T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Còn đó niềm xót xa

hoa 06 2

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Năm đó tôi hai mươi, Minh Tú và Khả Vân hai mươi mốt. Ba đứa chơi rất thân, vì thế bạn bè thường gọi chúng tôi là “bộ tam sên”. Trong ba đứa, Minh Tú đứng giữa để cân bằng tôi và Khả Vân. Tôi là người con gái rất lãng mạn. Ảnh hưởng sách báo và phim ảnh thời bấy giờ với phong trào “người yêu của lính”, tôi đã từ chối rất nhiều lời tỏ tình để trở thành người yêu của Phong, một chiến sĩ hiên ngang trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Khả Vân thực tế hơn, cô nàng thường bảo “tao không muốn làm góa phụ hai mươi”, nên chọn Khiêm là người anh họ chú bác ruột của Phong -tuy là anh em chú bác nhưng Phong và Khiêm  có nhiều nét giống nhau. Minh Tú thâm trầm hơn. Con nhỏ tin vào số mạng, nên không bao giờ mất thì giờ để vẽ vời hình ảnh người tình trong mộng.

Trong tình yêu, Khả Vân hạnh phúc hơn tôi nhiều, vì khi ấy Khiêm còn là sinh viên đại học, nên hầu như họ gặp nhau mỗi ngày. Còn tôi và Phong, họa hoằn lắm một năm mới gặp nhau đôi ba lần. Phong như cánh chim trời bay đi biền biệt. Bước quân hành của anh đã dẫm qua biết bao địa danh xa lạ mà tôi chưa từng nghe đến. Tình yêu chúng tôi cho nhau chỉ là nỗi nhớ thương trong những cánh thư đẫm ngọt tình yêu.

Mỗi chiều thứ bảy, khi những đôi tình nhân tay trong tay, dạo quanh phố xá hay ngồi bên nhau thưởng thức những ly cà phê thơm ngát với dòng nhạc tình nồng nàn, ấm áp thì tôi một mình thui thủi đếm bước, trở về căn nhà nhỏ trong cư xá đìu hiu, giở từng lá thư, đọc lại những giòng chữ quen thuộc để mong tìm gặp hình ảnh người yêu qua những lời yêu thương, nhung nhớ ngọt ngào. Tình yêu thời chinh chiến đẹp như một huyền thoại mà cũng xót xa vô vàn cho những người con gái phải làm kiếp vọng phu. Phong hiểu điều đó nên mỗi lá thư của anh là những băn khoăn, ray rứt không rời “Anh yêu em. Yêu vô cùng. Nhưng nghĩ về tương lai làm sao anh không chùn bước. Lỡ một ngày nào anh nằm xuống ở một chiến trường nào đó, thì cuộc đời em sẽ ra sao…”. Ngày đó, cứ mỗi lần nghe Giao Linh nức nở trong câu hát “là người yêu lính chiến, là chấp nhận thương đau, là chấp nhận xa nhau” thì tôi không ngăn được nước mắt, những dòng nước mắt xót xa, mặn đắng. Lời ca thật đơn sơ nhưng xoáy buốt trái tim tôi.

Rồi tôi mất tin Phong vào những ngày giữa tháng Tư, năm bảy lăm, khi chiến trường trở nên sôi động. Tôi tất tả đi dò hỏi khắp nơi, nhưng không ai giúp gì được cho tôi ngoài ánh mắt xót thương. Cho đến ngày giặc cộng tràn vào miền Nam, tôi vẫn không có một tin tức nào của Phong. Ngày trước, có lần tôi và Khả Vân đi dự đám tang người yêu của Phúc An -một cô bạn thân thời trung học. Phúc An trong bộ áo dài trắng muốt, đầu quấn khăn tang -dù chưa là phải là vợ của chàng- mái tóc dài bay bay trong gió như lời vĩnh biệt buồn áo não. Phúc An đứng bất động bên chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, từng giọt lệ lăn dài trên đôi má xanh xao. Tiếng khóc không bật ra khỏi bờ môi, nhưng đôi vai gầy run nhè nhẹ trong ánh nắng hắt hiu của buổi chiều nơi nghĩa trang buồn hiu hắt. Hình ảnh thật bi thương và cảm động của một tình yêu cao đẹp tuyệt vời.  Giờ đây, tôi không có khăn tang, nhưng hồn tôi cũng lịm chết. Tôi mất Phong, nhưng không được một lần vĩnh biệt, không được một lần chít khăn tang để khâm liệm mối tình đầu.

