T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: MƠ HOÁ BƯỚM

Doi Cho - hình -edit

                         Chờ Đợi – Tranh: Thanh Châu

 

Thả tiếu:

Nhân sinh hàm khổ lụy

Y phạn tích bại thành

Phóng thủ vạn sự tuyệt

Đắc tiếu, tiếu nhất thanh.

 Hãy Cười:

Kiếp người nhiều khổ nhọc,

Cơm áo lắm được thua,

Buông tay muôn việc hết,

Ðùa được, thì cứ đùa!

(Hạt Cát)

ƯỚC MƠ NHỎ BÉ

Đời như giấc mộng, các cụ xưa nói thế

Xử thế nhược đại mộng

Hồ vi lao kỳ sinh (Lý Bạch)

Ở đời như giấc chiêm bao

Cái thân còn đó, lao đao làm gì? (Tản Đà)

Nhất là cụ Thi sĩ Tản Đà, cụ thường ngán đời mà nhớ mộng . Đây là lời cụ phán:

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu dễ ngán đời.


Những lúc canh gà ba cốc rượu,
Nào khi cánh điệp bốn phương trời?
Tìm đâu cho thấy người trong mộng,
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai?
(Nhớ mộng- Tản Đà)

Tại sao cụ ngán đời như vậy? Chắc vì tình đời xấu xa, hay đổi trắng thay đen.

Giấc mộng bao giờ cũng đẹp hơn đời thường phải không? Ai mà không mộng mơ, không mơ ước? Mộng ước tạo ra hương vị cuộc đời. Cuộc đời không có ước mơ cũng giống như cây thiếu nước, sẽ dần chết khô thôi.

Mọi người đều có ước mơ riêng. Sau đây là ước mơ bé nhỏ của tui. Mời bạn hiền bước vào giấc mơ Nguyên Lạc :

Thơ rằng:

Nhớ tóc em dài bay phất phơ

Ngực đầy như chứa cả hồn thơ

Có con bướm nhỏ nhiều e ắp

Đậu ở tay ta – đẹp không ngờ

 

Hình như đêm rồi ta nằm mơ

Thấy em cô độc buồn vu vơ

Ở một góc trời xa xôi lắm

Tỉnh giấc mình ta mãi thẫn thờ 

(Thưa Quý Nương!- Hồ Chí Bửu)

Trong thơ, vì nhớ, thi nhân chúng ta nằm mơ thấy em, thấy người đẹp như con bướm nhỏ, tỉnh giấc rồi mà vẫn còn thẩn thờ thương nhớ. Thơ đẹp quá phải không các bạn?

Và bài thơ này nữa:

Ngày đã qua, lòng lá biếc ngậm ngùi

em, con bướm đi tìm hương bất tử…

con bướm nhỏ sẽ bay trong tàn tạ

bay về đâu, đôi cánh mỏng thời gian

hương sẽ phai, hoa cũng sẽ tàn

bướm sẽ rũ bên bờ cỏ dại

tôi người trăm năm còn lại

trang thơ này ướp xác bướm thiên thu.

(Bướm và Tôi – Hoàng Định Nam)

HỒ ĐIỆP MỘNG

Trong hai bài thơ đều có sự xuất hiện của BƯỚM. Phải công nhận thơ về Bướm của hai thi sĩ quá tuyệt, nó khiến tôi liên tưởng đến bài Hồ Điệp Mộng (Mộng hoá bướm) của Trang Tử. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có nhắc đến Hồ Điệp Mộng này:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

(Nguyễn Du)

Trang Tử (365–290 trước CN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông sống vào thời Chiến Quốc. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú. Ông nổi tiếng các vấn đáp về Đạo. Thí dụ như sau:

Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:

– Đạo ở đâu?

– Không chỗ nào không có.

– Xin chỉ ra mới được?

– Trong con kiến. Trong cọng cỏ. Trong hoa Bướm…

Nhưng đặc biệt nổi tiếng là Hồ Điệp Mộng (Mộng hoá bướm) mà người xưa ai cũng nằm lòng:

Có một lần Trang Chu mơ hoá bướm/ Lượn bay như cánh bướm/ Rất là thích thú!/ Chẳng biết bướm là Chu/ Chợt tỉnh dậy thấy Chu lại là Chu/ Không biết trong mơ Chu biến thành bướm?/ Hay trong mơ bướm biến thành Chu? (Hồ điệp mộng -Trang Tử)(*)

Trang Tử khi tỉnh mộng, vẫn không biết là trong mơ Chu hoá bướm hay bướm hóa Chu. Như một cánh bướm bay lượn giữa mơ và thực.

