T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Cao đàm khoát luận

Boss

Tranh (Thanh Châu)

Của đáng tội, bài viết lúc đầu có tên Lang thang với chữ nghĩa, đang lếch thếch với chữ là nghĩa vớ được mảng chữ trong bài phiếm nhằm lúc “ông” nói chuyện với bạn mà ông gọi là “cao đàm khoát luận”. Rất ngay tình, người viết chả hiểu nghĩa lý gì? Nhưng nghe chữ nghĩa rất hàn nho phong vị phú nên quá đã, bèn tra tự điển mới hay cao đàm khoát luận là bàn luận thanh cao, không câu thúc, hoặc là bàn phiếm, không luận suông.

Thêm trong mảng chữ ấy có chữ “luận”, trộm nghĩ có dây mơ rễ má đến cái quan định luận để sau này người viết mang vào phần…kết luận để tống tiễn “ông”. Với lý do rất củ chuối vì không câu thúc, tức cứ viết lung tung trống kèn nên bài viết tên nôm Lang thang với chữ nghĩa được đổi tên rất ư hàn lâm Cao đàm khoát luận. Bằng vào những lý sự trên, làm như luộc cả con trâu trong nồi nên người viết tự nhận mình là…mụ chữ.

Bạn đọc mặt mày nhăn quéo như táo tàu khô ra ý hỏi “Ông đây là ai?”. Rất thật với bạn đọc, mụ chữ tôi không biết ông là ai? Tên “cúng cơm” là gì?. Mà chỉ hay biết rằng bằng vào một khoảng trống với những trống vắng nào đó, bằng hữu ông ngụp lặn với giấy khô mực cạn miêu tả “ông” như Trần Dần ngồi trong một góc nhà thiếu ánh sáng, chỉ vài mét là đường phố, mà ngỡ như ông đã tạo một thế giới riêng cho ông, thế giới của ông với những hệ lụy…Có lẽ từ dáng ngồi này mà có huyền thoại: Khi “ông” mất đi, trên bức tường góc nhà như vẫn còn bóng ông ngồi đó! Để một nhà thơ có được câu thơ xuất thần: Bao năm tháng thân chìm vào bóng – Thân về trời bóng vẫn ngồi im.

***

Thôi thì cứ để cái bóng ngồi đó, với hàng ngày, hàng năm, qua từng khúc, từng đoạn. Mụ chữ tôi đi tìm “ông” qua hình bóng của những người vừa mới về với đất.

Bạn đọc gật giạ gì mà khó vậy với từng mẩu văn qua năm tháng? Bịa chăng!.

Dạ thưa số là hàng ngày mụ chữ tôi ngồi trước bàn gõ, thỉnh thoảng bỗng dưng bí chữ. Bèn ra vườn ngồi đực ra hít thuốc lá để tìm chữ. Bỗng nó bật ra. Bước vào nhà thì nó biến mất tiêu. Hoá ra đánh rơi chữ trên những bước đi lang thang với chữ nghĩa hồi nào không hay. Khỉ thế đấy! Tiếp đến với từng khúc, từng đoạn trên, ăn dối nói thật mụ chữ tôi năng nhặt chặt bị từng ngày, vì trước đó, mụ chữ tôi không biết gì về “ông”.

Chẳng dấu gì bạn đọc, tất cả chỉ là tình cờ của…8 năm trước. Khi mụ chữ tôi lực đực với mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già qua một bài viết ngắn…

(…) Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi (Hà Sĩ Phu) lại đến thăm nhà thơ Tú Sót, một ông đồ. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu xuân, nhà thơ kể lại cho tôi nghe buổi “hầu chuyện” thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên. Đây cũng là buổi “hầu chuyện” cuối cùng của Tú Sót với tác giả Ông đồ vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng. Một buổi chiều nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Tú Sót đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được “hầu chuyện”.

Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: “Rất ít người biết bài thơ Ông đồ của cụ Vũ Đình Liên nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn mà sau này là vợ. Nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó.

Vì bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Ông đồ nghèo đến nỗi phải ngồi ở vỉa hè để “hàn nho mãi tự”, mà không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: “Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút”, vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết

rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.

Sau này, khi bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học về niềm hoài cổ thì có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông “vua cười”, cười bật máu ra đầu ngòi bút thì nhà thơ Vũ Đình Liên phải là ông “vua khóc”, khóc tuôn ra đầu ngòi bút những dòng nước mắt, tiếng khóc lay động cả những tâm hồn vô cảm nhất. Tâm sự lại điều này với người bạn thơ già Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên mắt ngấn nước: “Nhưng bạn ạ, có lúc tôi cảm giác bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại”… Câu chuyện này được nhà thơ Tú Sót ghi lại vào một chiếc băng cassette cũ kỹ, thi thoảng, nhớ bạn nhớ cảnh, nhớ tình, ông lại mang ra nghe để ngâm ngợi, đủ thấy mối thâm tình của hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu như thế nào. (…)

Đến tao đoan này, bạn đọc lậu bậu cụ “ông” mà mụ chữ tôi đi tìm có gốc gác từ “ông đồ” là… ông đồ Vũ Đình Liên hay ông Tú Sót chứ còn ai nữa. Với ông Tú Sót. ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối khi ấy, mục chữ tôi kỳ óc nghĩ không ông đây là ai. Mụ chữ tôi…mụ chữ “sót” có nghĩa là bị bỏ…sót. Học theo cụ Nguyễn Du thi nhân bất đắc kiến, kiến thi như kiến nhân, tức khách thơ nào thấy được, đọc thơ như thấy người. Bèn đi tìm ông Tú Sót (1) thì…Thì lại gặp cụ Bùi Hiển để thành chuyện.