Những ngày tôi vật vã trong nỗi đớn đau, Minh Tú và Khiêm không rời xa tôi một bước. Chúng tôi có chung một niềm đau, có chung một nỗi khổ khi cuộc sống thường ngày hoàn toàn đảo lộn. Ba tôi vào trại cải tạo. Mẹ tôi về quê ngoại. Tôi nấn ná ở lại thành phố để chờ đợi tin tức của Phong  -dù chỉ là một chờ đợi thật vô vọng. Trong thời gian đó, Khiêm cũng không liên lạc được với Khả Vân. Đã từ lâu, gia đình Khả Vân không chấp nhận mối tình của Khiêm và Khả Vân, vì  ba của Khả Vân muốn con gái mình kết hôn với con trai của người bạn ông đang du học ở Pháp. Tôi không dám nói cho Khiêm biết gia đình đang tìm cách cho Khả Vân theo người anh trai đi vượt biên. Buổi sáng, trước khi lên đường, Khả Vân đã đến gặp tôi, nhờ nhắn lại với Khiêm  “Dù thế nào Khả Vân cũng yêu Khiêm và quyết tâm sẽ chờ đợi ngày sum họp”. Tôi ôm Khả Vân trong tay để nghe trái tim mình thêm một lần rạn vỡ khi mất đi một cô bạn thân yêu.

Như có linh tính, buổi tối đó Khiêm tìm đến tôi. Người con trai mạnh mẽ, cứng rắn của ngày nào bỗng loạng choạng ngã xuống chiếc ghế bên cạnh khi đọc xong lá thư từ biệt của người yêu. Khiêm ngồi bất động, anh không khóc, nhưng hai mắt đỏ hoe, đôi môi mím chặt. Tôi cúi xuống, bàn tay hứng trọn những giọt lệ mặn đắng. Mới đây. Chỉ mới đây thôi trong lần Phong về phép sau cùng, bốn chúng tôi còn ngồi bên nhau bàn tính chuyện tương lai, nào là Khả Vân sẽ làm dâu phụ cho tôi. Khiêm sẽ làm rể phụ cho Phong, còn Minh Tú sẽ đóng vai bà mai. Những câu trêu ghẹo, những tiếng cười ròn rã của ngày ấy đâu rồi, sao bây giờ nhìn nhau chỉ thấy toàn nước mắt.

Những ngày sau đó, Khiêm say khướt trong men rượu. Tôi và Minh Tú hết lời khuyên can Khiêm nhưng vô ích. Tôi biết, dù có nói cách nào cũng không thể lôi Khiêm ra khỏi nỗi thất vọng cùng cực. Người yêu bỏ đi không một tiếng từ giã. Con đường  học vấn  bị đứt đoạn vì  cái lý lịch  đen ngòm với hàng chữ đỏ “Gia đình sĩ quan Ngụy”. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi Khiêm đã mất tất cả. Tình yêu và tương lai. Một buổi tối, Khiêm đến tìm tôi với khuôn mặt đỏ gay, Khiêm cười cười, nói nói như một người ngớ ngẩn. Tôi lấy khăn lạnh lau mặt cho Khiêm. Anh choàng tay ôm lấy tôi. Tôi lặng nhìn Khiêm trong ánh sáng mờ mờ. Khuôn mặt chữ điền, sóng mũi cao và đôi mắt sáng của Khiêm hay của Phong tôi không phân biệt được, chỉ biết rằng trong đầu tôi bỗng có một ý nghĩ lạ lẫm… tại sao ngày xưa tôi không hối thúc Phong kết hôn để có với Phong một đứa con. Để bây giờ, cho dù mãi mãi Phong không trở lại, tôi cũng còn giữ lại hình bóng của Phong qua đứa con thân yêu, một kết tinh tình yêu của hai đứa. Ý nghĩ đó đưa tôi đến gần Khiêm hơn. Trong cảm giác nửa mê, nửa tỉnh ấy tôi ôm đầu Khiêm kéo sát vào ngực mình…

