T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Thứ nhất đi sứ, thứ nhì di quan

Chon Dung

Chôn Đứng – Tranh: Thanh Châu

       Nhớ hoa vàng mấy độ, những đường cỏ lá năm nào lại hoài cố nhân đến cụ Nguyễn…

Chả là khươm mươi niên trước, qua cỏ hoa lạc lối trong văn sử đầy cỏ dại, một tôi mụ mẫm đi tìm…ải Nam Quan. Vì như sử gia nhà Nguyễn đã ghi chép: “Ải quan được tiền nhân dựng lên từ bao giờ, không tìm thấy trong sử sách, trong truyền thuyết dân gian”.

Vì chưng phải tới tận nơi thực mục sở thị nên một tôi hồi cố quận để tìm…cụ.

Dưới gốc cây đa ngay cạnh có cái chiếu. Bấu vào mặt một tôi là một cụ để móng tay dài, tóc búi tó, áo lương khăn lượt, đang đọc cổ thư. Nghe một tôi muốn làm…biên tu, là chức hàm trong hàn lâm viện, giữ việc soạn sử với hàm chánh thất phẩm. Là muốn…làm văn sử. Cụ hỏi bút danh viết chữ của một tôi? Đang cơn cuồng hứng, một tôi tầm chương trích cú: Trong Hải mạn du ký của cụ Tiêu đẩu Nguyễn Bá Trác, cụ kể khi lưu lạc ở bên Tàu…

(…) Một hôm trời đã chiều hôm, hiu hiu gió bể, chúng tôi (tác giả và người bạn là Nguyên quân) cao hứng muốn vào tửu lâu, tôi cũng hợp ý; bèn thuê xe đến ngay Đào Đào quán ở trong tô giới Thượng Hải. Nguyên quân đã uống say thì hay hát nghêu ngao mấy câu cổ phong. Tôi hỏi ấy là điệu gì vì nghe tiếng bi mà tráng, khảng khái, phương Nam có điệu hát đến như thế ru. Hỏi rồi, liền gọi thằng hầu lấy bút giấy, xin Nguyên quân viết bài hát.

Nguyên quân cầm bút viết ngay:Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu…(…).

        Kể có đầu có đũa rồi, một tôi dây cà ra dây muống Nguyên quân và cụ Nguyễn Bá Trác viết cho báo Nam Phong của Phạm Quỳnh. Và Nguyên quân lấy bút hiệu là “Sở Cuồng”.

Nghe thủng rồi, cụ cười dín vì ai biết quan đái mà hạ võng, vì một tôi chưa đọc Bắc sứ thông lục của cụ Tổng tài quốc sử quán Lê Quý Đôn, làm sao viết văn sử cho ra hồn ra cốt:

(…) Sáng hôm sau, tôi lên núi Liên Hoa, lớp lớp trùng điệp, cây cối âm u, như lạc vào đường mê. Tôi ngồi nghỉ ở chỗ bậc đá, không thấy ánh sáng mặt trời, ngoảnh lại trông, các ngọn núi đều ở trong mây. Người đi khi lên khi xuống, khoảng 30 dặm mới đến đồng bằng. Thế đất bằng phẳng, không núi cao, rừng sâu hiểm trở, chỉ trông cậy vào cửa quan này thôi.

Ngày mồng một tháng ba, đi từ phủ Đồng Đăng, đến mồng 5 đến Trấn Nam Quan ở Bẳng Tường. Xét ra Trấn Nam Quan cách phủ trị Đồng Đăng 4 ngày đường. (…)

Ngày ấy “sở cuồng tôi” mới cuống cuồng ra ải Nam Quan nằm trên đất Tàu.

***

Ngày tháng đắp đổi, khươm mươi niên sau, cuồng chữ tôi lại chấp mê bất ngộ với chuyện các ông cống, ông nghè đi sứ qua những giai thoại…cứ như thật. Lang thang như thành hoàng làng khó cũng trở về Thăng Long ngàn năm văn vật có cây đa với cái chiếu.

Thấy sở cuồng tôi, cụ mắt như mắt thầy bói, cụ sờ mu rùa dậy cuồng chữ tôi đang ở cái dạng lập thân tối…”dạ” thị văn chương. Lại đang ở cái tâm thái “đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ”, tạm hiểu Nôm là nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ. Cụ đong đẩy cuồng chữ bộ đong chữ như đong thóc gì nữa đây?

Đang trong tâm trạng của một kẻ táo bón kinh niên với chữ nghĩa, sở cuồng tôi thưa với cụ muốn có một thiên bút ký cho mai hậu. Ý đồ cuồng mộng tôi muốn theo bước chân phù lãng nhân trong cõi ngu lạc trường, là đi theo những bước chân đi sứ của các ông cống, ông nghè cả trăm năm trước với nghìn năm mây bay. Nhưng bụng dạ cứ óc bóc, vì kiếm cụ ở Thăng Long ngàn năm văn vật này đây không có người dẫn đường nên lạc túi bụi. Nào khác gì người Việt Thường mang chim trĩ đi cống sứ, ăn nói ngô nghê, khi về vua Tàu phải cho xe chỉ nam đưa về. Vừa nghe nói đến xe pháo, cụ móc cái điện thoại “Galaxy S6 Edge” ới cái xe con để làm một chuyến sang Tàu trong một ngày không có nắng sao có mưa.

Khi không cụ bàu bạu tối như hũ nút: “Thứ nhất đi sứ, thứ nhì di quan”.

Tiếp, cụ lấy bút giấy ra ghi chép…Dòm thấy cụ đang thu vén hành trang của sứ bộ nào là con voi, cái võng đến chánh sứ, phó sứ, thông sự, y viên, v…v… Bèn hỏi sao có võng với voi. Cụ càm ràm là không hỏi thông sự, y viên lại hỏi con voi, cái võng. Rồi cụ vắn vỏi:

(…) Xưa thật là xưa, có một sứ thần ta đem cống vật sang triều cống theo lệ hằng năm. Đến Yên Kinh bị giữ lại tới 18 năm vì bút đàm hay ăn nói sao đấy. Thường các sứ thần ta, tuy tiếng Hán thông thiên địa nhân viết nho nhưng lại ít giao tiếp. Vì thế, thông thường khi đàm đạo phải bút đàm, nếu không có người phiên dịch tức thông sự. Người Minh ví sứ thần ta với Tô Vũ thời nhà Hán, đi sứ Hung Nô pha/i đi chăn dê 19 năm sau mới được về.

