T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: Nhân đọc Phạm Đức Nhì: “KHẬP KHIỄNG…?”

                     một đôi 2

Một Đôi – Tranh: Mai Tâm

Nhân đọc bài viết của nhà Bình Thơ Phạm Đức Nhì: KHẬP KHIỄNG HAY KHÔNG KHẬP KHIỄNG?(1), Nguyên Lạc tôi xin được đóng góp vài ý kiến về thơ, bình thơ và bài viết của anh Phạm Đức Nhì (PĐN)

Xin sơ lược nhận thức của riêng tôi về thơ và bình thơ trước.

 Ý KIẾN VỀ THƠ

THƠ LÀ GÌ?

Ngài Bùi Giáng đã nói đại để như sau:

“Con cá thì ta biết nó lội, con chim thì ta biết nó bay, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết được”

Ngài nói chơi chứ biết quá đi thôi. Tính ngài ưa giỡn nên “lửng lơ con cá vàng” như vậy!

Thôi tôi đành nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc (NHQ):

“Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy.”

Và ông giải thích thêm:

[ Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối “tương liên” giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những “tam bách dư niên hậu”. Lại nhớ đến Nguyễn Du.

Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:

Dị đại tương liên không sái lệ

(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)

Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. “Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau”(Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).

Thơ xoá đi cái không gian trống giữa người với người. Để giậu mồng tơi xanh rờn không là nỗi phân ly. Để tam tứ núi, thập bát đèo không là điều cách biệt.

Thơ cũng xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa…](NHQ)

Tôi tâm đắc nhất ở đoạn này: “Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm”. Do đó theo tôi: Không có CẢM XÚC thì không có THƠ. Nói rõ ra “tức cảnh sinh tình”: Cảm nhận đưa đến cảm xúc rồi từ đó đưa đến THƠ.

Xin được dẫn thêm vài hàng của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:

[ Thơ không là chữ. Chỉ mải mê trau chuốt chữ, may lắm, người ta tạo được những hòn non bộ giả núi vụng về.

Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc”

Nguyễn Du là tác giả của hai câu thơ rất thơ này:

Tưởng rằng nói để mà chơi

Song le lại động lòng người lắm thay] (Nguyễn Hưng Quốc)

THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU?

Thì như trên tôi đã nói: THƠ (cảm xúc đi tìm một đồng cảm) đến từ TRÁI TIM, từ TÂM HỒN chứ đâu!

THƠ SẼ VỀ ĐÂU?

Theo tôi không cần bận tâm quá. Nói theo nhà Phật là như nhiên, tùy duyên: Cứ để nó tự nhiên như bốn mùa thay đổi: Xuân, Hạ , Thu, Đông. Ta có thể nào thay đổi được trật tự luân chuyển này đâu, lo chi cho mệt trí!

Đến từ đâu hay sẽ về đâu không cần bận tâm; cái chuyện bận tâm, theo tôi là THƠ VIẾT CHO AI, PHỤC VỤ AI và làm sao viết cho HAY.

Theo tôi, thơ phải viết cho CON NGƯỜI, con người nói chung, đa số; chứ không phải cho một thiếu số đặc quyền, cho một chế độ, viết vì tư dục riêng mình. Thơ phải chân thật, cống hiến cái ĐẸP cho đời, nói lên những tâm tư, những khát khao của nhân loại…

Nghĩa là thơ phải có tính NHÂN BẢN, không cổ động sự DỐI TRÁ, ÁC ĐỘC…

THƠ HAY

  1. Lan Man Về Ba Cái Tôi

Thông thường có ba loại CÁI TÔI:

— CÁI TÔI VĂN HOÁ (Lý Trí): tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều.(Cái Tôi Phải Đạo).

Lý Trí là Kẻ Thù Của Thi Sĩ Trong Lúc Làm Thơ. Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo, được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” – “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả – thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” nhưng không có Hồn.

