T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lam Phương: Biết Đến Bao Giờ

“. . .Lam Phương nhiều khi thắc mắc suy tư về một mối tình không biết đến bao giờ mới thực là yêu cho lòng đỡ hiu quạnh. Câu hỏi ấy, ai trả lời đây hay rồi cũng chỉ là những mơ ước xa xôi, chìm theo ngày tháng quạnh hiu, trống vắng. Lam Phương bầy tỏ trong bài “Biết đến bao giờ”. . “

Lam Phương: Biết Đến Bao Giờ

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Biet den bao gio 1

Biet den bao gio 2

Biet den bao gio 3

Biet den bao gio 4

Biết Đến Bao Giờ – Sáng Tác: Lam Phương

Trình bày: Phượng Mai (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

Trích :

Lê văn Phúc 

LAM PHƯƠNG:
NHỮNG TÌNH KHÚC LÀM  NÊN  TÊN TUỔI

(Nguồn: Gio O)

. . . Khi hỏi tác giả về trường hợp sáng tác, gợi hứng để sáng tác thì Lam Phương cười mà nói rằng:
Bất cứ những gì xẩy ra chung quanh tôi, tôi đều ghi nhận, cảm xúc mà viết thành ca khúc. Có khi nghe tiếng mưa rơi, nghe tiếng trẻ thơ khóc ban đêm, khi đọc báo thấy tình hình đất nước biến chuyển, khi họp bạn, khi cắm trại, khi nghe kể chuyện tâm tình v.v… tôi đều có thể viết ngay thành bản nhạc.


Hỏi:
Anh viết nhạc trước, lời sau hay lời trươc nhạc sau? Hoặc viết cùng một lúc?
Đáp:
Tôi thường viết chung một lúc. Tôi nghĩ sao viết vậy. Nhờ cảm xúc bén nhậy nên tôi gửi gấm được trọn vẹn lời và nhạc với nhau.
Cũng khó thật đấy, anh ạ! Vì tôi thường thấy nhạc sĩ viết nhạc trước rồi sau mới  đặt lời nên nhiều khi bị gò ép trong khuôn khổ chữ nghĩa, vần điệu, ý tình.
Người  xử dụng nhạc khí hay ca hát cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi ôm chiếc tây ban cầm, bấm những  hợp âm dễ như Do trưởng, Do thứ, Re trưởng, Re thứ,  La, Mi…Và lời ca thì bình dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hát nên không ai lấy làm lạ khi nhạc của Lam Phương thành công một cách mau lẹ, dễ dàng.


Năm 1954, Lam Phương đọc báo thấy tin đất nước chia đôi, anh  viết ngay  “Chuyến đò vĩ tuyến”, trang trải tâm sự của mình cũng như nói thay tâm sự của những người đồng cảnh ngộ phải rời bỏ miền Bắc vào Nam để có được một cuộc sống tự do, thanh bình, no ấm.
Anh viết:

 “ Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến.
Phương nam ta sống trong thanh bình,
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.
Ơ…ới hò…
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
Anh ơi, ai nỡ chia đôi bò, để tình ta ngày tháng phai mong chờ.
Hò…hớ…hò…hơ…
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng……”


Hồi còn đi học,thời gian 1954-1955, óc tưởng tượng của Lam Phương đã phong phú. Anh chỉ nhớ đến rừng thôi mà đã có thể soạn thành một ca khúc theo điệu Mambo dễ thuộc, dễ hát. Đó là bản “Nhạc rừng khuya”:


“ Nhạc đêm tàn hoà cùng ngàn cây trầm lắng
Nhạc reo buồn  hoà cùng đường tơ rừng vắng
Sương trời khuya rơi khắp đó đây rừng ơi!
Rừng căm hờn ngày nào thù lan tràn khắp
Rừng oán thù ngày nào giặc sang tàn phá
Máu đào rơi thây phơi khắp trong rừng chiều…”


Cũng thế, bản “Đoàn người lữ thứ” ra đời. Đoàn trai lên đường, góp tay xây dựng một quê hương tươi sáng. Mặc gian nguy khốn khó, họ vững lòng tin ở tương lai để có no ấm, tự do, bác ái.
Đoạn chót viết:


“Dù đuờng còn xa bao la hay qua đồi cao
Biển rộng rừng sâu khi đi thân trai ngại gì
Rồi một ngày mai khi non sông say nhạc thanh bình
Chim xanh đua hót, đón mừng doàn ta trở về”


Năm 1955-1956, nhân dịp bãi trường, học sinh Dalat đáp chuyến xe lửa xuống cắm trại ở Nha Trang. Trên đường đi, Lam Phương nghĩ về ngôi trường cũ, bạn bè cũng lứa tuổi, ngày vui bên nhau và sẽ có khi xa cách. Tâm hồn anh chùng xuống, cảm xúc tràn ngập để viết thành ca khúc. Khi xe lửa đến ga Nha trang thì anh vừa viết xong “Ngày tạm biệt”. Chắc chắn trong chúng ta, không ai quên đoạn này:


“ Ai nghe chăng ngoài kia hoa vẫn rơi
Bên xác hoa âu sầu vì tả tơi
Ngàn ve buông tiếng nỉ non như thương cho người đi.
Thôi chia tay cạn ly vui chúc đi
Ta chúc nhau những gì đẹp lòng nhau
Dù thời gian có phôi pha ta không bao giờ quên”.