Ông sứ thần trên, lúc đi vào đời vua Mạc Phúc Nguyên, lúc về đã sang đời vua Mạc Mậu Hợp. Cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn sau có viết lời cảm khái về ông: “Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ phơ!”. Ông được vua Mạc Mậu Hợp phong tước Tô quận công, do chuyện đi sứ của ông chẳng khác gì chuyện Tô Vũ mục dương nước Tàu khi xưa…

       Đến Lạng Sơn, chả lẽ ngồi đồng hoá Bụt, cuồng chữ tôi tiêu pha chữ nghĩa khi xưa các cụ ta đi sứ ghé biện sự sứ tại đây để nghỉ ngơi, xem xét hành trang trước khi sang Tàu. Biện sự sứ cũng là nơi các sứ thần phương Bắc dừng ở nơi này chờ người của ta đưa đường. Chỉ con sông Kỳ Cùng, cuồng chữ tôi tuồm luôm rằng sông Kỳ Cùng khi chảy trong địa phận nước ta có nhiều ghềnh thác, chỉ có thể đi lại bằng thuyền độc mộc hay bè bằng tre thôi.

Thế là cụ mắng cuồng chữ tôi như vặt thịt là nhĩ văn mục đồ, là tai nghe mắt thấy nhưng chả thấy khỉ gì sất… Cụ lực đực rằng sau khi dời kinh đô vào Phú Xuân, sứ bộ nước ta đi đường thủy đến Quảng Ðông nên không qua Nam Quan nữa. Lạng Sơn trước đây chỉ là một thị trấn hẻo lánh đến nay biến thành dịch trạm giữa hai nước. Sứ bộ ta trao đổi văn thư với quan lại nhà Thanh ở Quảng Tây gọi là hầu mệnh nghĩa là đợi lệnh. Sứ bộ ta phải qua trung gian tuần phủ Quảng Tây (là nơi có cửa Nam Quan qua lại của sứ thần) hay tổng đốc Lưỡng Quảng (là phong cương đại thần ở biên giới). Chánh sứ nước ta đưa ra phó bản của biểu văn cầu phong (nếu đi cầu phong), kèm theo lễ vật, thổ sản gửi cho vua Thanh cũng như các quan lại làm quà ra mắt. Nếu được họ đồng ý mới tâu trình về kinh đô. Khi chấp thuận thỉnh cầu rồi, vua Thanh sẽ hạ chỉ cho các quan lại địa phương sắp xếp ngày giờ, lo liệu tiếp đãi, đưa đón theo một lộ trình nhất định, và một thời biểu rõ rệt.

Nhằm vào một ngày nắng ong ong, mây đơ đơ…Cụ và sở cuồng tôi người hãy nhớ mang theo hành trang, lang thang như mây trời…ngược lên phương Bắc.

Trên xe, cụ cười hụt mà rằng các quan ta sợ “thứ nhất đi sứ, thứ nhì di quan”, vì đi sứ lỡ mất ở bên ấy thì sao. Như thời Lê-Mạc, Trạng nguyên Ðỗ Lý Khiêm làm chánh sứ, mới tới Bằng Tường đã mất tại đây. Hay thời Lê-Trịnh, sứ thần Thám hoa Giang Văn Minh bị vua Minh hành hình, mổ bụng nhét thủy ngân vào để hành nhân ta “di quan” về Lạng Sơn. Từ đây khiêng quan tài xuống thuyền, lên thác xuống ghềnh theo sông Thương về Thăng Long nên hành nhân ta vất vả không phải là ít. Nhưng cũng có ngoai lệ, thảng như Đốc đồng trấn Tuyên Quang Nguyễn Kiều đi sứ 3 năm may mà không nằm lại ở xứ người, nên ở nhà bà Đoàn Thị Điểm…nằm không dịch được Chinh Phụ ngâm khúc để lưu danh thiên cổ.

Hơ! Đến tao đoạn này, bất nghi bất ngộ tôi lụi đụi tới Phan Huy Ích dịch giả Chinh Phụ Ngâm. Bởi bất nghi bất ngộ tôi phiêu lãng quên mình lãng du tới chuyện con Phan Huy Ích là Phan Huy Chú sang Cao Ly lấy vợ. Chuyện trưa ngả sang chiều này sở cuồng tôi sẽ hặm hụi với cụ Nguyễn sau…Nom dòm sở cuồng tôi người ngợm cứng như bùi giời vì “di quan”, cụ cười khụng khiệng thế nào cũng có “bồi tiếp”, hiểu là “đánh chén” cho đã điếu…

(…) Thời đó việc giao dịch giữa Bắc Kinh và Quảng Tây xa diệu vợi, gian nan trong 2 tháng nhà Thanh mới chấp thuận phong vương cho Nguyễn Huệ. Ngày 16 tháng 3, Tổng

đốc Phúc Khang An đem quan binh bản bộ đến đóng ở cửa Nam Quan.
(…) Ngày 19 tháng 3, lúc giờ dần, Tổng đốc Phúc Khang An ra lệnh dựng cờ quạt rồi bày hương án ở Chiêu Đức Đài để làm lễ tiếp nhận biểu văn của nước ta. Phúc Khang An sai Thang Hùng Nghiệp mời Nguyễn Quang Hiển cùng 6 viên chức của sứ bộ nước Nam, thêm một thông ngôn và 60 tùy tòng, tổng cộng 68 người tiến qua Trấn Nam Quan. Đến giờ thìn, Thang Hùng Nghiệp dẫn phái đoàn tới, mời vào Chiêu Đức Đài. Phúc Khang An bước ra nghênh tiếp, sau nghi lễ tương kiến, phái đoàn nước ta do chánh sứ Nguyễn Hữu Chu đứng ra trao biểu văn, tổng đốc Lưỡng Quảng thay mặt Thanh đình tiếp nhận. Sau đó nhà Thanh mở đại tiệc khoản đãi sứ bộ nước ta, đích thân Phúc Khang An bồi tiếp. (…)

