nay chúng tôi xin chào mừng chị, một người nghệ sĩ mà suốt đời đã phụng sự văn nghệ Việt Nam truyền thống, một Việt Nam văn học nguy nga với những dòng chữ không hết ý này. Mỗi chúng ta nên tìm đến với Bích Thuận một lần với một bông hoa tặng cho người tượng trưng cho nền cổ nhạc Việt như một lời cám ơn…

Báo Người Việt (Westminster, ngày 8-7-1992 đã viết: “…Nghệ sĩ tài danh Bích Thuận vẫn trẻ đẹp như xưa! Không phải chỉ khoác trên mình chiếc áo dài Việt Nam, Nghệ sĩ Bích Thuận còn ấp ủ nỗi niềm tha thiết với quê hương Việt Nam trong tâm hồn; trong vóc dáng mảnh mai còn ẩn tàng một hùng tâm đấu tranh danh lại tư do và dân chủ thực sự cho quê hương Việt nam…Nghệ sĩ Bích Thuận đã tình nguyện là người chiến sĩ văn hóa , quyết tâm duy trì và phổ biến văn hóa nghệ thuật Việt Nam… trong toàn thể cộng đồng người Việt kháp nơi trên thế giới…

Học giả Thi sĩ Vũ Đình trác nói về Bích Thuận, người nghệ sĩ Kinh Bắc như sau: “Nói về Bích Thuận, tôi muốn xác nhận rằng người nghệ sĩ tài danh ấy đã thể hiện được hai điều: -Là nghệ sĩ Việt Nam, Bích Thuận đã hy sinh trọn đời cho dân ca, bằng cách hát dân ca một cách duyên dáng, điêu luyện và tận mỹ; bằng cách truyền thông dân ca cho các thế hệ đàn em tại nhạc viện, tại nhà tư, và tại các cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới một cách tận tình cởi mở và trọn vẹn! Có thể nói Bích Thuận có bao nhiêu đã trao ban hết, còn lãnh hội được bao nhiêu là tùy sức thâu nhận của mỗi người.

Một sự kiện nổi bật không kém trong sự nghiệp làm văn hóa nghệ thuật của Nghệ sĩ Bích Thuấn. Đó là Lễ Bế Giảng Lớp Ngâm Thơ Bích Thuận tổ chức thật long trọng tại Hội Quán Hội Việt Nam Tương Tế tại thành phố Westminster, California lúc 7:30 chiều Chủ Nhật 26 tháng bảy năm 1992 với sự tham dự của trên một trăm người gồm đủ thành phần: tôn giáo, cộng đồng, văn nghệ sĩ, và báo chí.

Năm 1998, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng tổ chức buổi trình diễn ca vũ nhạc với chủ đề “Saigon Dấu Yêu” để vinh danh 50 năm phục vụ nghệ thuật của nữ nghệ sĩ Bích Thuận tại Donald R. Wash Memorial Auditorium, Garden Gerove.

clip_image004

Ngày 13 tháng 6 năm 1997, Hội Y Giới VN Tự Do và các môn sinh nữ Nghệ sĩ Bích Thuận do ông Trần Nghĩa Hiệp làm Trưởng Ban Tổ Chức đã vinh danh 50 năm Nghệ thuật của Bích Thuận tai hội trường UNESCO Paris, Pháp. Nhân dịp này một phái đoàn Hội thơ Tài Tử VNHN gồm có anh Như Hoa Lê Quang Sinh, thi họa sĩ Vũ Hối. Cô Tina Thanh Hương, anh Lê Trọng Nghĩa, anh Cao Phước, và cô Lê Quang Thu Trang từ Hoa Kỳ đến tham dự để chia vui cùng Nghệ sĩ Bích Thuận đã từng tham gia Thi tập Cụm Hoa Tình Yêu do Hội thơ Tài Tử VNHN chủ trương.

