T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không :Tạp Ghi Sau 40 Năm – Kỳ 15

Pháo gãy nòng tháng Tư

Sau trận Khánh Dương, Ban Mê Thuột, Tiểu đoàn 2 Pháo binh dù về hậu cứ Nguyễn Huệ, Long Bình để tái bổ xung, và được tái trang bị 18 khẩu đại bác 105 ly kiểu cũ M2A1 từ thời Đệ nhị thế chiến, tôi được chỉ định thành lập lại pháo đội B2 với quân số gần 100 người trong đó khoảng 20 người từ pháo đội chỉ huy đưa sang. Tất cả còn lại bổ xung toàn là lao công đào binh và quân phạm đủ gốc lính từ quân lao Gò Vấp.
Một tuần sau, ngày 29-4-1975, lệnh hành quân đưa ra, về Saigon bảo vệ thủ đô.

Thông thường một pháo đội dù đóng quân thì có một đại đội dù tác chiến bảo vệ, lần này thì không, lệnh trên cho biết phải tự bảo vệ. Như vậy cho thấy tình hình quân số trừ bị của dù coi như cạn. Từ Long Bình theo xa lộ Đại Hàn, pháo đội tôi chiếm đóng sân vận động Cộng Hòa ở đường Nguyễn Kim vào xế trưa, người quản nhiệm sân vận động ngơ ngác khi thấy pháo đội tôi kéo vào sân. Sau khi hướng bắn đã sẳn sàng một vòng cung về phía sư đoàn nhảy dù, Bộ tổng tham mưu, và dinh Độc Lập, tôi cho lệnh đóng cửa sân lại. Thượng sĩ Thọ, thường vụ pháo đội nói đùa với tôi: Trung úy định tử thủ.

Tôi trả lời không vào câu hỏi: Tình thế lộn xộn, coi chừng địch trà trộn xin vào sân, nên phải đóng cửa, anh cho con cái lên hết trên khán đài, dàn súng cá nhân và lựu đạn sẳn sàng, còn các các khẩu thì trực tại chổ, sẳn sàng tác xạ. Hơn 2.000 quả đạn pháo tôi cho tháo ra khỏi thùng và gắn đầu nổ. Lúc này tôi cũng hơi lo, phát pháo đầu tiên của pháo đội để bảo vệ thủ đô sẽ do những pháo thủ trời gầm đất lở mới vào nghề như thế này bắn thật đã. Ngoài các khẩu trưởng và ngắm viên là có kinh nghiệm. Tất cả còn lại toàn tay mơ, pháo đội tôi toàn là thứ dữ từ quân lao xá vào giờ chót đưa về, tôi cũng không có thì giờ để mà hỏi han.

Đến trưa thì có một pháo đội Biệt động quân biên phòng do một vị thiếu tá chỉ huy kéo vào xin đóng quân. Tôi gọi tiểu đoàn tôi báo cho biết rồi mời vào. Tôi cũng xin lỗi vị chỉ huy rồi nói thẳng, nếu có gì lộn xộn xin đừng chạy về hướng pháo đội tôi vì tôi sẻ trực xạ nếu tụi nó đánh vào. Để tránh bị tụi nó trà trộn, coi như hai vị trí pháo biệt lập, cũng không liên lạc.

Vị thiếu tá lại hỏi tôi như thượng sĩ thường vụ pháo đội: Trung úy định tử thủ.

(Nguyễn Văn Lập)

Sài Gòn 30-4-1975

Buổi tối, tôi leo lên sân thượng. Trời tối đen, có một sự im lặng sâu thẳm. Nhưng trong bóng đêm, tôi đả nghe rõ được tiếng của im lặng. Cái im lặng của cõi đêm, của một trống rỗng, của một hố thẳm, của một mảnh đời đang sống đã khép lại. Chỉ mới hôm qua, những chiếc trực thăng còn lập lòe trên các mái nhà và biệt tăm ngay sau đó vào đêm tối. Rồi chốc lát đã mất hút. Niềm hy vọng như cạn mòn.

Một triệu, một trăm mười ngàn (1.110.000) binh sĩ VNCH đâu rồi? Mà Neil Sheenan trong Innocence perdu đã từng nói: Cette guerre que nous n’aurons jamais gagné (Trận chiến mà chúng ta đã chưa hề bao giờ thắng). Mà nay chúng ta chuẩn bị một cuộc hành trình qua sa mạc với khô héo cạn kiệt hy vọng, một hành trình gian khổ với đầy bất trắc đe dọa, hiểm nguy.

Trưa 30-4-1975, ngồi một mình thấy tương lai vô định. Lòng buồn vô tả. Nước mắt tuôn trào không ngăn được. Bụng tự nhiên nhói lên từng lời. Vui chưa thấy, lo thì như ứa tràn. Chẳng hiểu chính quyền mới đối xử ra sao? Đó cũng là mối lo của tất cả mọi nguời. Chiến tranh đã chấm dứt. Đáng nhẽ phải vui mà hóa buồn. Hết rồi cảnh chạy đôn chạy đáo tìm đường thoát thân. Có sự im lặng nặng nề như một con vật chờ chết trong nỗi tuyệt vọng. Ván bài chơi đã xong. Ngoài đường, 8 chiến xa T54 đã vào thành phố trên đại lộ Thống Nhất. Nhiều nhà đóng cửa rồi ngó ra xem động tĩnh. Chỉ có một thiểu số người dám ra đường đứng thản nhiên nhìn đoàn xe cộ đi qua. Bộ đội tỏ ra ngơ ngác và kỷ luật. Họ dơ tay vẫy chào ngượng ngập.

Mãi vào lúc 4 chiều ngày 30-4, ba vị thuyết khách của ông Dương Văn Minh, thuộc thành phần thứ ba là Luật sư Trần Ngọc Liễng, Giáo sư Châu Tâm Luân và Linh mục Chân Tín mới từ trại David Tân Sơn Nhất ra về. Các ông là những người được tướng Dương Văn Minh cử làm đại diện vào trại David chiều ngày 29-4-1975 để thuyết phục những người của mặt trận với lời yêu cầu họ đừng đánh phá Sàigòn. Các tướng Nguyễn Anh Tuấn và Đại tá Võ Đông Giang đã hứa chỉ pháo chút ít để làm áp lực với tướng Dương Văn Minh mà thôi. Quân Bắc Việt đã tiến quân vào Tân Sơn Nhất nên các ông bị kẹt lại cho đến chiều 30-4 mới ra về được.

(Nguyễn Văn Lục)

 

LĐ81 Biệt cách nhảy dù

Mặc dù đã có lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh nhưng sự chiến đấu của nhiều đơn vị thuộc quân lực VNCH vẫn tiếp tục. Diễn tiến của Bộ chỉ huy 3 chiến thuật thuộc LĐ81/BCND được đúc kết như sau: Ngày 30-4-1975 lúc 2 giờ sáng, trận chiến tại cổng phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu vẫn tiếp tục giữa địch quân và các đơn vị của LĐ81/BCND. Các chốt của LĐ81/BCND phía sau cổng Bộ tổng tham mưu đã dùng lựu đạn mini để ngăn chặn các toán đặc công của địch quân đang tìm cách đột nhập. Lựu đạn và chất nổ được xử dụng tối đa, sau 1 giờ rưỡi giao tranh địch quân không tiến được đành rút lui khỏi cổng sau của Bộ tổng tham mưu.

Đến 6 giờ sáng, 5 chiến xa T54 và quân tùng thiết của địch quân trên đường tiến vào Sài Gòn đã bị lực lượng của sư đoàn nhẩy dù và Liên đoàn 81/BCND chận đánh trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất, 4 chiến xa của địch quân bị phá huỷ, chiếc sau cùng quay trở lại chạy thoát.

7 giờ sáng một đoàn chiến xa khác của địch hướng vào cổng chính Bộ tổng tham mưu. Một toán của LĐ81/BCND phòng thủ trên cao ốc đã dùng M72 bắn cháy chiếc đầu tiên, chiếc thứ 2 đã dùng súng đại pháo trên pháo tháp bắn vào cao ốc làm tê liệt phòng tuyến thủ đó, nhưng chiến xa này cũng bị bắn cháy trước cổng Bộ tổng tham mưu do Biệt đội 817.

10 giờ 30 sáng Đại úy Nguyễn Hữu Hưng chỉ huy phó Bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND quyết định rút đơn vị khỏi Bộ tổng tham mưu, trở về Biên Hoà để tái hợp với bộ chỉ huy hành quân của LĐ81/BCND. Trên đoàn quân xa gồm những quân nhân của tất cả các đơn vị còn muốn chiến đấu, trong đoàn quân xa này được tăng cường thêm 8 chiếc thiết giáp M41 và M113 từ phi trường Tân Sơn Nhất về phối hợp. Nhưng khi đoàn xe đang di chuyển trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận thì bị phục kích, chiếc quân xa đầu tiên bị bắn cháy, đoàn xe bị nghẹt lại, đại úy Hưng cho lệnh anh em bỏ đoàn quân xa và tìm đường thoát thân.