— CÁI TÔI “TEO CHIM”: Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”.

— CÁI TÔI ĐÍCH THỰC: Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” (và “cái tôi teo chim”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng.(PĐN)

  1. Thế nào là thơ hay:

THƠ HAY thì THƠ PHẢI CÓ HỒN, nghĩa là :“CÁI TÔI ĐÍCH THỰC” sẽ vùng dậy đẩy “CÁI TÔI VĂN HOÁ ” (và CÁI TÔI “TEO CHIM”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ.

Người làm thơ dày dạn kinh nghiệm,  kỹ thuật thơ cao cường thì thơ làm ra vẫn có thể “hay”, nhưng không có HỒN. Những người này là “nghệ nhân” chứ không phải là “nghệ sĩ ”

VÀI Ý NGHĨ VỀ BÌNH THƠ

  1. NHÀ BÌNH THƠ

Tôi xin được thưa với các bạn ý kiến của tui về nhà phê bình thơ.

– Ngoại trừ các nhà phê bình thực sự, có thủ pháp riêng, trình độ thẩm thơ tuyệt vời, có tiếng; phần tay mơ còn lại, theo tôi, chỉ làm rắc rối thêm cho người thưởng lãm. Một bài thơ bình dị, rõ ràng, sáng sủa sẽ trở nên rắc rối, mù mờ và tối tăm qua tay các nhà bình thơ loại này.

Hoặc có một số NHÀ, như lời của Goethe viết : “…Họ hòa quá nhiều nước lã vào mực.” (… mix too much water with their ink.). Có nghĩa là KHÔNG LƯƠNG THIỆN.

-Hoặc có những bài thơ chỉ vài chục từ, lại được “nhà phê bình thơ” ca tụng đến cả vài trăm, có khi cả ngàn từ, làm người đọc PHÊ quá cái “tài bình thơ”. Và rồi bài thơ trở nên ĐẦY ẤN TƯỢNG, ngoài ý của tác giả. Kết quả độc giả không biết bài thơ thực sự bây giờ ra sao, nói về điều gì, có khi quên luôn bài thơ, chỉ nhớ lời “bình”.(2)

  1. THƯỞNG LÃM THƠ

Thưởng lãm thơ cũng như ĂN UỐNG: Đói ăn, khát uống.

– Đang đói gần chết, có thức ăn mừng quá định ăn, thì có người chặn lại bảo phải ăn cách như vầy, ăn thức nầy, chất này, không nên ăn thức này chất này… và rồi giảng cho bài học về dinh dưỡng v.v. thì chết con người ta rồi.

– Cũng giống vậy, đang khát gần chết, có nước uống mừng quá định uống, thì lại bị chặn lại giảng dạy giống như trên thì chán mớ đời. Chết sướng hơn.

Qua trên là những nhận thức của riêng tôi về thơ và bình thơ, giờ tôi đi thẳng vào bài viết của PĐN.

 VÀI Ý NGHĨ VỀ BÀI VIẾT CỦA PĐN

Tôi tâm đắc bài viết của PĐN, rất công phu, rất lý thú, đáng quan tâm. Xin được tâm sự và góp thêm chút ý kiến.

  1. VẺ ĐẸP HOÀN HẢO, LÝ TƯỞNG

“Quê Hương của Đỗ Trung Quân và Giáp Văn Thạch (GVT) là một bản nhạc có lời thơ siêu tuyệt – một bộ 6 bức tranh thơ đẹp”.(PĐN)

Vâng đúng, đó là một bức TRANH, TƯỢNG hoàn hảo. Nhưng xin được trích ra đây câu nói của tôi gởi đến nhà bình thơ Châu Thạch (CT) khi ông bình bài thơ tôi. (Xin nói trước, tui với ông CT không quen):

— .”. Cái quê hương đẹp lý tưởng không thể nào có thật, so với quê hương của đời thường mọi người sống qua.  Nó có vui / buồn, ngọt ngào / đắng cay, hạnh phúc / khổ đau…

