T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Như Một Chuyện Tình

hen the (3)

       Với cái tựa đề trên, ngay cả với người viết thảng thấy mảng chữ nghĩa này là đã thấy không êm. Nếu nói: Dạ, thưa không! Đây chỉ là chuyện của cô bạn tôi. Lại càng khó nghe hơn, vì đâu có chuyện bạn bè giữa đàn ông và đàn bà. Hoặc giả như chợt một ngày: “Em đến thăm anh một chiều mưa” cũng có hơi chéo ngoe làm sao ấy. Hơn sáu mươi tuổi rồi chứ còn ít ỏi gì, lại đốc chứng mang chuyện mình trang trải lên giấy trắng mực đen thì có…ma nó đọc. Hay là hãy giải bày như thế này đây:

Ai chẳng một lần trong đời gợi giấc mơ xưa: Tình cũ không hẹn mà tới. Bằng vào cái tuổi chập chờn này, vào một ngày mưa không ướt đất, nắng không ấm đầu bỗng bắt gặp một khúc nhạc cũ, một đôi mắt của người xưa thật thân quen nhưng dường như cũng thật xa vắng…Tận cùng thì mỗi ai đều cõng một quá khứ trên lưng, thì cứ tạm gọi là một hình bóng đi. Để rồi chẳng thể chạy trốn một chuỗi ký ức vơi đầy ở đâu đó qua giấc mộng trầm kha, trong giấc kê vàng. Nay có thêm một giấc mơ phai cùng những âm điệu, những dáng dấp, đang nằm ngủ sâu trong tâm khảm lũ lượt rủ nhau về trong thoáng chốc qua cái bóng hiu hắt bên đường, cái bóng hất bên này, hất bên kia khơi dậy ngày nào năm ấy. Để rồi ngày rộng tháng dài đong đưa với cánh cửa của dĩ vãng hay nói khác đi, chỉ là cái bóng cùng ngày tháng qua mau, ai cũng vậy và…tôi cũng thế.

Một ngày tôi có hẹn hò với quá khứ…

Để rồi có một ngày có gió hiu hiu lạnh: “Người xưa” đã trở về. Thế nên bài viết mới có cái tựa đề…như một chuyện tình ở trên. Người ơi người ở đừng về, nhưng cứ đến rồi đi…rồi khuất bóng. Căn phòng vắng lặng, bấm cái nút của dàn máy, tiếng hát Lệ Thu qua một dòng nhạc nghe hoang dại, hoang vắng: “Ngày tuổi hoang đang ngủ yên, cơn mê tình len lỏi tới, con tim vàng nghe rộn tiếng, vội bay lên…”

***

Con tim vàng nghe rộn tiếng…Vội bay lên…

Đã từ lâu, cũng đến gần hai mươi năm thì phải, sau ngày lập gia đình, tối khuya thỉnh thỏang tôi vẫn mơ màng níu kéo, hoặc có nhiều lúc nửa đêm về sáng, lại thao thức gợi nhớ đến cô bạn cũ ngày nào. Cho đến  khi nhà tôi nằm xuống, hình bóng cô ấy hòan tòan biến mất trong tôi, để rồi cứ nghĩ ngợi mãi: Như vậy có phải là tình yêu hay chăng. Thực tình tôi cũng chẳng có gì để huyền hoặc về cô, và cũng không có chuyện em bạn, hay cô láng giềng mà rắc rối nhiêu khê là: Cô là cô chị của…bạn em gái tôi. Cô đến nhà đón người em, rồi hai đứa đụng đầu nhau ngay hành lang. Và sững người nhìn nhau. Hình ảnh tôi còn giữ được cho đến lúc này là đôi mắt. Tả chân thì có những đôi mắt nọ quá lớn, kia lại quá hẹp, hay quá lờ đờ. Có những đôi mắt lạ, đủ mầu, đủ cỡ, nói đủ thứ ngôn ngữ khác nhau. Đôi mắt mà tôi chạm trán ở chân cầu thang là đôi mắt hờ hững hanh hao đầy sương khói, mỗi khi mở to trông vừa ngơ ngác, vừa ẩn chứa một điều gì sâu thăm thẳm để bỗng dưng tôi như muốn…chết chìm trong đó.

Ngay lúc ấy, tôi tự hiểu rằng đôi mắt là cánh cửa mở ra hiện tại và tương lai. Và sau này sẽ là của ký ức. Ký ức để chẳng quên là tôi cũng có một đôi mắt đeo kính, và mắt tôi ngẩn ngơ nhìn như giống đực nhìn giống cái, như ông Adam gặp bà Eva. Đúng vào cái lúc tôi vừa qua cái tuổi lông ben, trứng cá đầy người và đã biết o bế đầu tóc và quần áo phải có ni có nếp.

