T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Một Chút Dối Già – Tập Ba

Xin bấm vào đây để mở hoặc tải về máy

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Một Chút Dối Già – Tập Ba

Bia truoc -tap ba -1bis

Bia sau -tap ba -1

Đôi lời bộc bạch

       Trong cái nghiệp viết, khó nhai nhất là viết “Tựa”. Nếu nhờ người khác viết dùm “Thay lời tựa”. Số ruồi…Gặp người được gọi là viết “nháp”, họ viết thần sầu hơn tác giả mới đổ nợ. Nhưng lại có chuyện trái khoáy như Tô Hoài, ông đọc truyện có ai đấy viết tựa dùm, nhà văn um thủm với bạn: “Ông này hình như chưa đọc chuyện của tác giả thì phải”. Bởi đọc sách truyện có nỗi búi bấn của người viết nháp, vì truyện hay đọc háu là xong. Chuyện nhạt đọc mờ người. Nếu vớ phải truyện vừa dài, vừa dở thì bán tử bất hoại, nôm là từ chết đến bị thương. Là người viết “nháp” để hưởng cà phê, thuốc lá, anh bạn bồ bã với ngộ chữ tôi vậy, thưa bạn đọc.

       Nếu tác giả tự viết “Tựa” còn trần ai khoai củ hơn nữa với bạn đọc. Nhất là dạng “hồi ký, hồi ức” hay “biên khảo, biên sử”. Bởi dưới bài biên khảo, tác giả làm như vô tình để hai chữ rất khiêm nhượng “tiến sĩ”, hay “bác sĩ” mặc dù học vị của họ chả dính dáng gì đến bài viết. Với hồi ký, một số tác giả làm như lơ đễnh ẩn dấu ở dòng chữ nào đó, họ tự “đội mình lên đấu mà vái” rất…khiêm cung. Với nhà văn viết sách, ngộ chữ tôi cho ăn gan giời trứng trâu cũng chả dám bắc kiềng lên lưng ai mà đun vì trong “Tựa” chém chết có đôi nhời dẫn giải “Tại sao tôi viết? Tôi viết cho ai?”. Với từng ấy “cái tôi” bự sự, nhà văn diễn tả nỗi niềm đam mê văn chương tới tận cùng nỗi thao thiết của mình. Tận cùng của cái nghiệp viết là cái khổ nạn ra mắt sách.

        Bằng ấy những quá đọa trong cõi chữ vì vậy lạy thánh mớ bái bạn đọc chứ…chứ Đôi lời bộc bạch này…dài dòng lắm. Vì chưng truyện ngắn như thơ, phải chẻ chữ chặt câu, nên ngộ chữ tôi học theo ông A. France: “Tôi không có thì giờ viết truyện ngắn…ngắn hơn”. Với bất ngôn nhi dụ tức không nói ra cũng hiểu được, bạn đọc cũng hiểu là ngộ chữ tôi lạc nẻo đường trần, cỏ hoa lạc lối trong chốn làng văn xóm chữ nên có nhiều khúc hơi rối, hơi ngúc ngắc. Qua đường xưa lối cũ bài viết của ngộ chữ tôi không thể thiếu vắng dăm đoạn khó hiểu một cách vừa phải. Bởi những ngẫu sự ấy, ngộ chữ tôi mọt sách ăn giấy qua cái bàn gõ, thì…

Thì “Đôi lời bộc bạch” bỗng không vướng mắc thành bài tạp bút có tên: Vướng nghiệp.

      vướng nghiệp chữ nên đành đục chữ đẽo câu về cái nghiệp “văn rượu” của mình, thế nên ngộ chữ tôi đong chữ như đong thóc, rồi sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ thế này đây…

