T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Phố Xưa

    

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Phố Cổ Hội An – Ảnh: Lưu Na

  Ghé thị trấn ven sông, ven biển này cả tuần nay, gặp mấy ngày mưa lất phất cùng bầu trời u ám, thêm một chút ngai ngái lạnh. Giấy một túi, bút một túi, ngày nào gã cũng tạt vào quán Phố Xưa ngồi một chỗ quen thuộc gậm nhấm nỗi sầu viễn xứ nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu. Riêng mấy hôm nay có chuyện không đâu vào đâu để thành chuyện là ở một thành phố nhỏ như mắt muỗi này, sẩy ra chuyện gì nhỏ nhặt, chỉ mươi phút sau là “thượng Chùa Cầu, hạ Ông Bôn” nơi hai đầu của thị xã đều biết. Như mới đây có một bà đi chợ rêu rao “Có dị nhân xuất hiện dưới mé sông” là mọi người kháo nhau xuống bến bãi mé nước để xem.

Nào có lạ gì, ngày nào trên đường tới quán gã đều gặp gỡ “dị nhân” và gã thấy: Ông ta không hiểu người xứ Trung Đông nào đấy lạc vào phố thị và người ta xúm quanh ông. Gã cũng chen chân vào nhìn cho qua quýt và chỉ thấy ông ta râu ria xồm xoàm như người Ả Rập mặc bộ quần áo vàng nhầu nát, người ta mời ông ăn cơm với cá, thịt, ông lắc đầu. Ông ta chỉ đòi ăn bánh mì với củ cải trắng và…uống bia. Ông ta không nói được tiếng Việt, lại thêm cái khoản ăn uống không giống ai, người ta đồn nhau để đến xem cũng đúng thôi.

Trong cái khỏang trống vắng ẩm ướt sụt sùi ấy, gã thả rong qua những con ngõ sâu hun hút với những viên đá xanh nằm rời rạc trên mặt đường hoang phế. Tới quán hơi sớm, như mọi ngày, gã ung dung tự tại len lỏ qua mấy cái chum, cái vại của lò gốm Thổ Hà bầy ở trên sàn. Cuối cùng gã cũng mò mẫm tới cái kệ có trưng một bộ đồ sứ Hizen, đồ gốm Seito của Nhật mô phỏng theo đồ gốm Chu Đậu. Thêm dăm đồng tiền Nhật đóng khung niên đại XVII trùng với thời kỳ phát triển khu phố Nhật trước đây. Ngay bên cạnh là bức tranh Nhìn Xuống Phố Cổ của Akimi Ishimoto với những mái âm dương chồng lên nhau. Những bức tường dọc theo con phố ngắn nhưng trông dài hun hút. Gã khựng lại ở bức tranh này qua một mầu xám u tịch, mầu nâu phẳng lặng đủ để diễn tả những nét thăng trầm của một thành phố có chiều dài cả trăm năm lịch sử qua bao lớp sóng phế hưng và cũng chỉ riêng cái tên, tự nó đã nói lên tất cả: Hoài Phố.

Quán vắng, lữ khách bên đường, gã ngồi giữa lòng phố cổ Hội An, trở về phố xưa cùng những âm hưởng mang mang vọng về với một phố thị có chùa Cầu khuất nẻo, nằm ngay trên bờ sông Hoài đang nhạt nhoà theo năm tháng. Sông Hoài cứ mãi mãi tĩnh mịch nỗi hoài xưa, nối vào dòng sông Thu Bồn mênh mông như muốn kể lại câu chuyện mấy trăm năm của biển cả để gã lãng đãng phiêu bồng “Có buổi ta mơ về phố cũ, nghe khúc cầm ca bỗng hổ ngươi, thà cứ theo dòng trôi miết miết, biết một đời sông mấy lở bồi”.

Gã ngồi đơn độc ở đấy giữa phố vắng đìu hiu, thả hồn đi hoang tìm về những nẻo đường xưa lối cũ của một thành phố ẩn khuất sau một thành phố khác cùng đường mưa ướt đất. Gã như dòng sông kia, muốn kể lại câu chuyện mấy trăm năm của Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Gã đang muốn dị mộng cổ sử qua sử thi tam sao thất bản và gã loay hoay đặt bút xuống trang trải trên giấy thô mực đọng trong một ngày ít nắng nhiều mây…

“…Vua Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông mở mang bờ cõi xuống đất Chiêm Thành phương nam. Nhà Trần suy yếu bị nhà Hồ chiếm ngôi, Hồ Hán Thương đem quân xuống tới Quảng Ngải. Vua Lê Thánh Tông xuống thêm tí nữa đến Quảng Nam (1). Giữa khoảng thời gian này Chế Bồng Nga đem quân sang đánh phá Đại Việt vào năm 1371….”

Gã đang lẵng nhẵng với “Tưởng tượng ta về nơi bản Trạch, áo phơi xanh phới nhánh đào hồng, mùa xuân bay múa bên trời biếc, ta búng văng tàn thuốc xuống sông” thì không hiểu mắc chứng gì khựng lại. Gã…búng văng tàn thuốc xuống dòng sông Hoài và nghĩ…hoài không ra và ngồi cắn bút ngó lơ… Gã ngó thấy bên cạnh bức tranh Nhìn Xuống Phố Cổ có một bài thơ ngắn được viết qua đường nét thanh thoát của thư pháp:
Có buổi ta ngồi trong quán vắng

Tưởng níu thời gian để đợi ai

Thảng hoặc đôi ba người khách lạ

Như nhắc thầm ta nỗi lẻ loi

Nhìn chung quanh: Quán vắng bên sông, chẳng có người khách nào ngoài cái ghế đơn độc trước mặt. Gã lúi húi với phố thị vào thưở ban sơ:

“…Hội An với những trầm uất của lịch sử, hoang vắng để rồi phồn thịnh theo năm tháng như những lớp thủy triều. Khởi đi từ thế kỷ thứ 5 của người Chàm cổ, những thuyền buôn của người Ba Tư đã ghé đây để tránh bão, định phương hướng để ngược lên hướng bắc Trung Hoa. Người Chàm đã đào những giếng nước ngọt để trao đổi hàng hóa với nhóm thương thuyền này. Nay những giếng nước bờ gạch hình “vuông”, với đồ gốm như vại, bình và gươm cong, kiếm ngắn, tiền cổ của người Ả Rập, được tìm thấy rải rác ở làng Cổ Trai và dọc theo con sông Thu Bồn. Gần đây, trong sử liệu của người Ba Tư có viết dăm ba dòng về bến thuyền với cái tên “Địa Trung Hải Phương Đông…”.

