T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Xem tranh Hà Huỳnh Mỹ

Họa sĩ Hà Huỳnh Mỹ

Rất tình cờ, qua một người bạn cũ sinh sống ở Việt Nam, tôi được biết tới họa sĩ Hà Huỳnh Mỹ (HHM). Biết tranh của HHM thì đúng hơn. Những bức tranh được chụp lại, mở ra xem bằng máy computer. Dẫu vậy, chúng đã gây cho tôi một ấn tượng thật mạnh mẽ. Thứ ấn tượng mà chỉ những tác phẩm nghệ thuật (đúng nghĩa nghệ thuật) mới khiến người ta phải dừng lại, nghe ngóng, nheo mắt, vầng trán hằn những đường cầy (suy nghĩ), như nghe một bài nhạc hay, đọc một bài thơ hay, xem một cuốn phim hay. Và, với tôi, những bức tranh “không màu sắc” của HHM, là những bức tranh đẹp.

Từ đó, tôi thỉnh thỏang nhận được những bức tranh (tất nhiên là được chụp lại) của chính người nữ họa sĩ chưa một lần “quen biết” (hiểu nghĩa là gặp gỡ trong đời thật). Cái ấn tượng ban đầu tiếp tục làm cho tôi không thể chỉ “xem tranh” của HHM rồi cất đi, hy vọng một ngày nào đó rảnh rỗi sẽ lấy ra xem một lần nữa, rồi lại sẽ cất đi. Có một nỗi thôi thúc ẩn giấu đâu đó trong đầu mỗi khi tôi ngồi xuống bàn viết, mắt lướt qua những ghi chép dở dang.

Tôi biết mình đang nợ những bức tranh của HHM một món nợ, mà nếu không trả thì cái nỗi thôi thúc vô hình kia sẽ không để cho tôi yên. Những người con gái yểu điệu tha thướt trong tà áo dài trắng trinh nguyên của HHM trông hiền lành (tuy lúc nào cũng . . . khuất mặt) như vậy, đơn sơ như vậy nhưng sao lại khiến tôi cứ . . . quay quắt cõi lòng như thế. Phải chăng họ nhắc cho tôi nhớ đến những ngày xưa êm đềm thân ái, những ngày xưa của thuở “thanh bình ba trăm năm cũ”, những ngày xưa mà con người sống chỉ để yêu nhau. Tính cách người nữ dịu dàng, không se sua giầy gót cao bàn tay móng đỏ, nổi trội lên hẳn nơi các cô gái trong tranh. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ trong lớp Cổ Văn dưới mái trường trung học, câu chuyện về cô gái ngày ngày từ trong tranh bước ra chăm sóc nơi ăn chốn ở cho chàng thư sinh mỗi khi chàng không có ở nhà, để rồi khi chàng quay về nàng lại bước trở lại vào tranh làm “người đẹp trong tranh “. Liệu những cô gái của HHM có bao giờ từ những bức tranh bước ra cho chàng trai trẻ nào không? Ai dám quả quyết rằng không? Có lẽ chính ý tưởng ấy đã làm cho tranh của HHM “quyến rũ ” tôi một cách mãnh liệt.

Trong lúc làm “bài tập” (homework) về HHM, tôi gặp những bất ngờ thú vị. Bất ngờ ấy cũng khiến tôi cảm thấy thật thiệt thòi khi mình sống xa quê hương, không được có cơ hội thưởng thức những sinh họat văn hóa nghệ thuật mà mình ưa thích: một đêm hòa nhạc, một buổi xem tranh, một đêm đọc thơ, ra mắt sách v.v.. Đó là những thứ giúp cho đời sống nặng trĩu những lo toan đời thường có được những khỏanh khắc thăng hoa. Nữ họa sĩ HHM đã có những thành đạt, đã được nhiều người biết tới hơn là tôi tưởng. Chị đã có những cuộc triển lãm tranh, không chỉ ở trong nước (Sài Gòn 2001, 2002, 2003) mà còn ở ngòai nước (Singapore 2003, 2004). Và vì không gần gủi với những sinh họat văn hóa nghệ thuật, nên tôi tưởng cái tên HHM vẫn còn . . . mới.