(Đặc san GĐ81/BCND)

 

Giã từ vũ khí

An Lộc địa sử ghi chiến tích

Biệt cách dù vị quốc vong thân

 

Pháo gãy nòng tháng Tư
Đến lúc này thì sân Cộng Hòa đã trở thành một điạ điểm tìm đơn vị bị thất lạc. Hàng trăm nếu không nói là hàng ngàn binh lính, sĩ quan của nhiều quân binh chủng mà nhiều nhất là lính Biệt khu thủ đô (1) bị lạc đơn vị nghe tin nhảy dù về sân Cộng Hòa nên họ tự động tìm đến. Họ đến tìm đơn vị không thấy rồi lại đi, không hiểu sao họ biết có chúng tôi ở đây mà tìm đến, có người còn súng có người không, đa số là tay không lặng lẽ đi ngang pháo đội tôi nhìn vào, các pháo thủ của tôi thì súng cá nhân đã lên đạn đề phòng.
Đến tối tôi cho đóng cửa sân lại rồi leo lên khán đài chính nhìn về phía Sài Gòn lòng buồn vô hạn. Tôi sinh ra và lớn lên giữa lòng thủ đô, cuộc đời tôi gắn liền với Sài Gòn, từng hàng cây góc phố, từng con đường nhỏ thân quen tiếng gọi mì ban đêm, con đường Lê Thánh Tôn ngập lá me bay buổi sáng vẫn còn đây, dòng sông tuổi thơ của tôi thật êm đềm trôi trên hè phố sau giờ tan học. Gần hơn chút nữa là ngôi trường trung học Chu Văn An thân yêu, nơi tuổi trẻ tôi ươm biết bao nhiêu mộng mơ, rốt cuộc cũng chìm vào cơn lốc chiến tranh. Sài Gòn máu thịt quê hương tôi đang hấp hối. Sài Gòn của tôi đang bị bức tử. Giờ này tôi không còn nghe tiếng đại bác ru đêm, tất cả các ngõ vào Sài Gòn đã bị phong kín, cơn hấp hối này sẽ có tôi tham dự như một chứng nhân nếu còn sống sau chinh chiến, hay sẻ nằm xuống tức tưởi nghẹn ngào.
Sáng ngày 30-4, nhiều tiếng nổ lớn như là hoả tiển 122 ly về hướng phi trường Tân Sơn Nhất, bầu trời bổng nhiên thấp xuống thật u ám như sắp để tang cho một chế độ. Những người lính lạc đơn vị lại kéo về sân Cộng Hòa rồi lại lủi thủi ra đi, những giờ phút cuối đời lính, họ như những con chim bị thương, đang cố gắng vỗ đôi cánh gẩy lần chót tìm về cái tổ ấm quân đội đầy mùi thuốc súng, vì quân đội là ngôi nhà thứ hai của họ. Họ cũng chính là tôi, là lính.

Gần 10 giờ sáng, những tràng đại bác đầu tiên của Pháo đội A và C ở trường đua Phú Thọ bắt đầu bắn, điện văn xin tác xạ từ các nơi gọi về tiểu đoàn tới tấp. Các đơn vị của Lữ đoàn 4 Dù, của biệt động quân đang đụng địch. Pháo đội biệt động quân cũng đã tác xạ khói bay ngược về phía chúng tôi. Tôi cho cả pháo đội quay nòng về hướng bắn sẳn sàng tác xạ và khẩu chuẩn nạp đạn khói, một lúc sau thiếu tá Việt, Trưởng ban 3 cho điểm tác xạ bắn theo yêu cầu.

(…)

(1) Một đơn vị của Đoàn 232 đánh Biệt khu thủ đô.

Sài Gòn 30-4-1975

Ngoài phố, chỉ còn nghe tiếng xích sắt khô khan của bánh xe nghiến trên mặt đường nhựa. Mặt đất như rung lên bần bật. Sài Gòn như oặn mình dưới làn xích sắt đi qua. Tiếng xích sắt như nhắc nhở gợi về tiếng xích sắt của mùa xuân Praha năm nào. Cái mùa xuân nát úa. Cái mùa xuân hy vọng của tuổi trẻ Prague chưa kịp nhú lên thì đã bị xích sắt xe tăng của Hồng quân Liên Xô đè dập nát khi tiến vào Prague, trên những đường phố lát đá gồ ghề, thẫm màu đen thuở nào. Praha, Sài Gòn, ngạo nghễ và tủi nhục.

Những chiến xa trên có cắm cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam chạy trên đường Tự Do, Catinat cho nguời ta có cảm tưởng đường Tự Do của miền Nam là đại lộ Champs-Élysées của Paris…Nhưng Champs-Élysées của Paris vào tháng 8-1944 là cả một biển người đón tiếp De Gaulle. Biển người đó là nỗi vui mừng giải thoát, chỉ có tiếng cười và nước mắt hoan lạc.

Nhưng Champs-Élysées thì không phải đưởng Tự Do ở Sài Gòn. Đường Tự Do không có nỗi vui hoan lạc mà chỉ có những ánh mắt lo âu và sợ sệt. Ở một góc phố cạnh hotel Majestic, người ta thấy 125 (?!) nhà báo ngoại quốc đứng ở đâu đó. Họ còn ở lại để chứng kiến cảnh tháo chạy, cái cảnh mà Bảo Ninh đã mô tả trong truyện ngắn Ba lẻ một: Chen chúc, xô lấn, giày đạp, chà xéo, đánh nhau, giết nhau, cưỡng hiếp và cướp bóc và cảnh tiến tới ồ ạt của những T54 và K63, như một cơn lốc bẳng thép xé mặt lộ lướt tới với thần tốc kinh hồn…

Đài phát thanh Sàigòn mở đầu bằng tiếng hát Trịnh Công Sơn: Nối vòng tay lớn bên cạnh đám bạn bè anh, trong đó có Nguyễn Hữu Thái, một sinh viên tranh đấu. Dân Sài Gòn đã đón tiếp giải phóng như thế. Một nhúm người dân ngơ ngác, 125 nhà báo và Trịnh Công Sơn với Nối vòng tay lớn với 8 chiến xa có trang bị kính nhắm hồng ngoại tuyến dùng cho những cuộc đánh nhau ban đêm? Chả còn gì để dấu diếm nữa. Những chiến xa Liên Xô từ ngoài Bắc chạy thẳng vào chứ đâu phải của Mặt trận giải phóng miền Nam? Trên chiến xa có cắm cờ MTGPMN. Nhưng cắm một lá cờ thì không lẽ đủ để thay đổi nguồn gốc một lịch sử.

(…)

 

Nhẩy dù và LĐ81 Biệt cách nhảy dù

Ngày 30-4-75, địch quân từ hướng ngã ba Ông Tạ tiến về ngã tư Bảy Hiền (1) bị chận đánh bởi hậu cứ sư đoàn dù. Từ lăng Cha Cả đến cổng Bộ tổng tham mưu gặp sự chống trả của LĐ81 Biệt cách nhảy dù. Lực lượng địch gồm có bộ binh và chiến xa được pháo binh yểm trợ, tuy địch đông và mạnh như thế nhưng địch vẫn không dập tắt được sức kháng cự của dù, biệt cách dù. Mặc dù lệnh Tổng thống Dương Văn Minh đã phát đi từ sáng sớm, kêu gọi quân lực VNCH ngưng chiến và giao nạp vũ khí cho Mặt trận giải phóng miền Nam.

Cuộc điện đàm giữa Thiếu tá Phạm Châu Tài với Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và Tổng thống Dương Văn Minh sau này đã được Thiếu tá Phạm Châu Tài vắn tắt lại như sau:

9:00 giờ sáng ngày 30-4-75, Bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND đang quần thảo với địch trước cổng Bộ tổng tham mưu ở lăng Cha Cả thì sau đó có lệnh đầu hàng. Tôi chạy vào văn phòng trong bộ TTM mà đêm hôm trước tôi đã họp với tướng Vĩnh Lộc, nhưng những người lính cơ hữu gác ở đó cho biết tướng Vĩnh Lộc đã rời Bộ tổng tham mưu từ 6 giờ sáng. Tất cả các sĩ quan đã họp trong phòng này với tôi vào đêm 29-4 đều vắng mặt.

Tôi bốc điện thoại lên quay số của văn phòng phủ tổng thống, tôi hết sức ngạc nhiên khi người trả lời xưng danh là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Tôi nói muốn được nói chuyện với Tổng thống Dương Văn Minh, tướng Hạnh hỏi lại tôi là ai? Tôi trả lời: Tôi là Th/tá Phạm Châu Tài, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy vùng 3 chiến thuật của Liên đoàn 81/Biệt cách nhảy dù. Vài giây đồng hồ sau tướng Hạnh đưa điện thoại cho Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống nói:

– Đại tướng Dương Văn Minh tôi nghe đây, có chuyện gì đó?

Tôi trình bày với tổng thống Minh: Tôi là chỉ huy trưởng cánh quân đang tử chiến với địch ở bộ TTM, tôi đang cố liên lạc với bộ TTM thì lệnh ngưng chiến đã ban ra. Tôi vào trong bộ TTM thì họ đã bỏ chạy hết do đó tôi muốn nói chuyện với tổng thống để xin quyết định.

Tổng thống Minh trả lời rằng:

– Các em chuẩn bị bàn giao đi.

– Có phải là đầu hàng không? Tôi hỏi lại.

– Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng của họ đang tiến vào dinh Độc Lập.

(Đặc san GĐ81/BCND)

(1) Một đơn vị của Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3 đánh ngã tư Bảy Hiền.

 

Pháo gãy nòng tháng Tư

Lúc này đạn lớn đạn nhỏ nổ ran về phía sư đoàn, hướng Bà Điểm và nhiều nhất là khu ngả ba Hàng Xanh, những chiếc trực thăng Mỹ từ Đệ thất hạm đội vẫn còn tiếp tục bay về hướng toà đại sứ cùng với những chiếc Cobra bay bảo vệ nhưng không nghe tiếng bắn từ phi cơ. Mặc dầu tôi chưa bắn, nhưng tiểu đoàn bỗng ra lệnh “check fire” (ngưng bắn). Một lúc sau, tôi gọi về tiểu đoàn nói hướng bắn của tôi đâu có gần mấy con chuồn chuồn, tôi thấy rõ bằng mắt thường, bảo đảm bắn không rớt tụi nó đâu, đích thân cho tác xạ đi. Thiếu tá Việt bảo đợi. Đợi một lúc nữa, tôi bước ra đài tác xạ tiến về pháo đội, các khẩu trưởng hỏi nạp đạn lâu quá sao chưa bắn vậy, tôi chỉ tay lên trời chỉ mấy con chuồn chuồn và nói tại tụi nó đó.
Vừa lúc đó hạ sĩ truyền tin chạy ra gọi tôi: Trung úy, ông Minh đầu hàng rồi. Tôi vội chạy vào đài tác xạ, qua radio, tiếng tổng thống 2 ngày Dương Văn Minh kêu gọi buông súng như một nhát dao đâm vào tim mọi người. Tôi gọi máy về tiểu đoàn hỏi có bắn tiếp không, hay tan hàng, hoặc…bàn giao? Chừng nào có lệnh trực tiếp từ tiểu đoàn tôi mới thi hành chứ không hạ nòng đâu. Thiếu tá Việt bảo…đợi. 5 phút sau, tôi bước ra cửa đài tác xạ nhìn ra ngoài, toàn thể các đơn vị bạn trong sân Cộng Hòa tự động tan hàng, sáu khẩu đại bác của biệt động quân vẫn còn cất cao nòng, họ đi ngang chúng tôi hết sức buồn bả. Lúc này, tại đây, chỉ còn pháo đội của tôi, những người lính của giờ thứ 25 của cuộc chiến vẫn không chịu rời đơn vị, họ chỉ cần bước ra khỏi sân vận động là về với gia đình, tại sao lại còn đứng đây? Cũng như tôi, họ đang đợi. Ngay lúc đó, thiếu tá Hóa, Tiểu đoàn phó chạy xe jeep đến ra lệnh cho tôi tan hàng. Tôi trở vào đài tác xạ, chấm điểm cho pháo đội nhắm về trại Hoàng Hoa Thám rồi gọi Liêng vào ra lệnh: Anh cho tất cả pháo đội, quần áo chĩnh tề, ba lô xếp thẳng hàng như ở quân trường, khi tôi ra bồng súng chào trình diện quân số.