Chuyện là cụ Bùi Hiển bị Xuân Sách mắng như vặt thịt trong khi Chế Lan Viên với cụ thì kính nhi viễn chi, thảng như: “Với những người hậu sinh như tôi, Khi ông nhâm nhi chút rượu ngon là trò chuyện rất rôm rả, tôi là hàng con cháu mà ông rôm rả vui như bạn bè. Ông rất cởi mở và chân tình”. Bởi không có mây sao có mưa, thế là mụ chữ tôi mò mẫm tìm kiếm xem cụ có “ma chê cưới trách” gì chăng để…hàng con cháu Xuân Sách “mắng chó chửi mèo” như thế. Đủng đoảng thế nào chả biết nữa gặp “ông đồ” tên Phồn bên phố đông người qua. Ông cũng bị Xuân Sách chửi người sống mắng người chết in hịt như cụ Bùi Hiển. Nhưng ấy là chuyên sau, thưa bạn đọc.

Gặp buổi nắng không ưa mưa không chịu, lại tới tuổi tịch dương vô hạn hảo, bỗng dưng mang cái tâm trạng sĩ tử Văn Miếu của một thời văn học. Trong cái tâm thái đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi qua một thời nghiên bút. Hoặc tìm về với nghìn năm gương cũ soi kim cổ, cảnh đấy người đây luống đoạn trường cùng nước còn cau mặt với tang thương…Cùng tang thương ngẫu lục, bến ngộ đâu không thấy chỉ thấy bờ mê bến lú, nên mụ chữ tôi…lú lẫn đi tìm đi tìm khoảnh thời gian đã mất với chi, hồ, gỉa, dã qua những ông đồ sa cơ lỡ vận. Sau đó tìm ra ông Tú Sót. Sau đấy viết thành văn bài có tên khó hiểu một cách vừa phải: Những chiếc thuyền giấy. Trong đó có những người xưa năm cũ như Phạm Thái, Nguyễn Bá Trác….Hoặc giả như những người muôn năm cũ bị lãng quân trong văn học như Chu Thiên, Thiếu Chửu.

Dài dòng thì trong “Những chiếc thuyền giấy”, mụ chữ tôi lại mụ mẫm, lại…”sót” tên “ông đồ” chữ nghĩa như trâu chát với…thơ tục…Như trên vừa vắn hai dài một, cụ Bùi Hiển cùng một lứa bên trời lận đận với “ông đồ” thế nên bèn đi tìm “ông”…Vì vậy mụ chữ tôi mới bụng mang dạ chửa bài tạp bút Cao đàm khoát luận này đây, thưa bạn đọc.

***

Chuyện là đầu năm 2008, với mụ chữ tôi ông chỉ là cái bóng bên đườngThế rồi tuần trước, đang lang thang với chữ nghĩa trên đường cái quan thì nhặt được bài viết chả dây dưa gì đến “ông”. Nhưng lại quanh quéo đến “ông” với chèo cổ. Thêm lấy ngắn nuôi dài từ những người muôn năm cũ bị lãng quên trong văn học thì có người lai mang “Cành đào Nguyễn Huệ” vào văn học sử.

(…) Lòng dặn lòng không gây sự thị phi các loại, nhưng mà cứ ngứa mồm! Số là vào khoảng một tháng trước, Nhà sử học Lê Văn Lan có một bài giới thiệu về chùa Bộc ở Hà Nội. Bài viết này là được chép lại i sì trên trang Wiki. Trước giờ, tôi cứ tưởng Wiki phải tham khảo bài viết của nhà chuyên môn, không dè lại là ngược lại!

Nhưng cái đáng nói là ở đoạn kết bài viết của nhà sử học:

“Cảnh vật chùa làm tôi nhớ đến chuyện tình cảm động của công chúa Thăng Long Lê Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung, sau chiến thắng quân Thanh, nhà vua cho mang cành đào về báo tin thắng trận cho vợ, mang cả mùa xuân Thăng Long về Phú Xuân”.

Đoạn này của nhà sử học cho thấy ông có sự sai lầm không đáng có ở trong Viện sử học. Trong văn học cũng vậy, Chế Lan Viên cũng đã nhầm lẫn nên làm bài thơ…

Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào

Tôi (Trần Nhuận Minh – Nói dối trong sử học) đành phải thưa lại với hai ông nhà thơ, nhà sử học về cành đào này vậy.

Mùng 5 Tết 1789, đại quân Tây Sơn quét sạch Mãn Thanh tiến vào Thăng Long. Chiến thắng này mang lại không ít khoái cảm tự hào dân tộc. Từ đó sinh ra nhiều giai thoại về nhà Tây Sơn, và giai thoại “Cành đào Quang Trung” là lãng mạn nhất trong số đó.

clip_image002

Tranh vẽ phu trạm thời xưa.

Chuyện kể rằng: Hoa đào Thăng Long năm ấy nở rộ, Huệ thấy vậy nên chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai phu trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Dịch trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào, chỉ hai ngày sau, mùng 7 tháng Giêng, là đã đến tay người nhận. (…)

Đến đây mụ chữ muốn khoe chữ với bạn đọc là phu trạm tay cầm đuốc, cưỡi ngựa chạy suốt đêm được gọi là…hoả đầu quân. Vậy mà bạn đọc im như con chim, dòm phu trạm cởi trần, mặc khố nên đành quay quả trở lại với “Cành đào Quang Trung”…

(…) Chi tiết ngon lành cành đào này đắt giá đến nỗi đã được chính thức đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm. Được các văn nghệ sĩ khai thác tối đa sau này, lâu ngày chày tháng, nó được nhìn nhận là sự thật trong tâm tưởng của không ít người dễ tin.

Sách sử trước kia không hề có ghi chép nào về “cành đào Nguyễn Huệ”, vậy chi tiết này từ đâu ra? Thưa rằng, từ trí tưởng tượng bay bổng của một kịch tác gia miền Bắc xã hội chủ nghĩa viết về tuồng chèo. Nghệ thuật tuồng, chèo ở ta gần như mai một, việc tìm kịch bản chèo về “Quang Trung” là vô phương. Tuy nhiên, nhờ chi tiết cành đào Quang Trung tặng vợ quá “đắt”, nên vẫn còn có người ghi nhớ và chứng thực. Nhưng Nguyễn Đình Thi, Văn Chinh, …v…v cho rằng nó do ai đó hư cấu nên.