Đối với tôi, vẻ ĐẸP LÝ TƯỞNG quá sẽ không có thật ở trên đời. Cái vẻ đẹp LÝ TƯỞNG không thực giống như bức tượng / tranh giai nhân, đẹp toàn bích, nhưng dù gì cũng là vật chết. Nó được trưng bày trong phòng Triển lăm, trong Cung đình, trong phòng các đại gia..  Người bình thường chỉ được ngắm, không được đụng chm.  Đâu bằng người nữ đẹp bình thường, đời thường; ta có thể ôm ấp vuốt ve và vui vẻ hoặc khóc hận cùng nàng.

Cuộc sống không thể nào mãi êm đềm.  Cuộc đời được nhiều ưu ái, tâm tư quá lặng lờ nhiều khi đưa đến tiêu cực: Quê hương, đất nước ra sao cũng được, ta cứ an nhàn riêng ta.

Không, quê hương không phải mãi đẹp như vậy. Quê hương đôi khi là đất nước, nơi có chia biệt, có ly tan. Quê hương còn là nơi mà con người phải nhận chịu khổ đau với bao nhiêu nghịch cảnh xảy ra cho đời mình; con người bị bắt buộc phải nhận một quê hương thứ hai để sống, dù không muốn”

Đây là lời phản hồi thêm của tôi gởi đến nhà bình thơ Châu Thạch (CT) (Bài viết của Châu Thạch được ghi ra ở dưới)(3)

” Bài thơ “Bài học đầu cho con” – Đỗ Trung Quân  làm khoảng đầu thập niên 80, (Năm 1976, ĐTQ tham gia phòng trào thanh niên xung phong) ông bắt buộc phải “tô hồng” quê hương vì CÁI TÔI TEO CHIM thôi, nếu không muốn bị trù dập. Thật sự lúc đó quê hương đang “te tua”.

Bà mẹ tôi hàng ngày chèo ghe con, dấu từng ký gạo, từng miếng dừa sấy đi bán kiếm tiền nuôi con;  đã khóc ngất khi bị tụi quan thuế tịch thu, do chính sách “ngăn sống cấm chợ”. Có những chị phải quấn giấu trong bụng, quanh đùi trong quần từng ký thịt heo (lợn); cũng đã khóc van lại, nhưng vẫn không được tha bởi tụi quan thuế. Thế mà QUÊ HƯƠNG của ĐTQ tô hồng đẹp đ như thế! Than ôi!

Quê hương là con đò nhỏ / Êm đềm khua nước ven sông (ĐTQ) Đúng ra là:

Quê hương chiếc đò nho nhỏ

Qua sông. kham khổ từng ngày

Thân me vai gầy. gánh khổ

Thương con. chịu ni đắng cay (NL)

Với ĐTQ: “Mẹ về nón lá nghiêng che”. Riêng đối với NL thì: “Mẹ về khóc ngất con ơi!” thì có,  vì vốn liếng đã mất, cả nhà sẽ đói.

Trong những năm đầu “giải phóng” trên báo Tin Sáng của Ngô Công Đức , SGGP xuất hiện những bài thơ “hừng hực” của Nguyễn Nhật Ánh, Trần Mạnh Hảo… ca tụng chế độ.

Những điều không do thật sự cảm xúc của lòng, lý trí xen vào, có đúng là SỰ THẬT không,? Sao không nói lên những nỗi khổ của người dân bé nhỏ?.

Xin thêm vài lời tâm sự của tui:

” Bài thơ nầy Nguyên Lạc viết ra, với cảm xúc thật sự của mình để trả lời bài thơ của Đỗ Trung Quân (ĐTQ):

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

(BÀI HỌC ĐẦU CHO CON)

– Chúng ta vẫn có thể có hơn một mẹ, nếu vì lý do nào đó bà mẹ ruột đã từ bỏ con. Như trường hợp của thi sĩ Trần Trung Đạo  (TTĐ)

ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

Tiếng ai như tiếng lá thu rơi

Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ

Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

….