(…)

Sài Gòn 30-4-1975

Trong khi đó, ông Minh và toàn bộ chính phủ ông đã chờ sẵn tại dinh Độc Lập để trao quyền hành lại cho những người chủ mới. Sài Gòn lúc đó như một bãi rác với đủ thứ rác: rác Mỹ, rác quân đội với súng ống, quân trang, quân dụng vứt bừa bãi, rác chính quyền tham nhũng. Cùng lắm, ông Minh chỉ là người không thức thời cúi mình xuống nhặt cái danh chính quyền bị người ta vứt lại từ đống rác đó.

Lại còn vấn đề trao cái chính quyền đó vào tay ai? Chẳng biết nữa, người nói ông Bùi Tín, người nói chính ủy Tùng. Theo Stanley Karnov, trong Viet Nam viết: Ngồi trên một chiến xa vào dinh Độc Lập, Ông Bùi Tin chuẩn bị đóng hai vai trò một lúc: Là nhà báo, ông muốn là nhân chứng cho cuộc đầu hàng. Nhưng là sĩ quan cao cấp trong đơn vị của ông, ông muốn chính ông tiếp nhận sự đầu hàng này. Tôi chờ các ông từ sáng nay để trao quyền hành lại cho các ông, đại tướng Minh đã nói như thế khi ông Bùi Tín vào đến đại sảnh. Bùi Tín đáp lại, không có vấn đề trao quyền hành. Quyền hành của các ông còn đâu để mà giao. Ông không thể giao một cái mà ông không có. Nhưng có lẽ câu nói quan trọng nhất của Bùi Tín vẫn là câu sau đây: Cùng là người Việt Nam cả, sẽ không có kẻ thắng người bại. Chỉ có người Mỹ là kẻ bại trận. Nếu ông là người yêu nước, đây là lúc để vui mừng, vì chiến tranh đã không còn nữa trên quê hương của chúng ta. Từ đó đến nay, đã hơn 30 năm, người ta vẫn chờ đợi câu nói của Bùi Tín được thực hiện và nó sẽ không bao giờ được thực hiện.

Cũng khoảng 2 giờ rưỡi trưa hôm ấy, những chiến xa đã từ trong dinh Độc Lập chạy dọc theo đại lộ Catinat-Tự Do, từ nhà thờ Đức Bà ra hướng bờ sông. Có tới mười người dụt dè dơ cánh tay vẫy chào. Nhiệm vụ của người chiến thắng không phải là dễ. Chiếm được Sài Gòn rồi, thay vì chỉ có 10 cánh tay dụt dè dơ lên, phải nhân lên bao nhiêu triệu lần? Phải chờ xem vậy thôi.

Chiến thắng thì đã xong, nhưng chinh phục (1a) (2b) thì chưa tới và sẽ không bao giờ tới!

(Nguyễn Văn Lục)

Tác giả là giáo sư triết trường trung học Võ Tánh, là nhà biên khảo với những tác phẩm: Sách cũ miền Nam 1954-1975, Văn học miền Nam những năm 1964-1975, v…v…Và những bài viết: 30 tháng 4, đi tìm thời gian đánh mất, Cuộc sống ở một nơi nào khác, v…v…

 

Nhảy dù

Jean Larteguy được chứng kiến tận mắt trận đánh cuối cùng của các đơn vị quân lực VNCH tại Sài Gòn, và ghi lại như sau:

Gần lăng Cha Cả, quân dù đánh trận chót. Họ chiến đấu tới 11 giờ 30 trưa, cho tới khi cấp chỉ huy của họ từ dinh tổng thống trở về sau cuộc gặp gỡ bi thảm với tướng Minh. Các sĩ quan nầy khuyên họ nên ngưng chiến đấụ. Họ vừa hạ được 5 xe tăng T54. Những xe ấy còn đang cháy ngùn ngụt. Một chiếc nổ tung vì đạn trong xe. Quân dù không để lại trên trận địa một thứ gì, dầu là vũ khí, đồ trang bị, người bị thương hoặc người chết. Ngoại trừ những chiếc xe tăng T54.

(Đặc san GĐ81/BCND)

 

Lạc đạn (1a)

Một nhân vật hàng đầu của Mặt trận giải phóng miền Nam, ông Trần Bạch Đằng, thì thẳng thắn hơn. Năm 1990 được một người bạn đưa tôi tới nhà ông ở thành phố Sài Gòn, tôi ngạc nhiên khi thấy mình trở lại đúng cái biệt thự kiểu Pháp mà ngày xưa của người Mỹ cư ngụ. Tôi có lúc ở đó một thời gian và cảm thấy dường như mình quay lại một căn nhà ma.

Trong lúc ngồi uống trà ngoài vườn, tôi lại ngạc nhiên vì sự thẳng thắn của ông Đằng. Ông nói: Niềm tin của chúng tôi vào chủ nghĩa cộng sản không tưởng, không liên quan gì đến thực tại cả. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng một xã hội mới dựa trên những lý thuyết và những ước mơ như xây lâu đài trên cát. Hãy tưởng tượng xem! Chúng tôi thậm chí tập thể hóa cả người thợ cắt tóc. Thật là lố bịch và ngớ ngẩn.

Lẽ ra chúng tôi nên lưu ý một câu ngạn ngữ Trung Quốc:

“Ngươi có thể chinh phục một đất nước từ trên yên ngựa.

Nhưng ngươi không thể cai trị một đất nước từ yên ngựa”.

(“Vietnam – A History” – Stanley Karnow)
Bên lề trận chiến với bên thua cuộc (2b)

Thôi, thế là xong. Tôi nhìn những chiếc xe jeep với những thanh niên hò hét, phất cờ giải phóng và giơ cao vũ khí, tay mang băng đỏ, những nhà sư ba mươi đi phát cờ giải phóng và tửng tửng hô: “Phe ta thắng! Phe ta thắng!”. Họ là ai vậy? Những kẻ theo thời? Cách mạng giờ thứ 25? Tôi vẫn lặng lẽ đi và tính về nhà sẽ tìm cách trút bỏ quân phục và vứt bỏ khẩu súng Colt.

Quạ từ đâu bay về nhiều quá, đen cả bầu trời. Lại có cả tơ trời nữa, đó là điềm lạ hay điềm gở của miền Nam. Mùa nầy bông cây dầu nồng nàn thơm mùi nam tử. Bây giờ trộn lẫn với hương đêm và mùi khói súng bắn chỉ thiên, loạn xạ. Tin tự tử tập thể ở trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám và vài đơn vị lẻ tẻ. Tất cả những cái đó giờ đây đâu còn mang một ý nghĩa nào dù nhỏ nhất. Tại sao chỉ qua vài phút ngắn ngủi mà tôi thấy quang cảnh ngoại vật đột nhiên mất hết các ý nghĩa quen thuộc, nhà cửa, con người và ngay cả đến lời nói từ ngữ với nhau, liên hệ cố hữu giữa người và người. Tôi vốn là một người viết văn quá nửa đời người nên từ ngữ vốn mang nặng những ý nghĩa xâu xa với cái ma lực riêng của nó. Tôi bây giờ là ai? Một kẻ thất trận? Một tù binh chiến tranh? Chắc tôi chỉ còn cái danh hiệu là nhà văn với những tác phẩm đóng góp cho văn chương? Thực sự đọc nhiều về chính sách của kẻ địch, tôi hiểu trước sau họ sẽ tự bỏ luôn cái danh hiệu cuối cùng đó của tôi. Tôi tin dù họ bỏ tù được thân xác tôi, nhưng họ khó có thể tha hoá được tôi, biến đổi tôi thành một bộ máy vô hồn. Tôi nghĩ tôi đang mỉm cười, hơi một chút chua chát, hơi một chút ngạo nghễ.

Cuối cùng ai sẽ thắng? Điều đó thời phải 60 năm nữa, tôi mới có câu trả lời chính xác, đúng theo phương pháp luận của sử học.

(Những ngày cuối cùng của Vùng 1 và miền Nam – Duy Lam)

Tác giả tên thật Nguyễn Kim Tuấn (trung tá trong quân lực VNCH, phục vụ tai Vùng 1 chiến thuật), là con bà Nguyễn Thị Thế, em gái nhà văn Nhất Linh. Là nhà văn với những tác phẩm: Cái lưới, Gia đình tôi, v…v… và với những truyện ngắn: Nỗi chết không rời, Lột xác, v…v…

 

Bên lề trận chiến với bên thắng cuộc

30-4-1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn hai mươi năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”. Nhưng, không phải cứ súng ống vứt đi là sẽ có hòa bình.

(Bên thắng cuộc – Huy Đức)

 

Pháo gãy nòng tháng Tư

Khi tôi ra trước hàng quân, pháo đội đã sẳn sàng tư thế chào kính, sáu khẩu đại bác giương cao nòng, những người lính bồng súng chào, nét mặt họ không điểm một chút hốt hoảng hay lo sợ, họ tuân lệnh cấp chỉ huy một cách tuyệt đối. Tôi cắn chặt đôi hàm răng để khỏi bật ra tiếng khóc vì trong lòng hết sức thương cảm, những người lính của tôi, có người mới về đơn vị chưa đầy hai tuần, vẫn tuân lệnh cấp chỉ huy dầu cho đứng trước hoàn cảnh tuyệt vọng như thế này. Tôi cho anh em nghỉ và nói: Tôi thi hành lệnh cấp trên cho pháo đội tan hàng, tôi biết việc này sẽ làm cho anh em rất đau lòng, nhưng là quân đội chúng ta phải thi hành lệnh, sau này chắc chắn là anh em sẻ gặp rất nhiều khó khăn, hãy cố gắng mà sống.