Đời nhà Nguyên thế kỷ 13, ông Châu Đạt Quang với 30 năm ngược suôi trên biển cả và để lại tập “Chiêm Thành Phong Thổ Ký”, cẩm nang hải hành cho những người đi sau. Cũng chẳng bao lâu đến đời nhà Minh với “Con đường gốm sứ và tơ lụa trên biến” cùng 7 chuyến đi về của Trịnh Hòa (1371-1435) qua tận Mecca đông Châu Phi. Đoàn Đại Bảo thuyền gồm 1651 thuyền mới và 62 đại thuyền với chín cột buồm lớn. Trên đường đi họ ghé nước ta, đồng thời trước kia để tránh sự nhòm ngó ngưòi quan ngoại qua buôn bán, nhà Lý tập họp họ lại một nơi nhất định gọi là “Bạch địch trường”, đó là bến Vân Đồn ở vịnh Hạ Long.

Tiếp đến là nhà Lê và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lập ra Phố Hiến, mặc dù thương thuyền của người Bồ Đào Nha đã có mặt từ trước, sau kéo theo người Hòa Lan từ thuộc địa Nam Dương lên. Theo “Lịch Sử  Vương Quốc Đàng Ngoài” của Alexandre de Rhoded, vua Lê Thần Tông có bà thứ phi hàng thứ sáu là người Hòa Lan. Tượng bà nay vẫn được còn thờ ở chùa Mật Sơn, Thanh Hóa. Mặc dù là tượng thờ nhưng cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực. Vì thế nên người Hòa Lan có nhiều đặc quyền hơn người Bồ Đào Nha ở phố Hiến và được độc quyền buôn bán cùng với người Hoa ở phường Giang Khẩu (Hàng Buồm) bên sông Tô tại Thăng Long.

Riêng ở Đàng Trong, đoàn thương thuyền của Trịnh Hòa ghé cù lao Chàm và tìm ra Hội An. Ngày nay ở bãi Hương cù lao Chàm có miếu cổ tên Thái Giám thờ thái giám Trịnh Hòa vẫn còn đấy. Nhưng theo ông Yomeiganu qua “An Nam Cung Dịch Ký Sự” thì có thể vì bà thứ phi của vua Lê khác là người Nhật. Vì thế nên người Nhật đến đây lập nghiệp sớm nhất, vào khoảng năm 1560 và họ cũng có nhiều đặc ân và quyền lợi hơn người Hoa ở Hội An…”

***

Đột nhiên giật mình thót người khi thấy “dị nhân” ngoài phố chợ lù lù đứng ngay cạnh bàn lúc nào gã không hay. Gã buông bút và ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn ông Ả Rập như gặp lại “người về tự trăm năm”. Ông ngó lơ như không có mặt gã ở đấy. Ông bạn Ả Rập râu xồm lẳng lạng kéo cái ghế ngay trước mặt gã và ngồi xuống, bình thản nhồi thuốc vào ống vố. Xong, ông nhòm đăm đăm bài thơ viết chữ thư pháp ngay sau lưng gã và nói bâng quơ:

Tiên sinh không lẻ loi và bản chức là người…khách lạ đây.

        Gã muốn nhẩy nhổm lên khi nghe “người khách lạ” này đọc và nói tiếng Việt như…gã mới quái. Gã chưa kịp há mồm hỏi han, làm như quen biết nhau tự thưở tám kiếp nào, ông Râu xồm thản nhiên lấy cái hộp quẹt của gã bật một cái tách nhàn nhã mồi lửa, và ngẩng đầu lên nhẹ nhàng thở ra khói…

Tiếp, ông cúi đầu xuống liếc mắt ngó lơ qua khúc dẫn nhập bản thảo của gã, chỉ tay vào khúc gã vừa viết xong và ông Râu xồm từ tốn ậm ừ chao chát:

– Dạ, xin vô phép vô tắc mạn phép thưa với tiên sinh rằng: Chế Bồng Nga sinh năm 1360 và đem quân sang đánh phá Đại Việt vào năn 1371 thì năm ấy Chế Bồng Nga…bao nhiêu tuổi nhẩy? Thưa tiên sinh.

         Thêm một lần gã muốn…”nhẩy” dựng đứng lên vì “dị nhân” nói giọng Bắc kỳ đặc, lại nho phong sĩ khí nói chữ gọi gã là…“tiên sinh” với tiên sư. Lại còn chỉ chỏ cho gã thấy những “khuyết sử” cần phải “cẩn án” của sử thi nữa mới đau cái đầu. Gã đang lắp bắp định biện giải là bấy lâu nay gã lạc vào mê hồn trận với những sử gia, sử quan, chẳng khác gì khói lửa kinh thành, nhất tướng công thành vạn cốt khô, cùng mỗi người mỗi niên đại, niên hiệu khác nhau. Hết cuộc binh đao, nỗi buồn chạm mặt là gặp mấy nhà học giả, hành giả cùng địa danh bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí mù mịt như bát quái trận đồ.

Nhưng gã chưa kịp biện bạch thì ông Ả Rập lẳng lặng tiếp:

– Tiên sinh dậy thái giám Trịnh Hòa tìm ra Hội An theo bản chức nhẽ ra chẳng hẳn là như vậy. Vì theo như hải hành ký của Mã Huân thì đoàn Đại Bảo thuyền này chỉ ghé đế đô Cri Bannoy của Chiêm Thành vào năm 1451 (tên Việt là Trà Bàn, Hán tự là Đồ Bàn, hay Qui Nhơn ngày nay). Trong hải ký Mã Huân ghi “Đồ Bàn có rất nhiều thổ sản và mít lớn trái rất ngon ngọt…”. Theo tư liệu riêng bản chức hay biết thì đám buôn lậu ven biển người Trung Hoa theo chân đoàn thuyền của Trịnh Hòa và họ ghé Bát Tràng, Chu Đậu để mua đồ gốm. Lại nữa họ dựa vào ông Châu Đạt Quang với tập “Chiêm Thành Phong Thổ Ký” nên chính đám buôn lậu trên tìm ra Hội An, là thuyền buôn nhỏ họ không dám đi xa nên ngừng chân ở Đồ Bàn. Trong hải hành ký có ghi “Chuyện ngạc nhiên là khi thủy thủ nhìn thấy người Hoa buôn bán ở vùng đất Chàm này”. Vào năm 1997 mới đây, người quý quốc hợp tác với người Nhật trục vớt một thuyền đăm ở cù lao Chàm và phát hiện 240.000 đồ gốm Bát Tràng, Chu Đậu ở niên đại thế kỷ thứ 15 đã minh chứng điều ấy.

        Ngay cả thương thuyền Hòa Lan bị đắm thuyền ở cù lao Chàm vào năm 1633 và được người Chàm ra tiếp tế nước, người Hòa Lan mới biết đến Hội An và mở thương điếm ở đấy. Riêng với cù lao Chàm, tiên sinh nên hiệu đính là năm 1804, đặc sứ người Anh Sir Robert Macarthay thương thuyết với vua Gia Long để thuê cù lao Chàm làm trạm ngừng chân trước khi đến Quảng Châu và các nước lân cận nhưng thất bại. Sau Sir John Crawfurd tiếp xúc với vua Minh Mạng cũng không thành công. Đến khi chiến tranh nha phiến, qua hiệp ước Nam Kinh, người Anh thuê được Hồng Kông thay vì cù lao Chàm của quý quốc.