Cụ và sở cuồng tôi đi Bằng Tường trong tâm thái mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ…Dấu tích cổ kính ải Nam Quan như nằm ở đâu đây trên đất Tàu mà cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã ghi ấn tích trong “Bắc hành thông lục”: Đi từ phủ Đồng Đăng đến Trấn Nam Qua là 4 ngày đường…Trong cái tâm trạng đì tìm ải Nam Quan cổ kính rêu phong cả mấy trăm năm trầm tích như đi vào đất Thục. Cụ giục giặc nào có khác chuyện Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ, vì mưa gió sứ bộ đến cửa Nam Quan chậm một ngày. Quan ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Cụ trạng Mạc nói mãi chúng cũng không chịu. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế đối, bảo đối được sẽ mở cửa cho qua, nếu chưa đối được hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau. Vế ra đối viết:

– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
(tới cửa ải chậm trễ, cửa ải đóng, người coi ải đóng cửa không cho khách qua)

Cái khó nó bó cái khôn ở chỗ trong 11 chữ của vế đối mà có tới 4 lần nhắc lại chữ “quan”. Vế đối hóc búa ở chỗ có các điệp từ “quan” và “quá” ngoắt nghoéo nhau.

Cụ trạng Mạc thấy khó mà đối lại, nhưng cụ nhanh trí để đối mẹo như sau:

– Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
(ra vế đối trước thì dễ, đối lại mới khó, xin mời ngài đối trước).

Vế đối của cụ có 4 chữ “đối” và 3 chữ “tiên” quả là hay, nên viên quan coi ải mở cửa ải để sứ bộ của cụ trạng Mạc đi qua vào giữa đêm.

Kể xong, cụ om thòm trời đất um thủm, không có đèn đóm nên cụ trạng Mạc cứ toét mắt ra mà đọc. Quan ải lại là người bất chấp quân lệnh, chỉ vì một vế đối mà dám mở cửa ải cho sứ bộ qua lúc nửa đêm! Vì ải quan chỉ mở đón sứ thần khi có lệnh từ kinh đô với lễ nhạc chào đón. Ha! Trong tàng kinh các của sở cuồng tôi có tẩm ảnh ải Nam Quan xưa cũ. Bất nghi bất ngộ tôi đổ đom đóm mắt chỉ thấy hai cái cửa tò vò tròn như con quay to bằng cái giạng đái, chả lẽ để ải quan nhòm ra đối đáp với thả câu đối? Nên cuồng chữ tôi…cuồng ngôn với cụ giai thoại chỉ là “hiện thực giả, hư cấu thật” thôi. Thưa ban đọc.

1 – Theo “Ðại Nam nhất thống chí”, ải là cổng gỗ 2 cánh có từ thời nhà Tống, nằm giữa bức tường gạch và đá nối liền hai ngọn núi. (phía đông là dải núi đất, phía tây là dải núi đá Kim Kê)

2 – Ảnh chụp là ải được dựng lại vẫn ở chỗ cũ thời Gia Tĩnh nhà Minh 1522-1566.có tên Trấn Nam Quan.

3 – Pháp gọi là “Cổng Tàu”, ta gọi là Ải Nam Quan bị tướng Francois Oscar De Négrier trong ủy ban phân định biên giới Pháp-Thanh, giật sập năm 1885.

Nghe như đấm vào tai với chữ nghĩa tân hình thức, hậu hiện đại hiện thực giả, hư cấu thật xong…Nhưng cụ cũng tâm đắc với xưa các cụ nhà Nho ta học chữ Tàu và đọc theo âm Hán Việt nên phải phải bút đàm. Việc đối đáp giữa sứ thần hai nước mang tính chất văn chương chỉ nên xem là giai thoại vì phần nhiều được thêm thắt theo truyền khẩu trong dân gian. Vì các sứ thần không thể đối đáp bằng “tiếng Hán âm Việt” nên “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của triều Nguyễn chép rõ những quy định bang giao và quy định rõ phải có một “thông ngôn sứ”, đảm trách việc phiên dịch giữa sứ thần và triều đình nhà Thanh.

Xe con vẫn bon trên đường ngược lên hướng Băc, từ Lạng Sơn đến biên giới con đường chỉ còn là một con đường mòn nhỏ, đá lởm chởm, chạy quanh những ngọn đồi trọc không có người ở. Bất nghi bất ngộ tôi hỏi cụ đường đi nước bước tới Bắc Kinh qua những địa danh nào. Cụ cho hay lại theo “Khâm Ðịnh Ðại Nam hội điển sự lệ” khi kinh đô còn là Thăng Long, đường bộ bao giờ cũng qua Trấn Nam Quan sang Quảng Tây theo đường Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Giang Nam, Sơn Ðông, và Trực Lệ. Với đường mưa ướt đất, sở cuồng tôi hỏi đường đi từ Thăng Long tới Bắc Kinh ra sao? Cụ lòi tói ra cái “bánh mì tay cầm-thông minh” bấm bấm ra con số: 2.325 cây số…đường chim bay. Bèn thưa với cụ ý đồ muốn hỏi là sứ bộ các cụ ta xưa đi mất những…mấy ngày?

Cụ nhìn sở cuồng tôi bằng nửa con mắt rùa và im như thóc ngâm. Úi chà gay đây!

Sở cuồng tôi không biết làm gì là làm thinh, nhìn ra ngoài xa xa, sở cuồng tôi như hòa nhập vào một mảng váng chiều ướt đẫm. Cụ cũng đang thẫn thờ hong hanh mắt về đám cỏ trứng ếch hoa đỏ liu riu chạy từng gợn, từng gợn đuổi bắt nhau. Nhìn về bến đò, có thể cụ đang hoài đồng vọng đến con sông ngày nào khi cụ đi sứ qua đây. Trong cơn đồng thiếp với chữ nghĩa để bèn cảo mực đề văn, sở cuồng tôi hỏi chuyến đi sứ của cu…