Ví mà tôi đổi thời gian được

Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

(thơ Trần Trung Đạo)

Bạn thấy đấy, TTĐ đã có hơn một bà mẹ, bà mẹ trong bài thơ là mẹ nuôi như ông đã thổ lộ. Theo ý của ĐTQ thì chỉ nhớ người mẹ sinh ra mình thôi, dù người đó có từ bỏ mình; nếu không nhớ thì sẽ không lớn nổi thành người. Vậy còn người cưu mang mình chi?; người  yêu thương, chăm lo mình còn hơn mẹ ruột?

Thương nhớ bà mẹ nuôi nầy chúng ta vẫn lớn thành người chớ, phải không?

Nhưng nói rõ ra, công tâm người ta thường trăn trở về hai bà mẹ”

  1. VỀ LIÊN HỆ ĐẾN BÓNG ĐÁ

Là nguời thích bóng đá, tôi tưởng tượng ĐTQ – với đôi mắt tinh đời, chuyên nghiệp của mình – đã đi khắp nơi chiêu mộ được một dàn cầu thủ sáng giá.(PĐN)

Nói theo ngôn ngữ bóng đá, Nguyên Lạc cũng đi khắp nơi chiêu mộ cầu thủ, nhưng anh tham quá. Trong số những cầu thủ anh đưa về có nhiều người giỏi, nhưng cũng có một số chỉ ở mức độ khá. Hơn nữa, trong số những cầu thủ giỏi lại có một số đá trùng vai (vị trí) nên việc gạt bỏ ít nhất 75% cầu thủ để có một đội tuyển hùng mạnh lại vượt quá khả năng của Nguyên Lạc. (PĐN)

Rất đúng, không cãi đâu được. Cái ví von rất hay. Tôi sẽ giải thích tại sao tôi không gạt bỏ 75%  (tu từ, chắt lọc lại…) như PĐN khuyên ở phần tâm sự dưới, (phần tự bình thơ)

  1. VỀ THẾ TRẬN CHỮ NGHĨA, TU TỪ…

“Quê Hương của Nguyên Lạc cũng là một bài thơ hay. Ngôn ngữ bình dị, đậm mùi Nam Bộ, cảm xúc dạt dào, tâm trạng phức tạp” (PĐN)

_ Cảm ơn, đó là ý tui, phải dùng từ bình dị, đời thường ai cũng hiểu

“Bài thơ nhất khí liền mạch, có sóng sau dồn sóng trước theo dòng chảy của tứ thơ để cảm xúc tầng 3 – cảm xúc cao cấp nhất –  xuất hiện, nhưng do ý tưởng hơi bề bộn, thế trận chữ nghĩa xộc xệch nên dòng cảm xúc đó không đủ lớn mạnh để hình thành hồn thơ”.(PĐN)

_ Đúng , sẽ giải thích ở dưới như đã nói (phần tự bình thơ)

          VÀI LỜI TÂM SỰ / TỰ BÌNH THƠ

Vài lời tâm sự

– Bài thơ này là cảm xúc thật sự của lòng tôi; nó chứa bao nhiêu tâm tư trăn trở của cả một cuộc đời, từ nhỏ đến trưởng thành; rồi già đi, chờ ngày về với vô biên. Nó tổng hợp cuộc đời thật của mình và bạn bè, của làng quê thân yêu, rồi thành phố mến thương trên quê hương đau thương yêu dấu. Những kỷ niệm về một dòng sông đầy thương nhớ vẫn mãi hoài không lúc nào quên. Chính dòng sông buồn thảm này, tôi đã viết ra các bài:”Chuyện Hai Dòng Sông”, “Chuyện Tình Vùng U Minh”, “Về Một Dòng Sông”.v.v.