Giờ ta thử kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Khoảng cách Hà Nội-Huế là 659 km, cho rằng vận tốc ngựa trạm bằng vận tốc trung bình của vận động viên xe đạp là 50 km/giờ. Không kể thời gian đổi người thay ngựa, sớm nhất cũng phải 13 ngày mới đến nơi. Qua mười mấy ngày đó, đào sẽ trụi sạch cả lá, chứ đừng nói đến hoa, dù nụ hay bung.

Vậy mà tất cả những “sử liệu” có nêu cành đào Nguyễn Huệ…tất cả đều được viết từ sau thời điểm vở chèo Quang Trung ra đời năm 1964.

Đồng tình với Nguyễn Đình Thi, Văn Chinh, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:

“Một lần tôi nói chuyện với nhà văn Văn Chinh về cành đào Nguyễn Huệ gửi tặng công chúa Ngọc Hân. Tôi nói đã nghe chính nhà viết chèo, hình như là Việt Dung thì phải, tôi nhớ tên tác giả chưa hẳn đã chính xác, nhưng ý kiến của tác giả thì tôi chắc là mình không nhầm, rằng, chi tiết ấy là do ông (Việt Dung ) bịa ra trong vở chèo chứ không có chuyện đó trong thực tế. Phải ghi nhận sáng tạo rất có ý nghĩa này, nhưng ghép nó vào lịch sử thì tôi e là mình lại nhầm lẫn đấy”.. (…)

Bỗng không bạn đọc mặt mày tắp lự…

clip_image004clip_image006

Phu trạm thời Nguyễn

Mụ chữ tôi nhẩm chừng bạn đọc nom dòm thấy người phu trạm An Nam ngồi trên con ngựa thồ lùn tịt như con la nên chẳng thể phóng ngựa chạy như bay như mấy chàng cao bồi trong “ci-nê-ma” tí nào. Thế là được thể mụ chữ tôi tiêu pha chữ nghĩa chuyện “Cành đào Nguyễn Huệ” nào khác gì chuyện Con đường thiên lý của cụ Nguyễn Hiến Lê kể chuyện một người Việt tên Lê Kim cưỡi ngựa rong ruổi vê miên Viễn Tây tìm vàng và khai phá ra thành phố Cựu Kim Sơn. Cứ theo cụ Nguyễn Hiến Lê, ông Lê Kim đã qua Mỹ trước Bùi Viện 20 năm. Thế nhưng với mụ chữ tôi chuyện “Bùi Viện là người đầu tiên tới Mỹ” là của ai đó dàn dựng nên đấy thôi. Thôi thi tất cả chỉ là nghi vấn trong văn học sử nên chẳng là sử liệu khả tín, thưa bạn đọc.

Trở lại người đọc sử viết sử trên…trên xe đạp là 50 km/giờ (…) 13 ngày mới tới…. Trộm nghĩ người đọc sử viết sử đây dài hơi dầy chữ chỉ làm bạn đọc càng rối trí thêm. Mặc dù mụ chữ tôi văn hoá quá mỏng, nhưng đơn giản như đan rổ thì các cụ ta xưa chả bao giờ có trò tặng hoa hoét gì sất. Nếu có là ở bên Tàu với phong thủy khi xa nhau họ…kiêng đụng chạm đến hoa đào. Bởi thế Thôi Hộ mới có câu…nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cự tiếu đông phong là thế đấy, thưa bạn đọc.

***

Qua nhà thơ Trần Đăng Khoa, mụ chữ tôi lại lếch thếch với chữ nghiã đi tìm nhà viết chèo Việt Dung đã “bịa” ra vở chèo cành đào Nguyễn Huệ. Ý đồ là mai này ngày rộng tháng dài, mụ chữ tôi sẽ viết ngành chèo cổ đang mai một. Thảng như hàng ngày, hàng năm, qua từng khúc, từng đoạn, mụ chữ tôi năng nhặt chặt bị đước thế này đây….

Chèo có lịch sử hình thành từ thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh với Hoa Lư là đất tổ của sân khấu chèo. Đến thế kỷ 14, trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm, sau nhờ bắt được một tù binh Mông Cổ, ông tù binh này đưa “Kinh kịch” vào chèo nên chèo có thêm phần hát. Tới thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông không cho diễn chèo trong cung đình, vì ảnh hưởng đạo Khổng. Chèo trở về với đình làng với Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, v…v….

Chèo sân đình sân khấu chèo chỉ là một chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Vì vậy mới có “chiếo chèo” chỉ gánh hát chèo (hay phường chèo). “Hề chèo” là vai diễn thường có trong các vở diễn chèo. Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân bóng gió xa gần những thói hư tật xấu của vua quan, những nhố nhăng của người có quyền, có của trong làng xã. Từ nhố nhăng, dân gian mới có câu “đồ phường chèo”.

Chèo cụ là đàn nguyệt, đàn nhị và đàn bầu. Ngoài ra, còn thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Vì chưng mới có câu nói “phi trống bất thành chèo” chỉ việc quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo.

Chèo khác tuồng vì tuồng chỉ ca tụng những anh hùng vua quan của triều đình, chèo miêu tả cuộc sống bình dị của dân quê. Các làn điệu chèo chịu những ảnh hưởng từ hát chầu văn, hát xẩm, hát ca trù, hát xoan, hát quan họ. Chèo không cố định năm hồi một kịch như kịch hay tuồng, người diễn chèo được ngẫu hứng bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cá tính của nhân vật. Đặc điểm của chèo là trò nhại từ thế kỷ 10, nhại từ các truyện cổ tích, điển cố, vì dựa trên các trò nhại này nên các vở diễn dài hơn. Đặc điểm nữa của chèo là yếu tố kịch tính với tự sự, vì vậy ngôn ngữ chèo có những đoạn từ câu thơ chữ Hán, ca dao thể lục bát phóng khoáng về câu chữ. Do vậy, chèo kéo dài hay cắt ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng của người trình diễn hay đòi hỏi của khán giả.