Lúc tôi tỉnh dậy, cảm giác đầu tiên là hốt hoảng khi thấy Khiêm nằm bên cạnh tôi đang say vùi trong giấc ngủ. Trong tích tắc, tôi kinh hoàng khi nhớ lại chuyện tày trời vừa xảy ra. Trời ơi! tôi đã điên, điên thật rồi. Tôi bước xuống giường, mở cửa và chạy một mạch ra biển. Thả mình xuống bờ cát ướt đẫm trong trạng thái run rẩy, tôi úp mặt xuống cánh tay trần, mặc cho những lượn sóng lặng lờ chảy ập vào người cho đến khi tâm hồn lắng xuống tôi mới trổi dậy, đếm từng bước chân như đếm những bất hạnh sẽ rơi xuống khoảng đời  nhiều bất trắc từ những hậu quả do chính tôi  -đứa con gái vừa bước vào tuổi hai mươi hai- tạo ra trong một phút điên rồ.

Những ngày sau đó, tôi lẩn tránh Khiêm, mặc cho anh tìm kiếm và nhờ Minh Tú nhắn tin. Tú hoàn toàn không thắc mắc khi thấy tôi và Khiêm đang chơi trò cúp bắt. Hai tháng sau, tôi bàng hoàng khi biết mình đã mang thai. Nỗi bàng hoàng cũng quật tôi ngã quỵ như khi nhận được tin Phong mất tích. Tôi không biết sẽ phải giải thích với mẹ như thế nào. Tôi định tìm Khiêm, nhưng cuối cùng tôi tự nhủ, phải can đảm nhận lấy hậu quả việc mình làm, bởi Khiêm là người vô tội. Tôi nói với Minh Tú, tôi phải về quê giúp mẹ buôn bán và ra đi trong tâm trạng hoang mang lo lắng.

Một buổi chiều u ám, tôi đã tìm về mẹ với khuôn mặt đờ đẫn mất hồn và khóc nức nở trong tay mẹ để thú nhận lỗi lầm, nhưng một mực từ chối không cho mẹ biết người đàn ông đó là ai. Mẹ là người độ lượng và thông cảm, nên chỉ thở dài chứ không trách móc một lời. Tôi bắt đầu những ngày tháng nhọc nhằn khi phải bước chân ra đời để bon chen tìm sự sống trong hoàn cảnh đơn độc trong căn nhà cũ giờ đây đã thiếu vằng bóng mẹ, bóng em.

Khoảng một tháng sau thì Khiêm tìm đến tôi. Gặp lại Khiêm, tôi ngại ngùng không dám nhìn mặt anh vì xấu hổ về hành động hư đốn của mình. Nhưng Khiêm thì lại van xin tôi hãy tha thứ cho anh vì một phút hồ đồ mà đã làm dang dở đời tôi. Khiêm đề nghị tôi và Khiêm làm lễ cưới. Câu nói của Khiêm khiến tôi giận dữ. Tôi muốn Khiêm hiểu rằng, tôi đã đến với Khiêm bằng hình bóng của  Phong. Vì thế, với tôi, đứa con này không phải của Khiêm mà là của Phong. Tôi nghiêm giọng nói với Khiêm:

-Anh không có trách nhiệm gì với đứa con tôi đang mang. Tôi không yêu anh và người anh yêu là Khả Vân chứ không phải tôi. Vậy thì tại sao chúng ta phải cột chặt cuộc đời nhau, như thế có khác gì đày đọa nhau. Anh hãy về và làm theo lời Khả Vân dặn dò, cố gắng tìm đường vượt biên để gặp lại Vân và ở nơi đó sẽ không có ai ngăn trở tình yêu của hai người.

