T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Văn Chu: Nước Mắt Cho Thầy (ảnh)

Nuoc mat cho Thay

” . . .  Tác phẩm của Nhiếp Ảnh Gia NGUYỄN VĂN CHU đã thể hiện ý nghĩa, biểu tượng mà Anh muốn nói… Điều đó thật sự quan trọng, vì sẽ dẫn dắt người thưởng ngoạn cảm nhận một cách sâu sắc hơn – vì nhiếp ảnh nghệ thuật là một con đường… đưa chúng ta đến cái nhìn chân thật chính đáng. Mỗi một tác phẩm mang một ý nghĩa, một chủ đề, nói lên một câu chuyện… tương tự như văn học vậy.

. . . . . . .

Tác phẩm: ” GIỌT NƯỚC MẮT CHO THẦY ” của: Nhiếp Ảnh Gia NGUYỄN VĂN CHU đã nói lên tất cả sự tiếc thuơng vô bờ bến của cô KIM PHỤNG- một tình cảm đẹp đẽ nhất, một  học trò lễ phép với thầy mình, một người tốt, chân thành, giầu tình cảm… Điều đó chứng tỏ tấm lòng của Cô luôn luôn liên kết với người thầy đã hướng dẫn mình. Ở Cô có cuộc sống ý nghĩa, cao thượng, chân thật – mà qua tác phẩm của Nhiếp Anh Gia NGUYỄN VĂN CHU đã cho ta cảm nhận được cái chân tình cao qúy và tấm lòng nhân ái mà Thương Đế đã ban tặng cho Cô khi Cô rơi những giọt nước mắt đẹp đẽ đó! Như vậy… giọt lệ của cô KIM PHỤNG còn qúy hơn khuôn mặt tươi cười nữa!!!. . .” (Tuyết Nhung -Trích) 

Đọc Thêm:

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh và những hình ảnh bi hùng của cuộc chiến

(Nguồn: báo Trẻ)

California (4/11.2017) – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh nổi tiếng Vá Cờ (VNCH) vừa qua đời lúc 5 giờ 30 sáng Thứ Ba, 11 Tháng Tư, tại San Jose Healthcare and Wellness Center, hưởng thọ 90 tuổi. Ông Nguyễn Ngọc Hạnh được coi là một nhiếp ảnh gia lỗi lạc của VNCH với nhiều giải thưởng quốc tế, và nổi tiếng nhất ở hải ngoại, với tác phẩm “Vá Cờ.”

nguyen-ngoc-hanh6

Tác giả

 Nói tới các văn nghệ sĩ quân đội VNCH, trong bộ môn điêu khắc người ta không thể không nghĩ tới tượng đài Tiếc Thương của Nguyễn Thanh Thu đặt ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, thì với bộ môn nhiếp ảnh, Nguyễn Ngọc Hạnh đã là một tên tuổi sáng giá không những ở miền Nam Việt Nam mà còn ở trong cả giới nhiếp ảnh nghệ thuật của thế giới. Trước năm 1975, Nguyễn Ngọc Hạnh đã để lại cho đời những tác phẩm với hào khí ngất trời như “Dựng Cờ”, “Tấn Công” và bi thương trong cuộc chiến như “Thương Tiếc”, “Mẹ Việt Nam” và sau khi tới định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Ngọc Hạnh đã không rời chiếc máy ảnh và đã cho ra đời những tác phẩm như “Vá Cờ” hay “Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!”

Sinh năm 1927 tại tỉnh Hà Ðông Bắc Việt, Nguyễn Ngọc Hạnh vào miền Nam rất sớm và theo học Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được gởi sang Toulouse Pháp để theo học khóa Quân Nhu sửa chữa dù, tốt nghiệp cấp bậc chuẩn úy vào năm 1947. Ông đã theo học nhiếp ảnh trong thời gian ở Pháp và trở thành một nhiếp ảnh gia nhà nghề vào năm 1957 và trong năm này ông đã lập Hội Ảnh KBC, quy tụ nhiều nhà nhiếp ảnh của miền Nam Việt Nam.

nguyen-ngoc-hanh5
Cứu bạn

Khi Quân Ðội VNCH được thành lập, ông phục vụ trong ngành Quân Nhu, và sau đó là Tiểu Ðoàn 1 cũng như Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù. Năm 1961, Nguyễn Ngọc Hạnh được thuyên chuyển về Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, được gởi đi khắp bốn vùng chiến thuật và các quân, binh chủng để thực hiện những tài liệu nhiếp ảnh cho cuốn “Việt Nam Khói Lửa” của sử gia Phạm Văn Sơn.