Ây vậy mà cả đời mụ chữ tôi chả thấy “chiếu chèo” ở sân đình đâu. Trong tâm thái nhĩ văn mục đồ nôm là tai nghe mắt thấy…lại thấy cụ Nguyễn Đăng Thục viết ở đâu đó: “Những đóng góp của Tào Mạt đã tạo nên một sức sống mới cho nghệ thuật chèo trên cả ba mặt: triết học, nghệ thuật và nhân văn”. Thế là mụ chữ tôi lặn lội tìm kiếm người viết chèo tên Tào Mạt. Đang lò dò như cò ăn đêm thì vớ bẩm được cái thú xem chèo…

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo

(…) Tào Mạt (2), người cùng làng, cùng thời với tôi (Phan Lạc Tiếp), vừa mới lớn đã hăng say theo mặt trận Việt Minh chống Pháp. Nhưng khi mặt trận Việt Minh ra lệnh phá ngôi chùa Vĩnh Phúc của làng theo chủ trương vườn không nhà trống thì cán bộ huyện Tào Mạt ngầm ra tay ngăn cản. Ngôi chùa được giữ nguyên nhưng Tào Mạt bị đi học tập một thời gian dài. Năm 1950, Việt Minh ra mặt tận diệt những ai không phải là người của họ, một đêm bên bờ sông Thao, Tào Mạt nói với anh em tôi: “Các anh đi đi. Đây không phải là đất của các anh đâu. Đi ngay trước khi quá trễ”. Anh em tôi sau đó di cư vào Nam chống lại cộng sản, trong đó có người bạn thân, người ân nghĩa Tào Mạt. (…)

Phải gió phải giăng gì đâu chả biết nữa, bạn đọc gọ gạy rằng ông Tào Mạt này ắt hẳn là…mạt vận nên chả dây mơ rễ má đến cành đào gì sất. Ấy đấy, thưa bạn đọc, chuyện dây cà ra dây muống ở ngay đây, số là mụ chữ tôi đang lang thang với chữ nghĩa thì vớ được câu: “Với Tào Mạt và một vài tác giả hát chèo khác như Đồ Phồn, chèo có thêm mảnh đất vô cùng phong phú lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc…”.

***

Vì chưng là người mẫn cảm với hơi hám nên thấy ai đánh rắm to ở đâu là tìm đến. Mụ chữ tôi tìm đến làng Đình, quê ông đồ, từ câu hát dân gian về làng chèo từ xa xưa…

Bữa ấy mùa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đình đi ngang ngõ

Mẹ bảo thôn Đoàn hát tối nay

Dựa vào câu “Đồ Phồn, chèo có thêm một mảnh đất (…) lịch sử bốn ngàn năm (…). Ở đất địa linh nhân kiệt, lại được người ngự sử văn đàn ở trên cõng thêm câu: “Nghệ thuật tuồng chèo ở ta gần như mai một, việc tìm kịch bản chèo về Quang Trung là vô phương”, vì vậy trộm nghĩ bất thế kỳ nhân phải là ông. Vì vậy mụ chữ tôi…mụ mẫm như đinh đóng cột người viết chèo lịch sử, là người bao năm tháng thân chìm vào bóng, thân về trời bóng vẫn ngồi im. Thêm nữa, ông viết Trần Hưng Đạo diễn ca”, vì vậy còn ai trồng khoai đất này: Ông là người đã viết vở chèo kịch “Cành đào Nguyễn Huệ”.

Sau đấy mụ chữ tôi sắm nắm được ông đồ của làng chèo từ một thời xa xưa:

Ông Đồ Phồn tên thật là Bùi Huy Phồn, sinh ngày 16-12-1911 tại Phố Đầm, tỉnh Bắc Giang. Ông mất ngày 31-10-1990 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi. Cha ông là một nhà nho, chi trưởng họ “Đại Bùi”. Ông thi cử không đỗ, bỏ làng phiêu bạt lên Bắc Giang làm thầy giáo. Ông học chữ Hán hết chương trình tú tài và thông thạo tiếng Pháp. Ông dạy học, viết văn, làm thơ, cộng tác với báo Hà Nội báo, Phong hóa, Tiểu thuyết thứ năm… Để bước được vào làng văn và có được một bề dày văn phẩm, thi phẩm, thì những ngày đầu “chập chững” vào làng văn, ông phải bỏ làng ra đi…

Năm ấy, khi ông mới 15, 16 tuổi, thấy mẹ đi chợ mua giấy hồng điều mang sang nhà cụ đồ Hai trong làng nhờ viết cho dăm câu đối bằng chữ nho mấy ngày Tết. Thấy có giấy hồng điều, ông tự nghĩ ra đôi câu đối dán vào hai cột cổng ngoài nhà thờ họ “Đại Bùi”. Những chức sắc làng không nổi giận sao được khi đọc câu đối ông viết thế này:

Mồng một Tết người đội mũ cánh chuồn khoe mẽ
Ba ngày xuân tớ trùm nơm mẹ đĩ ngâm thơ

Mặc dù chưa có vợ nhưng Bùi Huy Phồn vẫn “mượn tạm” cái nơm mẹ đĩ để đối với mũ cánh chuồn. Thật là hả hê quá, mũ cánh chuồn đối với cái váy đàn bà.

Nhân ngày giỗ tổ họ Bùi.là dịp  để cụ tuần Anh nói với mẹ Phồn: “Phải đưa thằng Phồn ra nhà thờ họ ngay”. Phồn vừa bước đến cửa, cụ tuần Anh quay sang nói với mọi người trong họ: “Mồng một Tết, tôi vận phẩm phục triều đình đi hành ngơi trong thôn, xóm, cho dân làng được ra bái yết lấy may. Thế mà thằng này dám làm câu đối nói láo”.