Khách thưởng ngọan chú ý đến tranh của HHM ở những nét khắc họa tuy đơn sơ nhưng giàu cảm xúc qua hình ảnh những cô gái, hoa, đặc biệt là hoa sen. Dường như, từ những đối tượng “đẹp” (con gái và hoa luôn là biểu tượng của cái đẹp) này, HHM tìm thấy nguồn cảm xúc vô tận cho sự sáng tạo của mình. Để làm được công việc tinh tế đó, có lẽ không chỉ nhờ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ, mà còn cần phải có sự cộng hưởng (với tiếng rung của nghệ thuật) của một tâm hồn đa cảm, đa tình mới có thể khiến người xem rung động được, “bắt” được cái hồn tinh túy mơ hồ ẩn ẩn hiện hiện trong mỗi bức tranh. Cái tổng thể của Đẹp (hoa) và Nữ tính (con gái) dẫn người xem bước vào một thế giới của sự bình an với cõi lòng thanh thản, ở đó con người tìm được sự cân bằng với đời sống, với chính bản thân mình. Và trong khỏanh khắc, cái vũ trụ an nhiên tự tại ghi dấu ấn đậm nét lên tâm hồn người xem, dù sau đó, vũ trụ ấy tan biến đi khi người ta trở về với đời thường. Người con gái trong tranh của Bích Câu Kỳ Ngộ có lẽ cũng tồn tại nhờ vào những ảo giác tuyệt vời ấy của nghệ thuật.

Vẻ dung dị của hoa, nét thanh tao ở vóc dáng những người nữ, cũng là nét đặc thù của tranh HHM. Đó là chữ ký riêng của chị, không lẫn vào với bất cứ một ai.

Nhưng Hà Huỳnh Mỹ là ai? Tôi định sẽ hỏi chị câu này, nhưng thấy không cần thiết nữa. Câu trả lời đã có sẵn, vì chị không xa lạ gì với giới thưởng ngọan tranh.

Một tờ báo lớn ở Sài gòn, nhân buổi triển lãm tranh tháng 11 năm 2007 của HHM, đã viết về tranh của chị như sau:

Thế giới trong tranh của chị hiện lên từ những gam màu trầm, ấm. Nơi ấy, cuộc sống hiện ra sau lăng kính vạn hoa muôn hình vạn trạng, không lặp lại nhưng vô cùng quen thuộc, sống động mà vẫn rất êm đềm. Chị chọn thiếu nữ và hoa, đặc biệt là hoa sen, làm đề tài sáng tác của mình. Chị nói: “Cứ mỗi lần bắt gặp hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống là tôi không khỏi xúc động. Nó cứ ám ảnh và rồi trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của tôi”.

Người phụ nữ trong tranh Hà Huỳnh Mỹ không lộ rõ chân dung và thường được tác giả hoà lẫn vào phông nền phía sau, nhưng chỉ cần những nét điểm nhẹ bằng màu sắc, bằng độ tương phản thì nhân vật trung tâm vẫn giữ được vị thế của mình. Hoa sen vốn là đề tài rất phổ biến của nhiều hoạ sĩ, nhưng hoa sen trong tranh của chị vẫn đẹp, vẫn rất duyên. Nó bàng bạc quyến rũ, cuốn hút người xem bởi một cảm giác rất đỗi yên bình.

( Tuổi trẻ 21/11/2007)

Vợ chồng Họa sĩ Hà Hùynh Mỹ

Hà Huỳnh Mỹ sinh ở Sài Gòn. Khi kết hôn với một người vừa là bác sĩ vừa là họa sĩ, chị đã “theo chồng” mà cũng đam mê luôn nghệ thuật. Năm 1995, chị theo học ở trường Đại Học Mỹ Thuật Sài Gòn. Đến năm 2000, chính thức bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, tham gia họat động trong nhóm nghệ thuật Hương Cỏ.

Tuy nhiên, biết HHM là ai vẫn chưa đủ. Tôi vẫn có những thắc mắc, mà có lẽ không ai có thể trả lời được, ngòai chính người họa sĩ.