(…) Về gốc gác của ngộ chữ tôi, cứ qua truyện ngắn Cây gậy tre rút đất thì ngộ chữ tôi là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết mình là ai. Ngộ chữ tôi làm quan ba mươi tư năm, lui về đất Hiu Tân mà ở ẩn, nhà ba phòng, chốn tây viên có ao sen, dăm bụi trúc. Tuổi mới chớm già, chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, văn phú. Bởi chưng: Trời đất sinh ra rượu với văn – Không văn không rượu sống như thừa. (…)

Như đã bộc bạch, trong “Tựa” chém chết có đôi nhời phân bua “Tại sao viết? Viết cho ai?”. Ngộ chữ tôi không tránh được chuyện ruồi bu này! Với tại sao viết, có đầu có đũa thì đã từ lâu, vì vướng nghiệp chữ, nên cũng muốn viết một tạp bút để lưu danh thiên cổ hay di xú vạn niên về văn hoá “Ra mắt sách” và trường phái “Văn chương ai điếu”, thưa bạn đọc.

Còn viết cho ai thì… Thì lý do củ chuối thế này đây:

Năm tám, chín tuổi ngộ chữ tôi trốn học, bởi thượng thiên vô lộ, nhập địa vô môn là lên giời xuống đất không xong, lạng quạng thế quái nào chả biết nữa nhè chui đầu vào Văn Miếu để làm thân với cửa Khổng sân Trình. Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối, rất ngay tình với bạn đọc dường như sách truyện ngộ chữ tôi đọc đầu tiên để khai tâm, khai chữ theo Nho gia là…Là ngày đầu tiên nhập môn, thầy đồ “mổ bụng” chú ấm sinh để nhét chữ vào bụng chú những “thiên, tích, thông, minh, thánh, phù, công, dụng” trong Tam tự kinh. Ngày ấy ngộ chữ tôi khai tâm, nhét chữ vào bụng thư kinh…Vàng và máu của Thế Lữ.

Bạn đọc im như con chim! Ngộ chữ tôi…ngộ ra rồi: Ý đồ bạn đọc sắm nắm ngộ chữ tôi chỉ “bịa” chứ khỉ gì nữa. Nếu như ngộ chữ tôi có bông phèng cũng chả bằng một nhà văn tâm sự ngắn dài qua chữ nghĩa với bạn đọc về cuộc đời viết văn của ông:

Tám, chín tuổi ở Hà Nội, ông đã đọc tứ đại kỳ thư của Tàu như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Thủy hử của Thi Nại Am và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần. Chuyện cấm giả lịnh giả thị, là ai cấm người mang bị nói khoác là chuyện của ông. Nhưng ở dưới bài văn ngoài tên họ, ông còn cẩn thận viết thêm bốn chữ: Nhà văn Hà Nội. Cũng vì cái tôi nhà văn to đùng của ông gây cảm hứng cho ngộ chữ tôi căng óc nặn chữ vặn óc véo câu về cái danh của nhà văn ở khúc sau, thưa bạn đọc.

Bạn đọc vẫn lạnh lùng con thạch sùng! Ừ thì đây với nhà văn Trần Doãn Nho:

(…) Đó là lúc cậu bắt đầu thích đọc, tập làm văn, cậu bắt chước những câu kéo hay ho trong sách. Cậu có thể thêm thắt những điều không có hoặc có khi chẳng hề có. Chữ giúp cậu biến không thành có, biến có thành không. Tóm lại, bịa. Bịa, nói trắng ra là nói láo. Nhưng bịa chuyện của ai đó, có lớp có lang, có câu kéo thì nghe ra…chẳng bịa tí nào. Chẳng là, ngay từ lúc còn bé tí, khi chưa biết viết biết đọc, cậu đã sống trong không khí của chuyện bịa rồi như cô Tấm cô Cám,  Thạch Sanh Lý Thông…Chuyện mang cậu vào một thế giới hoàn toàn khác, hư thực nhập nhằng. Để sau này cậu là nhà văn viết truyện hư cấu. (…)

Nghe thủng xong chuyện của nhà văn họ Trần, bạn đọc như xẩm sờ voi dậy rằng “cậu Hùng” chạy trời không khỏi nắng hậu sự sẽ lên cơn đồng thiếp với…“hư cấu”, đồng cô bóng cậu với…“hoang tưởng”. Bạn đọc búng lưỡi cái tách: Nghiệp rồi. Vướng nghiệp rồi.