Chính nhờ giai đoạn này, Nguyễn Ngọc Hạnh được dịp sống sát với chiến trường, ghi nhận những hình ảnh trung thực của người lính VNCH và tạo nên những tác phẩm giá trị đoạt nhiều huy chương quốc tế. Ông đã sống với những mặt trận lớn như Huế Mậu Thân, Khe Sanh, Tam Quan- Bồng Sơn…. Tác phẩm “Tiếc Thương” được giải thưởng ở Ðức, “Tấn Công” đoạt giải ở Pháp. Hai lần ông đoạt giải Danh Dự của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Quốc Tế (Hon EFIAP) ba lần đoạt giải của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh Quốc (FRPS) và vô số các giải nhiếp ảnh cấp quốc gia ở Ba Lan, Ấn Ðộ, Pháp, Ðức, Mã Lai, Singapore, Hồng Kông.(1) Năm 1970, Nguyễn Ngọc Hạnh đã cho ấn hành cuốn “Việt Nam Khói Lửa” bằng những hình ảnh về cuộc chiến giữ nước và những lời chú thích viết bằng tiếng Anh của các nhà văn trong quân đội, gần 200 trang, ấn loát ở Hồng Kông. Tác phẩm này hiện còn rải rác nằm trong các thư viện lớn trên thế giới.  Ông mang cấp bậc Trung Tá vào những ngày cuối cùng trong quân đội, và là Ủy Viên Nhiếp Ảnh của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội do Ðại Tá Trần Văn Trọng làm Chủ Tịch.

nguyen-ngoc-hanh4
Làm đường

Tháng 5- 1975, cũng như số phận các sĩ quan miền Nam, Nguyễn Ngọc Hạnh bị tập trung đưa ra các trại tù ở Bắc Việt trong tám năm. Những ngày tháng bị kiên giam trong conex, đã cho Nguyễn Ngọc Hạnh thấy rằng người Cộng Sản cũng sợ cái máy ảnh, ngòi bút hơn là súng đạn. Nếu không được cơ quan Amnesty Ðức Quốc can thiệp cho ra tù năm 1983, có lẽ người cầm máy chiến đấu như ông sẽ còn ở trong trại tập trung lâu hơn nữa. Nguyễn Ngọc Hạnh đã thất bại nhiều lần trong cố gắng vượt biên ra nước ngoài, cho mãi đến lần thứ tư, mới đến được Thái Lan và năm 1989, ông mới đến định cư tại San José, Bắc California.

Tháng 4 năm 2000, Mặt Trận QGTNGPVN tại Hoa Kỳ đã trao giải thưởng Văn Học & Nghệ Thuật cho tác phẩm nhiếp ảnh “Vá Cờ” của ông, tuy vậy trước đó khi Mặt Trận tiếp xúc với ông, Nguyễn Ngọc Hạnh đã đòi hỏi được ra mặt trận để làm phóng sự cũng như để tìm chất liệu cho tác phẩm, nhưng các giới chức cao cấp trong Mặt Trận đã từ chối lời yêu cầu, với lý do là đường sá xa xôi, không bảo đảm an ninh và sức khỏe cho ông.

Cách đây 10 năm (2007) Nguyễn Ngọc Hạnh tuy đã vào tuổi 80, nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, có thể vượt suối, băng rừng suối để đi săn ảnh và vẫn tiếp tục tạo nên những tác phẩm bất ngờ có giá trị mặc dầu đề tài và khung cảnh ở Hoa Kỳ rất hạn chế, những người đi trước đã chụp qua rồi. Qua chiến tranh thất lạc, kiểm điểm lại với một cuộc đi tìm lại tác phẩm rất cam go, hiện nay Nguyễn Ngọc Hạnh đã chọn lọc lại hơn 150 tác phẩm nhiếp ảnh (khổ từ 16X20 cho đến 40X60 inches), vừa trong chiến tranh, vừa trong hòa bình, xây dựng mà ông dự định sẽ làm một cuộc triển lãm lưu động đến nơi có cộng đồng nguời Việt đông đảo. Bản thân ông vốn là một người lính và một cựu tù nhân chính trị, điều mà Nguyễn Ngọc Hạnh muốn chia sẻ đến những người bạn chiến đấu và những người đồng cảnh ngộ, là ngọn lửa đấu tranh cho tự do sẽ là một ngọn lửa không bao giờ tắt, và đối với người nghệ sĩ, tác phẩm không thể chết theo tác giả.