         Gã đang tối tăm mắt mũi lại với “Sir” này, “Sir” kia thì ông Ả Rập tự giới thiệu:

– Bản chức là…John Barrow.

Rồi thôi không nói nữa. Thêm một phen gã bị chao đảo, hóa ra ông râu xồm này chẳng phải là người Ả Rập. Nghe đến cái tên “John” gã bụng bảo dạ ắt hẳn “ông Tây” này ắt hẳn là người Ăng-lê chi đây nên gã cứ đờ ra. Chưa hết, làm gã không có mặt ở đấy, ông Tây lại ghé mắt…suôi dòng sử Việt theo gã:

“…Nhà Minh bãi bỏ bế quan tỏa cảng, nên các thương thuyền Trung Hoa tấp nập đi lại theo ven biển nước ta. Dựa theo gió bắc vào mùa xuân, họ đến bằng thuyền buồm, trao đổi hàng hóa và đợi đến gió nam vào mùa hạ, họ dương buồm trở về. Nhưng cũng có một số thương hồ ở lại lập gia đình với người bản địa, thường là họ hành nghề địa lý và đông y. Qua các văn bia, bia đá ở đền chùa và các gia phả của bộ tộc, sổ địa bộ từ thời Tây Sơn, Gia Long và các triều vua kế tiếp, người Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam lập nghiệp ở Phú Xuân và Thăng Bình (Quảng Nam). Họ là những người Tầu đầu tiên đến nước ta bằng đường biển vào thời chúa Tiên. Vì vậy làng Minh Hương thứ nhất ở Phú Xuân đã có tên trên bản đồ nhà Nguyễn vào năm 1602.

Khởi thủy từ chúa Nguyễn Hòang vào Thuận Hóa mở mang bờ cõi về phía nam. Tiên khởi nhà chúa dùng cửa Việt để thông thương với người nước ngoài. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thấy cửa Việt gần Phú  Xuân, sợ ảnh hưởng đến sinh họat triều chính, nên cho người đi tìm một “bạch định trường” khác sâu xuống phía nam một chút, nhưng không xa quá tầm tay của nhà chúa. Sau chúa Nguyễn Phúc Lan cho người Tầu nhập quốc tịch Đại Việt và đưa mười gia đình của sáu họ Ngụy, Ngô, Hứa, Ngũ, Thiệu và Hoàng từ Phú Xuân, Thăng Bình về cuối sông Thu Bồn đầu cửa biển. Họ dựng làng Minh Hương thứ hai ở đây.

Quan lại nhà Minh chống nhà Thanh bị thất bại là Dương Ngạn Định và Trần Thượng Xuyên với 3000 quân và 50 chiến thuyền sang tị nạn. Chúa Hiền Vương cho một số đến cửa sông Thu Bồn nhập vào làng Minh Hương thứ hai. Số người Tầu còn lại vào đất Chân Lạp, nhà chúa yêu cầu vua Chân Lạp cho họ lập nghiệp. Dương Ngạn Định lập hương xã Minh Hương thứ ba tại Cù Lao Phố…”.

Bỗng khi không ông Tây hỏi gã khơi khơi, cứ như đùa vậy:

– Bản chức xin mạo muội hỏi tôn ý tiên sinh rằng cớ sự gì người quý quốc gọi người Hoa khi là “Minh Hương”, lúc là “khách trú”, nọ là “người Tầu”, thưa tiên sinh.

Gã đang óc ách, ông Tây đã sần sùi với gã:

– Theo thiển ý bản chức thì hai chữ Minh Hương với “hương” ban đầu là “nhà thờ cúng” vọng tộc nhà Minh. Sau có nghĩa là “xã” tức xã người Minh Hương. Còn “khách trú” là tiếng gọi Đàng Ngoài có từ thời chúa Trịnh khi người Hoa lập ra Phố Khách đầu tiên ở Phố Hiến. Còn “người Tầu”, theo ngu ý thì qua sách “Hành Trình và Truyền Giáo Ký Sự” của Alexandre de Rhodes có viết: “Ở Hội An có người Tầu, Tây…”. Người Tầu có tên gọi từ đấy có thể là đi bằng “thuyền” xuống mà Alexandre de Rhodes kêu là…”tầu”. Còn “Tây” đây là người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp…”.

       Thấy ông Tây dài dòng quá thể, gã nhướng mắt nhìn kỹ hơn. Ông đeo kính trắng tròn vo nên trông có vẻ hóm hỉnh. Ông đội nón cối thuộc địa bọc vải có cái núm ở trên đỉnh nón, vai đeo cái túi dết, tay cầm cây “ba-toong”. Quần áo không nhầu nát như gã đã gặp, mà ông mặc bộ quần áo ka-ki mầu vàng có bốn túi, có cầu vai như đi săn ở rừng rậm Phi Châu.

Gã đang trơ mắt ếch, ông Tây cười khủng khỉnh:

– Bản chức là John Barrow người Hòa Lan lai Bắc kỳ. Mẹ bản chức người Kẻ Chợ. Bản chức sinh ra ở Thăng Long. Vì cha bản chức đại diện cho công ty Ấn Độ ở Hòa Lan ở Phố Hiến nên lớn lên bản chức nối nghiệp nhà, là làm cho công ty Ấn của Anh, rồi nhập tịch Anh.

        Xong, ông Hòa Lan hay Ăng-le lại nheo mắt…dùi mài kinh sử tiếp:

“…Theo nhật ký hải hành, tầu buôn Groll của Karl Hartsink người Hòa Lan có mặt ở Phố Hiến dựng lên thương điếm để chuyên chở hàng qua Nhật. Thương điếm dựng lên như những khu quân sự, có hào bao quanh với lính bảo vệ ngay sát bến thuyền và xa khu dân cư. Chúa Trịnh quy định những người Hoa từ bến Vân Đồn tới đây làm ăn phải tập trung thương khách tại nơi “khách trú” là Lai Triều, cấm không cho lai vãng đến Thăng Long. Cùng lúc, người Hòa Lan đưa một số thương buôn từ Anh, Pháp và Nhật tới trong thời kỳ này. Từ Lai Triều đời nhà Lý được đổi tên thành Hiến Nam hay Hải Hưng rồi đến năm 1717, chúa Trịnh Cương đặt tên là Phố Hiến. Năm 1831, Minh Mạng 12 đổi tên là Hưng Yên. Các thương nhân người Hoa, người Nhật hòa nhập và lập lên các phố Bắc Hòa, Nam Hòa (2)…”.