Phồn lắp bắp định cãi thì cụ tuần Anh đập tay xuống tráp, thét lớn:

– Câm! Tao lại sai nó nọc cổ mày xuống trước từ đường, đánh cho tan xác bây giờ.

Mày muốn làm cộng sản thì mày ra Hà Nội. Thôi cút!

Vẫn cái tật đến chết không chừa là thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào. Mụ chữ tôi đào xới khi ông làm hiệu trưởng đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du. Một lần ông đăng đàn nói chuyện phiếm và ngâm thơ:

Khi vui đọc truyện Đồ Phồn
Khi buồn lại giở (bỏ 2 chữ) ra xem

Mọi người bò lăn ra cười, ngồi ở dưới, Quang Dũng sửa lại là…“lọ cồn” để đưa vào làng văn xóm chữ. Rồi cái vạ văn chương đến với ông từ đây.

clip_image008

Bìa tập “Thơ ngang”, tranh Bùi Xuân Phái

Năm 1961 ông viết tiểu thuyết “Phất” hưởng ứng phong trào cải tạo tư doanh ở Hà Nội. Trong vụ Nhân văn Giai phẩm ông viết bài “đánh” Trương Tửu. Xuân Sách viết chân dung ông gọi trệch “đồ phồn” thành “đồ phấn”, “đồ vôi”:

Phất” rồi ông mới ăn “Khao”
Thơ ngang” chạy dọc bán rao một thời
Ông đồ phấn, ông đồ vôi
Bao giờ xé xác cho tôi ăn mừng

Mụ chữ tôi học theo “cao đàm khoát luận” là viết phiếm không câu thúc, không luận suông, nên cứ lung tung trống kèn với Nguyễn Tuân, Bùi Hiển qua tập thơ Chân Dung nhà văn của Xuân Sách. Nguyễn Tuân trước nổi đình đám với “Vang bóng một thời”, nhưng sau ông tự tước bỏ gai góc, xù xì để trở thành một nhà văn chỉ “ngợi ca chế độ”:

“Vang bóng một thời” đâu dễ quên
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
“Chén rượu” tình rừng cay đắng lắm
“Tờ hoa” lại chút lệ ưu phiền

Người bị Xuân Sách “đánh” ngang ngửa với ông Đồ phồn là nhà văn Bùi Hiển với truyện ngắn Nằm vạ và tập Trong gió cát. Suốt trong nhiều năm, ông công tác trong Hội nhà văn VN nên bị Xuân Sách giễu cợt:

Sinh ra “trong gió cát”
Đất Nghệ An khô cằn
Bao nhiêu năm “nằm vạ”
Trước cửa hội Nhà văn

Ừ thì chuyện đánh đấm của đám sĩ phu Bắc Hà đông như quân Nguyên. Thảng như qua bài viết Nhớ và nghĩ về Vũ Trọng Phụng của ông Đồ Phồn dưới đây:

(…) Tôi hơn Vũ Trọng Phụng một tuổi, nhưng vào làng văn sau anh vài ba năm. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh ở một tiệm thuốc phiện của mụ Đốc Trịnh, sau đền Bà Kiệu, bờ hồ Hoàn Kiếm, do một người bạn giới thiệu: “Vũ Trọng Phụng nó nói tới mày luôn sau khi đọc mấy bài thơ và truyện ngắn của mày. Hôm nào, tao dẫn đến gặp nó”.

Năm 1962, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tổ chức cuộc hội thảo về nhà văn Vũ Trọng Phụng mà về sau này tôi mới biết những cuộc họp này do Hoàng Văn Hoan đứng giật dây bên trong. Có người tâu với Hoàng Văn Hoan rằng Vũ Trọng Phụng viết bài “chửi cộng sản” ở Đông Dương tạp chí . Thật ra, đấy chỉ là một bài báo khen chê lung tung cả đệ tam, đệ tứ. Hoàng Văn Hoan đọc bài báo này, đánh Vũ Trọng Phụng là “văn gian”.

Phe thứ nhất có Tố Hữu, đánh Vũ Trọng Phụng là tay sai đế quốc thực dân, là tờrốtkit. Phe thứ hai chống lại có Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, và tôi…(…)

Trong chốn làng văn ông có những người bạn chữ nghĩa như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng…Đến như Bùi Xuân Phái cũng vẽ tranh bìa thơ cho ông. Theo mụ chữ tôi ông và Bùi Hiển chẳng đến nỗi nào để mang cái vạ văn chương nên mụ chữ tôi búi bấn cho là với định mệnh tại thiên thư. Vì thư kinh có câu tùy ngộ nhi an mà mụ chữ tôi hiểu là tùy hoàn cảnh sống sao cho yên ổn với thời thời thế thế, thế thời phải thế..

Thế nên mụ chữ tôi hặm hụi bắt qua cụ Nguyễn Tuân…

Một ngày, cụ Nguyễn Tuân uống rượu với ông Đồ Phồn và nói: “Ừ thì như bác biết đấy. Chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi. Chẳng sợ rượu vào nói cà khịa, phiền, nên tôi đã nói với bác: “Không phải tôi sợ nói sai mà sợ nói đúng mới gay. Tôi vẫn được tiếng là ngang bướng”.

Lần uống rượu với ông Đồ Phồn ấy, cụ Nguyễn Tuân đã khóc:

– Tôi được như thế này là vì biết sợ.

Vì vậy mới có chuyện thời trước thế đấy, thời nay thế đó với Nguyễn Khải: “Tôi nhát lắm”. Với Tô Hải: “Tôi là thằng hèn”. Thêm nhật ký “Ghi 1954-1960”, cụ Trần Dần thổ lộ những chuyện chẳng đặng đừng của mình (như Tô Hải) thời Nhân văn Giai phẩm.

Sau đó có ai đó đã viết:

Không ai có quyền bắt người khác làm anh hùng…thay mình với cái chết.

Với cái chết, với khôn văn tế dại văn bia thì mụ chữ không phải cứ đội ông Đồ Phồn lên đàu mà vái…vái lấy vái để ví với câu đối về cụ Nguyễn Tuân, hay ông Vũ Trọng Phụng của ông Đồ Phồn có thể chỉ là giai thoại văn học.