BƯỚM CỦA TÔI

Chuyện ngày xưa ông Trang Chu tẩu hỏa nhập ma, cứ vò đầu, bứt tóc tự hỏi ổng hóa bướm hay bướm hóa ra ổng thì tôi không cần biết, tôi chỉ để ý tới Bướm thôi!

Này nhé:

“Bướm là một loài sặc sỡ, nhởn nhơ và quyến rũ. Bướm thường bay la cà vờn hoa trong dáng vẻ ung dung, vẽ vời, đài các. Cũng có thứ bướm không sặc sỡ, không biết bay nhưng cũng vẫn quyến rũ”. (Song Thao)

Trong hai bài thơ tuyệt vời trên, Bướm đối với các chàng thi sĩ chắc chắn “chăm phần chăm” là em “yêu dấu”, nhưng sao tui cứ nghĩ  Bướm là Tình, là “Thần bà” thôi!

Xin các thì sĩ bỏ qua cho cái đầu có vấn đề của tui!

Thơ rằng:

Sáng đưa Tống Ngọc,

tối tìm Tràng Khanh

Bướm kia giờ đã tanh banh

Còn chi đâu nữa để dành cho ai! 

(Dư Mỹ)

SỰ TUYỆT VỜI CỦA TIẾNG VIỆT

Thử phân biệt cách dùng CON vá CÁI trong tiếng Việt (Không phải cách nghiên cứu “ruồi bu” như Ngài “THIẾN SĨ” CS  BÙI HIỀN nhe quí bạn)

  1. Nhận xét

— CON: dùng trong những từ (tự thân) chuyển động, cử động rõ ràng nhận thấy được.  Như: Con chim: bay; con cá: lội; con trâu, con bò: đi, chạy; con sông: nước chảy…

— CÁI: dùng trong những từ không chuyển động, chuyển động không thấy rõ hoặc phải nhờ tác động bên ngoài. Như cái bàn, cái ghế, cái nhà: đứng yên, không cử động; cái giếng: nước không dịch chuyển…

  1. Liên hệ:

Điều này giải thích:

– Ở bé trai, đàn ông phải dùng chữ CON: Con cu, Con c..

– Ô bé gái, đàn bà phải dùng chữ CÁI: Cái hĩm, Cái l..

Không thể dùng đảo ngược lại được

  1. Sự tuyệt vời của tiếng Việt:

Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ ta có thể dùng đảo ngược để cho thấy sự tuyệt vời của cách dùng tiếng Việt:

Này nhé các ông thần:

Con Bướm: là Bướm chuyển động trong đời thường hoặc trong thi ca: Buớm bay lượn tìm các nụ hoa muôn sắc; hoặc Trang Tử mơ hoá Bướm hay Bướm mơ hoá thành Trang Tử trong văn chương triết lý.

Cái Bướm: Bướm không chuyển động hoặc chuyển động khó thấy (đó tác động bên ngoài). Đây là Bướm mà các ông thần thi sĩ, các bậc văn chương chữ nghĩa bề bề mơ đấy phải không?!

Đó là sự phân biệt giữa CON và CÁI trong tiếng Việt. Tuyệt vời quá phải không các bạn?

BƯỚM / THẦN BÀ

Thơ rằng:

Vợ tôi nửa dại nửa khôn

Có lúc nó bảo dí L.. vào thơ

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ

Có lúc nó bảo dí thơ vào L..

 

Thế là như kẻ mất hồn

Tôi không phân biệt giữa L.. và thơ

Thế là nửa tỉnh nửa mơ

Trông đâu cũng thấy nửa thơ nửa L..

(thơ Nguyễn Bảo Sinh)

Thấy chưa? Hoan hô “Thần bà”!  Hoan hô Bướm!

Và thêm đây Bướm:

Bướm đâu nhỏ nhẻ thấy thương

Trượng phu mát ruột vấn vương sợi tình

Đất trời như thể lặng thinh

Bóng ai phơ phất hương quỳnh đâu đây,

 

Bướm cười, nguýt tận bể dâu

Đất trời quýnh quáng để sầu phôi pha

Để buồn từ dạ tan ra

Để vui nó hót nguyệt hoa rộn ràng.

(thơ Phương Tấn).

TRANG TỬ TÂN THỜI

Trang Tử là một nhà tư tưởng hạng nhất thời Chiến Quốc, tức là nhà trí thức. Điều đó có nghĩa là các nhà trí thức học cao, hiểu rộng bây giờ chính là các “Trang Tử Tân Thời” chứ còn gì nữa! Trang Tử lúc xưa mơ hoá bướm, thì giống vậy, các ông thần trí thức bây giờ cũng mơ hoá Bướm vậy! Do sự tuyệt vời của bướm như thơ trên, các ông thần trí thức mới “mê tơi”. Này nhé:

Văn chương chữ nghĩa bề bề

Thần L..ám ảnh cũng mê mẩn đời!