Sau đó tôi cho pháo đội hạ nòng đại bác xuống và tháo đạn ra, súng cá nhân xếp thẳng hàng trên ba lô như thể đang giờ nghỉ ngơi. Trong khoảng khắc, sân Cộng Hòa không còn một bóng người, tôi trở vào nhà viên quản thủ sân xin một bộ đồ civil, vào đài tác xạ thay đồ trận. Xong, tôi trở ra vị trí đứng nghiêm chào. Những khẩu đại bác gióng thẳng hàng bên cạnh súng cá nhân M16 và quân trang của đơn vị tôi còn đó. Tôi buồn bã quay gót trở về nhà không dám quay lại nhìn pháo đội một lần chót, vì nhìn nữa tôi sẻ khóc, nay đành bó tay, nhưng là lính không thể khóc vào lúc này…

Vì trong bộ đồ dân sự, tôi vẫn còn là một người lính.

(Nguyễn Văn Lập)

 

Nhảy dù

Các xe tăng đầu tiên của Bắc quân vào Sài Gòn từ phía đông, qua tỉnh lộ Thủ Đức và Biên Hòa. Từ ngày hôm trước, các đơn vị này đã bị chặn tại gần Hóc Môn, gần nơi có Trung tâm huấn luyện nhảy dù do Lữ đoàn 4 sư đoàn dù trấn giữ, dưới sự chỉ huy của đại tá Vinh, sĩ quan to con, mặt phong trần, nhất định bất chấp lệnh ngưng bắn. Các đơn vị Bắc quân bị thiệt hại nhiềụ. Sau đó, chúng còn phải giao tranh 2 lần trên đường phố Sài Gòn: Một lần trước Tổng nha cảnh sát (1), trước khi bị xe tăng Bắc quân đè bẹp. Lần thứ hai ở ngã tư Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt, là nơi chỉ có 4 người lính dù võ trang đại liên và bazooka mà chiến đấu được trong 50 phút. Đến khi hết đạn, họ đi ra ngoài, nắm vai nhau, lập thành vòng tròn rồi cho nổ lựu đạn tự sát. Đến chiều tốị 400 chiến sĩ dù được gom từ trận Hóc Môn và từ phi trường, tụ lại quanh đại tá Vinh, và còn chiến đấu gần chợ chính của Chợ Lớn. 10 giờ đêm, đại tá Vinh cho lệnh các binh sĩ chia thành toán nhỏ, lợi dụng bóng đêm để rút về đồng bằng.

(…)

(1) Một đơn vị của Đoàn 232 đánh Tổng nha cảnh sát.

– : 2 nhà báo Pháp Jean Larteguy, Jean Lacouture là 2 trong 3 nhà báo (và Pierre Darcourt) đã có mặt tại miền Nam Việt Nam trong cơn hấp hối của Sài Gòn, có lẽ chờ đợi đón mừng “bộ đội giải phóng” để chứng kiến cái chết ô nhục của quân đội miền Nam. Vì những nhà báo phản chiến họ đã phỉ báng quân đội miền Nam trong suốt bao nhiêu năm. Nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, họ trở về Pháp, và đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên với những gì họ viết ra.

 

Một cơn gió bụi
Pierre Darcourt cho biết sau đó đại tá Vinh đã ở lại vị trí và tự sát.

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

Tín hiệu của ngày dài nhất trên quê hương Việt Nam khốn khổ đã phóng lên vùng trời Ban Mê Thuột hôm 12-3-1975. Nhưng Sài Gòn không treo cờ rũ như đã treo để tang Phước Long thất thủ hồi đầu tháng 1-1975. Thành phố ấy vẫn ăn chơi trong mọi khắc khoải, vẫn nhẩy nhót trên mọi ưu phiền. Những xác chết của quân dân chất đống, những dòng máu của quân dân chẩy dài, ở Darlac, còn tươi rói, chẳng làm lay động nổi cái bóng…tối phủ kín lương tri mê sảng của những con người thành phố.

Không một hồi chuông cáo phó nào rung lên cho Ban Mê Thuột, ở nhà thờ, ở nhà chùa và ở cả lòng những con người thành phố, đáng lẽ, cần phải rung lên. Cuộc chiến hai mươi năm, chưa lần nào lãnh thổ VNCH bị cộng sản ngoạm một miếng to thế, mầu mỡ thế. Ban Mê Thuột là vùng trù mật của Cao nguyên. Nhưng Ban Mê Thuột đã thất thủ. Và Sài Gòn không treo cờ rũ. Và Sài Gòn đã quên cả Phước Long, đã chẳng cần đặt câu hỏi: Trước thời gian Phước Long mất, có một căn cứ, một đồn bót nào bị mất? Không, mất sáng thì ta chiếm lại chiều, mất đêm thì ta chiếm lại ngày. Ngay Quảng Trị khó tái chiếm mà vẫn tái chiếm.

Tại sao bỏ rơi Phước Long? Niềm u uẩn Phước Long tại sao không bày tỏ? Rồi Ban Mê Thuột? Tiếng nói của lương tri nào kịp thời an ủi những cái chết tội nghiệp của dân, những cái chết bi phẫn của lính? Im lặng và lạnh lùng. Sài Gòn vẫn nhẩy đầm, vẫn rượu gái… Phải đợi đến ngày 17-3-1975, ngày khởi sự “250 cây số đường máu” dọc liên tỉnh lộ số 7 về đất hứa Tuy Hòa, nghĩa là ngày vĩnh biệt Cao nguyên, Sài Gòn mới hơi hơi xao xuyến!

(Duyên Anh Vũ Mộng Long)

 

Ngày cuối cùng của trường Bộ Binh Thủ Đức

Sau thời gian phục vụ tại Sư đoàn 5 BB, tôi được thuyên chuyển về trường Bộ Binh Thủ Đức. Trường bộ binh là một quân trường đào tạo các sĩ quan trừ bị cho quân lực VNCH. Lúc trứớc trường tọa lạc ở Thủ Đức. Năm 1974 thì dời ra Long Thành, một cơ sở mới nằm bên cạnh Quốc lộ 15, đường Sài Gòn-Vũng Tàu và cách quận lỵ Long Thành 5 cây số. Tại đây trường bộ binh kết hợp với trường thiết giáp và Trung tâm huấn luyện Yên Thế, lập thành Huấn khu Long Thành. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là chỉ huy trưởng trường Bộ binh kiêm chỉ huy trưởng Huấn khu Long Thành.

Đến đầu tháng 4-1975, Quân đoàn I và Quân đoàn II di tản, Bắc quân vào đến Nha Trang, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được chỉ định ra làm tư lệnh tiền phương Quân đoàn III, trấn đóng ở phi trường thị xã Phan Rang. Sau khi Trung tướng Nguyễn Vinh Nghi ra làm tư lệnh Tiền phương thì Đại tá Trần Đức Minh đang là chỉ huy phó truờng bộ binh được chỉ định lên thay thế làm chỉ huy trưởng trường bộ binh, kiêm chỉ huy trưởng Huấn khu Long Thành.

Đầu tháng 4-1975, trường Võ Bị Quốc Gia là trường sĩ quan hiện dịch, di tản từ Đà Lạt về Long Thành và tạm trú ở trường bộ binh. Hai tuần sau trường võ bị cho làm lễ mản khóa hai khóa 28 và 29 ra trường cùng một lúc, còn lại hai khóa 30 và 31.

(Nguyễn Ngọc Thạch K20)

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

0 giờ 15 phút. Trực thăng Mỹ vẫn vần vũ một góc trời Sài Gòn. Nó tiếp tục hạ cánh, cất cánh chở những người Việt Nam leo lên được nóc tòa đại sứ Hoa Kỳ. Cùng với tiếng trực thăng vần vũ, tôi còn nghe cả tiếng súng nổ ở phía phi trường Tân Sơn Nhất. Lính bộ đội ông Hồ đã pháo kích vào phi trường quân sự từ mấy hôm nay. Họ chưa ngừng pháo kích. Họ muốn chiếm yếu khu Tân Sơn Nhất. Lính ta vẫn chống cự. Không còn ngôn ngữ nào đề vinh danh những người lính VNCH biết ý nghĩa sống, và ý nghĩa chết. Hơn cả hào hùng, lính của ta lãng mạn nhất loài người, chấp nhận chiến đấu cô đơn và gục ngã âm thầm.

Súng nổ ròn, nổ đẹp ở phía phi trường Tân Sơn Nhất. Và ở những nơi nào nữa trên quê hương tôi vào lúc bi thảm của lịch sử, vào lúc mà người lính có quyền đứng thẳng, ngẩng mặt, vất vũ khí, giã từ trận mạc? Họ đứng thẳng, ngẩng mặt niềm kiêu hãnh của họ về hướng kẻ thù. Cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam chỉ khởi sự từ những ngày cuối tháng 4-1975. Từ những ngày này, trước đó, chính nghĩa của chiến đấu bị lu mờ, bị ngộ nhận bởi Mỹ.

Nghe súng nổ, tôi liên tưởng người lính, nhân vật bất hủ của nhà văn James Jones trong tác phẩm From here to eternity. Anh ta tạm bỏ đơn vị vì lý do giết gã cai ngục quân lao trả thù cho bạn. Anh ta bị thương, tá túc tại nhà một vũ nữ. Biết tin quân thù xuất hiện và đồng đội anh hăng say chiến đấu, anh ta trở về đơn vị.

– Quân đội bạc đãi anh, anh trình diện làm gì?

– Vì tôi là lính.