Từ đó hai đứa đi chơi với nhau, không có chuyện anh với em, mà ngôn ngữ là mày tao chi tớ chí chát như người lớn. Vì ở cái tuổi này, cô cũng đã có mông, có ngực và đuôi mắt sắc như dao cau. Cũng có thể cô hơn tôi một, hai tuổi, thế nên mày với tao để giữ một khỏang cách, hay để gần gũi hơn, thực tình tôi không biết, nhưng lúc đó tôi cũng chẳng bận tâm đến cái khỏang cách thời gian bằng sợi tóc ấy. Chỉ biết rằng cô trước ở Phan Thiết, là người Bắc, theo bố mẹ di cư vào đây trước năm 54. Tả về cô, tôi không muốn nói là cô đẹp, không ngòai khuôn mặt ưa nhìn, nhưng bám dính với tôi là cặp môi dầy, đầy gợi cảm, hiểu theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Cũng không có chuyện em tan trường về đường mưa nho nhỏ, mà là hai đứa hay rủ nhau trốn học. Cả hai đạp xe tà tà rong ruổi đó đây, thường thì ghé xe bò viên với nước dùng óng ánh, béo ngậy. Hay thịt bò khô, xì dầu với tương ớt đỏ cay xè của lão Tầu già, ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự. Rồi cá hai ngồi bệt xuống vỉa hè, vừa mày tao, vừa súyt soa xé lưỡi, vừa sịt sọat húp bát nước dùng nóng bỏng.

Và tôi cứ ngắm cặp môi bóng mỡ của cô mãi.

Cái tuổi học trò là vậy, chẳng có gì vấn vương và xa vắng. Xa đây là ý tôi muốn nói rời thành phố để đến một nơi hẻo lánh nào đó, như những người yêu nhau, con đường tình ta đi thường tìm đến là Đà Lạt hay Nha Trang. Hai đứa tôi đang ở cái tuổi nhấm nhẳng, thế nên chỉ biết mò tới Lái Thiêu là hết đất, như đi tìm mầu xanh tươi mát của vườn cây ăn trái, một khỏang không gian không có người lớn nhòm ngó. Cùng lắm là lê la qua suối Lồ Ồ, gặp cái vũng chỉ to bằng bốn năm cái chiếu, ngồi bệt xuống nước mới ngang bụng để rồi như người lớn và “ngó” nhau. Đúng ra tôi chỉ thóang bắt gặp bờ vai trần, bờ ngực trắng ngần. Thấy tôi “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” mãi, cuối cùng thì cô cũng lừ một cái: “Thằng bốn mắt…Mày nhìn tao nữa mù mắt bây giờ”, và chân tay tôi cứ như thừa thãi. Trên đường về người tôi nóng hừng hực như lên cơn sốt, nhưng vẫn còn cảm nhận thấy hai bên đường, cỏ non hiu hắt, sau lưng tôi, tay cô ôm chặt ngang bụng và mùi lúa mới rào rạt như mùi tóc con gái. Âm hưởng của khúc nhạc cũ lại bồng bềnh: “Rồi hồn ta tắm trong mù khơi, chập chờn theo chín tầng mây trôi, lạc vào hương, hương lưng tóc người. Nên mãi ngày vui…”

        “Nên mãi ngày vui…” thì vào khỏang thời gian ấy, nếu có một chuyện nào đó không vui lắm, để đi vào tâm khảm là giữa năm đệ tam. Lớp tôi học dẫy chuồng bò hay chuồng ngựa từ thời Tây để lại, và tôi ngồi cái bàn ngay cửa ra vào nhìn ra ngòai vắng gío hiu hiu và cỏ cây khô cằn. Bỗng đâu có một thằng nào đó ném tờ giấy vo viên cho bạn nó vù qua mặt, tiện tay tôi chộp lấy. Thế là dính và sau đó có mục gọi phụ huynh tới trường để nói chuyện phải quấy như trên đã nói: Mất vui. Và tôi phải cầu cứu đến cô, giả đóng vai bà chị vào trường năn nỉ ỉ ôi. Từ đó, hai đứa càng ngày càng khắng khít như bóng với hình, như duyên với nợ.

Mà nợ nhiều hơn duyên, cô mang phiền tóai đến cho tôi từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ mẩu thuốc lá đến ngày…vu quy. Cứ đi chơi lăng quăng và năm tháng cũng cứ lặng lờ trôi, kết quả là tú tài kỳ đầu tôi rớt cái một. Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí, đúng lúc hai đứa đang bát phố lại bị ông cụ tôi lại bắt gặp. Về nhà cụ nhiếc cho một trận, tôi thưa gửi chỉ là…”bạn học”, nghe đến hai chữ trái khoáy này, ông cụ trợn ngược mắt nhìn tôi như nhìn một thằng khùng. Lên đến đệ nhất, tôi để ý thấy cô hay nói chuyện phi lý với buồn nôn, thực tình tôi cũng chẳng biết cô nhúm đâu ra cái mớ hiện sinh hỗn độn ấy. Chỉ biết rằng mỗi lần cô nói, khuôn mặt như mê mẩn, đờ đẫn và tốn thuốc lá của tôi cũng khá bộn. Vì là lúc này, tôi cũng đã làm quen với khói thuốc, cũng chỉ vì học lóm được câu thơ: “Yêu em đốt cháy cuộc đời – Vàng tay khói thuốc vẫn còn yêu em”. Nhớ cái lần đầu ngồi trên sân thượng, thấy tôi gõ gõ điếu thuốc, cô nói: ”Mày hút được. Tao cũng hút được”. Thế là tôi châm cho cô điếu thuốc đầu đời, mắt cô cũng lim dim, cũng ngửa mặt lên trời nhả khói y hệt như…Francois Sagan.