Cụ gật gịa âm ử nho táo thẩn thơ: Vạn lý đan xa độ Hán quan – Nhất lộ giai lai duy bạch phát – Nhị tuần sở kiến đãn thanh san. Cụ tha ma mộ địa là sứ bộ vượt cửa ải nhà Hán, trên con đường muôn dậm, suốt dọc đường cùng với ta chỉ có mái tóc bạc. Cả hai tuần chỉ thấy một màu núi xanh. Sở cuồng tôi buồn môi ngứa mép về ải Nam Quan, cụ gật đầu tắp lự: Cửa ải ở địa giới tỉnh Quảng Tây. Cửa một tầng xây bằng những phiến đá. Hai bên tả hữu có hai ngọn núi đối nhau. Ở trên mỗi ngọn núi đều có cắm một lá cờ trắng đề bốn chữ ‘”Trấn Nam Đại Quan”. Đằng trước cửa có đài Ngưỡng Đức của ta để sửa soạn đồ cống sứ, đằng sau cửa có đài Chiêu Đức của Tàu, nơi sứ thần ta đốt hương bày đồ cống cúng tế. (theo Ngô Thời Vị trong dẫn nhập bài thơ tả cảnh Trấn Nam Quan khi đi sứ năm 1807)

Đang giang giang chuyện, cụ lại nho nhe thơ thẩn: Vương đạo đãng bình hưu vấn tấn – Minh Giang bắc thướng thị Trường An…Số là khi vừa mới qua trấn Nam Quan, cụ nghĩ chuyện đi Bắc Kinh đơn giản như đan rổ vì ngỡ đường sá bằng phẳng, không phải hỏi thăm ai, qua sông Minh Giang, đi thẳng lên phía bắc là tới Trường An. Nhưng chả phải vậy, vì chưng phương tiện đi sứ của sứ bộ là…đi bộ và thuyền. Đường bộ thì ở chân núi, bùn đọng ngập bụng ngựa, quái vật nấp hai bên bờ suối lâu ngày thành tinh (Sơn lộc tích nê thâm một mã – Khê tuyền phục quái lão thành tinh) nên cụ quắn quả là vậy. Còn đi thuyền thì sao? Suốt ba ngày đêm đi thuyền lòng cứ thấp thỏm, lo sợ nhiều bề. Đó chỉ mới một sông Ninh Minh thôi, sứ bộ còn phải qua bao nhiêu con sông khác nữa, khi ngồi trong thuyền nỗi lo sông nước bạc đầu thiếu niên (Chu trung niên thiếu giai bạch đầu). Vì mỗi lần qua sông phải chuyển đồ cống phẩm hành lý xuống thuyền, tới bờ lại chuyển đồ lên để gồng gánh, do đó mỗi lần qua sông là mất nguyên ngày. Ấy là cư tính cống phẩm có nguyên cả…con voi nữa.

Vơi bến thuyền cùng nỗi lo sông nước đến bạc đầu. Nay ở nơi chốn này có chiếc thuyền chơ vơ đang…chòng chành trên sóng nước như đưa cụ về một bến nước. Theo sóng nước, cụ râm rả từ Thăng Long lên Bắc Kinh không thôi khoảng…ba, bốn tháng!

(…) Trung tuần tháng 5, Nguyễn Quang Hiển từ Thăng Long đi lên Lạng Sơn. Ngày 25 tháng 5, sứ đoàn Đại Việt đến Chiêu Đức Đài đón sắc thư. Ngày 27 tháng 5, phái đoàn nước ta tất cả là 21 người, từ nhà khách của tỉnh Quảng Tây do Thang Hùng Nghiệp dẫn đường đi lên kinh đô nhà Thanh. Trên đường rong ruổi tới huyện Phong Châu, phủ Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông. Ngày mồng 9 tháng 6 năm Càn Long thứ 54, phái đoàn nước ta vào huyện Bồ Kỳ tỉnh Hồ Bắc. Ngày 12 tháng 6, phái đoàn nước Nam đến tỉnh thành, tổng đốc Hồ Quảng là Tất Nguyên dẫn các ty thuộc ra nghênh đón, sau đó cho bày tiệc, tổ chức hát bội tiếp phái đoàn. (…) Ngày 29 tháng 6, phái đoàn lại từ phủ Chương Đức khởi hành đi Phong Lạc, khi ấy nước sông Chương Hà đang dâng cao, thuyền không thể qua được…Đợi đến ngày mồng 1 tháng 7, nước bắt đầu rút, tri phủ Chương Đức đưa phái đoàn sang ngang tới Từ Châu.

(…) Ngày 24 tháng 7, phái đoàn nước ta đến hành tại (nơi vua ở khi tuần du khỏi hoàng thành) ở Nhiệt Hà. Phái đoàn sứ bộ Nguyễn Quang Hiển tới Yên Kinh. Ngày 22 tháng 8, nhà Thanh tổ chức lễ trao sắc phong cho phái đoàn nước ta ở điện Thái Hoà. Sau khi nghi lễ trao sắc ấn hoàn tất, phái bộ Nguyễn Quang Hiển lưu lại kinh đô thêm 2 ngày.

Ngày 24 tháng 8 năm Kỷ Dậu, phái đoàn lại lên đường trở về nước. (…)

Rồi cụ đờ đẫn cười cho hay riêng lần này, để cho đỡ vất vả, Phúc Khang An đã sắp xếp để phái đoàn đi thuyền từ Ninh Minh đến Nam Xương, tính ra đến hơn một tháng rưỡi. Năm sau sứ bộ ta đi Bắc Kinh dự lễ Bát tuần vạn thọ năm Canh Tuất [1790] mà cả đi lẫn về kéo dài đến…9 tháng. Cụ ve vé mắt nhìn ra ngoài…Cả vùng núi cao hoang vu bao phủ, đôi lúc có con đường mòn cắt ngang qua. Ðường đi lúc thì núi đá hiểm trở, lúc thì vực thẳm tối tăm. Mặc dầu là mùa xuân, cây cối trong rừng vàng vọt khô héo. Hốt nhiên cụ hong hanh mắt và nói không phải đi sứ ba, bốn tháng. Cụ lụng bụng là có khi cả năm trời đằng đẵng…

(…) Cuối triều Lê, lễ tuế cống cử hành năm 1760. Sứ bộ gồm chánh sứ Trần Huy Mật tiến sĩ năm 1736, giáp phó sứ (phó sứ số 1) Lê Quý Đôn, bảng nhãn khoa 1752 và ất phó sứ (phó sứ số 2) là Trịnh Xuân Chú, tiến sĩ khoa 1748. Những hành nhân, có 9 người, 3 thông sự (phiên dịch), 2 trung thư (thư ký), 2 y viện (y sĩ) và 2 người thường vụ. Các sứ lại được chọn một số tùy nhân để giúp việc riêng, số là 11 người và có thể đem theo một người bà con thân cận gọi là môn tử. Lần này với 2 môn tử, sứ bộ gồm tất cả 25 người.