Vì tôi là lính. Câu nói đầy cảm xúc và cảm khái. Lính của chúng ta đã nói thế, nếu có ai hỏi tại sao các anh còn chiến đấu. Tôi lại nhớ chập tối hôm qua…

(…)

 

Sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt

Jean Larteguy được thấy tận mắt các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt, lực lượng trừ bị cuối cùng của quân lực VNCH, tiến ra trận địạ.
“Và trong những bộ đồng phục mới, giày chùi xi bóng láng, các sinh viên anh dũng của trường Võ Bị Đà Lạt đã đi vào chỗ chết. Chỉ còn thiếu có cái mũ diễn hành và đôi bao tay trắng”.

Một đồng nghiệp của Jean Lartéguy là Raoul Coutard đã thu được cảnh xuất quân bi tráng ngay vào máy quay phim và cố nén xúc động khi nhìn thấng những đôi bao tay trắng không khác gì các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Saint-Cyr.

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

Tôi lại nhớ chập tối hôm qua…Lúc ấy, trên màn ảnh nhỏ của đài truyền hình băng tần số 9, ông tướng Vĩnh Lộc, mà có thời chúng tôi gọi là ông “vua xứ mọi” đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại. Vào phút giây “sauve qui peut” này, thấy tướng Vĩnh Lộc chưa chạy, tưởng rằng ông ta xứng đáng con nhà tướng. Tôi không có kiến thức quân sự như Phạm Huấn đề thẩm định giá trị trận mạc và tài năng chỉ huy của tướng lãnh. Bây giờ, ông xuất hiện trên ti vi, nắm quyền tổng tham mưu trưởng vào giờ thứ 25. ông ta có vẻ bối rối trong nhật lệnh đọc từng câu rời rã. Sự thung dung cần thiết lúc này để gây lại phấn khởi, để lấy lại niềm tin đã thiếu hẳn ở người hùng Pleiku. Cái vẻ phẫn nộ pha lẫn chán nản của tướng Vĩnh Lộc đã làm tôi buồn bã thêm.

Tôi bỏ ra sân. Nghe tiếng xích xe tăng nghiến trên mặt đường, tôi mở cổng ra xem. Một đoàn xe tăng của ta từ hướng Tân Sơn Nhất chạy vào Sài Gòn. Bất chợt, một chiếc dừng ngay trước cổng nhà tôi. Những chiếc tăng phía trước và phía sau dừng lại. Ngã tư Công Lý-Yên Đổ đủ một chỗ trống cho xe hơi qua lọt. Người lính xe tăng mở nắp, cầm cái búa lớn nhẩy xuống đường. Chiếc tăng bị trục trặc. Bình tĩnh, người lính giáng những nhát búa. Chắc chắn, anh ta không nghe tướng Vĩnh Lộc kêu gọi tiếp tục chiến đấu. Người lính ấy, biểu tượng đích thực của quân đội, còn nguyên vẹn danh dự và trách nhiệm. Người lính im lặng làm công việc của anh ta. Hẳn nhiên, anh ta không hò hét. Nên, anh ta vẫn còn đây, trước cổng nhà tôi số 225 Bis đường Công Lý, sửa xích xe tăng một cách thản nhiên. Sự thản nhiên của người lính tôi đã không tìm thấy ở tướng Vĩnh Lộc trên vô tuyến truyền hình.

Nếu “cái dũng của thánh nhân” đã biểu hiện rõ nét ở các ông tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, chắc chắn, những cái chết của các ông ấy đã phục sinh một ý nghĩa chiến đấu tuyệt vời. Chỉ tiếc các ông ấy tự sát quá vội vàng, tự sát chưa đúng lúc. Cần một tướng Nguyễn Khoa Nam có đủ cái thung dung tự tại phút nguy cơ, Vùng 4 đã là những chiến khu lý tưởng dẫu thất thế sau 30-4. Tuy nhiên, các ông tướng tự sát vẫn xứng đáng con nhà tướng “sinh vi tướng, tử vi thần”, vẫn để lại những dấu ấn khó phai nhòa trong quân sử và trong lịch sử. Ông tướng Vĩnh Lộc quên cái dũng, vì ông pha trộn sự phẫn nộ Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên và các ông tướng đào ngũ.

(…)

Cuộc di tản của trường VBQGVN

Sau khi mãn mùa quân sự năm thứ 2 và bước vào mùa văn hóa, khóa 30 cũng như các khóa khác khi đi học văn hóa vẫn phải trang bị vũ khí đầy đủ để sẵn sàng tác chiến, vì tình hình chiến sự bên ngoài càng ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày 29-4-1975, lúc 3 giờ chiều, trung đòan SVSQ được lệnh trở về doanh trại để chuẩn bị cuộc di hành xa với đầy đủ hỏa lực tác chiến. Khỏang hơn 4 giờ chiều, liên đội G, H rời khỏi trường Mẹ bằng cổng Nam Quan trên 4 chiếc GMC. Ra đi lần nầy chúng tôi không ngờ đây là lần vĩnh biệt ngôi trường thân yêu mà chúng tôi đã sống 1 năm 4 tháng 4 ngày 15 giờ.

Liên đội G, H chúng tôi được đưa xuống bảo vệ Cầu Đất, còn các liên đội khác thì trải dài cho đến đập thủy điện Đa Nhim. Đến 7 giờ tối chúng tôi được lệnh của trung đoàn di chuyển theo hai bên lề đường để bảo vệ cho dân Đà Lạt di tản, chúng tôi đi bộ suốt đêm mãi đến 5 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới qua khỏi đèo Sông Pha thuộc quân Đơn Dương và dừng quân tại đây chờ các liên đôi khác tập hợp đầy đủ.

Vì liên đội G, H đi đầu nên chúng tôi có thời giờ nghỉ chân chờ cho cả trung đòan tập hợp đầy đủ dưới chân đèo Sông Pha. Tôi nằm đại bên lề đường, đầu gác lên ba lô đưa mắt nhìn chung quanh, bạn bè trong đại đội nằm rải rác khắp nơi….Nhìn đồng hồ tay tôi thấy kim chỉ 7 giờ 30 sáng, cả trung đoàn SVSQ được lệnh tập hợp và lần lượt lên xe GMC để tiếp tục cuộc hành trình hướng về Bình Tuy. Lần nầy cuộc hành trình của trung đòan SVSQ không lẻ loi vì có thêm vị chỉ huy trưởng của chúng tôi là Thiếu tướng Lâm Quang Thơ dẫn đầu mặc dù ông có sẵn trực thăng dành riêng cho ông.

Sau này tôi không bao giờ quên được ngày 30-4, lúc 10 giờ 15 sáng, tôi chết lặng người khi nghe trên đài phát thanh tiếng của Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân nhân các cấp buông súng đầu hàng!!!

(Phan Văn Lộc K30)

Ngày cuối cùng của trường Bộ Binh Thủ Đức

Ngày 22-4-1975, trường bộ binh và truờng võ bị (Đà Lạt) được lệnh di tản về Thủ Đức. Trường bộ binh chỉ di tản một nửa quân số về Thủ Đức, còn một nửa quân số ở lại Long Thành. Khi về đến Thủ Đức, trường bộ binh nhận trách nhiệm phòng thủ với các tiểu đoàn SVSQ. Đêm 26-4, Bắc quân mở cuộc tấn công trường bộ binh ở Long Thành. Trường thiết giáp thất thủ, quận Long Thành bị tràn ngập, trường Bộ Binh Long Thành trở thành tiền đồn ngăn chặn địch mà địch quân quyết phải thanh toán cho bằng được để tiến thẳng về Sài Gòn.

Sáng ngày 30-4, vào lúc 8 giờ 30, đang chỉ huy phòng tuyến chính mặt xa lộ nghe báo cáo thấy đoàn xe thiết giáp và xe motolova của Bắc quân đang di chuyển trên xa lộ Biên Hòa tiến về Sài Gòn. Tôi gọi các pháo đội pháo binh 105 ly, 155 ly và 175 ly (1) chuẩn bị sẳn sàng. Đây là các loại pháo binh để yểm trợ tầm xa, mà Quân đoàn III gửi tạm ở đây. Nhưng trong giờ phút quyết liệt này, tôi dự trù sẽ sử dụng để bắn trực xạ. Súng 175 ly được đặt trên thiết giáp nên dễ dàng di chuyển, điều động. Bị sức kháng cự mạnh mẽ của trường bộ binh, nên Bắc quân liền đổi hướng tấn công xông thẳng vào trường bộ binh. Một chiếc thiết giáp T54 ủi sập chướng ngại vật ở cổng chính và chạy thẳng vào trong, vừa chạy vừa bắn loạn xạ. Lúc đó súng nhỏ bên ta bắn trả dử dội tóe lửa vào chiếc chiến xa. Tôi thấy rõ chiếc chiến xa khi nó tới gần, súng trên pháo tháp quay qua bắn sập Trung tâm hành quân, vì trên nóc TTHQ có nhiều cần ăng ten nên dễ thấy. Khi chiếc chiến xa này chạy xuống tới cổng số 9 thì gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của các SVSQ giữ mặt hậu nên liền quay đầu chạy ngược lại. SVSQ thấy người lái chiến xa đứng lên dường như có ý định đầu hàng nhưng rồi lại ngồi xuống và lại tiếp tục bắn làm chết và bị thương một số SVSQ.

Mặc dù chưa từng ra chiến trận nhưng tinh thần chiến đấu của các SVSQ rất hào hùng. Khi nó chạy tới khu tiếp tân gần miếu Tiên Sư thì bị ĐĐ663/ĐPQ bắn đứt xích nằm tại chỗ, nhưng súng trên pháo tháp vẫn còn quay bắn lung tung. Liền đó có một SVSQ thuộc Tiểu đoàn 1 SVSQ, đang ở phòng tuyến gần đó, nhanh nhẹn bò ra leo lên pháo tháp và liệng một quả lựu đạn vào bên trong xe tiêu diệt hẳn. Lục soát trong xe thấy chân xạ thủ bị khóa xích trong xe.

(…)

(1) Pháo binh địch trụ lại tại căn cứ Thủ Đức dùng hỏa lực súng cối và súng chống tăng M72 chặn đánh và chia cắt đội hình Tiểu đoàn xe tăng 5 (Lữ đoàn 203). Một phân đội của Lữ đoàn 203 liền kéo vào tiêu diệt nhóm pháo binh này. Tại đây xe tăng 707 của lữ đoàn đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. Đến 9 giờ sáng 30-4, sau khi dồn bộ phận còn lại của đối phương vào trong căn cứ Thủ Đức, Tiểu đoàn 5 để lại cụm quân này cho Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 xử lý và đuổi theo các đơn vị đi đầu lúc này đã đến cầu Sài Gòn.