Mấy năm sau vào một ngày cuối tuần, lang thang mãi cũng chán, tôi rủ cô đi ciné và cũng chẳng cần biết phim quái gì. Thế là tay nắm tay, hai đứa lững thững chui vào rạp chiếu bóng như một kẻ nhàn du. Mới bước vào rạp tôi thấy ngay hai ghế trống. Khi ngồi xuống, cô ta kéo tay tôi ra: “Sao nắm tay tao hoài vậy”. Tôi chợt nhớ ra đây là lần đầu tiên tôi “nắm” tay cô nên cười khỏa lấp: “Sợ lạc”. Sau đấy tôi không biết làm gì hơn là chong mắt nhìn xuống cái cổ áo khoét sâu hun hút. Tôi cũng chỉ thóang bắt gặp bờ ngực trắng ngần như hôm nào ở suối Lồ Ồ.

Tôi đưa tay vuốt tóc cô, cô nhìn tôi trong bóng tối như lạ lẫm lắm rồi nhẹ ngã vào vai tôi làm như…như ra vẻ đầm ấm. Phim cứ chiếu trên màn ảnh nhưng tôi nào có xem. Chợt cô nói: “Chồ này gần cửa ghê thấy mồ, tìm chỗ khác đi”. Đảo mắt tìm chổ, tôi tìm thấy một nơi chốn không một ai trừ tôi và cô. Thế rồi vì bóng tối đồng lõa hoặc rạp vắng người hay sao ấy, khi không tôi chồm qua cô và…hôn. Chẳng hiểu phim chiếu người ta hôn nhau dễ dàng như thế nào nhưng lúc ấy với tôi sao lại quá khó khăn. Thế nên trong bóng tối mù u, hai hai hàm răng…lao vào nhau bật ra một tiếng kêu đánh…cốp một cái đến ê…răng. Trong khi miệng tôi cứ như chẻ hoe trắng phớ với cái lưỡi cứng đơ, chả biết ngọ nguậy như thế nào cho phải phép. Mãi cho đến khi hai cái môi dính chặt vào nhau, tối mới thấy tim mình đập loạn xạ và người ngợm tê rần. Riêng cô thì run rẩy như…người chết rồi.

Ra khỏi rạp, vẫn coi như không có chuyện gì sẩy ra trên cõi ta bà này và cô nói tỉnh bơ với tôi: “Bộ hết chuyện rồi sao mà mày đưa tao coi cái phim bắn súng đùng đùng vậy”. Và nụ hôn thơm mùi ngô non ngây ngất ấy, như bám cứng với tôi không rời trong nhiều năm.

Những ngày sau đó, giữa tôi và cô thì “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Nhưng cô đâu có biết là đằng sau có những lớp sóng ngầm, lúc ào ạt, khi âm ỉ. Số là trong chuyến đi chơi ấy, thằng anh vợ tương lai trông thấy hai đứa đi ciné . Chuyện đến tai hôn thê của tôi để tôi bị vặn vẹo, trời sui đất khiến thế nào chẳng biết nữa, bỗng dưng không đâu tôi nhả ra được một câu nhớ đời: “Trong đời người đàn ông luôn luôn có hai người đàn bà, một là người tình, một là người vợ”, và tôi ăn tiền với hôn thê dễ tin của tôi ở câu lộng ngôn ấy.

Gặp phải ngày lành tháng tốt là tôi lấy vợ mong có con nối dõi tông đường. Trước ngày cưới một tuần, gần như sáng đêm chiều tối, cô có mặt ở nhà tôi, lo sắp sếp cái này, làm cái kia như một người trong gia đình. Và ngày đám cưới cũng đến, chỉ có một trục trặc nho nhỏ ngòai ý muốn là chưa tới giờ ra mắt quan viên hai họ, tôi đi tới đi lui để điểm mặt bạn bè. Vừa lúc cô từ cửa bước vào, tôi lặng người và ngẩn ra nhìn…Với chuyện này, sau đấy họ hàng hang hốc có lời ong tiếng ve: Vì quần áo của cô giống y hệt cô dâu, từ vải vóc đến mầu sắc cùng kiểu cách. Và chỉ thiếu…cái khăn hòang hậu.