Ông thưởng lãm đến đoạn “người Hòa Lan có mặt ở Phố Hiến dựng lên thương điếm”, gật gù ra vẻ tâm đắc lắm, ông ngửa cổ lên trần nhà thở một hơi khói dài. Tiếp, ông móc trong cái túi “dết” bằng vải “ka-ki” mầu cứt ngựa một cuốn sách đã ố vàng có cái tựa đề “A Voyage to Cochinchina in the year 1792 and 1793” in từ London và gã ngây người ra vì tác giả là… John Barrow. Ông đưa cho gã xem đoạn chuyến tầu của người Hòa Lan ghé Phố Hiến, gã nhìn bức tranh minh họa bằng mầu vẽ năm 1793 và lướt qua phần ghi chú phía dưới “Một người lính ở Cochinchina”: Người lính đội nón chóp, mặc áo dài đen viền ngắn tới đầu gối, chân bó xà-cạp vải. Cạnh chân người lính là cái bu gà, một tay cầm giáo, một tay cầm một bức tượng Phật…hay Fo (?)

        Quái lạ, gã thầm hỏi “Fo” có dấu (?) ở đây có phải là “phô” chăng? Vì “Phô” là một từ địa phương có nhiều ở Hội An. Như làng Hoài Phô, bến Sơn Phô. Hay nhà từ đường của dòng họ Nguyễn Tường Tam là đình “Cẩm Phô” ở ngã ba Khổng Miếu. Nhưng gã chẳng dại hỏi vì sợ…lạc đường vào lịch sử. Thế nên gã lẳng lặng viêt tiếp:

“…Từ thời chúa Nguyễn Hòang, trước là vì nhu cầu gỗ củi và nước ngọt cho Đàng Trong nên lấy Trà Nhiêu thuộc Quảng Năm làm bến củi. Với chiến tranh Nam Bắc, vì nhu cầu súng ống, ống nhòm của người Âu Châu và nhất là gươm kiếm, giáo mác với thép tốt của người Nhật. Chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ năm 1558 đến năm 1635 đã trao đổi hơn 30 văn bản với tướng quân Tokugawa Leyasu về giao thương ở cửa sông Thu Bồn. Cũng vào năm 1602 ở trên, nhà chúa chọn cửa sông Thu Bồn mà trên bản đồ nhà Nguyễn gọi là cửa Đại Chiêm làm thì điểm cho tầu buôn của họ cập bến (Vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và đặt tên là Đại Chiêm). Theo thư tịch cổ của người Bồ Đào Nha thì thời kỳ này họ gọi cửa Đại Chiêm là Cacciam…”.

Đọc đến…“cửa Đại Chiêm”, ông cho gã xem một bức tranh khác dưới có ghi chú: Một ông Quan ở xứ Đàng Trong”: Ông quan mặc quần váy Chàm (Kama), đội vấn lớn khăn như người Ấn Độ, tay cầm dù kiểu Trung Hoa, ngực đeo thẻ bài đang đứng trông coi một làng thuần những người Chàm.

Bấy lâu nay gã cứ lấn cấn là sông chẩy ra cửa biển, bến bãi nào chẳng hiu hắt giống nhau mà đất đai lại của người Chàm…Thấy ông này thượng thông thiên văn, hạ thức địa chí, trung trí nhân sự nên gã đành bấm bụng hỏi rằng người Việt ta đến đây từ thưở tám kiếp nào. Như đợi dịp này từ…kiếp trước, ông được thể rút tờ giấy trong túi dết đưa cho gã.

Gã lóng chóng rị mọ:

“Người An Nam dọc theo bờ biển từ Hải Phòng xuống Quảng Nam có hàng chục làng Cổ Trai, có tên mà không có đất, những làng này lênh đênh trên thuyền, trên sông trên biển, khi tan khi hợp. Tên chữ là “Kẻ Chài”, chữ Hán gọi là Cổ Trai. Rồi từ cả chục làng có tên chung gọi là Cổ Trai ấy, họ theo thuyền người Hoa vào sâu đất liền của người Chàm, dọc theo bến sông từ cực nam đến cực bắc, họ mua năm sào đất lập đền Quan Thánh, thờ hai vị quan nhà Minh. Họ mua một mẫu hai sào lập Tổ Đình. Họ lập làng xã theo khuôn mẫu của người Hoa, mỗi ranh giới thôn, ấp dựng chùa, đền để làm mốc, chạy dài xuống cửa biển và lập lên làng Cổ Trai. Từ làng Cổ Trai trên đất liền họ phát triển dần dần theo thời gian để thành “phố An Nam”, gần “phố Nhật”, “phố người Hoa”.

Có được tư liệu “chính sử” phố Nhật, phố người Hoa, gã tầm chương trích cú thêm:

“…Thương gia Nhật từ Nagasaki tới Hội An gồm các đại tộc Chaya Shiroku, Yashishiro, Sotaro họ làm ăn phồn thịnh nên được nhiều chức phẩm. Giống nhiều người quan ngoại làm quan cho nhà Nguyễn thời ấy, như Samuel Baron vì vậy mới viết quyển “A Discription of the Kingdom of Tonqueen”. Vannier và Jean-Baptist Chaigneau là hai vị quan nhất phẩm của vua Gia Long (xem Faifo theo Voyage from France to Cochi-China của Captain Rey trang 11 –  phấn phụ đính). Có một dạo người Nhật làm “thị trưởng” Hội An là Simonosera, cũng là chủ nhân con tầu Furamoto. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhận một người Nhật tên Di Thất Lang làm con nuôi. Đồng thời nhiều người Việt lập gia đình với những người Nhật trên như bà Ngụy Cửu Sửu, Võ thị Nghị và theo họ vê nước.

Sau đó không rõ năm nào, một thương gia cũng là hòang thân Nhật tên Araki Shutaro, mang 9 thương thuyền đến cửa biển Đại Chiêm này mà họ gọi là Đông Phố (không phải là Đông Phố hay Phố Hiến trước kia hoặc Đông Phố hay Gia Định sau này). Ông mang theo quà của vua Nhật gửi tặng nhà Chúa như gươm dài và dao lớn. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong cho ông tước hầu, đổi tên là Nguyễn Toro, hiệu Hiển Hùng và gả trưởng nữ là quận chúa Ngọc Liên cho Araki Shutaro để giữ giao hảo với Thiên Hòang đương thời.”

Khi không gã ngồi cắn bút và chợt u hoài về quận chúa Ngọc Liên với ông chồng Nhật. Bà theo ông về Trường Kỳ, sau ông Araki Shutaro một mình trở lại phát triển thương điếm và không bao lâu mất ở đây. Quận chúa Ngọc Liên mang tên Nhật là Anio và rất được người Nhật ở bản quốc mến mộ. Khi mất, quận chúa được thờ cúng trong đền Daiongi. Đất khách quê người, bà cũng lặng lẽ nằm xuống để rồi hai mộ chí, một nằm đơn độc bên này bãi vắng, một u tịch bên kia biển đông. Một người cố quận Hội An, cảm hòai xa vắng về quê ta xa mãi bên kia biển và có một bài thơ: “Hiên chùa cỏ mộ ban sơ, vọng âm vô lượng chia bờ cõi em, con đường “Phải Phố” Hội An, ta ra biển ngóng ngày tang bồng về”.