Và đây là những hỏi đáp:

Hỏi:

Trong tranh của chị, bất kể là những bức tranh thiếu nữ “không màu “, hay những bức tĩnh vật “nhiều mầu sắc”, đều có một không gian trắng làm nền (background). Về kỹ thuật, chị có thể giải thích thêm về sự lựa chọn “đặc thù” ấy được không? về ý tưởng, chị có thể nói gì khác không khi tôi cho rằng, khỏang không gian trắng ấy mang đến cho người xem một cảm giác bình an cần thiết giữa cuộc sống luôn thường trực những nỗi bất an này?

Đáp:

Anh nhận xét thật đúng về cái màu trắng hầu như xuyên suốt trong những bức tranh HHM. Những người mua tranh hầu hết là người nước ngòai, phần lớn – theo họ cho biết – để treo trong phòng làm việc, sau một ngày làm việc mệt mỏi, họ tìm sự thư thái, êm dịu . . . và trên hết, đó là cái “chất” của HHM. Tôi mắc nợ màu trắng, cứ thấy màu trắng là mê, là nhìn thấy vẻ đẹp vô hình trong đó. Có khi lại là sự tham lam, muốn ôm tất cả màu sắc về mình, những màu sắc có khi hòa quyện với nhau sẽ biến thành màu trắng . . .

Hỏi:

Bên cạnh những bức tranh Hoa và Thiếu Nữ của chị, tôi nhận thấy lẻ loi bức tranh một ông già, mà chị đã giới thiệu là người ngồi làm mẫu cho sinh viên Mỹ Thuật trong suốt mấy chục năm. Chị vẽ ông già ấy theo trí nhớ hay chính ông ngồi làm mẫu trước mặt?

Sở dĩ tôi hỏi câu hỏi này là vì đây là bức duy nhất chị thóat ra khỏi sự thể hiện mộc mạc cố hữu của mình. Ở ông già, tôi nhìn thấy hết nỗi thống khổ của một kiếp người. Khuôn mặt đó, đôi mắt đó, những dấu vết của thời gian đọng lại và sự cô đơn vây quanh. Cuộc đời buồn đến như vậy sao, hả chị?

Đáp:

Tôi có 2 bức tranh ông già người mẫu đó. Định không bán, sẽ giữ làm kỷ niệm. Nhưng có người thích, muốn mua. Thế là tôi bán. Tôi quan niệm tranh, cũng như những tác phẩm nghệ thuật khác, vẽ ra là để cho mọi người thưởng thức, chứ không nên giữ cho riêng mình. Anh nghĩ sao? (T.Vấn: Tôi đồng ý với chị). À, ông già người mẫu mà anh nhắc tới trong bức tranh “ông Già” của tôi, chính ông đã ngồi làm mẫu cho tôi hòan thành bức tranh ấy, nên tôi mới mang được cái hồn vào trong tranh. Thật tội nghiệp, ông già nua lắm rồi khi tôi vẽ bức tranh đó, nhưng ông ngồi rất “chuyên nghiệp” – dân chuyên nghiệp mà anh!

HHM còn một bức tranh “ông gìa” khác nữa . Ông già này nếu ai sống ở Sài Gòn lâu chắc đều biết. Ông hay ngồi trên lề đường làm những con cào cào, châu chấu bằng lá dừa, rất đẹp! Bức tranh này cũng đã theo một ông bác sĩ người nước ngòai về đâu rồi không biết. Ông già đó giờ cũng không còn thấy xuất hiện trên đường phố Sài Gòn nữa.

Thật ra, bức ông già buồn thiu đang ngồi ngẫm nghĩ sự đời đó được vẽ trước khi những bức tranh thiếu nữ ra đời. T.Vấn để ý là bức ông già được thể hiện bằng cọ, và màu sắc mà HHM chọn cũng theo tâm trạng u buồn tội nghiệp của ông. Ngược lại, những bức tranh thiếu nữ đã được HHM dùng “màu” ưa thích của mình là màu trắng tinh khôi của tuổi học trò, thể hiện sự tinh khiết, nhẹ nhàng của một thời áo trắng. HHM dùng dao (Palette Knife) để lược bớt chi tiết rườm rà, phức tạp, làm đơn giản hóa bức tranh. Đó là “Style” của HHM.