Ừ thì chạy trời không khỏi số vì giầy dép còn có số nữa là…là bằng vào…

Năm 54, mười tuổi đeo tàu há mồm vào Nam…

“Cậu” cũng vác ông nhà văn họ Trần theo với “tập làm văn, “cậu” bắt chước những câu kéo hay ho trong sách. “Cậu” có thể thêm thắt những điều không có hoặc có khi chẳng hề có. Số là nhà “cậu” ở đường Cống Quỳnh có tiệm cho thuê truyện, dường như có túc duyên với chữ nghĩa, “cậu” ngấu nghiến Giai thoại trạng Quỳnh nên con đường lạc vào văn học sử không khá giả lắm. Năm trung học đệ nhất cấp, trường làm bích báo treo tường, nhờ gốc gác đọc “Vàng và máu” nên lân la làm quen với Thế Lữ với Hổ nhớ rừng. “Cậu” bèn làm thơ bích báo. Thằng khốn khổ, khốn nạn nào đó vì ghen tài “cậu” quẹt mấy chữ ngay bên cạnh “tác phẩm” đầu đời của “cậu”. Mà cái thằng dốt đặc cán mai này chả biết chữ “đạo văn”, “đạo thơ” nên nó quại nguyên con, nguyên câu: “Ăn cắp thơ…bà Huyện Thanh Quán”. Thế là mộng làm thì sĩ của “cậu” đành treo gác bút. “Cậu” chỉ tiếc hùi hụi hậu vận nếu thi tài không ngang hàng thi bá Vũ Hoàng Chương thì cũng ngang tầm thi bá Đinh Hùng chứ đâu có đùa.

Thế nhưng trong cái rủi có cái may,…may mà nhờ đọc Trạng Quỳnh nên nói dối như cuội, nhờ đó ngộ chữ tôi tới cái tuổi nhầng nhầng đã có bồ nhí. Thề trước bóng đèn hột vịt, chả hiểu sao cuỗm được cái tú kép. Thế là ngộ chữ tôi xuất dương tầm sư học đạo. Trong va li nhét hai tập cổ thư để viết thư tình: Ấy là Thơ Nguyên Sa chui rúc trong đầu ngọ nguậy thế này đây…

       Paris có gì lạ không em
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen
.

        Và Đời phi công của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với mỗi chương là một lá thư tình bắt đầu với tên người tình của ông: Phượng. Đến tay ngộ chữ tôi bèn hư cấu thành: Phượng em hay Phượng yêu. Đúng là bị giời đầy, ngộ chữ tôi số ăn mày bị gậy phải mang nên có 4 (bốn) cô Phượng khác nhau. Ngày ấy Ga Lyon đèn vàng cầm tay em muốn khóc vì chưa có máy phô-tô-cop-py, vì vậy ngộ chữ tôi phải viết bốn cái thư giống in hịt nhau chỉ khác…cái tên. Và chép tay muốn…khóc luôn với trời mùa đông Paris, chưa bao giờ buồn thế!.

Năm 75 đứt phim, đu tàu hải quân qua Mỹ…

       Ngộ chữ tôi thêm một lần cõng theo ông nhà văn họ Trần tên Nho…

(…) Thế mới hay, chữ không còn viết mực, viết máy, viết chì để viết mà là “đả tự”, là đánh (máy), là gõ (bàn phím), là sao chép và dán (copy & paste). Từ chữ thủ công lên đến chữ công nghiệp. Từ chữ thực đến chữ…ảo. Ảo hay thực thì chúng cũng đều có thể tạo ra chuyện.