Ngày 28 tháng giêng năm Canh Thìn 1760, sứ bộ qua sông Nhị, đi đường bộ tiến lên Lạng Sơn, rồi tới Ninh Minh là bến đò đầu tỉnh Quảng Tây. Từ đó xuống thuyền, qua Nam Minh, Ngô Châu, Quế Lâm; vượt các sông Quế, sông Tương, rồi xuôi dòng đến hồ Động Đình, xuôi sông Dương Tử đến Nam Kinh, chuyển sang sông đào Vận Hà thẳng lên Bắc, vượt Hoàng Hà rồi tới vùng Bắc Kinh. Đến đây đã mùa đông, sông bị giá đóng, sứ bộ phải lên bộ. Ngày mồng 8 tháng 12 mới tới Bắc Kinh. Sứ bộ đi mất gần cả năm vì mùa đông, sông bị giá đóng. Vì đồ cống tuế mang theo có cả…một con voi. (…)

Sở cuồng tôi bấm búi chuyện…con voi vì voi đi chậm như…rùa. Cụ bối rối như sư đẻ…

Chuyện là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin quân Thanh đã vượt ải Nam Quan sang nước ta bèn thống lĩnh đại binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ An nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi. Vua Quang Trung cho quân binh ba người thay nhau cáng võng đi suốt ngày đêm…thần tốc kéo quân vào thành Thăng Long ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu…sớm hơn dự định hai ngày.

Cụ cười như chó hóc xương với 100 con voi thì đào đâu…mía cho chúng ăn đây?!

Bất chợt cụ…cóc nọ leo thang voi kia đẻ trứng với người cầm đầu sứ bộ đều chọn trong đám triều quan ngoài 50 tuổi, giỏi văn từ, mẫn tiệp…như cụ. Sứ bộ của cụ chỉ đi tuế cống định kỳ gồm 27 người có 8 thư lại, 3 thông sự, 2 ký lục, 1 y viên, 5 người khuân vác. Cống phẩm gồm 200 lượng vàng, 1000 lượng bạc, lụa là, hai bộ sừng tê giác, 10 cân ngà voi, lông chim trĩ đỏ…(theo Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lược). Năm 1790 thời vua Quang Trung, Phan Huy Ích làm chánh sứ, đặc biệt có hai con voi làm cống phẩm, một ban hát bội Quy Nhơn 10 người. Ngoài ra có tuế cống định kỳ còn có cống tượng người bằng vàng,

Xong…con voi của vua Quang Trung. Cụ bắt qua…cái võng của bất nghi bất ngộ tôi…

Chánh sứ nước ta phẩm trật thường từ nhị phẩm trở lên, còn phó sứ ít nhất tam hay tứ phẩm. Nếu phái bộ đi tạ ân cống phẩm trật có thể thấp hơn. Nhưng bộ lễ ta thường nâng cấp lên để được thiên triều trọng vọng. Vì vậy chánh sứ nhất phẩm được 4 người cáng võng, nhị phẩm được 2 người cáng võng. Và cụ quang gánh qua chuyện tuế cống…

(…) Tháng 10 năm 1761 ngày mồng 7, chúng tôi (phái bộ Lê Quý Đôn) đến Quảng Tây tỉnh Quế Lâm. Ngày mồng 9, quan phủ Quế Lâm xuống khám thuyền xét đồ quốc cấm đem về nước. Theo lệ, quan Thanh xuống khám thuyền để tịch thu các vật và sách cấm. Đồ cấm có diêm tiêu dùng làm thuốc súng. Các cống sứ phải làm tờ cam kết, trong đó có nói:

“Năm Càn Long thứ 25, vâng mệnh quốc vương mang tờ biểu và tuế cống tới dâng. May được thánh ân ban cho quốc vương vải vóc, còn như diêm tiêu, quân khí và tất cả những món hàng cấm thì không hề mang về. Đó là điều chúng tôi cam kết là thật “. Tất cả sứ bộ phải khai các sách đã mua, rồi phải gánh các hòm sách lên trạm Ân Đình. Quan Thanh giữ lại một số, rồi bảo khai giá tiền mua để được bồi thường. Trong số sách bị thu có bộ tự vựng bách khoa về văn học gồm 450 quyển do vua Khang Hi sai soạn. Tôi phải làm đơn xin giữ lại. Quan Thanh bằng lòng, nhưng giữ lại 23 bộ sách khác trị giá hơn 4 lạng bạc. Đó là những sách có tính cách chính trị, kinh tế, bói toán, địa lý, y khoa, thần tiên. Riêng tôi có bộ sách bị thâu: Phong Thần Diễn Nghĩa, Uyên Hải Tử Bình, Tử Vi Đẩu Số và Mai Hoa Dịch Số.

        Gặp mưa chiều gió sớm, cụ buộc chỉ chân voi cuồng chữ tôi cái đáng hỏi lại không hỏi? thảng như: Thuyền nào chứa nổi voi cả tấn, chả nhẽ…thuyền thúng? Vì vậy Tàu phải làm bè, mà bè phải là bè tre giang mà ở Tàu đâu lúc nào cũng có tre giang! Vẫn chưa xong, bỗng dưng cụ cười thủng thỉnh: Họ thấy ta cáng võng mặt mày ngây ra như…Tàu nghe kèn vì họ không có võng. Tàu hỏi là gì? Thông sự…thông điếu ta phải vay mượn chữ nghĩa trong bài thơ Tức sự của cụ Cao Chu thấn: nhãn khan cao điểu độc phàn lung, tự ỷ “thằng sàng” bất ngữ trung. Thằng sàng là…cái giường dây, là…cái võng, thưa bạn đọc.