Vì cứ theo ông Vũ Trọng Khanh con trai ông Vũ Trọng Phụng kể lại:

(…) Do lao tâm quá sức bố tôi mắc phải chứng lao phổi và lìa đời vào lúc 2 giờ sáng ngày 13-10-1939. Thời bấy giờ ai mắc phải bệnh lao đều bắt buộc phải chôn cất ngay trong ngày. Bởi lẽ đó mà 7 giờ sáng cùng ngày, bà nội và kế mẫu tôi phải đem xác bố tôi đi chôn tại nghĩa trang Quảng Thiện thuộc huyện Ngã Tư Sở tỉnh Hà Đông. (…)

Vẫn chưa hết, theo cụ Nguyễn Tuân thì:

(…) Người bạn tội nghiệp của chúng tôi chết. Ngày hôm sau, đưa đám buổi sớm. Nhận cái tin buồn ấy, chúng tôi đi hút thuốc phiện. Đêm ấy, nhà hát lạnh như nhà mồ…Ngọn đèn dầu lạc giống ngọn đèn thờ. Anh kép hát như nhạc công phường bát âm cho nổi lên một bản nhạc chết khi người ta dâng cơm cúng…Khoảng 5 giờ sáng bọn tôi từ Thượng Cát kéo bộ về Hà Nội. Qua cầu Bồ Đề, tôi nói:

– Đám đi sớm quá nhỉ. 7 giờ đã cất đám rồi. Đi hết cầu, về đến bờ bên kia sông ít ra mất 45 phút. Và từ đấy vào Cầu Mới. Nhanh bước lên! Các anh.

Thế mà cả bọn đến nơi, nhà đám đã khởi hành được mấy phút. (…)

Bởi nhẽ đó theo mụ chữ tôi nghĩ quẩn không có chuyện Vũ Trọng Phụng mất, lúc hạ huyệt, Lưu Trọng Lư thay mặt giới nhà văn, đọc lời ai điếu: “Anh là một nhà văn xứng đáng với sự tôn sùng của tất cả văn hữu. Những người hôm qua đây, còn không ưa anh, còn thù ghét anh, nhưng hôm nay họ cũng phải cúi đầu trước mộ anh” ….

Bài điếu văn chấm dứt, ông Đồ Phồn ứa hai hàng lệ đọc đôi câu đối:

“Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua “Giông tố” tưởng nên “Số đỏ”.

“Số độc đắc” văn chương vừa trúng thế, bỗng “Dứt tình”, “Không một tiếng vang”.

Sau với nhà văn “xê dịch” Nguyễn Tuân, ông cũng có câu đối về cụ Nguyễn:

“Vang bóng một thời” tàn, khéo gợi thêm nao lòng lãng tử.

“Quê hương” đâu hẳn thiếu, mải đi cho trọn kiếp giang hồ.

Theo mụ chữ tôi mọt sách ăn giấy với đưa “tác phẩm” vào câu đối thì trong chốn làng văn chỉ có cụ Vũ Hoàng Chương trong đám tang tiễn biệt nhà văn Nhất Linh:

Người quay tơ, Đôi bạn, Tối tăm, Anh phải sống chứ sao Đoạn tuyệt

Đời mưa gió, Lạnh lùng, Bướm trắng, Buổi chiều vàng đâu nhỉ Nắng thu

Tiếp đến Lưu Trọng Lư cũng bị Xuân Sách đưa vào Chân dung nhà văn, bởi “con nai vàn “ đã thành “vờ ngơ ngác” để leo lên tới chức Vụ trưởng vụ văn nghệ :

Em không nghe mùa thu
Mùa thu chỉ có lá
Em không nghe rừng thu
Rừng mưa to gió cả
Em thích nghe mùa xuân
Con nai vờ ngơ ngác
Nó ca bài cải lương…

Với những chuyện chửi người sống mắng người chết trong làng văn xóm chữ của sĩ phu Bắc Hà ở trên…Thôi thì đành phải nhờ vả sĩ phu Nam Hà là cụ Vũ Hoàng Chương với câu thơ thuộc dạng cái quan định luận…

Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
      Sên bò nát óc máu thầm rơi
      Chiều nay một dấu than buông xuống
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời

***

Mụ chữ tôi kỳ óc nghĩ không ra “Sên bò nát óc…“ là lý sự gì? Hốt nhiên con chuột di động của máy “còm-píu-tơ” đụng vào cái nút nào đó, màn ảnh hiện lên bài viết của một nhà phê bình văn học trong nước chỉ rõ một số điểm chưa hoàn thiện ngay ở kịch bản chèo vốn được coi là tiêu biểu về lịch sử. Đơn cử là: “Có thể lấy chuyện vua Quang Trung đánh tan quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long làm ví dụ”. Và nhận xét:

“Khi viết kịch bản chèo, tác giả Trúc Đường đã hư cấu chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật”.

Vậy là đi tướt, hoá ra chả phải ông Đồ Phồn mà là ông Trúc Đường viết Cành đào Nguyễn Huệ. Thế là mụ chữ tôi lại lếch thếch với chữ nghĩa

Ông Trúc Đường tên thật Nguyễn Mạnh Phác (1911-1983), quê ở Vụ Bản, Nam Định. Mồ côi cha mẹ sớm, nhà nghèo, ông cùng em trai Nguyễn Bính ra Hà Nội mưu sinh. Ông chuyên soạn kịch về đề tài lịch sử. Những vở kịch chèo nổi tiếng là Tấm vóc đại hồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Quang Trung, Hoàng Diệu. Ông mất năm 1983.

Đến trần ai khoai củ này, mụ chữ tôi hết chữ…hát chèo, cũng có thể vì nên đành vay mượn văn chương thiên cổ sự từ một ông “phó giáo sư” Hà Nội khác qua bài viết: “Trúc Đường – Sống với lịch sử ngàn năm của dân tộc”.