Với “Ngày tang bồng về…”, gã định mượn bốn câu này thay cho phần kết. Nhưng vẫn thấy có gì trống vắng và lạc lõng, vì qua chuyện gả bán với đất đai. Bấy lâu nay tha nhân chỉ hòai cảm đến công chúa Huyền Trân cùng cuộc tình với tướng quân họ Trần. Và hững hờ quên đi chuyện củi lửa sài giang, sài thị, của quận chúa Ngọc Khoa ở bến Đại Chiêm, quận chúa Ngọc Vạn  tại Mô Xòai.

Nhưng ấy là chuyện sau, gã lại vật vã những gì đang dở dang, dang dở:

“…Chẳng bao lâu sau, Nhật bế quan tỏa cảng, đạo thiên chúa bị Mạc phủ Tokugawa ngược đãi, nên họ kéo về đây càng ngày càng nhiều. Bà thứ phi của chúa Tiên là người đầu tiên trong dòng họ Nguyễn theo đạo Ki-tô. Vì vậy, chúa Sãi đặc ân cho những thừa sai công giáo người Nhật được lánh nạn ở đây. Họ đã lập nên Dòng Tên rất lớn và cũng là nơi gặp gỡ của các tu sĩ công giáo người Bồ Đào Nha (3), Tây Ban Nha và Pháp trước khi vào Phú Xuân gặp nhà Chúa. Họ kéo thêm thuyền buôn của người Nam Dương, Anh, Ý và ngay cả Hoa Kỳ, có lúc lên tới 6.000 người. Trong khi Thăng Long lúc ấy chỉ có 40.000 cư dân. Sách “Đại Nam Thực Lục Tân Biên” viết: Bấy giờ nhà Chúa trấn trên 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm minh, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hoi giá, không trộm cướp. Thuyền buôn nước ngoài đến nhiều. Trấn trở nên đô hội lớn….”

Gã mồi điếu thuốc và cân, đo, đong, đếm:

“…Hội An buôn bán tấp nập với thổ sản cau khô, quế, hồ tiêu, yến sào cù lao Chàm, các loại tơ sống, lụa. Ngươi Nhật thường mua nhựa chương não, xạ hương. Người Bồ Đào Nha mua hắc đàn, trầm hương. Người Hòa Lan mua tơ lụa, vàng. Người Trung Hoa mua kỳ nam, ngà voi và…thuốc phiện

Giáo sĩ Christojoro đã cư trú ở Hội An và mô tả thành phố này như sau: “Thành phố rộng rãi, nên có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực phía tây mà người Tầu lập lên phố đầu tiên đặt tên là phố Đường (4) và được gọi phố Trung Hoa. Khu vực phía đông được gọi là phố Nhật Bản với bốn phố là Mania, Phnonpenh, Ayuthya, …(?).

Nhà Thanh chiếm Trung Hoa vào thời chúa Nguyễn Phúc Lan, công thần nhà Minh kéo về vùng này càng ngày càng đông, trong đó có “Tam Công” là Tầy Quốc Công, Ngô Đình Công, Trương Hoành Công mua mười bốn mẫu rưỡi đất ở giữa Cấm Phô và Thanh Hà, dựng Cấm Hà Cung. Người Nhật cũng vậy, họ mua 20 mẫu ruộng của làng Hoài Phô và An Mỹ lập nên khoảng 60 căn nhà với 300 Nhật kiều và được gọi là “Tùng Bản Dinh” (5). Theo thời gian, hai khu phố Hoa, Nhật trở thành Hội An, Hội từ chữ tụ hội, An ở chữ an bình. Nhưng không an bình được lâu, Hội An có những bước thăng trầm qua cuộc chiến Trịnh – Nguyễn. Gió thổi chiều nào theo chiều ấy, có lúc Hội An ngả về phía nhà Tây Sơn, có khi nghiêng về phía nhà Nguyễn và sau bị nhà Tây Sơn tàn phá (6).

Ngay chính với cái tên cũng lên xuống như nước thủy triều, lúc đầu có tên là Lâm Ấp Phố. Dựa theo bản đồ của Alexandre de Rhodes, ghi chú là Hai Phố. Người Hoa phát âm là “Phai Phố” hay “Hải Phố”. Thêm giai thoại có ông Tây, khi tới khu phố cổ Hội An hỏi: Faifo? Nghĩa hải phố không? (xem Faifo trang 11 –  phấn phụ đính), sau được gọi là “Phải Phố”. Gần đây quachữ nghĩa, có những tên tình tự là Hòai Phố hay Phố Hoài hay Hội Phố…”

Đọc đến đây, ông John Barrow  vừa vân vê cái tẩu thuốc vừa nhấm nhẳng:

Chẳng dám võ đoán chứ tiên sinh bộc bạch cứ như…thật vậy. Cứ theo sách “Hành Trình và Truyền Giáo Ký Sự” của Alexandre de Rhodes có viết: Thành phố đang phát triển này người Nhật gọi là Faifo. Rõ ra Faifo là tiếng Nhật là Đông Phố, hiểu theo nghĩa thành phố ở hướng đông, thưa tiên sinh.

         Gã nhủ thầm: Ông này đúng là rỗi hơi, mà chắc gi tư liệu của ông đã đúng, họ gọi sao gã viết vậy. Vậy thôi. Thấy ông là người Hòa Lan, gã bèn…”gọi” cho ông một chai bia Heinerken để gã rảnh rang…”đánh vật” với những cái tên khác:

“…Như trên đã đề cập vì nhu cầu củi và nước ngọt cho thương thuyền ngọai quốc và cho chính mình. Chúa Nguyễn lập ra “chợ củi” ở Trà Nhiêu, nhưng vì nhỏ hẹp, trong khi dưới có một giải nước lớn và sâu hơn, đó chính là cửa Đại Chiêm. Từ đó, nhà Nguyễn lập nên chợ củi ở cửa biển này và được gọi là Sài Thị và con sông Thu Bồn là Sài Giang. Nhưng cả hai tên này chỉ tồn tại một khỏang thời gian ngắn rồi biến mất, tuy nhiên bản đồ của nhà Nguyễn, ngay cả nhà Lê, vẫn còn tên và dấu tích của hai địa danh trên. Tiếng Hán, “sài” là một vùng tiếp tế củi và nước cho ghe thuyền.

Trở lại chuyện chúa Sãi (1620) gả quận chúa Ngọc Vạn cho Miên Vương Chey Chetta II. Miên vương tặng chúa Nguyễn Phúc Nguyên đất Đồng Nai (Biên Hòa) làm quà cưới. Đồng thời ba năm sau cho phép di dân người Việt được di dân vào đất Mô Xòai (Bà Rịa) để khai khẩn đất hoang. Theo sử của người Miên quận chúa Ngọc Vạn được phong là Hòang Thái Hậu, sinh được một hòang tử tên Chei Chetta III. Vua Chei Chetta II băng hà, vì Miên triều sợ một người Miên gốc Việt lên làm vua, nên ít lâu sau thái tử Chey Chetta III bị sát hại trong một chuyến đi săn của hòang gia. Buồn phiền vì con mất, bà Ngọc Vạn về Mô Xòai xuống tóc quy y một thời gian, sau giúp dân từ Mỏ Xoài đến Đông Phố canh tác và phát triển vùng này và được gọi là “cô Chín”. Bà mất ở đâu, khi nào sử nhà Nguyễn không nói tới…(7)”.