Tiếp đến cụ dẽ dàng ngay cả cụ muốn đặt hàng làm đĩa Mai Hạc có câu thơ nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen viết bằng chữ Nôm nên cụ phải bút đàm. Quan nhà Thanh đi theo xét giá cả, muốn mua bán gì đều phải được phép của triều đình và thông qua quan lại địa phương chứ không được tùy tiện. Sở cuồng tôi căng tai mà nghe chuyện. Chuyện là các quan ta đi sứ ghé Cảnh Đức Trấn đặt làm cả trăm cái điếu bát để hút thuốc lào. Các quan quệnh quạng vẽ cái bát điếu. Lò Cảnh Đức Trấn làm xong, quan nhà Thanh đưa tới tận thuyền. Về đến nhà, các quan mở thùng ra mới chớ phở cái điếu bát nặng như đá đeo vi là nó…đặc kịt. Kinh thư cũng thế, cụ lạc bất khả ngôn, là sướng không nói được vì về ngang qua tiệm sách ở Hàng Châu, mua được tập cổ thư. Cụ cười mơn với nhược vô kỳ sự, tức như không có sự ấy thì thiên thượng địa hạ có ai biết cụ là ai đâu? Trong phiếu hốt, cụ mặt bừng chửng ấy vậy mà quan Thanh xé nửa tờ bìa của tập “Thanh Tâm Tài Nhân biên thư” vì dưới bìa có hàng chữ “Truyện phong tình lục” của Mao Khôn.

Xe con vào đến Bắc Kinh…Vừa thấy cung điện, lâu đài gác tía, thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, bất nghi bất ngộ tôi đào sới với cụ rằng xưa kia, cụ Lê Quý Đôn đối đáp với quan quách nhà Thanh khi họ hỏi thành quách, kinh đô của ta. Cụ bảng nhãn đáp:

“Ngày xưa, đương triều nhà Nguyên, cửa thành Phù Nam ngảnh về đông. Còn như kinh đô nước tôi, cửa quay về phía nam. Vả chăng, chín cửa thành Kinh sư (Bắc Kinh) và những dinh thự sáu bộ tự, và viện đều được quan thái giám nước tôi tên Nguyễn An xây nên đời Vĩnh Lạc. Việc ấy được chép trong sách “Hoàng Minh thông kỉ”Nhân tiện xin trình”.

Từ chuyện nhà Minh sang nước ta bắt mang về Tàu gái đẹp, sư ông, thái giám và sách vở (Minh Thành Tổ ban hành ba sắc chỉ trong các năm 1406, 1407) để sau này có những nghi vấn văn học về thơ, câu đối, giai thoại của Ta hay Tàu với những tam sao thất bản. Thảng như bài văn tế có bốn chữ “nhất” của cụ trạng Mạc làm khi đi sứ ca tụng công chúa Tàu. Thế nhưng trong “Kiến Văn Tiểu Lục”, cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn cho biết theo Phu Tùng Thuyết thì Dương Ức đời Tống đi sứ phương Bắc đã làm bài kính tế tụng ấy.

Bất nghi bất ngộ tôi bậm bạch với cụ rằng tất cả do đám hậu sinh đặt ra nhét chữ vào mồm cụ trạng Mạc ấy thôi. Bởi trong các công chúa đời Nguyên Vũ Tông trị vì từ năm 1307-1311 là giai đoạn cụ trạng Mạc đi sứ chỉ có Tường Ca Lạt Cát…là chị của Nguyên Vũ Tông được phong “Lỗ quốc công chúa” là người được ghi trong Nguyên sử. Nhưng bà Lỗ quốc công chúa này lại mất năm 1331, tức 23 năm sau khi cụ trạng Mạc đi sứ!

Để chẳng thiếu chuyện tốn nhiều giấy mực như chuyện…“Đại thân kim nhân”.

Số là vào thời Lê, ngoài các phương vật, trong danh sách cống nạp hàng năm, ta phải cống nhà Minh “một” người bằng vàng để đền mạng cho Liễu Thăng. Sách “Các sứ thần An Nam” viết: Ngày khánh thọ vua Minh, Giang Văn Minh đi cống tuế, sẵn dịp tranh luận với vua Minh và được vua Minh bãi bỏ lệ cống người vàng. Chuyện tốn nhiều giấy mực vì Phan Huy Chú trong “Bang giao chí” cho là lệ “cống người vàng” có từ đời Trần. Trong “Việt Nam sử lược”, Trần Trọng Kim phỏng đoán: Có lẽ là lúc đánh trận Chi Lăng có giết hai tướng nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh, cho nên phải đúc “hai” người vàng để thế mạng.

Nghe thủng xong, cụ rấm rẳn sở cuồng tôi chỉ…vẽ chuyện. Rồi cụ…vun chuyện: Với Tàu việc triều cống được qui định rõ rệt về cống kỳ (thời hạn), cống vật (những gì phải mang sang) và cống đạo (đường đi lên Bắc Kinh). Cụ nắn nuôi sau này nhà Tây Sơn xin đổi cống kỳ thành hai năm một lần vì trước đây lệ cống là ba năm.

Vào đến điện Thái Hoà ở Bắc Kinh rộng bao la thoáng đãng…thì cụ thò tay vào cái bị cói lôi ra một bức tranh khắc đồng…

Qua tranh khắc đồng, bất nghi bất ngộ tôi nom dòm thấy các sứ thần ta đang quỳ ở dưới và cách xa bệ rồng của vua Càn Long nhà Thanh. Đợi bất nghi bất ngộ tôi săm soi xong, cụ như thị ngã văn là các quan và sứ thần không được ở sát vua khi triều kiến, mà phải quỳ ở bên dưới và cách xa bệ rồng, do đó hai bên không thể đối thoại trực tiếp. Lời tấu lên vua hay lời vua ban xuống đều được truyền đạt qua các quan phụ trách nghi lễ. Ngay cả hai sứ thần cũng vậy, cả hai phải đứng ở hai bên sân rồng với khoảng cách khá xa ở hai bên tả hữu.

Cụ kheo khảy xa mú tí tè thế đấy, ấy vậy mà lại có chuyện…cái quạt.