Năm 1958, anh sáng tác bản “Đèn khuya” tại khu Dakao, nhịp 4/4 chậm buồn kể lể , hợp âm Re trưởng, với nỗi buồn thê thiết khi lúc tay còn trắng tay. Nhưng nghe lời mẹ dặn dò, phải phấn đấu để sống cho nên người, anh viết:


1.-
“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi! Nghe  tiếng mưa đêm.
2.-
Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”


Hồi đầu thập niên 1960, Lam Phương nhớ đến quê xưa miền Rạch giá, nhớ đến bến đò bên kia sông nơi nhà cũ. Những kỷ niệm hiện về, những dấu yêu mất mát, những hy vọng loãng tan. Hình ảnh rõ nét nhất là bến đò xưa, cánh chim tìm về tổ ấm, cô thôn nữ gánh luá về làng.  Sông nước  hững hờ trôi, chuông chiều ngân nga trong cảnh tịch mịch. Chiều chìm vào màn đêm bao phủ… “Chiều tàn” là một bức hoạ, một sáng tác đóng góp cho tên tuổi Lam Phương càng thêm rực sáng:

“…Chiều tàn,
Làn khói ấm mái tranh hiền bao niềm thương
Chiều ơi! Mây bơ vơ từ ngàn hướng
Lạc loài nơi chốn quê.
Gió không biên cương lạc đường về
Tràn bao ngõ tối qua mành lá nghe thở than
Gió thương những mảnh tình nghèo nàn
Cuộc đời đen tối mong hạnh phúc khi chiều lan”


Một ca khúc buồn, một câu hỏi: “Buồn không em?” Một câu trả lời dùm: “Cứ xem như là, tình yêu đã chết từ hôm qua” để cho tình tan vỡ, để cho lòng buồn thêm.
Bài “Buồn không em” phải được Chế Linh  diễn tả với giọng ca độc  đáo mới có thể truyền cho người nghe thấm thiá được nỗi buồn mênh mang, vô tận.
Xin hãy nghe Chế Linh:


“ Buồn không em
Mùa thu tan tác lá bay gọi nhau bên thềm
Buồn không em
Những chiều cô đơn xâm chiếm hồn em.
Vài  tia nắng xuyên qua rèm
Hồng đôi má em cho lòng buồn thêm.
Những đêm xa nhà, đời lữ thứ buồn không em?
Từ khi xa tiếng chân em, kiếp sống buông trôi
Từng đêm bước lẻ loi, bạn anh là bốn phương trời
Tình câm nín bao năm rồi, giọt lệ mồ côi
Căn phong tăm tối
Chỉ bóng tôi nhìn tôi rã rời…”


Liên tiếp trong những bài sau đây, viết hồi thập niên 1960, không biết Lam Phương có thất vọng hay đau khổ vì tình không mà anh sáng tác những ca khúc rất tội nghiệp, chán chường, như thể bị  số kiếp đẩy đưa khiến đôi đàng cùng thiệt thòi, cắng đắng.
Trong “Duyên kiếp”, mở đầu nhạc sĩ đã hỏi:


“Em ơi nếu mộng không thành thì sao?”


Rõ ra là một câu nói gở! Rồi lại đặt thành những câu không có đáp số: “Non cao đất rộng biết đau mà tìm? Đường đời mịt mờ vạn nẻo về đâu?”


Nên chỉ còn trông đợi:
“Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu”
Và niềm an ủi để cầm hơi là câu chót:
”Phút giây ban đầu mãi không phai nhoà”.


Ôm ấp “phutù giây ban đầu” để ru ta ngậm ngùi, trong khi em đã ra đi không bao giờ trở lại!
Trong “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” tỏ ý dứt khoát hơn, đường ai nấy đi, duyên nợ bấùy nhiêu thôi,  không mong, không nhắc gì đến chuyện xa xưa nữa. Nhưng nhớ thì vẫn nhớ nhung ngập trời, nhớ như chưa bao giờ nhớ thế!


Trong bài này, đoạn khiến cho nhiều người nghe phải nghĩ ngợi là cái cảnh:


”Nhiều đêm chăn gối  bên người không quen biết
Trong tim em có thấy nghe cô đơn?
Tại em không nói, hay tại anh không biết
Mà tình ta tan vỡ theo thời gian…”


Lam Phương nhiều khi thắc mắc suy tư về một mối tình không biết đến bao giờ mới thực là yêu cho lòng đỡ hiu quạnh. Câu hỏi ấy, ai trả lời đây hay rồi cũng chỉ là những mơ ước xa xôi, chìm theo ngày tháng quạnh hiu, trống vắng. Lam Phương bầy tỏ trong bài “Biết đến bao giờ”:


“Đời là vạn ngày sầu, biết tìm nơi chốn nào
Ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu?
Nhiều khi anh cũng muốn biết, bao giờ sẽ có tình yêu
Cho lòng không thấy quạnh hiu khi đêm rừng buông xuống tịch liêu.
Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn
Ta yêu nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi
Từ khi anh là lính chiến không về thăm ghé nhà em
Không còn nghe tiếng cười thâu đêm, buồn ơi sao là buồn…”

Bài Mới Nhất
Search