-Bài thơ nầy viết chỉ trong một đêm hanh lạnh, không ngủ vì nhớ quê nhà. Tôi viết nó một mạch trong lúc như đang “lên đồng”. Những từ giản dị, chất phác như tiếng nói làng quê tôi cứ mãi tuôn trào.

Sáng hôm sau, tôi chỉ cần chỉnh sửa, sắp xếp lại vị trí một số chữ, bỏ một số câu, rồi chỉnh lại vần điệu là được bài thơ mà các bạn đang đọc. Đây là cảm xúc thật sự của lòng, không có sự giả dối ở đây. Nỗi niềm trăn trở trong mấy chục năm qua trên đất tạm dung, coi như quê hương thứ hai.

-Tôi biết nó có nhiều khuyết điểm, nhưng sẽ không bao giờ tôi chỉnh sửa lại. Hãy để “nó như là nó”.

Khi đưa cho ông bạn, một nhà bình thơ xem, ông bạn tôi nói:  _”Bài có nhiều câu hay, nhưng dài như “cọng rau muống dài thòng”, sao không tu từ, chỉnh sửa lại”.

Tôi xin mạn phép đưa ra đây một đoạn văn nói về điều này trong bài viết: TỰ BÌNH THƠ của tôi.

[…Giờ đây tôi tự BÌNH thơ tôi!

Về bài thơ QUÊ HƯƠNG, bạn tôi PĐN và tôi BÌNH như thế này: Bài thơ này như “cọng rau muống dài thòng”.

Quá đúng, nó là bài thơ dài và sẽ là bài thơ dài duy nhất của tôi. Không thêm nữa.

Ông bạn quí PĐN còn “phán” thêm: Sao không dùng DAO chặt khúc, chọn lọc lại, làm DƯA?

Cái này thì tôi nhất định từ chối, nhất định không theo ý ông thần BÌNH THƠ này.

Tại sao? Tôi sẽ giải thich:

“Cọng rau muống” này là cảm xúc thật sự cuộc đời của riêng tác giả về cuộc “dâu bể” của quê hương, không có sự gian dối trong này. “Cọng rau muống” (cảm xúc, CÁI TÔI ĐÍCH THỰC) càng bò dài càng tốt, phải đưa hết cảm xúc riêng mình ra. Chẳng thà nó bò dài, đâm nhiều ngọn con, cho người bình thường ngắt đem nấu canh chua, bóp dấm chanh …nhậu với “nước mắt quê hương” (rượu đế); “cọng rau muống” vẫn còn sống. Còn hơn là dùng DAO (thủ pháp thơ, thuật ngữ, tu từ.v.v…nói chung là CÁI TÔI LÝ TRÍ) để chặt khúc, chọn lọc (Đưa lên tầm cao: high class) bỏ vào keo, thêm hương vị, chất đổi màu (để trông đẹp hơn) thành DƯA, rồi dán nhãn đem bán hoặc biếu cho thiểu số đặc quyền nhậu với Champagne, XO. Tui không muốn như vậy. Lại nữa khi bị chặt, cọng rau muống sẽ chết.

Bài thơ này là cảm xúc thật sự, nó chỉ cần sự đồng cảm của người bình thường, không cần cấp bậc gì cả. Cái DANH không có ở đây! Đây là một bài thơ duy nhất tôi đi ngược với nguyên tắc của mình: THƠ NÉN mà tôi đã có nói đến trong bài SHOW, DO NOT TELL*. Nó càng dài càng tốt, phải nói hết những tâm sự chất chứa trong lòng mấy chục năm qua.