Đi ngang qua mặt tôi, cô nói với giọng không được tự nhiên:

– Tao là người tới trước.

Để chỉ mình tôi là người hiểu câu nói ấy.

Đám cưới cứ tuần tự như tiến và cô bỏ về sớm. Nghe cô em nói lại thì hôm ấy, cô có hút thuốc lá và uống rượu hơi nhiều vời bạn bè tôi…Cô em nói thêm: Với anh, chị em tông tốc làm sao ấy.

Từ đó tôi không gặp cô nữa cho đến ngày qua đây, nhà tôi đi vào cõi tĩnh mịch…Mà cũng chẳng dấu gì, cái cảnh cha già con cọc, trưa chiều mì gói, đèo bòng thêm cái tuổi về chiều nó không tha, nó đang bám cứng ở đằng sau lưng. Nên tôi cũng có ý đi tìm cô, nhưng không biết ở đâu, hỏi em gái tôi thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhiều khi lủi thủi đi chợ, tôi cũng ngó tới ngó lui, như Tú Uyên đi tìm người nấu cơm rửa bát trong…sân chùa. Rồi lại lẩm cẩm tưởng tượng, nếu mà gặp có nhận ra nhau không. Tiếp đến là nói năng gì trong cái buổi ban đầu lưu luyến ấy. Sau đó tôi lập gia đình, mới được một thời gian ngắn thì một ngày bạn bè cho biết: Có ai đó nhắn tôi trên đài phát thanh. Đúng ra bản tin là tìm em gái tôi, kèm theo cái tên họ của ông anh là tôi. Bốc cái điện thọai lên, hóa ra vợ chồng con cái cô vừa ở D.C. dọn về đây.

Tiếp đến là tụi tôi, gia đình cô và một, hai cặp vợ chồng khác trở nên thân mật, hàng tuần thay phiên nhau làm cơm đãi đằng họp mặt. Cũng nhờ đó, mọi người mới được biết chồng cô trong quân ngũ, đã từng là cây si rễ mọc sần sùi trong những dịp về phép. Sau năm 75 khoảng một tuần, ông ta xuất hiện như một du kích, mũ tai bèo, chân đi dép lốp, bụng dắt khẩu Colt 45. Như có sắp đặt từ trước, lôi trong túi ra bộ quần áo bà ba đen đưa cho cô, để cùng nhau xuống Rạch Giá tìm đường vượt biên. Chuyến vượt biên như theo lời cô kể cũng trần ai, len lỏi trong đêm qua thôn xóm. Rồi cũng thóat, vì chồng cô đã cày nát vùng này vào những ngày cuối cuộc chiến. Bộ quần áo du kích, bộ bà ba đen, vượt biển, lấy chồng, như những chiếc móc sích được ráp nối sẵn. Nên với cô, như đẩy đưa của duyên số. Thế nên, mỗi lần nói về đức ông chồng hơn cả chục tuổi, cô để lộ một phần nào e dè, dẫu sao cũng là đại úy Cọp Ba Đầu Rằn, nghe kể đã từng cắt tai Việt Cộng đeo ở ngực chơi. Nghe sao nói vậy, nhưng tôi thấy điều này cũng đúng thôi, nhìn mặt chồng cô, trông ngầu thấy rõ. Nhưng ngược lại không ít thì nhiều, tôi cũng mến mộ hắn vì hắn là một cao thủ mạt chược khó kiếm. Nhưng ít được mọi người ưa vì cái tính lầm lì của hắn.

Cớ sự gì tôi gọi chồng cô là…”hắn” thì hồi sau sẽ phân giải.

Như trên tôi đã kể lể, tụi tôi vẫn hàng tuần họp mặt đàn đúm, thỉnh thỏang cũng có đi vũ trường. Nhưng có thể nói, gần như tôi chưa nhẩy với cô một bản nào, cũng chẳng dấu gì, tôi có một cái thú tính, như một cái thú đau thương là nếu ôm cô, một thân hình như con rắn, thêm mùi nước hoa ngây ngất. Trước sau thế nào tôi cũng sẽ chao đảo và chập chờn nhập vào cơn mê trần qua âm vọng bài hát mà tôi đã nghe mãi, nhưng vẫn chưa biết tên: “Sao bây giờ môi mặn đắng, tình qua sông. Ngày thần tiên đã theo người đi và buồn đau đã tìm lối về. Còn mình ta đi vào ước mộng, cho hết cơn mê…”. Nhưng cũng may, ít lâu sau, chồng cô hình như có gì phật ý, nên hững hờ và không rủ tụi tôi nữa và tôi không biết chuyện gì sẩy ra. Thêm nữa thì ngay cả cách xưng hô, tụi tôi vẫn khiêm cung một điều thưa chị, hai điều thưa anh cho đúng phép tắc. Nhưng có những lúc lẻ loi, hai đứa thường gọi nhau bằng tên, mỗi lần như vậy, cái tên tôi qua giọng cô, nghe thật trầm và ấm. Riêng tôi thì như đánh mất một cái gì của mày tao chi tớ của cái thưở xa xưa. Cũng trong những dịp trà dư tửu hậu như thế, bạn bè vẫn thường nói cô có cái đẹp thật…sang, chữ nghe cũng lạ, ấy là ngôn ngữ của họ. Theo tôi thì có thể vì phấn son, vì lúc này gần như có thể nói, cô là người đầu tiên làm cái nghề săn sóc mấy bộ mặt cho mấy bà Mỹ trắng, khách của cô thuộc tầng lớp trung lưu và làm tại nhà riêng của họ. Nên tôi được biết thêm, cũng có nhiều khi cô tất bật đi trễ về khuya là vậy.

