T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Lan: Vĩnh biệt chú Vũ Ánh

clip_image001

clip_image002

(Nguồn: Người Việt Blog)

Vừa kết thúc một cuộc phỏng vấn lúc 7 giờ tối thì nghe tin: chú Vũ Ánh qua đời!

What? Tôi sửng sốt.

Chạy vào phòng Biên Tập, thấy anh Thiện Giao. “Chú Ánh mới mất hả anh Giao?” – “Ừ, đang confirm tin này.”

Tôi thẫn thờ.

Dĩ nhiên ngay lúc đó không ai có thể gọi cho cô Yến Tuyết, vợ chú Vũ Ánh, được hết.

Chợt nhớ có thể gọi cho anh Ngô Văn Quy, anh trai cô Yến Tuyết. Nhưng 2, 3 lần gọi, anh tắt máy. Tôi bèn nhắn tin “Anh Quy gọi cho em gấp, tụi em muốn comfirm tin chú Vũ Ánh.”

Anh Quy gọi lại. Giọng đầy nước mắt. “Anh không thể ngờ được NL ơi!”

Ai mà ngờ được.

Tôi lái xe về nhà. Trong đầu là hình ảnh chú Vũ Ánh, người mà ngày còn làm thầy cò, tôi vẫn thường vào phòng chú xin tiền đi mua chè…

Vừa nhà đến nhà thì nhận được điện thoại của anh Vũ Đình Trọng. “Anh đang ở nhà chú Ánh.” – “Cho em nói chuyện với cô Yến Tuyết.”

Cô bắt phone, khóc òa “Chú mất rồi con ơi! Cô đi làm về khoảng 5 giờ, thấy chú nằm té trên sàn nhà trong phòng làm việc. Người chú lạnh ngắt… Cô gọi 911…”

Tôi cùng ông xã chạy đến nhà cô. Có anh Trọng và chị Khánh Hòa bên tuần báo Sống ở đó.

Cô tựa vào vai ông xã tôi nức nở, “Chú mất rồi H ơi!”

Tôi ngồi bên nắm chắt bàn tay cô. Không biết nên nói một lời gì.

Chị Khánh Hòa và anh Trọng kể: từ lúc 11 giờ sáng nay có gọi điện thoại nhắc chú Ánh ra ăn trưa với báo “Sống” – như một bữa cơm thân mật hằng tuần. Chú Ánh đồng ý, nhưng nói sẽ ra trễ 15 phút.

11:37 am, anh Thiện Giao nhận được email bài chú Ánh gửi.

Khoảng hơn 12 giờ, mấy anh chị bên “Sống” gọi liên tục nhưng không thấy chú Ánh trả lời. Một điều rất lạ.

Chị Khánh Hòa bảo, “Đến 2 giờ vẫn không thấy anh Ánh trả lời, chị cứ nghĩ dại chắc anh Ánh bị xe đụng…”

Cô Yến Tuyết thất thần, “Sao cô không có một linh cảm gì hết! Ngoại trừ sáng nay đi làm, cô còn chọc chú về sự phát âm chữ n và l, cô chọc chú ‘đúng là người Hải Phòng’ rồi cô hôn lên má chú một cái, chú hôn lại cô. Và cô ra xe đi”

Khi về đến nhà, thì… Ngày mai hy vọng kết quả giảo nghiệm tử thi sẽ cho biết chú mất vào lúc nào và vì lý do gì…

Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh buổi tối cuối cùng chú làm việc ở tòa soạn NV. Đó là một ngày căng thẳng liên quan đến chuyện “cái chậu rửa chân.”

Khi đó tôi vẫn hãy còn là một thầy cò. Tôi không được tham dự những cuộc họp của ban biên tập khi đó. Tôi chỉ nhớ, sau cuộc họp muộn ngày hôm đó, tôi bước ngang phòng chú, nhìn thấy chú thu dọn đồ đạc. Chú ngẩng lên nhìn tôi cười…

Một thời gian không lâu sau, chú mở một trang blog trên Yahoo! 360. Những thành viên có mặt trong friend list của chú chỉ vỏn vẹn có vài người, trong đó có tôi. Nếu tôi nhớ không lầm, blog đó của chú chỉ có khoảng 3 bài, 2 bài nói về những suy nghĩ của chú đối với những người đang biểu tình báo NV khi đó, và 1 bài chú viết về chuyện con chó chú nuôi bao năm qua vừa mới chết.