Sau khi đánh tan sức kháng cự của 8 xe tăng có sự phối hợp của 6 tàu chiến hải quân địch đậu tại Tân Cảng, cụm đột kích sâu nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn tiến vào đường Hồng Thập Tự tìm đường vào dinh Độc Lập. (Nhật ký chiến trường – Nguyễn Hữu An)

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

Người lính đã sửa xong xích tăng. Anh ta leo lên xe, chui xuống, đậy nắp. Đoàn xe tiếp tục chạy. Về đâu? Tôi không biết. Trở vô nhà, ông tướng Vĩnh Lộc đã đọc xong nhật lệnh. Màn ảnh vô tuyến truyền hình, bây giờ, chỉ còn cái dấu chỉnh hình tưởng chừng cái hình bát quái và giọng hát buồn nôn của mấy cậu sinh viên tranh đấu nhai đi, gặm lại ca khúc Nối vòng tay lớn, thỉnh thoảng bị đứt khúc bởi tiếng nói đắc thời của Lý Quý Chung, tổng trưởng thông tin nội các Vũ Văn Mẫu? Tôi vội tắt ti vi.

Tôi cảm giác thời gian ngừng lại. Khi tôi mong trời vỡ sáng thì trời không muốn vỡ sáng.

4 giờ sáng…

Tiếng súng từ phi trường Tân Sơn Nhất vọng vào đã thưa thớt, nhưng tiếng phi cơ trực thăng vẫn ầm ĩ một góc trời thành phố. Tôi bật ti-vi. Màn ảnh nhỏ trắng xóa. Không có cái bất ngờ như tôi tưởng tượng. Tôi đâm ra tương tư người lính sửa xe tăng trước cửa nhà mình tối qua và ông tướng Vĩnh Lộc. Tôi mở radio. Giới nghiêm 24 trên 24 kể tử 0 giờ ngày 30-4-1975.

Lệnh giới nghiêm không thay đổi. Tôi tắt ngay radio để khỏi bị nghe Nối vòng tay lớn và giọng tanh tưởi của Lý Quý Chung luận về tình nghĩa Trung Nam Bắc. Có vẻ như thằng ở giữa đần độn này muốn mở đường chào đón “người anh em bên kia” của đám hàng thần lơ láo của cái chính trường vỏ tôm Sài Gòn những ngày tháng tư.

(…)

 

Ngày cuối cùng của trường Bộ Binh Thủ Đức

Và liền sau đó không lâu vào khoảng 10 giờ 15 phút thì nghe lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố ngưng bắn chờ lệnh bàn giao. Sau đó đại tá Minh ra lệnh cho tôi gọi cho các đơn vị ngưng chiến đấu. Tôi bỏ về phòng thay đồ dân sự và lập tức lấy xe gắn máy phóng nhanh ra cổng, vừa lúc địch quân cũng vừa vào tới.

Những giờ phút cuối cùng của trường bộ binh, tôi xin trích đoạn trả lời của Đại tá Trần Đức Minh, vị chỉ huy trưởng cuối cùng của trường bộ binh. Ông kể lại:

“Khoảng hơn một giờ sau khi im tiếng súng, đại diện của một đơn vị Bắc Việt đến, họ yêu cầu tôi thi hành lệnh của tổng thống và chuẩn tướng Hạnh để bảo đảm không nổ súng nữa. Trong khi nói chuyện, đại diện quân Bắc Việt yêu cầu tôi triệu tập các chỉ huy trưởng trong Huấn khu Thủ Đức đến gặp họ. Sự việc diễn ra rất ngắn ngủi, chỉ có khoảng vài trăm người mặt mày ngơ ngác, bần thần. Rồi loáng một cái, chẳng còn ai mặc quân phục nữa. Sinh viên si quan mặc đồ dân sự lủi thủi lê chân ra phía cổng chính. Chiều hôm đó đến lượt tôi trút bỏ quân phục…”

Viết để nhớ lại ngày 30-4-1975.

(Nguyễn Ngọc Thạch K20)

 

Chuyện thời hậu chiến

Vượt biên, hắn không quên mang theo cái lon ngày xưa đính trên ve áo của hắn. Hai mươi năm sau, hắn bị buộc phải lựa chọn: hoặc hắn phải tìm một cái lon khác với cấp bậc cao hơn cho xứng với tuổi tác của hắn. Hoặc hắn phải trẻ lại, cứ mãi mãi ở lứa tuổi hai mươi, khi hắn mới ra trường Bộ binh Thủ Đức. Lương thiện, hắn chọn giải pháp thứ hai. Từ đó, hắn không lớn nữa.

(Website Tiền Vệ – Truyện cực ngắn hay Truyện chớp)

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

4 giờ 30 rồi…

Tôi mở cổng ra vỉa hè, nhìn xuống cầu Công Lý, nhìn lên dinh Độc Lập. Đường phố vắng hoe. Trời lất phất mưa. Không phải sương rây. Sẽ xảy ra chuyện gì những giờ sắp tới? Tôi trở vào nhà, rất mong những người lính Sài Gòn làm Sài Gòn thành một Stalingrad. Chúng ta đã có những ngày Hà Nội dân chúng đốt cháy phố phường, đục tường nhà này xuyên qua tường nhà nọ, sống với thủ đô, chết với thủ đô. Tôi mong được chết bởi đạn quân thù khi đang chiến đấu.

Trong những phút giây mà mạng sống như sợi chỉ treo mành, rất hiếm những con người còn dám ngẩng mặt. Những người này chung thân im lặng, đôi khi còn xấu hổ nếu có ai nhắc đến thái độ sống của mình, dẫu để vinh tôn. Vì khan hiếm những con người dám ngẩng mặt nên chúng ta thừa những con người mê muội thèm khát quyền bính đến quên cả thế lẫn thời. Lời thóa mạ nào dành cho những kẻ trí thức bám quanh Vũ Văn Mẫu bon chen danh vọng giờ thứ 25? Những tổng trưởng của Vũ Văn Mẫu rồi cũng vào tù. Và cũng muối mặt nhận mình là tù nhân tư tưởng! Tôi muốn quên hết, quên hết, quên cả những thảm cảnh đồng bào tôi di tản về đất hứa Phú Yên và bị ở lại với cộng sản. Đồng bào tôi xuống tàu từ Đà Nẵng tới Phan Thiết. Quên để mường tượng một Sài Gòn sắp biến thành Stalingrad vài giờ nữa.

5 giờ…

Tôi đã trải qua 300 phút của ngày dài nhất. Ngẫu nhiên, tôi trở thành chứng nhân của thời đại tôi, một chứng nhân không thích rườm rà chi tiết, một chứng nhân chỉ khoái vắn tắt từng sự kiện và suy diễn những sự kiện theo kiến thức hữu hạn của mình. Nhưng luôn luôn sáng tạo, cố gắng sáng tạo. Rất nhiều khi chứng-nhân-tôi quên hẳn những sự kiện quan trọng mà chỉ nhớ những sự kiện vớ vẩn. Người viết tiểu thuyết khác người viết lịch sử ở chỗ đó. Người viết tiểu thuyết thường khám phá ra ở sự kiện vớ vẩn cái vóc dáng đẫy đà và quan trọng hơn cả sự kiện quan trọng dưới mắt sử gia. Tôi mê huyền sử, dã sử nặng gấp bội chính sử, ngoại sử. Giản dị lắm, huyền sử và dã sử không thèm quan tâm tới niên biểu. Thế mà tôi lại quan tâm tới niên biểu của một ngày dài nhất đầu tiên trong đời tôi đã trôi mút mít 20 năm.

(…)

 

Quân sử ngoại truyện

Trận đánh Nước Trong…

Ngày 26-4, Quân đoàn 2 tấn công căn cứ huấn luyện thiết giáp Nước Trong, đánh chi khu Long Thành. Ngày sau đó ta đánh chiếm thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu.

Quân đoàn 2 sử dụng Sư đoàn 304 mở màn cuộc tấn công vào cụm Long Thành-Nước Trong, đánh bật được lính thủy quân lục chiến địch. Đến đêm 26-4, Sư đoàn 304 chỉ chiếm được trường thiết giáp, chưa giải quyết được khu vực trường Bộ Binh Long Thành.

Chiều ngày 27-4, với mũi thứ yếu, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Trung đoàn 141 của sư đoàn này và Đại đội xe tăng 4 có pháo binh yểm hộ đã đánh chiếm được thị xã Bà Rịa.

Ở Vũng Tàu, Sư đoàn 3 Sao Vàng phải rút lui. 16 giờ ngày 29-4, Sư đoàn 3 trở lại và cũng chiếm được thị xã Vũng Tàu.

(Nhật ký chiến trường – Nguyễn Hữu An)

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

Thường lệ, vào giờ này, sinh hoạt chợ Xóm Lách đã ồn ào. Hôm nay im vắng. Tôi lại mở cổng ra đường. Bước sát cột đèn lưu thông, tôi đứng ở ngã tư Công Lý-Yên Đổ. Lần đầu tiên, từ hai mươi năm khôn lớn tại Sài Gòn, tôi được nhìn Sài Gòn buồn bã. Như thể Sài Gòn choàng khăn tang và hồi chuông cáo phó đã đọng trên đầu cỏ, ngọn lá. Con phố Công Lý, con đường của VIP, nườm nượp xe cộ từ tan giới nghiêm đến bắt đầu giới nghiêm, hôm nay, vắng ngắt. Tôi mơ hồ thấy, trong hiu quạnh khôn cùng của ban mai Sài Gòn 30-4, những lời giối giăng đứt khúc. Chắc chắn không có sóng ngầm. Chắc chắn không có Stalingrad ở Sài Gòn. Không có một dấu hiệu nào chứng tỏ thành phố chuẩn bị nghênh giặc. Tôi đã thất vọng. Tôi đã tuyệt vọng. Não nề hơn, tôi đã thất tình với cuộc chiên đấu mơ ước. Với Dương Văn Minh và đám cỏ đuôi chồn, không bao giờ có chiến đấu, dù chiến đấu để chết đẹp, chết xứng đáng làm người. Tôi tự trách tôi ngu xuẩn đã không chịu suy diễn sự dọn đường quỳ mọp của Lý Quý Chung, phát ngôn viên chính thức của Dương Văn Minh. Tôi ngu xuẩn hay tôi giống người sắp chết đuối với được cái phao giới nghiêm 24 trên 24.