Đùng một cái, hai năm sau, khỏang hai, ba giờ sáng, chồng cô gọi điện thọai đánh thức tôi dậy và hỏi vợ hắn đâu. Khiến tôi mất ngủ cho đến sáng, để nghĩ đến bản mặt cô hồn của hắn và khẩu Colt 45, lại nơm nớp lo sợ. Sợ là sợ cho cái bản thân  tôi, vì cái lối hỏi thăm dò có tính cách hằn học gần như hú họa. Mà tại sao hắn lại nhè tôi mà hỏi han, chịu không hiểu nổi. Ít lâu sau nghe phong phanh cô qua D.C. và lấy một bác sĩ người Việt có một đời vợ. Ngay lúc ấy tôi chỉ biết thầm trách cô: Một là vô hình chung đã hai lần…nhẹ nhàng “liên hệ” sâu đậm với gia đình tôi, trong đám cưới với người vợ trước. Lần này với người vợ sau, đang đêm nghe cú điện thọai trời ơi đất hỡi, với cái tính ghen bóng ghen gió, nên tôi nhức đầu cả một thời gian dài. Hai là tôi thầm trách cô, tham tiền bỏ ngải, ai lại một nách ba con mà nỡ bỏ đi không kèn không trống. Mà nào nào cô có thiếu thốn gì, cô lúc nào cũng quần lượt áo là với cái nghề làm đẹp cho đời, làm đẹp cho người. Thêm một lần, tôi nhớ lại đến lời cô em gái cô: “Chị em tông tốc làm sao ấy.

Nhưng tôi không nghĩ như vậy.

Bẵng đi một thời gian, cũng cả đến bẩy, tám năm, tôi không nghe tin tức gì của cô. Gần đây, vào một buổi sáng cuối tuần, như trên đã tỉ tê như chuyện tình kể trong giờ ăn trưa. Rằng tôi là người đa mang, thì cứ cho là như vậy đi, đèo bòng gì ở cái tuổi mây chiều gió sớm này, hiểu theo nghĩa là tôi mới…chớm già. Mà người có tuổi thì hay nuôi những…giấc mơ hoa là một ngày nào đó tình cũ không hẹn mà tới để có những hò hẹn cuối đời. Và buổi hò hẹn…không tưởng ấy, không phải bên ven biển, cạnh bờ sông mà là ở ngay trong nhà tôi. Một buổi sáng, một ngày như mọi ngày, tôi đang tính đứng trước cửa nhà để…nhớ nhà trong điếu thuốc…Thì bỗng nghe tiếng chuông dục dã, tôi ra mở cửa thì thấy…“một đôi mắt” đứng lừng lững trước cửa…như người đi trong sương gió.

Mới sáng đầu ngày nhưng với cái nắng chói chang của nắng hạ. Chưa hết, tính ra làm điếu thuốc nên tôi chẳng đeo kính, ánh sáng chụp vào mắt tôi đầy nhân ảo: Thế nên tôi bắt gặp…”một đôi mắt” đang đăm đăm nhìn tôi là vậy. Thoạt đầu, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng làm ra vẻ không ngó ngàng đến đôi mắt không chớp ấy. Nói cho ngay, tôi chưa nhận ra thì đúng hơn vì nắng. Như trên đã giải bày, đã từ lâu tôi vẫn thường trông ngóng về cái cửa ra vào như cánh của quá khứ. Để có chuyện không tưởng rằng một ngày nào đó cũng sẽ gặp lại một hình dáng cũ, một khúc nhạc xưa. Thế nên sau đấy tôi không lấy làm lạ vì thấy đôi mắt như hóng theo tôi và làm như ngầm ra ý rằng “người” của…quá vãng đã tới đây. Vậy mà vần không tin mắt mình, sau mấy giây sự ngạc nhiên biến thành ngứa ngáy, tôi dợm bước tới để hỏi han cho ra nhẽ thì dường như không phải, vì đôi mắt như muốn…đi giật lùi. Tôi bỗng chợt hiểu ra là ở cái tuổi này đây, tôi hay bất cứ ai, đang mon men trong cái trò ngày nào là chạy theo cái bóng. Giả thử nếu như tôi đứng, đôi mắt cũng đứng và đau đáu nhìn tôi. Hoặc như tôi giả bộ lùi lại nhanh hơn, đôi mắt bước tới cũng bước tới mau hơn. Cứ như thế, tôi rượt đuổi theo đôi mắt như đuổi theo…một cái bóng trong cái tuổi mới biết yêu lần đầu cũ sì rỉ mốc.