(…) Trong một lần đi sứ, Nguyên đế muốn thử tài, sai ông (Mạc Đĩnh Chi) cùng sứ thần Cao Ly mỗi người phải làm ngay một “Bài tán quạt”. Sứ thần Cao Ly làm xong trước. Trong lúc ông chưa biết viết gì, liếc sang đầu quản bút của sứ thần Cao Ly đoán được ý tứ rồi theo đó làm bài thơ tán quạt. Ông viết xong trình lên, Nguyên đế khen bài của ông hay hơn, cầm bút khuyên vào câu có chữ “Y” và phê “Lưỡng quốc trạng nguyên”. (…)

Cụ thì mà là rằng trong “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề với bất khả ngôn truyền (không nói ra được) thì cụ trạng Mạc vay mượn ý từ của Lý Bạch đời Đường. Cụ trạng Mạc chỉ thêm câu kết trích trong “Luận Ngữ” để tỏ ý chí của mình. Cụ dĩ thiển kiến đa (lấy ít hiểu nhiều) là bất nghi bất ngộ tôi nom dòm quản bút ngó ngoáy có…đoán được chữ viết không?

Nghe hơi nồi chõ cụ trạng Mạc, cụ tú Phan Huy Chú qua Cao Lý lấy vợ thấy mà ham. Sở cuồng tôi đạo đạt với cụ hay là qua Cao Ly thăm thú, để mai hậu này được như cụ trạng Mạc, hậu duệ cụ về Hải Dương nhận cụ là cao tầng tổ khảo. Như Phan Huy Chú, hậu duệ của cụ tú là ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (ông Ban Ki-moon) về Sài Sơn, lên Sơn Tây nhận họ hàng hang hốc. Cụ khủng khẳng cọ đít nồi là đâu có dễ…“hốc”.

Bởi khi đến Bắc Kinh, sứ thần các nước được ở chung trong một khu nhưng sống cách biệt. Vì luật nhà Thanh không cho sứ thần các nước đến chỗ ở riêng của nhau nên họ chỉ có thể gặp gỡ vào những ngày triều hội. Theo điểu lệ, nhà Thanh cử một viên quan áp tống những cống sứ từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, việc đi đứng, ăn uống, sinh hoạt đều tuân theo qui định chặt chẽ. Như trên đường từ Nam Quan đến Bắc Kinh. Theo đúng qui định, khi sứ bộ đi đến tỉnh nào sẽ có quan chức của tỉnh đó đưa đến giáp giới tỉnh kế tiếp để…bàn giao.

Vì vậy theo cụ chả có chuyện sứ thần ta ”tham quan” Cao Ly, bởi điều lệ “quan chức” nhà Thanh. Cũng bởi thế, sự việc trao đổi văn hoá giữa ta với Cao Ly không nhiều. Vì có thể dựa vào bài viết của Shimizu Taro, viện nghiên cứu Bắc Đông Á của đại học nữ tử Tottori:

Cuộc gặp gỡ sớm nhất của sứ thần hai nước năm 1597 giữa Phùng Khắc Khoan sứ thần An Nam và Lý Túy Quang sứ thần Cao Ly qua Chuyện vấn đáp và xướng họa của sứ thần nước An Nam. Trong “Nhân vật chí” sách Loại chí”, Phan Huy Chú kể về chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan: Khi đi sứ khởi hành từ trung tuần tháng 4 đến tháng 10 sứ bộ đặt chân tới Yên Kinh. Ngày 25 tháng 12, sứ bộ về đến ải Nam Quan sau chuyến đi sứ kéo dài đúng 1 năm 8 tháng. Vua Tàu phục tài văn thơ của Phùng Khắc Khoan làm một lúc tới 36 bài thơ. Vua Tàu phong ông là Lưỡng quốc trạng nguyên. Thế nhưng thiên hạ sự chỉ biết đến ông qua việc ông lấy được giống ngô của Tàu mang về bằng cách nhét vào…”cốc đạo”. Cụ bổm bảm: Người mình biết đến ông vì chả hiểu sao hạt giống này mang về ông lại gọi là…ngô. Nhưng khi cúng cơm, chả ai dùng ngô để làm cỗ cúng vì…(bỏ 4 chữ).

Hơ! Đất sinh cỏ già sinh tật hay sao ấy, khi không cụ đốc chứng là cuồng chữ tôi “không nghi không ngộ” với…chuyện Đại thân kim nhân ở trên có giây mơ rễ má đến trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Và cụ gánh bùn sang ao như thế này: Qua bài ca dao “Ai lên thú Lạng” có hai câu gánh vàng đi đổ sang Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương. Cụ câu đọng chữ thừa gánh vàng đi đổ sang Ngô có từ đời Lê-Mạc vì Tàu bắt ta mỗi 2 năm mỗi phải triều cống 2 tượng người bằng vàng để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh. Các hành nhân ta khiêng hai tượng vàng từ Thăng Long lên Lạng Sơn, leo đèo lội suối qua ải Nam Quan nên vất vả kể gì…Cụ nhành mồm ra cười đánh khì một cái bởi nào có khác gì chuyện “Thứ nhì di quan” như đã quanh quéo ở trên với đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương.

Dóng ra dóng vào, cụ bật rật khi đi sứ, thơ của Phan Huy Ích (thân phụ Phan Huy Chú) với tựa đề “Phụng trình Triều Tiên quốc tiến hạ sứ”. Ông chỉ có “Tập thơ đi sứ Tàu”. Vì ông đi sứ hai lần sang nhà Thanh, lần đầu năm 1825, lần thứ hai năm 1831, cả hai lân ông đều là phó sứ. Tác phẩm “Lịch triều hiến chương loại chí” của ông, trong đó có “Bang giao chí”, và “Điều trần tứ sự tấu sớ” ghi chép việc bang giao các đời, nghi lễ đón tiếp sứ thần Tàu.

Cụ cười tịt rằng nào có thấy Phan Huy Chú gặp gỡ sứ thần…Cao Ly đâu!