(…) Năm 1962, sau thành công vở Quang Trung trên sân khấu kịch chèo hiện thực, Trúc Đường chuyển hẳn sang viết kịch bản về đề tài lịch sử. Trong số những vở về đề tài lịch sử có giá trị của kịch hiện đại, ta thấy hiện diện vở kịch: Quang Trung.

Gương mặt ông với thời Quang Trung… ấn tượng sâu nhất của tôi (Trịnh Thanh Sơn) về Trúc Đường là sự mê say của ông, đúng hơn: đó là sự chìm đắm vào lịch sử. Với Trúc Đường, lịch sử là đời sống. Lần nào gặp tôi, ông cũng say sưa nói về lịch sử, về quá khứ, về những hình bóng xa xưa mà vô cùng gần gũi, thân thuộc với ông.

Những nhà sáng tác về đề tài lịch sử, dường như họ hơn hẳn chúng ta về cuộc sống. Họ vừa sống cuộc sống hiện thời hôm nay, vừa sống cuộc sống quá khứ hôm qua. Họ có thể không “thuộc” sử, không “sành” sử bằng các nhà sử học, nhưng, dường như, họ hơn hẳn các sử gia mọt sách ở sự sống, cuộc sống lịc sử. Và chính từ sự sống đó, ở họ đã nảy sinh nguồn cảm hứng sáng tạo, từ lịch sử. Từ hôm nay mà suy nghĩ về hôm qua để phát hiện những mới mẻ cần thiết cho hôm nay. Có lẽ trong Trúc Đường, từ chỗ giao thoa của hai luồng suy nghĩ về lịch sử và về hiện thời ấy đã bật lên, loé lên những sáng tác, cái mà Pau-tốp-ski gọi là những “tia chớp”, nó soi rọi cho ông. Trúc Đường không tái hiện lịch sử một cách đơn thuần. Ông tái hiện nó trong hơi thở của thời đại hôm nay.

Trong kịch của Trúc Đường, nhiều tình tiết, nhiều chi tiết, được tác giả hư cấu theo tinh thần đó. Một chi tiết mà sinh thời Trúc Đường rất tâm đắc: Cành đào tết trong vở Quang Trung. Giữa ngày xuân đại thắng, từ Hà thành, Nguyễn Huệ đã gửi một cành đào tết làm quà chúc tết Ngọc Hân lúc đó còn đang ở Phú Xuân. Người anh hùng áo vải thét ra lửa ấy gửi cho cô gái Hà thành một món quà tết, rất tết, rất Hà thành.

Tôi nhớ, Trúc Đường vốn là người khiêm nhường, giản dị, nói ít, nghĩ nhiều, và kín đáo, tế nhị. Phải chăng, những đức tính đó là nguyên nhân sâu xa khiến cho cảnh vật và con

người ông hư cấu, tái tạo,…từ lịch sử trở nên “ngọt” và êm, không “chối”.
Trúc Đường đã có đóng góp vào sự phát triển của kịch hiện đại, nhất là đóng góp về phương diện đề tài lịch sử. Điều đó đã rõ. Song, riêng với kịch hát dân tộc, với sân khấu chèo, thì đóng góp ấy lại càng đáng kể hơn. Với Trúc Đường và Tào Mạt, chèo lại có thêm một mảnh đất đưa chèo đến một bến bờ mới ở thời đại chúng ta. (…)

Tiếp theo,…theo như nhà văn “O chuột” Tô Hoài thì:

(…) Ngày ấy, kịch chỉ là một nghề chơi, chỉ Hà Nội là chính, người ta chơi kịch chứ làm gì có nghề kịch. Mà nghề chơi thì đến tay chơi lọc lõi như Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ còn chật vật, huống chi chân chỉ hạt bột như Trúc Đường, mọc mũi sủi tăm làm sao được.

Ngày xưa mỗi năm, những đêm mở đầu mùa kịch, (như mùa thu bên Tây) các tác giả kịch mời bè bạn đi xem diễn tập, không phấn khởi sao được! Tôi cũng là bè bạn một vài tác giả như Vũ Hoàng Chương, Vũ Trọng Can, có được hưởng ít nhiều cái “hân hoan” ấy trong đêm mở đầu mùa kịch. Nhưng tôi cũng phải kể thêm là không phải “ngày xưa” mở màn mùa kịch chỉ có náo nức, rồi rủ nhau “xuống xóm”. Mà còn phải kể đến một việc tày đình phải lo, đấy là Tây có nhòm ngó tới và có cho qua hay không.

Năm ấy, ở sân đình diễn vở “Không một tiếng vang” của Vũ Trọng Phụng. Đêm ấy mà không buông phông sớm rồi chuồn đi, nếu nhân vật lão già loà mắt lại ốm nặng của Vũ Trọng Phụng cứ nằm còng queo giữa sân khấu mà chửi rủa Tây thêm lúc nữa, thì chắc bọn chúng tôi cũng phải vào đồn đêm ấy. Chỉ là lão giám binh đồn khố xanh có thể tóm

cổ mình được. Ấy, mặt nọ còn có mặt kia là thế đấy. (…)

***

Rất ngay tình với bạn đọc, phần kết của bài viết, học lóm từ Đường luật, đường mòn có “mở, thực, luận, kết”. Song “kết” mà chỉ đơn giản là kết thúc thì…khó hiểu quá. Kết làm sao như “luận” để bạn đọc dễ hiểu hơn, như luận lý học với mở ra là…đóng lại.

Đóng lại như sĩ phu Nam Hà Vũ Hoàng Chương với đinh đóng vào săng tiếng trả lời để cái quan định luận về ông Đồ Phồn và chèo cổ. Qua chuyện phiếm của ông Đồ Phồn có câu cao đàm khoát luận, với luận chả phải…luận lý học. Mà là không câu thúc nên lung tung trống kèn, sống dầu đèn chết kèn trống với ông Tú Sót, ông đồ Vũ Đình Liên. Thêm viết phiếm là không luận suông, nên với tang thương ngẫu lục bắt qua sĩ phu Bắc Hà như Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Thế Lữ.