Vừa hoàng tưởng đến đây thì cái bóng bước tới gần tôi thật, với cặp mắt long lanh, đôi môi chúm chím, câu nói đầu tiên của cô với tôi là:

– Mày còn nhớ tao không.

Và người xưa đã trở về…

Vào trong nhà, cô chọn cái ghế hai chỗ ngồi, nói tôi đến cạnh cô để dễ nói chuyện, nhưng tôi lẳng lặng ngồi vào cái chỗ quen thuộc hàng ngày. Chẳng phải vì ngại ngùng này nọ mặc dù nhà chẳng có ai, mà chỉ vì tôi muốn ngồi xa cô một chút để nhìn rõ hơn, người xưa trở về ở cái tuổi sáu mươi hai trong một ngày tàn xuân. Giống như mua bức tranh ở tiệm, nhìn gần thấy nét vẽ chân phương, mang về nhà treo lên tường, mầu sắc như phôi phai. Ấy là chưa kể nhiều khi mua bức tranh bộn tiền vì…cái khung. Nhớ lại lời một thằng bạn dậy khôn: “Người xưa là một bức tranh để hòai niệm, thay vì để ngắm” và nó còn dặn dò: “Chớ bao giờ dại dột gặp lại người cũ, thê thảm lắm”. Vì vậy tôi nhìn từ xa, ngắm cô như…cảm nhận một bức tranh. Nhưng tôi thấy cô vẫn vậy, có trẻ ra một tí, không thay đổi gì nhiều ngòai một chút có da có thịt, cánh mũi hơi sửa sang uốn nắn thì phải.

Tôi thu lu ngồi một chỗ với cái mặc cảm tàn phai với bóng ngả đường chiều. Như có viên sạn nhỏ vướng mắc trong chiếc giầy, thỉnh thỏang tôi lại vuốt tóc để cố nhớ đã nhuộm hay chưa, nên không thỏa mái lắm và cái đầu thì lấn cấn với những gì không đâu. Để rồi cô đốt lò hương cũ, chiêu hồn quá khứ về những ngày tháng cũ, ngày đó chúng mình hai đứa với nước mía Viễn Đông, bánh ướt chả lụa với bánh cống, chan hòa mắm ớt của người miền Nam. Như trút được những chộn rộn ban đầu, tôi lại hòa nhập và thong dong đeo đuổi theo cô, thả hồn về con đường Nguyễn Thiện Thuật trong một ngày ngập gió, tà áo tung bay, cô đạp xe đạp, tôi đi xe gắn máy bên cạnh, như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau, hồn nhiên vô tư lự để…gặp nhau ở bánh mì Hà Nội, hay bên vỉa hè của cà phê bí tất Năm Dưỡng.

Và tôi cứ bồng bềnh theo năm tháng…

Rồi tôi bừng tỉnh trở về thực tại khi nghe chuyện thằng chồng cũ của cô, ngòai cái máu Biệt Động Quân: “Sát”, hắn còn ôm đồm với cái thói chồng chúa vợ tôi. Cô âm ỉ nào ai biết nào ai hay nhữnh lúc hắn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô, nhiều lúc mặt mũi sưng vù, phải nằm nhà cả tuần không ló mặt ra ngòai. Cái buổi tối cuối cùng đi làm khuya về, hắn ghen và đóng cửa không cho cô vào nhà, cô đứng ngòai cửa khóc lóc gần như suốt đêm, lại gặp trời mùa đông cóng lạnh. Vì vậy sáng hôm sau, cô ngược về D.C. với chuyến bay sớm nhất. Nói về ông chồng hiện tại cô mới vui vui được một chút, gặp trong một buổi họp mặt ở nhà bạn bè, cô để ý đến ông, không phải là bác sĩ như mọi người đồn đãi, mà không những “già”, vừa là tu xuất, lại vừa…bất lực nữa.

Nghe đến đây, tôi muốn nhẩy nhổm lên…như gái ngồi phải cọc, nhưng vẫn cười cười hỏi đùa làm sao hay biết. Cô dĩu môi cong cớn: “Tao có thử thì mới biết…Mày ngu như lợn”. Vui chuyện vui trò, tôi hỏi cô một chuyện khúc mắc mà bấy lâu nay tôi vẫn ấm ức mãi, là cái ngày cô bỏ đi, cớ sự gì thằng chồng cô điện thọai cho tôi với trăm đắng nghìn cay!