Bích Thuận, ngoài nghệ thuật trình diễn trên sân khấu, cũng còn có một tâm hồn thơ rất lãng mạn khi viết về tình yêu qua bài “Sầu Tình”, “Say Tình”, “Chung Ô”. Những bài thơ này đã được Nhạc sĩ Lê Quốc Tấn phổ thành ca khúc. Trong bài “Say Tình”, Bích Thuận viết: “Em đã yêu anh yêu thật rồi / Yêu từ ánh mắt đến làn môi / Khung trời chẳng đủ tình ta chứa / Yêu quá đi rồi quá mất thôi”. Hình như trời phú cho con người nghệ sĩ một tâm hồn đa cảm, lãng mạn nên cũng có những đôi phút “chạnh lòng” khi gặp một đối tượng mà mình thấy cảm mến. Có thể trước khi lên xe hoa về nhà chồng, Bích Thuận có vương vấn một mối tình “học trò” nào chăng. Cho nên Bích Thuận đã viết bài thơ “Sầu Tình” để ghi nhớ lại mối tình thuở ban đầu đó. Nàng viết: Người ở một phương tôi một phương / Hội ngộ làm chi để vấn vương / Chưa lời tri kỷ chưa hò hẹn / Sao chạnh bên lòng nỗi nhớ thương / Đêm trường lạnh lẽo suốt canh dài / Nghệ sĩ sầu vương thuơng nhớ ai / Kiếp tằm rốt ruột giăng tơ mộng / Sầu khổ hòa theo tiếng thở dài / Nặng chĩu đôi vai một gánh tình / Ai làm héo hắt cả tâm linh / Bờ mi lệ ướt sầu muôn thuở / Ôi mộng ngày xanh tiếc một mình…Rồi có khi chỉ vì một tiếng sét hãi hùng hay một trận mưa bắt chợt kéo dài trên hè phố là những duyên cớ phát sinh những mối tình đẹp như mơ. Bích Thuận đã viết bài thơ “Chung Ô” để nói lên giây phút “chạnh lòng” khi mưa rơi. Nàng viết: “Ngoài trời thánh thót mưa rơi /Trong ô nắng ấm tim tôi tim chàng / Tay ô tay rảnh muốn quàng / Ngại ngùng không dám ngở ngàng chưa quen / Mong trời mưa đổ liên miên / Mong chàng bước chạm mong hiên phố dài / Đường đời đừng rẽ làm hai / Khung trời thu nhỏ song vai một đường…”.

clip_image006

Nghệ sĩ Bích Thuận và nhà thơ Như Hoa

Chúng tôi được quen biết Nghệ sĩ Bích Thuận khi qua Paris ra mắt thi tập CHTY3-97 do Nhà thơ Đỗ Bình, Chủ tịch CLB văn Hóa Paris tổ chức vào tháng 6 năm 1997. Và từ đó Nghệ sĩ Bích Thuận sinh hoạt trong Hội Thơ qua Thi tập Cụm Hoa tình Yêu xuất bản hàng năm, và cộng tác với Hội Thơ trong các buổi ra mắt sách và tổ chức Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ở Hoa Kỳ, và ở Pháp, cũng như tiệc mừng Xuân của Cộng Đồng Sacramento năm 1998 khi Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh làm Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt Sacramento, Cali.

Viết về Bích Thuận, chúng tôi muốn thanh thỏa mối cảm hoài giữa Hội Thơ Cụm Hoa Tình Yêu và người nghệ sĩ tài danh khả ái được mọi nguời yêu mến và kính phục. Sau sự mất mát to lớn do sự ra đi của đấng Phu quân Emile Charles Hiếu năm 2010 tại Paris, Nghệ sĩ Bích Thuận đã lui về sống ẩn dật với kinh nguyện hôm sớm tại nhà người con trai, Paul Hiếu ở thành phố Nantes, Pháp Quốc.

Chúng tôi trộm nghĩ quả thật Nghệ sĩ Bích Thuận đã đi suốt một cuộc hành trình dài trên 60 năm biết bao công lao khó nhọc với nhiệt tình hăng say phục vụ văn học nghệ thuật Việt Nam và tha nhân. Đến nay bà có quyền nghỉ ngơi để nhìn lại quá khứ vàng son của mình mà vui hưởng cái hạnh phúc êm đềm của tuổi hoàng hôn! Bà thật sự xứng đáng là một người con yêu của Tổ Quốc, không những chỉ có người Việt mình mà cả người ngoại quốc khắp nơi trên thế giới đều ca ngợi và ngưỡng mộ tài ba và phẩm hạnh của một con nguời biết quên mình để phục vụ tha nhân, phục vụ đất nước. Sự đóng góp của Nghệ sĩ Bích Thuận cho nền văn học nghệ thuật cổ truyền Việt Nam thật vĩ đại !

Như Hoa Lê Quang Sinh

Dallas, 12-12-12

 

Tham khảo:

-Tuần báo Thời Sự nghệ Thuật “MAI”

-Nhật báo Người Việt

-Tuần báo Chánh Đạo

-Nghệ Thuật- Canada

-Việt Nam Mới

-Tuần báo “VUI”

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search