Và đây, các ông quan (trí thức thi đỗ), và nhất là các ông quan XHCN cỡ “nhòa Bác Ngữ Hạc Bồi Hiền” (PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội), các quan mới (trí thức khỏi cần thi đỗ):

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan cứ … tần mần như ma (2).

Tần mần cái gì hả các bạn?

ƯỚC MƠ LỚN

1.Trí thức mơ hóa Bướm

Tôi xin xía vào, thử “lậm bàn” sự mơ hoá bướm của các ông thần này chơi, xem tại sao các ổng mơ như vậy!

–  Điều đầu tiên rất ư quan trọng là phải mơ hóa thành bướm đẹp! Nếu là bướm xấu thì hóa ra con đuông còn hơn. Bướm xấu thì ai cũng hết hồn bỏ chạy, còn đuông thì có thể “nhậu” phê. Đuông cổ hũ dừa là đặc sản của quê “hóc bà tó” Đại Ngãi/Sóc Trăng tui đó à nhe!

– Nghèo thường mơ được giàu, có nhà to, xe sang trọng… Các ông thần trí thức thường…nghèo! Thấy các Bướm đẹp (hoa hậu chân dài, “hồng nhan bạc triệu”) rủng rỉnh tiền bạc, kẻ đón người đưa, nên các ông thần mới ước mơ được như vậy. Không được đâu các ngài ơi, chuyện đó khó bằng trời! Thôi hãy nghe lời tui, “ngâm kíu” cách trang hoàng và bảo vệ Bướm là chắc ăn hơn! Tại sao? Tui sẽ giải thích sau.

  1. Bướm mơ hoá thành trí thức

Trường hợp mơ ngược lại, bướm mơ hoá thành trí thức?

– Sao lại có chuyện buồn cười như vậy?! Các Bướm đâu có dại mà mơ thành những người “nghèo mạt rệp” như vậy! Nếu có mơ thì cũng mơ thành Bill Gates, Mark Zuckerberg v.v…Thôi đừng nghĩ chuyện tào lao này nữa!

CHUYỆN BẢO VỆ BƯỚM

Về chuyện bảo vệ Bướm, hãy lắng nghe tui thủ thỉ đây!

Chuyện rằng:

Xứ đó, có ông vua sở hữu một nàng ái phi sắc nước hương trời, hoa ghen thua thắm!. Mặt hồng chân dài (hồng diện, trường túc). Vua rất hài lòng và rất yêu quí nàng ái phi! Do đó, vua sợ kẻ nghịch tặc khốn nạn nào đó xâm phạm Tử Cấm Thành (Bướm), khi ngoài biên cương giặc nổi dậy, vua bắt buộc phải thân chinh lâu ngày.

Sau nhiều ngày nặn đầu, bóp trán, vua cho goi lâu la truy tìm mưu sĩ. Vài ngày sau, tiến triều có một cụ râu tóc trắng phau, mặt mày phương phi, được biết dưới danh một nhà thông thái, một nhà “chiến lược và chiến thuật” kì tài, bài binh bố trận đâu thua gì Khổng Minh Gia Cát Lượng! Nhà vua tỏ rõ sự tình và vấn kế.

Nhà “chiến lược” đi đến gần vua thì thầm…thì thầm! Vừa nghe xong, vỗ tay một cái rõ to, vua nắm tay ông gục gặc đầu và nói:

— Hảo a, hảo a! Tuyệt vời! Nhà người đúng là cao nhân! Bây đâu, mau thưởng cho khanh ta trăm lượng vàng ròng! (Với số vàng thưởng đó, đủ cho cụ ta mỹ tửu và ghẹ gộc suốt khoảng đời còn lại!)

Sau đó, theo “ý đồ” này, vua gọi ngay một người thợ rèn tài giỏi làm cho mình một cái khóa, gọi là Khóa Trinh Tiết, rất “ấn tượng”. Khóa làm bằng thép rất mỏng và mềm, gồm hai vòng: một vòng bao quanh ôm lấy hông (có ổ khóa), vòng thứ hai, dính với vòng 1, bao từ trước ra sau. Vòng nầy phía trước có một lỗ, ngay phía sau lỗ, ghép một thiết bị vi tinh xảo. Nó có một lò xo điều khiển một lưỡi dao nhỏ cực bén. Dao này sẽ “phập” xuống khi có giao động mạnh, và tự bật trở lại để chờ lần giao động kế tiếp. Xong rồi, vua ra chỉ dụ (giả), rằng sẽ đi tuần du, thăm hỏi sự tình trong vòng mười ngày.