Gã định lý sự với ông là: Từ chữ “Phố”, từ địa danh Đông Phố, từ cù lao Chàm của Quảng Nam vào đến phủ Gia Định (tên do Nguyễn Hữu Cảnh đặt) vùng đất mới có những cái tên tương tự như Đông Phố, Nông Nai Đại Phố, Cù Lao Phố. Thế nhưng ông Tây đang “vật lộn” với chai bia nên gã như cánh bèo dạt nổi trôi theo dòng sử Việt:

“…Tiếp đến năm 1631, chúa Sãi gả quận chúa Ngọc Khoa cho Chiêm vương Po Romé (Người Chàm gọi quận chúa là Po Bia Út và tước hiệu là hoàng hậu Akaran) để đổi lấy tỉnh Phú Yên và cho mở rộng cửa Đại Chiêm. Sau này hải quân nhà Nguyễn vào đến vùng Bàn Lân (Cù Lao Phố) và xây thành Phiên An. Họ cũng dựa theo mô hình Hội An, họ lập môt chợ củi rất lớn tên Sài Thị để đáp ứng nhu cầu cho chính mình, vừa cung cấp gỗ củi cho kinh đô, việc buôn bán giao cho người Hoa để thâu thuế. Người Hoa kêu Sài Thị là Tai Gon. Nhưng cư dân ở đây gọi tên dân giã là bến Củi.

Sau công chúa thứ ba của vua Gia Long là Nguyễn thị Ngọc Anh cũng vào đây và vua Gia Long đổi tên Sài Thị là Sài Côn.

Vì khu đất Sài Côn có rất nhiều cây gòn bao gồm cả vùng Chợ Lớn sau này nhưng khi ấy chưa thành hình. Bằng vào một chợ củi của hải quân nhà Nguyễn, thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố là đô thị cổ xưa, một thương cảng sầm uất của phương Nam và không ít thì nhiều:

Sài Gòn đã mang dấu ấn của Hội An với sài thị và sài giang.

Rõ ra khúc này rối rắm quá sức, ngừng lại một chút cho đỡ nhức đầu, bỗng nhiên ông Tây ngoắc tay gọi hai chai Heinerken nữa. Gã chắc mẩm ông ta muốn đối ẩm với mình chi đây thì khi không ông lẳng lặng tu một chai. Còn chai kia ông buồn tình bỏ vào ….cái túi “dết”. Thế mới quái…

Vẫn ung dung nhàn hạ, ông Hòa Lan chỉ cho gã bức tranh thứ ba tên “Một nhóm người Cochinchina” nhưng không ghi chú gì. Gã chỉ thấy một nhóm người Chàm chung quanh một người đàn bà quý phái. Đàn ông, đàn bà Chàm đều quấn khăn. Ngồi xa người đàn bà qúy phái là một người Chàm đeo gươm cong. Đứng cạnh người đàn bà là một ông quan An Nam cầm lọng, ngực đeo thẻ ngà, đầu đội nón chóp. Riêng bà quý phái đầu đội nón quai thao trấn Kinh Bắc, tay cầm quạt Bắc và mặc áo choàng dài ba lớp khác nhau mầu sắc. Gã định hỏi xem có phải là hoàng hậu Akaran – Ngọc Khoa không?.

Ông mải mê ực bia không trả lời, gã “sưu khảo” tiếp:

“…Nói đến Hội An thì phải nói đến cầu Nhật Bản (8) là một biểu tượng của Hội An, chùa được xây vào khoảng năm 1617 thuộc kiểu “thượng gia hạ kiều”. Cầu rộng 3 thước, dài 18 thước, trên có mái âm dương thường vẫn thấy ở đồng quê bên Nhật, dưới có lối đi và những bệ nhỏ dành cho khách qua cầu. Trong thờ tượng Bắc Đế Trấn Võ cưỡi long câu. Hai đầu cầu có tượng hai con chó ở phía đông, hai con khỉ ở phía tây bằng gỗ đầu đội bát nhang. Theo truyên thuyết người Nhật đặt 2 linh vật ở đầu cầu để thờ “Linh phù thủy khấu” là vị thần biển phù hộ cho người đi biển tránh bị…cướp biển tức con Câu Long theo tiếng Hoa hay con Cù theo tiếng Việt…”.

Gã định viết tiếp có một thuyết khác cho rằng có khỉ và chó vì cầu xây từ năm thân, xong năm tuất. Vừa lúc gã thấy ông cười tủm: “Tiên sinh biết nhiều quá nên chẳng…biết gì cả”. Gã ớ ra vì nghĩ ông…say. Thế nhưng ông lại cắc cớ thêm: “Xin đợi hồi sau sẽ rõ”. Gã vẫn chưa thông, ông nhồi thuốc vào cái ống vố cả một hồi lâu, bỗng đổi đề tài: “Xin mạo muội hỏi tiên sinh chứ con Cù là con gì?”. Không đợi gã trả lời, ông nhì nhằng: “Con Cù là con rồng đất, thưa tiên sinh”. Được thể gã lại gò lưng với…cái cầu: ”…Năm 1831, Minh Mạng 12 đặt tên là Lai Viễn Kiều…”. Thấy vậy, ông Tây tháo cái kính tròn vo ra lau lau và nhấm nhẳng: “Xin trình với tiên sinh rằng năm 1719 chúa Nguyễn Phước Chu ghé Hội An, đặt tên cầu là Lai Viễn Kiều, chiếc cầu của những người từ phương xa tới…và bút tích vẫn còn đấy“.

Tiếp, ông mồi lửa, đeo kính lại và khật khừ với “tác phẩm” của gã:

“…Hội An được hình thành, người Hải Nam lập chùa Hải Nam, người Quảng Đông với chùa Ông, người Phúc Kiến với chùa Hoa. Chùa Bà Thiên Hậu, vị thần bảo hộ những người đi biển. Chùa Ông Bổn tức ông Bổn Đầu Công Trịnh Hòa, người có công giúp người Hoa di dân ra nước ngoài. Với người Việt, đặc thù là với dấu ấn, văn bản, thư tịch. nhà từ đường qua kiến trúc cổ xưa đà ngang, đà dọc đều được trạm múc chìm và múc tròn, với dấu ấn của con cù của Nhật trở thành hình tượng trên kèo chống và được kêu là kèo cù. Biểu tượng là nhà hình ống có khi thông qua cả hai phố. Những mái âm dương “thừa lưu” chồm ra sân sau và gần như nhà nào cũng có giếng cổ từ mấy thế kỷ trước…”