Chúng tôi đậu xe sát lề đại lộ Thống Nhất, ngay cửa tư thất của ông đại sứ Pháp tại Sài Gòn, thả bộ lên tòa đại sứ Hoa Kỳ. Trực thăng lên xuống đều đặn. Thủy quân lục chiến Mỹ mặc áo giáp, tay trần, kè kè M16. Chúng tôi lái xe ra bến Bạch Đằng. Những con tàu nghiêng lệch về một bên đã đi cả rồi. Cái phà qua Thủ Thiêm còn sang ngang. Và trên sông, những chiếc ghe chèo, ghe máy đuôi tôm vẫn thản nhiên xuôi ngược.

Chúng tôi trở lại Sài Gòn. Các cửa hiệu khu phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ đóng cửa. Ở những căn nhà lầu, cửa sổ mở tung và những khuôn mặt ngó xuống nhìn Sài Gòn dáo dác. Khác với Sài Gòn ngày 11-11-1960, khác với Sài Gòn buổi chiều trước 1-11-1963, Sài Gòn sáng 30-4-1975 là ngày hân hoan dấu kỹ, là ngày ngơ ngác phô ra, là ngày sợ hãi hiện rõ. Trời u ám. Người ủ ê. Hơn 8 giờ mà mặt trời còn ẩn kỹ. Không một sợi nắng. Có ba ngày lạ lùng trong tháng 4. Hôm tên phi công phản phúc oanh tạc dinh Độc Lập, trời lất phất mưa. Hôm Dương Văn Minh “lên ngôi” tổng thống, trời lất phất mưa. Và hôm nay, trời u ám lạ thường. “Khí trời u uất hận chia ly”.

Câu thơ này đã diễn tả chính xác Sài Gòn buổi sáng 30-4-1975.

(…)

 

Giờ phút cuối của một đơn vị dù

Đúng 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, tôi nhận được lệnh rút lui, lúc đó đại đội của tôi là tuyến đầu của tiểu đoàn tại Hóc Môn. Đang di chuyển tôi được lệnh: Về Sài Gòn chờ lệnh. Không thu chiến lợi phẩm, bảo toàn lực lượng. Tôi trả lời: Hiểu và thi hành. Chúng tôi rút về tới ngã ba Bà Quẹo, một giờ vất vả và vô sự. Đơn vị chúng tôi tiếp tục di chuyển về ngã tư Bảy Hiền.

Một số phóng viên ngoại quốc bu lấy tôi hỏi đủ chuyện. Lúc đầu tôi trả lời bằng tiếng Anh: Tôi không biết. Nhưng sau đó một phóng viên ngoại quốc hỏi tôi bằng tiếng Việt:

– Anh thuộc đơn vị nào?
– Nhảy dù.
– Tôi muốn hỏi anh thuộc tiểu đoàn nào?
– Anh cứ biết một tiểu đoàn nhảy dù đủ rồi.

Thấy tôi không muốn trả lời họ không hỏi nữa. Họ thi nhau chụp hình đơn vị đang rút của tôi rồi bỏ đi về hướng tiền quân. Nhảy dù! Không hiểu ai đặt ra cái luật khắt khe: ”Không được tự ý trả lời phóng viên dù là tên của mình“. Quý vị thấy những đơn vị bạn có những tên thật đẹp như Cọp Vằn, Hắc Báo, Kình Ngư, Đại Dương, v…v…Nhưng nhảy dù có những tên quái dị như: Con Gà tử mị, Sư Tử mắc nước, Con Cù lần, v…v…Còn tên các tiểu đoàn trưởng như: Trưởng ấp, Xã trưởng, Bồi bàn, Cao bồi, v…v…Đại đội trưởng: T…sốt rét, N. lai, H… ghẻ, v…v…

(Nguồn: tác giả ghi tên tắt là H.)

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

8 giờ 15 phút…

Chúng tôi trở lại tòa đại sứ Mỹ…Lính Mỹ vẫn lạnh lùng canh gác. Con nít ngủ la liệt trên vỉa hè. Cụ già dựa lưng vào tường, nửa thức nửa ngủ và nửa mơ màng thiên đường Mỹ. Chúng ta tìm về đất hứa không có Moise hướng dẫn, không có Moise đầy phép tích nên chúng ta bệ rạc nằm, ngồi ngổn ngang trước toà đại sứ Mỹ, chúng ta ăn báng súng, ăn xô, ăn đạp.

8 giờ 17 phút…

Bất thần, thủy quân lục chiến Mỹ rút hết một lượt vào bên trong tòa đại sứ. Dân di tản nhất loạt đứng dậy. Cụ già tỉnh táo. Con nít thức giấc. Mọi người chờ đợi một “biến cố…

8 giờ 25 phút…

Không thể chờ đợi lâu hơn, nóng ruột lắm rồi. Dân di tản leo tường vào, xô cổng vào. Chiếc trực thăng bay lên đúng 8 giờ 30 phút. Dân di tản đã ùa vô đầy sân tòa đại sứ, không có chiếc trực thăng nào xuống, không còn chiếc trực thăng nào xuống nữa. Năm phút, mười phút, rồi ba mươi phút. Trực thăng hết vần vũ trên một góc trời Sài Gòn. Chiếc trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn hồi 8 giờ 30 phút. Có thể, chuyến đó mang ông đại sứ Martin, các nhân vật của tòa đại sứ, và lính thủy quân lục chiến Mỹ ra khơi.

Dĩ nhiên, ông đại sứ Martin đã không quên gấp lá cờ sao xọc vuông vắn, bê theo, bước lên tàu bay. Thế giới có thể mường tượng cảnh cuốn cờ bỏ chạy của đại sứ Martin qua hình ảnh đại sứ John Dean cuốn cờ bỏ chạy khỏi Nam Vang đã đăng trên báo chí.

9 giờ…

Tôi bảo Đặng Xuân Côn thả tôi xuống trước rạp Kinh Thành. Côn chạy về Phú Nhuận. Mình tôi đứng bên dãy phố Hai Bà Trưng nhìn sang vỉa hè bên kia, buổi sáng Tân Định. Chỗ đó, vài hôm trước, tôi vừa gặp anh Trần Kim Tuyến, sơ-mi bỏ ngoài, giép Nhật Bản, thất thểu đi.

– Anh đi đâu đấy, anh Tuyến?

– Đi đâu?

Ông giám đốc sở nghiên cứu chính trị, “tên trùm mật vụ ác ôn thời Diệm” thở dài.

– Chúng ta đã chống cộng. Riêng tôi thì cứ ngoác miệng đòi “chống cộng đến chiều”. Và rồi chúng ta hỏi nhau đi đâu. Anh sẽ đi đâu, anh Tuyến?

– Chẳng hiểu.

– Mỹ nó không đón anh à?

– Không. Còn cậu? Cậu định đi đâu?

– Chẳng hiểu, anh ạ!

10 giờ 20 phút…

Chuông điện thoại reo:

– Long hả?

– Ừ!

– Chúng nó đã lảng vảng khu nhà tao rồi. Tao lên mày nhé?

– Hỏi chi nữa!

Tôi cúp điện thoại. Và, thật sự, kể từ phút này, tôi đã té nhào khỏi lãng du lênh đênh trên ước mơ, tôi hết dám thèm “thoát chết, bung ra”. Tôi sợ hãi. Tôi trở về với sự sợ hãi.

(…)

 

Giờ phút cuối của một đơn vị dù

Tôi cúi mặt tránh những ánh mắt ái ngại của đồng bào, lầm lũi bước đi trên đường Lê Văn Duyệt quen thuộc, trước cổng trại Thạch Văn Thịnh (TĐ2 Nhảy dù) con đường rộng thênh thang, không còn bóng người, chỉ còn lại chúng tôi và một số phóng viên ngoại quốc. Tới cổng Hoàng Hoa Thám tự nhiên chân tôi chồn lại, tưởng như một khối chì nặng nề níu chân lại.

Đứng lại trong thế nghiêm tự nhiên, cay đắng nhìn cổng trại thân yêu, cách đây 10 năm tôi bước qua để chính thức trở thành lính Mũ Đỏ, chiếc cổng vô tri này nhưng ma lực của nó đã có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với chúng tôi ở lứa tuổi đôi mươi. Hình ảnh chiếc cổng hoang tàn với hàng rào concertina ngổn ngang như hoang phế lâu ngày, nhìn sâu vào trong trại, tôi thấy thấp thoáng những bạn bè, chiến hữu chúng tôi đang vội vã đi lại trong đó. Tôi không hiểu tôi đang là một thứ người gì, nhưng tôi đang đứng sững nghiêm chỉnh trước chiếc cổng như hình tượng cho một đơn vị, như thánh thần trong tâm khảm những ngày tung hoành ngang dọc.
Tôi đưa tay chào chiếc cổng thân yêu, các phóng viên muốn thu hình này nhưng quá muộn, tôi lững thững bước đi như xác không hồn. Nước mắt tôi dàn dụa xen lẫn mồ hôi cay đắng, cơn nấc nghẹn ngào làm tôi nghẹt thở. Giã từ Hoàng Hoa Thám, giã từ đơn vị thân yêu, đơn vị đã được chúng tôi dâng trọn cuộc đời cho Hoàng Hoa Thám, dâng trọn cho đoàn quân Mũ Đỏ.

Tôi nhắm mắt bước đi theo đoàn quân chậm chạp rút lui như tử tội nặng nề bước chân lên bực thang máy chém. Tôi cố gắng im lặng để thanh thản bước đi nhưng hình ảnh anh em bạn bè cứ soi mói nhìn tôi như oán trách.