Khiêm ngập ngừng:

-Còn  Mỹ Anh và… thì sao?

-Tôi tự lo cho mình được. Và xin anh hãy nhớ, đứa bé này là con tôi, của một mình tôi. Anh đừng tìm tôi nữa, coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra giữa tôi và anh. Tôi mong rằng, ngoài tôi và anh, sẽ không một ai được biết chuyện này. Anh phải hứa với tôi điều đó.

Khiêm gật đầu và nhìn tôi rất lâu rồi lặng lẽ bước đi. Chúng tôi hoàn toàn cắt đứt liên lạc từ dạo đó.

Sự ra đời của bé Phong Nguyên đã cho tôi niềm vui bất tận, nhưng đồng thời cũng mang đến cho những người thân của tôi nỗi thắc mắc to lớn. Tội nghiệp Mẹ, bà nghĩ rằng đó là nỗi đau của tôi nên không vặn hỏi một lời.  Như tôi đã nói, Khiêm và Phong khá giống nhau, nên bé Nguyên được xem là giống Phong. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của bé Nguyên là tôi thấy hình ảnh Phong trong đó. Ôi! tình yêu. Làm sao có thể giải thích được khi khoảng cách trùng trùng giữa tôi và Phong vẫn không làm phai nhạt tình yêu tôi dành cho anh. Mỗi khi nhớ đến Khiêm và Khả Vân tôi vẫn cầu nguyện cho hai người được gặp nhau và trọn đời hạnh phúc bên nhau.

Khi Phong Nguyên được mười lăm tuổi thì tôi bước thêm bước nữa. Thoạt đầu, tôi nhận lời kết hôn với Vĩnh chỉ bởi một lý do duy nhất là nhờ Vĩnh mà tôi và Phong Nguyên sẽ được đến Mỹ, và ở đó, con tôi sẽ có cơ hội để tạo dựng một tương rạng rỡ. Đối với Vĩnh, tôi không có sự đam mê nồng nàn của mối tình đầu, nhưng tôi thật sự trân quý tình cảm anh dành cho tôi, cũng như sự thương mến chân thành anh dành cho Phong Nguyên. Nguyên càng lớn càng giống Phong  -trong ý nghĩ  của tôi, Nguyên luôn luôn là con của Phong và tôi cảm thấy hạnh phúc với điều mình nghĩ. Nguyên rất ngoan, ngay cả với Vĩnh, dù biết rõ Vĩnh không phải là cha ruột của mình, nhưng Nguyên luôn hiếu thảo và giữ tròn lễ nghĩa.

Cuộc sống gia đình vẫn êm ả trôi theo ngày tháng cho đến khi có dịp đến Dallas để thăm một người anh họ của Vĩnh thì  tôi tình cờ gặp lại Minh Tú  -là cháu họ của chị dâu của Vĩnh-  từ New Orleans về đây trú ngụ sau cơn bão Katrina. Quả đất thật tròn. Mấy mươi năm cách biệt, chúng tôi nhận ra nhau qua dòng lệ chan hòa. Ôm chặt lấy Tú trong tay, tôi nghe lòng mình bồi hồi xúc động, tưởng chừng như cả một quá khứ đẹp đẽ kéo về vây quanh lấy hai đứa. Cuộc hội ngộ bất ngờ của chúng tôi khiến những người có mặt cũng cảm động. Mọi người biết chúng tôi có rất nhiều điều phải nói cho nhau nghe, nên sau buổi cơm chiều đã đưa nhau đi xem phim để tôi và Minh Tú có cơ hội hàn huyên.