***

“Tác phẩm” vừa hoàn tất, gã hâm hâm hỏi ông John Barrow và cũng bắt chước ông nói chữ: “Tiên sinh thưởng lãm văn bài sao? Có hợp tôn ý chăng”. Ông nheo mắt trả lời cụt ngủn: “Được”. Gã nhủ thầm: Quái, phải nói là hay mới đúng nên hỏi gặng: “Vậy “hay” với “được” khác nhau thế nào, xin tiên sinh chỉ giáo cho”. Ông Tây gục gặc cái đầu: “Tiên sinh viết được. Nhưng không viết thì…hay hơn”. Ngỡ nghe lộn, thê nhưng không, ông nấc cục một cái rồi khật khừ: “Giả sử tiên sinh là bạn đọc. Tiên sinh ngẫm xem, bài vở gì toàn tên nhân vật, địa danh, niên kỷ, đọc trước quên sau thì ông cố nội ai mà nhớ nổi. Nốc hết chai bia, ông Tây lè nhè: Ấy là chưa kể tiên sinh kê khai thổ sản Hội An như kê thang thuốc Bắc ấy với chương não, kỳ nam, hắc đàn thì có…ma nó đọc.

Gã thầm lầu bầu là ông này say thật! Hay là…ma cũng nên?

***

Thế nhưng gã vẫn buồn…bâng khuâng. Buồn thì gã nhìn ra ngòai trời u ám và hòai cảm đến âm hưởng một dòng nhạc…mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, mưa vẫn mưa bay cho đời biển động. Lại lãng đãng với mưa Hà Nội, mưa Sài Gòn, ngước mắt nhìn lại bức tranh “Nhìn Xuống Phố Cổ” với những bức tường loang lổ, mái âm dương rêu phong ẩm ướt…Bất chợt ngừng lại ở cái cột đèn, căn nhà hình ống sâu hun hút, đằng sau là một mảng mầu xám nặng chĩu với những ký ức xa gần….Gã lại vấn vương về những căn nhà không số ngõ không tên ở đầu đường cuối phố nào đó. Nhất là trong một chiều với gió và mây…

Thấy ông John Barrow gục đầu xuống bàn ngủ vùi từ lúc nào. Buồn tình gã lại đẩy đưa thêm chữ nghĩa với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng:

“…Nhà Tây Sơn đánh nhau với nhà Nguyễn, tướng của nhà Nguyễn là người Minh Hương nên nhà Tây Sơn tàn phá Hội An. Vì vậy có nghi án cho rằng nhà Tây Sơn “thù” người Minh Hương, nên khi nhà Tây Sơn đánh chiếm chợ Cù Lao Phố, họ giết 3000 người xác thả trôi sông. Vì vậy người Minh Hương kéo nhau về đất Sài Côn có bến Củi lánh nạn và lập nên phố chợ Đề Ngạn. Hai chữ Đề Ngạn, giọng Quảng Đông phát âm là “Thầy Gòn”. Mãi cho đến khi hải quân Pháp từ Vũng Tầu đổ bộ lên bến Củi. Rồi lập trại binh Đồn Đất để sau trải rộng ra với phố xá. Năm 1861 người Pháp từ “Sài Côn” với “Thầy Gòn” đặt tên là thành phố Sài Gòn. 1954, vua Bảo Đại đặt tên là đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Hay nói khác đi tên Chợ Lớn chỉ mới có đây, thay cho tên chợ Bình Tây được ông Quách Đàm xây cất vào năm 1928. Vô hình chung Sài Gòn phát sinh từ chợ Cù Lao Phố xưa kia ở Biên Hòa mà ra…”

Gã định lay lay ông dậy xem khúc cái tên Sài Gòn “dầu do tiếng nào phiên âm ra chăng nữa” thì bây giờ cũng đã đi vào…cổ sử rồi. Thì thấy ông John Barrow bỏ đi lúc nào gã cũng chẳng hay. Gã nhìn ra ngoài cửa kính, gã nhìn thấy một đoàn tăng lữ già đi về phía chùa Câu. Họ mang guốc mộc quai rơm, mặc áo bào trắng dầy bên trong, bên ngoài lớp the nâu đen mỏng. Trái áo có thắt miếng vải nhỏ bắt cheo và buông thõng. Gã nghe hơi nồi chõ ấy là đoàn người từ Nhật mới qua để thăm phần mộ tổ tiên và trấn huyệt cho cả xứ Nhật vì khe nhánh sông Thu Bồn (9) ngay tại Chùa Cầu chính là cái đuôi con thủy quái Mamazu và cái đầu nằm ở nước Nhật. Các nhà sư đến Hội An hôm nay để trấn huyệt con thủy quái đỡ vẫy đuôi, nước Nhật đỡ bị động đất này nọ.

Ngó quanh ngó quất thấy cái túi dết ông John Barrow để quên lại, gã xếp chồng bản thảo bỏ vào túi và rời quán Phố Xưa định ra chùa Cầu xem trấn yểm nhưng đoàn sư Nhật lại ra thăm phần mộ tổ tiên của họ trước. Ngày mai gã rời phố thị, thế nên gã theo dấu họ tới khu di tích mộ chum đất của người Chàm xưa xem một lần cho biết vì ắt hẳn là nhiều…chum vại lắm. Trên đường đi gã nghe thấy tiếng trẻ con reo hò “Có dị nhân xuất hiện dưới mé sông”. Gã làm như không nghe vì gà ngán ngẫm ông Tây già này quá đỗi, vì ông ta chỉ được cái nết khoa trương cái “kiến thức đóng hộp” của ông ta và bắt bẻ chê bai là không ai bằng.

Sờ bên ngoài cái túi “dết”. Gã thấy chai bia u lên cồm cộm…

Thế là gã bỏ đi…và cắm cúi bước dọc theo bờ biển tới khu di tích cổ xưa trong một chiều trên bến vắng như chẳng thấy…cái chum nào, ngay cả mảnh sành cũng không mà rải rác đâu đây chỉ là những nấm mộ chơ vơ, cấu trúc với những sắc thái riêng biệt từng bản tộc. Nhìn quanh gã cũng thấy những thương nhân người Nhật cũng chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai với tên chữ Nôm là Nước, Mặn và vợ Việt là Lan, Nụ. Ngoài ra còn có hai ngôi mộ ông Hanjiro và Banjiro với kiến trúc hoàn toàn đặc thù Nhật còn đang yên vị ở đây dưới lùm cây có tàn có tán xanh tươi. Nơi chốn an nghỉ của người Nhật cũng khác lạ, mộ bia chỉ có tên và quê hương bản quán, mộ chí u lên tròn tròn như cái mai rùa và cái bia nhô ra ở đầu như cái…đầu rùa. Hay chi tiết hơn với ông Ngô văn Văn và Ngô văn Công, con của ông Shichirobei và bà Nguyễn thị Diệu qua hàng chữ: “Hiếu nam Văn, Công đồng phụng tự”. Gã lại hoài đồng vọng đến bên kia biển vắng, đất khách quê người nới chốn gã đang “tạm dung”: Mai này cũng sẽ có những nấm mồ hoang lạnh như thế kia ở nghĩa địa thành phố bên đường với những bia đá lưu danh ẩn tích cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương bằng vào những cái tên “Micheal Nguyễn”, “Tony Trịnh”…

***

Định quay về để sửa soạn hành lý, ngày mai rời phố thị thì đập chát vào mắt gã là một cái bia đá sần sùi cao hơn gã. Buồn tình gã đứng ngay thuỗn và rất thành kính, gã ngửng mặt lên lẩm bẩm đọc bút tích của người quá vãng để lại nhắn nhủ người sau gì đây. Đọc xong gã chẳng hiểu gì sất cả…Vì giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem, người quá cố đã dựng bia và gửi gấm dòng chữ như thế này đây:

–  Khi xưa tôi cũng đứng đây như bạn. Mai này bạn cũng…đứng đây như…tôi.