Xin nói thêm điều này với bạn quí của tui: Không thấy trong truyện TIẾU NGẠO GIANG HỒ (KIM DUNG) đôi khi VÔ CHIÊU thẳng HỮU CHIÊU đó sao?(TỰ BÌNH THƠ QH – FB Nguyên Lạc)

  1. NHỮNG LỜI GÓP Ý THÊM

Đọc văn, thơ, bình luận tuỳ thuộc vào “hệ quy chiếu” của mỗi người. Những “hệ quy chiếu” này hoàn toàn khác nhau, do đó cách đọc và cảm nhận cũng khác nhau. Không thể đứng ở “hệ quy chiều” này mà phê bình, áp đặt “hệ quy chiếu” khác. Ngay ở một người, hai cái đọc ở hai thời điểm khác nhau, với những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, tác phẩm cũng có thể có những diện mạo khác nhau, trẻ khác, già khác

KẾT

Thật là hạnh phúc khi bài văn, thơ mình đưa ra có được nhiều nhà bình luận chú ý, độc giả phản hồi góp ý (khen chê không phải là vấn đề). Khi tất cả đều im lìm thì buồn biết bao, vì bài đó chắc quá dở, phải không các bạn?. Và xem như là “xong nợ” khi “đứa con” trưởng thành của mình bước vào đời, “nghèo giàu” tuy nó.

Sẵn đây xin được nói thêm: Thơ (và văn) tôi chỉ dùng những chữ bình dị, ai cũng hiểu. Sẽ cố gắng tránh những chữ “cao xa” , nếu có thể được, trừ những bài thoát dịch thơ của tiền nhân. Nếu bài thơ nào mà người bình thường không hiểu, tôi sẽ chỉnh sửa hoặc ném bỏ nó.

Tôi quan niệm: “Văn chương phục vụ cho CON NGƯỜI”

Nhớ trong truyện Lục Vân Tiên, cụ Nguyền Đỉnh Chiểu có viết:

Trước đèn xem chuyện Tây – minh

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Nếu thơ cụ rắc rối thì làm sao người hiểu được mà RĂN với DÈ!

Nguyên Lạc   

(Cuối thu 2017)

————————————————————————————————————

Tham Khảo: Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Lê Hữu.v.v..

Ghi chú:

(1) Phạm Đức Nhì: KHẬP KHIỄNG HAY KHÔNG KHẬP KHIỄNG?

https://t-van.net/?p=33233

(2) Tặng các “nhà bình thơ” câu chuyện này, từ người bạn tôi kể lại:

[ Nhà thơ Jacque Prevert đi vào câu lạc bộ bình thơ của Pháp tại Paris. Gặp lúc các nhà bình thơ đem thơ ông ra mổ xẻ đủ loại, đủ điều Nhưng chả có ai chú ý đến một người vô danh mới vào và chăm chú theo dõi cuộc bình thơ. Hết cuộc bình thơ, Người khách lạ bước lên sân khấu bắt tay các diễn giả và nói rằng: “Xin chân thành cảm ơn tất cả các ngài đã đem thơ tôi bình luận. Thật sự tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã có những ý nghĩ lạ lùng cao xa ấy trong thơ mình và tôi cũng không ngờ thơ tôi lại hay như vậy. Cảm ơn các ngài.”

Nói xong, người khách lặng lẽ bước ra, người ấy chính là Jacque Prevert.]

(3) Châu Thạch: HAI BÀI THƠ “QUÊ HƯƠNG” HAI TÂM TÌNH KHÁC BIỆT

https://t-van.net/?p=33054

Nguyên Lạc: Nhân đọc Châu Thạch “HAI BÀI THƠ “QUÊ HƯƠNG”.

https://t-van.net/?p=33083

Nhã My-Sương Lam: MỘT CHÚT TÂM TÌNH

https://nhamyngocsuong.blogspot.com/2017/10/mot-chut-tam-tinh-khi-oc-bai-tho-que.html

https://t-van.net/?p=33121

THƠ HAY TỨ TUYỆT-Nguyên Lạc:

https://t-van.net/?p=31609

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search