Thì cô cười bằng mắt:

– Phải gió gì đâu. Một tối tao nằm mơ…

Và cô chúm miệng:

– Và tao gọi tên mày.

Thèm một hơi thuốc lá quá nhưng tôi không dám ra cửa làm một điếu.

Bỗng dưng không đâu cô hỏi tôi còn viết lách gì nữa không, và cô nói cô vẫn còn “nhớ” cái bài tôi gửi cho cô, viết về ăn uống gì ấy. Tôi khựng lại một lúc mới chợt nghĩ ra, những ngày ở nước ngòai, tôi ôm tờ báo Sinh Viên Quốc Gia cho tòa đại sứ. Tờ báo vỏn vẹn chỉ mươi trang quay “rô nê ô”, thợ viết kiêm thợ gõ mõ, thay họ đổi tên, bao dàn từ trang đầu đến trang cuối. Vì vậy nhiều khi thiếu sót bài vở, tôi vẫn phải kêu gọi đến cô và nhận được ba, bốn bài thơ cô gửi sang. Đến đây tôi mới chợt hồi tưởng lại, bài ấy tôi viết về phở của quán cơm Cha Giảng ở gần khu La Tinh, Paris.

Thật tình tôi cũng vô tâm, bài tôi viết thì cô nhớ. Thơ của cô thì tôi lại quên.

***

Tôi và cô cứ râm ran như vậy cho đến gần trưa thì phải, tôi cũng chẳng buồn đong đưa với thời gian nữa. Thỉnh thỏang hai đứa nhìn nhau trong giây phút, tôi cũng chẳng dấm dớ đến độ, nhìn nhau mà chẳng nói, có nói cũng khôn cùng. Mà vì lúc dó tôi đang ngắm đôi mắt của cô, như “Đôi mắt người Sơn Tây, u ẩn chiều luân lạc”, để cỏ xót xa đưa, cỏ xót xa người. Và tôi nhìn cô không biết chán, để thấy cô vẫn còn đẹp, cái đẹp của “Ngày Xưa Hòang Thị”, ý tôi muốn nói đến những ngày tháng qua mau, cái tuổi hoa xuân học trò như ẩn hiện đâu đây. Ngày ấy gặp cô, tôi đang ngập với ‘’Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông’’. Vậy mà tôi vẫn lười biếng với ‘’Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng’’. Thế nhưng cuối cùng thì hôm đó, cái hôm tôi và cô thả rong đi xem ci nê, cô lại mặc áo lụa Hà Đông mầu mõ gà, vạt ngắn ngang ngang đầu gối và tôi đứng đợi ngay cái cột đèn. Bây giờ ngồi với cô đây, qua bóng dáng ấy, tôi tìm lại cô với cái duyên nói chuyện qua ánh mắt, rất dễ mềm lòng người, nhất là những người hay yếu lòng như tôi, để tự hỏi “Em có bao giờ, em thương nhớ thương”. Cũng có một đôi lúc, trong giây lát ấy, tôi muốn gọi tên cô như gọi tên bốn mùa, nhưng nghĩ sao rồi lại thôi. Và ai chẳng có những lúc cưỡi mây, thả hồn đi hoang trong những ngày nhạt nắng…

Đến giờ cô đi về. Tôi đưa cô ra xe. Như “Tôi đưa em sang sông…

Bây giờ tôi mới biết đã gần trưa, tôi với cô đi song song như hai cái bóng bên đàng, mỗi người mỗi theo đuổi những ý nghĩ riêng tư. Chợt tôi lẩn mẩn nhìn thấy cái bóng…của tôi vật ra trên đường đi và cứ dài ra và béo ra. Ông thiên đứng ngay trên đỉnh đầu, cái bóng càng lúc càng ngắn lại và gầy rạc trông thấy. Tôi lại nghĩ mình có già quá chăng với người xưa. Có một lúc, cái bóng tạm thời vắng bóng. Tôi lại được thể vẩn vơ thêm, ai đấy chỉ thấy già khi gặp lại người bạn cũ qua bao nhiêu năm không gặp. Thêm nữa, có một lúc tôi thấy cái bóng chui xuống chân tôi và ẩn nấp, nó tròn vo như một cái dấu chấm. Trên cái bóng chính là tôi. Hóa ra: Tôi và cái bóng là…cái dấu chấm than. Chạy trời không khỏi nắng tôi khọm thật: Tôi mơ hồ rằng cái bóng của tôi không phải là tôi. Nhưng mà là của ai khác nhập vào. Để bồi hồi, chỉ một đoạn đường ngắn này thôi nhưng tôi dặm trường mê mải “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”.