Và tôi nhớ, trong bài viết về con chó, chú bảo đó là lần đầu tiên chú khóc, sau khi khóc mẹ chú mất…

Tôi lại nhớ những lần tôi “gom tiền” đi mua chè. Tôi vào phòng chú, khi đó chú đang là chủ bút, còn tôi chỉ là một đứa mới vào làm công việc “thầy cò” không bao lâu, “Chú cho con tiền mua chè!” – Ờ, bao nhiêu?” – “Dạ, $5″ Chú móc túi đưa tiền… Tôi vẫn nhớ nhiều cô chú làm việc chung ngoài ban kỹ thuật lúc ấy hay nói “Con nhỏ này dám đi thu tiền luôn cả chú Ánh!” – “Ơ, mua cho mọi người cùng ăn, chứ có phải mình con ăn đâu. Sếp lớn phải đưa tiền nhiều hơn là đúng rồi!” Tôi nhớ mình trả lời như vậy…

Giờ thì chú đi rồi. Tôi sẽ không còn nhìn thấy nụ cười tươi rói của chú, cùng câu hỏi “Sao, công việc thế nào rồi? NL viết được lắm đấy!”

Mọi người sẽ nhớ chú lắm, chú ơi!

Tạm Biệt Anh Vũ Ánh

Tác giả : Hải-Vân


Ban Biên Tập Sống Magazine trong ngày ra mắt ấn bản Las Vegas – Phoenix tại thành phố Las Vegas, ngày 1 Thán g3, 2014. Từ trái: Thái Hoàng, Vũ Ánh, Khánh Hòa, Thu Hương, Bảo Trần.

Thời gian gửi  ngày-tháng-năm vào quá khứ. Thời gian chuyển ngày-tháng- năm về hiện tại. Thời gian đưa ngày-tháng-năm đến tương lai. Thời gian khắc ghi trên ngày-tháng-năm dấu tích u hoài của hàng thành quách cũ. Thời gian để giòng nước mắt rơi trong Ngày Mười Bốn Tháng Ba Năm Hai Ngàn Mười Bốn, khi anh Vũ Ánh từ giã cõi đời.

Tôi đốt trầm hương trước điện thờ Tam Bảo, tưởng như đang cùng chị Yến Tuyết nguyện Tâm Kinh Bát Nhã tiễn đưa người anh thân yêu về cõi vĩnh hằng. Sinh hữu hạn tử  vô kỳ. Sớm mai thức dậy anh vẫn còn cười vui, nghe chị chia sẻ những lời vui tếu…Vậy mà chỉ mới chiều xuống mây buông, anh đã ra đi! Để lại muôn vàn tiếc thương cho gia đình và bằng hữu thân quen. Khúc ly tao trầm vương luyến tưởng.

Dấu lặng ngân dài giữa hư không tiễn anh vào ngàn thu. Tôi đếm từng sát na âm vang trong tiếng tích tắc của kim đồng hồ, cảm nhận trọn vẹn sự vô thường của vạn vật. Khởi từ duyên phận tiền thân, ngay khi còn ở trong lòng mẹ mỗi người đã có riêng một định mệnh. Lúc trưởng thành, người ta lại cộng hưởng số phận chung với nhau khi vận nước điêu linh, khi thế sự xoay vần, khi hoàn cảnh xã hội thay đổi. Chính biến xảy ra ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã khiến những người đồng thời với anh Vũ Ánh, hay những thế hệ đàn em là  chúng tôi đều chạnh lòng thương yêu nhau, bởi vì anh em chúng tôi cùng lớn khôn trong giai đoạn ngặt nghèo của xã hội, cùng là nạn nhân đau khổ khi “cúi mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.” [1]

Tôi biết anh Vũ Ánh từ ngày 1 tháng 9 năm 1999, khi còn là nhân viên của nhật báo Viễn Đông. Lúc đó anh là chủ bút, cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là chủ nhiệm. Sự chênh lệch tuổi tác không trở thành bức tường ngăn cách anh Vũ Ánh – một ký giả kỳ cựu đã vang danh trong làng báo chí hải ngoại – với những người trẻ như tôi, nhất là khi anh biết tôi cũng là con em của gia đình sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, định cư tại Hoa Kỳ theo quy chế tỵ nạn. Như giòng Cửu Long chín khúc hội tụ ở cửa biển, để giúp nhau phân nhánh trước khi nhập vào sóng đại dương như thế nào, những cây bút trẻ như tôi cũng được anh Vũ Ánh chỉ dẫn và giúp đỡ y hệt như vậy. Anh viết lời giới thiệu cho bài viết đầu tiên của tôi về “Bảy Năm Cố Gắng Cân Bằng Vai Trò Truyền Thông Báo Chí.” Cho đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ bài báo có lời giới thiệu của anh:

“Đây là bài viết của Hải Vân, một tác giả mới xuất hiện trong làng báo Việt Ngữ hải ngoại. Bài viết là những suy nghĩ riêng tư của cô về bữa cơm trưa thân mật, kỷ niệm ngày Nhật Báo Viễn Đông tròn bảy tuổi. Những ý kiến trong bài viết không hẳn là ý kiến của tòa soạn, ngoại trừ những lời trích dẫn.”