Chữ nghĩa mang ít sáng tạo đầu tiên trong đời tôi là …viết thư tình. Bị một cô hàng xóm ám ảnh, tôi sử dụng số vốn chữ ít ỏi của mình để bịa tình. Tôi bỏ món tình chữ vào cái hộp. Nàng mở hộp, lấy món tình ra và… đọc. Đọc nhiều lần quá, nàng (có lẽ) cảm động bèn gửi biếu lại tôi món tình nàng, cũng bằng …chữ. Cuối cùng, bịa mà thành thực. Nàng yêu tôi. Ba chữ. (…)

        Bỏ nước ra đi…Ra đi gặp vịt thì lùa, gặp duyên thì kết, gặp chùa thì tu như…vướng nghiệp với chữ. Chuyện nhè vào cái tuổi tam thập nhi lập, thiên hạ sự lập nghiệp thì ngộ chữ tôi lập thân “tối dạ” thị văn chương khi gặp bạn cũ trường xưa nên nhập hồn nhập vía vào chữ nghĩa. Rất thật với bạn đọc đứa nào nói láo đội nồi cơm là để…“khoe chữ”. Xuôi theo dòng đời, thế là “văn chương” tự cổ như danh tướng, bất hữu nhân gian kiến bạch đầu theo ngộ chữ tôi cho đến bạc đầu: Đầu tiên là kỳ óc ra viết truyện tình, viết hùng hục như trâu húc mả hết Tình đầu, tới gõ chữ lộp bộp như gà mổ mo đến Tình giữa và ngơ ngác như bò đôi nón tới Tình cuối.

Bạn đọc ngất ngây con gà tây vì đi Tây è cổ gánh vác tới bốn cuộc tình cùng một lúc không thấy nặng sao. Sau 75, bám tầu Mỹ qua đây khuân thêm tình này tình kia! Bịa chăng! Ừ thì đành thề thốt rằng “ngoa ngữ” của bạn cũ trường xưa dưới đây không hẳn là…bịa tạc.

(…) Từ những ngày đầu, lúc đám bạn học cũ mới tìm lại được nhau, họ Phí hào hứng gửi những “Tình đầu…”, “Tình giữa…” “Tình cuối…” cũng đáng để ý vì gợi được sự tò mò của bạn cũ…Nhưng so với bây giờ thì những bài văn lúc đầu này chỉ như là những bài “tập làm văn…lớp 5 tiểu học”. Đề tài này hình như không gây được nhiều chú ý của bạn bè vì họ Phí không dụng công phu nhiều và chỉ viết như một cách “ghi nhớ kỷ niệm xưa”, dĩ nhiên họ Phí là kẻ “nòi tình”, chuyện kể lại là “kỷ niệm ..sống thực” của chính tác giả, với một chút mắm muối gia vị cho có vẻ “văn chương…lãng mạn”. Những chuyện tình yêu này được viết bằng lối văn “hoài niệm” nên lời văn trong sáng và hợp lý theo thứ tự thời gian …Rồi đến những bài viết về chủ đề “cuộc chiến” hay những chuyện có liên hệ đến “cuộc chiến đã phai tàn”…thì (…)

Thì bạn đọc ngẫn ngẫn rằng ông Tô Hoài kể chuyện người viết tựa dùm chả chịu đọc tác phẩm cứ viết bừa nên nghe chả tin được! Ừ thì những chuyện cóc cáy này thiếu giống. Như:

(…) Trong một lần ra mắt sách, ông Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng câm và ông Vũ Thư Hiên so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân. Nếu tôi (Đặng Trần Huân) không lầm thì hình như Kim Lân chỉ có một tác phẩm khá hay có tên là Vợ nhặt. Bây giờ ông Vũ Thư Hiên ca tụng Kim

Lân với truyện Thằng câm: Truyện này Kim Lân…chưa viết!. (…)
Thế mới kinh chứ! Vì vậy mới có chuyện ra mắt sách, thưa bạn đọc.

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search