– Thưa Đích Thân “Ba” vừa đánh cháy thêm hai chiến xa nữa. Tiếng của Hòa người mang máy cho tôi. (hiện nay Hòa đang ở Úc Châu).
– Ở đâu? Tôi hỏi vắn tắt.
– Ngã ba Bà Quẹo.

(…)

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

10 giờ 30….

Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đặng Xuân Côn mở radio thật lớn. Tôi lặng người trong giọng nói cơm nguội của Big Minh. Tôi mất miền Nam từ giây phút này.

– Tắt radio đi, Côn?

– Để nghe xem còn tin tức gì nữa.

– Hết rồi.

– Chưa.

– Tôi bảo hết rồi. Tắt đi?

Mỗi biến cổ lịch sử xảy ra thường kèm theo những chuyện ngoài lề. Và những chuyện ngoài lề được truyền kể, được thêu dệt thành huyền thoại. Một trong những chuyện ngoài lề dưới đây không phải là huyền thoại. Mà là chuyện ở quán cà phê vỉa hè sau ngày 30-4-1975. Người ta thuật cho nhau nghe, luận bàn và người ta không thèm quan tâm đến cái vô lý của câu chuyện.

10 giờ, phủ tổng thống gọi đài phát thanh Sài Gòn, yêu cầu gửi gấp sang một chuyên viên ghi âm. Anh chuyên viên đem máy móc đến trình diện. Giám đốc báo chí dẫn anh tới phòng họp của tổng thống. Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng tại đây. Kẻ viết lệnh đầu hàng là Lý Quý Chung (1), Tổng trưởng thông tin của nội các Vũ Văn Mẫu, “danh sĩ” của môn phái hoa lan. Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng xong, anh đem băng về đài. Anh lái chiếc Honda 50…

Anh lái chiếc Honda 50… về đài phát thanh Sài Gòn. Nếu anh chuyên viên ghi âm bị đụng xe chết giữa đường Thống Nhất. Tôi tin chắc rằng lịch sử khác đi một chút. Nó cũng sẽ bị sang trang nhưng không đến nỗi sang trong buồn tủi. Sẽ có máu, nhiều máu của Sài Gòn 30-4-1975.

(…)

(1) Tình hình càng ngày càng nguy ngập. Khoảng 8 giờ sáng 30-4, ba ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu không còn lựa chọn nào hơn là đơn phương tuyên bố “bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Ông Mẫu soạn lời tuyên bố mất khoảng một tiếng đồng hồ. (Hồi ký không tên – Lý Quý Chung)

 

Giờ phút cuối của một đơn vị dù

Tôi vừa băng qua Đại đội 1 của đơn vị, được lệnh trực chỉ theo đường Trương Minh Giảng về hướng Sài Gòn đến ngã ba Trương Tấn Bửu chờ lệnh. Dọc theo bên đường dân chúng ái ngại nhìn chúng tôi, người chạy theo lên hướng Sài Gòn, người ngơ ngác đứng nhìn. Tôi vừa dừng chân tại Trương Tấn Bửu, trước bót cảnh sát.

– “Hai” đánh cháy 1 chiến xa và 3 xe vận tải tại ngã tư Bảy Hiền, “Ba” đã qua lăng Cha Cả, cùng bộ chỉ huy tiểu đoàn. “Một” còn nằm tại chỗ.
Tôi im lặmg nghe Hoà báo cáo.
– Thưa Đích Thân, “Hai” đã qua lăng Cha Cả.

Cùng lúc đó tôi nhận được lệnh kiếm chỗ trống trải để tập họp cả tiểu đoàn. Cùng lúc đó Hòa báo cáo: “1 vừa đánh cháy một chiến xa tại lăng Cha Cả và 2 xe vận tải“.

Vào khu Đại học Vạn Hạnh, tôi cho lệnh đứa con thứ tư của tôi đóng chốt giữ an ninh chung quanh khu đại học và từng đơn vị vào sân Đại học Vạn Hạnh tập họp chờ lệnh. Tôi thấy bọn băng đỏ lố nhố trong khuôn viên ĐHVH, chúng có vũ khí nhưng không một tên nào dám nhố nhăng, vì sau chúng có anh em của tôi kềm súng sẵn sàng hỏi tội chúng. Nhưng vị anh cả của chúng tôi im lặng, lầm lì quan sát, tôi thấy môi anh mím chặt, cặp mắt giận dữ nhìn chúng nhưng chưa một phản ứng, thì một tên mặc áo tu hành tay cầm loa đưa ngang miệng dõng dạc: Đất nước đã thống nhất, yêu cầu các anh em nhảy dù hãy buông súng trở về với cách mạng, cách mạng sẽ khoan hồng cho anh em.

Phản ứng tự nhiên, tôi rút súng chĩa về phía hắn, hắn thụt lùi vào trong hành lang, và hàng trăm cây súng sẵn sàng nhả đạn. Nhìn lên những anh em trên cao ốc, tôi thấy anh em đều chĩa súng sẵn sàng chờ lệnh. Tôi biết rằng nếu tôi siết cò súng là súng nổ rền trời ngay lập tức. Anh cả của chúng tôi im lặng, đứng sững như trời trồng, sau đó anh cho lệnh Đại đội 1 tìm bãi đất trống trải để tập họp tiểu đoàn, và cả đơn vị rút ra khỏi khu ĐHVH. Đại đội tôi đi sau cùng, tôi rút ra khỏi khu mà phải đi giật lùi như trong vùng địch, cẩn tắc biết đâu bị bắn lén.

(…)

 

Nhật ký Sài Gòn ngày dài nhất

10 giờ 40…

Sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, Đặng Xuân Côn và tôi ra vỉa hè trước cửa nhìn Sài Gòn chờ đợi lính ông Hồ từ Bắc vào. Trời hết âm u, nhưng vẫn chưa có nắng. Vẫn thiếu nắng vàng rực rỡ. Dân xóm Lách kéo lên. Lề đường Công Lý, gần nhà tôi đông nghẹt.

Một toán quân xuất hiện. Quân ta. Tôi đếm: 19 người. Mười chín người lính mặt cúi gầm, lầm lũi bước. Tối hôm qua, tôi đã thấy quân ta ngang qua đây. Quân ta và xe tăng. Hình ảnh người lính sửa xích tăng đã in vào tiềm thức tôi.

11 giờ…

Một bà mẹ hớt hơ hớt hái, từ dốc chợ xóm Lách, chạy lên đuổi theo toán quân. Bà mẹ già ôm chặt lấy một người lính:

– Hết chiến tranh rồi. Về thôi, con?

Người lính cố gỡ nhẹ tay mẹ mình ra:

– Con không về được.

Bà mẹ khóc. Bà mẹ khóc tức tưởi:

– Sao vậy? Có lệnh hàng rồi mà.

Người lính lắc đầu.

– Con không thể về được.

Bà mẹ rên rỉ:

-Bỏ hết đi con, về với má.

Người lính gỡ mạnh tay mẹ mình ra:

– Má về đi, con phải theo các bạn con.

Người lính chạy nhanh để bắt kịp các chiến hữu.

Bà mẹ đứng bên đường mắt đẫm lệ, nhìn theo con mình…

 

***

– Rồi người lính có về không?

Đó là câu hỏi của ký giả Patrick Sabatier của nhật báo La Libération đã đến tận nhà tôi ở Ivry sur Seine phỏng vấn tôi để làm số báo đặc biệt cho ngày 30-4-1985.

– Tôi không biết, ông Patrick ạ! Sau 6 năm tù đầy trở về, tôi hỏi thăm người xóm Lách, được rõ là bà mẹ còn sống, và người con vẫn biệt tăm…

– Anh ta đi đâu?

Số báo đặc biệt của La libération, một tờ báo khuynh tả đã đăng bài báo có tựa đề: “Rồi người lính có về không?” vào ngày 30-4-1985.

(…)

 

Giờ phút cuối của một đơn vị dù

Vùng tập họp mới của chúng tôi ngay tại ngã tư Yên Đổ và Trương Minh Giảng. Chúng tôi vừa vào hàng ngũ, đơn vị nghiêm chỉnh trình diện anh cả của đơn vị.

Anh cả của đơn vị gương mặt thiểu não nói trong nghẹn ngào. Tôi có cảm tưởng như tiếng nói của anh bị đứt đoạn nhiều lần: Tôi xin chào tạm biệt các anh em. Xin báo cho các anh em biết chúng ta đã nhận được lệnh buông súng đầu hàng. Tôi điều động anh em đến đây để bảo với anh em một lệnh cuối cùng: “Chúng ta chào tạm biệt nhau tại đây ai về nhà nấy, tất cả quân

trang, quân dụng tuỳ anh em định liệu, quyền chỉ huy của tôi đến đây đã chấm dứt.
Cả đơn vị im lặng không một tiếng xì xào bàn tán.

Chúng tôi lặng người trong ngỡ ngàng tột độ, những lời lẽ thiếu mạch lạc của anh cả phát ra từ xúc động. Tiếng nói của anh chấm dứt sau vài phút đơn vị vẫn đứng im. Cả hàng quân đang im lặng, anh cả vẫn còn đứng đó, anh đang cúi mặt. Cái im lặng xa vắng, cái im lặng khủng khiếp. Tôi cũng đã biết giờ phút này phải đến, nhưng không ngờ nó đến trong bẽ bàng thế này!!! Nhìn hàng quân súng đạn còn đủ dùng, mặt mũi âu sầu. Cơn đau đớn ê chề xâm chiếm dần dần như làn hơi thổi vào chiếc bong bóng tới độ không chịu được phải phát nổ.

Thình lình T., một trung đội trưởng của tôi, nước mắt dàn dụa nhảy ra ngoài hàng quân, T. dơ cao trái lựu đạn và nói to: “Các anh em của tôi hãy tan hàng, để một mình tôi ở lại thôi”, T. vừa nói xong khoảng 10 anh em vừa bước tới chỗ T. vừa nói: Để tụi em chơi chung với.

Bất chợt hai tiếng lựu đạn nổ chát chúa…

Tổng cộng 11 anh em đã ôm nhau từ giã, Trong số 11 anh em cấp bậc lớn nhất là thiếu úy trung đội trưởng, người cấp bậc nhỏ nhất là binh nhì khinh binh. 

(Nguồn: Tác giả ghi tên tắt là H.)

 

 

 

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search