nguyen-ngoc-hanh2
Hạnh phúc trong tầm tay.

Vào ngày 21 tháng 10 năm 2004, Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh đã được Phân Khoa Lịch Sử của De Anza College (Bắc California) mời cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông Vũ Văn Lộc và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đến để thuyết trình cho các sinh viên nhà trường về cuộc chiến Việt Nam. Ông phấn khởi đã được trưng bày và giải thích với tuổi trẻ ở Hoa Kỳ những hình ảnh và nói tới ý nghĩa trung thực về cuộc chiến Việt Nam. Chúng ta hy vọng mỗi người lính sẽ có riêng một tác phẩm “Dựng Cờ” của Nguyễn Ngọc Hạnh, như là biểu tượng của niềm hãnh diện của những ngày đấu tranh giữ nước anh hùng của dân quân miền Nam Việt Nam.

Những ai đã từng lớn lên thời chiến tranh chắc không thể không biết nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh với những bức hình nói về cuộc chiến tại Việt Nam đầy tính nhân bản.

Trong những năm phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, có một biến cố khiến ông trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng sau này. Trong một cuộc giao tranh ở Bồng Sơn, Quảng Nam, ông từ chối ra lệnh cho binh sĩ ném lựu đạn xuống hầm để tiêu diệt Việt Cộng. Lý do rất đơn giản, Việt Cộng đã bắt cả gia đình người dân xuống hầm chung với chúng, giết chúng là giết thêm 5, 6 thường dân vô tội. “Ðành rằng là một quân nhân phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, nhưng lệnh của trái tim tôi không cho phép tôi làm chuyện đó nữa sau khi đã chứng kiến mười mấy căn hầm như vậy. Tôi xin chấp nhận hình phạt.”

Trở về Bộ Tổng Tham Mưu nhận hình phạt thì được Tướng Thanh, Phòng I nhìn ra khả năng nhiếp ảnh của ông do ông đã có 4 năm học bên Pháp nên cho phép ông phục chức và điều ra mặt trận làm phóng viên chiến trường.
Thế là ông đi từ chiến trường này đến chiến trường kia. Những bức hình của ông đã giới thiệu cho thế giới biết cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào, và người lính Việt Nam Cộng Hòa nhân bản ra sao. Trong thời gian này, ông viết cuốn sách “Việt Nam Khói Lửa” và xuất bản được một cuốn sách hình, lưu lại những hình ảnh sống động của cuộc chiến.
Những bức hình ông chụp được mọi người ngưỡng mộ không phải là những hình thời sự. Ông chỉ là người tái tạo lại những câu chuyện đã xảy ra qua góc nhìn của một người lính cầm máy hình. Tất cả hầu như đều được dàn dựng công phu, tỉ mỉ để nói lên sự thật, mà theo ông “Lịch sử phải được dựng lại với tất cả lòng kính trọng.”

Tác phẩm

Tác phẩm nhiếp ảnh của ông rất  nhiều, chúng tôi chỉ giới thiệu đôi nét về ông và một số tác phẩm  nổi tiếng với từng hoàn cảnh ra đời của nó, qua lời kể của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh:

Tấn Công. “Tại mặt trận Bồng Sơn, Quảng Nam khoảng năm 1965-1966.[..] Tôi vừa chỉ huy vừa quan sát cách rút chốt lựu đạn của binh sĩ, và thấy được những khuôn mặt căng thẳng và quyết tâm của binh sĩ. Năm giờ sáng hôm sau thì Việt Cộng rút, để lại một số xác. Hôm đó tôi kêu một anh lính người gốc Miên, mua cho anh một xị rượu cho anh uống, rồi dẫn anh ta xuống chân đồi cùng 2 két lựu đạn bảo anh ta quăng thật. Thế giới biết đến tôi nhiều cũng qua tấm hình Tấn công này.”