 Bỗng cái bóng biến mất vì cái bóng của cô che khuất cái bóng của tôi. Tôi lần mò nhìn xuống mặt đường tìm kiếm, nhưng vô vọng, tôi chẳng hề thấy nó đâu cả. Và đột nhiên tôi ngớ ra vì tìm được một chân lý bất biến: không có ánh sáng, không có bóng. Vừa lúc cô tìm chìa khóa xe trong cái túi sách, chợt nhớ ra…quên nên lại trở vào nhà. Vẫn sánh vai bên cô, tôi mải mê suy nghĩ mông lung, cô cũng chẳng còn trẻ nữa vì cũng hay…quên. Như tôi. Nhưng có điều ấm lòng là cô chẳng quên tôi. Như trên đã buông thả: Cũng như sau ngày lập gia đình, tối khuya thỉnh thỏang tôi vẫn mơ màng, hoặc có nhiều lúc chập chờn, lại thao thức nhớ đến cô ngày nào. Cho đến  khi nhà tôi nằm xuống, hình bóng cô ấy hòan tòan biến mất trong tôi, để rồi cứ nghĩ ngợi mãi…

Đột nhiên tôi thấy ánh sáng hất bóng tôi xuống mặt đường đổ dài theo từng bước chân ngoằn ngoèo, nghiêng ngả. Hai cái bóng hiu hắt bên đường, cái bóng hất bên này, hất bên kia. Rồi thì theo những bước chân nhàn tản, tôi bắt gặp cái bóng của mình lẳng lặng và âm thầm rướn mình chồm tới và bò lên ôm cái bóng kia quấn quýt. Như gặp nhau từ thưở hồng hoang với nghìn trùng xa cách, chúng ôm lấy nhau tha thiết ngỡ không có gì tách chúng ra khỏi nhau. Mặt trời vừa khuất dạng sau đám mây, hai cái bóng giẫy dụa quằn quại rồi từ từ buông nhau ra. Tôi chợt thấy người mình nhẹ tênh, đưa tay sờ soạng thì hốt hoảng nhận thấy rằng cái bóng kia không còn nữa, nó đã bỏ tôi mà đi đâu mất. Cái bóng hoàn toàn hóa thân. Như một lần cô đã…biến mất trong tôi cả một thời gian dài. Trời xanh, mây tím, nắng vàng và mây vẫn lặng lờ trôi. Mặt trời ló rạng. Hai cái bóng lại nhập làm một. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” và tôi cúi xuống bế cái bóng vào nhà.

Cô vào trong nhà, tôi chờ cô ở cái vòm cửa và để hồn bay bổng, đẩy đưa đến Văn Cao với “Em đến thăm một lần” cùng căn nhà bên suối và chỉ một lần rồi thôi. Cùng một chút hòai cảm như cơn gió thỏang, bây giờ là mùa xuân, con thuyền đã có bến đậu, với cô, cũng chỉ một lần trong đời với thương hoài nghìn năm. Và tôi nghĩ vậy. Rồi lại bâng khuâng gửi gió cho mây ngàn bay: “Cái hạc bay lên vút tận trời, trời đất từ nay xa cách mãi”.

Mặc dù cô vẫn còn đó, có đó với… có đấy không đấy.

Cô trở ra, cả hai đứng ngòai vòm cửa bé con con, tôi với cô như sát vào nhau, nắng hắt qua song sắt, đổ những vệt dài trên áo, như xé cô ra làm hai, ba mảnh. Tôi thoáng bắt gặp một chút bụi trần vướng mắc trên áo cô, ẩn dấu dòng luân chuyển của thời gian, bánh xe quay vòng của đời thường với…ngày mai, ngày mai rồi hạ đến, thu sang, đông tàn..và xuân nữa lại chẳng trở về. Trong một khỏanh khắc, cô như bần thần và bịn rịn nắm tay tôi. Tôi tự hiểu, đó là cái nắm tay của một người bạn lâu ngày không gặp. Để rồi cô nói với tôi một câu mà lúc đầu tôi nghĩ là cô muốn gửi gấm một cái gì đó. Thêm một lần lại không phải.

Cô vẫn có lối nói chuyện bằng mắt và thóang buồn:

– Mày biết không. Tao lấy chồng là vì…mày.

Rồi cô ngập ngừng:

– Tao lấy thằng chồng này chỉ vì cái tên…Hùng.

Và cô gượng cười. Như không có thật:

– Vì tao thù mày.

***

Người đã bỏ ta đi…Tôi lẳng lặng vào giường nằm, ôm lấy khúc nhạc, nghe đi nghe lại nhiều lần cho đến gần đây, tôi vẫn chưa biết tên tác giả là ai, âm hưởng lãng đãng: “Đừng gọi nhau, chỉ nghe vọng âm. Đừng tìm nhau đến sầu muôn chùng. Còn tình yêu chỉ là giấc mộng…trong cõi hư không”.

Nhìn lên trần nhà, trong cõi hư không…

Tôi chỉ nghĩ hạn hẹp: Như một chuyện tình.

Phí Ngọc Hùng

 

                                                                                                                       

     

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search