Chẳng cần ông giời xuống xem, gã cũng có mắt vậy. Và gã nhòm xuống một cõi đi về thấy tên thật thân quen và quen lắm:

John Barrow.

Thò tay vào cái túi “dết”.  Gã thấy cồm cộm và cái u u lên ấy còn mát lạnh…

Thạch trúc gia trang

         Xuân phân, Tân Mão niên

        Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn được góp nhặt từ: Trần Gia Phụng, Phan Khoang, Nguyễn Đình Vượng, Nguyễn Khắc Họach, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê văn Hảo, Nguyễn văn Xuân, Trần văn An, Đặng thị Hường, Nguyễn Đạt, Đỗ Bang, Hồ Trung Tú, Nguyễn thị Chân Quỳnh, Nguyễn Tường Bách, Lê Kim Anh, Hoa Ngô Hạnh, Nguyễn Qúy Đại, Việt Nguyên, Phạm Thành Châu, Lê văn Đức.

 

***

 

Faifo

Theo Voyage from France to Cochi-China của Captain Rey, người Pháp vào năm 1819. Captain Rey :

“Vịnh Tourane đã được ghi lại trong chuyến Hải trình đến Trung Hoa năm 1972 của Lord Macartney. Nay tôi vẽ lại chính xác hơn và thêm một đường bờ biển từ sông Hội An (Fai-Fo) đến đảo Tiger gân Huế.

Hội An giống như một đại thương xá bên Ấn Độ Thành phố gồm mọt con đường thật dài Dân số khoảng 60.000 người, trong đó 1/3 là người Trung Hoa. Những thuyền lớn của người Trung Hoa, gọi là “sommes” trọng tải 600 tấn đến Fai-Fo hàng năm”.

Như vậy tên Hội An hay Fai-Fo đã có từ năm 1820 thời vua Gia Long.

Trước cả ông Tây thuộc địa nào đó đã hỏi “Faifo?”, hiểu theo nghĩa là “Phải phố không?” chỉ là…giai thoại. Vì khi Captain Rey đến Việt Nam vào thời vua Gia Long chỉ có duy nhất 2 (hai) người Pháp làm quan cho triều đình nhà Nguyễn thời ấy là ông Jean-Baptist Chaigneau (tên Việt là Thắng) và ông Vanier.

(Nguyễn Duy Chính – Cuộc hành trình từ Pháp đến Việt Nam)

 

***

 

Phụ chú:

1 – “Quảng” là rộng rãi và “Nam” hiểu theo nghĩa là phát triển đất đai về phía nam. .

2 – Bắc Hòa, Nam Hòa: “Bắc” là người Hoa và “Hòa” là người Nhật.

3 – Năm 1615 giáo sĩ Francesco Buzzoni (1576-1639) và Diego Carvahlo người Tây

Ban Nha đến Hội An truyền giáo. Kế là giáo sĩ Francesco de Pina (1585-1625) người Bồ Đào Nha đến Hội An các năm (1616-1617) và (1620-1623), ngài thông thạo tiếng Việt và là người đầu tiên biên soạn tiếng La tinh ra Việt ngữ. Sau mới đến người Pháp là Alexandre de Rhodes (1583-1660) tới Hội An năm 1624 cho in tự điển Việt ngữ-La Tinh Dictionnaire Annamite Portugais Latin và cuốn giáo lý vấn đáp Catechismeannamite et Latin. Giám mục d’Adran (Bá Đa Lộc) phụ đính, giám mục Tabert biên soạn thành bộ Dictionnaire Annamnitico Latatinum.

4 – Thiệu Trị 1841, người Quảng Đông lập thêm đường Tân Lộ. Tự Đức 1864, sát nhập làng đánh cá Cổ Trai vào Hội An, người Việt cũng làm thêm đường song song đường trên.

5- Theo bức “Giao Chỉ Quốc Mậu Dịch Độ Hải Đồ” của Chaya Shinkoru hiện lưu trữ ở đền Jomyo thì khu đất này được gọi là Nhật Bản Dinh. và “Dinh” đây theo tiếng Nhật là “Phố xá”.

Trong hải đồ Tùng Bản Dinh vẽ 3 ngôi nhà cao 3 tầng của dòng họ Chaya ở Owari-Nagasaki.

6 – Nhà Trịnh đánh Phú Xuân, chúa Nguyễn chạy vào Hội An. Tướng nhà Trịnh là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) ghé Hôi An làm một bài thơ dài khắc trên bức hoành phi nay còn treo ở chùa Ông. Nhà Trịnh đánh nhau với nhà Tây Sơn và đuổi Nguyễn Nhạc ra khỏi Hội An. Hội An có một khoảng thời gian là kinh đô tạm thời của nhà Tây Sơn.

7 – Sãi vương tức Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) khi trấn nhậm Quảng Nam có 4 công nương theo thứ tự là công nương Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Ngọc Đỉnh. Sử ta không chép, nhưng theo sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên sọan có ghi sự tích chồng con như năm 1929, chúa Nguyễn gả con gái út Ngọc Đảnh cho Mạc Cảnh Vinh sau được đổi qua quốc tính Nguyễn Phúc Vinh, con Mạc Cảnh Huống, để mở rộng đất Trấn Biên. Rồi đến Ngọc Liên…Riêng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, sử ta chép là “khuyết truyện”, là không rõ tiểu truyện chồng con thế nào. Năm 1995 qua gia phả Nguyễn Phước Tộc, sử gia Trần Gia Phụng dành một chương “Ai đưa công chúa sang sông” minh chứng được việc lấy chồng của họ:

8 – Năm 1695, sư Thích Đại Sán tới đây nhận chúa Nguyễn Phước Châu làm đệ tử và viết sách Hải Ngoại Ký Sự, gọi Hội An là Quảng Nam Quốc và cầu là Nhật Bản Kiều.

9 – Thu Bồn là tên một nữ thần người Chàm. Người Việt thờ cúng bà vào ngày 12 tháng chạp mỗi năm và gọi là Bồ Bồ phu nhân.

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search