nguyen-ngoc-hanh3
Tấn công

Tiếc thương. “Khoảng năm 1965, Việt Cộng tấn công vào một đồn lính ở Củ Chi, ngoại thành Sài Gòn. [..] Chúng tôi đến chỗ để xác thì thấy một cô gái khóc lóc thảm thương, đang lần mò tìm xác chồng. Hôm sau tôi đến nhà cô gái mong có thể chụp một tấm hình của cô nhưng cô vẫn khóc lóc thảm thương quá nên không thực hiện được. Khi về dưỡng quân ở rừng cao su Ngã Ba Ông Tạ, tôi nhờ con gái tôi, lúc đó 11 tuổi tìm giúp một người bạn gái nào đó có một hoàn cảnh tương tự như cô gái ở Củ Chi để dựng tấm hình ‘Tiếc thương’.

nguyen-ngoc-hanh1
Tiếc thương

Cô Tâm là người con gái mà con tôi tìm được. Hiện nay cô đang sống tại thành phố Oklahoma. Lúc đó cô mới 19 tuổi, ý trung nhân của cô trong một chuyến bay nhảy toán ngoài Bắc bị Bắc Việt bắn rơi máy bay và bị bắt làm tù binh. ….

Những giọt nước mắt lăn trên má, rớt xuống tay là những giọt nước mắt thật. Hai giọt nước mắt trên tấm thẻ bài là do tôi tạo ra. Chụp được 6 tấm thì cô tỉnh lại, không khóc nữa. Ðây là tấm hình lúc cao điểm nhất khi cô ấy nấc lên.”

“Hạnh phúc trong tầm tay.“ Ðây là một anh Nhân Dân Tự Vệ trong thôn có nhiệm vụ mở đường mỗi sáng. Một buổi sáng anh xâm được quả mìn Việt Cộng gài đêm trước, sắp đưa được nó lên thì quả mìn phát nổ. Anh bị cụt một tay và một chân trái. Tới nhà anh, một ngôi nhà lá đơn sơ, chỉ có hai cha con ở nhà, người vợ đi bán buôn ở chợ. Anh nấu cơm, cho gà ăn, giặt quần áo, và làm tất cả mọi việc có thể làm để giúp vợ. Ðến khi anh ru con anh ngủ thì tôi biết rằng mình đã gặp một tuyệt tác phẩm. Anh quên hẳn mình là người tàn tật đùa với đứa con trai nằm trên võng, thằng bé cũng đùa với bố một cách vô tư và hạnh phúc.”

“Vá cờ.” Trong trận chiếm lại Ðại Nội, Huế năm 1968, tôi có gặp vợ người trung sĩ tử trận. Tôi ghé nhà chị mong chụp được một tấm hình chân dung người góa phụ nhưng không được. Trước nỗi tiếc thương người chồng vừa mất, tôi không muốn chị phải đau thêm. Thế rồi khi qua Mỹ tôi lại tình cờ gặp lại chị trong khu chợ Lion ở San Jose, ý định chụp tấm hình “Vá cờ ” trở lại, nhưng chị đã già đi nhiều, không thích hợp và tôi đành phải đi tìm người khác.”
“Tôi quen với anh chị Hải Bằng, chị bằng lòng làm người mẫu cho tôi chụp bức hình ‘Vá cờ’ này. …. Chị cứ ngồi vá cờ và tôi cứ chụp. Ðến động tác như trong hình thì tôi nói chị giữ nguyên động tác đó, tôi mở hé cửa sổ chỉ cho một phần ánh sáng rọi vào lá cờ, rọi vào nón sắt. Tuyệt vời. Bức hình chỉ có một ý nghĩa duy nhất: Chúng ta hãy vá lại những mảnh đời, những mảnh tình, những đơn vị chia rẽ, vá lại tình đoàn kết.”

nguyen-ngoc-hanh
Vá cờ

HP

Bài Mới Nhất
Search