Sáng hôm sau vua ra đi, rồi lén quay trở lại, đến một chỗ cũng không xa kinh thành, thưởng thức tửu nhạc vui vẻ, nghe ngóng sự tình, chờ đợi mười ngày phục triều.

Ngày thứ mười, vừa trở về triều, vua ngự giá. Ngồi ngửa trên ngai vàng, với nụ cười tủm tỉm trên môi, vua ra lệnh cho gọi các quan từ trẻ cho đến sồn sồn vào bái kiến. Lạ lùng thay, các quan này người nào cũng như người nấy, đi đứng lum khum, hai tay đều bụm phía dưới với vẻ mặt nhăn nhó, đau đớn.Vua cười to khoái trá, khiến đứng qua một bên.

Kế tiếp, vua cho gọi các quan già vào. Các quan này đi đứng bình thường, nhưng chỉ có cái lạ là người nào người nấy cũng lấy bàn tay trái bụm che bàn tay phải. Vua chú ý nhìn thấy các tay này đều mất ngón trỏ và ngón giữa. Vua gục gặt cười.

Lần cuối cùng, chỉ còn lại quan Tể Tướng rất già bước vào. Ngài Tể Tướng đi vào, lưng thẳng bệ vệ, đầu ngẩng cao, dáng điệu nghiêm trang, môi mím lại! Vừa trông thấy, vẻ mặt vua rất hài lòng và reo lên:

— Phải vậy chớ! ta biết khanh là người trung thành, chính trực, không như lũ khốn kia!. Ta rất hài lòng về khanh. Lại đây, lại đây, ta sẽ trọng thưởng cho khanh! Nào, khanh muốn gì nói cho trẫm biết?

— Ớ ớ!

— ???

Than ôi, lưỡi đâu mà “zả nhời”!

Thấy chưa các ông thần, nhà thông thái trên chỉ hiến một kế mọn để bảo vệ Bướm mà được thưởng trăm lượng vàng ròng, đủ sống suốt đời. Thương thay, các nhà trí thức ta chữ nghĩa bề bề, viết ngàn quyển sách, viết vạn bài thơ …..rồi cuối cùng chỉ …nghèo! Có nhiều khi còn bị chưởi “đầu chứa toàn cứt” (Lenin) Chán chưa? (1)

Đó là lý do tại sao tôi khuyên các ngài nên “ngâm kíu” cách trang hoàng và bảo vệ Bướm! Có khi còn kiếm được cả bạc triệu đấy! Không thấy Victoria Secret, Louis Réard và Jacques Heim (Bikini – đồ bơi hai mảnh-1946) thu lời cả tỉ đô và Kotex nữa đó sao?(3)

Thông chưa các ông thần!

Thơ rằng:

Bướm chim là chuyện đời thường

Chim bay bướm lượn…thiên đường là đây!

Trần gian là thiên đường, chứ còn ở đâu nữa! Phải không?

Mơ chi đâu xa!

Nguyên Lạc     

 

Nguồn: Nam Hoa Kinh, Kiệt Tấn, Nguyễn Bảo Sinh,SongThao, Wikimedia, Facebook, .Vuông chiếu Luân Hoán.

(*) Nguyên tác bài thơ ngụ ngôn “Hồ Điệp Mộng” lừng danh của Trang Tử:

Tích giả, Trang Chu mộng vi hồ điệp,/ Hủ hủ nhiên hồ điệp dã./ Tự dụ thích chí dư! Bất tri Chu dã./ Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã./ Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư?/ Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?/ Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ./ Thử chi vị vật hóa. (Trang Tử, Tề Vật Luận)

Trang Chu mộng thấy mình hóa thành bướm, đó là cái may mắn của Trang Chu; bướm nếu mộng thấy mình hóa thành Trang Chu, thì đó là cái bất hạnh của bướm.

Trang Chu mộng vi hồ điệp,/ Trang Chu chi hạnh dã; /hồ điệp mộng vi Trang Chu,/ hồ điệp chi bất hạnh dã.

Ghi chú:

(1) Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.”

Trích từ V.I. Lenin, Thư gửi A.M. Gorky ngày 15/9/1919, Toàn tập, Tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49 (Theo Nguyễn Đình Đăng)

(2) Diễu cợt mấy quan đại thần hay đi đò sông Hương ở Huế:

Những đêm trăng sáng Hương giang,

Có cô gái Huế, có quan đại thần,

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan cứ … tần mần như ma,

Ban ngày quan lớn như cha,

Ban đêm quan lại rầy rà như … con.

(3) Kotex: a brand of feminine hygiene products, was launched in 1920 by Kimberly-Clark, reaching $11 million sales in 1927.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search