Bạn đọc mặt mày nhăn quéo lại…Ừ thì chuyện đâu vẫn còn đó vì chưng lễnh đễnh thế nào chả biết nữa lại dàng dênh đến kịch chèo Cành đào Nguyễn Huệ với Trúc Đường, Tào Mạt để bạn đọc…đa thư loạn mục, nôm là đọc nhiều quá đâm…rối mắt. Nào mụ chữ tôi đâu có hơn gì bạn đọc, bởi chưng bòn gio đãi sạn với chữ là nghĩa nên mụ chữ tôi cũng rối chữ, để rối rắm chả biết đặt tên tựa đề bài phiếm văn này là…là “Cao đàm khoát luận” hay…hay là “Lang thang với chữ nghĩa” đây?

Bạn đọc mặt mày nhăn quéo như táo tàu khô, dường như ai đó thở ra thao thiết.

Ừ thì như đã bảo mụ chữ tôi…mụ chữ mà. Thưa bạn đọc.

Thạch trúc gia trang

clip_image010

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Vân Long, Tất Thắng, Lê Vĩnh Thụy, Ngô Thảo

Nguyễn Duy Chính, Lê Hồng Bảo Uyên, Nguyễn Chí Thiện.

(1) Nhà thơ Tú Sót tức Chu Thành, hay Chu Thành Thi vừa tạ thế ngày 27-3-2006, thọ 77 tuổi. Không thể kịp ra Hà Nội tiễn đưa người bạn quý, tôi (Hà Sĩ Phu) ngồi ở Đà Lạt, bùi ngùi tiếc thương. Thơ ông ngay cả khi châm biếm sâu cay vẫn cứ nhân ái. Trong những lúc trà dư tửu hậu, Tú Sót thường đọc “tếu”, hóm hỉnh, Tú Sót đấy. Tú Sót không tô vẽ, đẽo gọt cùng thời thế với với thế thái nhân tình…

Cổ eo, thân rỗng, mồm loe
Nhớp nhơ cái bụng, lại khoe cái mồm
Bị người phỉ nhổ luôn luôn
Thế mà vẫn cứ giơ mồm ra khoe!

Tú Sót Chu Thành đồng thanh tương khí với ông Tú Sơn Phan Khôi qua Ông bình vôi. Bài này Phan Khôi đồng khí tương cầu với bài thơ Cái bình vôi của Lê Đạt…Cũng như ông Tú Sơn Phan Khôi có bài Cái loa, thì ông Tú Sót Chu Thành có bài Cục tẩy

Càng ăn lắm, càng bé đi
Mềm như cái lưỡi chuyên nghề sửa sai
Người sai mình cọ mình mài
Khi mình khuyết phạm đố ai sửa mình?

Năm 1988, lúc ấy những người có chút lòng ưu thời mẫn thế tự nhiên cứ tìm đến nhau, rất hồn nhiên và vì trong nhóm chưa ai bị gây khó khăn. Tú Sót đến tôi (Hà Sĩ Phu) chơi. Ông thử tôi bằng một vế đối: Bác bôi tôi, không bằng tôi bôi bác.

Ông chơi chữ thật hóm ở hai chữ cuối: bôi bác. Bôi bác là hai chữ rời thì nghĩa khác, là một từ kép thì lại nghĩa khác, bácbác nọ lại là bác kia. Tôi hỏi đã ai đối chưa. Tú Sót bảo Hữu Loan đối rồi, và đọc: Mày ăn dân hết nước, dân ăn mày.

Thú thật nghe xong tôi khoái trá lạ lùng. Quan hệ bác với tôi đã được Hữu Loan chuyển thành mày với dân. Đem chữ mày (ông Hồ) đối lại với chữ bác (ông Hồ). Chữ hết nước đã tài, nhưng “mày ăn dân, dân ăn mày” khiếp quá. Chữ ăn mày là thần bút, ăn mày là một từ kép thì nghĩa đã hay, nhưng là hai chữ rời thì quá tuyệt. Quan hệ ăn thịt nhau (Œil pour œil, dent pour dent mà!) thì chính là quan hệ kẻ thù. Tôi giữ mãi hình ảnh cuối cùng của ông trong lần tôi đến bệnh viện Hữu nghị thăm ông trước ngày ông mất ba tuần. Được tin ông mất tôi buồn, vừa buồn, vừa nhớ, vừa tiếc. Thi hài ông được hoả táng theo đúng nguyện vọng của ông: “Thác làm than củi cho đời ấm thêm!”. Ông thành than củi cho đời ấm thêm. Vĩnh biệt Tú Sót, hằng mong non sông mình còn để “sót” lại những ông “tú” như thế, những cậu tú, cô tú trên khắp non sông cẩm tú này.

(2) Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục, sinh ngày 23-11-1930, tại huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Ông đặc biệt yêu thích văn học Hán-Nôm và tự học để nghiên cứu. Cuộc đời của ông đã gắn bó với nghệ thuật chèo. Ông tâm huyết với nền nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc và thổi hồn thời đại vào trong từng vở diễn. Các tác phẩm của ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực với dân gian. Với chèo truyền thống, ông sáng tạo ra những làn điệu mới để chuyển tải một cách hiện đại hơn nội dung tư tưởng…tạo cho tác phẩm những giá trị trên cả ba mặt: triết học, nghệ thuật và nhân văn.
Những đóng góp của Tào Mạt đã tạo nên một sức sống mới cho nghệ thuật chèo. Ông để lại khoảng 20 kịch bản, chính là chèo. Các tác phẩm chính: “Cái ba lô” (kịch, 1958); “Chị Tâm bến Cốc” (chèo, 1960); Bộ chèo “Bài ca giữ nước” (1979-1985); “Những lời tâm huyết” (tiểu luận, 1993); “Thơ chữ Hán Tào Mạt” (1994).

Ông mất ngày 13-4-1993, tại Hà Nội.

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search