Ngoài Phan Huy Ích có Bảng nhãn Lê Quý Đôn với “Quế Đường thi tập”, chép cuộc gặp gỡ các sứ thần Cao Ly. Về phía Cao Ly, sách “Đồng văn vựng khảo bổ biên”, mục “Sứ thần biệt đơn”, của chánh sứ Hồng Khải Hi ghi: “Nước An Nam, Nam Chưởng (quan lại nước Nam) có cách ăn mặc về mũ áo. Họ lấy lụa làm mũ áo, hơi giống với nước ta. Chỉ có điều họ búi tóc, để móng tay dài”. Điều này cho thấy bóng dáng sứ bộ Lê Quý Đôn trong văn học Cao Ly. Chăn trâu nhân thể dắt nghé, bèn hỏi thảng như cụ dắt sở cuồng tôi từ Bắc Kinh qua Bình Nhưỡng thì sao? Cụ cho hay qua bức thư cụ Lê gửi sứ thần Cao Ly tựa đề “Tằng nhân đồ kinh tri hữu quý bang” (qua bản đồ biết quý bang). Cụ bảng nhãn viết: Từng xem bản đồ biết đến quý bang, đông nam xa cách, chỉ e trân ngựa đuổi nhau cũng không kịp…

       Với ngẫu sự ngựa đuổi nhau…từ Bắc Kinh qua Bình Nhưỡng, cụ móc cái “Galaxy S6 Edge” bấm ra con số: 952 cây số. Bỗng không cụ rủ rê sở cuồng tôi…đi bách bộ qua Cao Ly chăng? Nghe hãi quá thể vì khi trở về quan ải, liệu ải quan Tàu có cho…”nhập quan” không đây! Như chuyện thời Tự Đức năm 1837: Ông Tàu Tsai-Tin-lang bị đắm tàu tại vùng biển An Nam, ông trở về bằng đường bộ từ Huế đến Quảng Tây. Tới Nan-Kouan (ải Nam Quan) thuộc Quảng Tây. Ải quan xét hỏi và không xem ông Tsai-tin-lang là người Tàu nên ông không được qua ải. Vì vậy ông trở thành “khách trú” để có bút ký Itinéraire de Hanoi à Canton par Lang-Son, le Kouang-Si et la rivière Si-kiang năm 1887. Sở cuồng tôi lại nghĩ dại nếu có qua được quan ải Cao Ly-Tàu thì làm sao đi bộ về Thăng Long?! Hay lại như người Việt Thường ăn nói ngô nghê, khi về vua Tàu phải cho người dẫn đường.

Bởi nhẽ ấy bất nghi bất ngộ tôi bối rối nhìn trời nhìn đất, bất giác động não động tình đến cụ trạng Mạc hay cụ tú họ Phan ăn nói chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá. Vì không có người dẫn đường, sở cuồng tôi hình dung đến một trong hai cụ đang lò cò như cò gặp mưa tìm đường về quê nhà trong cái tâm trạng cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (Nguyễn Du). Làm như đồng cảm, cụ móc cái “bánh mì tay cầm” bấm ra con số từ Bình Nhưỡng về Thăng Long là…là 2.740 cây số. Sở cuồng tôi ngẫm ngợi và dòm chiếc xe con…Từ chiếc xe con, dòng nhạc của cái CD lại trở về khúc đầu nhìn về đường cô lý, cô lý xa xôi, biết bao sầu trên xứ người bèn ngước mặt nhìn lên, đất trời âm ỉ như chậu nước gạo đục. Nên cuồng chữ tôi cũng âm ỉ chuyện cụ trạng, cụ tú sang Cao Ly chỉ là cỏ hoa lạc lối trong văn học đầy cỏ dại và chỉ nên xem là giai thoại được thêm thắt trong dân ấy thôi.

Bỗng không mặt cụ trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”, cụ trầm ngâm âm ỉ như chậu nước gạo đục đầy đủ lễ bộ xong, cụ mắng sở cuồng tôi như vỗ vào mặt là bất sĩ hạ vấn mà cuồng chữ tôi hiểu lơ mơ lỗ mỗ là không mất sĩ diện gì mà không hỏi. Tiếp, cụ hỏi cuồng chữ tôi rằng “cụ Trạng Bùng nhét hạt ngô vào…”cốc đạo”, vậy chứ cốc đạo là khỉ gì.

Sở cuồng tôi ớ ra, cụ hành ngôn hành tỏi tiếp với bút hiệu “Sở Cuồng” của Nguyên quân ở phần dẫn nhập từ tích người nước Sở đời Xuân Thu gặp Khổng Tử chỉ…cười trừ. Người Nguyên quân ngồi trong quán rượu vì “cuồng ẩm” bí tỉ nên mới ngoa ngữ mình là sở cuồng.

Cụ co cỏm với “sở kiến” là cái điều mình thấy, mình biết. Riêng bút danh sở cuồng tôi thì “sở” là đại danh từ chỉ người làm việc gì. Cụ cười hích mà rằng…

Rằng “cuồng” với người Bắc chỉ người…hâm hâm, với người Nam là…mát mát.

***

Ừ thì quăng quải với câu văn mở đầu, mà một tôi ăn mày chữ nghĩa của các cụ ta xưa với văn hay chẳng luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã biết văn hay (ca dao), ấy là câu văn của dòng nhạc hoa vàng mấy độ, những đường cỏ lá (Trịnh Công Sơn) năm nào. Một tôi lại quan tái, quan san đến cụ cười dín, cười hụt vì ai biết quan đái mà hạ võng, vì một tôi chưa đọc “Bắc sứ thông lục”. Vì vậy theo dấu chân người trăm năm cũ, với bất kiến quan tài bất hạ lệ, là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ để mai này cảo mực đề văn có bài văn sử thiên cổ sự: “Thứ nhất đi sứ, thứ nhì di quan”. Lớ quớ bài văn sử này một tôi dám lững thững đi vào văn học sử như cụ Tổng tài quốc sử quán cũng không chừng? Ai biết đó là đâu, thưa bạn đọc.

Thế là một tôi kỳ óc ra eo óc những nghìn năm gương cũ soi kim cổ, cảnh đấy người đây luống đoạn trường với cụ. Làm như cảm nhận được nỗi niềm dừng chân đứng lại trời non nước, một mảnh tình riêng ta với ta của một tôi trong một chiều trên bến nước với ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ (Nguyễn Du) là ta có một tấc lòng không biết ngỏ cùng ai…Ngồi trong xe về lại Hà Nội, cụ vỗ nhè nhẹ đùi một tôi và sở kiến điều mình biết mình thấy:

– Cụ trạng Mạc người tướng mạo xấu xí lấy vợ Cao Ly chắc xấu lằm hỉ?

     Thạch trúc gia trang

      Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Vương Hồng Sển, Nguyễn Duy Chính,

Phùng Thành Chủng, Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Lương Thị

Thu, Lê Huy Vĩnh, Phùng Văn Khai, Võ Hương An, Võ Phiấn, Lý Xuân Chung.

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search