Hỏi:

Tôi rất thích  bức “chân dung tự họa” của chị. Không có vẻ gì là làm dáng cả. Cũng giống như người ta viết hồi ký, nhiều người bảo phải “cường điệu một tí” mới lôi cuốn người đọc được. Trong hội họa, chị có nghĩ rằng, người họa sĩ có thể  “cường điệu một tí” về mình không? có thể “trang điểm” một chút cho dễ coi được không? Nhất là nữ họa sĩ, như chị chẳng hạn!

Đáp:

HHM là một người đơn giản, tranh sao người vậy. Ở ngòai đời, hầu như HHM không trang điểm từ hồi còn trẻ đến giờ (trừ khi đi dự tiệc thì HHM có trang điểm chút chút), vậy không có cớ gì mình phải “trang điểm cho mình trong tranh”. Thế T.Vấn thấy trong tranh HHM “khó coi” lắm hả? ( T.Vấn: Trái lại. Tôi đã thấy cái dung dị từ tranh đến người. Trong đời sống hiện nay, dường như điều đó hơi hiếm hoi).

Hỏi:

Chị có thể cho biết về những dự định tương lai của chị? tiếp tục sáng tác? tiếp tục tham dự hay tổ chức những cuộc triển lãm tranh? tiếp tục làm công tác từ thiện?

Bức “Những gánh hàng hoa” được HHM tặng cho Operation Smile để bán đấu giá lấy tiền cho trẻ em hở môi (2007)

  Trong một buổi đấu gía tranh do Operation Smile tổ chức (2005). HHM , mặc áo đen, đứng giữa

Đáp:

Chà, câu hỏi này nghe sao có vẻ ” formal ” quá! HHM chẳng có dự định gì hết, chỉ biết vẽ thôi, hoặc như anh nói, vẫn tiếp tục sáng tác. Còn triển lãm tranh ư? HHM kỵ nhất là nghe chữ “triển lãm”. Mỗi lần triển lãm là mỗi lần xi-trét (stress) đó! Cô bé chủ gallery độc quyền của HHM, muốn làm triển lãm thì HHM dặn không được nói chữ đó, sợ lắm! Sợ nhất là nghĩ đến lúc phải trịnh trọng tuyên bố này nọ là HHM đã hãi rồi. Tội nghiệp cô bé, chiều ý mình nên không bao giờ nói đến “triển lãm “. Còn những cuộc triển lãm đã có trước đây, đều tự nhiên mà hình thành. Tất cả đều do cô bé chủ Gallery lo từ A đến Z, kể cả việc “thuyết phục” HHM bằng lòng cho tổ chức “triển lãm” nữa.

Còn công tác từ thiện thì lúc nào HHM cũng sẵn sàng trong điều kiện và khả năng của mình.

Cám ơn họa sĩ Hà Hùynh Mỹ! Cám ơn những tác phẩm nghệ thuật chị đã mang đến cho đời. Rồi đây, như ông già người mẫu của trường Mỹ thuật Sài Gòn, chúng ta sẽ gìa nua, sẽ bất lực, sẽ cô đơn, và cũng sẽ ra khỏi đời này. Có hề chi! đó là thân phận con người. Nhưng, với chị, tôi tin rằng, cái bóng của HHM – bàng bạc trong những bức tranh thiếu nữ – , sẽ còn ở lại trần gian này lâu lắm, thiên thu biết đâu chừng!

Phần phụ lục dưới đây là một vài bức tranh tiêu biểu của HHM. Hy vọng trong một thời gian gần đây, tôi sẽ được giới thiệu thêm nhiều bức tranh khác trong sự nghiệp của họa sĩ HHM, trong một chuyên mục về tranh của bằng hữu trên trang Web T.Vấn.

T.Vấn

(Thu 2010)

(c)T.Vấn 2010

Xem vài bức tranh tiêu biểu của Hà Hùynh Mỹ:

Gánh nước về

Thiếu nữ và hoa sen

E Ấp

Tĩnh vật

Một góc Hội An

 

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search