Sau “biến cố” xảy ra giữa tôi và Khiêm, tôi đã lánh mặt tất cả bạn bè, kể cả Minh Tú nên chúng tôi mất liên lạc với nhau từ dạo đó. Khoảng hai năm sau, Minh Tú lập gia đình và cùng chồng rời bỏ quê hương. Cách đây ba năm, tình cờ Tú bắt liên lạc được với Khả Vân đang ở Canada.  Tú nói với tôi bằng giọng reo vui:

-Biết Khả Vân đã lập gia đình, mà Tú không ngờ chồng của Vân lại là anh Khiêm.

Quay sang tôi, Tú hỏi:

-Mỹ Anh có tin rằng vợ chồng là duyên nợ không? Ngày đó mình cứ nghĩ rằng hai người sẽ chia lìa vĩnh viễn. Thật không ngờ, hạnh phúc cũng đã đến với họ. Chỉ tiếc một điều…

Câu nói bỏ lửng cùng tiếng thở dài của Minh Tú làm tôi hoang mang.

-Tội nghiệp hai vợ chồng Khả Vân… ở với nhau tám năm mà không có con.

Tôi im lặng. Thời gian như ngưng đọng trong nhịp thở nặng nề của tôi khi nghĩ đến Khiêm và Phong Nguyên. Minh Tú vẫn chậm rãi kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về hai người bạn cũ. Khi Minh Tú đề nghị với tôi:

-Để Tú gọi điện thoại cho Khả Vân.  Biết mình gặp lại Mỹ Anh, chắc Khả Vân sẽ mừng lắm. Thế nào cũng có dịp để bọn mình gặp lại nhau. Anh Khiêm cứ hỏi mình có biết tin tức của Mỹ Anh không?

Tôi đang tìm cớ thoái thác thì mọi người trở về. Thế là cả nhà quây quần ăn uống chuyện trò đến khuya. Tôi trở về phòng với nỗi lòng nặng trĩu. Suốt đêm, tôi trăn trở trong nỗi băn khoăn, ray rứt. Vợ chồng Khả Vân không có con, nếu bây giờ tôi gặp lại Khiêm và nếu Khả Vân biết sự liên hệ giữa Khiêm và Phong Nguyên thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi lắc đầu, cố xua tan mọi ý nghĩ, nhưng lòng vẫn bất an khi nghĩ đến Khiêm và đứa con anh chưa hề thấy mặt. Tôi có tàn nhẫn không khi quyết định không cho cha con Khiêm gặp nhau?

Rời giường, ngồi xuống sàn gỗ lạnh ngắt, tôi nhắm kín đôi mắt và đưa ý nghĩ của mình theo hơi thở đều đặn của Vĩnh. Bao lâu rồi tôi vùi chôn quá khứ để chọn một cuộc sống bình lặng bên người chồng tốt bụng. Trên một ý nghĩa nào đó, tôi đang có một gia đình rất hạnh phúc. Không phải Minh Tú cũng nói với tôi rằng Khiêm và Khả Vân rất hạnh phúc sao? Nếu vậy, thì đâu cần thiết phải có một cuộc gặp gỡ đầy ngỡ ngàng cho người trong cuộc.  Tôi nhớ mình đã từng nói với Khiêm “đứa bé này là con tôi, con của một mình tôi”. Và tôi chắc rằng Khiêm cũng sẽ không quên điều tôi đã nói với anh.

Buổi sáng, khi chia tay để Minh Tú sang Seatlle với gia đình chồng, tôi ôm chặt lấy Tú thật lâu. Và trong dòng nước mắt nhạt nhòa, tôi nghe như có tiếng thì thầm của mình trong nỗi nghẹn ngào, hối tiếc “Mình thương Tú, thương Khả Vân rất nhiều, nhưng đành phải nói tiếng xin lỗi”.

Cánh cửa xe đóng lại, Tú đưa mảnh giấy có ghi số điện thoại của tôi lên vẫy nhẹ như hứa hẹn sẽ gọi điện thoại cho tôi. Nhưng Tú làm sao biết được, trong mười con số ghi cho Tú, tôi đã cố tình ghi sai một số []

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2016

 

 

Bài Mới Nhất
Search