Mỗi khi tôi gặp anh trong những buổi họp mặt truyền thông báo chí, hay trong những lễ hội của người Việt ở Little Sài Gòn, anh vẫn như xưa ân cần thăm hỏi:“Em khỏe chứ, cả nhà vẫn nhớ những cú điện thoại của chị  Yến Tuyết và em.” Anh nói vậy chỉ vì chị Yến Tuyết và tôi hiếm khi nói chuyện qua điện thoại. Nhưng một khi đã gọi, chúng tôi nói chuyện hàng chục giờ, điện thoại di động hết pin chuyển sang điện thoại nhà tiếp tục thì thầm tâm sự – một “kỳ tích” vang danh của hai chị em.

Căn nhà ở Garden Grove  – nơi gia đình anh Vũ Ánh cư trú tôi từng đến. Những lần tôi đến anh chỉ ngừng tay chào hỏi một hai câu, rồi tiếp tục ngồi viết bài trên máy tính, mặc kệ hai chị em tíu tít trò chuyện đủ thứ trên trời dưới đất. Sau những giờ bình luận thời sự hay viết Sổ Tay Vũ Ánh, anh thư giãn bằng cách ra vườn tưới cây. Tôi thường ví von trêu anh: Hải Phòng có gã trồng hoa, xuôi thuyền Bến Ngự la đà câu sương…; vì chị Yến Tuyết là người gốc phố Huế còn anh sinh trưởng ở Hải Phòng… Anh cười hiền, bảo: “Cô đúng là người văn chương thi phú…”

Cũng chính vì thiên hướng văn chương này, khi tôi làm việc ở Nhật Báo Viễn Đông, những quyển văn thơ của các tác giả gửi tặng tòa soạn, anh Vũ Ánh luôn để tôi viết, kể cả bài viết giới thiệu thi tập “Khổ Đau Hạnh Phúc Lũy Thừa Có Không” của nhà thơ Ngô Văn Quy –  anh rể của anh. Lần gặp cuối cùng tại tòa soạn Tuần Báo Sống, anh vẫn nói: “Có người viết về văn chương thi phú đây rồi. Tôi khô như ngói mà mọi người cứ bảo viết về văn thơ…”

Lẻ một nghìn đêm ánh sao rơi, đường xưa huyễn mộng đứng trông vời. Mênh mông thiên cổ ngàn thu đợi, mây tần  cố quận sóng chơi vơi. Chuyện xưa sương khói phù vân chỉ còn trong trí tưởng. Chuyện nay giấc mộng vô thường tử biệt sinh ly. Nhưng tôi tin rằng sự  chết không bao giờ khiến những người thông thái và khôn ngoan ngạc nhiên, bởi vì họ luôn sẵn sàng lên đường. Nhà báo Vũ Ánh cũng vậy. Những ai là bạn hay từng có dịp trò chuyện với anh đều biết anh rất hào sảng vui vẻ. Anh luôn bình thản đón nhận những điều thăng trầm được mất bất ngờ xảy ra. Tử thần đến mời gọi, anh bình an lên đường sau khi đã hoàn thành sứ mạng riêng mang. Với cương vị là nhà bình luận thời sự, những thành tựu kiệt xuất của nhà báo Vũ Ánh sẽ trở thành biểu tượng bất biến, lưu truyền đến muôn thuở muôn đời.

Theo vòng luân hồi chuyển hồn sang bốn mùa, tôn tin rằng một ngày nào đó chúng ta và tôi sẽ gặp lại anh Vũ Ánh, ở một cảnh giới khác. Vì thế tôi không gửi lời vĩnh biệt, mà chỉ viết lời tạm biệt anh Vũ Ánh. Nguyện chúc anh an nghỉ.

Hải-Vân
11:30pm Thứ Bảy ngày 15 tháng 3 năm 2014
[1]. Thơ Bùi Minh Quốc.

Bài Mới Nhất
Search